Tàn đen đốm đỏ 14 (Tiểu thuyết)

Tháng Mười Hai 28, 2009 at 11:45 sáng 51 bình luận

14.

Cuối cùng thì hoà bình cũng đến được với hang Dơi. Đúng hơn, niềm tin của ông già chín năm, mãi rồi cũng được khẳng định. Hoá ra thời gian, ở bất kể thế giới nào cũng vậy, đều cắm mốc phân định khoảng cách. Nhờ thế nó trường tồn. Tính một cách hào phóng, ông già chín năm đã ngụ trong hang Dơi gần nửa thế kỉ. Ông không còn nhìn thấy gì nữa. Ông bảo:

– Ta đã sống gần trọn kiếp vong hồn. Đời vong hồn cũng tựa như một kiếp người. Nó hữu hạn.

– Thế còn sau đó?

– Không biết được điều gì vượt ra ngoài kiếp sống của mình!

Chẳng biết ông căn cứ vào đâu để nói những lời ấy. Tin hay không cũng chẳng quan trọng gì. Ông chép miệng:

– Kiếp nào cũng vậy thôi các con ạ. Ta vẫn mong được trở về quê hương.

Bây giờ, ông ngồi yên trên phiến đá của mình. Phiến đá vẫn ngắc ngư, còn ông đã bất động. Chân ông xếp bằng. Tay đặt trên đùi. Mắt nhắm nghiền. Có mở mắt cũng như người lòa cõi trần. Ông nhập tọa từ dạo các âm binh rời bỏ cánh rừng này về quê. Đã gần hai mươi năm. Ông không theo đạo nào. Ông bảo:

– Đạo cốt ở tâm. Tâm trong ấy là đắc. Tâm vẩn, nhân cũng bất thành.

Tâm là tấm lòng. Nếu sống, hẳn đời nhờ ông được khối việc. Cô gái, điềm tĩnh hơn xưa, dù vậy vẫn giữ thói quen đi dạo. Còn tôi, lẽ dĩ nhiên, hãn hữu lắm mới đi ra ngoài. Tính tôi thế. Tôi, thỉnh thoảng lại ra cửa hang. Vạn vật trước mắt mình. Vạn vật trong mắt mình. Cuộc đời đổi thay nhiều lắm. Ngắm rồi nghĩ. Nghĩ rồi ngẫm. Cô gái bảo:

– Bây giờ thì em biết rồi. Anh có sống cũng chẳng được tích sự gì. Đến làm thầy cúng là hết.

Đấy là cô bực tôi, ít chịu đi cùng cô. Tôi phì cười:

– Thầy cúng, sao lại thế?

– Ở làng em, có một lão thầy cúng. Bị chính quyền dẹp không cho hành nghề, lão ngồi suốt ở cửa nhà, mắt giương mục kỉnh, như hai cái đít chai đen ngòm. Đeo thế nhưng mắt lão sáng. Lão cứ ngồi ngắm rồi ngẫm nghĩ. Ấy, vậy mà cấm có chuyện gì trong làng thoát khỏi mắt lão. Lạ thế, những lúc cần, lão phán rành mạch đâu ra đấy. Thành thử, vẫn khối người phải lén lút nhờ vả lão.

– Ơ, cái lão thầy cúng làng em thì quan hệ gì đến anh?

– Ngốc thế, quan hệ ở cái tư thế ngồi. Anh nhìn thấy gì nào?

Tôi bật cười. Trẻ con đến thế thì thôi.

– Nhìn thấy nhiều thứ chứ. Chẳng hạn, cây săng lẻ không còn. Chẳng hạn…

– Thôi thôi…

Cô xịu mặt, xua xua tay. Quả thật, có quá nhiều thay đổi. Ngay như cánh rừng này. Ngày xưa bom đạn tàn phá. Ngày nay con người tàn phá. Hoà bình, rừng tươi tốt lại được mươi năm thì bắt đầu thấy xuất hiện những nhóm khai thác rừng. Ngày một đông. Ô tô kìn kìn vào chở, nhộn nhịp còn bằng mấy dạo chiến dịch mở. Một ngày kia, cây săng lẻ của chúng tôi chịu chung số phận. Hôm ấy cô gái rất buồn. Kỉ niệm bị triệt hạ ngay trước mắt làm sao không buồn được. Đến gỗ đá cũng phải buồn. Đám cây kề cận, mất đi bóng dáng thẳng cao của cây săng lẻ, cây nào, cây ấy rũ ra, phờ phạc.

“Đến làm thầy cúng là hết”. Ngộ nghĩnh thật. Liệu có được bằng lão thầy cúng ở cái làng bé hin hin kia? Vẫn biết là bịp bợm, nhưng cùng lúc lão có thể tiết lộ hậu vận, tiền vận của người khác. Còn tôi, đến tương lai của mình cũng không dám định trước. Còn quá khứ? Đến hôm nay quỹ sống trần gian của tôi ngang bằng với ngày tháng ở hang Dơi. Cô gái cũng thế. Chúng tôi có mặt trên đời hai mươi năm. Và hai mươi năm chờ đợi trong hang. Dẫu rằng, niềm tin trong tôi vẫn nguyên vẹn, song không khỏi có lúc tôi nghĩ đến hình ảnh ông già chín năm, trên phiến đá ngắc ngư. Có một lần, nói đến chuyện này, ông cười rất hiền:

– Nếu ta trọn kiếp vong hồn ở hang Dơi này, ta vẫn tin con ạ. Kiếp nào đi chăng nữa, cũng cần đến niềm tin ấy.

Hai mươi năm. Mẹ tôi bây giờ chắc già lắm. Nỗi đau mất con hẳn đã nguôi ngoai. Tôi không hình dung nổi khuôn mặt mẹ tôi bây giờ. Những nếp nhăn tuổi tác chằng chéo trên khuôn mặt già nua? Có lẽ thế và lưng của mẹ còng hẳn xuống? Ngày trẻ, mẹ tôi đẹp lắm. Nghe kể, cha tôi phải vất vả mới lấy được mẹ. Không biết cha tôi bây giờ, có còn đủ  sức thức dậy pha trà vào lúc bốn rưỡi sáng, theo nhịp chuông leng keng của tầu điện nữa hay không? Còn em gái tôi. Không biết nó đã quên hay còn nhớ tiếng hót của con chim liếu điếu. Chắc nó nhớ. Bởi, có một thời nó từng tin rằng, anh trai nó trở về bằng tiếng hót ấy. Bạn bè tôi nữa. A trinh sát thằng nào còn, thằng nào mất?

