Cho hải âu ngọn sóng- phần 1 (Truyện ngắn)

Tháng Một 23, 2010 at 8:48 sáng 39 bình luận

Trăng đang ngoi lên từ phía lòng biển.

Đêm đột ngột ngắt. Cùng lúc, những tia sáng mỏng mảnh, run rẩy hiện lòa mặt sóng. Chốc lát, vầng trăng tròn cũng run rẩy như những mảnh sáng phát ra từ mình nó, ngoi ngóp là là khỏi đại dương, giờ đã trắng như dát bạc. Và gió. Gió tưng bừng như những đứa trẻ lên năm, lên bảy ộn ạo đuổi nhau, cuộn thành lớp vỡ òa vào bờ.

Hồn nhiên quá, biển đỏng đảnh, giờ dịu mềm hẳn lại. Sóng cũng hiền đi, ngắc ngư từng đợt lịm vào bờ cát. Hải bỗng thấy mình như tan dần ra trong không trung mênh mông trắng bạc. Cảm giác đó chỉ xảy ra trong khoảnh khắc.

-Kìa, cô nghĩ gì thế?

Giọng đàn ông ồm ồm. Khiếm nhã đến thế là cùng. Thật tiếc, đã lâu lắm Hải mới có được cảm giác thư thái nhường kia. Suýt nữa Hải để buột ra câu nói chả mấy hay hớm. Không quay lại, cô di di chân vào lớp cát mềm ấm.

-Còn anh?

Rõ ràng người đàn ông lúng túng. Hải bật cười. Cô cũng không ngờ mình lại hỏi thế.  Rõ vô duyên.  Hơn ngày nay Hải phớt lờ sự săn đón của người đàn ông. Anh ta đi cùng đoàn nghỉ của nhà máy dệt – chủ nhân duy nhất của bãi biển vô danh này.

-Còn anh?

Hải nhắc lại. Âm nhấn như giễu cợt. Người đàn ông đã lấy lại được sự chủ động cần thiết.

-Tôi nghĩ, muộn rồi, cô nên về nghỉ.

Hải quay lại nhìn. Lạ lùng đấy, thứ giọng kia không phải kiểu của tán tỉnh.

-Cảm ơn. Tôi muốn đứng một mình!

Con chim choãi cánh nằm bết ở góc phòng. Đôi cánh dài thượt của nó, cũng có lúc chấp chới đập. Có vẻ như nó muốn bay thoát khỏi chốn tù ngục bất ngờ này. Nhưng nó không cất nổi mình. Sức nó quá yếu. Duy có cặp mắt vẫn lấp lánh. Màu đen ánh lên nỗi sợ hãi khôn lường. Đêm hôm qua, Hải lượm nó về từ bãi biển. Nó nằm dạt ở ven bờ. Lúc Hải nhấc lên, người nó đã lả đi. Không phải chim non. Con hải âu đã trưởng thành không biết vì lý do gì bị sóng đánh dạt. Kinh nghiệm về biển không nhiều, nhưng đủ để Hải nhận biết được về loài chim cô yêu thích. Ngay cả bây giờ cô vẫn ao ước mình là cánh chim được chao liệng thỏa thích giữa màu xanh của trời và biển. Hải từng đã có lần được sống ở biển. Bố cô là sĩ quan hải quân.

Ăn một chút gì nhé! Bồn chồn mãi. Hải vẫn không nghĩ ra được thứ gì, có thể khả dĩ cho con chim thoát được cái chết. Chắc nó đói lắm. Đã được sưởi ấm. Bộ lông khô rồi, vẫn xao xác run rẩy. Tội nghiệp mày. Hải xuống căng tin của nhà nghỉ mua một hộp sữa. Loay hoay mãi, cô cũng bơm được vào cái mỏ sều của nó ít giọt. Con chim vằng mỏ không chịu. Thì nó có bao giờ phải ăn cái thứ nước lạ lùng này. Đành thôi, chim ạ. Gắng chịu để khỏi phải chết. Đói là thứ hiểm họa chẳng từ bất kỳ một loài nào. Ngày xưa tao cũng đâu uống được thứ nước chết tiệt này. Mãi rồi cũng quen. Cái gì cố chẳng thành quen. Sống mũi Hải cay sè. Cô khóc khan. Tịnh không có một giọt nước mắt.

