Tàn đen đốm đỏ- 13 (Tiểu thuyết)
Tháng Mười Hai 21, 2009 at 4:12 chiều 34 bình luận
13.
Những chiếc lông ngỗng trắng xoá đầy trời. Hệt như có một trận mưa lông ngỗng vậy. Gã không ngờ chỉ một chiếc áo huyền thọai lại có thể dệt đủ lông, rải suốt ngàn đời. Trọng Thuỷ đúng. Đó là dấu vết của tình yêu. Gã bật cười. Gã vừa nhận ra những chiếc lông ngỗng mang hình mũi tên. Phải, hình mũi tên. Tại sao chưa bao giờ gã nhận ra điều này nhỉ? Truyền thuyết có lí khi chọn lông ngỗng chứ không phải bất cứ lòai nào khác. Những chiếc lông cánh hình mũi tên, chỉ có nó mới đủ sức bắn xuyên vào thời gian, bay từ đời này, đời khác, bay qua tất cả. Gã gặp một giấc mơ kì lạ. Gã đi trên đường. Phía cuối con đường, Thuyên của gã thả từng túm lông ngỗng. Những chiếc lông dờ dật, chợt vun vút nhằm thẳng vào gã. Gã vung tay gạt. Lông ngỗng rơi lả tả dưới chân. Gã giật mình, đó là những mũi tên đồng. Một mũi tên xuyên vào má gã. Không thấy đau, chỉ tê giật một tẹo. Vậy thì kệ xác. Lại một mũi tên nữa. Gã phát hoảng lên, khi thấy thằng Lít gù cưỡi con ngựa trắng rất đẹp. Vó ngựa sải tung những đám bụi lông ngỗng cũng trắng xoá. Sao nó không bị trúng tên như gã nhỉ? Gã rút phắt mũi tên trên má, trên cánh tay phi thẳng vào Lít gù. Thằng kia cười, khiến gã muốn điên lên. Nó bắt mũi tên rất nghệ. Gã thấy nó cầm mũi tên ngắm nghía. Không phải tên, trên tay nó bây giờ là chiếc lông trắng phau phau rất đẹp. Gã lại phi tiếp. Đúng lúc ấy, một mũi tên cắm phập vào tim gã. Lần này thì đau. Gã rút tên. Máu chảy nhiều quá. Máu trắng chứ không đỏ. Gã khuỵu xuống. Thuyên ơi, tình yêu sao dùng tên bắn vào nhau?
Sau này, gã gặp lại một phần giấc mơ kì lạ kia trước bia mộ của mình trong nghĩa trang liệt sĩ. Chừng dăm năm sau chiến tranh. Đó là thời khắc mệt mỏi nhất trong cuộc đời gã. Hành trình, đúng hơn là cuộc chạy trốn chính bản thân mình, đã đẩy gã trở về nơi, từ đấy gã ra đi. Gã trở về vào một đêm tối trời, trong sự thôi thúc không nguyên cớ. Gã mò mẫm lần về, nằm tịt trong bãi mả của làng. Không còn một chỗ nào khác dành cho gã. Ở làng gã, bãi tha ma nằm kề sát cuối làng, chỉ cách một rẻo bãi rất nhỏ. Hẳn, tổ tiên làng gã lập thế để âm, dương đỡ cách biệt. Mãi khuya, gã mới dám lần về. Trong đêm âm u, gã vẫn nhận ra cái bóng lùm lùm của cây gạo già. Làng gã, cây đa, cây đề rất nhiều nhưng gạo chỉ mỗi một, trồng ở bãi mả. Cây gạo già lắm. Gốc sùi ra, gai gạo không còn chỗ để mọc. Bao nhiêu lần, cỗ xe tang đã đậu dưới gốc gạo, trước khi tiễn những linh hồn sang một kiếp khác, thế giới khác. Gã nép sát vào gốc, phía kề với tường nghĩa trang liệt sĩ. Ngay cả nghĩa trang liệt sĩ ở làng gã cũng đặc biệt. Được dựng ngay trong bãi mả của làng. Để các liệt sĩ được gần gụi với gia đình. Âu cũng là một cách an ủi.
Ngày còn chăn trâu, gã thường ngồi ở chỗ này. Một chỗ ngồi cực tốt. Mùa hè mát mẻ, mùa đông kín gió, lại nhìn thấy làng rõ mồn một. Bây giờ, gã chỉ thấy làng mình mờ mờ như một pháo đài ảo, có những ánh đèn đỏ, nom như những con mắt tọc, man dại. Đã khuya, thoảng có những vệt chó sủa rộ dài. Gã ngồi mê man. Gã chui nhủi ra khỏi cuộc chiến tranh, để đến nỗi không còn đường về. Cuộc chiến tranh của riêng gã kết thúc bi thảm ở hang Dơi dạo nào. Không còn đường về, từng ấy năm gã nhục nhã trong kiếp người lầm lụi. Khoác áo của đủ mọi lốt người. Gã sống như một sinh vật thừa thãi trong vương quốc trần gian. Gã cay đắng nhận ra rằng, làm nên đời một con người chỉ là vệt ranh giới mỏng mờ phân định vinh và nhục. Từ cái trại nhỏ của ba cô gái, gã sống lang thang trong rừng như một con vượn già thành tinh. Gã không dám về đơn vị. Thằng Phương đâu? Câu hỏi ấy tước của gã mọi điều, kể cả quyền được chết. Đấy, chiến trường rộng lớn, đến cả một chỗ chết, gã cũng không có. Dù chẳng có ai tranh giành. Thằng Phương đâu? Gã không hề được hưởng một ngày hoà bình. Gã lang thang hết vùng này, vùng khác, làm đủ mọi thứ nghề để sống. Nhục lắm, đến cái tên của mình cũng không dám gọi.
Gã miên man. Đêm nay gã trở về. Gã đã quá mệt mỏi. Đằng nào cũng thế, sống và chết đều nhục cả, gã phải chọn lấy một. Phải chọn, bây giờ hoặc không bao giờ. Cuốn phim đời của gã chầm chậm trôi.
Có tiếng chân người. Bản năng sống bao giờ cũng mạnh. Gã nhoài người ẹp xuống sát chân tường nghĩa trang. Có người thật. Một đôi trai gái. Gã nhận ra họ bằng giọng nói.
– Tối quá. Em sợ lắm.
– Có anh đây, sợ cái gì.
– Thế mà đã chục năm trôi qua. Hôm anh ấy lên đường, trời cũng tối hệt thế này.
Gã rùng mình. Đã mười năm. Người con gái kia là Thuyên.
– Đừng gợi lại làm gì những điều đã qua.
– Vâng. Nhưng sẽ không bao giờ em quên được anh ấy.