Ngày A trinh sát còn nguyên vẹn, đề tài hậu chiến tranh bao giờ cũng xôm trò. Chẳng khác gì dạo còn đi học, cô giáo hỏi: “Sau này em ước làm gì?”. Long tẩu bảo: “Hết chiến tranh, tao mặc nguyên bộ đồ trận này để tổ chức lễ cưới. Cưới ngay, không đợi thêm một ngày nào nữa!”. Cường choắt ước: “Chiến tranh thích hợp với dạng người tao. Tao sẽ làm tướng. Tướng, hiểu không?”. “A thằng khốn, mày định kiếm chác bằng chiến tranh hả?” – “Không, tướng không chiến tranh mới đáng mặt tướng. Tao sẽ làm tướng!”. Mỗi thằng một ước muốn. Nói chung đều nghiêm chỉnh cả. Duy có Ngọc khợp thủng thỉnh: “Tao hả, tao sẽ ra phố Hàng Buồm mua một con ngỗng quay thật bự. Con ngỗng vàng rộm. Còn nóng. Mỡ của nó láng ra loang bóng tờ báo bọc. Tất nhiên, với con ngỗng ấy, phải vòng xuống Cổ Tân làm hai vại bia hơi – mới có thế yết hầu thằng nào cũng đã đánh lên, đánh xuống – để nguyên con ngỗng, không dao thớt gì cả, a lê phập! Răng cắm ngập vào cái lườn béo ngậy!…”. Không thằng nào bình phẩm một lời về cái ước mơ đểu giả của Ngọc khợp. Nước miếng tứa ra hết lượt. Ước muốn của Ngọc khợp thực quá. Thực đến tàn nhẫn. Có lẽ, chỉ mình nó dễ dàng thực hiện điều ước. Ai chứ Ngọc khợp chắc chắn sẽ giữ lời. Một con ngỗng sau một cuộc chiến tranh. Hay thật.

Thằng nào còn, thằng nào mất? Thằng Vịnh chắc chắn không trong số những thằng còn sống. Nếu sống, nó đã không bắt mình phải chờ đợi đến ngần ấy năm trời. Những thằng sống, bao nhiêu thằng thực hiện được ước muốn của mình? Bất luận thế nào, chúng nó đều hạnh phúc. Chúng mày ơi, sự sống đó mới là cái quý giá nhất.

Tất nhiên cũng còn nhiều điều quý giá khác. Chẳng hạn một ước muốn  nho nhỏ của cô gái. Được đứng trong vườn nhà, tay vịn vào gốc xoan, nghe tiếng nạng gỗ của người bố thương binh gõ cộc cộc từ ngoài ngõ vào. Thế thôi. Thế là đủ. Ngày mới hoà bình, sau những phút giây sung sướng ban đầu, đến lúc biết mình không trở về được, cô buồn ghê gớm. Nỗi buồn lớn đến mức, nếu ở cõi trần chưa biết sự thể cô sẽ ra sao. Không phải nỗi buồn vì tuổi thanh xuân của cô dừng ở con số hai mươi. Nỗi buồn ấy qua lâu rồi. Một nỗi buồn khác, giản đơn. Nó xuất phát từ ước muốn nho nhỏ kia. Rất nhiều lần cô lo sợ:

– Cha em chết mất. Ông chỉ sống được bằng niềm kiêu hãnh.

Hẳn thế. Kiêu hãnh làm nên phẩm chất chiến thắng của mọi cuộc chiến tranh giữ nước. Chỉ riêng  nỗi buồn của cô đủ để người cha thương binh kia kiêu hãnh. Dù có hay không tờ giấy chứng nhận mầu vàng. Nhất định thế!

Đã hai mươi năm. Cô gái vẫn canh cánh nỗi niềm kia. Tôi cũng thế. Khao khát được trở về ngày một mãnh liệt. Dạo còn thằng ngụy, góc hang của nó đặc sánh bầu không khí tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến cùng kiệt. Đến nỗi, cô gái phải thay đổi. Cô từ bỏ thái độ thù  địch với nó. Suốt một thời gian dài, nó tự câu rút, đóng đinh mình vào vách đá hệt tư thế chúa của nó. Có điều chúa của nó bị hành hình còn nó tự mình làm công việc đầy đọa ấy. Chẳng biết chúa Giê su lúc bị  câu rút trên thập ác nói những điều gì. Còn nó? Nó lảm nhảm suốt. Rặt những mẩu độc thọai rời rạc về cuộc đời gián đoạn của nó. Nó gọi má, gọi chúa. Không ai giúp được gì cho nó nữa. Thằng ngụy không xuống. Cứ thế, nó treo mình dán vào vách đá. Nó tạo thành một hình ảnh vừa đau lòng, vừa nực cười. Giá kể âm dương giao hoà, người trần thế nhìn thấy nó, khối người cảm động. Kể cả những kẻ đã bán sống nó. Hẳn lúc ấy, có người sẽ nghĩ rằng, nó làm thế là để sám hối. Oan cho nó, tột đỉnh cao sang như Giê su, môn đồ Ju đa cũng chỉ đổi lấy ba mươi đồng bạc trắng. Nó, nước non gì, những kẻ cầm  cuộc cờ đẩy nó vào vách đá không cần tính toán. Nỗi tuyệt vọng của nó cũng thế, không cần sự sám hối. Có chăng, đó chỉ là sự hối tiếc muộn mằn của một kẻ lầm đường.

Có lẽ, nó sẽ câu rút mình trọn một kiếp vong hồn, nếu chúa của nó hoặc má của nó không động lòng. Tuy nhiên, để thoát khỏi tuyệt vọng này nó lại tiếp tục bị sa vào tình cảnh tuyệt vọng khác. Nếu được chọn, cũng không biết, nó ở lại hay đi. Chuyện xảy ra sau hoà bình khoảng chục năm  gì đấy.

Bấy giờ, việc khai thác gỗ đang nhộn nhịp. Tuy vậy, có rất ít người lai vãng đến hang Dơi. Thảng hoặc mới có một vài người bạo gan mò vào. Vì tò mò hơn là định kiếm chác. Có định kiếm cũng chẳng nhằm nhè gì. Bởi trong hang, chỉ có lũ dơi móc ken vào vòm đá. Nền hang, phân dơi dày thành lớp. Xương cốt của chúng tôi, được lưu giữ trong chính lớp phân dày đặc ấy.

Hôm ấy, toán người kia đi đến bằng một chiếc xe Jeep nhà binh cũ kĩ. Có sáu người cả thảy. Nom người nào, người nấy dữ dằn và gian giảo. Phường này,  mù mắt cũng không thể xếp chúng vào hàng lương thiện. Xe, chúng vứt dưới cửa rừng rồi leo bộ lên hang. Điệu bộ rất hùng hổ. Cả bọn bu đặc cửa hang. Đầu chúng châu vào nhau. Một thằng dùng ống nhòm dọi đi, dọi lại. Lát sau nó quả quyết:

– Đúng chỗ này!

– Chắc không?

– Tao đã rà kĩ tọa độ. Tính toán cả thời gian bay từ Bà Rá về đây. Rừng thay đổi nhiều nhưng vẫn có thể nhận ra. Xác chiếc CH47 cách đây khoảng 5km đường chim bay, đã tìm ra từ tuần trước.

– Nhưng làm sao mày dám quả quyết chỗ này?

Thằng cầm ống nhòm cười gằn:

– Mày quên ngày ấy biệt đội của tao quần nát khu rừng này, chỉ tìm thấy mấy vuông dù, còn cái thây biến tăm.

– Nhưng sao biết là thằng Mẽo đã chết.

Lần này nó cười, to, váng cả hang:

– Ngu thế mày. Cái dù bị Việt cộng bắn lủng, quẳng từ lưng chừng trời đến thiên lôi cũng ngắc, huống hồ người trần. Duy nhất cái vực này không thằng nào sục xuống.

– Bắt đầu chứ?

