Archive for Tháng Một, 2010
Cho hải âu ngọn sóng- Phần cuối (Truyện ngắn)
Sóng. Những con sóng. Kỷ niệm lần đi biển của Hải là những con sóng. Sau này tiếp tục có vài lần ở biển, ấn tượng của Hải về nó vẫn nguyên vẹn như lần đầu. Dạo ấy cha Hải đưa hai mẹ con cô đến chơi đơn vị – một quân cảng. Buổi chiều gió lộng cha Hải đưa cô đi dạo biển bằng xuồng máy. Gần bờ, sóng dềnh táp ướt cả tóc Hải. Cô vận đồ bơi, mười tuổi nhưng Hải bơi rất thạo. ở ao làng, cô không hề kém cạnh đứa con trai nào cùng tuổi. Thậm chí cô còn đoạt giải bơi khối lớp Bốn toàn trường. Nhưng đấy là bơi ao. Còn biển? Hãi lắm, Hải co dúm người trong lòng xuồng.
-Bơi nhé!
Bố Hải gạ. Hải vội lắc:
-Bơi đi, thích lắm. Xem bố bơi trước đây này.
Ùm. Hải thót tim. Không thấy bố đâu cả. (more…)
Cho hải âu ngọn sóng- phần 1 (Truyện ngắn)
Trăng đang ngoi lên từ phía lòng biển.
Đêm đột ngột ngắt. Cùng lúc, những tia sáng mỏng mảnh, run rẩy hiện lòa mặt sóng. Chốc lát, vầng trăng tròn cũng run rẩy như những mảnh sáng phát ra từ mình nó, ngoi ngóp là là khỏi đại dương, giờ đã trắng như dát bạc. Và gió. Gió tưng bừng như những đứa trẻ lên năm, lên bảy ộn ạo đuổi nhau, cuộn thành lớp vỡ òa vào bờ.
Hồn nhiên quá, biển đỏng đảnh, giờ dịu mềm hẳn lại. Sóng cũng hiền đi, ngắc ngư từng đợt lịm vào bờ cát. Hải bỗng thấy mình như tan dần ra trong không trung mênh mông trắng bạc. Cảm giác đó chỉ xảy ra trong khoảnh khắc.
-Kìa, cô nghĩ gì thế?
Giọng đàn ông ồm ồm. Khiếm nhã đến thế là cùng. Thật tiếc, đã lâu lắm Hải mới có được cảm giác thư thái nhường kia. Suýt nữa Hải để buột ra câu nói chả mấy hay hớm. Không quay lại, cô di di chân vào lớp cát mềm ấm.
-Còn anh? (more…)
Tàn đen đốm đỏ- Phần cuối (Tiểu thuyết)
Vĩ Thanh
Nhân vật Ngọc trong truyện là tôi – một nhà văn hạng bét. Loại nhà văn bất tài, chỉ viết được khi đã rứt ra từng mẩu hồi ức nhập vào xác chữ. Trong thập cẩm hồi ức, hồi ức chiến trận bao giờ cũng tươi ròng, mới nguyên. Có lẽ vì đó là phần đời thật nhất. Phần đời đặc biệt, để lại được trong cuộc đời này, mang sang được thế giới bên kia – thế giới sau sự sống của kiếp người. Đó là phần đời gian khổ đến cùng cực nhưng hạnh phúc lại tột cùng. Phần đời mang nỗi buồn tưởng như vô hạn nhưng niềm vui lại lớn đến vô chừng. Duy nhất, phần đời ấy có thể trao đi, đổi lại, xoá nhoà ranh giới sống, chết. Còn nhiều nữa, bởi vậy, hồi ức kia mãi mãi đeo đẳng vào số phận những người đi ra khỏi cuộc chiến tranh. (more…)
Tàn đen đốm đỏ- 15 (Tiểu thuyết)
15.
Con số sáu hoá lại là con số đẹp. A trinh sát giữ nguyên con số này qua chiến dịch cuối cùng. C trợ chiến cũng vậy. Không ngờ, những ngày cuối cùng của chiến tranh lại là những ngày nhàn nhã nhất. Cả C không một thằng trầy da tróc vẩy. Nửa tháng cuối cùng, thậm chí không nổ một phát súng trận. Nói thế vì đạn bắn cũng nhiều. Nhưng, đấy là lính tráng đổ đạn đi vì những lí do ngoài trận mạc. C trợ chiến nhàn đến nỗi, cánh lính pháo xưa nay vẫn vỗ ngực coi mình là lính loại một, nhìn lính bộ binh bằng một góc mắt, cũng phải ghen tị. C trưởng An đi đâu cũng oang oang:
– Đấy là ông Trời có mắt!
Mắt mũi đâu không biết. Toàn C hành quân cũng cơ giới như ai. Đến nơi, đám lính pháo chổng mông đào công sự thì C trợ chiến rải quân, để rồi thằng nào thằng nấy sục vào võng ngủ vùi. Đã thế, lại cứ mỗi ngày chuyển quân một lần. Trung đoàn gần như là hậu quân của hướng chiến dịch 232. (more…)
Sách cũ- Truyện ngắn
Năm mới, thế nên hay nhắc đến cũ. Tự nhiên tìm lại được cái truyện ngắn cũ này, nhận thấy mình chỉ hợp với những cái cũ. Tiễn cựu nghinh tân. Chúc mọi người có một năm 2010 cũ mới ở mình. Và sức khỏe!
Sách cũ
Thư viện nằm trong khuôn viên “Nhà văn hoá” của một đơn vị thi công Thuỷ điện Yaly là một căn phòng nhỏ, cửa xập xệ với vài bốn giá sách tự tạo, chiếc bàn dài bày những chồng báo, tạp chí ngất ngọn. Ngọc bước vào, vừa ngập ngừng vừa lơ đãng, nếu là mấy ngày trước hẳn anh đã nhủ thầm, tất cả chỉ là mỹ từ phô phang bởi cái gọi “Nhà văn hoá” kia đáng kể nhất chỉ là hội trường hơn trăm ghế xếp, dùng để họp hành giao ban hơn là sinh hoạt văn hoá. (more…)
Bình luận mới nhất