Người đàn bà của gió mưa- 4

Tháng Mười 7, 2009 at 11:50 sáng 79 bình luận

Rút từ tập “Chân dung của rượu”

IV

Có lẽ tôi chẳng nên viết những dòng trên, nó sẽ khiến Linh thêm đau lòng nhưng nếu không viết thì đó sẽ là một khuyết thiếu không thể tha thứ khiến chân dung Linh chẳng còn trọn vẹn. Viết những dòng này tôi đã cầu mong linh hồn cháu bé thể tất cho tôi.Anh TL 4

Nhà văn Thùy Linh và tác giả (bìa phải) trong đám cưới con gái diễn viên Hồng Sơn.

Sau lần vượt cạn bất thành ấy, Thùy Linh còn gắng chống trả số phận bằng vài lần thụ thai khác nhưng đều thất bại. Cứ mỗi lần xảy đến thì đó là mỗi lần niềm tin sinh hạ nơi Linh dần cạn kiệt để đi đến tuyệt vọng hoàn toàn. Năm 1999 tôi sinh đứa con gái thứ hai. Thương Linh tôi bàn với vợ lấy tên Linh đặt cho con. Cũng một phần duy tâm nữa, tôi muốn con gái tôi mang lại khước cho Linh biết đâu sẽ may mắn. Tôi vẫn hy vọng Linh có một kết cục đẹp về con cái. Lúc nói với Linh chuyện đặt tên, Linh đồng ý nhưng mặt rất buồn. Từ đó con gái Phạm Ngọc Linh của tôi có thêm một bà mẹ. Thi thoảng nó lại bảo tôi chở đến cơ quan thăm mẹ nuôi. Bây giờ thì Linh không còn nhắc đến chuyện sinh con nữa. Buồn thay Linh đã chấp nhận số phận.

Sau khi truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” đoạt giải nhì ( không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, phải động viên mãi Linh mới chịu tập hợp lại 9 truyện để in thành tập lấy luôn tựa truyện trên làm tên. Đa phần truyện ngắn trong tập đều ăm ắp nỗi buồn nhân thế, số phận nhân vật luôn bị đặt vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, hoặc thiếu may mắn hoặc bị tước đoạt hạnh phúc. Nhưng trên tất thảy nghịch cảnh ấy là niềm khát khao sống, những đam mê cháy bỏng, khẳng định nhân cách con người. Những truyện ngắn thật buồn nhưng xúc động đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu. Văn của Thuỳ Linh ngùn ngụt khí lực, trường mạch, đẹp một cách bất ngờ và cốt thiết nhất là rất giầu hình ảnh. Tôi đã chuyển thể một số truyện ngắn trong tập thành phim.

Là trưởng phòng nội dung 1, rồi phó giám đốc Linh luôn có ý nâng đỡ những người có ý định viết kịch bản. Thói cả nể của Linh nhiều khi thành thương người vô lối và không ít lần gây hoạ. Một nhà văn hạng bét trong cơn túng quẫn, cần tiền thế là ôm ý tưởng đến. Linh không nề hà chỉ dẫn thậm chí bỏ công căng lis giúp. Tất nhiên có kết quả nhưng nói thật những kịch bản “trợ cấp” ấy có bao giờ hay được. Lại một lần có tác giả nữ đến cơ quan gặp Linh. Thương người này nghèo khó, Linh đưa luôn về nhà nuôi ăn ở như nuôi cán bộ nằm vùng dạo kháng chiến còn trong thời kỳ bí mật. Một thời gian khá dài, Linh tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để ra được hơn chục tập kịch bản. Lúc đạo diễn làm phim có sơ xuất sai tên rồi sửa kịch bản cho phù hợp thế là ăn kiện gần chết. Đến tận bây giờ vụ kiện vẫn còn lằng nhằng ở cấp…tòa án. Lần đó Linh nhận được một bài học nhớ đời nhưng cấm có chừa được. Còn vô khối trường hợp khác, nhiều lần Linh còn phải tự bỏ tiền túi để ứng cho tác giả. Mà đa phần những khoản chi này coi như “mất hút hàng lươn”. Nói, Linh cười hì hì: “Tôi trưởng thành muộn khôn ngoan chậm mà.”.

Linh thu dần mình lại sau những biến cố của đời mình. Tránh những cuộc vui ồn ã. Bạn văn, bạn nhậu ngày một ít đi. Vẫn biết tính tình con người là thứ không thể thay đổi nhưng tôi biết Linh phải gắng để kìm mình. Linh học thiền, đọc nhiều sách về đạo, hay lai vãng đến chùa chiền lấy sự tĩnh lặng làm niềm vui sống. Một dạo tôi khuyên Linh nhận lấy một đứa con nuôi. Chúng tôi từ lâu đã có quan hệ với Trung tâm bảo trợ xã hội 4 ở Ba Vì, Hà Tây. Hàng năm, vào dịp hè, dịp tết mấy anh em góp nhau lại, quyên góp thêm các báo để có chút ít quà cáp sách vở cho các cháu mồ côi và cơ nhỡ. Linh kéo thêm được nhiều người khác làm việc này. Đã thành lệ, cứ áp Tết âm lịch mấy anh em chúng tôi lại tổ chức một bữa ăn đón Tết cùng với các cháu ở trại. Linh bàn với tôi giúp miếng ăn thì ai cũng có thể giúp được, mình phải giúp các cháu cái đọc, giúp các cháu con chữ. Thế là âm ỉ nhiều năm chúng tôi quyên góp sách truyện, tìm nguồn để xây dựng một thư viện tạo nếp đọc cho các cháu. Nhưng cũng phải đến khi làm một dự án phim với nước ngoài, quen biết một doanh nhân Việt kiều thì nguyện vọng kia của Linh mới thành hiện thực. Bây giờ các cháu mồ côi cơ nhỡ ở Trung tâm 4 đã có một thư viện với tương đối đầu sách văn học đủ để thu nhận một thế giới chí ít cũng tươi sáng hơn cuộc sống hiện tại của các cháu. Linh bảo: “Chỉ văn học mới giúp chúng thắp lên được ngọn lửa tình yêu cuộc sống, mới có khát vọng vươn lên được thành người.”. Tôi không hẳn nhất trí với quan điểm này nhưng tấm lòng của Linh đáng được ghi nhận. Lứa các cháu ở Trung tâm lớn dần lên đến tuổi trưởng thành là phải rời trại hoà nhập vào xã hội. Linh cũng bức xúc trăn trở kiếm tìm đầu ra cho một vài trường hợp. Hiện Linh đang giúp vài cháu từ cái ăn, chỗ ở đến việc học và công việc làm sau khi ra trường. Những việc thế này là một nét trong tính cách của Linh. Nó thể hiện hiện rất rõ trong các truyện ngắn Linh viết mà ngay từ “Mặt trời bé con của tôi” đã có điều này. Có lẽ đó là lý giải đọc văn Linh thấy xúc động và thường tạo ra được hiệu ứng đồng cảm trong độc giả.