– Anh hiểu. Em và anh không có lỗi gì cả. Đấy là do chiến tranh.
– Đừng anh. Để thắp hương đã. Tội nghiệp.
Thằng Lít. Nó đã trở về và bây giờ Thuyên là của nó. Tự nhiên, gã thấy lại giấc mơ dạo nào. Thằng Lít gù cưỡi con ngựa trắng. Đúng là nó, không thể chượi được. Vó ngựa sải tung những đám bụi lông ngỗng trắng xoá. Nó đã tìm được Thuyên. Gã thấy nhói ở lồng ngực. Gã rút ra mũi tên bằng đồng. Máu trắng chảy. Không, gã lại cắm mũi tên vào ngực. Gã sẽ gieo mình xuống giếng Ngọc. Tại sao lại không. Gã thua kém gì Trọng Thuỷ. Gã không có lông ngỗng nhưng gã có mũi tên đồng. Tình yêu của gã ngang bằng với tình yêu của Trọng Thuỷ. Nào biết ai hơn?
Những đốm hương lập loè. Đôi trai gái về rồi. Họ về với hạnh phúc muộn mằn của họ. Gã lần vào nghĩa trang. Dãy bia mộ thẳng hàng quét vôi trắng xoá. Gã không hiểu tại sao, mộ liệt sĩ lại quét màu trắng. Cái gì thế này. Gã sờ sẫm. Dường như chưa tin, gã bật quẹt để soi cho rõ. Hoá ra giấc mơ ngày trước có thật. Gã muốn kêu to lên. Gã chưa chết. Gã chưa được chết. Và bây giờ gã chưa chết được. Trọng Thuỷ ơi. Người đành cô đơn một mình dưới giếng vậy. Gã bật quẹt soi thêm một lần nữa. Lửa nháng nhàng. Gã đọc kĩ tấm bia: “Liệt sĩ Nguyễn Kim Vịnh… hi sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ…”.
Bia để trống ngày chết.
*
* *
– Mặc xác hắn, chị bận lòng làm gì.
– Chị khổ lắm.
– Ôi dào ơi, nó tưởng mình với con nào thì mặc nó. Miễn là mình thích hay không. Em bảo thật. Nó cứ ngơ ngơ thế lại hoá hay. Đàn ông ấy mà, sợ nhất là những thằng tỉnh. Tỉnh quá, nó bay như chim trời ấy. Ngơ ngơ càng dễ trói.
– Không! Thu đừng nói thế phải tội.
– Ơ hay, cái bà này. Ăn không, ăn hỏng của ai mà phải tội. Có mần thì mình thiệt chứ nó mất gì. Như cái thằng xế nhà em đấy. Chị bảo ai lãi? Nó đi Đông, đi Tây, về là vồ lấy, rúc rúc, gại gại, – cái Thu tỉnh bơ trỏ tay vào bộ ngực vĩ đại của nó, – nhột chết khiếp. Mà nói thế thôi. Em vẫn cứ nghĩ cái chuyện “tằng tịu” này, – nó rặt dùng cái từ nghe chết khiếp ấy để chỉ chuyện tìm hiểu đôi lứa nghiêm chỉnh, – nó thuộc về số. Ông trời đã định, muốn cưỡng cũng chả được. Chị có thích hay không là tuỳ ở chị. Nói thực lòng, bọn em cợt nhả cũng là đùa cho vui. Nhưng bọn em thương chị, Chị không bằng người, sự thực ấy không thể nhìn khác đi được. Bởi vậy, mong cho chị có nơi, có chốn, ấy là tâm của bọn em. Cái ngữ đàn ông như thằng ngơ ngơ kia, nếu suôn sẻ có các vàng chị em mình cũng không thèm “dí”. Nhưng bom đạn ùng oàng thế này, biết hồi nào dứt. Lúc ấy… thôi chị ạ, tóm lại nó lẩn thẩn, mình mới giữ được nó. Bằng không, mấy hôm nữa, anh nhà em về, ta tống quách đi cho rảnh.
Cái Sương cũng góp:
– Cái con bốp báp này nói hơi quá, dưng mà có lí. Chuyện kia, chị tự liệu lấy. Bọn em cũng chỉ biết nói thế thôi. Còn ông mãnh, mình chăm bẵm vậy đủ rồi. Nhà nó tốt phúc nên mới run rủi gặp được chị em mình. Thôi, không nói chuyện này nữa. Cắt phim.
Lanh nghẹn giọng không nói được một câu. Cơn giận gã trai kia cũng đã chuội đâu mất. Dư vị của những cái hôn cũng không còn. Có chăng, chỉ còn lại chút cặn đắng của nỗi buồn tủi vừa trào sóng. Một chút, cũng đủ để khoé mắt rưng rưng:
– Chị cảm ơn. Hai em tốt với chị quá.
Cái Sương nhẹ nhàng:
– Chị!
Còn cái Thu lại vùng vằng:
– Cái bà này hâm tỉ độ. Ở đây mà cứ nói chuyện tốt, xấu thì sống sao nổi. Chị cảm ơn cái gì. Vào mà cảm ơn cái thằng thần trùng kia kìa. Hâm!
Tính nó bao giờ cũng thế.
*
* *
Gã đã dứt khỏi cơn mơ. Cũng mông muội như khi nhập vào nó. Không có mũi tên đồng nào găm trên má. Gã mân mê những vết ngón tay lằn, sau cái tát của Thuyên. Buồn cười nhỉ, bỗng dưng Thuyên lại tát mình. Gã bật cười. Gã đã gặp vô khối cái tát trong tiểu thuyết nên không lạ. Đó chỉ là một vị của tình yêu. Tình yêu là thang thuốc thập toàn, chứa bà rằn đủ thứ. Chắc Thuyên phải yêu mình lắm nên mới tát mạnh đến thế. Song, dù thế gã vẫn chạnh lòng. Giấc mơ ám ảnh gã. Hồi đi công tác hoà hợp, gã có gặp Lít gù. Cái thằng lù khù thế mà khá. Nó gặp được đúng đất dụng võ. Sau hiệp định, Lít gù đã là B phó đặc công. Ở binh chủng ấy, với vốn liếng gom ở sới vật, được học hành lại dư cơ may thử sức nên tiến bộ là phải. Lít gù gọi toáng lên. Nó mừng quá. Vừa giáp nhau, nó đã bế bổng gã xoay đến mấy vòng, chóng cả mặt. Đồng hương, lại cùng làng, gặp nhau sướng lắm. Chuyện trò chán chê mê mỏi, lúc sắp chia tay, Lít gù tháo chiếc đồng hồ Nhật sáng loáng đang đeo ở cổ tay đưa cho gã:
– Đồng hương, cầm lấy làm kỉ niệm.
