Vật đổi sao dời

Tháng Bảy 24, 2009 at 8:48 sáng 52 bình luận

Dành tặng DL và Hạnh

Chiếc xe Camry ba chấm không, đời mới, vọt lẹ trên khoảng trống đất đỏ giữa bạt ngàn rừng cao su chợt khựng lại khi vị đạo diễn phẩy tay quả quyết:

-Đến rồi!

Tôi ngỡ ngàng nhìn vệt đường nham nhở ngắn cun củn đang bụi mù như lốc cuốn. Đây mà là phi trường Lộc Ninh lừng lẫy một thời đó ư? Đâu rồi đường băng hun hút từng nuốt chửng cả đoàn trực thăng lẫn phi vận hạng trung chuyên chở tù binh hai phía. Không còn gì cả, xanh ngăn ngắt những vạt đồi cao su trùng trùng, điệp điệp, phi trường giờ chỉ còn là một phế tích hoang vắng. Dường như đoán nhận được ý nghĩ đầy cảm xúc của tôi, vị đạo diễn từng là lính văn công này phẩy tay còn mạnh hơn:

-Không sao cả, ông hãy dựng cho tôi trường đoạn trao trả tù binh thật hoành tráng. Tôi sẽ lo đủ được máy bay, tàu bò. Thật hoành tráng hiểu không!

Tôi thở dài thườn thượt. Chuyến đi thực tế này tôi có nhiệm vụ viết một kịch bản chiến tranh tái hiện lại chiến dịch đường 14- Phước Long, giải phóng tỉnh Bình Phước năm 1975. Vốn là lính cao xạ B2 từng chiến đấu ở vùng đất này nên tôi vô cùng hào hứng. Mấy ngày qua chúng tôi quần đến mệt lử với dấu tích những vùng chiến trường cũ. Đang miên mải với những ý nghĩ xốn xang của hồi ức thì vị đạo diễn lại cắt ngang:

-Thế nhé, ông nhớ là phải viết thật hoành tráng. Bây giờ chúng ta đi chọn bối cảnh tiếp. Đi làng 7.

Làng 7, một địa danh chẳng một tẹo ý nghĩa gì nếu ai chưa từng sống ở đó. Nơi đây là căn cứ của nhiều đơn vị chủ lực miền. Ngay sau khi cùng đơn vị tràn vào giải phóng tiểu khu Phước Long đầu năm bẩy nhăm, tôi bị một trận sốt rét ác tính quật quỵ. Từ chiến trường còn vương khét mùi bom súng, mùi tử khí, tôi được đưa về làng 7 Lộc Ninh, nơi đặt bệnh xá sư đoàn. Mất đến tuần lễ nửa mê, nửa tỉnh, tôi mới phần nào phục hồi trí nhớ. Cũng phải mất ngót nghét tuần lễ nữa tôi bắt đầu gượng được ra khỏi sạp lán điều trị, nhưng thân hình lực lưỡng sáu chục ký lô giờ chỉ còn là một bộ gọng thảm hại, chân tay đờ đẫn lẩy bẩy như bé Tròn trong cổ tích. May mắn và hồng phúc, tuổi thanh xuân và sự sống tiềm ẩn của sức trai đôi mươi khiến tôi nhanh chóng vượt qua bệnh tật. Sốt rét có lẽ là thứ bệnh khiếp đảm nhất dành riêng cho chiến tranh. Lính tráng ai cũng phải qua nó và có một số không nhỏ chẳng bao giờ thoát ra nổi. Nằm viện chừng được hơn một tháng, dù còn rất yếu nhưng một biến cố buộc tôi phải rời bỏ bệnh xá lần tìm về đơn vị đang thọc sâu theo đường 14 đánh Chơn Thành, Bình Long. Nỗi ám ảnh ngày đó đã trở thành cơ may giúp tôi xua đi được nỗi phấp phỏng của một kẻ tụt sau.

Bây giờ, tôi đang ở làng 7, đúng nơi đặt bệnh xá. Ba mươi năm, vật đã đổi, sao luôn rời, tôi bồi hồi lục lọi ký ức đã đóng tảng cố tìm lại từng mảnh nhỏ vụn vỡ để ghép lại bức tranh đời dạo ấy. Những căn hầm lán điều trị năm nào đương nhiên là không còn. Tôi phăm phăm đi theo con dốc nhỏ, nơi từ lán điều trị đến nhà ăn của bệnh xá và từ đấy dẫn xuống một khe suối nông và nhỏ hẹp nhưng lúc nào nước cũng lấp lánh chảy tràn đủ cho đám lính tráng bệnh nhân tắm táp thoải mái. Con suối vẫn còn, bất chợt đế giầy của tôi trượt trên một viên sỏi nhỏ khiến tôi mất đà ngã nhào. Thược thần chết! Bao nhiêu năm nay tôi chưa bao giờ quên nổi anh dù ký ức đã bị thời gian giăng bức màn mịt mùng vì trí não hoá thạch. Chính tại chiếc dốc con này, hàng ngày tôi dìu Thược xuống bếp và thi thoảng đưa anh xuống suối lau rửa, giặt giũ. Thược là bệnh nhân thu dung, anh bị sốt rét mãn tính, lá lách to độ bốn, không thể di chuyển xa được. Tóm lại, Thược nằm chết dí tại bệnh xá không ra Bắc hưởng chế độ được đã đành, cũng không thể trở về đơn vị chiến đấu. Mọi người ở bệnh xá gọi anh là Thược thần chết. Mà đúng như vậy, Thược tồn tại được phụ thuộc vào sức mạnh tàn vét của bản năng và sự sắp đặt lần lượt của một thế lực siêu hình trong đó thần chết là đại diện toàn quyền hơn là ý chí của khát vọng sống. Nom Thược vô cùng kì dị. Quân phục vi ni lon B2 xanh lam thùng thình. Chiếc đầu rụng tiệt tóc to quá khổ so với thân hình gầy còm nom như đầu chim sẻ bị vặt trụi lông trước khi ném vào chảo. Nước da nhờn nhợt nhăn nhúm chịu chết không đoán được tuổi. Tay khẳng như một cành sậy luôn bám chặt chiếc gậy chống bằng một đoạn thân cây mì ( sắn) khô. Chẳng hiểu sao tôi thân ngay được với Thược. Đám bệnh nhân vào vào, ra ra ào ạt, ai cũng biết anh nhưng ít ai để ý thân cận. Lúc tôi gượng dậy được, nhích nhắc xuống bếp ăn, chính Thược là người chủ động gợi chuyện làm quen với tôi. Hoá ra Thược cũng là người Hà Nội. Anh hơn tuổi tôi nhiều, thâm niên chiến trường cũng lắm, từng đánh vào Sài Gòn dạo Mậu thân. Thường thì Thược kiệm lời, thỉnh thoảng mới nhát một mở miệng, đa phần là chửi. Độc một câu, không lần nào khác lần nào:

-Bọn muỗi hôi thối, đù mẹ!

Thược rất cay cú chuyện này. Cái chết đến chầm chậm khắc khoải từ những con muỗi nhỏ xíu khiến Thược luôn nổi điên. Nhưng nếu chỉ có vậy thì ấn tượng về Thược trong tôi chắc chắn không nhiều, và bây giờ có lẽ tôi không thể nhớ nổi ra anh. Tôi nhớ Thược về chuyện riêng rất lạ của anh, bắt đầu là từ nhà bếp. Dạo đầu bẩy nhăm đường mòn đã thông tuyến nên đồ ăn thức uống không thiếu như dạo trước nhưng thực phẩm tiêu chuẩn không phải là nhiều. Thịt không còn là món lạ nhưng nó cũng hiếm hoi và hiển nhiên là lính tráng bao giờ cũng chỉ nhuốt nước bọt chết thèm. Mỗi bữa, trước giờ ăn Thược lần mò xuống nhà bếp ngồi đợi. Khi đám anh nuôi bê chiếc thùng quân dụng nghi ngút khói đặt ở hiên bếp thì Thược lò dò đến. Anh đã thủ sẵn chiếc hăng gô Mẽo hai đáy có nắp kín. Thược lấy muổng to hớt lớp mỡ phía trên ( cánh lính trạm xá gọi là hớt váng mều). Nguyên đây là thùng nước chấm có phi mỡ hành cho bữa ăn của cả bệnh xá. Lần đầu tôi ngạc nhiên lắm vì thấy chỉ mình Thược được vớt đầu tiên. Càng ngạc nhiên khi tôi phát hiện anh vớt được cả những miếng thịt mỡ to bản nóng hôi hổi. Sau thì tôi biết đó là đặc ân của bệnh xá dành cho riêng Thược. Tôi kinh hãi khi chợt liên tưởng đến một kẻ tử tội được ăn bữa tiệc nhân đạo cuối cùng trước khi ra pháp trường. Thì với Thược có khác gì. Tuy nhiên nếu thế cũng chẳng sao, ai cũng đều thương anh. Lính tráng khốn khổ vì bệnh tật vì thiếu thốn nhưng bao giờ cũng trắc ẩn trước những hoàn cảnh đặc biệt hơn mình.

Lần đầu, tôi đến bên thùng quân dụng nước chấm lồi mắt nhìn Thược khó nhọc hớt hớt lớp váng mỡ. Tôi sà lại gần giành lấy chiếc muôi định vớt giúp anh nhưng lập tức thấy người bị đẩy mạnh. Đã nói người tôi bấy giờ chỉ còn là xác gọng nên lập tức ngã nhào, bát sắt và thìa văng tung tóe. Những tàn đỏ, vàng hoa cà hoa cải bắn lốm đốm như pháo hoa. Định thần tôi thấy gã lính bộ binh nằm cùng lán, lẻo khoẻo chống tó (nạng), trừng mắt nhìn tôi.

-Thằng cao xạ, vào đến tận đây vẫn còn giở trò ăn trên ngồi trốc.

-Bọn muỗi hôi thối, đù mẹ!

Đó là câu chửi của Thược. Chính anh chìa tay định đỡ tôi khiến gã lính bộ binh ngượng nghịu phải lôi tôi dậy. Tôi đã hiểu.

-Em chỉ muốn giúp anh này.

-Biết rồi.

Thược gật đầu. Gã lính bộ binh cà nhắc bỏ đi. Tôi biết gã, lính của công trường 5 nằm bệnh xá trước tôi. Bộ binh ghét cao xạ là chuyện không lạ, vì chúng tôi hành quân cơ giới, cùng cảnh chiến trường nhưng điều kiện hơn nhiều. Báo hại cho tôi, gã đó hiểu lầm tưởng tôi giành phần hớt với Thược.

-Quê!

Thược hất hàm hỏi.

-Hà Nội.

Mắt Thược sáng lên. Đất thánh, đồng hương rồi, anh ở bang cò ỉa. Lò Đúc ấy mà, còn chú mày ở đâu. Bờ sông à, ối giời ôi nước lụt bỏ mẹ, dân củi rều tối tăm. Nào, nào…Tít mù, rinh rích, chuyện không đầu không đũa, huyên thuyên bát sách. Đấy là vì Thược quá vui mừng khi gặp đồng hương Hà Nội. Thược kéo tôi vào bếp ăn, hào phóng sẻ cho tôi nửa bát nước váng kèm theo một dải mỡ phần. Ngọt, thơm, bùi, béo lìm lịm chân răng, cuống lưỡi. Vừa dứt cơn sốt, vào cữ ăn giả bữa đang chết thèm đủ thứ được tận hưởng bát váng mỡ đặc, khoái tỉ thấy đời lên tiên sướng chẳng thể gì bằng.

Tôi thân với anh từ đó. Cứ đến bữa, tôi lại dìu Thược xuống chỗ nồi quân dụng. Có hôm Thược mệt, tôi vẫn được quyền hớt váng mỡ thay cho anh. Tất nhiên phần tôi mặc nhiên được chia sẻ hưởng thụ thứ thần dược ấy. Tôi biết không ai thèm ghen tị với tôi chẳng qua là nể Thược. Chính vì vậy tôi phớt lờ những ánh nhìn thiếu thiện cảm. Miếng ăn dẫu có phải đánh đổi vẫn có những giá trị của nó. Tôi gượng lại sức một cách nhanh chóng, bù lại tôi làm tất cả mọi việc có thể giúp Thược. Đưa anh xuống suối vài ngày một bận tắm táp kì cọ, giặt giũ áo quần. Tóm lại là chăm sóc phục dịch như một hộ lí tận tụy.

Nhưng nếu chỉ có thế thì ký ức của tôi về Thược quá đỗi tầm thường, không đáng để nhớ sâu, in đậm đến vậy. Có một chuyện xảy ra liền sau đó. Thược tự nhiên lầm lì bặt tiếng. Đến bữa, không đợi tôi, Thược tự mình đi lấy chiến lợi phẩm đặc ân. Anh cũng không san sẻ với tôi nữa, ăn uống qua quýt rồi khư khư chiếc hăng gô trong tay, chống gậy lỉnh đi rất lâu. Tôi đã khá lên, không mấy bận tâm vì cư xử của Thược. Một phần vì tôi đã lại người, lần đi khỏi trạm xá được khá xa. Khắp vùng này tôi không thiếu người quen rải rác ở các đơn vị để sục sạo đến đó kiếm được những món tươi khá khẩm hơn nhiều. Phần nữa tôi thương Thược, muốn bù đắp lại cho anh. Bao giờ kiếm được thứ gì tôi cũng dành miệng mang về phần cho Thược. Một hôm, Thược sốt không đi lại được. Anh dặn tôi xuống nhà bếp lấy suất ăn cùng hăng gô váng mỡ. Thược dặn dò kỹ lưỡng. Bí mật của Thược đã không còn giữ được. Tôi làm theo mệnh lệnh của Thược chu đáo. Đường không xa, nhưng sức Thược đến được đó quả là một cực hình. Tôi váng vất trước cảnh tượng nơi Thược vẫn đến. Một nếp chòi gianh tạm bợ. Dụng cụ sơ sài. Đứa nhỏ sài đẹn quắt queo như con chuột núi to bằng bắp vế chỉ chừng một năm tuổi. Thiếu phụ bơ phờ, mỏi mệt, ánh mắt buồn thảm u sầu. Hình dáng gầy gò khắc khổ. Duy có chiếc áo quân phục màu xanh cũ kỹ khiến tôi chú ý. Sau này thì tôi biết chị là một chiến sĩ biệt động của tỉnh đội Phước Long, vào sinh ra tử nhưng không may mắc khuyết điểm sinh hạ đứa con. Không khai nhận ai là cha đứa bé để chị phải nhận một án kỷ luật. Và mặc cảm lỗi lầm đã khiến chị trôi giạt về góc khuất của ngôi làng giải phóng này. Chị là một kẻ tụt tạt (đào ngũ).

Không biết bằng cách nào Thược mò đến được căn chòi rẫy ấy để phát hiện ra mẹ con kẻ tụt tạt. Cũng không biết bằng cách nào anh có thể thuyết phục được người đàn bà nhận khẩu phần kì lạ ít ỏi Thược dành cho là những miếng mỡ cùng thứ nước váng có một không hai kia. Tịnh không bao giờ Thược hé răng với tôi những điều đó. Tôi tôn trọng bí mật của Thược, chia sẻ với anh và mặc nhiên tôi thành công vụ đắc lực của Thược làm nhiệm vụ chuyển tải hậu cần giữa họ. Nhưng đấy chỉ là những lúc Thược quá mệt không lần đi nổi, còn thì anh rất chăm chỉ đi về. Cũng có khi người đàn bà nhờ tôi mang ngược lại cho Thược khi thì chùm dâu da rừng, khi quả xoài ương, lúc là củ mì nướng đen thui nóng rãy. Tôi không thể nào hiểu nổi mối quan hệ của Thược với người đàn bà. Bấy giờ tôi còn quá trẻ và hầu như không có một chút kinh nghiệm nào với những mối quan hệ kiểu này nhưng cái chính bởi sinh thể của đứa trẻ đã thu hút mọi quan tâm của tôi. Tôi đã gai người khi chứng kiến đứa bé mút chùn chụt miếng mỡ lều phều trong ánh nhìn rân rấn của người mẹ, chợt tan biến những dấu hỏi về bí mật Thược cất giữ. Không cắt nghĩa nổi nhưng tôi lờ mờ biết rằng Thược đã làm được một công việc vĩ đại cho mẹ con người đàn bà bất hạnh, đó là mang tấm thân thần chết của mình để mẹ con họ tựa vào. Mãi tận sau này tôi vẫn không biết tên người đàn bà và càng không hiểu vì sao chị lại giạt về sống nơi đó.

Một hôm tôi được thủ trưởng bệnh xá triệu tập lên Ban chỉ huy. Tôi khá bất ngờ trước những lời quy kết nặng nề. Tôi đã cùng với Thược tiếp tay cho kẻ phản bội đội ngũ. Vị cán bộ nắm sinh mạng chính trị của bệnh xá nói rõ ràng, cả bệnh xá căm phẫn những hành động này nhưng vì Thược, một chiến binh nhiều công lao đang trong hoàn cảnh hiểm nghèo nên nhận được sự đối xử dung thứ. Với tôi thì không. Ông ta cảnh cáo nếu tôi không dừng lại tiếp tục tái phạm sẽ phải nhận kỷ luật. Tôi cứng họng không thốt nổi một lời. Rời lán chỉ huy, tôi u uất trong một cảm giác bất lực tột độ. Không đành được tôi buộc phải tâm sự với Thược. Anh tỏ ra bao dung bảo tôi nên nghe lời vị cán bộ nọ. Lỗi ở anh đã lôi tôi vào cuộc. Thược nói dù thế nào anh cũng sẽ không bỏ rơi đứa trẻ. Hai mẹ con không đáng bị đối xử như vậy và thực sự họ không còn biết bấu víu vào đâu.

Chuyện có lẽ dừng ở đó nếu như một ngày kia nhà bếp đột nhiên không còn thả những miếng mỡ phần nổi trong lớp váng mỡ đặc. Nồi quân dụng vẫn bốc khói nhưng đó chỉ còn là lớp váng mỡ mỏng mờ nhấp nhánh. Đặc ân của bệnh xá dành cho Thược thần chết đã kết thúc. Khỏi nói thái độ của Thược. Chiếc hăng gô Mẽo hai đáy rung bần bật trên tay anh. Thược cay đắng đứng chết trân nhìn vào nồi quân dụng nước dùng. Chiếc gậy thân củ mì rớt khỏi tay. Có lẽ cặp mắt đầy oán trách của Thược đã khiến người anh nuôi phải thốt ra sự thật. Lệnh của bệnh xá không được thả mỡ cục cho Thược như trước nữa. Nghe xong Thược lả dần, lả dần chới với, xỉu đi không thốt nổi một tiếng.

Ai cũng tưởng Thược khó gượng qua nổi cú sốc trọng bệnh. Nhưng không, anh tỉnh lại sau đó mấy ngày. Trong lúc mê man tôi thấy tay Thược luôn quờ quạng tìm kiếm và miệng lẩm nhẩm không thành tiếng điều bí ẩn nào đó. Vô tình Thược chạm được vào chiếc hăng gô và anh nắm chặt nó một cách vô thức. Nhìn Thược không sinh khí nắm khư khư chiếc hăng gô đã nổi tiếng toàn bệnh xá, nhiều người đã phải quay mặt. Đến tối ngày thứ ba trời đổ mưa sầm sập, đột nhiên Thược tỉnh lại và tỉnh táo một cách khác thường. Anh lục bồng lấy thứ gì đó cho vào chiếc hăng gô. Hỏi han vài điều rồi Thược quyết định đi đến chiếc lều rẫy. Nhưng làm sao Thược đi nổi. Chưa ra khỏi hầm lán anh đã ngã sõng sượt. Thược nói như cầu khẩn tôi hãy cho anh đến gặp mẹ con người đàn bà ấy. Làm sao tôi có thể chối từ anh. Tôi choàng áo mưa cõng Thược đi bằng một sự cố gắng vượt bậc. Người tôi dù đã khá lên nhiều nhưng đi một mình vẫn thở bằng tai. Lần mò, dọ dẫm tôi cũng tha được Thược cùng chiếc hăng gô đến đích. Như một xác chết nhưng tiếng Thược quát đanh gọn khi phát hiện bóng người lúi húi ngoài lều. Cả tôi, cả Thược đều nhận ra vật ai đó vừa để lại nơi cửa. Một túi ni lon đựng vài kí gạo và gói nhỏ muối ruốc…

Thược ngã nhào vào vòng tay người đàn bà. Đứa trẻ đang nằm ngủ. Người đàn bà gần như bế Thược lên đặt anh nằm cạnh đứa trẻ. Họ nói với nhau gì gì đó. Tôi vội tháo lui. Tò mò vì dịp may hiếm có, tôi không vội về, nép vào sát lùm cây gần lều. Tôi suýt nhảy dựng người khi bắt gặp gã lính bộ binh chống tó đang phục trong bụi cây cùng với tay anh nuôi tốt bụng. Tôi đã hiểu vì sao họ đến đây. Một sự ân hận độc chiếm ý nghĩ tôi. Mấy hôm nay mải quẩn quanh bên Thược tôi đã quên bẵng mẹ con người đàn bà. Nhưng dù có nhớ thì tôi cũng chẳng thể làm được gì giúp chị.

Hình như Thược quá mệt đã lại thiếp đi. Người đàn bà nâng đầu Thược đặt lên đùi mình. Tay chị vuốt vuốt cái đầu trụi tóc của Thược đầy yêu thương. Chúng tôi nín thở, chợt sững người khi đứa trẻ thức giấc. Tiếng khóc ngằn ngặt cất lên. Người đàn bà vạch áo ấn núm vú vào miệng đứa trẻ. Tôi trân mắt nhìn. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy bầu ngực đàn bà. Chiếc vú màu ngà voi bắt đèn ánh lên trong đêm. Tôi thấy máu mình rần rật chảy, cảm giác rất rõ những chuyển động của dòng sữa sinh tồn đang truyền chảy qua cái miệng chớt chát của đứa trẻ và cả Thược nữa, dòng sữa đắng đót hay ngọt ngào kia cũng đang lan tỏa sinh khí cho thân thể anh. Bất ngờ lời ru buồn nao lòng của người đàn bà bật ra làm chao đi cả màn mưa đang giăng đầy.

-Ầu ơ…trồng trầu trồng lộn dây tiêu…

Người tôi rung bần bật, bàn tay gã lính bộ binh víu lấy tay tôi nắm chặt cũng bần bật, bần bật. Chính lúc đó, đèn pin quét sáng, rầm rập bước chân của vị thủ trưởng và cảnh vệ bệnh xá. Tiếng ru nghèn nghẹn lịm đi chới với tắt giữa chừng. Thược cất đầu lên khỏi đùi người đàn bà. Anh ngơ ngác nhìn và chợt hiểu. Bằng một sức mạnh tàn vét Thược bật mạnh người nhưng ngay lập tức ngã xuống, đầu vập vào chiếc hăng gô vừa mang đến, ngất xỉu. Tiếng Thược trượt đi đứt đoạn.

-Con muỗi…

Sáng hôm sau tôi bị trục xuất khỏi bệnh xá. Gã lính bộ binh công trường 5 cùng chung số phận. Tay anh nuôi có lẽ bị kỷ luật nặng. Còn Thược, anh được đưa về bệnh xá ngay trong đêm. Lúc tôi đi Thược vẫn hôn mê. Có thể anh sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. Cú trục xuất, ngoài phiền toái ở phần ghi lý lịch lại trở thành cơ may tuyệt vời cho tôi. Kịp đánh đường 14 giải phóng Chơn Thành, Bình Long và hơn một tháng sau đó tôi có mặt trong đội hình hành tiến của Mặt trận Tây Nam 232 tiến vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4.

*

* *

Tôi cố tìm kiếm dấu vết mẹ con người đàn bà năm xưa nhưng chịu chết. Vật đổi sao rời, đã ngót nghét ba chục năm trường, không một ai biết tung tích họ. Thược cũng vậy, nhiều năm sau chiến tranh tôi thường đi dưới tán rợp của hàng cây phố Lò Đúc, thi thoảng nhớ nhưng cũng không biết số phận anh thế nào, để bây giờ ký ức cô đặc lại trong một cảm xúc giằng xé không rõ rệt. Chỉ có nhớ và nhớ, tôi viết tất cả những gì nhớ được về Thược về mẹ con người đàn bà bí ẩn, cả chiếc hăng gô lần cuối cùng Thược đựng gì trong đó…cố dồn góp một tình yêu thật sự cho họ vào trong kịch bản. Khi phim dàn dựng, đạo diễn đã loại bỏ toàn bộ câu chuyện về Thược vì cho rằng đó là những tình tiết nhỏ nhặt. Thay vào đó ông dựng trong phim những đại cảnh hoành tráng, kìn kịt tù binh hai phía, tràn ngập xe tăng, trực thăng với hàng tấn thuốc nổ bom pháo, lửa cháy ngút trời./

Trích dẫn (0)

Tìm tag: Truyện ngắn

Tổng cộng 7 lời bình

Mon men theo blog bọ Lập, cháu tìm thấy nhà chú ở đây rồi, ha ha..thích quá đi thôi. Từ nay cháu sẽ thăm nhà chú thường xuyên hơn. Chúc chú mạnh khỏe và ngày càng có nhiều kịch bản film và tác phẩm văn học hay hơn nữa!

Báo cáo

phamngoctien10:58 15-07-2009

Đang bất mãn vì Lập bỏ đi đây. Cảm ơn cháu đã vào nhà chú.
  • Báo cáo

    Engineer 17:24 10-07-2009

    Bài này cảm động quá bác Tiến ạ! Chiến tranh tàn khốc, nhưng liệu có đáng để con người ta đối xử với nhau tàn tệ, đuổi cùng giết tận đến thế không? Bác Tiến có còn nhớ tay thủ trưởng bệnh xá là ai không?
    Báo cáo

    phamngoctien08:12 11-07-2009

    Nhớ chứ. Nhưng bản thân anh ta không có lỗi. Anh ta cũng chỉ làm nhiệm vụ thôi. Thời bấy giờ là thế. Cái sự gọi là “đuổi cùng giết tận” kia những người trong cuộc không hề nhìn thấy. Buồn là vì thế.
  • Báo cáo

    dieumai19082003 12:20 10-07-2009

    Bác viết câu chuyện này đầy tính nhân văn. Em thế hệ sinh sau đẻ muộn chỉ biết về những câu chuyện cảm động đằng sau cuộc chiến tranh qua những chuyện ngắn ntn. Cảm ơn bác. Chúc bác luôn khỏe, viết nhiều hơn nữa và tới đây sẽ có nhiều kịch bản phim hay.
    Báo cáo

    phamngoctien13:19 10-07-2009

    Nghĩ được như vậy thì bạn dẫu có sinh sau nhưng không hề đẻ muộn. Những người viết phải cảm ơn độc giả như bạn.
  • Báo cáo

    Why Love Me 00:30 12-06-2009

    Nghe Bác Tiến khó khăn trong việc chuyển nhà, em xin giúp Bác theo thủ tục sau:

    Làm thế nào để chuyển blog 360 sang 360plus?

    Việc chuyển từ 360 sang 360plus rất dễ dàng bạn ạ!

    1. Để chuyển, trước tiên bạn đăng nhập vào 360plus dưới cùng ID mà bạn dùng cho 360.
    2. Nhấp nút “Nhập ngay” và chờ hệ thống nhập bài viết vào 360plus.

    Thế là xong!

    Báo cáo

    phamngoctien00:35 12-06-2009

    Cảm ơn, làm theo cách này rồi nhưng ko được. Có lẽ em Plus này yêu cầu hơi cao cần mới và bắt phải nới cũ. Xong béng! Khe…khe…
  • Báo cáo

    TÔI YÊU VIỆT NAM 11:44 11-06-2009

    chiến tranh không chỉ những màu khói đạn ,những tiếng thét sung phong  hùng dũng ,chiến tranh còn là những mãng màu đậm nước mắt ,bỏ đi một chất liệu màu sẽ làm bức tranh không trọn vẹn ,ông nhà văn đã cố viết ,cố vẽ cho đúng một bức tranh ,nhưng cuộc sống sau hơn 20 năm đã khác ,chính những nhân vật ,những mãng màu nước mắt cũng không còn nữa ,chỉ còn những cây cao su ngút ngàn rừng Binh Long ,phải vậy không Chú nhĩ ,người ta quên tất cả rồi mới dựng lên những tượng đài để quên nạng gỗ ,họ hiểu lịch sữ theo ý mình ,mới có niềm tự hào ve vuốt đến ngàn năm ,một dân tộc quen AQ để sống ,nói như ông Trương Tửu là vì họ ham sống quá …

    Báo cáo

    phamngoctien12:29 11-06-2009

    …người ta quên tất  cả rồi mới dựng lên những tượng đài để quên nạng gỗ…TYVN đáo để thật. Buồn và đắng quá cháu à.
  • Báo cáo

    12B2 Ham Tan 03:05 11-06-2009

    Câu chuyện cảm động quá Bác Tiến ơi. Bộ phim sau khi hoàn thành là những gì em được học về lịch sử Đất nước. Phần bị cắt bỏ thì bây giờ em mới biết nhờ Internet! Oái ăm thay, phần được giữ lại dạy chúng em cách nói láo, phần bị cắt đi lẽ ra đã cho chúng em một tấm lòng nhân ái, yêu thương. Vì sự oái ăm đó mà chúng em lớn lên, đa phần trở thành những kẻ nói láo, không biết đến những đức tính căn bản của một con người.
    Cám ơn các thế hệ đi trước đã cố gắng vẽ lại bức tranh chân thực, du muộn còn hơn không. Chúc Bác khỏe.
    Báo cáo

    phamngoctien10:06 11-06-2009

    Người viết mới cần phải cảm ơn. Thành thực!
  • Báo cáo

    12B2 Ham Tan 02:32 11-06-2009

    Bóc tem rồi!
  • Entry filed under: Truyện ngắn.

    Chứng nhân Một ngày của lá thư UPU

    52 bình luận Add your own

    • 1. van  |  Tháng Bảy 27, 2009 lúc 3:35 chiều

      Em sẽ chăm vào blog của anh hơn. Có khi đọc anh nhiều lại mê anh luôn, như mê bọ Vinh, bọ Lập, hehehe!
      Chúc anh 1 tuần làm việc vui vẻ.

      Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 27, 2009 lúc 4:48 chiều

      Lười vào blog có khi lại mê hơn là vào nhiều đấy. Khe…khe…Thực ra anh ko có thời gian viết blog chỉ đăng tải nhữung cái đã viết để lưu thôi. Cũng tiếc nhưng bận quá mà.

      Trả lời
    • 3. san  |  Tháng Bảy 28, 2009 lúc 3:34 chiều

      San cũng thường xuyên đọc các tác phẩm của nhà văn Phạm Ngọc Tiến đây. Hy vọng sẽ được đọc nhiều tác phẩm hơn nữa.

      Trả lời
      • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2009 lúc 3:46 chiều

        Gay go rồi. Đừng thất vọng nếu đọc bị…ít nhé. Già rồi, lại ốm đau bệnh tật. Khe…khe…

        Trả lời
    • 5. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười Một 3, 2009 lúc 10:38 chiều

      Truyện này bác viết có vẻ khắc nghiệt thật, nhưng chiến tranh là vậy. Đọc đoạn này: “Vừa dứt cơn sốt, vào cữ ăn giả bữa đang chết thèm đủ thứ được tận hưởng bát váng mỡ đặc, khoái tỉ thấy đời lên tiên sướng chẳng thể gì bằng”, thấy cuộc sống thời ấy thiếu thốn thật, như em bây giờ đã thấy khó tin, vì sao lại có thể sung sướng tận hưởng mỡ đặc ?

      Trả lời
      • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 12:35 chiều

        Món khoái khẩu của anh một thời gian dài đấy. Dạo 74 anh bị sốt rét cân nặng dưới 50 kg, tóc rụng tiệt, đi phải chống gậy, cầm bát run bắn nhưng húp mỡ thành thần. Thói quen đó kéo vài năm sau. Giờ thì ăn gì dính tẹo mỡ là bỏ.

        Trả lời
    • 7. Lưu Giao  |  Tháng Mười Một 3, 2009 lúc 11:36 chiều

      Vì PNT cũng là Mèo,già hơn cả Mèo Già. Nhưng cơm nóng rưới chút mỡ, thêm tý mắm ớt ăn vẫn ngon tuyệt. Không tin cứ thử mà coi !

      Trả lời
      • 8. Lưu Giao  |  Tháng Mười Một 3, 2009 lúc 11:52 chiều

        Và trong sự thật đến xót lòng,con người bị nhào nặn thành những con thú trong các cuộc chiến liên miên tàn bạo của nhân loại để giành giật những điều không đáng phải giành giật. Váng mỡ nhân bản không còn!!!

        Trả lời
        • 9. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 1:44 chiều

          Cái đó cũng còn tùy. Nhưng cơ bản đúng là như thế.

          Trả lời
      • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 12:37 chiều

        Đó lại là món ăn thời bao cấp những năm 80. Cơm nóng di mỡ lên trên, có miếng tóp càng quý rồi rưới nước mắm. Chà, tự nhiên chảy nướ miếng ko phỉa vì thèm mà nhớ….quá khứ.

        Trả lời
    • 11. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười Một 3, 2009 lúc 11:40 chiều

      Bác Tiến cũng là Mèo ạ ???

      Trả lời
      • 12. van  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 12:57 chiều

        Vợ bác Tiến là Mèo, con (ruột) bác Tiến là Mèo, suy ra bác Tiến là mèo.

        Trả lời
        • 13. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 1:46 chiều

          Tui tuổi khỉ. Lấy vợ mèo đẻ hai con mèo. Rất thích mèo. Tại sao đã giải thích ở chỗ nào đấy trong blog này.

          Trả lời
      • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 1:41 chiều

        Tui là khỉ. Khỉ nhốt chuồng.

        Trả lời
    • 15. Dong  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 3:24 sáng

      Cái còm dài quá, mời anh Tiến sang nhà, mà cấm chửi tục nhé !

      Trả lời
    • 17. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 7:13 sáng

      Em thường hay có thói quen đọc lướt. Nhưng đọc truyện của anh Tiến thì không đọc kiểu đó được. Vừa mới lướt mắt qua, là phải đọc chậm lại. Đọc chậm lại thấy anh viết chẳng thừa chữ nào. Thử bỏ một chữ là thấy câu văn mất hẳn ý nghĩa.
      Ở ngoài đời, sau này anh có biết tin gì về chị bộ đội, nhân vật trong truyện không?

      Trả lời
      • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 12:38 chiều

        Biết làm sao được hả MTHN. Vật đổi sao rời mà.

        Trả lời
      • 19. Thầy đồ trọc  |  Tháng Mười Một 6, 2009 lúc 12:50 sáng

        Thấy chưa ? PNT thấy chưa ? Đọc chậm ngấm lâu nên chẳng thấy thừa chữ nào ! Tui mà được khen thế thì sướng lắm. Nghĩ mà sướng!

        Trả lời
    • 21. harmony  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 10:31 sáng

      Mình vẫn nghĩ là vật đổi sao rời

      Trả lời
      • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 4, 2009 lúc 1:43 chiều

        Sao dời chứ gì. Rời!

        Trả lời
        • 23. harmony  |  Tháng Mười Một 5, 2009 lúc 3:54 chiều

          Giời!!!

          Trả lời
          • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 5, 2009 lúc 10:24 chiều

            Tóm lại là em nhầm nhé, lúc “dời” lúc “rời” không kiên định. Anh nhờ người chuyển hộ blog, cô bé đánh thành “dời” ở tít, còn bên trong vẫn “rời”. Khe…khe….

            Trả lời
    • 25. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 6:29 chiều

      Tít mù, rinh rích, chuyện không đầu không đũa, huyên thuyên bát sách…
      —————
      cảnh 2 ông đàn ông đồng hương gặp nhau rất hay…rất cảm động vì ít ra anh Thược cũng vui hơn trong những ngày mà cái chết có thể đến với anh lúc nào…

      Trả lời
      • 26. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:13 chiều

        Dạo đó đồng hương gặp nhau mừng hú. Đại đội tôi có tay tên là Bảo ở phố Minh Khai giỏi nhận đồng hương. Tỉnh nào hắn cũng nhận được. Thế nên tay láu cá này kiếm được rất nhiều đồ ăn thức hút do cánh đồng hương tặng.
        Bây giờ sống với tuyền đồng hương phát chán. Nhiều khi chỉ mong gặp người lạ.

        Trả lời
        • 27. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:20 chiều

          E thấy hay ở chỗ là chỉ một câu đó thôi mà tả hết được cái mừng, vui, cái háo hức, cái lắm lời..của các đồng hương khi gặp nhau.” Tít mù, rinh rích..” rất đúng, e chấm câu này 10 điểm.

          Trả lời
          • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:04 chiều

            Điểm 10 làm tôi giật thon thót. Con gái lớp 5 đang bắt đền vì gà cho nó bài văn bị cô giáo chê và cho điểm kém chưa từng với nó: 5 điểm. Vui thật.

            Trả lời
    • 29. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 6:47 chiều

      Khi phim dàn dựng, đạo diễn đã loại bỏ toàn bộ câu chuyện về Thược vì cho rằng đó là những tình tiết nhỏ nhặt. Thay vào đó ông dựng trong phim những đại cảnh hoành tráng, kìn kịt tù binh hai phía, tràn ngập xe tăng, trực thăng với hàng tấn thuốc nổ bom pháo, lửa cháy ngút trời./
      —————-
      Hi hi truyện này mà dựng thành phim với những đại cảnh k thôi thì e nhất định k đi xem đâu! chẳng còn gì mà xem! chiến tranh đâu phải chỉ có bom rơi đạn nổ ngút trời, ta thắng địch thua hoàng tráng..chiến tranh còn là nơi bản chất NGƯỜI- CON thể hiện rõ nét. Anh Thược thần chết- cái đầu to, trọc lóc với cái cơ thể còm nhom, bất lực chờ cái chết đến mỗi ngày..Mẹ con người đàn bà đơn độc bị cho là kẻ phản bội đội ngũ sống nhờ vào những hăng gô váng mỡ.. Hãy tưởng tượng những bước chân xiêu vẹo của anh nhẫn nại đem đến nguồn năng lượng nhỏ nhoi cho em bé và người mẹ..Hãy tưởng tượng người đàn bà đó đã ấm lòng bao nhiêu trong tình đùm bọc của anh..
      “…Người đàn bà nâng đầu Thược đặt lên đùi mình. Tay chị vuốt vuốt cái đầu trụi tóc của Thược đầy yêu thương..”, bao nhiêu yêu thương đầm ấm trong động tác nâng niu, vuốt ve đó, người nâng niu vuốt ve như kẻ hạnh phúc vì được yêu thương và lại ban tặng tình yêu thương, kẻ được vuốt ve bình yên, thanh thản tận hưởng chút tình nồng nàn ..Họ đang ở trong chiến tranh, nhưng những khoảng khắc đó đến từ bình yên vô tận…
      Tiếng ru con ầu ơ vang lên…Trời ơi, một bức tranh hạnh phúc hoàn hảo. NGười ta có thể quên đi bom đạn, chết chóc chia li trong phút chốc. Những giây phút này, tiếng ru con..Thược, người đàn bà..họ vô tình làm nên bản tình ca đẹp đẽ hiếm hoi …

      Trả lời
      • 30. Dong  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 6:53 chiều

        Mò tới truyện này luôn rồi hả Hà Tĩnh là đây…?
        Câu chuyện hay mà lạ, nhỉ ?

        Trả lời
        • 31. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 7:14 chiều

          Cái hăng gô và những miếng váng mỡ thực ra cũng là những ” nhân vật” rất sống động đó chớ. Kẻ có tình thì đó chính là nơi chia sẻ tình yêu thương trước hết là của đồng loại rồi mới đến tình yêu thương giữa người đàn ông và người đàn bà. Chiếc hăng gô + váng mỡ đó tạo nên mối quan hệ mà trước hết đó là sự cảm thông, che chở của người đàn ông yếu ớt theo nghĩa đen là anh Thược- người đàn ông đang chờ chết lại mang đến cho người khác cuộc sống, niềm tin, niềm yêu vào cuộc sống con người. Nhưng với ông Trạm trưởng thì cái hăng gô và những miếng váng mỡ chính là cội nguồn của một sự hư hỏng, miếng váng mỡ lại thành sự trừng phạt: ông có cách nào hơn là cắt “đầu vào” của cái hăng gô. những miếng váng mỡ nhỏ nhoi không còn chảy vào hăng gô cũng tức là nguồn sống của một vài sinh linh bị đe dọa. Điều đó cũng đồng nghĩa sự sống mong manh của anh Thược lại càng mong manh hơn, em bé đã quắt queo lại càng quắt keo hơn, người đàn bà tội nghiệp đã bị đánh cắp niềm tin một lần lại thêm một lần bị đẩy vào đường cùng. Bức tranh con người trong chiến tranh tụ hội ở truyện này khá đông đảo: có anh Trạm trưởng cứng nhắc đến khô cạn tình người, có anh Thược thần chết nhân hậu, có người đàn bà bị phụ bạc, có em bé là nạn nhân của sự hèn hạ của người lớn nào đó là cha của bé….Tuy nhiên đọc truyện này vẫn thấy ấm lòng vì cho dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã nào thì tình người vẫn đong đây, âm thầm..

          Trả lời
          • 32. Dong  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 7:59 chiều

            Hà Tĩnh có khóc không, khi đọc truyện này ?

            Trả lời
            • 33. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:09 chiều

              Có nhất thiết phải khóc mới là một tác phẩm lay động hồn người không @ Dong?

            • 34. Dong  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:59 chiều

              Mình cứ nhòe nhọet nước mắt. Dân sỏi đá máy ủi đấy nhé, nhưng thương, H.T ạ, thương con người.

            • 35. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:24 chiều

              e không khóc, e hầu như không bị chảy nước mắt khi đọc truyện, nhưng có lẽ sẽ buồn, sẽ bị ám ảnh lâu lâu bởi những chi tiết. Như thế mới sợ, còn khóc được thì có khi lại chóng quên…

            • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:30 chiều

              Không nước mắt cũng là một dạng khóc. Tui dân ruợu nên khi uống vô hay mủi lòng nhiều khi là ruợu tràn ra đường mắt.

        • 37. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:19 chiều

          Khe…khe….Dong, sao như hình với bóng vậy?

          Trả lời
      • 39. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:18 chiều

        Chỉ là những cảnh bình thường của những con người thậm chí không được bình thường nữa, tui nghĩ cuộc chiến tranh lớn có khi lại nằm ở những chi tiết nhỏ này. Đọc cái còm này càng củng cố cách nghĩ đó.

        Trả lời
        • 40. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:24 chiều

          “Cái còm này ..” là cái còm nào ạ? anh có thể gọi tên “hắn ” ra bằng cái số đứng trước cho “bạn đọc” dễ theo dõi xem nhà văn phản ứng rao sao đươc không ạ?

          Trả lời
          • 41. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:08 chiều

            Là cái còm của Hà Tĩnh nói nếu dựng phim toàn đại cảnh sẽ không xem ấy. Số 29. Nhưng bị còm chèn nó lại thay đổi thứ tự.

            Trả lời
    • 42. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 7:26 chiều

      Vật có thể đổi, sao có thể dời, nhưng kí ức của những người lính đã đi qua chiến tranh thì hình như vẫn thế,t ươi nguyên và đong đầy.
      Và vật có thể đổi, sao có thể dời ..trong chiến tranh cũng thế con người cũng mang cả thế giới ái ố nộ hỉ vào góp phần với bom đạn…Con người là thế, ở đâu cũng là con người…

      Trả lời
      • 43. Thầy đồ trọc  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 9:52 chiều

        Và văn chương là nơi mà người ta có thể dãi bày tất cả những ái ,ố,nộ,hỉ ấy mà đời thường có khi không được phép dãi bày. CON NGƯỜI không phải ở đâu,lúc nào cũng là CON NGƯỜI nên văn học phải can thiệp nếu như ngòi bút ấy mang tính NHÂN VĂN và NHÂN BẢN.

        Trả lời
        • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:48 chiều

          Tui đành còm chung vậy vì chẳng biết sao nó cứ lộn tùng phèo không ra trật tự gì cả. Tui dốt!
          Hôm trước Dong có viết một bài rất dài về truyện ngắn này. Tui đọc và cảm động vì sự chia sẻ rất lớn của một bạn viết. (nếu có thể thì Dong post nó lên đây)
          Thực thì tôi coi truyện ngắn này chỉ như một kỷ niệm chứ không mấy giá trị về văn học. Bảo Ninh đọc xong xì một tiếng ra dấu đồ lính cậu, lính pháo, lính trẻ con, biết gì chiến trận. Thái độ thế là thái độ chấp nhận của nhà văn tôi thích tôi coi ông là đàn anh là thần tượng của mình. Những truyện ngắn hay của Bảo Ninh cũng là những truyện với những chi tiết rất vụn hoặc của chiến trận hoặc của đời sống hậu chiến.
          Sau khi trải qua blog dạo còn yahoo 360, Vật đổi sao rời nhận được nhiều sẻ chia khích lệ và bây giờ là ý kiến của các bạn khiến tôi phải thay đổi quan điểm. Có lẽ văn học chiến tranh cần những truyện tải trong nó đời sống nhân vật ở những hoàn cảnh chẳng cần bom rơi đạn nổ, nếu chân thực thì đó chính lại là những trang viết chiến tranh sinh động nhất. Và nếu còn viết chiến tranh tôi sẽ đi theo hướng khai thác này.
          Hiểu được điều đó tôi càng thấy bolg quả là một diễn đàn tốt cho văn học. Thật tiếc là không viết được nhiều và không có nhiều thời gian. Rất, rất cảm ơn các bạn.

          Trả lời
    • 45. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:30 chiều

      Lần đầu, tôi đến bên thùng quân dụng nước chấm lồi mắt nhìn Thược khó nhọc hớt hớt lớp váng mỡ. Tôi sà lại gần giành lấy chiếc muôi định vớt giúp anh nhưng lập tức thấy người bị đẩy mạnh. Đã nói người tôi bấy giờ chỉ còn là xác gọng nên lập tức ngã nhào, bát sắt và thìa văng tung tóe. Những tàn đỏ, vàng hoa cà hoa cải bắn lốm đốm như pháo hoa. Định thần tôi thấy gã lính bộ binh nằm cùng lán, lẻo khoẻo chống tó (nạng), trừng mắt nhìn tôi.

      -Thằng cao xạ, vào đến tận đây vẫn còn giở trò ăn trên ngồi trốc.

      -Bọn muỗi hôi thối, đù mẹ!

      Đó là câu chửi của Thược. Chính anh chìa tay định đỡ tôi khiến gã lính bộ binh ngượng nghịu phải lôi tôi dậy. Tôi đã hiểu.

      -Em chỉ muốn giúp anh này.

      -Biết rồi.

      Thược gật đầu. Gã lính bộ binh cà nhắc bỏ đi. Tôi biết gã, lính của công trường 5 nằm bệnh xá trước tôi. Bộ binh ghét cao xạ là chuyện không lạ, vì chúng tôi hành quân cơ giới, cùng cảnh chiến trường nhưng điều kiện hơn nhiều. Báo hại cho tôi, gã đó hiểu lầm tưởng tôi giành phần hớt với Thược.

      —————
      Tình đồng đội là thế này chứ đâu phải nói gì cao siêu đâu !

      Trả lời
      • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:53 chiều

        Vừa còm xong thì Hà Tĩnh lại xuất hiện. Tình đồng đội…ừ nhỉ…tình đồng đội.

        Trả lời
        • 47. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:09 chiều

          Thế thật ra là không phải hả anh? e nghĩ nói tình đồng đội trước hết cứ phải là tình người, sự chia sẻ và nương tựa vào nhau. Anh lính bộ binh cũng đói khát lắm, nhưng chịu nhường nhịn không suy bì gì cả với anh Thược. Khi thấy có kẻ khác định nhăm nhe lấy phần váng mỡ quý báu đó, ngay lập tức anh phản ứng.
          E nghĩ người ta hay dùng ” tình đồng đội” để chỉ mối quan hệ giữa các chiến sỹ, và chẳng cần gì những hành động cao siêu..mà chính những chi tiết này rất đời, rất thật…
          Nhưng chi tiết bình thường nhưng thực ra e nghĩ có sức quyến rũ lớn lắm. Đã qua rồi cái thời văn học minh họa, đọc một cuốn truyện y như đang đọc Nghị quyết…nhưng thời đó có thể người ta chấp nhận vì không có sự lựa chọn nào khác, và có lẽ nhận thức thời đó khác..Bây giờ nếu cứ “chọn các đại cảnh hoàng tráng,kìn kịt tù binh, khói lửa ngút trời” thì em nghĩ đó là phi thực tế. Chiến tranh không phải là trò chơi lãng mạn,nó có tất cả những gì cuộc sống có, nhưng éo le và khắc nghiệt hơn vì tình người được thử thách giữa 1 sống, 1 chết…
          Ngày xưa nói đến các anh lính ra trận là nghĩ đến:” Xẻ dọc TS đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” – ra trận như đi hội..chứ có ai biết rõ sự thật là những người lính ra đi cũng nặng trĩu những nỗi niềm…

          Trả lời
          • 48. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:19 chiều

            Hà Tĩnh nói đúng đấy chứ. Tình đồng đội có khi chỉ là mẩu thuốc hút dở. Xưa nay ta cứ to tát chữ đồng đội rồi nâng lên kiểu như tình đồng chí. Thực chất tình đồng đội chỉ từ những điều nhỏ nhặt thậm chí tầm thường nhưng nó trĩu nặng ân tình.

            Trả lời
    • 49. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:21 chiều

      Có lẽ văn học chiến tranh cần những truyện tải trong nó đời sống nhân vật ở những hoàn cảnh chẳng cần bom rơi đạn nổ, nếu chân thực thì đó chính lại là những trang viết chiến tranh sinh động nhất. Và nếu còn viết chiến tranh tôi sẽ đi theo hướng khai thác này…
      ———————-
      E cũng nghĩ thế, viết về chiến tranh k nhất thiết cứ phải tả máy bay ném bom ùng oàng, bộ đội ta xông lên oai hùng, có người chết, có người bị thương….Đã là chiến tranh, theo e nghĩ anh k viết thế thì họ cũng hiểu. mà anh k viết thì cũng có bao người viết rồi, hoặc có thẻ xem qua phim tài liệu, phóng sự..
      Nhưng như e thì em muốn biết những người lính đã nghĩ gì? đã sống thế nào? cuộc sống và con người trong và sau chiến tranh bị tác động bởi chiến tranh ra sao…Đại loại thế…

      Trả lời
      • 50. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:31 chiều

        Có nhiều điều viết ra khó được chấp nhận, tui thì không chịu viết để đấy mà phải in ngay. Khó thế đấy.

        Trả lời
        • 51. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:35 chiều

          thôi thì cố lên anh ạ, viết sao cho lòng mình thanh thản, viết sao cho không xấu hổ với những người đã phải ra đi thay cho mình…

          Trả lời

    Gửi phản hồi cho van Hủy trả lời

    Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


    Tháng Bảy 2009
    H B T N S B C
     12345
    6789101112
    13141516171819
    20212223242526
    2728293031  

    CHÀO KHÁCH

    free counters