Trong trại có một khu riêng dành cho các cháu sơ sinh. Những trường hợp này đại đa số đều bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, cá biệt có người mẹ sinh con xong gói vào bọc rồi đặt ở cổng trại. Linh lên đó quyến luyến với nhiều cháu, cũng đôi ba lần định làm thủ tục đón một đứa, lãnh đạo trại quý Linh rất ủng hộ, khuyến khích nhưng rồi cứ lần lữa mãi, hết lý do chủ quan đến khách quan việc vẫn không thành. Hôm rồi Linh bảo tôi bằng một giọng bình thản: “Thôi anh ạ, cái duyên em không có nên đành chấp nhận. Em chắc chỉ sống được một mình…”. Tôi im lặng không trả lời.

Tôi với Linh làm việc trong cùng một phòng đến hơn chục năm. Chuyện này cũng buồn cười. Tính tình tôi và Linh khác biệt nhau và hầu như trái ngược hoàn toàn. Tôi ồn ã, vô tâm sống ào ào khách khứa tấp nập và luộm thuộm hết mực. Linh trái lại ngăn nắp chỉn chu, quan hệ chừng mực. Gần đây Linh chuyển phòng làm việc khi nhận chức vụ phó giám đốc. Nói thật đã quen sống có Linh tôi hẫng hụt như thấy thiếu một thứ gì đó. Tất nhiên, phòng tôi bây giờ không có bàn tay phụ nữ đã hoang tàn, bề bộn như một bãi chiến trường. Tôi bỏ hẳn hoa tươi hàng ngày, dinh về một cành hoa giả bày cho tiện. Hôm rồi, Linh về phòng hạ cuốn lịch bảo tôi: “Ông này cùn thật, vẫn nguyên lịch từ hôm tôi đi không thèm cả bóc.”.

Tính Linh có phần cực đoan lãnh đạm, kiên quyết với người thân nhưng lại nồng nhiệt vồn vã với người lạ. Trong hơn mười năm tôi và Linh cãi nhau chỉ có hai, ba lần, một con số quả là vĩ đại. Không hẳn là hoà hợp nhau đến mức ấy đâu mà là vì tôi chẳng bao giờ dại gì tranh luận với Linh. Vì tôi biết có tranh luận cũng không lại được, Linh ít khi thay đổi khi đã nghĩ gì và định làm gì đó. Nói chung Linh là người có cái nhìn tinh tế, chính xác về người khác chỉ mỗi tội hay cảm tính. Và khi Linh cảm tính thì không ít lần dại dột kiểu như cách đối xử với cộng tác viên. Chúng tôi rất thuộc tính nhau nên khá ăn ý trong công việc cũng như sinh hoạt đời sống. Nói ra điều này có khi vợ tôi tự ái, Linh thậm chí thuộc tính tôi còn hơn cô ấy. Dạo đi Sơn La, anh Ngô Xuân Lộc khoái cách nói chuyện phào phào tiếu lâm của tôi cứ nhất định bắt phải ngồi cùng xe. Trên xe rinh rích cười suốt dọc đường chỉ có Linh là lạnh băng không tẹo phản ứng. Đến độ anh Lộc phải thắc mắc. Linh trả lời tỉnh bơ: “Tích cũ diễn lại ấy mà, các bác thích chứ em chán phè, hết rồi chỉ có tưng ấy, thuộc lòng.”. Tôi dạo chưa phát bệnh người lúc nào cũng sũng ruợu, lử lả suốt. Khi uống, nhiều người bảo ông Tiến say rồi, dừng đi kẻo chết. Chỉ có Linh là biết cữ nào tôi mới say: “Còn lâu lão ấy mới chết. Uống bao giờ phải không chống được mi mới gục.”. Quá đúng, thường người say thật sự thì không bao giờ biết mình say và cũng không bao giờ chịu thừa nhận mình say vì có biết được, nhớ được quái gì đâu. Tôi uống đến cữ liệt sĩ, mồm vẫn dẻo queo, nói thao thao bất tuyệt không lẫn một từ nào nhưng thực chất không nhớ một tí gì, hành xử lúc đó hoàn toàn là phản xạ tiềm thức. Lúc say, tôi bị một tật là mi mắt sập xuống nên cứ phải nhướng mày vận cơ mắt để chống. Lúc đó là đến giới hạn cuối cùng. Chỉ có vài ba người uống có thâm niên với tôi mới biết được điều này. Linh nhìn mắt là biết tôi uống đến đâu, nên nhiều lần cứu nguy cho tôi những bàn thua trông thấy, chẳng hạn như giấu chìa khóa xe đi để tránh tai nạn. Sau lần say bao giờ Linh cũng tua băng lại cho tôi những sự kiện của hôm trước, đại loại: “Anh cãi nhau với lão Đỉnh, anh vô lý, anh sai. Anh hứa cho cái Hương bộ sách chiến tranh, anh…anh…”. Khốn khổ thế, tai hoạ từ miệng ra, bệnh tật từ mồm vào, cái thằng ruợu chí cốt chỉ rình hại thằng bạn thân của nó vào những ngưỡng ấy.

Sau này Linh tránh giao du và hầu như không uống nữa, trừ khi không thể chối từ. Cho đến khi tôi phát hiện trọng bệnh buộc phải từ bỏ rượu thì nhiều lần có khách không thể không uống, tôi phải năn nỉ để Linh uống hộ cả phần tôi. Khi vui Linh uống rất điềm đạm chỉ uống say những khi thật buồn. Cái lần tôi nhớ nhất là dịp uống sau cái hôm vì mâu thuẫn gì đó ở cơ quan một cuộc họp được tổ chức để “đánh” Linh. Chuyện đã ngót nghét chục năm rồi. Linh cứ tì tì nốc vã rồi chuyển sang âm nhạc. Tôi hay dùng một thuật ngữ nói lái “Giôn len nôn” để chỉ lúc say bị nôn. Báo hại thằng tôi phải dọn trả nợ (thi thoảng tôi cũng bị những cú “biu ti phun” ấy) nhưng hãi nhất là Linh cứ rú lên cười. Cười thành tràng thành chuỗi nối nhau. Người say khóc là thường nhưng cười thì quá hiếm lại cười kiểu này nữa thì ai mà không sợ. Tiếng cười lạ lùng đầy đủ mọi cung bậc trong đó, có chua chát, đau xót, ai oán lại cả giễu cợt, bi phẫn. Tôi ấn Linh vào phòng, bật nhạc thật to để lấp. Lúc tỉnh Linh bảo: “Buồn quá anh ạ, con người…”