Gã ngần ngại. Nãy giờ, chưa một lần thằng Lít nói nửa câu về chuyện cũ. Chuyện trò thân tình như thể hai đứa không hề có một thời từng là tình địch. Gã định từ chối song thằng Lít đã đón được ý. Cái thằng ranh ma đáo để:
– Cầm lấy đồng hương ạ. Từ ngày vào, mới gặp đồng hương là đứa đầu tiên cùng làng. Cầm lấy, đừng chê.
Tự tay nó tròng chiếc đồng hồ vào cổ tay gã. Không thể từ chối được, gã lí nhí cảm ơn. Hai thằng chia tay nhau. Cả gã và Lít gù ôm nhau rất chặt. Lúc đã quay đi, Lít gù mới hỏi, rất nhỏ:
– Đồng hương có hay nhận được thư Thuyên không?
Gã gật. Thấy ngón chân thằng kia di tròn tròn trên đất.
– Cô ấy thế nào?
– Cô ấy khoẻ.
– Đồng hương viết thư… bảo… mình hỏi thăm nhé!
Như có kiến bò trên da thịt. Chỉ một bước nhanh, gã đã vót sát Lít gù. Gã ôm xiết lấy nó, lắc rất mạnh. Giọng gã run lên vì cảm động:
– Mình… cảm ơn.
Gã rưng rưng nhìn theo cái lưng gù gù khuất dần, khuất dần. Hình ảnh ấy, sau này luôn trở về trong nỗi ám ảnh của giấc mơ kì lạ kia.
Gã dứt sốt. Hệt như có phép tiên. Không phải phép tiên, thể trạng suy kiệt đến mức ấy làm sao gã sống nổi. Cơ thể gã phổng lên từng ngày. Gã trở lại y nguyên vóc dáng của thằng lính trinh sát dạo nào. Gã ngốn như thần trùng. Cũng may, gia tài của ba cô gái tương đối dư dật. Cứ tăng gia cũ mà. Cái gì chả có. Miệng gã lúc ăn, cứ thun thút như chim cút đớp mồi. Rõ ngộ. Cái Thu bảo:
– Thằng cha này, chả mấy làm cho cánh mình khánh kiệt. Nhìn hắn ăn mà phát thèm.
Cái Sương nói:
– Làm phúc, kể làm gì. Biết đâu lại chả như chim thần. Ăn một quả khế, trả ba cục vàng, may túi ba gang…
Cái Thu cười tanh tách, nói rất tục:
– Bà Lanh chê rồi đấy. Mày mang cái túi nửa gang của mày ra mà đựng. Gì chứ nó và mày tòi ra vàng là cái chắc.
– Sư mày, mỏ bạ đâu cũng quẹt, để tao “mét” lão hộ pháp.
Dạo này, gã hay lững thững thả bộ trong rừng. Đi chán chê lại về tắm uồm uồm dưới suối. Suối không sâu nên gã bơi, chân phải đạp phành phạch, nước bắn tung toé, ầm ĩ cả một khúc suối. Thêm mỗi gã mà cái trại vắng, nhộn nhịp tưng bừng hẳn lên. Chuyện tắm táp của gã, đâm ra ảnh hưởng đến thói quen của Thu. Con bé táo tợn thế cũng phải e dè, không dám lộ liễu như trước. Lúc tắm, cứ ren rén, ren rén như nước có bọ cạp. Sau, cái Sương phải bảo thẳng:
– Này anh, từ giờ không được xuống suối buổi chiều nghe không?
Gã cười. Nếu không biết gã từ trước, hẳn sẽ chẳng nhận ra, nụ cười vẫn ngô nghê của gã.
– Sao không được tắm chiều?
– Buổi chiều, dành để đàn bà, con gái tắm. Hiểu chưa?
Lại cười. Thế không hiểu còn hiểu cái gì nữa. Gã chấp hành ngay, chấp hành nghiêm túc. Cái Sương khen:
– Thằng cha ngoan ra phết. Mặt này, hiền lành lắm đây.
Cái Thu cong cớn:
– Hiền. Mày nhìn người thế có ngày ốm đòn con ạ. Hắn ngơ ngơ như bò đội nón lá thật. Nhưng đừng có đùa. Ngữ này thả ra, nó lại chả xơi tái mình ngay. Cảnh giác đấy kẻo mất không với nó. Thằng bạn thư sinh của mày, chắc chỉ còn mỗi cách ngồi hít gió.
Sương cũng không vừa:
– Mày làm ai cũng như thằng xế hộ pháp nhà mày. Có nọc hết trai tráng miền Đông, cũng không tìm được thằng thứ hai trắng trợn như thế. Ban ngày, ban mặt dám sấn sổ đè nghiến con người ta. Rõ, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”.
– Á, con này, ăn phải bả rồi hay sao mà bênh chằm chặp thế. Nói không biết ngượng cái lỗ mồm. Thằng mặt dầy nhà mày kém chắc. Ban ngày, ban mặt lại giữa chốn ba quân, nó cũng kiêng khem gì đâu. Đứng đeo dính vào nhau, chả hay hớm lắm mà còn lên mặt. Sĩ diện!
Lời qua, tiếng lại ồn ã. Hai đứa như chó với mèo. Người ngoài nghe lần đầu thót tim, tưởng sẽ “hàng tôm, hàng cá” đến nơi. Nhưng không, chỉ một tẹo là cười rinh rích ngay. Quả nhiên, cái Thu xuống giọng trước:
– Là tao nói thế. Sức mấy, ông mãnh này dám. Còn cầu thêm cho nó dám. Biết đâu, bà Lanh lại thành tấm, thành món.
Lanh giãy nảy:
– Chúng mày cứ vơ tao vào là làm sao. Mà thằng xế nhà mày lâu về thế. Tống khứ hắn đi cho yên chuyện.
– Gớm mong gì chuyện tống khứ. Có hơi hướng của hắn, cái trại này mới được thế. Thôi bà chị ạ, đừng cành cao nữa, được đấy. Ông trời xe duyên, mới cho hắn lạc vào đây chứ. Thôi nhé, hết phim.
Không thể ngờ câu nói tầm phào của cái Thu lại thành sự thật. Sự thật khắc nghiệt, như thể được gắn từ tiền kiếp.
*
* *
Sau những cái hôn đầu tiên, Lanh thực sự e ngại gã. Thường thì Lanh tránh. Cái Thu, cái Sương đã biết chuyện nhưng chẳng hiểu có âm mưu gì không, chúng nó rặt lảng tránh gã. Như thể, việc trông nom gã, không phải việc của chúng. Bảo, cả hai đứa đều nhơn nhơn:
– Có được ăn ốc đâu mà phải đổ vỏ.
Lanh ngượng chín mặt, không dám cà rà thêm một câu nào với chúng. Phần gã, sức khoẻ đã lại, trừ đoạn nhầm tưởng kia, còn thì trí óc gần như người bình thường. Tuy vậy, vẫn phải canh chừng gã. Đáng sợ nhất là những cơn mộng du kéo dài. Những lúc ấy, ai mà biết được gã sẽ làm gì. Hai đứa tránh việc, thành thử tất tật mọi thứ về gã, đều phải qua nơi tay Lanh. Việc thì Lanh không ngại, bởi bản thân gã đã làm được khối thứ. Thậm chí, gã còn mò xuống suối, bắt được vô kể cá các loại. Người thế này, không bệnh chắc tài lắm. Lanh đã báo cáo về đơn vị trường hợp của gã. Trong lúc chờ đợi giải quyết, không thể thoái thác được nghĩa vụ chăm sóc gã. Dù sao, cũng đồng đội của mình cả. Sự ngại ngùng khiến Lanh phải hạn chế tiếp xúc, chính vì chuyện kia. Bây giờ gã hoàn toàn tin Lanh là Thuyên. Cái tát hôm nọ, hoá chả một tẹo tác dụng. Ngược lại, gã còn tỏ vẻ thích thú. Ghê nhất là những đoạn gã lảm nhảm về lông ngỗng gì đấy. Những lúc ấy, mặt gã rất nghiêm trang. Khổ, đâu lại có thứ thích lạ lùng. Lông ngỗng thì làm quái gì được, đem đổ còn khó. Quê Lanh nghèo nhưng mọi thứ lông súc vật đều bị chê.
Còn chuyện này, tuy tủi hổ vì bị nhầm tưởng nhưng những cái hôn của gã đã vô tình khơi dậy một miền sống nằm lặng trong thân thể Lanh từ bao giờ. Đêm hôm ấy, Lanh không tài nào ngủ được. Cứ thao thức, xoay trở mãi. Đôi môi khô của Lanh, sau những cái hôn đã mềm ấm trở lại. Và những đợt sóng run rẩy dâng theo từng nhịp tim. Dâng lên, dâng mãi, ứ nghẹn, đòi hỏi. Trước gã bây giờ, Lanh hoàn toàn mất tự nhiên. Có lúc, Lanh có ý nghĩ điên rồ muốn ôm chầm lấy gã. Lanh tự xỉ vả mình. Giới hạn của danh dự đã giúp cô chế ngự được thứ tình cảm yếu đuối kia. Mọi chuyện sẽ hoàn toàn bình thường, đúng như thế, hoàn toàn bình thường và cuộc sống của Lanh sẽ không có thay đổi nào đáng kể với những gì cô vốn có, nếu không có buổi tối ác nghiệt xảy ra liền sau đó.
Dễ phải đến hai hôm liền, Lanh không chạm mặt gã. Cô bận. Sắp có một đợt làm chính sách liệt sĩ, Lanh cùng với hai đứa kia kiểm tra lại toàn bộ các gói tư trang. Công việc hòm hòm, tối hôm thứ hai đang ăn cơm chợt cái Thu bảo:
– Gã lại ốm rồi.
– Hả?
Mắt cái Thu trợn tròn khi thấy vẻ hốt hoảng lộ rõ trên mặt Lanh.
– Ơ, cái bà này, gì mà như mất của vậy. Gã ốm là chuyện bình thường, gì đâu mà mà…
– …
– Ái chà chà, bà tẩm ngẩm, tầm ngầm này ghê thật. Thôi nhé, hết chối nhé.
Cái Sương phải quát lên:
– Thu! Mày có thôi ngay đi không?
Người Lanh ớn lạnh. Suýt nữa cô khóc oà lên. Khóc vì lẽ gì cũng không biết nữa. Lanh buông bát. Cái Sương bấm vào người Thu. Hai đứa và quấy quá cho xong bữa, rồi lẳng lặng chuồn. Sương với lại:
– Hắn chẳng thiết gì ăn uống. Em nấu cháo rồi. Chị cố ép xem sao.
Khoang lán của gã tối ngòm. Lanh se sẽ bước vào. Thấy gã nằm bệt trên sạp. Có người, nhưng gã chẳng buồn nhúc nhích. Lanh quay lui. Lát sau, cô lụi cụi mang lên chiếc đèn ắc quy. Đèn của người yêu cái Thu tặng. Căn lán sáng bừng lên. Lạnh phải lấy vải bịt lại. Ánh sáng vừa đủ hắt một quầng nhỏ. Gã vừa kịp nhận ra Lanh. Chao ôi, ánh mắt ấy, chỉ một khoảnh khắc rất ngắn, nhỏ gấp nhiều lần một phần giây, chỉ thế thôi, đủ cho Lanh suốt cuộc đời bàng hoàng, run rẩy. Gã nhổm phắt dậy:
– Em!
Giá gã gọi tên người con gái kia, không biết sự thể sẽ xảy ra thế nào. Lanh cũng không thể biết. Hoặc Lanh sẽ trở về căn lán của mình. Hoặc… Hoặc nữa… Tiếng “em” ngọt ngào đánh thức miền sống ẩn lặng kia, đồng thời làm mê mụ đi miền hiện tại Lanh đang sống.
– Em! Sao để anh đợi mãi?
Lanh nhìn vào mặt gã. Tất cả, từ tinh lực của đôi mắt rực sáng, từ vẻ mặt mong đợi, đến giọng nói ấm áp, đều toát ra sự chân thành. Không một chút giả dối. Không một gợn nhỏ lọc lừa. Gã phiêu diêu trong mảnh đời rất thực của gã. Dẫu đang mê mụ, dẫu miền sống tiềm ẩn kia quặn lên những cuộn sóng vật vã, Lanh vẫn thừa hiểu rằng mình đang phập phõm đi vào cõi ảo của gã. Trời ơi, trong vai một người con gái khác, mình đang làm gì thế này? Nhận chút tình yêu của kẻ hoang tưởng. Nhận hay là đánh cắp? Mặc kệ, không phải ham muốn, đó là một cái gì âm ỉ, kết tụ từ những cuộn sóng của miền lặng kia. Không cắt nghĩa được, nó kéo dần Lanh đến với người đàn ông xa lạ. Cố chống lại cảm giác ấy nhưng kì lạ, càng chống, Lanh càng như bị thôi miên, càng bị kéo mạnh hơn. Trái tim cố đập những nhịp rời rạc. Máu như nghẽn lại, mồ hôi ròng ròng khắp cơ thể. Gã dang rộng cánh tay. Trong tích tắc, Lanh lọt thỏm, nhỏ bé trong vòng tay của gã.
Môi hai người lần tìm nhau. Những cái hôn nóng bỏng của gã đốt kiệt sức lực Lanh. Lanh lả dần, mềm nhũn, mặc bàn tay gã miết mát khắp cơ thể. Động tác của gã hăm hở, có phần cục cằn. Mặc kệ. Thời gian như ngưng lại trong sự tĩnh lặng. Cả cánh rừng cũng yên ắng. Không phải thứ yên ắng thanh bình. Đó là thứ yên ắng ngột lại của chiến trận, dồn vào khoảng ngừng giữa hai trận đánh. Thân thể Lanh không trang phục, nằm nguyên sơ trong quầng nhỏ của chụp vải đèn ắc quy. Quầng sáng vô tình, viền thành hình quả trứng. Hình một cái nôi, ý nghĩ mình là đứa hài nhi nằm trong nôi như sợi chỉ mầu mỏng manh, chảy vào trí não Lanh. Cô đợi một tiếng ru trầm ấm của người cha, lời ru tha thiết của người mẹ. Nhưng không có gì cả. Lanh đợi, đợi mãi. Chỉ có tiếng kêu muộn của con tắc kè già độc thân, phía cây dẻ gai, khảm vào đêm từng nhịp thống thiết. Lẻ rồi, ngày mai nắng. Ngày mai sẽ nắng. Ánh nắng chan vào nôi nhỏ đầm ấm.
Gã thầm thì vào tai Lanh. Vẫn điệp khúc cũ. Những cái lông ngỗng chết tiệt. Người con gái nào đó. Mặc kệ, dẹp hết tất cả. Bây giờ, Lanh cũng đã mộng du như gã. Cô thả hồn vào miền ẩn của chính mình. Cũng có lúc, phần đời thực gào thét đòi dừng lại. Lanh gắng gượng chống. Song, lí trí giờ chỉ còn là những bọt bóng. Gã thả sức dò tìm những lạ lẫm của cơ thể Lanh. Khi gã chạm đến vùng bụng mềm ấm, nơi ẩn chứa điều thiêng liêng nhất của đời con gái, Lanh bỗng rùng mình như thoát xác. Cảm giác đau buốt dội đến. Hệt như có con rắn trườn bò, châm lưỡi, phun nọc khắp thân thể. Cái đau lan tỏa từ gót chân đến tận đỉnh tóc. Bầu máu nóng oà vỡ, âm ỉ thấm đến từng kẽ thịt, góc xương. Lanh lịm dần, lịm dần. Tim ngắc ngư, níu giật từng nhịp mỏng manh, mơ hồ. Con rắn trườn ra cùng lúc từ các hốc hở trên cơ thể. Cả Lanh nữa, xoài bò theo con rắn. Lanh thấy mình bõm vào một màn đen đặc quánh.
Cảm giác này, còn đến với Lanh một lần nữa. Nhiều năm sau, trong phút giây hấp hối, trút lại kiếp sống để bay vào màn đen thăm thẳm cõi vĩnh hằng. Lanh ra đi vì căn bệnh chiến tranh, nhiễm chất độc da cam, để lại trên đời đứa con quặt quẹo và một tình yêu côi cút. Cô chết tại ngôi nhà nhỏ của mình. Nơi từ đấy, cô mang cuộc chiến tranh riêng nhập vào cuộc chiến tranh lớn của dân tộc.
Gã là người tỉnh dậy đầu tiên. Tất cả yên ắng. Con tắc kè già cô độc, bất chấp quy luật thời gian, vẫn thả vào rừng đêm những chuỗi kêu tuyệt vọng. Người gã bừng bừng. Gã dụi mắt định thần. Nhìn thật kĩ người con gái bé nhỏ nằm thiêm thiếp trong quầng sáng hình nôi. Gã kinh hãi nhìn xuống thân thể mình. Lại một Adam, một Eva ăn trái cấm. Chẳng biết cặp uyên ương khởi tổ lòai người có mang cảm giác này không? Gã thấy sợ. Gã cố nhớ. Loáng thoáng trong óc gã hiện những gì vừa xảy ra. Chỉ là những hình ảnh lộn xộn không thể chắp nối vào nhau được. Không thể hiểu nổi. Gã đã chiếm đoạt người phụ nữ này. Gã quỳ xuống cạnh người đàn bà. Gã thấy mình khỏe khoắn và tỉnh táo. Cơn mộng du miên man đã biến mất một cách kì lạ. Nhưng dấu vết của nó còn đây. Trên thân thể người đàn bà. Gã không thể ngờ, dấu vết ấy mãi tươi nguyên. Nó gắn chặt vào số phận gã.
G• chạnh nhớ đến Thuyên. Cả cái làng quê trù phú của gã nữa. Tất cả đều lắc lơ, xa vời. Gã run run gạt mấy sợi tóc vương trên khuôn mặt người đàn bà. Cử chỉ nhẹ nhàng. Lanh thức giấc. Bắt gặp ánh mắt xót xa của gã, Lanh giật thột mình, vội quành tay che phần ngực trần dăn deo.
– Chị là ai?
Lanh cuống cuồng mặc quần áo. Cả gã nữa. Vậy là gã đã tỉnh.
– Chị là ai?
Không còn nghi ngờ gì nữa. Căn bệnh nhầm tưởng của gã đã kết thúc. Cái tủi kia ra đi, thì tủi phận mới lại ào đến. Lanh đổ vào ngực gã. Cô oà khóc như một đứa trẻ.
Hai người ngồi với nhau đến sáng. Gã kể hết tình cảnh mình. Gã đã cùng đường. Không thể tìm về đơn vị được nữa. Cái án bỏ đồng đội, bất luận trường hợp nào, đều không thể tha thứ. Lanh đầy bao dung:
– Bây giờ anh định thế nào?
Gã suy nghĩ rất lung:
– Tôi cũng không biết nữa. Hay là chị cho tôi ở tạm đây vài bữa rồi tính sau.
Những ngày kế sau đấy thực sự là những ngày hạnh phúc của Lanh. Không công khai nhưng các thành viên của trại mặc nhiên đều công nhận tình cảm của gã. Tất nhiên, gã bây giờ so với mấy hôm trước hoàn toàn khác. Lanh có vẻ ngượng ngùng với hai đứa kia. Ngượng chứ. Đang đâu lại vơ vào một gã ất ơ. Lanh không biết được rằng, chúng nó đã biết cả. Đêm hôm ấy, Sương và Thu không thấy Lanh về, bèn bổ đi tìm. Đến căn lán của gã kia, cả hai không tin vào mắt mình. Dưới ánh sáng đèn, hai thân thể trần quấn vào nhau, ngủ bình thản. Cái Thu trầm trồ:
– Nhìn họ hạnh phúc quá. Ai bảo chiến trường chỉ rặt chết chóc, ác liệt.
– Suỵt. Mồm mày cứ bô lô lên ấy, im nào. Họ nằm trong cái khung tròn viền sáng, đẹp thiên thần. Bà Lanh thế mà ghê gớm. Đừng nói gì nhé. Kệ họ. May thì thành.
Tuy không nói ra nhưng hai đứa đều có ý vun vén. Thấy thái độ lạ, Lanh phải bảo:
– Các em ạ, hắn tỉnh táo rồi. Cho hắn đậu nhờ vài bữa.
Cái Thu, mặt trơ khấc:
– Hắn đậu được cả đời càng tốt, chị ạ.
– Kìa, em nói thế là làm sao?
Cái Sương vội vàng đỡ lời. Khoản ăn nói, bao giờ nó cũng khéo léo hơn:
– Chúng em biết hết rồi. Chị đừng ngại. Thực lòng chúng em mong muốn cho chị…
Lanh vội cướp lời:
– Thôi, chị cảm ơn các em nhiều. Các em tốt quá. Nhưng không giữ nổi hắn đâu. Chị biết!
Gã như con gà cồ lệt bệt quanh quẩn cối xay. Ngược lại với Lanh, gã đầy thấp thỏm, lo âu. Gã biết không thể kéo dài cuộc sống nơi đây được. Nhưng đi đâu thì gã chịu. Đơn vị không được, đành một nhẽ. Tìm một đơn vị khác? Khó lắm, để người ta dò ra gốc tích còn chết nữa. Hay về nhà? Làng xóm ai dễ để yên. Thằng đào ngũ cuốc mặt, vuốt không hết nhục. Mà chiến tranh lại đang còn, chưa biết ngày nào dứt. Chỉ có chết! Chết cũng không phải dễ. Phương ơi, giá kể tao đi được cùng với mày ngày ấy, phải tốt hơn bao nhiêu không. Gã rùng mình khi nghĩ về bạn mình. Chắc chắn nó chết ngay, khi gã vừa bỏ đi. Hối hận bây giờ cũng đã muộn. Chẳng phải lỗi lầm nào con người cũng có cơ sửa được. Mắt gã mờ dại khi nhìn về tương lai phía trước. Mịt mù lắm, biết làm sao đây. Chưa thể biết trước điều gì sẽ xảy ra nhưng rõ ràng, gã đã đánh vuột tất cả. Cánh cửa trường đại học khép lại. Làng xóm, người yêu. Cả những năm tháng chiến tranh cũng không còn. Với Lanh, ơn cứu mạng gã biết lắm. Nhưng để gắn bó với người đàn bà này? Gã hoang mang cực độ. Gã lần lữa trong mớ bong bóng rối mù. Có lần gã bảo:
– Tôi không biết phải làm gì. Nếu Lanh thực sự thương tôi…
Lanh vội vã bịt mồm gã lại. Đến cô cũng chưa biết phải xử sự thế nào. Những gì đã xảy ra, dường như Lanh hoàn toàn không ngờ tới. Cả hoàn cảnh nghiệt ngã, gã đang lâm vào. Như có bàn tay của số phận đẩy đến. Nhưng rồi một việc xảy ra sau đó đã chấm dứt mọi vướng mắc về gã. Chính Lanh là người quyết định.
Hôm ấy, một ngày rất đẹp trời. Sẽ là một ngày bình thường như mọi ngày bình thường khác, nếu vào lúc hoàng hôn, không bất thần có một loạt bom quăng xuống. Cả ngày trời quang đãng, nắng như mật vàng rưới đẫm cỏ cây, hoa lá. Khúc suối bắt nắng, ánh vàng. Đang thấp thỏm như gã, cũng phải thốt lên:
– Chà, đẹp quá, cứ như tranh vẽ ấy.
Gã cao hứng, trổ tài lội sùng sục suốt buổi chiều bắt được một chậu tướng cua đá. Chà, canh riêu cua với rau muống chẻ ghém, có nằm mơ cũng chả dám ước món nào sang hơn. Cái Thu bảo:
– Hôm nay, đằng ấy đạo diễn toàn bộ nhé. Để bọn này cải thiện một chầu “phụ nữ”, ăn cho ngon miệng.
Nó cười giòn tanh tách. Ý nó muốn nói đến chầu tắm tiên. Lanh đỏ lựng mặt. Độ này, Lanh rất hay ngượng. Cái Sương, vốn chẳng mấy mê khoản tắm táp cũng hăng hái:
– Đúng đấy, ủng hộ cả hai tay.
Tất nhiên Lanh phải chấp hành. Thiểu số mà. Gã thì khỏi nói. Gã hì hụi xóc xóc, giã giã, chả mấy chốc nồi canh đã nghi ngút khói. Gã tương vào mấy quả quéo xanh. Ngon phải biết. Mới có thế, nước miếng đã tứa bủm chân răng. Cái món rau chẻ, gã cũng thạo đáo để. Chẻ đẹp, chả thua gì mấy bà nội trợ đảm.
Hòm hòm mọi việc, gã sắp sẵn mâm bát. Đoạn, gã hú dài làm hiệu. Gớm mấy bà trẻ này, tắm táp gì kĩ thế.
Ở dưới suối, nghe thấy gã báo hiệu, Lanh bảo:
– Thôi, lên đi mấy em.
Cái Sương cũng giục:
– Nhẩu nhẩu lên Thu, nắng sắp tắt rồi.
Nắng nhạt dần. Mặt trời đã khuất đầu rừng, hắt lại những vệt đỏ sậm hình thanh thước. Thanh nào cũng thẳng tắp, vuông cạnh. Gió đột ngột ngừng thổi. Khúc suối chuyển sang màu trắng. Cái Sương rùng mình:
– Tự nhiên thấy lạnh. Ngâm lâu quá. Lên đi.
Cái Thu cũng giục:
– Ừ, hai chị em lên trước đi. Em tắm thêm một lát.
Đã leo gần hết bãi sỏi thoải, Lanh ngoái lại nhìn. Chợt Lanh khững lại. Cô gọi giật:
– Sương ơi.
Cả hai nhìn xuống. Trước mắt họ, cả khúc suối trắng phắc. Cái Thu đứng in bóng xuống nước. Thân hình nó trắng rợn như một pho tượng tạc, dựng giữa suối. Người nó trong suốt. Trong đến mức, có cảm giác đấy không phải là da thịt người sống mà là thuỷ tinh mỏng tang, chỉ chạm khẽ là vỡ. Đến lượt Lanh rùng mình:
– Thu ơi, bỗng dưng chị thấy sợ. Lên đi em.
Pho tượng thuỷ tinh kia cất tiếng cười. Âm điệu bay là là, khô sắc:
– Cứ mặc em. Chắc chỉ nay mai là thằng xế nhà em về.
Hai người mới chỉ kịp bước vào lán, đã thấy tiếng rít rợn gáy của một thằng F soẹt rất thấp. Hơi táp mạnh đẩy tung mái lán. Nồi canh cua lật nghiêng. Đất sôi, sủi khói. Không nghe thấy tiếng nổ. Khói bốc cuộn đen sặc phía suối. Thôi chết, cái Thu.
Cả ba người chạy ào xuống. Khói vẫn cuộn đặc. Không phải tìm lâu, xác cái Thu lật sấp mép bờ. Nước dềnh kín người. Lanh chạy đến đầu tiên lật người Thu lại. Cô hét lên một tiếng rồi gục xỉu. Cả người Thu hầu như nguyên vẹn, khuôn mặt hệt như lúc sống. Chỉ có bầu ngực bên trái bị mảnh sắc tiện gọn. Những tia máu nhỏ phun ra, thổi mạnh vào nước làm sùi bọt bóng. Những bọt bóng máu không tan, li ti như hoa bèo, dập dềnh trong làn nước trong suốt. Phía Tây, những vệt nắng đỏ sậm hình thanh thước vẫn nguyên cạnh.
Suốt đêm, ba người lính đốt đuốc tìm kiếm. Sang cả hôm sau, vẫn không thấy bầu vú bị bom phát đứt. Đành phải chôn Thu bằng bên ngực độn. Biết điều này, chắc Thu buồn lắm. Ngôi mộ được phủ kín sỏi trắng. Người lính lái xe kịp về chôn cất người yêu. Anh không khóc. Nỗi đau lớn, nước mắt thường chảy ngược. Anh áp mình vào ngôi mộ. Tất cả đều quay mặt không dám nhìn.
Ngay sau đấy, số phận gã được định đoạt. Lanh nói, mắt chỉ nhìn vào ngôi mộ:
– Đây là địa chỉ nhà tôi. – Cô đưa cho gã một tấm ảnh nhỏ. – Anh đi đi. Rất có thể tôi đang mang trong người giọt máu của anh. Nếu có, khổ thế nào tôi cũng gắng giữ. Mai sau, nếu anh không quên được những ngày này, anh có thể tìm đến…
Gã không nói một lời. Dù cái tin kia làm gã rung rẩy toàn thân. Gã lẳng lặng đi. Không còn một cơn mộng du nào nữa. Gã đi trong phần đời thực của gã. Gã biết rằng, với gã, với cuộc chiến tranh này, với hoà bình mai sau, với tất cả, thằng lính Nguyễn Kim Vịnh đã không còn tồn tại.
(còn nữa)
Entry filed under: Tiểu thuyết.
1.
Small | Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 8:22 chiều
Lâu lắm rồi mình mới có cơ hội bóc tem, he he 🙂
2.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 21, 2009 lúc 11:24 chiều
He…he….he….
3.
van | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 9:40 sáng
CHÚC MỪNG CỰU CHIẾN BINH PNT CÙNG CÁC BÁC BÌNH NÍCH, LONG TẨU, THẮNG VỊT, NGỌC KHỢP NHÂN NGÀY TOÀN DÂN LÀ LÍNH (À QUÊN NGÀY QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN) VÀ NGÀY KỶ NIỆM 65 NĂM THÀNH LẬP QĐND VIỆT NAM!
4.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 4:01 chiều
Hầu rượu mấy cậu lính cụ bã hết cả người ra đây. Lại ăn ba ba nữa mới khiếp chứ. May không làm sao. Khe…khe….
5.
van | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 5:21 chiều
Ăn ba ba thì làm sao anh Tiến ơi? Độc hại, có tính hàn à?
6.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 10:41 chiều
Thì ăn ba ba trong truyện này ấy. Vỡ ruột Tào Tháo đuổi. Tởn đến già.
7.
Thầy đồ trọc | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 11:08 chiều
Đoạn 13 có một câu ấn tượng và một hình ảnh khó quên nhỉ ?
”…Tình yêu sao lại dùng mũi tên bắn vào nhau ”?
Theo tui là để cho đau để lần sau không dám yêu!
HÌnh ảnh cô gái bị phạt băng nhũ hoa vì mảnh bom hay roket và cuộc kiếm tìm vô vọng làm tui rưng rưng nước mắt. Đúng ngày thành lập QĐNHVN !
8.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 22, 2009 lúc 11:25 chiều
Dùng tên hay dùng hoa bắn và rắc vào tình yêu là tùy người và tùy hoàn cảnh thôi bác Trọc ơi chứ ai mà dám dám làm đau để ko yêu. Tui lại nghĩ càng đau càng…lao.
9.
Hồng Chương | Tháng Mười Hai 24, 2009 lúc 11:44 sáng
Chúc bác Tiến và gia đình Giáng sinh vui vẻ, hạnh phúc !
10.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 24, 2009 lúc 1:30 chiều
Cám ơn HC. Chúc mọi điều tốt lành.
11.
Thầy đồ trọc | Tháng Mười Hai 24, 2009 lúc 7:41 chiều
Chúc mừng luôn năm Tây mới ! Tui nợ chai Bò tót 75, bữa mô về trả hai chai luôn thể.Heheeeee
12.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 24, 2009 lúc 10:09 chiều
Nhất trí cao 2 chai. Khe…khe….
13.
van | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 8:58 sáng
Đọc PNT, chợt nhớ tới những câu thơ:
Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó.
Hãy thắp sáng mọi chùm sao cũ!
Cả những vì sao đã tắt lụi từ lâu.
Tôi chả muốn mang sang gì cả.
Nỗi buồn ga cuối còn nguyên.
(Trần Dần)
14.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 9:49 sáng
Thiêng vậy ta, dạo ra tuyển tập Trần Dần có 2 cuốn. Vừa tặng 1 cuốn dư cho một người bạn. Van hay thật.
15.
van | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:00 sáng
Ô, sáng nay em cũng cầm 1 cuốn dư để cho người quen! Sao có sự trùng lặp vậy nhỉ!
16.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:19 sáng
Trùng lặp thật. Bác Trần Dần điều động đấy.
17.
Dong | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 9:47 sáng
Riêng khỏan ” chợt nhớ ” thì Hà Tĩnh thua Van một giga. , Van cứ tự tin nhé ! khe khe !!!!
18.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 9:50 sáng
Thà chết quyết không khai 2 cán bộ nằm trên đống rơm. Khe…khe…
19.
van | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:01 sáng
Không biết trước PNT có nhà văn nào viết về cõi âm trong chiến tranh chưa nhỉ? Hình như chưa.
20.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:19 sáng
Có nhiều rồi nhưng chỉ nhỏ lẻ còn quy mô thành tuyến nhân vật thì hình như chưa.
21.
van | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:38 sáng
Chưa, chỉ có lâu lâu “hiện hồn” thôi, chứ chưa có cuốn nào viết về một cuộc sống cõi âm sinh động như cõi trần.
22.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 2:14 chiều
Vậy hả, nghe van khẳng định thấy sương sướng. Mọt sách nói chắc chuẩn. Khe…khe…
23.
Thầy đồ trọc | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 5:28 chiều
Không những thế mà những nhà ngoại cảm bảo các hồn đã nhập vào PNT để nói những điều họ muốn nói mà sống thì không được phép nói. Xét về mặt tướng mạo thì rõ là PNT có thể nhập đồng, không tin nhìn kỹ ảnh Avatar mà xem.
24.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 5:52 chiều
Lạy hồn để con sống. Khe…khe…
25.
Dong | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 5:38 chiều
Chính xác, Van này ăn sách thay cơm nên nói đâu trúng đó.
Đọc anh Tiến nhiều khi rờn rợn.
26.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 6:03 chiều
Lạy tiếp hồn này nữa. Khe…khe….
27.
Dong | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 5:42 chiều
Anh Trọc nói cũng đúng luôn, nhìn bên ngòai may còn được nước da, chứ không thì giống lắm, uống rượu ngồi canh người chết coi chừng còn nhờ cái xác gãi lưng.
28.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 6:04 chiều
Tui ngó bộ thế mà hơi bị ngon lành đấy. Đừng có hạ nhan sắc tui nghen.
29.
Thầy đồ trọc | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 10:10 chiều
Với đàn ông, không ai đi hạ nhan sắc cả. Nhưng để viết được (sáng tạo) về những linh hồn bất hủ sống cùng thế giới điêu đứng của những cuộc tương tàn thì phải có duyên phận thưa các anh.
Tôi cũng từng là người lính, từng nhìn thấy những bộ ruột lòng thòng trên ngọn cây khi vệt bom B52 đi qua. Đã nhắm mắt khi đồng đội của tôi nhét thỏi lựu đạn vào giữa khe chân của cô lính ngụy Phượng hoàng.Đã nhìn thấy chiếc mật khô không biết của lính POLPOT hay của người dân vô tội, thậm chí của đồng đội trong cái túi hộ thân của những người lính của Nhân dân mà tòa án quân khu 7 đã từng xử trong cuộc chiến Việt- Miên. Nhưng tôi không có duyên phận để nói thay những vong linh. May ra có PNT. Hãy tin tôi đi !
30.
Dong | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:05 chiều
Kho tàng cho anh Tiến còn ngồn ngộn như thế. Viết mạnh đi anh !
31.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 25, 2009 lúc 11:13 chiều
Đang chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Bác Trọc viết vài dòng là tui biết chất lính thế nào rồi. Duyên phận gì đâu, bác ko chịu viết là có tội đấy. Có tội trước hết với mình.
Dong à, tư liệu thì nhiều lắm. Hôm trước ko có thời gian tui chưa kể kịp, chỉ những chuyện tui trải qua đủ viết hết đời nhưng có lẽ chưa phải lúc.
32.
Hà Tĩnh | Tháng Mười Hai 27, 2009 lúc 8:53 chiều
e nghĩ vào trận thì chỉ có hoặc là sống với mọi gian khổ,chấp nhận cái chết có thể đến lúc nào, hoặc là chết. CHiến trường không có chỗ cho sự lựa chọn. Từ ý nghĩ lóe lên của Vịnh:” nếu Phượng còn sống ngày nào thì khả năng chết của cả nhóm càng lớn”..đã tạo ra một bi kịch đằng đẵng của Vịnh từ đầu truyện đến giờ. Phượng thì đã chết, vong hồn anh đã phiêu diêu mãi mãi trong hang Dơi. Nhưng Vịnh không thể sống như có thể sống.Anh phải chui rúc, sống như đời sống của con vật hoang dã. Cái chết của Thu khiến cho lòng trắc ẩn của Lanh chỉ đủ để cho Vịnh được tự do đi ra khỏi nơi ẩn náu, cô đã tha không trói gô anh như một kẻ đào ngũ, một kẻ táng tận lương tâm bỏ mặc đồng đội bị thương để chạy đi tìm sự sống cho riêng mình, cô cũng đủ tử tế để trao cho anh dòng địa chỉ quê nhà..có lẽ bởi vì cô linh cảm đang mang trong mình giọt máu của anh, đây là sự cảm thông mang tính bản năng hay là đặc ân của một người mẹ tương lai đối với đứa con đang phôi thai: bà mẹ đó không nỡ dồn người cha của nó vào đường cùng.
Và Vịnh đã đau xót: “…Gã không nói một lời. Dù cái tin kia làm gã rung rẩy toàn thân. Gã lẳng lặng đi. Không còn một cơn mộng du nào nữa. Gã đi trong phần đời thực của gã. Gã biết rằng, với gã, với cuộc chiến tranh này, với hoà bình mai sau, với tất cả, thằng lính Nguyễn Kim Vịnh đã không còn tồn tại…”..Bản năng sống mãnh liệt đã thắng và một người lính đã thua. Anh đã bại trận ngay trong cuộc chiến tranh nội tại của mình. Hòa bình rồi sẽ đến, nhưng trong anh những căm hờn bản thân chắc sẽ không bao giờ hết, và điều đó có nghĩa là chiến thắng thực sự sẽ không đến trong anh, anh mãi là người lính bại trận trong tâm tưởng của mình.
33.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Hai 27, 2009 lúc 9:46 chiều
Đúng như vậy, bại trận và sống cũng như chết. Đến cả cái chết cũng không chấp nhận anh ta. Và sống mà như là không sống. Đó là một bản án của cả đời thực lẫn tâm linh.
34.
Thầy đồ trọc | Tháng Mười Hai 27, 2009 lúc 10:33 chiều
Nhưng khổ thay còn có mặt trái của đời ! Cũng không ít người đã vượt qua được cái bản ngã thấp hèn nhất của lương tri và sau đó vẫn dương dương tự hào vì đã che dấu được lịch sử hèn hạ, coi như không có nó, ngồi xổm lên nó và làm Quan. Chứng nhân lịch sử đã tiêu vong, còn ai làm chứng? Như vậy,PNT lương thiện hơn nên đã đề cao chữ Vinh,Nhục theo hướng Nhân bản Thực sự của con người( tôi dùng chữ Thực sự).