-Xin chào một buổi sáng tốt lành!

Vẫn anh ta. Hải bặm môi không trả lời. Bọn đàn ông ngu ngốc. Chẳng nhẽ ở đâu, mình cũng chỉ là con mồi để họ săn đuổi. Ngay cả nơi bãi biển hiu quạnh này. Quả thật, sự có mặt của Hải, có làm dịu bớt đi không khí buồn tẻ bao đặc khu nghỉ. Nguyên đây là khu an dưỡng của nhà máy dệt, từ thời người ta thích phô trương những đặc ân dành cho người lao động. Những dãy nhà lợp ngói thấp tè. Phòng tập thể rộng mênh mông bể sở. Tiện nghi duy nhất là dãy giường cá nhân xếp thành hàng thẳng tắp. Quyền lợi đấy, xin cứ việc. Hàng ngàn công nhân nối nhau hưởng đặc quyền suốt bốn mùa, năm này năm khác. Còn may, không có vòng quay nào vĩnh cửu, đến lúc chính cái nhà máy dệt kia sực tỉnh. Hóa ra đất nước còn nhiều chỗ thú vị hơn nhiều. Nhưng cái này mới quan trọng. Thứ đặc ân đồng hạng kia, tính kỹ, tốn kém ra phết. Thôi dẹp, quyền lợi của các vị cứ quy ra thóc, của ai nấy nhận, nhất cử lưỡng tiện. Khu nghỉ được cải tạo lại, để đón khách thập phương là chính. Thi thoảng người nhà máy vẫn đi thành đoàn ra nghỉ. Đông ra phết, vẫn vô danh, nhưng nó có vẻ đã ra dáng một bãi tắm. Khách đến thường cặp đôi. Tình tự ở những chỗ thế này còn gì tuyệt bằng.

Duy nhất Hải đến bãi tắm một mình. Sang thu, khách đã vãn, song vẫn còn khối cặp, dắt díu đến bằng đủ mọi phương tiện. Thời hiện đại mà, miễn bàn. Có thêm đoàn của nhà máy, nên bãi tắm chả mấy kém cạnh dạo hè. Tuy vậy vẫn cực kỳ buồn tẻ.

-Xin lỗi, tôi có thể vào được không?

Dai quá, dai còn hơn đỉa. Hải trách mình không khép cửa phòng. Hải phóng luồng mắt không mấy thiện cảm vào mặt hắn. Mặt mũi không đến nỗi. Độ ba mươi tuổi, có thể ít hoặc nhiều hơn. Loại người mắt sáng thế kia, khó đoán tuổi lắm. Rõ ràng hắn không hề lúng túng trước cái nhìn của Hải. Bất ngờ Hải hỏi buột:

-Anh làm nghề gì?

-Tôi hả?

Hải cười khẩy.

-Nhà săn lùng học.

-Vâng đúng thế, thưa cô! Ơ kìa, com chim làm sao…

Con hải âu đã cứu hắn. Tất nhiên, bởi vì nếu không, chắc chắn Hải đã lịch sự mời hắn ra khỏi phòng. Hắn nhấc con vật lên, buông một câu chẳng mấy ăn nhập:

-Tự do!

-Thì sao?

-Nó đói!

Đoạn thoại vu vơ chẳng ngờ lại làm Hải thích thú. Điều này với Hải thật hiếm hoi. Cả hai loay hoay mất một lúc, để bơm sữa vào miệng con vật. Nó không còn vùng vằng như lần trước. Có vẻ nó đã gượng lại chút ít sức lực. Đôi chân run rẩy của nó, cố đứng lên, nhưng không được. Duy cố đôi cánh đã bắt đầu choài thành nhịp.

-Nó sẽ thích nghi nhanh thôi. Loài nào chả thế hả cô!

Đang vui, Hải bỗng thấy ngực mình nghẹn cứng. Câu nói vô tình của hắn như huyệt trúng đáy tim cô. Đúng thế, Hải ơi. Thích nghi – đó là cứu tinh của muôn loài. Đồng thời nó cũng là hiểm họa. Giọng Hải nghẹn đi.

-Anh ra khỏi phòng tôi ngay. Ra ngay!

Người đàn ông sững lại. Chợt anh ta phá ra cười. Tràng cười không có gì ác hiểm, thậm chí còn bao dung, nhưng vẫn như những mũi khoan doay vào óc Hải. Cô vật mình xuống giường, vùi mặt vào gối. Lần này, nước mắt tràn ra được.

Hải chọn bãi biển này hoàn toàn không phải vô tình. Nó gần như cái đích tạm thời của cuộc chạy trốn. Nhưng chạy trốn cái gì, cô cũng không rõ lắm. Chỉ biết rằng, cô không thể chịu đựng thêm một ngày nào nữa. Phòng làm việc sang trọng. Tiếng ro ro êm dịu của máy điều hòa. Chiếc nệm ghế êm ái. Sự quan tâm đến mức không thể cắt nghĩa nổi của vị thủ trưởng uy quyền. Tất cả là những điều chỉ có được ở trong mơ. Điều này, khiến Hải luôn bắt gặp những ánh mắt tỵ hiềm, thóa mạ. Nhưng đó không phải là lý do chính để Hải chạy trốn. Chuyện mới chỉ bắt đầu từ gần một năm trước.

Hải đẹp. Cái đẹp của một cô gái quê, vừa kịp bắt vào nhịp sống thị thành vẫn mặn mòi hương đồng gió nội. Sắc đẹp ấy, hóa ra lại là thứ phương tiện tuyệt vời, để cô thực hiện mơ ước của mình. Nhiều nhặn gì đâu, như bao người khác, Hải chỉ có một ước muốn nho nhỏ, kiếm được một chỗ làm  tử tế. Không phải vì cô hớp phải bả thành phố, mà vì lý do hoàn toàn khác. Tấm bằng cử nhân kinh tế kia, còn hôi hổi mùi mực dấu và mồ hôi của năm năm vật lộn nơi học đường. Một chỗ làm tử tế. Khó đấy! Chẳng nhẽ quay về làng. Dù có được ưu ái, bất quá cũng chỉ thủ được chân kế toán là cùng. Không. Hải không phải loại người quay lưng lại với quê hương, nhưng chí cô đã quyết. Phải tạo dựng sự nghiệp để bù đắp lại những mất mát của mẹ.

Mẹ! Cả một đời người đằng đẵng chờ chồng nuôi con. Có lẽ không đâu như ở nước mình, phải, nhiều cuộc đời tưởng bình lặng lắm, nhưng đến cả người trong cuộc cũng không dám tin, vì lẽ gì họ chịu đựng được hoàn cảnh nghiệt ngã đến vậy. Thì đấy, mẹ Hải là một minh chứng sinh động. Tuổi thanh xuân nở trong bom đạn ùng oàng. Rồi hạnh phúc mỉm cười. Kiểu hạnh phúc chiến tranh, cả ngàn trường hợp đều na ná. Cô gái quê, tuổi đôi chín, cưới anh trai làng sắp trở thành bộ đội. Một tình yêu đẹp. Những lời hẹn ước và trao gửi. Chia tay và chờ đợi. Tình yêu đẹp của chiến tranh, bao giờ cũng diễn biến như thế. Kết cục, người đàn bà có con, hoặc chưa kịp có, chờ đợi mỏi mòn. Người đàn ông không trở về? Đa phần. Bởi họ không bao giờ trở về được nữa. Mẹ Hải thì khác. Sau dăm bảy năm thanh xuân, son rỗi chờ đợi thì hiệp định Pa-ri ký kết. Chuyến phép may mắn của người lính giữa kỳ nghỉ của chiến tranh đủ mang lại sự thần diệu. Hải ra đời, như một sự đền bù cho cuộc tình đẹp nhưng thiệt thòi vì xa cách kia.