Một lần khác là lần tôi sợ nhất, đó là khoảng thời gian Linh mất cháu chừng hơn một tháng. Hôm đó có chuyện gì đó Linh uống với tôi rất lâu. Nhưng tôi biết là vì Linh buồn và ám ảnh về chuyện đứa con. Tôi đưa được Linh về phòng. Linh lảo đảo nhưng mặt lạnh te, tái mét. Linh đổ vật ra ghế người cứ rung như sóng điện. Linh thì thầm như nói với chính mình: “Lạnh! Tôi lạnh!”. Tôi trùm chăn, lấy cả quần áo, giấy báo lèn kín người Linh. Tôi bất lực nhìn Linh, không biết làm cách gì để ngăn được cơn lạnh buốt giá từ tâm can cốt tuỷ thổi ra ấy. Sau đó rất lâu Linh bảo tôi: “Em chết mất.”. Mắt Linh giá lạnh không một ngấn nước. Linh ít khi say như tôi nhưng say thì kinh khủng như vậy. Lần gần nhất hình như có chuyện trục trặc gì đó ở gia đình Linh cũng uống nhiều. Hôm đó tôi đã bỏ rượu. Tôi mắng Linh con bé này uống gì mà khiếp thế, có chuyện gì. Từ dạo bỏ ruợu tôi đâm ra xấu tính hay đố kị và ghét đám uống được. Như chỉ đợi có thế, lần đầu tiên Linh lao vào ôm lấy tôi, gục mặt lên ngực tôi oà khóc như mưa như gió. Áo tôi ướt đẫm vì nước mắt Linh. Biết tính, tôi im lặng không một lời khuyên giải. Khóc chán, Linh sùi sụt bảo tôi: “Sau này có lẽ em vào chùa ở…”. Nói ra điều này tôi biết Linh đã ở tận đáy của sự cô đơn. Những thứ Linh đang có hôm nay chưa hẳn mang lại cho Linh hạnh phúc trong khi điểm tựa gần như duy nhất của Linh là người cha thân yêu cũng đã không còn. Cái chết của người cha già cựu đại tá Trần Minh hơn một năm trước càng khiến Linh tin hơn vào những gì thần bí của thế giới tâm linh. Ông ra đi thanh thản như kết thúc một cuộc dạo chơi trên dương thế bằng một cơn tai biến não chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Thấm thoắt cô bé của “Mặt trời bé con của tôi” dạo nào giờ đã bước vào tuổi năm mươi. Thời gian trôi thật nhanh. Vài cuốn sách ít ỏi, trên trăm tập kịch bản phim, chỉ ngần đó Thuỳ Linh đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp. Với tôi, Linh là một người bạn hiếm hoi có những chia sẻ vui buồn trong một quãng đời dài mưu sinh đầy mệt mỏi nhưng rất đỗi đáng nhớ. Tôi biết, bệnh tật và tuổi tác cũng như công việc sẽ làm chúng tôi xa rời nhau một ngày không xa. Dẫu thế thì tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho tôi một tình bạn tốt chẳng dễ gì có được.

Ngày ngày Linh còm cõi nhốt mình trong phòng làm việc với những trang bản thảo coi đó là niềm vui và lẽ sống duy nhất. Người đàn bà từng song hành cùng gió mưa đang đi đến chặng cuối của mình, vẫn là mưa gió, vẫn là những vật vã thử thách không thể tránh được của kiếp người. Nghĩ về Linh, không hiểu sao tôi cứ mãi nhớ đến cái sinh thể đứa con của em, một sinh thể thiếu sinh khí vì non tháng trong suốt, hình như bàn tay bé nhỏ khẽ động đậy, buồn thay cho Linh, mặt trời bé con của em đã không đến, đúng hơn là đã bỏ em đi để em với nỗi cô đơn tiền kiếp đầy khắc nghiệt và bây giờ chợt vang trong tâm tưởng tôi tiếng chuông chùa định mệnh như tiếng chuông trong phần kết truyện ngắn “Gió mưa gửi lại”.

Liệu có thể khác được không Linh ơi…

Hết

Advertisement

Entry filed under: Chân dung.

Gió làng Kình- 12 Gió làng Kình- 13

79 bình luận Add your own

  • 1. meogia  |  Tháng Mười 7, 2009 lúc 1:41 chiều

    Đúng là mỗi người một số phận. Nhìn ảnh chị Linh, xinh đẹp và nhàn nhã, lại tưởng chị ấy có số được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

    Gửi lời chúc chị ấy bình yên, anh Tiến nhé.

    Trả lời
  • 3. nguyenviethung  |  Tháng Mười 7, 2009 lúc 2:15 chiều

    kinh gui anh Tien.
    Doc bai cua anh toi xuc dong qua . That thuong cho Thuy Linh .Toi da doc truyen ngan Mat troi be con cua toi tu luc moi ra doi , may chuc nam ma van thay yeu men no.
    Toi xin gui toi Thuy linh nhung tinh cam tran trong va thuong quy .Mong sao Thuy Linh vui len chut it vi co them mot nguoi ham mo chan thanh.
    Anh cung dung bi quan vi benh tat.Co gang tap luyen ,uong thuoc deu va an uon giu gin. Toi thay anh anh con phong do lam.
    Chuc anh suc khoe.

    Trả lời
  • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 7, 2009 lúc 3:53 chiều

    Thùy Linh chắc sẽ cảm động vì những dòng viết chân thành của nguyenviethung.
    Cảm ơn anh đã quan tâm đến sức khỏe của tôi. Sau mấy năm chung sống với lũ, giờ tôi cũng ổn hơn nhiều. Chết nỗi cái món cai rượu khó quá. Khe…khe…

    Trả lời
  • 5. Giao trọc Balan  |  Tháng Mười 7, 2009 lúc 11:06 chiều

    Hơn mọi nỗi buồn ! Cám ơn PNT nhé. Hãy cho mình gởi lời hỏi thăm Thùy Linh và mong sao cô ấy bình tâm. Hy vọng sẽ được gặp mọi người trong một ngày gần nhất. À ! Gửi PNT tập thơ mới in ở Nghệ An nhé , thơ buồn nên cảm phiền nhé. Anh rể mình là Bùi Xuân Lương, Nghệ sỹ nhiếp ảnh ở Vinh sẽ gửi cho PNT đấy.

    Trả lời
  • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 12:31 sáng

    Hơn mọi nỗi buồn! Nhất trí! Rất vui nhận được tập thơ. Cảm ơn bác.

    Trả lời
  • 7. xuanhoa30869  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 8:07 sáng

    đúng.khi ở tận cùng cô đơn người ta hay nghĩ tới tu hành(phải chăng họ ko còn niềm tin nơi trần thế?)mặc dù nhiều khi XH nói ra ý định này,nhiều người đùa:”em tu ở đâu để anh lên làm sãi”.
    XH giống chị linh,hay vô cô nhi viện để nhìn các cháu thèm cả 1 vòng tay ôm của người xa lạ-hay vô BV để thấy những thân phận đàn bà đang đơn độc quằn quại chống lại tử thần và người chồng họ từng vai kề má ấp đã bỏ họ đi,dẫu biết rằng chiều nay họ ko còn đến 10ngan để mua dĩa cơm hạng bét!
    như thế có phải là mình cô đơn ích kỷ không nhỉ?

    Trả lời
    • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 8:37 sáng

      Tui thì lại nghĩ khi tận cùng cô đơn vào chùa thực chất là một cuộc chạy trốn toàn diện. Ai đó muốn lánh thân vào đó để cầu mong chút an bình cuối cùng. Vậy thôi. Còn tu hành thì lại khác. Không hẳn chỉ là chạy trốn.
      Cô đơn như xuanhoa sao gọi là ích kỷ được.

      Trả lời
  • 9. Giao trọc Balan  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 11:58 sáng

    Xin lỗi vì đã chen ngang vì đoạn cô đơn thì tui cũng có phần.Theo tui thì cô đơn có nhiều dạng bởi phụ thuộc vào hoàn cảnh và sự cảm nhận của mỗi người. Khi bạn bị người đời bỏ rơi,không ai quan tâm đến bạn nữa không ai chơi với bạn nữa là loại cô đơn cần tự vẫn. Khi bạn chỉ nghĩ đến mình mà quên hết mọi người xung quanh thì đó là cô đơn ích kỷ. Còn thường xuyên,có lúc , nhiều khi thì ai cũng cô đơn một tẹo bởi cô đơn để đi vào chiều sâu cuộc sống, hiểu đời hơn thì cũng nên cô đơn như tui. Hihi….

    Trả lời
  • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 1:13 chiều

    Nhất là làm thơ, không có tẻo cô đơn có mà làm, đúng không anh Giao? Anh bảo chuyển nhanh tập thơ đi nhé!

    Trả lời
  • 11. xuanhoa30869  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 3:46 chiều

    chả việc gì phải xin lỗi vì chen ngang đâu bác tiến nhỉ?có người chen ngang càng vui!
    thế khi nào có thơ của người cô đơn bác tiến cho em đọc ké nhé.
    để ngày nào đó em sẽ làm thơ vì cô đơn thì em có….thừa hehehe

    Trả lời
  • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 5:35 chiều

    Tui thấy 2 cô đơn này hay đấy. Khe…khe….

    Trả lời
  • 13. Giao trọc Balan  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 9:19 chiều

    Sẽ cô đơn hơn nếu PNT không viết về nỗi CÔ ĐƠN LẠ LÙNG của Xuân Hoa 30869 ( có thể là sinh ngày mùng 3 hoặc 30 ) He….

    Trả lời
    • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 12:29 sáng

      Tui chưa gặp và đâu có biết nỗi cô đơn của xuanhoa lạ lùng cỡ nào mà viết anh luugiao ơi. Nhìn ký tự kia thì phải biết ngay là 30-8-1969 chứ.

      Trả lời
  • 15. meogia  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 9:46 chiều

    hinh nhu 30/8/19…

    Trả lời
  • 17. Giao trọc ở Balan  |  Tháng Mười 8, 2009 lúc 11:37 chiều

    Vậy là có chuyện rồi, hy vọng PNT sẽ có bài cực hay về CÔ ĐƠN LẠ LÙNG. Trọc tôi thích đọc và nghiền ngẫm sự đời thôi Nhưng ”Người đàn bà của gió mưa” vẫn làm tôi day dứt quá. Chúa ơi ! Người toàn nhầm lẫn khi cho và nhận…

    Trả lời
  • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 12:38 sáng

    Bậc cao xanh có nhầm lẫn cũng là chuyện thường thôi mà. Tui lại hy vọng anh Trọc nghiền ngẫm về chính cái LẠ LÙNG ấy (nếu có) để viết về CÔ ĐƠN chắc sẽ ít đi day dứt. Lúc đó cái sự cho-nhận khó mà nhầm được. Khe…khe…

    Trả lời
  • 19. xuanhoa30869  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 8:24 sáng

    đấy A tiến thấy ko?thông minh làm gì cho bị nghi ngờ là”có chuyện rồi”thà cứ ngơ ngác như meogia”hình như 30..”lại hay!
    và cô đơn của xh thì chả có gì lạ lùng đâu ạ!đơn giản là mất lòng tin vào điều mà xh thấy cần nhất trong cuộc đời,và…thế là cô đơn thôi

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 12:11 chiều

      Hình như kiểu meogia là siêu thông minh đấy.
      Tưởng gì “lòng tin” tui có cả đẫy cần thì cho một ít. Ai tui cũng tin hết chỉ thiếu tin vào cái thằng…mình thôi. Khe…khe…

      Trả lời
  • 21. meogia  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 8:40 sáng

    “Tháng Tám trời thu xanh thắm…”

    Trả lời
  • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 12:12 chiều

    Hà Nội toàn mây đen. Mai là 999 năm Thăng Long thế có tội không chứ. Lại khe…khe…

    Trả lời
  • 23. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 1:14 chiều

    “Bây giờ thì Linh không còn nhắc đến chuyện sinh con nữa. Buồn thay Linh đã chấp nhận số phận.”
    Nếu là em thì em sẽ viết là “mừng thay Linh đã chấp nhận số phận”

    Trả lời
  • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 1:57 chiều

    Mừng thay…

    Trả lời
  • 25. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 3:27 chiều

    Đang viết còm dở thì bị sếp lườm… Hii thôi để tối về viết tiếp vậy

    Trả lời
  • 27. mèo con  |  Tháng Mười 9, 2009 lúc 11:35 chiều

    Chờ đợi để đọc, hối hận vì đã đọc, bởi buồn.

    Trả lời
  • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 12:38 sáng

    Không biết nói gì…

    Trả lời
  • 29. mua thu ha noi  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 12:38 sáng

    Còm (tiếp theo)

    Nói thật là đọc những bài viết trước của anh T về chị Thùy Linh, em đã thầm nghĩ, cuộc đời chị Linh đầy trắc ẩn, giá mà chị ấy biết đến phật pháp chắc sẽ không phải trải qua những cơn say…
    Cho nên đọc xong phần cuối này của anh thì em lại thấy mừng cho chị Linh, bởi vì: “Bây giờ thì Linh không còn nhắc đến chuyện sinh con nữa”, và còn mừng hơn khi chị Linh đã “bình thản” nói với anh rằng “cái duyên em không có nên đành chấp nhận. Em chắc chỉ sống được một mình…”.

    Đúng là vợ chồng, con cái là “duyên” và “nợ” ở cõi đời này. Có người có con mà chẳng may con chẳng ra gì, họ không thể bỏ, vẫn phải lo và theo nó có thể đến khi chết mới hết lo… nhưng ngược lại thì con cái ko thể nuôi ba mẹ như ba mẹ đã từng nuôi chúng được… Có lẽ chị Linh đã hiểu rằng nợ nần không có nhân duyên đòi chị ở kiếp này nên chị chấp nhận với thái độ bình thản “cái duyên em không có nên đành chấp nhận. Em chắc chỉ sống được một mình…”. Bản thân người trong cuộc bình thản, chấp nhận số phận, mình là người ngoài lại thấy … buồn cho họ? Mình còn băn khoăn thắc mắc rằng Tại sao lại vô lý như vậy nhỉ? Người xinh đẹp, nhạy cảm, tinh tế, làm nhiều việc từ thiện, có địa vị xã hội, vậy mà sao chịu nhiều éo le, buồn quá, thương quá, đau khổ quá.v.v…
    Hóa ra người ngoài đã “đau” hết cả phần của chị Linh rồi, cho nên chị Linh bình thản là… đương nhiên thôi.Em thật mừng cho chị ấy!
    Giờ chị “Linh học thiền, đọc nhiều sách về đạo, hay lai vãng đến chùa chiền lấy sự tĩnh lặng làm niềm vui sống”.
    Sự bình yên cho bản thân mình phải do tự mình chủ động tạo ra bằng sự luyện tập thiền và sự buông xả. Đó là niềm an lạc tồn tại vĩnh viễn, nó khác với niềm vui được tạo ra trong hạnh phúc gia đình bởi vì hạnh phúc ấy phải phụ thuộc vào người khác như: có được một người chồng tốt, có những đứa con ngoan ngoãn, xinh xắn, thông minh, hiếu thảo… Rất hiếm người có đầy đủ phước báo như vậy.
    Cho nên đọc bài kết này của anh về chị Linh thì em thấy VUI, khác hẳn cảm xúc khi đọc những bài trước.
    Cho em gửi lời chúc chị Linh luôn bình an và may mắn trong cuộc sống.
    Còn câu kết giống câu hỏi trong bài này của anh thì em xin được trả lời là CÓ…

    Trả lời
    • 30. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 1:04 sáng

      Cảm ơn MTHN vì một cách nhìn. Suy nghĩ nhiều về cái còm công phu và hiểu biết này.

      Trả lời
  • 31. Giao trọc Balan  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 2:34 sáng

    Quả là những phân tích sâu sắc. Nhưng con người sinh ra phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, may ra có thể cải tạo hoàn cảnh một chút thôi chứ khó có thể tạo cho mình một hoàn cảnh như ý. Nam mo a di da!

    Trả lời
  • 33. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 8:01 sáng

    Anh Giao nói hoàn toàn đúng. Mình khó có thể tạo được hoàn cảnh như ý… Hòan cảnh là yếu tố khách quan bên ngoài, bản thân mình là yếu tố chủ quan. Như chị Linh đã cố gắng hết sức để đạt được mong muốn của mình nhưng không được thì chị chấp nhận một cách thanh thản. Đó là cách giải thoát đầy tích cực… Và phải một người có bản lĩnh, nghị lực, có bề dày cuộc sống mới nhận thức và làm được điều này.
    Có người nếu rơi vào hoàn cảnh như chị Linh thì lao đi tìm những cuộc vui, để khỏa lấp những hụt hẫng, ví dụ như thất tình thì phải tìm ngay một người tình mới thay thế, bị “đì” trong công việc thì sinh ra bất mãn, hay kết bè kết cánh tìm cách hại người khác…
    Chị Linh thì khác. Chị đi làm từ thiện, chị không bi quan khi gặp khó khăn trong công việc, thậm chí còn hoàn thành tốt để được đánh giá cao…
    Em thích chân dung này của chị Linh…

    Chỉ có điều không phải nhà văn nên chắc viết không được thoát ý…

    Trả lời
    • 34. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 10, 2009 lúc 2:35 chiều

      Viết như MTHN chắc gì nhà văn đã viết được. Khe…khe…

      Trả lời
  • 35. Hồng Chương  |  Tháng Mười 13, 2009 lúc 11:11 chiều

    Phần này bác viết hay. Buồn.
    Tôi thường ân hận nhất khi giúp những người không đáng giúp.
    Xin hỏi bác Tiến, bác vốn lăn lộn nhiều và biết nhiều loại người, bác thấy tính cách :”Tính Linh có phần cực đoan lãnh đạm, kiên quyết với người thân nhưng lại nồng nhiệt vồn vã với người lạ.” có thường gặp không? Về mặt tâm lý học nó có hợp lý không?

    Trả lời
    • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 8:38 sáng

      Ân hận là thứ phần thưởng quý giá tự dành cho mình rồi. Sợ nhất là không bao giờ ân hận. Giúp người trên tất cả là tự giúp mình mà.
      Nét tính cách kể trên thường gặp với số đông nhưng cũng chỉ nằm hạn hẹp trong một phạm vi nào đó chẳng hạn như gặp gỡ xã giao… Còn với một số ít người thì đây là những tính cách có phần đặc biệt. Đặc biệt trước hết ở sự phức tạp. Mặt này tâm lý học rất khó nắm bắt bởi họ chính là những khối muâu thuẫn lớn. Tóm lại đó là những tính cách lạ, cá biệt rất khó biện giải. Nhưng có thể yên tâm vì sự pức tạp và mâu thuẫn này luôn song hành cùng tài năng dù họ ở bất kỳ ngành nghề nào.

      Trả lời
  • 37. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 8:56 sáng

    Câu hỏi của anh Chương thật hay nhưng để trả lời thì hơi dài. Tự bản thân em thì thấy ngừoi ” kiên quyết với người thân nhưng lại nồng nhiệt vồn vã với người lạ” thì em thường gặp. Về mặt tâm lý có hợp lý không? để trả lời, em ví dụ em là người có tính cách này. Câu trả lời có hợp lý không sẽ tùy từng trường hợp cụ thể như:
    – Người làm công tác ngoại giao hoặc làm lãnh đạo: Hoàn toàn hợp lý
    – Con cái trong gia đình: điều này không hợp lý.
    – Người chồng thứ 1: Cô này khéo quá, có thể không thật lòng chăng?
    – Người chồng sau người thứ nhất: Hợp lý, có thể cô ấy nhiệt tình với người ngoài nhưng không đổi mình lấy người nào khác…
    – Nếu người vợ gặp túyp người chồng có tính cách này: có thể sẽ bị tổn thương sâu sắc…
    – Với một người dưng khác … phái: Hợp lý, giá mà mình gặp người này sớm hơn…

    Trên đây chỉ là ý kiến chủ quan của em thôi nhá…

    Trả lời
    • 38. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 9:19 sáng

      Hà Nội đang Thu nhưng mà bão và gió mùa kết hợp gây lạnh rồi đấy. Khe…khe….

      Trả lời
  • 39. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 9:58 sáng

    Hé hé, bác Tiến có ý giề thế? sao bác không trả lời cho anh Hồng Chương?

    Trả lời
    • 40. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 10:19 sáng

      Trả lời ở trên rồi còn gì nữa.
      Có ý gì đâu chỉ là nói MTHN cũng…rắc rối một cách trái khoáy như mưa lạnh mùa thu ấy mà. Dưng mà hóm! Khe…khe…

      Trả lời
  • 41. Giao trọc ở Balan  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 11:39 chiều

    Theo tui thì rất đúng về mặt tâm lý và Thùy Linh là người khôn ngoan. Tui từng viết : Ruột rà,máu mủ nể nhau vì Tình. Bạn bè nể nhau vì Nghĩa, Thiên hạ nể nhau vì Tiền. Vì thế đối với : Người nhà thì nên nghiêm khắc, Bạn bè nên chân tình. Thiên hạ nên lịch lãm. Mới thấy PNT nên chuyển nghề sang làm chuyên gia tâm lý/ Hehe..

    Trả lời
    • 42. Hồng Chương  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 11:50 chiều

      Cái còm của bác Giao trọc rất hay và phải ngẫm nghĩ. Bác viết ở bài nào?

      Trả lời
    • 43. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 15, 2009 lúc 1:11 sáng

      Hehe…cùng bác Trọc.

      Trả lời
  • 44. Giao trọc ở Balan  |  Tháng Mười 14, 2009 lúc 11:54 chiều

    Thì trong blog của tui thôi,nhưng đoạn sau thì phát triển thêm. Hehe…..

    Trả lời
  • 45. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 22, 2010 lúc 11:17 chiều

    e nghĩ từ cái sự thương thương xót xa cho một đứa bé mồ côi mà hầu như ai cũng có thể có cho đến việc nhận một cháu bé như thế về nuôi và trở thành cha mẹ của bé với tình yêu, sự hy sinh vô điều kiện là khá khác nhau. e đã từng gặp nhiều người nhận con nuôi..những người đó đầu tiên phải có lòng từ tâm tuyệt vời, sẵn lòng đón nhận một cháu bé bất hạnh về nhà mình để chăm sóc và yêu thương bé, bù đắp cho bé mọi thiệt thòi bằng tình cảm sâu sắc, trách nhiệm lớn lao lắm anh Tiến ạ. E k hàm ý là chị bạn của anh chưa yêu đủ, thương đủ, khao khát đủ ..để được làm mẹ và sẵn lòng chia sẻ tình yêu với một thân phận nhỏ bé, bất hạnh..nhưng e đoán có lẽ chị ấy biết những gì chị ấy có thể và không thể..
    E thành tâm chúc người bạn của anh mọi điều may mắn, tốt đẹp nhất trong phần đời còn lại!

    Trả lời
  • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 3:27 sáng

    Cảm ơn HT.

    Trả lời
    • 47. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 2:38 chiều

      Đọc chân dung này em cảm thấy cái lớn nhất, bao trùm lên từng chữ từng câu cái tình cảm sâu đậm, mênh mang của người viết dành cho bạn mình cảm giác được tác giả yêu bạn vô cùng, muốn viết, muốn kể rất nhiều về bạn của mình…ngay cả sau khi tác giả đã đặt dấu chấm thì cũng cảm giác là chưa muốn kết thúc câu chuyện vể bạn mình ở đây…
      Chắc hẳn người bạn của nhà văn sẽ rất vui,c ảm thấy được chia sẻ rất nhiều…

      Trả lời
      • 48. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 4:14 chiều

        Câu chuyện chưa kết thúc được thật. Tui còn “khổ nạn” nhiều năm nữa với “mụ này”. Khe…khe…

        Trả lời
  • 49. Small  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 9:38 sáng

    Hôm vừa đọc bài “Bạn văn 33” ở quê choa, giờ quay lại đọc chuyện này lần nữa, vẫn xúc động vô cùng!

    Trả lời
    • 50. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 10:26 sáng

      Vậy à Small, khỏe nhé. Chú sắp post Đợi mặt trời. Cảm ơn đã đánh máy giúp.

      Trả lời
      • 51. Small  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 11:15 sáng

        Cháu vẫn đợi chú post “Đợi Mặt TRời” đó, chuyện ấy cũng cảm động, tình người như “Mặt trời bé con của tôi”.
        Chú nè, chả lẽ quy luật “được cái này thì mất cái khác’ tức ông trời ko cho ai hoàn hảo bao giờ là có thật hả chú? như cô Thuỳ Linh chẳng hạn, có ấy xinh đẹp, giỏi, thông minh- một mẫu phụ nữ mà nhiều người mơ ước nhưng ngược lại cô ấy có những “tính cách” nổi trội hơn so với phụ nữ Vn nên có những “bất hạnh” riêng mà cô ấy chịu đựng.
        Vậy là sao?
        Thực tình, ko biết đấy có phải là chân lý cuộc sống ko? nhưng thú thật từ thời học sinh cháu đã ko thích “nội trội” nhất trong lĩnh vực nào đó, cháu chỉ thích chữ “khá” là thành công rồi. Ví dụ, học tập thì thích đứng thứ 2, thứ 3, nhất định ko đứng thứ 1. Điểm chấm thì rất thích số 7, nếu được 7 là rất hài lòng và vui vẻ, ko tỵ nạnh với người điểm 9-10 bao giờ. Nói chung, với bất cứ lĩnh vực gì, cháu chỉ mong mình đạt điểm 7 là thành công, ko cần xuất sắc đạt điểm 9-10. Vì cháu sợ nếu lĩnh vực này đạtm 10 thì sẽ có lĩnh vực chỉ đạt 3 điểm, đó là quy luật bù trừ nên cháu ko thích. Cháu thích cái gì cháu cũng biết, cũng làm khá nhưng ko giỏi và ko yếu 🙂

        Trả lời
  • 53. HTV  |  Tháng Sáu 10, 2010 lúc 3:21 chiều

    Chưa bao giờ em đọc một người nam dànhcho bạn nữ những tình cảm thương yêu nâng niu đến vậy. Đúng là cả anh và chị Linh đều hạnh phúc khi trong cuộc đời có một tình bạn lâu dài và bền chặt, thương nhau như vậy. Văn phong anh ở đây khác hẳn, vì anh đang không viết văn mà đang hát trong lòng bài ca về tình bạn, sự thương yêu, khâm phục đối với bạn. Phụ nữ như chị Linh thật đáng quý. Em gặp chị Linh nhiều nhưng chưa hiểu nhiều về chị. Cám ơn anh đã viết bài này. Cảm động nhất là khi chị Linh buồn, chị ấy có thể gục vào ngực bạn mình- đồng nghiệp để lòng nhẹ đi. Đọc mà mơ ước! Nếu có đứa bạn trai thân như chị Linh thân anh chắc em sẽ khác. Em cô đơn hay buồn chẳng ai thương:) Vì không có đồng nghiệp hay bạn thân, hay tại cái tính tình?:) Cho em gui anh một bài thơ mới của em nhé:
    NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT NGỦ

    Chị đẹp và sang
    Sống trong ngôi nhà đẹp và sang
    Tiện nghi ngập giữa thành phố đẹp.
    Chị dắt chó dạo mỗi sáng.
    Sao mắt chị tím quầng
    Đã ba ngày từ đêm con chim kêu.
    Không bão mưa, trời chưa sáng hẳn.
    Không phải chim non chờ chim mẹ chưa về
    Không phải thiên nga lẻ đôi khản giọng
    Khu nhà an toàn như dinh tổng thống
    Chim làm sao kêu bất trắc trong đêm?
    Giờ chim ở đâu?
    Sao kêu bất bình thường,
    Sao như gọi ai,
    Sao kêu trẻ, rõ ràng đến thế,
    Con chim kêu đêm?!
    Không phải tình yêu,
    Không phải tuổi trẻ,
    Không phải người đàn ông năm nào đứng đợi ngoài hiên,
    Sao người đàn bà mất ngủ?

    SF 2010

    Trả lời
    • 54. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 5:27 chiều

      Cảm ơn em đã dành những lời tốt đẹp cho anh và Linh.
      Cái bài thơ này buồn buồn, trầm trầm nghe khắc khoải quá. Anh không rành thơ nhưng cũng thấy tâm trạng.

      Trả lời
  • 55. HTV  |  Tháng Sáu 10, 2010 lúc 3:46 chiều

    Bài này em tặng chị Linh.
    Em đăng trong tập thơ Mưa Hoa của em rồi. Hôm nay đọc chị Linh bỗng nhớ

    EM LÀ TẤT CẢ

    Đừng trách anh dè dặt
    Không dám nhìn em yêu
    Như người yêu người yêu
    Giữa bạn bè công việc.
    Em là
    Vầng sáng mặt trời.
    Nhìn gương mặt em anh lạc vào thần thoại
    Thần Thiên nhiên, Sắc đẹp, Săn bắn, Mùa màng, Gia đình, Hạnh phúc, Thông thái.
    Vừa nhìn thấy em
    Vừa được em nhìn thấy
    Mũi tên Ái tình
    Bắn gục anh.
    Anh thều thào:
    Em là bạn gái,
    Là người yêu
    Là chị gái
    Là em,
    Là người tình
    Là sơn ca
    Là hoa
    Là nắng,
    Là sóng
    Là gió
    Là biển
    Là núi đồi
    Thảo nguyên lộng gió,
    Là Nữ hoàng
    Là vợ của anh.
    Ước gì
    Em là mẹ của các con anh.

    Anh không nhìn em giữa mọi người
    Để yên lành.
    Vì em là tất cả
    Ngoại trừ Thần Chiến tranh.
    SF 29/1/2010

    Trả lời
    • 56. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 5:28 chiều

      Đọc thấy rờn rợn. Sẽ chuyển cho Linh.

      Trả lời
      • 57. langthangblog  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 10:21 chiều

        Cái khoản thơ mình thích thì chả ai tặng mình cả dẫu đọc cũng thấy rờn rợn !
        Khi nào có mặt ở HN sẽ ới bác để gặp nhau tý nhẩy ?

        Trả lời
  • 58. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 11:29 chiều

    Đang mong đây bác Trọc à. Rồi vào SG chứ?

    Trả lời
    • 59. langthangblog  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 11:40 chiều

      Tôi bay về SG trước, khoảng 2 tuần sau thì có mặt ở HN.
      Đang chờ trả lời ngày bay : 24 hay 26/06.
      Tôi ở HN khoảng một tuần để xin lại CMT nhân dân.
      Bác cứ chắc như thế đi nhé !

      Trả lời
      • 60. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2010 lúc 11:50 chiều

        Sài Gòn trước là chuẩn rồi. Chúc may mắn. Hẹn gặp.

        Trả lời
  • 61. xh  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 7:43 sáng

    quá chuẩn……hehehe ăn theo bác TIẾN tý !

    Trả lời
    • 62. phạm ngọc tiến  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 5:17 chiều

      Gớm lại chả hẹn hò nhau trước rồi. Khe….khe….

      Trả lời
  • 63. HTV  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 12:35 chiều

    Sao ma “rờn rợn”? 🙂

    Trả lời
    • 64. phạm ngọc tiến  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 5:18 chiều

      Đọc ngấm chứ sao.

      Trả lời
  • 65. HTV  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 12:56 chiều

    Em muốn nói là người như chị Linh hội tụ nhiều cái mà nhiều người mơ ước. Hạnh phúc của người đẹp như thế không theo chuẩn mực chung. Em từ lâu đã yêu chị ấy. “Đợi mặt trời” làm em suy nghĩ nhiều lắm. Em làm tư vấn du học, học sinh con nhà có tiền mới đi được dù học giỏi có học bổng. Mà học giỏi nhiều khi lại chỉ do đầu tư nhiều thời gian tiền của. Các bạn nông thôn lo đi làm đồng thì các bạn thành thị đi học tiếng Anh, học thêm các môn, nên kết quả thi và cơ hội học hành không đánh giá đúng tiềm năng, không công bằng. Các con em cũng vậy, từ nhỏ học ở nước ngoài là chủ yếu nên không có sự tiếp xúc các bạn cùng trang lứa mà cảm thông. Và dù có thành đạt trên sự thiệt thòi của các bạn khác theo em cũng chẳng có gì đáng tự hào. Các nước cho học bổng cho nước nghèo là vì họ nhìn và các em thiệt thò, vậy nhưng chủ yếu cơ hội học hành đó lại rơi hết vào 2 tp lớn. Em không nói cứ học nước ngoài là tốt, nhưng có điều kiện học bằng ngoại ngữ, mở rộng tầm nhìn cần thiết cho tương lai. Cám ơn anh.
    Chân dung anh Hải diễn viên hay quá thể! Chính anh ấy làm lu mờ các diễn viên khác và chinh bản thân nội dung phim. Mê quá!

    Trả lời
    • 66. phạm ngọc tiến  |  Tháng Sáu 12, 2010 lúc 5:25 chiều

      Mỗi người là không mê thôi. Khe…khe…Nói đùa. Cái Đơi mặt trời này anh viết năm 1995, in ngay sau đó và được giải A của nhà Kim Đồng. Dạo đó giải A mua được cái xe Dream II xịn đi đến tận bây giờ. Tái bản nhiều lần với vài vạn bản in. Giờ có lẽ khô cằn rồi khó viết được nữa. Cảm ơn cái mê nhé.

      Trả lời
  • 67. HTV  |  Tháng Sáu 13, 2010 lúc 12:37 chiều

    Giầu từ lâu rồi thế!

    Trả lời
    • 68. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 13, 2010 lúc 2:22 chiều

      Dạo đó đúng là có cái xe là hoách thật. Giờ thì chả nước non gì.

      Trả lời
  • 69. Bùi văn An  |  Tháng Mười 25, 2010 lúc 5:29 chiều

    Ngựa Tái Ông họa phúc biết về đâu – không có con chưa chắc phải chịu bất hạnh.Có con chưa hẳn đã hạnh phúc.Đừng buồn nhé: Linh; vui lên mà sống. Năm mươi tuổi còn trẻ chán. Này ,phụ nữ sống lâu hơn đàn ông.bây giờ nhiều cụ bà sống trăm tuổi đấy.Quẳng hết mọi ưu tư sầu muộn ,vui với công việc ,với bạn bè …………nhất là bạn văn thì lúc nào cũng thấy cuộc đời đáng yêu.Chúc Linh có sưc khỏe ,nghị lưc chiến thăng mọi nỗi buồn. Còn chú Tiến uống rượu dữ lắm mà; Có lần chú ham rượu mà được baó khen đó . Tôi nhớ mang máng :Môt diễn viên (quên tên mất)được suy tôn hay khen gĩ đó,cô ta vui quá mang chai rượu ra hươ hươ muốn bạn bè chung vui mà chà có ai hưởng ứng (báo nói vì đố kỵ ).Chỉ có nhà văn PNT ra chúc mừng thôi.An thì nghĩ khác báo đó:Mọi người ngồi đó không nghiện rượu. Chĩ có PNT là bơm nhâu nên mới: nhanh nhẩu ra chúc mừng :Hên quá vừa được uống ,vừa được khen là tế nhị số một.Đấy uông rượu cũng có lợi chứ ,đâu chỉ có hại.Do đó PNT đang uông rượu trở lại đó.

    Trả lời
    • 70. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 25, 2010 lúc 10:53 chiều

      Ua chầu chầu ( mượn NQL) tui đang cai rượu lần 2 đây. Lần này chắc chắn sẽ thành công…một nửa. Khe…khe….

      Trả lời
  • 71. Bùi văn An  |  Tháng Mười 26, 2010 lúc 8:24 sáng

    Ngày mai (27/10)Choa bay ra HN ,muốn gặp PNT nhậu một bữa liên hoan chia tay với rượu bia vì choa bị tiểu đường tuyp 15 rồi (mới phát hiện ). Mong PNT đừng từ chối nhé./.

    Trả lời
    • 72. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 26, 2010 lúc 9:30 chiều

      Cảm ơn bác. Mai kẹt vô cùng vì cưới thằng cháu ( 2 ngày) nhưng rồi, buổi chiều muộn gặp nhau chút xíu được.

      Trả lời
  • 73. Bùi văn An  |  Tháng Mười 27, 2010 lúc 8:33 sáng

    Toi hanoi mat naptop roi nenkhong lien lac duoc.Sao van ham nhau the ,an cuoi nhung 2 ngay a?Tiet kiem di ,dung lang phi nhu ngan nam thang long ,dan bo dang kho (bo nho tiem inte ben duong)./.tam biet dai dai.

    Trả lời
    • 74. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 27, 2010 lúc 6:43 chiều

      Ăn cưới là trách nhiệm với thằng cháu thôi chứ nhậu nhẹt gì đâu. Chào nhé.

      Trả lời
  • 75. Lê Thủy  |  Tháng Chín 14, 2011 lúc 12:15 chiều

    Chị Thùy Linh kính mến!
    Đọc bài anh Tiến viết về chị mà thấy thương chị quá. ” Có qua cơn bĩ cực mới hiểu hết lòng nhau”. Có những bài học mà không học phí nào mua nổi. Có những sự việc chính bản thân mình làm, chính bản thân mình không hiểu mà người khác lại đi “hiểu” giúp mình. Và họ luôn suy diễn theo ý chủ quan của họ và cho đó là đúng. Cuộc đời, đôi khi không thể minh oan được cho mình. Nhưng những việc mình làm, mình biết và không hổ thẹn với chính lương tâm của mình là được chị à. Còn thói đời,” dậu đổ bìm leo”, ” tát nước theo mưa” và ti tỉ những thứ khác nữa. Chán phèo. Mình cứ ngẩng cao đầu mà sống, sống đúng với bản chất của chính con người mình là okai lắm rồi. Đúng là một con NGƯỜI. Em cũng đã đọc báo về vụ ầm ĩ của chị với ĐẬU NỮ VỆ.Em tin chị vì em nghĩ rằng ” văn là người”. ” văn học là nhân học”. Con người ai không có sai lầm, không có vấp ngã. Nhưng em tin ở chị – một con người ĐÚNG NGHĨA. Với em, người viết ra được những dòng văn đầy yêu thương con người, đầy nhân văn như thế thì sẽ không thể là một người tráo trở hay lừa dối được. Em cũng tin rằng trong cuộc đời này vẫn còn rất nhiều người tốt. Để mình có thêm nghị lực mà sống. Hãy sống thật tốt, ngẩng cao đầu mà sống chị nhé.
    Kính chúc chị luôn mạnh khỏe, vui vẻ. Ngòai anh Phạm Ngọc Tiến ra, xung quanh chị còn rất nhiều người tốt chị à.

    Trả lời
    • 76. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 14, 2011 lúc 9:01 chiều

      Đồng ý với Lê Thủy. Cảm ơn!

      Trả lời
  • 77. PTNT  |  Tháng Mười Hai 12, 2016 lúc 11:13 sáng

    Ám ảnh nhất với em là Gió mưa gửi lại !

    Trả lời
    • 78. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 13, 2016 lúc 5:43 chiều

      Cái truyện đó cũng là một đỉnh cao sau “Mặt trời bé con của tôi”.

      Trả lời
    • 79. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 13, 2016 lúc 5:43 chiều

      Cái truyện đó cũng là một đỉnh cao sau “Mặt trời bé con của tôi”.

      Trả lời

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Mười 2009
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

CHÀO KHÁCH

free counters

%d người thích bài này: