Gió làng Kình- 12
Tháng Mười 3, 2009 at 10:13 sáng 12 bình luận
Tập 12
1-Nhà Ưởng. Đương ôm chầm lấy con gái, nước mắt đầm đìa. Bên ngoài Bát và Thăng đứng đợi. Thăng:
–Thế là ổn rồi. Tôi không nghĩ chuyện lại dễ dàng đến vậy.
Bát bình thản:
–Chẳng qua ông ta muốn vỗ mặt tay Bài là chính. Lòng dạ con người ấy thật khó lường.
Thăng lắc đầu:
–Nghĩ mà thấy buồn. Ta về đi bác!
Đương buông con chạy ào ra:
–Cháu đội ơn các bác…
Bát gạt đi:
–Cô không phải nói vậy. Qua đận này cô nên xem lại mình. con cái mới là việc trọng ở đời.
Đương ngẫm nghĩ, mắt lại rơm rớm:
–Vâng, cháu hiểu ạ. Chắc là cháu khó sống nổi ở làng.
Bát không nói thêm, kéo tay Thăng.
2-Trụ sở thôn. Khuếnh cùng Khoái và Cò. Khuếnh:
–Con Đương đáo để thật, dám đến nhờ tay Bát thật không phải vừa.
Khoái hăng hái:
–Chú để chúng cháu lên đó giã cho thằng khốn Ưởng một trận. Thánh họ nó, xơi bẫm vẫn còn làm hỏng việc.
Cò phụ họa:
–Đúng đấy, để bắt nó phải nôn trả. Tiền nào việc đấy, không lơ mơ được bác ạ.
Khuếnh gạt đi:
–Chuyện đó tạm gác lại. Tao đang rối đầu lo đám thằng Chuông đây.
Vẫn là Khoái lanh chanh:
–Họ làm quái gì được mình. Thích thì để cháu xơi nốt con trâu nhà tay đấy. Xem còn phá thối được nữa không. Thánh họ!
Khuếnh lắc đầu:
–Im để tao còn tính. Tuần sau là họ tuyên chiến với mình. Thằng Văn bảo đận này họ sẽ làm căng.
Bất chợt Khuếnh ngây ra. Ngoài cửa lố nhố một đoàn người. Đủ cả bí thư Phừng, chủ tịch Chuông, trưởng công an Thăng, Bát bí thư chi bộ thôn…Chưa ai kịp phản ứng gì thì Thăng đi đầu đoàn dõng dạc:
–Ông Khuếnh, đoàn công tác liên ngành của xã xuống làm việc với lãnh đạo thôn, gồm trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn. Còn đây là thành phần đoàn.
Khuếnh há hốc mồm đứng như trời trồng. Rồi Khuếnh bừng tỉnh xua tay, nói nhỏ với Khoái và Cò:
–Đến chỗ ông Khiên báo mọi người…
Cò và Khoái chạy vụt đi ngay.
3-Chợ Đông, chỗ quán nước ông Khiên, một đám người xúm xít. Khoái đang choang choang:
–Khẩn trương lên, kẻo là phải nôn tiền đấy. Còn đếch đâu, ăn đến cả bã rồi. Thánh họ!
Ông Khiên bình tĩnh:
–Có đúng như vậy không? Mày hay tai nọ xọ tai kia lắm.
Khoái ưỡn ngực:
–Ông trẻ điếc đặc thì có, cháu nghe không sót một tiếng.
Ông Khiên vẩy tay:
–Vậy thì phải rảo rảo lên. Mày đi gọi thêm người đến trụ sở đi.
Ông Khiên cùng mọi người ở đó túa đi.
4-Đoàn cán bộ liên ngành ngồi trong trụ sở. Khuếnh sau lúc bất ngờ đã bình tĩnh lại dù vậy chỉ nhìn mặt cũng đủ thấy ông ta cực kỳ căng thẳng. Khoái và Cò đã chuồn mất. Chuông đang nói:
–Mức độ vi phạm đã rõ. Ban chỉ đạo yêu cầu ông nhanh chóng giải trình và có số liệu báo cáo cụ thể về diện tích đất bán cũng như tài chính thu chi.
Khuếnh lau mồ hôi:
–Bình mới ruợu cũ, chúng ta đã làm việc với nhau nhiều lần. Tôi xin nhắc lại với đoàn rằng đây là đất quỹ thôn cho thuê chứ không phải bán. Việc lập quỹ đất thôn là sai và tôi xin chịu trách nhiệm trước dân làng Kình, và chính quyền các cấp cũng như đối với pháp luật.
Thăng đanh thép:
–Tất nhiên làm sai thì phải chịu trách nhiệm rồi.
Khuếnh đối đáp:
–Đúng như thế! Vậy những cán bộ xã có tên nêu trong đơn kiện của dân đã bị xử lý thế nào?
Thăng vẫn vững vàng:
–Những chuyện đó không thuộc nội dung làm việc hôm nay.
Khuếnh liên tục đưa mắt ra cửa. Ngoài đó, một số người dân đã bắt đầu kéo đến túm tụm trước cửa. Khuếnh:
–Tôi đã nói hết rồi, những gì tôi làm các ông đều đã biết. Có điều tôi muốn hỏi lại?
-Ông nói đi.
-Tôi được biết, hôm trước chủ tịch huyện đã trực tiếp xuống xã. Chỉ đạo của huyện là không được xử lý ồn ào. Xã giải thích thế nào về việc này?
Thăng nghiêm khắc:
–Ai bảo ông vậy?
Khuếnh cười nửa miệng:
–Không chỉ mình tôi mà hầu như toàn bộ dân làng Kình đều biết thông tin này. Không ai nói thì người dân cũng biết vì điều đó chạm vào quyền lợi của họ.
Vẫn là Thăng:
–Có hay không chuyện đó không quan trọng. Trong quyền hạn của mình chúng tôi chỉ biết xử lý tuân theo pháp luật và các quy định hiện hành.
Khuếnh im lặng. Thăng kết luận:
–Ta chuyển sang vấn đề thứ hai. Đây là quyết định của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, ông đọc đi.
Khuếnh đọc kỹ hai lần, mồ hôi rịn ra. Thăng:
–Ông đọc kỹ chưa?
Khuếnh lau mồ hôi:
–Lần trước uỷ ban đã không chấp nhận đội tự quản. Chúng tôi đã cho giải tán và thành lập tổ bảo nông. Bây giờ xã lại bắt giải tán tổ bảo nông, thế có nghĩa là sao?
Thăng giải thích:
–Vì tổ bảo nông được thành lập không đúng nguyên tắc và làm việc sai chức năng. Thứ nhất, tổ bảo nông phải do hợp tác xã quản lý và chỉ định nhân sự. Thứ hai cái thực chất gọi là tổ bảo nông ở làng Kình chính là hoạt động của một nhóm người thân tín với ông núp dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh trật tự nhưng lại gây mất đoàn kết và đã có những biểu hiện khủng bố những người không đồng quan điểm.
Khuếnh cãi chày cối:
–Tôi phản đối. Các ông kết luận thế là áp đặt, là vu khống.
-Chúng tôi có bằng chứng. Ông nghe đây.
5-Ngoài đường làng, một đám đông tụ tập. Khoái đứng gần đấy nói chuyện với ông Khiên:
–Cháu đi hết lượt rồi đấy.
Ông Khiên lắc đầu:
–Vẫn ít quá, tưng này thì nước non gì. Lát mày phải hăng hái vào đấy.
Khoái ngần ngừ:
–Cháu có uy tín mẹ gì mà nói, không khéo việc lại hỏng thêm. Tốt nhất ông nên xuất đầu lộ diện thì hơn.
-Mày nói cũng phải.
Dứt lời, ông Khiên tót sang chỗ tập trung đông người. Khoái mắt trước mắt sau chuồn thẳng.
6-Trong trụ sở, không khí cực kỳ căng thẳng. Khuếnh đang làm già:
–Xã không cho tổ bảo nông của làng hoạt động cũng được thôi. Nhưng tôi giao hẹn trước. An ninh của làng có thế nào, xã phải chịu trách nhiệm.
Thăng thẳng một lèo:
–An ninh của làng Kình từ ngày ông làm trưởng thôn đã nóng lên rất nhiều, xóm làng không còn yên bình nữa.
Khuếnh cáu vung tay định đập bàn nhưng kìm lại được:
–Anh không được phép nói với tôi như vậy.
-Tôi có quyền! Hiện tại tôi là trưởng công an xã. Nhận định của tôi xuất phát từ tình hình thực tiễn.
Khuếnh cười khẩy:
–Được! Tôi sẽ giải tán tổ bảo nông theo lệnh của các ông nhưng tôi nói rồi. Tôi sẽ không chịu trách nhiệm gì hết về an ninh trật tự của làng.
-Tôi sẽ điều công an xã bảo vệ làng, ông không phải lo.
Tiếng ồn ào ngoài cửa. Mọi người nhìn ra. Một đám đông người đứng trước cửa trụ sở. Thăng hỏi Khuếnh:
–Thế này là sao ông Khuếnh?
-Các ông ra mà hỏi họ.
Khuếnh mặt nhâng nháo tự đắc. Bí thư Phừng bảo mọi người:
–Chúng ta ra ngoài đó.
Mọi người đi ra, Khuếnh cũng ra theo. Ông Khiên trông thấy đoàn cán bộ liền ra hiệu cho mọi người áp lại. Ông Khiên tiến sát, chưa kịp nói gì thì Phừng dõng dạc, chủ động:
–Xin chào bà con. Tiện có mọi người ở đây chúng tôi trong đoàn lãnh đạo xã đang làm việc với ông Khuếnh trưởng thôn xin hỏi bà con vài điều.
Ông Khiên đang hung hăng bị chững lại. Đám đông trật tự hẳn. Phừng điềm đạm:
–Việc làng Kình tự động dồn đất cho thuê, hoặc bán là sai hay đúng? Xin bà con cứ thẳng thắn.
Không khí ắng đi. Mọi người nhìn nhau không ai nói được. Khuếnh ngọ nguậy căng thẳng, ra hiệu cho ông Khiên. Khoái lảng vảng tít mãi phía dưới cùng đám Cò, Cử, bịt mũi lại nói vọng lên:
–Chúng tôi không thấy sai.
Phừng nghiêm nghị:
–Ai vừa nói, xin mời lên đây!
Đám kia đùn đẩy nhau nhưng không thấy ai lên. Chuông nói đích danh:
–Vừa rồi anh Khoái nói, xin mời anh.
Khoái chối bay:
–Tôi nói đâu mà nói. Nói thì tôi sợ gì mà không lên.
Phừng nhìn một lượt:
–Như vậy là không ai nhận nói. Tôi xin hỏi lại. Sai hay đúng xin bà con cứ mạnh dạn.
Vẫn không ai nói gì. Ông Khiên miễn cưỡng:
–Tôi thấy việc này…việc này…
Phừng giục giã:
–Ông cứ bình tĩnh trình bầy ý kiến.
Cuối cùng thì ông Khiên cũng nói ra được:
–Tôi thấy việc bán đất, à quên việc thuê đất là có lợi cho làng. Bản thân ông Khuếnh không có gì sai. Ông ấy làm vì tập thể chứ không tư túi gì.
Phía dưới lao xao. Phừng hỏi lại:
–Ông nói hết chưa?
Không thấy ông Khiên trả lời, Phừng nói tiếp:
–Chúng tôi đang hỏi đúng hay sai chứ chưa bàn đến trách nhiệm cá nhân, cũng như phân tích lợi hay hại. Ông Khiên ông có thể nói rõ hơn cho mọi người nghe. Việc tự động dồn đất để bán hoặc thuê là đúng hay sai?
Không có tiếng trả lời. Ông Khiên tránh cái nhìn rừng rực của Khuếnh. Phừng nhìn hết một lượt:
–Như vậy không có ai trả lời. Cũng phải thôi bởi vì việc đó không thể cho là đúng được. Đây là một việc sai hoàn toàn dù mục đích của nó có là gì đi nữa. Chúng tôi xin nói để bà con rõ. Để xảy ra việc này trách nhiệm thuộc về lãnh đạo của thôn và xã. Hiện nay theo chỉ đạo của trên chúng tôi đang tiến hành kiểm tra xử lý.
Phía dưới lao xao tiếng bình phẩm nho nhỏ.
–Xử lý à?
-Xử lý thế nào?
Khuếnh bất ngờ nhẩy lên phía trước:
–Xử lý thế nào à? Đương nhiên họ muốn thu lại đất, đòi lại tiền.
Sau câu nói của Khuếnh, đám đông ộ lên. Phừng nghiêm khắc quay sang Khuếnh:
–Ông Khuếnh! Ông đã làm sai đừng sai thêm nữa.
Quay xuống mọi người, Phừng vỗ vỗ tay ra hiệu mọi người im lặng:
–Xin mọi người im lặng. Câu nói vừa rồi của ông trưởng thôn Phạm Văn Khuếnh hoàn toàn là chủ quan và mang tính kích động. Tôi thay mặt cho lãnh đạo xã thông báo rõ ràng thế này. Có ông Khuếnh đây, chúng tôi đang làm việc và hiện thời chưa đưa ra kết luận nào về việc xử lý sai phạm. Đúng như vậy không ông Khuếnh?
Khuếnh im lặng. Phừng tiếp tục:
–Mọi việc thế là đã rõ. Tôi nhắc lại việc gom cho thuê đất hoặc bán đất là sai phạm, còn xử lý thế nào lãnh đạo các cấp sẽ thống nhất cách xử lý. Tất nhiên chúng tôi không loại trừ việc xử lý đến tận gốc.
Không ai nói gì kể cả Khuếnh. Phừng nhẹ nhàng:
–Ông Khuếnh, chúng ta vào làm việc tiếp. Ông nên nói với bà con một cách thật trung thực.
Khuếnh dùng dằng nhưng vẫn phải nói:
–Xin mời mọi người về nghỉ, có thế nào tôi sẽ thông báo cho bà con biết ngay.
Khuếnh đi vào ngay trụ sở. Đám đông ngập ngừng tản ra xung quanh. Số cán bộ xã cũng đi vào. Phừng nói với Khuếnh:
–Ông thấy đấy, đừng để cái sảy nảy cái ung. Chúng tôi mong muốn ông nên vì làng Kình đừng làm thêm những điều rắc rối nữa.
Khuếnh lì mặt không nói.
7-Trong quán của Lương. Lúc này đêm đã khuya, chỉ còn Lương và Tuyết. Hai người đang bàn luận. Tuyết:
–Thôi được, tao sẽ ở lại. Nhưng tao nói trước, nếu có gì thì mày không được trách tao.
Lương thở dài:
–Sao tao lại trách mày được. Bây giờ tao chỉ có mày là người tin cậy.
Tuyết cười nhỏn nhẻn:
–Nhà chị thôi đi. Còn thằng cha kia vứt đi đâu. Nói thật nhé, nó được đấy.
Lương bĩu môi:
–Thứ đàn ông đấy thà đừng có thì hơn.
Tuyết nói không nhìn Lưong:
–Từ lâu, mày đã mơ ước có một gia đình. Rồi thì có một đứa con để bồng để bế. Mày đang có điều kiện để thực hiện được giấc mơ đó.
-Còn mày thì sao?
Tưyết không trả lời. Lương da diết:
–Mày phải nghe tao. Bây giờ vẫn chưa muộn. Chỉ cần mày rời bỏ được thứ thuốc trắng khốn nạn kia đi là mày lại có tất cả.
Tuyết lắc đầu:
–Để làm gì?
-Mày cứng đầu quá. Tao van mày đấy.
-Tao đã cố thử nhưng rút cục cũng chẳng giải quyết được gì. Tao còn cái gì để mà bấu víu. Được lúc nào hay lúc ấy thôi.
–Mày nói vậy tao cũng chẳng biết làm gì hơn. Thôi thì tuỳ nhà chị.
Có một khoảng im lặng chen vào. Một lát, Lương hỏi:
–Mày thấy thái độ thằng cha Khuếnh thế nào?
Tuyết nhổm hẳn người:
–Ông ta như đang có âm mưu gì đó. Tao không ngờ ở cái xó làng này lại phức tạp như vậy. Mày phải thật cẩn thận.
Lương gật gù:
–Đúng thế. Ngay cả chuyện lão gán ghép thằng cháu, tao cũng thấy không thật.
-Mày không phải là đối tượng của ông ta đâu.
-Vậy thì ai?
-Tao nghĩ ông ta muốn dùng cái quán này để làm phương tiện thanh toán những người không cùng cánh.
Lương rùng mình nhắm mắt lại. Ngoài cửa có tiếng động, Lương vội vọt ra ngoài. Ngay ngoài đường một tốp công an xã đang đi. Lương nép vào cổng. Ngay sau tốp công an một quãng có mấy bóng đen bám theo. Lúc mấy bóng đen ngang qua cổng, Lương nhìn thấy Khoái. Bất giác Lương thở dài quay vào. Tuyết cũng đã đi ra sân. Lương buột miệng:
–Mày nói đúng!
8-Nhà Khuếnh. Khuếnh ngồi im lìm trên sập, bóng in trên tường. Đèn nhà sáng trưng. Vợ Khuếnh lọ mọ đi vào khiến Khuếnh đang mải nghĩ giật mình:
–Lọ mọ như ma, tôi nói bao lần rồi. Cấm lên đây hiểu không.
Vợ Khuếnh lại cum cúp đi ra. Đám Khoái ở ngoài vào. Khuếnh nhổm hẳn người:
–Thế nào?
Khoái bộp chộp:
–Đúng như chú dự đoán, đám đó là công an viên của ban công an xã.
Khuếnh sốt ruột cắt ngang:
–Ai chả biết thế. Tôi hỏi là hỏi hành tung của họ.
Cò chen vào:
–Họ đi một vòng quanh làng, không tạt vào đâu cả. Đi là đi cho có chuyện thôi.
Khuếnh vặn lại:
–Các anh không được nói bậy. Đi cho có chuyện thì họ đi làm quái gì. Không chủ quan được với đám thằng Thăng đâu.
Khoái thắc mắc:
–Đang dưng tại sao chú lại cho giải tán tổ bảo nông?
Không cáu kỉnh như mọi khi, Khuếnh thở dài vẻ bi quan:
–Họ ép như ép dầu, ép mỡ, việc chẳng đừng phải làm thế thôi.
Khoái hăng hái:
–Việc gì chú phải sợ họ. Mình làm là làm cho thôn cho an ninh làng Kình chứ làm cho ai đâu mà sợ. Chú cứ để đấy chúng cháu giải quyết.
Khuếnh thở dài:
–Bề ngoài ta cứ phải chấp hành quyết định của họ.
Cò sốt ruột:
–Còn bên trong thế nào ạ?
Mặt Khuếnh chìm đi miên man:
–Cái đó để tôi còn tính. Khi nào chín việc tôi sẽ nhờ các anh giúp mỗi người một tay.
Khoái chán nản:
–Vậy ra bây giờ chúng cháu thất nghiệp à?
Khuếnh trừng mắt:
–Lo tốt việc ở cái điếm canh chợ đi. Chỗ đấy cũng đủ bộn việc rồi. Đám anh Cử vẫn có chân trong tổ bảo nông của hợp tác. Cứ thế mà làm thôi.
Cả bọn chưa ai kịp nói gì thì Khuếnh xua tay:
–Các anh về cả đi. Nhớ đấy, mấy cái việc tôi giao khi trước, thế nào vẫn y nguyên như cũ, tịnh không được thay đổi. Có điều làm gì bây giờ cũng phải kin kín một chút.
Bọn Khoái đi rồi, Khuếnh thả bộ trong sân. Những vệt chó sủa ran càng làm khuôn mặt ông ta quắt lại đen sẫm.
9-Nhà Bài. Sáng bạch nhưng Bài vẫn nằm ườn trên giường. Vợ Bài đi vào đi ra dắng dẻ:
–Cứ nằm ườn mãi thế rồi đâm ốm đấy.
-Mặc xác tôi.
Bài vẫn nằm yên. Vợ Bài lại gần thẽ thọt:
–Tôi muốn bàn với thầy nó việc này?
Bài gắt gỏng uể oải ngồi dậy:
–Việc gì?
–Chỗ tiền dạo trước…
Vợ Bài mới nói đến đấy, Bài đã gầm gừ:
–Để yên đấy, cấm được lẹm vào, hiểu chưa?
Vợ Bài đứng phắt dậy:
–Sao lại thế? Lúc trước ông chả bảo tiêu đi còn gì.
-Trước khác bây giờ khác.
-Tôi không hiểu!
Bài nhìn vợ khinh bỉ nhưng rồi hạ giọng:
–Giữ nguyên để đề phòng trường hợp xấu lão Khuếnh lần ra, mình còn có cơ chống đỡ.
Vợ Bài lắc đầu:
–Hay là thầy nó lại ra giúp ông ấy công việc. Nói đi cũng phải nói lại, có người ta mình mới có tấm có món, tự nhiên bỏ người ta, tôi thấy nó thế nào ấy.
Bài đập tay xuống giường:
–Cô biến đi cho tôi nhờ. Bảnh mắt đã ám quẻ. Biết cái gì mà cứ líu la, líu lô. Từ rày cấm hiểu không.
-Thì cấm! Biết thế đấm thèm vào nói.
Vợ Bài ấm ức bỏ đi chợ. Bài ngồi bó gối mặt buồn bã lo lắng. Từ ngoài Khuếnh thong thả vào. Khuếnh cười cười, xộc thẳng vào chỗ Bài:
–Chú Bài, tôi với chú đi làm chầu tiết canh cho nó đỏ. Gớm, tôi bây giờ thiếu chú đâm thành người mạt vận.
Bài rót nước cho Khuếnh:
–Bác uống tạm chén nước. Người em nhọc lắm, mình mẩy đau như dần, mấy ngày nay chẳng ăn uống gì được.
Khuếnh mân mê chén nước:
–Nhọc mấy thì chú cũng biết hết tình hình làng xóm. Chắc chú mở cờ trong bụng khi thấy tôi lâm vào cảnh thân cô thế đơn như bây giờ phải không?
Bài buồn bã:
–Con vật nó cũng không đến nỗi tàn tệ với nhau như thế. Bác nói làm em buồn quá.
Khuếnh nhếch mép:
–Vậy tôi xin lỗi chú. Tôi nhỡ lời.
Không khí gượng gạo, không ai nói thêm. Bài nhìn trộm, bị Khuếnh bắt gặp, khiến anh ta ngượng ngập:
–Em nói khí không phải, bây giờ em chẳng còn thiết gì cả. Em đúng là đồ bỏ rồi.
Khuếnh chợt vống giọng:
–Chú là đồ bỏ thì tôi đáng bị mang chôn. Chú Bài này, vậy là nhất quyết chú không đi với tôi?
-Bác để cho em khi khác.
-Khi khác là khi nào? Chú thừa biết là chuyện giữa tôi và chú không phải chỉ là bát tiết canh?
-Em hiểu! Nhưng mà bác Khuếnh ạ, bác chơi em đủ mọi vố rồi. Dùng cả đến loại mạt rệp như chồng con Đương để hạ em đủ biết bác là người thế nào. Em xin kiếu.
-Chú vừa lợi khẩu vừa nanh nọc quá đáng.
Bài đứng dậy:
–Vậy thì em không còn gì để nói với bác nữa.
Khuếnh hực lên:
–Chú đuổi tôi? Chú thật là quá quắt. Không sao cả, chú đã thế tôi càng dễ xử sự. Được thôi, vậy tôi nói thẳng, tôi không tình cảm nữa, cứ thẳng băng mực tầu mà vạch. Đây mời chú.
Khuếnh rút ra tờ giấy gập tư trong túi đưa cho Bài. Bài xem toát mồ hôi. Bài lau mồ hôi, nói cứng cỏi:
–Bác muốn gì?
-Muốn gì à? Chú câu kết với con Lương bòn rút tiền làm đường của dân bằng cách tăng giá trị công trình rồi hưởng phần trăm, giờ lại hỏi tôi muốn gì. Tôi đến chịu chú thật.
Bài vẫn chưa chịu:
–Đến nước này bác muốn làm gì tôi cũng được. Cùng lắm tôi bồi hoàn lại là xong chứ gì.
Khuếnh đi vòng quanh như người thợ săn dồn đuổi con mồi đã cùng đường:
–Không đơn giản thế đâu. Tôi phải khó nhọc lắm mới có được tờ giấy thú nhận ăn cắp của tay chủ thầu. Trong khi đó chú cứ ráo hoảnh câu một. Chú khinh tôi vừa vừa thôi.
Bài thở hổn hển trong dồn nén trạng thái cảm xúc:
–Ông Khuếnh, giờ thì tôi nhớ ông đã nói thế nào. Nếu muốn ông sẽ cho đàn em tẩn tay chủ thầu một trận là phòi hết. Ông bảo ông không làm thế vì không nỡ nhưng rút cục ông nói một đằng làm một nẻo.
Khuếnh vẫn tỉnh bơ như không:
–Chú thông cảm, cùng bất đắc dĩ tôi mới phải ra tay. Nhưng tôi không ác như chú tưởng đâu.
Đã sắp đặt trước, lúc này người chủ thầu xuất hiện. Chưa kịp chào hỏi, Khuếnh chỉ tay vào người này:
–Chú nói xem, tôi làm những gì với chú nào?
Người chủ thầu nhìn Bài đầy van vỉ:
–Bác Bài, việc đổ bể rồi, em đã nhận hết. Bác thương em đừng cố đấm nữa, xôi hỏng bỏng không rồi.
Bài lao đến chỗ người chủ thầu thộp ngực:
–Khốn nạn!
Khuếnh gỡ Bài ra:
–Chuyện đơn giản thôi mà, chú đừng quá xúc động mất khôn. Thế nhé, hai người cứ tính toán cho kỹ rồi gặp tôi.
Khuếnh bỏ đi thẳng. Người chủ thầu đợi Khuếnh khuất hẳn mới nói:
–Không có việc gì mà ông ấy không biết.
-Ông ta cho người đánh chú phải không?
Người chủ thầu lắc đầu:
-Không bác ạ! Làm thế còn lâu mới doạ được em. Chẳng qua em không chịu nổi căng thẳng nên phòi ra cho nhẹ nợ thôi. Bác đừng buồn làm gì. Còn người thì còn của bác ạ.
Bài bất lực ôm lấy đầu.
10-Phừng, Chuông và Thăng ở phòng chủ tịch xã. Thăng báo cáo:
–Sau khi nhận quyết định, làng Kình đã tự giải tán tổ bảo nông do Khuếnh lập ra. Tuy nhiên tôi vẫn thấy có cái gì đó không bình thường.
Phừng hỏi:
–Cụ thể như thế nào?
-Không có diễn biến gì cụ thể. Tôi muốn nói đến sự im lặng của ông ta. Tạm thời hệ thống loa truyền thanh của thôn ngừng hoạt động. Trụ sở thôn cũng đóng cửa im ỉm mấy ngày nay.
Chuông chép miệng:
–Có thể đấy là vì tay Bài đang nghỉ việc. .
Thăng tiếp tục:
–Nhóm tuần tra của công an xã cử ra vẫn hoạt động bình thường. Nhưng tôi vẫn đặc biệt lo ngại. Gốc rễ của vấn đề hiện nay nằm ở chỗ ta sẽ xử lý thế nào về số diện tích đất làng Kình sử dụng sai mục đích kia.
Phừng quay sang Chuông:
–Ta vẫn phải chờ đợi chỉ đạo của huyện thôi.
Chuông ngồi thần ra:
–Lập ra ban chỉ đạo để ngồi chờ, thật không hiểu nổi.
Phừng nói an ủi:
–Ban chỉ đạo làm được khối việc đấy chứ. Tôi tin bản kiến nghị của chúng ta sẽ được cấp trên xem xét cẩn thận.
Lúc đó Văn thư ký uỷ ban bước vào:
–Báo cáo anh Chuông chủ tịch, có anh Khải trên phòng nông nghiệp huyện đến làm việc ạ.
Phừng đứng dậy:
–Thôi ta dừng ở đây để anh Chuông làm việc. Có thế nào ta sẽ bàn tiếp.
Chuông cố vớt vát:
–Gì thì gì, chúng ta cũng phải cố dấn. Anh Thăng cho triệu tập cô Đương, ông Bài làm rõ chuyện kinh tế.
Thăng cảnh giác nhìn Văn:
–Chuyện đó phải tính kỹ anh ạ. Tôi sẽ đề xuất lên các anh sau.
Thăng cùng Phừng đi ra ngoài. Thăng:
–Chuyện cậu Văn hôm trước tôi đề nghị các anh phải xử lý?
Phừng lắc đầu:
–Đấy vẫn chỉ là phỏng đoán. Tôi trao đổi với anh Chuông rồi. Giả sử cậu ta có báo cho ông Khuếnh thật, mình cũng không có chứng cứ.
-Chứng cứ là chính sự bị động của ông Khuếnh. Lúc đó ông ta không ngờ chúng ta đến vì tưởng sang tuần xã mới xuống làm việc.
Phừng đặt tay lên vai Thăng:
–Tôi biết anh bức xúc, nhưng còn nhiều việc khác quan trọng hơn anh Thăng ạ.
Thăng im lặng về phòng mình.
11-Trụ sở thôn, Khuếnh đang cùng với Đương. Khuếnh:
–Cô Đương yên tâm đi. Giải quyết xong việc của chú Bài, tôi hứa sẽ để cô đi lấy chồng ngay tắp lự.
Đương lí nhí:
–Dạ…
Khuếnh nheo nheo mắt nhìn lướt một lượt người Đương:
–Cô còn trẻ lắm, có lấy thêm vài lượt chồng nữa vẫn kịp.
Đương uất ức:
–Bác thật quá quắt! Cháu làm gì nên tội mà bác lại nói ác với cháu thế? Bác cho bắt con bé nhà cháu chưa đủ hay sao.
-Tôi đùa ấy mà, cô chấp lão già này làm gì. Cô nhắc chuyện đứa con tôi mới nhớ. Thế cô trả công cho lão Bát những gì?
Đương không nói gì thêm. Khuếnh nhìn ra đường cũng nói sang chuyện khác:
–Quái lạ cái tay Bài, giờ mà vẫn còn chưa chịu ra giải quyết việc cho xong đi.
-Bác nhắn anh ấy khi nào?
-Mới đây thôi. Để anh ta tự giác nhưng không chịu buộc lòng tôi phải mời hai người.
Đương lại ngồi im. Khuếnh nhẩn nha:
–Cô dại lắm cô Đương ạ. Hồi đầu nhận cô, chắc cô chưa quên tôi đã nói những gì.
Đương lúng túng không nói được. Vẫn là Khuếnh mèo vờn chuột:
–Tôi thì tôi nhớ không quên, đại thể tôi giao kèo với cô, tôi chỉ lo việc lớn chứ không để tâm ba cái chuyện tẹp nhẹp, đúng không?
Đương cúi gằm mặt:
–Cháu nhớ rồi.
-Vậy cái chuyện làm đường này theo cô là chuyện nhớn hay chuyện nhỏ?
Đương mếu máo:
–Cháu xin bác. Bác đừng hành hạ cháu nữa. Dù sao thì cháu cũng là đàn bà, nhẹ dạ cả tin. Cháu tin anh Bài.
Khuếnh vẫn tưng tửng như không:
–Thì thế! Đàn ông nó tệ bạc thế đấy. Nhẽ ra việc này anh ta phải đứng ra nhận hết cho cô nhưng cô thấy đấy. Anh ta đánh bài bỏ của chạy lấy người.
Đương thút thít khóc. Khuếnh chợt đanh mặt:
–Cô Đương này, cô nhìn thẳng vào mặt tôi xem sao.
Đương lo sợ nhìn Khuếnh. Khuếnh:
–Tôi nói không sai, cái chuyện đường sá nhăng nhít với phần trăm phần chiếc là chuyện quá thường, quá nhỏ. Tôi không thèm để tâm.
Đương ngơ ngác không hiểu. Khuếnh mím môi:
–Tôi có thể bỏ qua chuyện nhỏ đó nhưng không thể bỏ qua những chuyện tày trời các người qua mặt tôi. Đã thế còn làm phản. Các người coi lão già này là mô rạ, bửa đất thật hay sao?
Đương sợ hãi nước mắt lại vòng quanh không thốt nổi. Khuếnh dằn giọng:
–Cô nói cho anh ta hay, tất cả những gì hai người làm tôi đều biết hết. Giỏi thì cao chạy xa bay đi. Tôi sợ gan các người không đủ lớn làm việc đó. Cô về đi và nói cho anh ta hay những gì cô vừa nghe thấy.
Đương dùng dằng. Khuếnh rít lên:
–Đi đi.
Đương như bỏ chạy khỏi trụ sở thôn.
12-Quán của Lương. Khoái đang gỡ mấy bom bia từ xe máy xuống đưa vào trong nhà. Khoái gạt mồ hôi:
–Làm luôn chuyến nữa nhé. Bõ một công chở.
Lương phì cười:
–Đủ rồi ông mãnh ạ. Khuân về ế bán không hết để âm à?
Khoái vỗ bành bạch vào bụng:
–Ế là ế thế nào, cứ tống hết vào đây có mà ế.
Lương nguýt Khoái. Khoái khuân vác xong xuôi, ngồi phanh ngực áo vớ lấy cái quạt nan quạt lấy quạt để. Lương nhích chiếc quạt máy về phía Khoái. Khoái dừng tay quạt, vẻ cảm động nhìn Lương. Lương mủm mỉm:
–Đừng tưởng bở, đây chưa cho qua đâu. Mà này…
Khoái nhích lại gần Lương. Lương hỏi độp:
–Tôi nghe nói đã giải tán tổ bảo nông sao anh vẫn còn rình rập đêm hôm là thế nào?
Khoái thật thà khai toẹt:
–Giải là giải thế thôi chứ còn vẫn phải làm ối việc.
-Việc gì?
Khoái chẹp lưỡi:
–Nhiều việc lắm nhưng đằng ấy biết để làm gì.
Lương cẫng lên:
–Này, trung thành với ông chú quá nhỉ. Thế thì biến. Con này không nuôi ong tay áo lần nữa đâu. Một lũ dở người.
Khoái luống cuống:
–Khổ quá lại thế rồi. Toàn những việc lăng nhăng lít nhít, mình biết làm quái gì.
-Biết lăng nhăng còn cố đeo, đúng là thân lừa.
Khoái cười nịnh bợ:
–Thì thân lừa mới ưa vác nặng. Thế mà cũng xong đâu, hết ông này đến bà nọ mắng mỏ.
Lương không chấp nữa:
–Chỉ được cái dẻo mồm là không ai bằng. Tôi nói thật nhé, từ hôm nay còn giở trò gì nữa là không xong với con này đâu.
Lúc đó, Tuyết đi xe máy về cùng với hai trung niên dáng điệu ăn chơi. Khoái lồi mắt nhìn. Đám kia dựng xe. Tuyết vui vẻ giới thiệu:
–Anh Lành, anh Tráng chủ thầu gỗ ở thị xã.
Tu mở cửa phòng hát ra nheo mắt nhìn hai người mới đến:
–Chào hai bạn vàng. Lại còn rỗi rãi thế đấy. Vào đây, vào cả đây. Tưởng ai, ra toàn người quen cả.
Họ kéo nhau vào trong phòng. Khoái nhìn theo đầy lạ lẫm. Lương vẫy Khoái:
–Đứng đực ra đấy làm gì, vào giúp tôi một tay.
Khoái đến bên Lương dò hỏi:
–Sao hôm nay mới trông thấy họ?
Lương gắt gỏng:
–Lại cái trò dò hỏi, không bỏ được tật đó à?
Khoái chẹp lưỡi:
–Thấy chẳng nhẽ không hỏi. Họ là ai thì quan trọng đếch gì đến thằng Khoái này.
Lương thì thầm:
–Khách xộp đấy, phải nhờ con Tuyết kéo về. Có họ quán của mình mới có cơ mở mặt. Mà này nhớ kín miệng cho tôi nhờ.
Khoái gật gù một cách khó hiểu.
13-Đương và Bài trong nhà nghỉ. Vẫn nhà nghỉ cũ họ đã từng đến, ở trước cửa công ty Sơn Phần. Cả hai ngồi đối diện nhau, vẻ mặt đều căng thẳng. Đương:
–Liệu ông ta có biết chuyện kia thật không?
Bài ngẫm nghĩ:
–Lão ta chỉ doạ già thôi, không thể biết được.
Đương vẫn vô cùng lo lắng:
–Tôi lo lắm, ngộ nhỡ lão ấy mà biết thật thì đời mình thành tóp.
Bài không tiếp lời vẫn mải theo mạch nghĩ của mình. Đương nhìn Bài, thở dài đứng dậy buông mình gieo xuống giường. Bài cũng đứng lên ra phía cửa sổ, nhìn về phía công ty Sơn Phần. Bài nói, không nhìn về phía Đương:
–Biết thì còn nói làm quái gì.
Đương lẩm nhẩm như độc thoại:
–Chẳng đời nào lão ấy lại chịu buông tha mình.
Bài nghiến răng kèn kẹt:
–Đến nước này cũng đếch sợ nữa. Tôi thách lão đấy. Mẹ, chơi thì chơi. Đến cùng xem mèo nào cắn mỉu.
Đương nhổm dậy đi đến bên Bài:
–Tôi hỏi thật nhé, rủi lão Khuếnh phát hiện ra thì mình làm cách nào?
-Cái gì?
Đương hoảng hốt nhìn Bài:
–Anh làm sao vậy?
Bài không trả lời, mắt vẫn dõi về phía cửa công ty Sơn Phần. Chợt Đương hoảng sợ níu chặt lấy Bài miệng lắp bắp:
–Ai như lão Khuếnh?
Đúng là Khuếnh. Khuếnh vừa bước xuống xe máy do Cò lái. Khuếnh đi thẳng vào trong trụ sở công ty Sơn Phần. Đương líu ríu:
–Chết rồi! Lão ta đến vì chuyện ấy đấy.
Bài nổi cáu:
–Im nào! Chết là cùng chứ gì.
14-Khuếnh đang ngồi trong phòng của Phần giám đốc. Khuếnh cầm chén nước nói thẳng:
–Tôi biết anh công to việc nhớn nên chỉ dám quấy rầy ít phút thôi.
-Bác đừng nói vậy, bận gì thì bận chứ đã hẹn bác đời nào tôi dám sao nhãng. Bác có chuyện gì vậy?
Khuếnh đặt chén nước:
–Tôi muốn hỏi lại anh cái hợp đồng giữa chúng ta.
Phần ngạc nhiên:
–Đang dưng sao bác lại hỏi tôi thế?
Khuếnh thủng thẳng:
–Là vì có một số vấn đề phát sinh nên tôi muốn hỏi lại anh vài điểm.
Phần càu nhàu:
–Nói thật với bác, chuyện đất cát của bác làm chúng tôi nhức đầu quá. Công ty tôi làm ăn khắp tỉnh này, xưa nay tịnh chưa bao giờ gặp rắc rối gì. Vậy mà dính vào các bác, chuyện cứ rối tinh rối mù. Hết tỉnh đến huyện, nay hỏi, mai hoạnh.
Khuếnh làm bộ ngạc nhiên:
–Vì sao vậy?
-Bác biết thừa còn hỏi. Đất đó là đất canh tác, tôi mua là mua liều, nghĩ đến sau này. Nếu nội bộ các bác đừng có chuyện thì miếng đất ấy chỉ là chuyện nhỏ bằng ngón tay. Đằng này…tôi mệt quá, đâm lao phải theo lao thôi.
Khuếnh đã lường đến tình huống này, vờ ngồi ngẩn ra không nói được. Phần bồi tiếp:
–Không phải đất tập thể thì tôi đã đánh bài ù té quyền rồi. Bác xem đây này.
Phần đưa cho Khuếnh xem tờ biên bản:
–Bác xem đi.
Khuếnh giương kính lên xem, gật gật:
–Tôi hiểu rồi.
-Đấy, đất cá nhân tôi đã trả lại. Họ lập biên bản bắt tôi không được xây dựng nhà xưởng kiên cố trên diện tích đó trong khi chờ xử lý. Bỏ ra cả một đống tiền chưa chừng lại tiền mất tật mang.
Khuếnh bây giờ đã hiểu sự nguy hiểm không đóng kịch được nữa, vã mồ hôi:
–Tôi không nghĩ sự tình nó lại phức tạp như vậy.
Phần cáu:
–Tại các bác hết. Lằng nha lằng nhằng.
Khuếnh ngồi im. Phần đã nguôi ngoai:
–Dưới đó, bác phải dẹp mọi rắc rối đi, kẻo họ làm mạnh tôi không bịt hết được đâu. Tôi cũng dại thật, cứ tin vào miệng lưỡi dẻo quẹo của tay Bài. Lẽ ra phải găm lại tiền.
Khuếnh rụt rè:
–Anh vừa nói họ sẽ xử lý?
-Chứ sao nữa, đám thanh tra huyện quần tôi nhừ tử. May mà tôi mạnh thế trên tỉnh không thì đứt rồi. Nào bác có chuyện gì thì nói đi.
Khuếnh e hèm:
–Cũng vì chuyện đó thôi. Nói thực, tôi lên đây để nhờ anh làm cách gì bịt thật nhanh chuyện đất cát này.
-Không dễ đâu.
-Khó mới cần người quyền thế như anh. Anh cứ nói với tỉnh, với huyện một tiếng là họ nghe răm rắp.
Câu nịnh của Khuếnh khiến Phần dịu hẳn:
–Đương nhiên tôi phải nói rồi mà không nói suông như các bác đâu. Bác còn việc gì nữa không?
-Tôi muốn phiền anh về cái giá thanh toán hôm trước.
Phần trợn mắt:
–Bác thắc mắc?
Khuếnh vội xua tay:
–Không…không, anh đừng hiểu lầm. Chả là chúng tôi muốn mọi sự trong nội bộ phải được minh bạch.
Phần mở tủ tài liệu lấy ra chiếc cặp lôi một mớ giấy tờ, lục tìm rồi đưa ra bản hợp đồng giá cả:
–Bác xem kỹ đi. Mà bản hợp đồng này bác chả có rồi là gì.
Khuếnh gật lia lịa:
–Vâng! Anh Phần này, nội bộ chúng tôi đúng là không được yên như anh nói. Chả giấu gì anh, có ý kiến thắc mắc tôi và anh Bài hưởng chênh lệch hoa hồng. Tôi quả thật không hiểu.
Phần lại cáu:
–Các bác đúng là lằng nhằng thật. Tiền thì bác lĩnh giờ lại bảo không hiểu. Không hiểu là thế nào?
Khuếnh chớp lấy thời cơ:
–Tôi không hiểu thật. Việc giao dịch trực tiếp tôi uỷ nhiệm cho anh Bài. Không thấy anh ấy nói gì.
Phần to tiếng:
–Bác xuống tài vụ mà kiểm tra. Khoản hoa hồng một phần trăm tính ngoài giá hợp đồng, tay Bài lĩnh ngay sau khi ký.
Khuếnh sướng đờ mặt. Phần đùng đùng:
–Đi, bác đi với tôi. Giấy trắng mực đen còn sờ sờ kia kìa. Cả một đống tiền chứ có phải củ khoai con kiến đâu.
Khuếnh nở nụ cười tươi rói:
–Cảm ơn anh rất nhiều. Cảm phiền anh cho tôi xin một bản ký nhận được không ạ?
-Mười bản cũng có. Để tôi gọi điện cho tài vụ.
Phần nhấc máy điện thoại:
–A lo, tài vụ phải không?
Khuếnh giãn mặt. Xuất hiện trong mắt ông ta những tia sáng độc ác.
15-Bài thập thò ở cửa nhà nghỉ. Vừa thấy Khuếnh đi ra khỏi văn phòng công ty Sơn Phần, Bài bèn bấm số điện thoại bàn của nhà nghỉ:
–A lo, anh Phần à…
Phần nói gì đó, mặt Bài đuỗn ra không nói thêm được từ nào. Bài đặt máy như người mộng du đi về phòng. Đương thấy Bài về hỏi dồn dập:
–Thế nào? Ông ta đến vì việc gì?
Bài như không nghe thấy tiếng Đương, ngồi ngẩn ngơ. Đương hiểu ra sự tình lập tức rên rỉ:
–Tôi biết ngay mà. Cả cái chuyện to vật như vậy có mà giấu. Tin vào ông đúng là có ngày ăn cám thật.
Bài bực tức gầm lên:
–Cô im đi!
Đương vẫn lải nhải:
–Đời tôi sao lại mạt vận thế không biết. Ngày xưa đã đành, lúc đó tôi trẻ, tôi dại. Còn bây giờ…sao tôi ngu thế hở giời.
Bài vẫn như điếc không hề phản ứng. Mặt Bài nhợt nhạt trơ khấc. Đương vẫn rên rẩm:
–Bây giờ biết làm thế nào?
Chợt Đương gầm lên thộp lấy cổ áo Bài:
–Ông nói đi, sao lại im thin thít thế? Nói đi, đồ đểu.
Bài sau lúc lặng im cũng nổi điên, gạt mạnh tay Đương khiến Đương bị vằng đi loạng choạng. Bài hực lên:
–Im mồm!
Đương lại vùng lao vào Bài nhưng Bài đã chủ động tóm chặt lấy hai tay Đương đẩy ra rít khẽ:
–Thôi đi, tôi có cách rồi.
Đương buông thõng tay mất hết sinh khí.
16-Quán Lương. Trong nhà sau, nhóm Lành và Tráng đang đánh bài ăn tiền với Tu và Tuyết. Bên ngoài Khoái kê ghế ngồi. Thi thoảng Khoái lại ngoái nhìn với ánh mắt thèm thuồng. Lương ở chỗ đặt thùng bia vẫy tay. Khoái lon xon chạy ra. Lương:
–Nhớ phục vụ họ chu đáo đấy.
Khoái thì thào:
–Tiền đâu mà họ đánh nhiều vậy.
Lương trừng mắt:
–Lại thế rồi. Đã bảo không phải việc của mình thì đừng để mắt đến. Thôi vào đó đi.
Lần này Khoái đi thẳng vào chỗ đánh bạc. Con bạc tên Lành đang vơ tiền soàn soạt. Trước mặt anh ta ụn cả một chồng tiền dầy. Lành hỉ hả:
–Cầu này son đây.
Khoái vòng ra sau Tu đứng. Tu làu nhàu:
–Đen thế không biết.
Chợt Tu nhìn thấy Khoái phía sau, bèn buông lời ta thán:
–Thảo nào! Con lạy bố. Bố đứng lù lù như đụn rạ ám quẻ thì còn đánh đấm chó gì nữa.
Mấy người kia bật cười. Khoái hoang mang:
–Em vừa vào đấy chứ.
Vẫn là Tu:
–Bố biến đi cho con nhờ.
Người tên Tráng nhón một tờ bạc chẵn trong đống tiền đưa cho Khoái:
–Kiếm hộ bao thuốc ba số.
Khoái lầm lầm mặt cầm tiền đi ra. Lương nhìn vẻ mặt Khoái hỏi:
–Sao thế?
Đang bực Khoái nhét tiền vào tay Lương:
–Thánh họ! Làm như bố người ta không bằng. Ông cầu cho mày nhẵn túi.
Lương giãy nảy như đỉa phải vôi:
–Biết ngay mà, bảo cấm có nghe bao giờ. Mình làm ăn phải nín chịu chiều chuộng khách. Đằng này tinh tướng, muốn oai thì về trụ sở theo ông Khuếnh, tha hồ quát nạt. Rách việc!
Khoái đứng ngay cán tàn. Lương có vẻ thương hại:
–Lại thằng cha Tu chứ gì?
Khoái gượng gạo gật đầu:
–Nó cứ chửi tôi chan chát. Thánh họ nhà nó. Tức không thể chịu nổi. Cậy có tiền à, bố mày mà điên lên…
Bất đồ Lương bật cười:
–Điên lên thì làm được cái gì. Thôi hiểu rồi, ông đi chỗ khác đi vậy. Đám đó cứ để tôi.
Khoái dùng dằng:
–Tức thì tôi nói thế, sao lại đuổi tôi?
Lương phẩy tay:
–Hiểu rồi, đi đi cho được việc. Mà tiền gì đây?
-Mua cho nó bao ba số.
Khoái đùng đùng bỏ đi. Ngang qua chỗ một đám thanh niên đang uống bia, có tiếng chào mời:
–Anh Khoái vào làm một choác.
Khoái cáu bẳn:
–Choác cái con khẹc!
17-Khuếnh ở trong trụ sở. Khoái từ ngoài vào. Khuếnh e hèm:
–Mày rúc ở xó nào, sao bây giờ mới vác mặt đến?
Khoái bị bất ngờ lúng túng chống chế:
–Cháu ở quán con Lương chứ có đi đâu đâu.
-Nói láo! Tao cho người đi tìm ba lần bẩy lượt tịnh không thấy tăm hơi đâu cả.
Khoái ngồi im chịu trận. Khuếnh hạ giọng:
–Thằng Tu thế nào?
Khoái lí nhí:
–Dạ, nó vẫn thế ạ?
-Sao bảo nó đánh bạc rất to?
Khoái chợt hăng lên:
–Vâng! Đúng thế ạ. Mấy đứa kia tinh con buôn trên thị xã, bộn tiền lắm bác ạ. Chúng nó bày tiền hoa hết cả mắt mũi.
Khuếnh hừm hừm:
–Việc động trời như thế mà anh không báo với tôi một tiếng. Hoá ra cài anh vào đấy đúng là vô tích sự.
Khoái phân trần:
–Cháu đang định nói thì bị chú mắng, lú lẫn hết đầu óc. Cái tang cháu như vậy cứ lú là y như như rằng lẫn lẫn, lộn lộn.
Khuếnh phì cười:
–Tiên nhân nhà anh, chỉ giỏi vụng chèo khéo chống.
Khoái đã lại tươi hơn hớn:
–Cháu nghe chú dặn nên nhịn nhục phục vụ đám bạc của thằng Tu mướt hết cả người.
Khuếnh thoắt cái lại nghiêm mặt:
–Nghe đây! Việc thằng Tu cứ để đó, tôi đã dặn riêng anh Cò rồi nhưng tự chúng rút thòng lọng càng tốt. Bây giờ anh đi gọi cho tôi mấy anh kia.
Khuếnh dặn dò vào tai Khoái. Khoái gật đầu lia lịa. Khuếnh:
–Cứ thế mà làm hiểu chưa?
18-Nhà Bài buổi tối. Bài đang truy bức vợ:
–Bỏ ra hết đi, đừng nấn ná nữa không xong đâu.
Vợ Bài ngồi thẫn thờ:
–Thế là tôi mất hết à?
-Mất đi đâu mà mất. Của thiên thì trả địa mất đi đâu đồng nào.
Vợ Bài tru lên:
–Giời ơi là giời, miếng ăn đưa lên đến miệng bị giật đi lại bảo là không mất. Sao tôi lại khổ thế không biết. Chồng ơi là chồng, con ơi là con.
Bài thô bạo bịt miệng vợ:
–Im đi! Cô mà còn nói nữa tôi giết cô đấy!
Vợ Bài nhìn chồng. Mắt Bài long sòng sọc. Vợ Bài có vẻ hoảng. Bài nói gằn từng tiếng:
–Đưa đây nhanh lên!
Vợ Bài ngờ vực:
–Nhưng ông định mang tiền đi đâu?
Bài rít trong họng:
–Không phải việc của cô. Làm đi!
19-Trong lúc đó ở nhà Đương. Đương ngồi thẫn thờ trong nhà. Dưới chân là chiếc túi du lịch nhỏ. Bên ngoài đám Khoái đang mai phục rình mò. Khoái bò vào tận sân trân mắt nhìn rồi lộ ra ngoài ngõ. Cò thì thào:
–Có động tĩnh gì không?
Khoái làm bộ quan trọng:
–Nó sắp xếp mang theo cả túi du lịch.
Cò hốt hoảng:
–Bỏ mẹ! Đúng là nó định đi trốn thật.
Khoái gãi đầu:
–Nhưng sao tao không thấy đứa con gái. Nếu bỏ trốn nó phải đưa cả con nó đi chứ.
Cò trề môi mắng Khoái:
–Mày ngu lắm. Nó đã âm mưu thế đương nhiên phải gửi con đi trước.
Khoái gật đầu ờ à:
–Có lẽ thế thật. Thánh họ thằng ngô con đĩ. Sực cho bẫm vào rồi bây giờ hành các bố.
Đương đi ra ngoài hiên. Hai đứa nằm ẹp xuống vệ đường. Đương nhìn ra ngoài sau đó lộn lại trong nhà. Khoái hỏi Cò:
–Làm gì bây giờ?
Cò hỏi lại:
–Ông Khuếnh dặn mày thế nào?
-Thì dặn là không được rời mắt khỏi nó.
Cò mắng Khoái:
–Đúng là cái đồ đầu đất. Con Lương nó chịu được mày kể cũng đáng được tôn vào hàng nữ tướng. Chạy về hỏi ông ấy đi.
Khoái chần chừ rồi cũng phải chạy đi.
20-Nhà Khuếnh. Lúc này Khuếnh đang ngồi trên sập uống ruợu suông. Khoái từ ngoài xộc vào nói choang choang:
–Con Lương nó bỏ trốn chú ạ.
Khuếnh ngồi im không tỏ ra bất ngờ:
–Nó đâu?
-Dạ, nó đang ở nhà.
Khuếnh xoay người:
–Sao vừa bảo nó bỏ trốn?
-Cháu thấy nó chuẩn bị túi xách nên đoán thế.
Khuếnh gắt gỏng:
–Mày thật không làm nổi việc gì ra hồn.
Khoái bị mắng tẽn tò đứng im thin thít. Khuếnh:
–Sao không ở đó về đây làm gì?
-Cháu về hỏi chú nếu nó đi trốn thật thì làm thế nào ạ?
Lần này Khuếnh cáu, đập mạnh tay xuống sập:
–Ngu! Có thế cũng phải hỏi. Nếu nó trốn thì gô cổ lại xách ra trụ sở hiểu không?
-Vâng, cháu hiểu rồi.
Khoái vội lỉnh ngay ra ngoài, co chân chạy. Trời tối, vội vã nên Khoái va vào Bài khiến cả hai ngã quay lơ ra đường. Khoái lồm cồm bò dậy quát tháo nhặng xị:
–Ai đấy, mù à?
Bài vồ lấy bọc vải vừa bị văng ra ôm khư khư trên tay mắng trả:
–Mày bảo ai mù hả thằng trời đánh kia?
Khoái đã nhận ra Bài, lồi mắt nhìn ngạc nhiên:
–Thì ra ông anh Bài. Đi đâu đêm hôm khuya khoắt thế này?
Khoái sấn tới chọc chọc tay vào bọc vải:
–Khư khư như giữ mả tổ thế này chắc là của cải hiếm đây. A, hay là ông anh định vơ váo đánh bài chuồn đấy?
Bài đánh mạnh vào tay Khoái:
–Thằng khố rách. Cút cha mày đi, ông lại táng cho vỡ hàm bây giờ. Tao không dây dưa gì với mày hiểu chưa?
Khoái không cáu, ngược lại còn nhe răng cười hì hì:
–Buồn cười quá, cái thân cò vạc như ông anh mà cũng đòi táng với chả tống. Có mà tống vào hĩm con mẹ Đương chả xong…
Khoái nhắc đến Đương chợt ngẩn ra, lắp bắp:
–Mà phải, ông anh đang định sang nhà mụ Đương chứ gì. Không ổn đâu, con đó đang bị chúng tôi kèm chặt rồi. Thoát thế chó nào được. Đứng yên đấy.
-Mày làm gì tao?
Khoái phởn chí nói tuồn tuột ra bí mật:
–Thánh họ! Làm gì à, lôi ông và mụ Đương ra trụ sở vì tội bỏ trốn.
Bài lặng đi, căng thẳng ngẫm nghĩ nhưng lập tức cười khảy ngay, gạt Khoái ra rồi lững thững đi vào ngõ nhà Khuếnh. Khoái nhìn theo Bài, vỗ vỗ vào trán lẩm bẩm:
–Thánh họ! Chẳng còn hiểu trăng sao gì nữa.
Khoái bỏ đi. Bài vào thẳng trong nhà Khuếnh. Khuếnh đang ngồi nhìn thấy Bài thoáng giật mình nhổm người. Bài đặt gói vải trước mặt Khuếnh nói bình thản:
–Em biết thể nào rồi cũng có lúc này. Em xin đầu thú với bác.
Rõ ràng là Khuếnh ngạc nhiên đến mức không thốt được thành lời. Miệng ông ta mấp máy, tay chỉ vào sập mời Bài ngồi.
21-Đương vẫn bồn chồn hết vào lại ra ngoài sân. Sau cùng chị ta bê ra chiếc xe đạp rồi lấy chiếc túi du lịch ra cột vào giá đèo hàng.
Ngoài ngõ Cò và Khoái đang quan sát. Khoái nói thầm vào tai Cò:
–Nó bước ra ngõ là trói gô lại giải về trụ sở.
-Chắc chắn đấy nhé, có điều gì mày phải chịu trách nhiệm.
-Đương nhiên rồi, chú Khuếnh giao cho tao rõ ràng từng li từng tí, không thể nhầm được.
Có tiếng người lao xao. Một tốp công an xã đi tuần tra. Khoái và Cò cay cú nhìn theo. Khoái lầm bầm chửi:
–Thánh họ! Đúng là bọn theo đóm ăn tàn.
Cò nhắc Khoái:
–Khẽ mồm thôi, đụng với bọn họ là hỏng việc đấy.
Cả hai lại dán mắt vào trong nhà Đương.
22-Nhà Khuếnh. Bài ngồi nem nép như rắn mồng năm. Khuếnh tỏ ra khó xử, khe khẽ thở dài:
–Chú làm tôi khó hiểu quá. Cứ đằng thẵng chú ra mặt chống tôi có khi lại hoá hay. Đằng này…
Bài nói trôi chảy:
–Em thề không bao giờ em dám có ý định chống bác. Làm thế em không đáng làm con cẩu nhà bác. Chẳng qua em ở thế kẹt nên chó cùng cắn dậu thôi.
Khuếnh lắc đầu:
–Tôi càng không hiểu. Ừ thì bảo chú tham đã đành. Mẹ, trên đời này có thằng chó nào không tham. Tiền là cái thứ có ma lực hơn cả gái gú. Chú lường gạt ăn chặn đã đành.
Bài vội vã cắt ngang:
–Cái đó em đã giải trình với bác rồi. Em trót dại.
-Nhưng tôi vẫn không hiểu. Chú ôm cả đống tiền, lẽ ra chú phải lấy đó làm động lực để giúp tôi. Tại sao chú được cả tiền và tình lại bạc nghĩa với tôi?
Bài mạnh dạn:
–Bác có muốn nghe em nói thật không?
Mặt Khuếnh sa sầm:
–Nói đi!
-Bác có lẽ cũng không biết được mình là người như thế nào. Tinh tướng bác phát tiết cả trong lẫn ngoài, tựa như hùm, như beo. Người ở cạnh bác đương nhiên là chả ai còn bóng, còn vía.
Khuếnh nghe chăm chú, không biểu lộ gì. Bài liếc mắt thăm dò:
–Bởi thế nên em tham thì có tham thật nhưng không lúc nào em nguôi ngoai được ý nghĩ bác đi guốc trong bụng em. Cho nên em quẩn, em ngu cũng có cái cớ của nó. Tham thì thâm thôi.
-Nghĩa là chú có sợ tôi?
Bài vội cướp lời:
–Không sợ bác thì đời nào em lại phải cúi mình trước bác hôm nay.
Khuếnh phẩy tay:
–Chú im lặng cho tôi tĩnh trí một lát được không?
Bài không nói gì, ngồi im. Khuếnh như nhắm mắt lại suy nghĩ mông lung. Được một lát, Khuếnh móc ra tờ giấy phô tô biên nhận tiền của Bài:
–Chú xem đi.
Bài thoáng rùng mình:
–Em biết là bác chơi trò mèo vờn chuột với em. May là em còn đủ tỉnh táo để nhận lỗi trước bác. Không có cái gì là bác không biết.
Khuếnh giật lấy tờ giấy, bất đồ nổi cáu:
–Chú thôi đi. Phỉnh phờ thế đủ rồi. Chú là loại người thật đáng sợ. Tôi đâu có ngờ chú lại dám đối xử với tôi như vậy. May mà trời giúp tôi nhận ra chân tướng chú.
Bài lí nhí:
–Em sai rồi, bây giờ bác có đánh, có chửi thì em cũng đành chịu.
Khuếnh gầm lên:
–Tôi á? Không cần tôi phải ra tay. Dân làng Kình sẽ xử chú theo đúng cách mà chú đã chơi họ. Rồi chú sẽ thấy đến một miếng đất chôn thây ở cái làng này chú cũng không có được.
Khuếnh thở hồng hộc. Bài im thít. Vẫn là Khuếnh:
–Dù gì thì tôi cũng vẫn phải kính nể chú. Đến tận lúc này, chú vẫn là người chủ động chứ không phải tôi. Giờ thì chú tính giải quyết sao đây?
Bài rầu rầu mặt:
–Cái đó tuỳ ở bác. Giờ em ở trong tay bác, bác muốn làm gì em cũng phải chịu. Em xin nộp lại toàn bộ số tiền đã tham ô.
Bài chỉ tay vào bọc vải:
–Tất tần tật, không thiếu một cắc.
Đến lượt Khuếnh ngồi thừ ra. Bài kín đáo liếc Khuếnh. Khuếnh căng thẳng rót một chén ruợu tu ực. Đoạn Khuếnh quay sang Bài:
–Chú nói đi. Chú muốn tôi giải quyết thế nào?
Mắt Bài loé lên:
–Chỉ có em với bác ở đây. Nếu bác tha cho em tội này em thề có cao xanh, sẽ cúc cung phục vụ bác.
-Nói thực, tôi không thể tin loại người như chú được nữa.
Bài thề bồi:
–Nếu thằng Bài này còn một lần tráo trở với bác, trời sẽ tru, đất sẽ diệt.
Khuếnh khẽ gật đầu:
–Chú thuộc loại tráo trở nhưng cũng chả còn cách nào khác tốt hơn. Thôi được! Chú hãy cứ cất tiền đi đã. Việc này tôi sẽ giải quyết sau.
Bài mừng rỡ như bắt được của chắp tay vái Khuếnh:
–Em xin ghi lòng tạc dạ công ơn này của bác.
Khuếnh hất hàm:
–Cầm lấy đi.
Bài len lén cầm lấy bọc vải. Tiếng Khuếnh rền rền:
–Tôi tình thực không muốn dân làng biết chuyện này. Trạng chết chúa cũng băng hà. Chú mà toi, tôi cũng chả vẻ vang gì. Chú về đi.
Bài cầm bọc vải, tránh cái nhìn của Khuếnh đang xoáy vào mình. Bất ngờ Khuếnh giật giọng:
–Hượm đã.
Bài đã dợm bước nhưng giật mình dừng phắt. Khuếnh:
–Tôi nghe chúng nó nói con Đương đang chuẩn bị đồ đạc đi trốn. Có chuyện đó không?
Mặt Bài bớt sợ:
–Có chuyện đó. Em và cô Đương sợ quá mất khôn có tính đến phương án ấy nhưng sau cùng thì em nghĩ lại như bác đã thấy.
Khuếnh nâng cằm Bài lên:
–Chú nhìn vào mắt tôi.
Bài nhìn. Khuếnh buông tay:
–Đến ngay nhà cô ta đi kẻo không kịp đâu. Bẽ mặt cả lũ đấy.
23-Đương dùng dằng rồi tặc lưỡi dắt xe ra khỏi ngõ. Khoái và Cò ập đến. Khoái đanh giọng:
–Đứng lại.
Hết tập 12
Entry filed under: Kịch bản phim truyện.
1.
Meogia | Tháng Mười 3, 2009 lúc 10:36 chiều
Boc tem anh PNT nua!Dao nay luoi “com” vi may laptop o nha khong co dau tieng Viet, con o co quan thi khong co thoi gian vao blog.
2.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 3, 2009 lúc 10:55 chiều
Cái Gió này ít người đọc, còm chả có nói gì đến tem. Khe…khe…
3.
Giao trọc Balan | Tháng Mười 4, 2009 lúc 10:51 chiều
Cho anh Giao làm một chân trong film ấy nhé
thêm nhân vật trọc đầu vào nhá !
4.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 5, 2009 lúc 12:18 sáng
Thêm một nhân vật đầu trọc. Nhân vật này rất ấn tượng. Bộ đội nghèo nhưng thơ hay cực kỳ. Vẫn nhớ cây thuốc và chiếc váy anh Giao ơi. Mừng! Vậy là lại tìm được nhau. Khe…khe…
5.
meogia | Tháng Mười 5, 2009 lúc 4:26 chiều
Thấy bác PNT và Gió làng Kình đứng thứ 54, 55 trong danh sách top blogs và top posts.
6.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 5, 2009 lúc 4:38 chiều
Kệ nó. Có cái blog thi thoảng chuyện trò thế này mới là cái được, cái vui. Khe…khe…
7.
xuân hoà | Tháng Mười 6, 2009 lúc 7:34 sáng
thật đấy,top tiếc làm quái gì,cứ đc chuyện trò với nhau là ok rồi.giống như chị meogia ấy,đố thấy tốp của chị ấy ở đâu mà ai cũng yêu meogia quá chừng.
dạo này nhà bác tiến ko chỉ có mèo nữa rồi.vui.lại thêm 1,2 anh khuyếnh nữa hehehe.
8.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 6, 2009 lúc 8:34 sáng
ai cũng yêu meogia quá chừng…khe…khe….Xuanhoa chỉ được cái nói đúng.
Mấy anh trọc đầu kia đương nhiên là vui rồi.
9.
meogia | Tháng Mười 6, 2009 lúc 8:05 sáng
@Xuanhoa: Câu nói của em hay nhất trong ngày! Buổi sáng đến cơ quan sớm, mở máy, vào blog và thấy đời lên hương lạ!
10.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 6, 2009 lúc 8:36 sáng
Cho tui xin tí hương nào…đang chán ốm ra đây. Khe…khe…
11.
Giao trọc ở Balan | Tháng Mười 8, 2009 lúc 2:04 sáng
Giữ lời nhé ! Cho vai đầu trọc nhưng phải giỏi võ nhé ! Hehe…
12.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười 8, 2009 lúc 8:33 sáng
Nhất trí thôi, có điều võ trong phim đi bán thuốc dạo cũng không xong.