Hải là biển! Người chiến sĩ hải quân, đặt cho con mình đúng với cái tên nơi ông gắn vào cả đời binh nghiệp. Hải là biển! Nhưng cũng phải đến năm lên mười, cô mới biết được biển thực sự thế nào. Tiếc thay, cái kỷ niệm duy nhất về biển ấy đối với Hải lại không được trọn vẹn. Chỉ sau đó ít ngày, chính biển đã cướp đi sinh mạng của cha cô. Người qua khỏi cuộc chiến tranh cùng với biển cả yên bình, lại chết chính vì sự yên bình của biển. Cuộc đời vẫn thế, những mất mát ngẫu nhiên thường giáng xuống những cuộc đời thua thiệt. Chính là mẹ. Mẹ của cô không tin nổi chồng mình lại chết giữa sóng yên biển lặng. Một căn bệnh bí ẩn nào đó, kịch phát giữa lúc ông đang bơi tập. Và vẫn thế, những tháng ngày đằng đẵng lại nối tiếp. Vừa kịp lớn, Hải đã nhận ra rằng, với mẹ cô, hạnh phúc chỉ là chờ đợi. Đúng thế chờ đợi chồng và bây giờ là chờ đợi con. Giữa một vùng quê nghèo, hình bóng của mẹ Hải luôn mờ xám, trước biến thiên của thời gian. Cần phải thay đổi, Hải cần phải  bù đắp lại những mất mát của mẹ. Bằng một sự nghiệp!

-Cộc! Cộc! Cộc!

Tiếng gõ cửa của một tính cách khiêu khích. Không ai khác, ngoài hắn. Hải bặm môi, cầm khăn lau mặt. Được, đã nhiều kẻ trước hắn nhận được bài học của sự liều lĩnh. Hải xẵng:

-Cửa vẫn mở!

Mở thật. Hắn vào. Đập ngay trước mắt Hải nụ cười tinh quái của hắn.

Hải phủ đầu:

-Rút cục, anh muốn cái gì? Nói đi?

-Muốn gì ư? Con chim. Tất nhiên thế!

Con chim hải âu. Hải quá đỗi ngạc nhiên khi thấy nó đang đứng vững chãi ở góc nhà. Nó gượng sức thật nhanh. Hắn làm cái trò khỉ gì thế kia? Vài con cá nhỏ còn tươi.

-Đây mới là thứ nó cần!

Toàn khẳng định, thằng cha này ghê  gớm đây. Thì, một lũ săn mồi, thằng nào chả ghê gớm. Hải không ngờ lại buột được một câu nhanh đến thế:

-Nhầm! Cái nó cần bây giờ là thích nghi.

Hắn lại cười:

-Thích nghi, tất nhiên!

Không đợi Hải, hắn xăng xái đến góc phòng pha sữa. Lại bơm. Lần này con chim không phản ứng. Nó đứng yên. Thậm chí có thể mang máng biết, nó bắt đầu thích nghi với cái thứ nước kia. Hải sởn mặt. Cô nhìn thẳng vào mắt hắn. Vẫn sáng và nghịch ngợm, không một chút vẩn của âm mưu u tối. Thế là thế nào? Hải đột ngột cười:

-Anh thử đi xem nào?

Hải không ngờ hắn hiểu nhanh vậy. Người như hắn có độ nhậy của trực cảm. Hắn thao tác rất nhanh. Con chim đồng loã đớp gọn mấy con cá nhỏ.

Vậy là nó không chê, kể cả sữa là thức ăn của giống nòi khác. Bây giờ hắn nói:

-Thả chứ?

Hải thấy chóng mặt. Quả thật, cô vừa thoáng nghĩ đưa con chim ra biển. Hắn tiếp tục:

-Ta sẽ quẳng nó vào sóng. Nó chỉ có thể cất cánh được từ đấy.

Tim của Hải hình như có một tích tắc đập hụt. Cô muốn gầm lên mà giọng lại víu xuống, gần mức van vỉ:

-Anh mang nó đi đi, tôi xin anh.

Lần này người đàn ông không cười. Anh ta khẽ gật đầu và nhè nhẹ xách con chim đi ra.

(còn tiếp)

Entry filed under: Truyện ngắn.

Tàn đen đốm đỏ- Phần cuối (Tiểu thuyết) Cho hải âu ngọn sóng- Phần cuối (Truyện ngắn)

39 bình luận Add your own

  • 1. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 9:41 sáng

    Tem cái đã nhỉ!
    Thay mặt bà con bóc tem chúc nhà văn cuối tuần vui-an lành!

    Trả lời
  • 3. Chu Nam Cương  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 12:40 chiều

    Chào bác. Tối nay cho pà con đọc tiếp hở bác. Cảm ơn nhà văn.

    Trả lời
  • 5. Small  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 3:27 chiều

    Khó nhất là lột tả được nội tâm nhân vật qua lời nói và cách cư xử nhưng nhà văn PNT rất giỏi về điều này.

    Trả lời
    • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 4:24 chiều

      Khen quá là chú không viết tiếp được nữa đâu. Giờ già rồi hay mắc bệnh…phổng mũi.

      Trả lời
      • 7. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 4:40 chiều

        đúng là thế đấy anh Tiến, chính vì thế từ một góc độ nào đó e k thích đọc những” chân dung” của anh viết. Vì anh nhìn họ và tả lại họ một cách bị động chứ không phải là đi từ trong nội tại để tái hiện nhân vật qua lời nói, hành động của nhân vật..
        Dĩ nhiên là phải thế vì Chân dung là những người đang sống bên anh,anh nhìn và “cảm”họ, còn nhân vật là do anh sinh ra, anh làm cho nó sống..Nhưng mà hì hì..thôi thì anh viết gì em đọc nấy!!!

        Trả lời
        • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 4:46 chiều

          Lời nói thật là rất quý. Hà Tĩnh ko thích thì đọc làm gì. Không thích làm thợ mộc thì đừng bao giờ học cách cầm cưa. Khe…khe…

          Trả lời
          • 9. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 5:02 chiều

            Hi hi nhưng mà đôi khi nên ” cầm cưa” để hiểu tấm lòng ” anh thợ mộc”!

          • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 5:04 chiều

            Hết sảy!

  • 11. xuân hoà  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 8:26 chiều

    “hạnh phúc chỉ là chờ đợi”?
    theo ý bác chờ đợi không phải là hạnh phúc sao?

    Trả lời
    • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 23, 2010 lúc 9:41 chiều

      Cũng tùy vào hoàn cảnh. Đa phần đúng với tình yêu chiến tranh. Còn có những trường hợp khác nữa. Nhưng với tui thì xin kiếu chờ đợi. Không ưa cái món đó. Khe…khe….

      Trả lời
  • 13. Thầy đồ trọc  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 3:51 sáng

    Cái cô gái này hình như mình quen, thích lắm nhưng cứ giả vờ không thích. Người ta ở gần thì ghét vì nghi ngờ, người ta đi xa thì lại nhớ vẩn vơ về quá khứ để so đọ. Thì ra, đàn bà con gái thời nào cũng vậy, cái tâm lý yếu để mạnh trong họ không thay đổi tý nào. Thôi, để tui đọc tiếp coi răng. Bác post tiếp đi nhá !

    Trả lời
  • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 9:02 sáng

    Yếu để mạnh, nhu để cương…có cái tâm thế ấy thật. Nhưng cô này khác đấy. Đợi chút thầy đồ….

    Trả lời
  • 15. hoacaivensong  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 7:39 chiều

    Chao ong Tien , ke tu hom duoc gap ong ngoai HN , toi cu bi ” cuon theo chieu gio ” trong cuoc song cua minh . Hom nay bat ngo lai duoc doc truyen ngan cua ong . Toi rat vui , vi khong hieu sao cau chuyen va chi tiet chu chim hai au , cu lam toi nghi den 1 ki niem khi con o ben kia . ( chuyen nay , neu co dip toi se ke sau nhe !) . Roi sau nua , toi vo tinh lai phat hien ra ” noi am anh dang yeu ” ( la tu cua toi !) ….Xin chuc mung Nha Van nhieu nha , hi hi !

    Trả lời
    • 16. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 9:45 chiều

      Chào chị. Nếu có chi tiết nào đó liên quan đến kỷ niệm của chị thì quá vui. Nếu nó ko phải là kỷ niệm buồn.
      Có sự trùng về từ thì lại càng vui nữa.

      Trả lời
  • 17. hoacaivensong  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 9:31 chiều

    Thoi chet tui rui , vi doc lai moi biet thieu mat 1 tu quan trong . Va cau cuoi phai la ” toi vo tinh lai phat hien ra noi am anh dang yeu ( la tu cua toi ) cua Nha Van …Xin chuc mung Nha Van nhieu nha , hi hi , hu hu .

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 9:48 chiều

      Không sao đâu chị. À, cái tay PXN vẫn chưa đến lấy chai vang. Gọi giục mấy lần rồi. Chúc chị khỏe.

      Trả lời
  • 19. hoacaivensong  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 10:17 chiều

    The sao Ong khong uong di de mung cho nhung khoang khong con cho trong cua ga Dau bac !? Hom o Dinh Lang ga khong he nhap nhom lam tui cung rung rung lam ! Mong lai co lan nao do nhi ?!….

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 24, 2010 lúc 10:26 chiều

      Không, tôi gọi bắt hắn phải đến lấy. Của hắn uống giúp có khi mình mang họa không chừng. Khe…khe….Vâng, hy vọng gặp lại.

      Trả lời
  • 21. Thầy đồ trọc  |  Tháng Một 25, 2010 lúc 10:45 chiều

    ” Lần này người đàn ông không cười. Anh ta khẽ gật đầu và nhè nhẹ xách con chim đi ra.” Câu kết của phần 1 ! Heheeee…Tôi đồ rằng cô bé kia sẽ không cho anh ta ra khỏi cửa đâu, dẫu chưa được đọc tiếp phần 2.

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 25, 2010 lúc 11:10 chiều

      Thầy đồ biết tỏng lại cứ hay đùa. Chạy mất dép nếu là thày đồ đúng không?

      Trả lời
  • 25. Small  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 9:17 sáng

    Post tiếp phần 2 chú ơi! ngày nào vào xem mà ko có thế này thì buồn lắm, hix.

    Trả lời
    • 26. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 9:25 sáng

      Chú bận quá, họp hành liên miên, việc lút đầu lút cổ, sờ sẫm post phải có thời gian. Phải đọc lại soát lỗi. Lại nữa, hết truyện đánh máy sẵn rồi. Phải mọ mẫm đánh lại, ngại lắm. Chú lò dò mổ cò từng chữ. Sáng tác mới có mạch nghĩ thì còn nhanh được. Ngày xưa viết tay đâu có bản thảo lưu máy như bây giờ. Thông cảm đợi vậy.

      Trả lời
  • 27. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 9:27 sáng

    Chú tìm không thấy cái Đợi mặt trời. Chết dở. Chưa tìm trong hộp thư vì nhiều thư quá. Nói dại delete rồi thì ốm xác. Huhu. Cháu còn lưu không?

    Trả lời
    • 28. Small  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 11:10 sáng

      Cháu vẫn còn lưu à, cháu gửi lại cho chú rồi, chú check email nhé!

      Trả lời
  • 30. Hà Tĩnh  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 2:02 chiều

    Cái tựa đề: Đợi mặt trời nghe hay thế anh Tiến ơi!

    Trả lời
    • 31. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 8:01 chiều

      Truyện dài thiếu nhi viết về đám trẻ em cơ nhỡ. Mặt trời là hy vọng là gia đình. Mấy hôm nữa tôi post.

      Trả lời
  • 32. xuân hoà  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 7:47 chiều

    em coi ti vi văn nghệ chiều thứ 7 thấy bác tiến trên đảo vân đồn mặc cái áo bữa ở SG chụp hình với tụi em ,nhớ ra hôm bác kêu mất chiếc áo trong chuyến đi này rồi phải không bác?hehe.
    à-hình như thứ 7 tới còn trình chiếu phần tiếp theo ở đảo hả bác?

    Trả lời
    • 33. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 26, 2010 lúc 8:08 chiều

      Đúng rồi, thứ 7 tới có. Nhưng ko biết hôm rồi phần 1 hay 2. Có 3 tất cả. Tui phải lên hình là vì chuyến đó làm phim về quê của 1 người bạn. Đám phóng viên bắt bí nên cực chẳng đã phải chường cái mặt xấu. Ê ẩm hết cả mặt mày.
      Cái áo đó có số phận bẩy nổi ba chìm. Là cái tui thích nhất nên đi đâu cũng mặc. Hôm kêu mất sau đó tay chủ khách sạn cho cô quản lý lên Hà Nội mang trả áo. Cô này đã gọi điện hẹn mang đến nhưng rồi….nó lại bị để quên trên xe đò. Đen thế ko biết. Nó chê mình nên đi bằng được.

      Trả lời
  • 34. xuân hoà  |  Tháng Một 27, 2010 lúc 8:25 sáng

    em mà tìm thấy cái áo y vậy thì”chết”với em !
    hôm thứ 7 mới là phần 1 bác ạ-còn phần 2 và 3 vào các chiều thứ 7 tới chiếu tiếp trên VTV3.vậy mời bà con cô bác xem bác tiến lên hình “đẹp chai”lắm nha.

    Trả lời
    • 35. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 27, 2010 lúc 8:44 sáng

      Uh, hôm rồi vợ mua cho cái áo y chang thế nhưng lại khác màu. Tiếc hùi hụi.
      Tui làm diễn viên bất đắc dĩ. Xem làm gì cho ê mặt tui. Khe…khe…

      Trả lời
    • 36. Dong  |  Tháng Một 27, 2010 lúc 9:44 sáng

      Than thở mỏi cả tay cái vụ mất giày chả ai thương xót, nghe mình sắp có hai đôi lộc vương lộc vãi thì nhấm nháy “phần em một đôi nhe”. (Giày nó có duyên, tự khắc tìm chân, chứ không có phần thì như mẹ con nhà Cám ấy, xỏ vào rồi phải rơi ra thôi em ạ.)
      Người khác có cái áo cũ lạc mất thì xoắn xúyt hỏi han rồi “dọa” mua cho nữa.
      Đời bất công thật.
      Có câu : Nước xa không cứu được lửa gần đó em.

      Trả lời
      • 37. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Một 27, 2010 lúc 10:15 sáng

        Đố kị gọi bằng kị.
        Giày mất cả đôi là ngon rồi. Mất 1 chiếc mới cay. Tui có lần say ko biết nhầm ở đâu về một chân đen, một chân nâu. Gia chủ mất hai đôi. tôi mất 1 đôi.
        Chạnh nhớ đến Chu Hoạch. Ông này có mấy câu thơ hay. Đại ý:
        Hạnh phúc là chiếc giày bên trái đi tìm chiếc giày bên phải để thành đôi…
        Vậy Dong đừng than thở.

        Trả lời
  • 38. xuân hoà  |  Tháng Một 27, 2010 lúc 10:27 sáng

    @adong-thế ai bảo anh la lên mua đôi mới rồi?đã vậy bác tiến còn bảu tằng đôi nữa,anh đi sao hết mà…rồi mai mốt còn lớn nữa số nó lên,giầy cũ chật thì bỏ đi a??(hehe,câu này em nhớ lời bố dạy hồi bé )
    còn bác tiến hôm nay bác mới bảu vợ mua cho cái áo khác mà?
    chán anh thiệt…..hehehe

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Một 2010
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

CHÀO KHÁCH

free counters