– Hãy khoan. Làm một tiệc nhỏ, mừng cho sự khởi đầu thuận lợi.

Thằng nhỏ con nhất hội, mặt quắt, ria mép để dài thành túm, lộn xuống xe vác lên một bịch đồ ăn và thùng bia lon “333”. Chúng túm tụm ăn uống ngay trên phiến đá cửa hang.

Nãy giờ, những người trong hang chăm chú dõi theo bọn người kia. Thì ra chúng đi kiếm hài cốt Mỹ. Đã có mấy toán săn lùng trước bọn này. Đa phần, chúng là binh sĩ của chế độ cũ, thông thạo vùng tác chiến rừng núi, nhập thành băng đi sục tìm, hi vọng kiếm được xác Mỹ bán lấy tiền xài. Ông già chín năm yên vị trên phiến đá tủm tỉm cười. Cô gái có vẻ hoảng hốt. Nhìn đám người này, chắc cô nhớ lại chuyện cũ. Cũng dáng dấp ấy, chỉ khác mỗi quần áo mặc trên người. Tôi, chẳng có việc gì phải bận tâm. Riêng thằng ngụy thấp thỏm. Cái vực, bọn người kia sắp mò xuống là nơi gửi nắm xương của nó. Tuy vậy, nó vẫn ngúc ngắc trên chiếc thánh giá vô hình, không chịu xuống.

Lát sau, bọn kia lần xuống chân dốc. Từ đấy chúng men dần xuống. Tiếng là vực nhưng không sâu lắm, chừng hai trăm mét trở lại. Gai góc um tùm, xuống được đáy không phải dễ dàng. Một lúc, bỗng có tiếng thét nhào đau đớn dội lại hang. Dù không bận tâm, tôi vẫn nhào ra khỏi nơi ẩn. Cô gái  ra theo. Trước tiếng kêu của đồng loại, đến loài thú cũng không nỡ ngoảnh mặt. Hoá ra, một người trong bọn trượt chân ngã nhào xuống vực. Ngã thế, chết là cầm chắc. Quả nhiên, đám người sống chưa lần kịp xuống, thì thằng chết đã lò dò lên đến nơi! Thấy hai chúng tôi, mặt nó xám ngoét. Chính là thằng nhỏ con, mặt quắt, ria mép để dài thành túm. Có vẻ nó kém vế nhất trong đám kia. Nó sợ hãi là phải. Trên người chúng tôi, quân phục vẫn xanh rờn. Nó lắp bắp:

– Ông, bà…

Lưỡi nó líu lại, không nói được hết câu. Tôi nhẹ nhàng:

– Đừng sợ, chúng tôi là bộ đội hi sinh hồi chiến tranh ở đây.

Chả ngờ câu nói làm nó sợ hơn. Thậm chí nó không còn phát ra tiếng được nữa. Cứ “u u” ở đầu lưỡi. Tôi bảo:

– Đừng sợ. Anh bây giờ thành hồn ma rồi. Cú ngã vừa xong đã đổi kiếp cho anh.

Nó rống rất thảm thiết. Ra, nó chưa biết mình đã chết. Nó cuồng lên chạy tọt xuống vực. Dáng chừng để cầu cứu bọn kia, xem phải thật thế không. Hoặc, để kiểm chứng thân thể mình. Được một lúc, nó lò dò quay trở lại. Bộ điệu rất thiểu não. Nó so vai, gục đầu, miệng rên ư ử:

– Hết đời rồi, còn vợ, con tôi, hu hu…

Khóc chán chê mê mỏi, nó ngơ ngác nhìn tứ phía. Dấu tích bữa  ăn còn đây, vương vãi tàn diêm, bã thuốc, giấy báo. Đàn kiến núi to gộc bâu kín chỗ thức ăn thừa. Còn nguyên cả mà đã hai thế giới khác. Nó dọ dẫm lần vào hang. Nó vội quỳ thụp xuống làm dấu thánh giá:

– Giê su ma lạy chúa!

Thằng ngụy phì cười. Thằng nhỏ con ngước mặt. Nó nhận ra đức chúa trên vách mặc đồ trận rằn ri. Thằng ngụy vẫn cười:

– Tao là lính chết trận dạo bảy tư. Dưới vực kia làm chó gì có xác Mỹ. Chỉ có xác tao thôi, hiểu không?

Thằng nhỏ con chợt nổi xung. Có lẽ nó tiếc thân nó tiêu oan uổng. Chỉ có xác thằng mập này, ngu ơi là ngu:

– Nè, tao ngán là ngán mấy cha cộng kia. Còn mày sức mấy. Nhìn đây này. – Nó vén tay áo để lộ những hình xăm chật hai cánh tay. Đủ hết rồng rắn, đại bàng, cả hình đàn bà, con gái lõa thể. – Ông nội mày đây mới là lính dù chính hiệu. Nhằm nhè gì, thứ lính tẩy ngữ mày. Giỏi, xuống đây mà cao giọng.

Ông già chín năm chợt cất tiếng cười. Tiếng cười được thời gian tu luyện xoáy ầm ầm, dội vào vách đá. Bầy dơi hoảng hốt chao động. Thằng nhỏ con chết trân sợ hãi. Nó lùi dần, lùi dần:

– Lại một cha áo trấn thủ. Vệ quốc đoàn. Kì quá, cái chốn này. Phát điên lên mất.

Nó chạy bổ ra khỏi hang.

Đến quá trưa, đám tìm xác cũng bìu díu nhau lên đủ. Chúng quấn xác thằng vừa chết vào một tấm vải bố. Không đứa nào buồn vì đồng bọn gặp nạn. Ngược lại, mặt cả lũ cứ hơn hớn như bắt được của. Của thật. Đấy là dúm xương tàn của thằng ngụy. Trước đấy, trong hang Dơi, thằng ngụy đột nhiên bị rơi bịch từ vách đá xuống. Nó nằm thõng thượt trên nền hang, không gượng dậy được. Mặt nhợt đi, lìm lịm, lìm lịm. Sau mới biết, thời khắc đó bọn kia vừa bới được chỗ nó nằm. Một thằng vớ được cái đầu lâu mốc xỉn, huơ huơ lên, hôn đánh “chụt” vào trán sọ:

– Ngài đây rồi. Vàng, đô đây rồi. Hơ hơ…

Cả bọn sục sạo, nhặt nhạnh không sót một mẩu xương, tống đại vào cái bao xác rắn. Thằng ống nhòm gật gù:

– Tao tính không sai. Ngài khuyết mất bộ giò. Nhưng không sao, lát nữa sẽ “mông” cho Ngài đầy đặn. – Quay sang cái xác mới. – Tội nghiệp nhỏ em này. Ngài thiêng thật, vật thế chỗ đấy. Em đừng buồn. Tụi qua trúng mánh này, đặng cúng lễ cho em đầy đủ.

Giá không tìm được đám xương tàn kia, dám xác thằng nhỏ con nằm vĩnh viễn nơi đây lắm. Nó vẫn còn may.

Đặt xương của thằng ngụy vào tấm nhựa ni lông trải phẳng, bọn kia bắt đầu chọn lựa, lắp ghép. Bộ giò thiếu thật. Một thằng chạy về xe vác ra cái bao xác rắn khác. Trong lủng củng toàn xương xẩu. Bới nhặt mãi cũng lựa được đủ. Chúng lắp vào, hoàn chỉnh một bộ hài cốt. Cả lũ nhảy tưng tưng. Chắc chúng đang tưởng tượng bộ xương khô kia đã hoá thành vàng thật, đô thật. Cứ việc tin. Giấc mộng nào mà chả đẹp. Thằng nhỏ con cười sằng sặc. Nó buồn cười quá. Quên hẳn mình vừa chết, nó cũng nhảy tưng tưng, quay vòng tròn rất ngộ. Nó đã phát điên.

Trong hang, thằng ngụy bò dậy. Nó khúc khắc đôi chân mượn. Xác của nó đã bị tống vào bao, chất lên xe. Cả cái xác mới kia nữa. Thằng ngụy khập khễnh bước. Số phận nó một lần nữa được định đoạt. Thằng ngụy buộc phải rời khỏi hang. Dù sao, nó cũng đã quen thân chốn này. Nó chào từng người, mêu mếu rất thảm. Tội nghiệp cho nó. Không biết nó phải theo đám người kia đến tận đâu? Liệu nó có tìm được đường về nhà?

Thằng nhỏ con vừa cười, vừa xoay tròn tiến về phía xe. Phía sau nó, thằng ngụy vất vả khập khiễng từng bước. Giá không bị mông má, nó đâu đến nỗi phải khổ sở thế. Ba chúng tôi đứng ở cửa hang tiễn nó. Thằng ngụy quay lại nhìn. Nó giơ tay vẫy vẫy. Tiếng nó thoảng trong gió:

– Vĩnh biệt…

Rõ cả tiếng nấc ngắt ra: “Má ơi, má…”. Quá đau đớn, nó đã quên gọi chúa.

*

*      *

Hoà bình đến với hang Dơi đột ngột nhưng không bất ngờ. Đúng mười chín năm sau hoà bình của đất nước. Cũng bởi niềm tin sắt đá của ông già chín năm truyền sang chúng tôi, đã ngấm sâu vào hình hài từng đứa. Lạ thế, ao ước bao nhiêu lâu, đau buồn  cũng lắm, vậy mà giây phút hạnh phúc đến, ai cũng thấy bình thản. Tựa hồ việc đó ắt phải diễn ra như thế.

Khi đoàn người tiến vào hang, chúng tôi đã hiểu rằng, họ đến để giải phóng chúng tôi khỏi kiếp vong hồn. Rõ ràng có một thứ linh cảm gì đó rất đặc biệt. Ông già chín năm bảo:

– Linh cảm ấy chỉ những người biết tin, dám tin mới có.

Quả thật, trong suốt hai mươi năm ở hang Dơi, phải đến giờ phút ấy tôi mới gặp linh cảm này. Thọat đầu, thấy người nhấp nhô ngoài hang, tôi đã tưởng là bọn người tìm xác, khá hơn một chút là những người đến bắt dơi. Nghe họ lào phào với nhau, dơi bây giờ là đặc sản. Cái giống nửa chim, nửa thú chỉ hơi phân loài chuột tí tẹo, lại được tôn vào hàng đặc sản, lạ thật. Cuộc sống trần gian, hẳn phải thay đổi nhiều mới có sự đảo lộn, ngược đời thế. Thảo nào, vài ba năm lại đây, dơi trong hang bị bắt vãn. Ngày xưa, dơi đen đặc bám nhung nhúc ở thành hang. Vòm trần, dơi kết thành dây lúc lỉu. Bây giờ, dơi cũng khôn chán vạn, treo người tít trên cao, bắt nổi một con cũng còn mướt. Suy cho cùng, giống nòi nào cũng thế, đều phải khôn để tồn tại.

Đoàn người đi hàng một vào hang. Phải đến gần chục người. Một nửa mặc quân phục. Một người mặc quân phục cũ, người cũng hom hem, già nua, lúi húi cắm bó hương ngún khói sát chỗ tôi nằm. Mùi hương. Khói bay đến đâu hương lan đến đấy. Không gian hang Dơi âm u cũng tan dần ra, thoáng đãng. Những đốm hương đỏ xíu đủ làm hang Dơi sáng rực. Ông già chín năm tủm tỉm cười. Cô gái luýnh quýnh chạy vào, chạy ra. Người thắp hương quỳ xuống. Hàng người đứng cúi đầu. Họ đang mặc niệm. Không một lời khấn khứa. Tất cả im lặng. Tôi nghe rõ cả tiếng khói toả rất nhẹ. Những đốm đỏ đầu hương xíu xiu lấp lánh. Khói vương vít quấn quýt, tụ vào, tan ra. Ông  già chín năm rời bỏ phiến đá. Ông dọ dẫm từng bước. Miệng ông thầm thì:

– Các con. Các con ơi!

Ba chúng tôi đứng cạnh nhau, nghẹn ngào chờ đợi. Đồng đội của chúng tôi đã đến. Ông già chín năm đứng nghiêm ngắn như đang trong đội ngũ. Cô gái, mắt long lanh nửa cười, nửa khóc. Cô đang sung sướng. Tôi nữa, cõi hồn tôi khói hương quẩn vào, làm dậy lên cảm xúc kì lạ. Bàn chân tôi dợn dợn. Tôi thấy mình như đang đứng giữa thành phố quê hương. Mẹ của tôi. Đột nhiên, tôi bừng tỉnh. Tiếng hót lảnh lót của con chim liếu điếu vang lên. Tiếng hót nứt ra từ kẽ đá. Tiếng hót nhỏ giọt  từ trần hang ấm áp. Và tiếng hót nóng hổi lăn trên gò má tôi. Những đốm đỏ vẫn rực. Khói vẫn quấn quýt, hương ngan ngát lan ra, lan xa.

– Chỗ này! – Người thắp hương, vẫn đang quỳ, trỏ tay đúng vào chỗ tôi nằm. – Cả góc kia, ngày ấy tôi thấy vương vãi nhiều thứ quân trang.

Giọng nói quen quá. Trời ơi. Giọng nói quen quá. Tiếng một người ra lệnh:

– Các đồng chí. Ta đào thật nhẹ. Từng điểm một. Đồng  đội của chúng ta dưới này…

Nhát xẻng đầu tiên “sụt” khẽ. Phân dơi kết thành lớp, ấm và mềm. Cái hang nhỏ rùng rùng. Hang sáng lòa. Từng dây sấm gượng nhẹ nổ rền rền khe khẽ. Đàn dơi thức giấc chấp chới đảo cánh. Có con vụt bay ra khỏi hang rồi lại liệng vào.

– Đây rồi. Các đồng chí, ta tiếp tục đào. Nhớ thật nhẹ. – Có tiếng nấc. Người thắp hương chạm tay vào xương cốt của tôi.

– Phương ơi! – Tiếng kêu bật ra, khắc khoải như tiếng kêu của con chim trúng tên đuối sức.

Giọng nói quen quá. Tôi nhào vào. Trước mắt tôi là thằng Vịnh. Tôi đã nhận ra nó. Thằng Vịnh còn sống. Nó đã không bỏ tôi. Vịnh ơi…

Tôi như vừa dứt khỏi cơn sốt mê man, người khoẻ khoắn lạ thường. Tôi vút ra ngoài hang. Giây phút ấy, tôi quên mình đã chết. Quên đi hai mươi năm chờ đợi. Tôi như con chim non vừa đủ lông cánh vút vào bầu trời tự do. Nắng mênh mông tràn đầy. Khu rừng chiến tranh lùi lại thật xa. Con chim liếu điếu bay đến đậu vào vai tôi. Cả tôi và nó cùng cất tiếng hát.

Ông  già chín năm cất tiếng gọi tôi. Tay ông cầm tay cô gái. Tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp chưa từng thấy ở cô. Một vẻ đẹp rạng rỡ, thuần khiết và trinh  bạch. Không một tì vết nào của chiến tranh đọng trên khuôn mặt ấy. Tất cả đã qua rồi. Tôi lao đến ôm chầm lấy hai người thân yêu. Chúng tôi trong vòng tay nhau, bổi hổi.

– Các con. Chúng ta không bao giờ bị lãng quên. Ước mơ của ta đã thành sự thật. Các con…

Mắt ông lóng lánh. Ông đã nhìn lại được. Vụt cái, ông trở về với tuổi thực của mình. Một ông già quắc thước, tóc trắng, râu trắng, hiền hậu. Tôi, cả cô gái nữa. Tất cả chúng tôi đã trở về được với thế giới của mình. Tôi áp bàn tay tôi lên bàn tay cô. Tiếng nói cõi hồn tôi bật ra tự nhiên:

– Anh  sẽ đưa em về…

– Vâng! Quê em và thành phố của anh!

Tôi dắt em đi. Con đường bồng bềnh như trong giấc mơ. Con đường, ông già chín năm và thế hệ của ông đã đi. Một thời của chúng tôi cũng đã trôi qua trên con đường này, chưa xa. Tôi sẽ đưa em về…

Phía sau, ông già chín năm im lìm như bức tượng tạc vào trời đất. Ông tủm tỉm cười. Nụ cười của một người biết thế nào là hạnh phúc.

(còn nữa)

Advertisement

Entry filed under: Tiểu thuyết.

Tàn đen đốm đỏ- 13 (Tiểu thuyết) Sách cũ- Truyện ngắn

51 bình luận Add your own

  • 1. van  |  Tháng Mười Hai 28, 2009 lúc 6:40 chiều

    Tem một cái, còn còm thì chờ Hà Tĩnh, hihihi!

    Trả lời
  • 3. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 28, 2009 lúc 11:11 chiều

    E chưa đọc kỹ phần này mai mới đọc kỹ được. Tuy nhiên e nghĩ xưa nay người ta hay có câu cửa miệng:” chết là hết”. E thì e thấy anh Tiến thông minh ở chỗ anh sáng tạo ra thế giới những vong hồn để những vong hồn đó để lý giải cho những điều gì đó mà người sống không thể hiểu và không thể nói ra, khi chết đi và thành vong hồn ai cũng như ai họ đều có điểm chung là phải nương tựa vào nhau để tồn tại trong thế giới vong hồn, vong hồn không thể nói dối và vong hồn không phân biệt ta hay thù..Là vong hồn nên Phượng có thể không luyến tiếc cái chết của mình khi chứng kiến những tên lính hành hạ cô gái đến chết, có thể điều đó giúp Phượng hiểu rằng cần có những cái chết của người lính để diệt trừ cái ác; anh lính ngụy thì hiểu rằng rõ ràng phía mà anh đại diện rất tàn bạo, tàn bạo thì phải trừng trị; ông chín năm lại chứng kiến thêm những ta-những ” không ta” mới giúp cho ông thêm những triết lý thông thái và nhân tâm hơn…
    Vì có thế giới vong hồn quanh quẩn và hiễu rõ mọi sự, cho nên đừng có nghĩ họ chết là họ biến mất..Không! họ đã chết với hy vọng cho tương lai thanh bình và kì diệu..vì thế những người sống hãy sống sao cho xứng đáng với hy sinh của họ..E nghĩ đấy có thể là một thông điệp của nhà văn đưa ra..Ngày xưa các anh thanh niên,c ác cô sinh viên cứ nghĩ ” đi vào trong đấy”- vào chiến trường miền Nam như là một nơi cần phải đến không toan tính điều gì, chấp nhận hi sinh..Có bao nhiêu”chiếc lá còn xanh” mà đã phảisớm rời cành đời với bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau trong chiến trường lửa đạn. nghiệt ngã…
    Vậy liệu những người sống, những thế hệ sau chiến tranh – những chiếc lá xanh, lá vàng còn may mắn không bị làn gió chiến tranh khốc liệt bứt khỏi cành đời tươi sáng có thể lắng nghe những vong hồn kể chuyện hay không?

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:10 sáng

      (Tuy nhiên e nghĩ xưa nay người ta hay có câu cửa miệng:” chết là hết”.)
      Không hay ho gì chuyện trích dẫn văn bản, nhất là trích dẫn dụng ý nhưng có lẽ trong trường hợp này sự trích dẫn là chính xác.
      Chết là hết!

      Trả lời
      • 5. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:15 sáng

        nhưng mà đừng vội mừng..không hết đâu..vẫn còn các vong hồn đó!

        Trả lời
        • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:22 sáng

          Cũng như dân gian hay dùng câu làm gì thì làm, còn có cao xanh chứng giám đó. Nhất trí!

          Trả lời
          • 7. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:26 sáng

            Thế là em diễn đạt được rõ ý em muốn nói rồi nhỉ? em sợ e viết ra không rõ làm anh hiểu nhầm.

      • 8. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:17 sáng

        E bổ sung; ý em muốn nói người đời thì cho rằng ” chết là hết”, nhưng anh Tiến thì ngược lại: anh chứng minh chết không phải là hết mà chỉ là sự sang trang của một đời sống mới dưới dạng khác mà thôi.
        E xin lỗi vì viết cái đoạn ấy hơi cụt và tối nghĩa. Mong anh Tiến hiểu đúng ý em nhé!

        Trả lời
        • 9. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:24 sáng

          E lại bổ sung cái nữa( anh thông cảm e được cái khuyết điểm là bộp chộp nên vội vã viết ra rồi thiếu trước hụt sau): e cũng muốn nói lên ý hiểu của em là: những người đã ra đi trong cuộc chiến họ đã hiến dâng đời mình vì kỳ vọng một tương lai tươi sáng, và vì họ đã chết nhưng vong hồn họ còn nên họ dường như vẫn biết tất cả nhưunxg điều gì đang xảy ra trong hiện tại,vì thế mà những người sống hãy sống sao cho sự hy sinh của những người đã khuất được đền đáp. Cuộc sống của ngày hôm nay có xương máu hi sinh của bao người, cho dù họ có chết nhưng cái chết không chấm dứt tất cả,c ái chết của họ làm nên hòa bình..và chúng ta k thể quên họ…

          Trả lời
        • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:29 sáng

          Tui nói không hay ho khi trích dẫn là nói tui khi trích của Hà Tĩnh. Còn thì Hà Tĩnh viết quá kỹ không hề cụt và tối nghĩa.
          Cái sự chết rồi sang một thế giới khác là chuyện xưa nay dân gian vẫn quan niệm thế, tui chỉ viết ra thôi chứ thông minh gì cái thằng ngố như tui. Ngố đau ngố đớn.

          Trả lời
          • 11. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:41 sáng

            Từ dân gian lên trang viết e nghĩ không hề giản dị tí nào hết nhà văn ạ, đưa vào trang viết với những ý tưởng gửi gắm và câu chuyện sống động thì không hề ngố. NÓi chung e biết anh NGọc khợp láu lỉnh từ xửa từ xưa rồi! giả vờ nói mình ngố để người ta khẳng định anh không ngố đó mà!

          • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:46 sáng

            Biết Ngọc khợp láu lỉnh từ xửa từ xưa rồi thì cái thằng tui tịnh không còn dám ho he nữa. khe…khe….

          • 13. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:51 sáng

            anh khỏi cần ho he, cứ viết nhiều, viết hay là quá chuẩn rồi! thực ra thì e thấy anh viết trong TDDD về Ngọc khợp thế mà…

          • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:55 sáng

            Hóa ra người này biết tui chính là Ngọc khợp.

          • 15. van  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 9:22 sáng

            Ai cũng biết chỉ trừ chủ nhân giả vờ không biết, anh Ngọc khợp ơi!

  • 16. MuaThuHaNoi  |  Tháng Mười Hai 28, 2009 lúc 11:30 chiều

    Chuyện anh viết y như thật ấy nhỉ. Kể cả câu chuyện của các hồn ma.

    Trả lời
    • 17. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:11 sáng

      Chuyện anh viết y như thật ấy nhỉ. Kể cả câu chuyện của các hồn ma.
      Khe….khe….

      Trả lời
      • 18. Thầy đồ trọc  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:45 sáng

        MTHN ơi ! Thật 100% đấy em à, nên anh Dong không bắt bẻ được gì. Không tin hỏi @Dong mà xem.

        Trả lời
  • 19. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:48 sáng

    Ngày xưa bom đạn tàn phá. Ngày nay con người tàn phá. Hoà bình, rừng tươi tốt lại được mươi năm thì bắt đầu thấy xuất hiện những nhóm khai thác rừng. Ngày một đông. Ô tô kìn kìn vào chở, nhộn nhịp còn bằng mấy dạo chiến dịch mở. Một ngày kia, cây săng lẻ của chúng tôi chịu chung số phận. Hôm ấy cô gái rất buồn. Kỉ niệm bị triệt hạ ngay trước mắt làm sao không buồn được. Đến gỗ đá cũng phải buồn. Đám cây kề cận, mất đi bóng dáng thẳng cao của cây săng lẻ, cây nào, cây ấy rũ ra, phờ phạc
    ———–
    Buồn thật chứ, rừng mình là rừng thiêng, rừng của kỉ niệm …e nghĩ chắc ai đã ra tiền tuyến thời chiến tranh đều ít nhiều gắn mình với rừng…vì thế rừng của ta ngoài những ý nghĩa về tự nhiên, còn là nơi đã che chở cho quân ta vào trận, nơi trú ngụ bao vong hồn đã khuất..Phá rừng xem như là sự đoạn tuyệt với quá khứ, và cũng phá cả tương lai..Mình giờ lũ lụt nhiều cũng là do phá rừng…
    Chán thật….

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 12:57 sáng

      Ừ thì buồn. Nhưng cái buồn “rừng” này so với những cái buồn khác bây giờ thì quá nhỏ bé. Hơn cả chán.

      Trả lời
  • 21. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 1:25 sáng

    Dạo còn thằng ngụy, góc hang của nó đặc sánh bầu không khí tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến cùng kiệt. Đến nỗi, cô gái phải thay đổi. Cô từ bỏ thái độ thù địch với nó. Suốt một thời gian dài, nó tự câu rút, đóng đinh mình vào vách đá hệt tư thế chúa của nó. Có điều chúa của nó bị hành hình còn nó tự mình làm công việc đầy đọa ấy. Chẳng biết chúa Giê su lúc bị câu rút trên thập ác nói những điều gì. Còn nó? Nó lảm nhảm suốt. Rặt những mẩu độc thọai rời rạc về cuộc đời gián đoạn của nó. Nó gọi má, gọi chúa. Không ai giúp được gì cho nó nữa. Thằng ngụy không xuống. Cứ thế, nó treo mình dán vào vách đá. Nó tạo thành một hình ảnh vừa đau lòng, vừa nực cười. Giá kể âm dương giao hoà, người trần thế nhìn thấy nó, khối người cảm động. Kể cả những kẻ đã bán sống nó. Hẳn lúc ấy, có người sẽ nghĩ rằng, nó làm thế là để sám hối. Oan cho nó, tột đỉnh cao sang như Giê su, môn đồ Ju đa cũng chỉ đổi lấy ba mươi đồng bạc trắng. Nó, nước non gì, những kẻ cầm cuộc cờ đẩy nó vào vách đá không cần tính toán. Nỗi tuyệt vọng của nó cũng thế, không cần sự sám hối. Có chăng, đó chỉ là sự hối tiếc muộn mằn của một kẻ lầm đường.
    ————-
    E thấy nói về sự sám hối của anh lính ngụy có vẻ hơi không tự nhiên. Mỗi con người sống trong xã hội nào thì phải chịu chi phối của xã hội đó. Việc đi lính là nằm ngoài ý muốn của anh sinh viên Y khoa. Anh bị bắt buộc phải đi chứ anh đâu có tự nguyện, Anh cũng k quan tâm đến chính trị nhiều để mà theo ai vào rừng ra cứ, anh chỉ muốn sống đời bình yên, hành nghề cứu người, kiếm sống lương thiện.
    Vậy anh sám hối vì cái gì? anh buộc phải đi lính, đã vào trận thì phải làm bổn phận người lính trận. Anh đâu có được đưa ra sự lựa chọn nào đâu mà bảo anh lầm đường?
    Chiến tranh làm cho con người bình thường mỗi bên có những khi không có lựa chọn nào khác..Mỗi bên đều có những luận điểm để bào chữa cho mình.
    Ai đó nói là mỗi cuộc chiến cho dù ai thắng thì nhân dân bao giờ cũng thua..Phương, cô gái, anh lính ngụy cũng là nhân dân trước khi khoác áo lính chứ sao?

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:09 chiều

      Tui viết trong tâm thế của tui dạo đó cách nay gần 20 năm rồi. Có những điều lúc đó tui tin là đúng nhưng bây giờ phải nghĩ lại. Đã viết ra như thế thì bây giờ không thể sửa. Muốn thì viết lại cuốn khác. Ngay cả tên gọi cũng thế, nếu bây giờ viết thì tui gọi anh ta là người lính phía bên kia chứ ko gọi ngụy.
      Hà Tĩnh đọc tinh nhưng cũng nên đặt thời điểm vào vị trí người viết. Cảm ơn.

      Trả lời
  • 23. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 1:39 sáng

    ý em là theo như những gì được đọc về chú lính này thì cái đoạn sám hối, lầm đường cứ như là lắp ghép hơi vụng ấy nhá, không ăn khớp vào nhau…
    hoặc là lúc này khuya khoắt chỉ số IQ bị giảm thì em k rõ lắm..nhưng đến giờ phút này e cho rằng chỗ này dở chứ k phải cái đoạn tả cô giao liên bị hành hạ…

    Trả lời
    • 24. Thầy đồ trọc  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:39 sáng

      Thay mặt cho bạn anh ( xin lỗi vì gã chưa đồng ý ) cám ơn em có nhận xét chân tình. Nhưng cũng xin em tha cho anh ý vì muộn mất rồi, không sửa được vì sắp tái bản lần thứ 8 ( Đề nghị em cho vào phần góp ý riêng : pntien56@yahoo.com ).Heheee…
      ( Trộm nghĩ : Giá như mà mình cũng có em nào như thế này chắc mình bỏ rượu, thuốc lá,bỏ…về mách u : u ơi ! Rằng thì là…heheee)

      Trả lời
      • 25. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 9:44 sáng

        Dạ thưa Thầy đồ, vì e nghĩ tôn chỉ của anh nhà văn là đưa tác phẩm lên blog để có thể lắng nghe phản hồi từ bạn đọc mà bạn đọc có muôn người thì cũng sẽ có vô vàn cách cảm nhận khác nhau. Mỗi ý kiến đưa ra có thể tìm được sự đồng thuận của nhà văn, nhưng cũng có ý kiến thì sẽ khác với điều nhà văn nghĩ và viết. Nhà văn không nhất thiết phải nói Yes hay No, vì bản thân tác phẩm cũng chỉ là một cách nhìn, lí giải một hiện tượng theo ý chí của nhà văn mà.
        Không có cái sự chê dở cái đoạn nho nhỏ của em thì tác phẩm cũng đã quá được ưa chuộng để được tái bản đến lần thứ 8 rồi, có nghĩa là e cho nó dở chứ chưa chắc người khác đã cho đó là dở. E thì em suy luận theo mạch tồn tại của nhân vật này, nhân vật này trôi vào cuộc chiến theo cách lí giải là không phải ai vào trận cũng vì một lí tưởng nào đó, mà có người “bỗng dưng” bị trôi vào cuộc chiến mà thôi. Anh ta buộc phải vào lính ngoài ý muốn, và cũng để thân phận nổi trôi theo cái định mệnh đó..Vì vậy e không hiểu tại sao anh ta phải sám hối, sám hối theo e nghĩ tức là sự ân hận khi đã làm một việc mà anh biết rõ là không nên làm nhưng vẫn làm..

        Trả lời
        • 26. van  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 9:58 sáng

          Hehe Hà Tĩng không đúng “đường lối” rồi nhé!

          Sau trận đánh, phóng viên hỏi một chiến sỹ : – Lúc anh nhằm súng vào quân giặc, anh nghĩ gì?

          Chiến sĩ trả lời: – Tui mà không bắn nó thì nó bắtntui chết tươi, còn gì nữa mà nghĩ!

          Chỉ vì trả lời như thế mà anh ấy không được tuyên dương là Dũng sĩ diệt Mỹ đó!

          Trả lời
          • 27. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 10:10 sáng

            Vì thế e nghĩ nếu có một vài tình tiết dẫn dắt thì cái sự sám hối đau khổ của anh lính ngụy nãy sẽ thuyết phục hơn.
            Có thể ý anh nhà văn muốn nói: rằng kể cả bên này và bên kia ai cũng cũng có những nỗi đau…và anh lính kia là người có lương tâm vì thế anh đã rất đau khổ…
            e k theo một đường lối nào hết, e chỉ theo mạch viết của nhà văn về nhân vật này.

          • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:38 chiều

            @Van, lúc đó trả lời thế thì mất dũng sĩ là còn phúc. Khe…khe….

      • 29. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 10:12 sáng

        …” Rằng thì là..” mẹ giúp con không thì con khổ hu hu!

        Trả lời
        • 30. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 10:55 sáng

          Ôi cái còm 27 là phụ họa cái còm số 23 nhá Thầy đồ!

          Trả lời
        • 31. Thầy đồ trọc  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 1:09 chiều

          Nhưng Hà tĩnh có thấy vui vui khi khi có những cái còm như thế không? Bởi ít ra thì cũng còn có người thích đọc những phân tích của bạn. Rất đồng ý với ý kiến của bạn,bởi tiêu chí của nhà văn khi mở Blog là như thế, nhưng bạn có thể không hiểu ý của cái còm chen ngang số 23 (số ấy hình như là số không đẹp, theo Tử vi)
          Nhiều may mắn nhé ! Còn u tôi già rồi, chẳng giúp được tôi đâu.May ra…..Heheeee…….

          Trả lời
          • 32. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:39 chiều

            @thầy đồ, dạo ni mấy bài thơ có men nên bốc hẳn. Khe…khe….

          • 33. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 4:20 chiều

            Ua Thầy đồ vô cùng kính mến,
            H.T em quá vui khi đọc những cái còm hóm hỉnh của Thầy. E thì thật sự k hiểu gì về Tử vi, cũng không hiểu gì về cái còm chèn ngang số 23 đâu. Nhưng mà e rất cảm ơn Thầy đã luôn vui vẻ!

      • 34. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:16 chiều

        Thầy đồ à, Hà Tĩnh góp ý đúng. Tui mấy lần muốn sửa lại nhưng lại thôi vì làm thế trái luật cuộc chơi.

        Trả lời
    • 35. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:10 chiều

      Đồng ý! Khe…khe…

      Trả lời
      • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 3:24 chiều

        Nó lại lộn còm rồi, nên tui đành viết chung vậy. Công nhận ý kiến của Hà Tĩnh. Lúc in ra tui tiếc nhiều thứ. Thời điểm ấy, còn có những đoạn phải bỏ lại. Có những điều chưa thể viết ra. Thế nên có quan điểm chưa hợp lý cũng là điều khó tránh. Tái bản cắt đi thì dễ nhưng làm thế mình không tôn trọng chính mình chưa nói còn đối tượng quan trọng là độc giả. Hôm rồi post lên chương này đọc đoạn đó tui đã định cắt nhưng rồi lại thôi cũng vì lý do trên.
        Cảm ơn mọi người đã nhiệt tình.

        Trả lời
        • 37. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 4:17 chiều

          Vâng e hiểu chứ cái vị trí của người viết chứ? nhưng mà ở đây chúng ta đang nói về tác phẩm chứ không bàn luận về nhà văn. Nếu nói về nhà văn không thôi thì 20 năm trước mà ra được cuốn sách với cái nhìn nhân bản thế này đã là đáng quý lắm, dũng cảm lắm. Nhưng nếu chỉ nói đến thế thì chắc chẳng còn gì để nói nữa cả. E là một bạn đọc lần đàu tiên biết đến TDDD, em đọc và em chìm trong không khí của tác phẩm, vui buồn sướng khổ theo nổi chìm của nhân vật.
          Nếu chỉ nghĩ về nhà văn không thôi thì chắc chắn là e sẽ k bao giờ đưa điểm đó ra.
          Có thể những điều em nói ra sẽ làm cho anh thở dài một cái và ước rằng giá như có thể được viết với tất cả những gì mình nghĩ.Nhưng e cũng đã nói ở trên rồi đó, mỗi một chúng ta đều thuộc về một thể chế xã hội nào đó, và chúng ta không thể nào vượt quá những giới hạn. E không chê anh mà là em ước giá như dòng chảy của tâm lý nhân vật sẽ được trôi như nó có thể trôi…

          Trả lời
          • 38. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 4:26 chiều

            E không chê anh mà là em ước giá như dòng chảy của tâm lý nhân vật sẽ được trôi như nó có thể trôi…
            Thì cứ chê chứ sao. Chê đúng thế này thì quá tốt cho người viết. Thực ra lúc đó tôi nghĩ thế thật. Thời gian trôi mình hiểu thêm nhiều điều. Tất nhiên không phải phủ nhận tất cả nhưng nếu với suy nghĩ bây giờ thì sẽ ko có đoạn gượng ép này.

  • 39. Hà Tĩnh  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 4:39 chiều

    Trong hang, thằng ngụy bò dậy. Nó khúc khắc đôi chân mượn. Xác của nó đã bị tống vào bao, chất lên xe. Cả cái xác mới kia nữa. Thằng ngụy khập khễnh bước. Số phận nó một lần nữa được định đoạt. Thằng ngụy buộc phải rời khỏi hang. Dù sao, nó cũng đã quen thân chốn này. Nó chào từng người, mêu mếu rất thảm. Tội nghiệp cho nó. Không biết nó phải theo đám người kia đến tận đâu? Liệu nó có tìm được đường về nhà?

    Thằng nhỏ con vừa cười, vừa xoay tròn tiến về phía xe. Phía sau nó, thằng ngụy vất vả khập khiễng từng bước. Giá không bị mông má, nó đâu đến nỗi phải khổ sở thế. Ba chúng tôi đứng ở cửa hang tiễn nó. Thằng ngụy quay lại nhìn. Nó giơ tay vẫy vẫy. Tiếng nó thoảng trong gió:

    – Vĩnh biệt…

    Rõ cả tiếng nấc ngắt ra: “Má ơi, má…”. Quá đau đớn, nó đã quên gọi chúa.
    ———–
    Đoạn này thì quá tuyệt, đọc đến” má ơi, má..” thì lòng chùng hẳn xuống, cảm giác như trong phút chốc sẽ không còn cảm giác gì đọng lại ngoài tiếng gọi nức nở theo gió bay đi của vong hồn anh lính ngụy. Rồi sau đó là cảm giác thương xót, gần như là muốn giang tay ra mà ôm vong hồn của anh ta vào. Anh nào cũng thế thôi cũng lọt lòng các bà mẹ mà ra, đều yêu thương mong sự chở che của mẹ, anh lính bên nào khi đau đớn cùng cực mà chẳng gọi mẹ ơi…Gần 20 năm các vong hồn neo đậu vào nhau nơi hang Dơi, nhưng lại một lần nữa bị dứt ra khỏi khối tình thân đó..Khi đã là nạn nhân của những trò táng tận thì cũng chẳng thể nói bên nào khổ hơn. CHỉ có nỗi khổ của con người nói chung thôi…
    Anh lính bên kia, chắc giờ này lại bị đày ải một chốn xa xôi nào đó ở bên kia đại dương với cái tên lạ hoắc, nỗi đau lại nhân tiếp nỗi đau….có bao nhiêu người lính bất kể bên nào đều đã và đang chơi vơi, lênh đênh trong thế giới vong hồn như thế…

    Trả lời
  • 40. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 5:11 chiều

    có bao nhiêu người lính bất kể bên nào đều đã và đang chơi vơi, lênh đênh trong thế giới vong hồn như thế…
    Là thế. Đến giờ còn biết bao nhiêu gia đình trên đất Việt vẫn bặt tin con em mình. Tôi nghĩ đó mới là nỗi đau lớn nhất chiến tranh gây ra. Đó cũng là lý do để tôi viết cuốn sách này.

    Trả lời
  • 41. xuân hoà  |  Tháng Mười Hai 29, 2009 lúc 7:47 chiều

    em vô nhà bác.đọc xong phần 14 rồi,thôi chào bác -em về.

    Trả lời
    • 42. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Hai 30, 2009 lúc 1:43 sáng

      Dạo này tâm trạng có khác. Đi về chào hỏi trịnh trọng. Em gặp bác chào mào…chào bác….

      Trả lời
  • 43. Hồng Chương  |  Tháng Một 1, 2010 lúc 10:40 chiều

    Chúc bác Tiến kính mến
    Năm mới 2010 nhà đẹp, thịnh vượng và hạnh phúc!

    Trả lời
  • 45. nguyen thanh van  |  Tháng Một 2, 2010 lúc 11:37 chiều

    Năm mới, cũ đi một chút rồi mới hơn Tiến nhé.

    Trả lời
  • 47. Dong  |  Tháng Một 8, 2010 lúc 8:26 sáng

    Mãi không thấy cái 15 xúât hiện, sao thế anh ? cái hang Dơi đang vui thế, già trẻ, trai gái, ta ngụy…đủ cả, lại còn yêu đương. Tan đàn xẻ nghé xong rồi. Trở về bờ sông đi chứ ạ ! Còn lão Đò và đứa con gái bí ẩn kia ở đó.

    Trả lời
  • 49. vuthuymai  |  Tháng Mười Hai 9, 2017 lúc 8:08 chiều

    Cháu chào bác Tiến ạ. Cháu mới được cô giáo giới thiệu cuốn “Tàn đen đốm đỏ”, đọc xong cháu luôn suy nghĩ về “chiến tranh riêng của mỗi người ” ạ. Cháu muốn hỏi bác về suy nghĩ của bác về đề tài chiến tranh được không ạ.

    Trả lời
  • 50. vuthuymai  |  Tháng Mười Hai 9, 2017 lúc 8:21 chiều

    Thưa bác, cháu cũng ấn tượng rất mạnh với số phận của những người phụ nữ trong chiến tranh qua sách của bác. Tuổi trẻ, thanh xuân, tình yêu của họ chỉ dừng lại ở chiến tranh, tất cả những điều tốt đẹp và đau đớn nhất. Một cô gái hồn nhiên, sâu sắc như Thu,yêu cái đẹp mà phải ra đi với sự không hoàn mỹ, một nữ chiến sĩ Lanh khao khát tuổi trẻ, thanh xuân, tình yêu dù ngay khi đang còn trẻ, tình yêu làm sống dậy những mầm sống trong chị nhưng chính nó cũng là thứ chị ảo tưởng không muốn thoát ra khi nó không dành cho mình. Chị ấy ra đi với nỗi đau da cam để lại con gái cũng phải chịu sự mất mát quá lớn do chiến tranh để lại. Và cả cô chiến sĩ bị hành hạ đến chết cùng ước muốn trở về khi là vong hồn. Cả những tiếng khóc, sự mong ngóng của em gái Phương, của những người mẹ. Chiến tranh để lại nỗi đau cho con người, những nhười phụ nữ sống mãi với nỗi đau tuổi thanh xuân của mình.

    Trả lời
  • 51. vuthuymai  |  Tháng Mười Hai 10, 2017 lúc 7:40 sáng

    Bác Tiến ơi, bác cho cháu hỏi suy nghĩ của bác về đề tài chiến tranh trong văn học với ạ.

    Trả lời

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Mười Hai 2009
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

CHÀO KHÁCH

free counters

%d người thích bài này: