Vọng thê (Truyện ngắn- Phần cuối)

Tháng Ba 16, 2010 at 12:56 chiều 73 bình luận

Mười lăm năm trước Nguyên đã để tuột khỏi tay mình hạnh phúc. Có lẽ đó là sự trả giá lớn nhất của cuộc đời anh. Năm ấy Nguyên hai nhăm tuổi. Chiến tranh vừa kết thúc. Trong đội công tác tuyên truyền giải phóng. Nguyên đến một vùng quê phía đông. Đó là một thị xã nhỏ. Nhóm công tác của Nguyên làm việc ở cụm trường trung học của thị xã. Có chút ít say mê văn học. Nguyên cùng với thầy giáo và học sinh của trường công lập dàn dựng một chương trình văn nghệ chào mừng giải phóng. Anh đã viết một vở kịch ngắn và bản thân thủ vai người chiến sĩ giải phóng. Vở kịch chẳng có gì đáng nói. Vai kịch anh đảm nhiệm đơn giản: một chiến sĩ giải phóng trong chiến đấu bị thương đang lẩn tránh sự truy tìm của địch thì được một nữ sinh cứu giúp. Anh chiến sĩ thoát vòng vây tìm về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Ngày giải phóng, bất ngờ anh lại gặp cô nữ sinh nọ. Họ mừng vui xiết chặt tay nhau. Kịch chỉ đến thế thì dừng. Nhưng đó là kịch đầy ước lệ còn ngoài cuộc đời thì khác. Cô nữ sinh diễn viên gặp anh trên sàn diễn con một công chức cao cấp Sài Gòn chưa một lần được biết đến “người của phía bên kia” nói gì đến chuyện cứu giúp. Chẳng hiểu sao cô nữ sinh mảnh mai ấy đã quyết định ở lại khi cả gia đình cuống cuồng di tản vào những ngày cuối của chiến tranh. Khi bắt tay Nguyên trên sân khấu người cô run lên. Nguyên mơ hồ hiểu rằng sự run rẩy ấy không phải vì vai kịch. Nguyên cũng thế, đêm hôm đó khi đồng đội đã ngủ hết anh lén trở dậy lục bồng tìm cái gương nhỏ. Anh ngắm mình thật lâu. Có lẽ từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên Nguyên tự ngắm mình trong gương lâu đến thế. Những ngày tiếp theo, đồng đội phát hiện ra chàng trai thành phố hai nhăm tuổi, cao lớn vạm vỡ ấy chợt trở nên tư lự và cũng hết sức vui vẻ. Như có một luồng gió phấn khích thổi mạnh làm thay đổi, xáo trộn những gì đang bình lặng, đang xếp yên trong anh. Nguyên mơ hồ cảm nhận bắt đầu có một cái gì đó dâng nghèn nghẹn trong lồng ngực, chỗ trái tim. Nước da sạm xanh vì sốt rừng của anh cũng đã ánh lên những sắc hồng. Tình yêu đấy. Một tháng sau cái lần bắt tay, Nguyên còn run rẩy hơn khi trao cho Liên – cô nữ sinh mảnh mai – nụ hôn đầu đời. Từ những cảm xúc đầu tiên Nguyên dần phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của cô gái mười tám tuổi đời đã phải chịu cảnh gia đình ly tán. Trong tình yêu cho Liên, Nguyên biết có cả niềm thương cảm xen lẫn mến phục. Thì ra Liên quyết định ở lại mảnh đất cô đã sinh ra và lớn lên. Cái gì đã khiến cô gái trẻ từ bỏ tất cả đến với cuộc đời mới. Ngay sau giải phóng Liên đã hiến toàn bộ gia sản bố mẹ để cho Cách mạng. Đơn giản lắm, Liên  tin vào sự thay đổi lớn lao Cách mạng mang đến: “Em tin cuộc đời này sẽ tốt đẹp cũng như tin anh, tình yêu của em.”. Tình yêu diệu kỳ thật, nó chắp cánh cho con người bay lên, nó xóa đi mọi ranh giới kể cả vết dấu hằn hận. Có lẽ chưa bao giờ Nguyên được sống hạnh phúc như những tháng ngày ấy.

Ngày ấy, làm sao không nuối tiếc được, trong cơn say hạnh phúc, Nguyên không thể tỉnh táo để hiểu rằng anh đã phạm sai lầm ghê gớm. Nguyên sẽ phải lựa chọn để rồi không còn cách nào khác mang chính đời mình dấn vào một cuộc đánh đổi thảm khốc. Trong khi cả đơn vị cuồng lên vì quan hệ của Nguyên thì người có sứ mệnh cao nhất đơn vị là chính trị viên đội công tác lại tỏ ra hết sức điềm tĩnh. Ông còn chủ động đến chơi nhà Liên làm Nguyên mừng ứa nước mắt. Đó là một cán bộ chính trị gốc nông dân, đã trải qua ba mươi năm cầm súng chiến đấu. Trái với lệ thường, ông đã tâm tình cởi mở với Nguyên trong một chuyến công tác chỉ có hai người. Ông bảo: “Tôi biết hết cả rồi. Liên là một cô gái tốt. Những người như Liên không có nhiều đâu. Hãy tin một người đã làm cha như tôi. Tôi sẽ không nói với anh bằng sứ mệnh chính trị của tôi rằng, cô ấy là dòng giống của một gia đình nợ máu với Cách mạng, phản bội Tổ quốc. Rằng, đối với kẻ thù, chúng ta không được khoan nhượng, kiên quyết chiến đấu đến cùng, tiêu diệt và cải tạo nó. Rằng, người chiến sĩ cách mạng không thể và không được phép làm hoen ố thanh danh của mình bằng quan hệ bất chính với những kẻ cho dù chỉ là con của kẻ thù. Không, tôi sẽ không nói những điều mà nhiệm vụ của tôi phải nói. Anh là một người lính tốt. Anh còn trẻ nhưng cũng đủ để tự mình quyết định. Tôi không nhân danh bất cứ điều gì, để ép buộc anh. Chúng ta là những người lính. Đừng quên điều này, những người lính có trái tim, biết đạo lý, phân biệt phải trái, biết sống cho lý tưởng, tình yêu… Thôi, anh hãy suy nghĩ và quyết định. Báo luôn để anh biết, đơn vị đã đề nghị để anh trở về tiếp tục học tập. Anh sẽ trở về trường đại học với một lý lịch trong sạch và một quá khứ vinh quang. Ngược lại nếu anh đến với Liên anh sẽ bị kỷ luật buộc phải rời bỏ quân đội và tám năm chiến đấu của anh coi như không còn nữa. – Mắt ông vụt trở lên xa xăm – Thế nhé, hãy suy nghĩ thật kỹ. Mình tin cậu sẽ quyết định đúng!”.

Nguyên đã thức trọn ba đêm liền để suy nghĩ. Anh không thể làm khác. Liên ơi hãy tha thứ cho anh. Nguyên tìm đến ban chỉ huy. Anh rắn rỏi báo cáo với chính trị viên: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.”. Ba năm sau đấy khi nghe tin người chính trị viên hy sinh ở mặt trận Tây Nam và được một người bạn kể tường tận về cuộc đời ông, Nguyên mới hiểu giọt nước mắt của ông đêm ấy. Hóa ra ông cũng từng bị lâm vào cảnh ngộ đau lòng buộc phải đấu tố và từ bỏ người vợ, con địa chủ hồi cải cách. Mãi sau này, khi Nguyên đã nếm trải đầy đủ bất hạnh, anh mới biết rằng cả cuộc đời ông phải trả giá và ân hận vì lầm lỡ đó. Còn tối ấy khi nghe Nguyên báo cáo, ông không đáp lại bằng điều lệnh mà vỗ vai Nguyên thân mật: “Thôi được, tuần sau cậu ra Bắc. Còn Liên hãy đến với cô ấy ngay bây giờ đi. Mình cho phép. Hãy nói thật tất cả. Với tình yêu đừng nên dối trá, hèn kém.”. Khuôn mặt ông vời vợi buồn. Ông quay đi thật nhanh. Nguyên vẫn kịp nhìn thấy khóe mắt ông từ từ đọng lại hai giọt nước mắt long lanh, trong vắt.

*

*     *

Tượng đá Vọng Phu:

– Xin Người hãy dừng lại một phút để chúng ta tưởng niệm người quá cố. Đấy mới thật là con người. Cầu cho đất nước có nhiều người như thế.

*

*     *

Hồi ức.

Liên chết lặng. Dòng nước mắt tưởng như không bao giờ hết, tràn trề trên khuôn mặt xinh đẹp của cô. Cứ khóc đi em. Nước mắt có thể sẽ vợi đi phần nào đau khổ. Anh có thể nào làm khác được. Anh vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Bố mẹ anh cả đời lam lũ. Xin em hãy tha thứ cho anh. Anh không thể tước đoạt thứ tài sản duy nhất là niềm vinh quang chiến thắng mà đứa con trai sau tám năm chiến đấu ở chiến trường mang về cho bố mẹ già. Không thể được. Anh là kẻ đớn hèn, phản bội tình yêu. Hãy hiểu cho anh. Anh còn cả tương lai ở phía trước.

Có một khoảnh khắc im lặng, Liên phá vỡ bầu im lặng chết chóc ấy: “Em đã hiểu tất cả. Cũng không trách anh đâu. Cám ơn anh đã nói thật. Anh đi đi. Ở nơi đất Bắc xa xôi, hãy tin rằng có em trong niềm vui, nỗi buồn của anh. Chúng ta là bạn của nhau mãi mãi.”.

Không có cái cay đắng nào bằng khi tấm lý lịch trong sạch đến thế phải đổi giá bằng cả một tình yêu đích thực vẫn không giúp Nguyên dễ dàng hơn trên con đường lập nghiệp. Phải đến với Bình, Nguyên biết anh đã để lại tình yêu ở phía sau. Có lẽ cả Bình cũng thế. Họ chung sống như một liên minh dựa vào nhau từ hai phía. Nếu định mệnh không đẩy Bình đến, có lẽ Nguyên đã lại được trở về với  Liên. Chuyện này còn ám ảnh anh suốt đời. Sau khi Nguyên đi, Liên đã tình nguyện vào thanh niên xung phong. Được hai năm thì cô trở về thi đậu đại học Y khoa. Hai người vẫn thư từ cho nhau. Nguyên mặc cảm nên Liên luôn là người chủ động. Liên dõi theo từng bước của Nguyên với tình cảm như là một người bạn thân thiết đầy trách nhiệm. Cô quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất, dặn dò anh mặc áo kín cổ khi đài báo gió mùa đông bắc. Khi Nguyên quyết định lấy Bình, anh cũng viết thư báo cho Liên. Từ miền Nam, Liên đi ra Bắc dự lễ cưới. Khi chỉ còn hai người và hiểu hết cảnh ngộ của Nguyên, Liên bảo “Em vẫn hy vọng sẽ có ngày này. Em chờ đợi nó và nó đã đến. Có điều không phải nó dành cho em. Em không buồn đâu. Nhưng dù sao mọi chuyện đã hết. Năm năm trước, khi anh ra đi, em vẫn trọn vẹn niềm tin yêu anh. Em nghĩ đó cũng là vì hoàn cảnh. Vì thế em vượt tất cả để vươn lên và chờ đợi. Chẳng nói anh cũng biết cuộc sống của em đầy tủi nhục và vất vả. Mà nhắc lại chuyện đấy làm gì nữa nhỉ. Bây giờ, sau năm năm, cũng cho phép em được nói thật. Với anh chẳng có hoàn cảnh nào cả. Anh chỉ là một con người…Thật thương anh vô cùng. Thôi vĩnh biệt.”. Liên không nói hết được. Cô nghẹn ngào còn Nguyên thì bật khóc. Anh khóc cho cuộc đời mình.

Sau đó hai tháng cũng như năm năm trước, Liên một lần nữa lại từ bỏ tất cả. Khác chăng lần trước để ở lại thì bây giờ cô ra đi. Liên đã chết thê thảm ở một hòn đảo hoang giữa biển khơi khi con tàu vượt biên chở cô cùng hàng trăm người khác va phải một mạch đá ngầm.

*

*     *

– Thôi đừng kể nữa, ta hết chịu nổi rồi. Người bất hạnh là phải.

– Nhưng tại sao cô ấy phải ra đi?

– Bởi vì niềm tin của cô ấy không còn. Những người chân chính chỉ sống được khi có niềm tin. Cô ấy chết vì sự sụp đổ niềm tin. Chính Người đã gây ra sự sụp đổ ấy.

– Thật thế chăng?

– Còn hơn cả sự thật. Tàn nhẫn gấp trăm lần sự thật mà Người gây ra.

– Ta hèn kém quá.

– Đó là sự hối tiếc hay sám hối muộn mằn?

*

*    *

Các nước Đông Âu biến động mạnh về chính trị. Có tin đồn người Việt Nam lao động sẽ phải trở về. Cũng có tin nhiều người chạy sang nước thứ ba hoặc ở lại hẳn không về. Nguyên mong Bình sẽ về. Cô có còn thiếu gì nữa đâu. Vả lại còn sự ràng giữ tình cảm của cu Tũn và anh. Một buổi tối vợ chồng ông thứ trưởng đến nhà. Nguyên đoán có việc quan trọng qua vẻ mặt căng thẳng của bố vợ. Ông xua cu Tũn đi chơi. Ông bảo: “Vào việc luôn. Thật là bôi gio, trát trấu. Tôi đến bị bãi chức mất thôi. Nhục quá.”. Ông vứt ra bàn một tờ thư đã bị vò nát: “Đọc đi. Cũng tại cái thân anh nhu ngược, hèn kém nên tôi mới khổ sở thế này.”. Nguyên đọc những dòng chữ ngắn ngủi. Thế là hết, Bình đã vĩnh viễn không trở về. Tai Nguyên ù đi. Anh thấy người chao đảo, vô hồn hệt như kẻ phạm tội vừa nghe tòa tuyên án tử hình. Tiếng gầm gào của ông bố vợ kéo Nguyên trở lại với thực tại: “Nào ta bàn nốt việc, lát nữa tôi về, anh thả sức mà đau đớn, mộng mị.”. Ông vứt ra bàn một xấp tiền Mỹ: “Quân đê tiện. Nó dám gửi biếu tôi tiền Mỹ. Cỡ tôi lại phải thèm dùng tiền của bọn tư bản giãy chết à. Khốn nạn. Đừng hòng lung lạc được ta. Thế này nhé, tiền của vợ anh, tôi trả cho anh. Ông liếc xéo vào đống đồ đạc – cộng với số đồ nó gửi về, anh mua một ngôi nhà khác. Nhà này tôi trả lại cơ quan để bịt tai tiếng. Thế nhé. Xong!”.

Nguyên nhìn lại ngôi nhà lần cuối. Cu Tũn đã ngủ say. Anh xếp số tiền đô la vào một cái túi đeo vào cổ nó. Anh ôm chặt lấy con. Chỉ sợ cu Tũn thức giấc Nguyên sẽ không còn đủ can đảm để ra đi. Anh lặng lẽ đi đến bên tượng đá.

– Người đến chào ta phải không? Ta biết hết, biết từ lâu rồi.

– Đừng giễu cợt. Ta đã thuỷ chung vô ích. Ngươi cũng thế, có hơn gì ta.

– Nhầm, hỡi Người, Người chẳng có cái gì để mà hy vọng. Mọi thứ với Người đã hết từ lâu rồi. Ta biết Người đang tuyệt vọng. Ước muốn của Người sẽ được thực hiện.

Tượng Vọng Phu vừa dứt lời. Nguyên thấy mình bay lên. Anh chao đảo một lát trên không trung rồi thấy mình nặng trĩu tụt dần xuống, tụt mãi…

Đứa bé tỉnh giấc lúc gần sáng. Không thấy bố, nó hốt hoảng chạy ra công viên. Từ xa, nó đã thấy bố nó đứng bất động ngay cạnh tượng Vọng Phu. Nó nhào đến. Bố nó đã cứng lạnh như đá. Nó sợ hãi ôm chặt lấy bố. Bỗng nó thấy cồm cộm trước ngực. Nó lôi ra từ cái túi vải những tờ giấy cứng xanh. Tay nó buông rơi những tờ bạc. Nó lay gọi bố: “Bố ơi, dậy về với con.”. Nước mắt của đứa bé rơi đến đâu, người đàn ông đã hóa đá tan biến ra đến đấy. Cuối cùng hình hài người đàn ông mất hẳn để lại trên mặt đất một vũng bùn nhão nhoẹt. Trên đấy rải vô số những tờ bạc một trăm Mỹ kim.

*

*      *

Giá không có nước mắt của đứa trẻ, hẳn đất nước chúng ta đã có tượng Vọng Thê để sánh ngang với hòn Vọng Phu vĩ đại.

*

*     *

Các nhà văn đã dùng câu kết của bản điều trần để kết thúc truyện ngắn.

Dư luận thành phố hoàn toàn thỏa mãn. Mọi việc trở lại bình thường. Người ta nhanh chóng quên đi người đàn ông bất hạnh. Tờ Văn nghệ, mỗi tuần lại trở về lượng in chín nghìn bản. Kỳ họp ấy của thành phố thắng lợi mỹ mãn. Hội nghị còn đưa ra bàn luận một vấn đề đột xuất là đánh giá vai trò của Vọng Phu trong giai đoạn lịch sử vừa rồi. Mọi người thống nhất ý kiến: Tượng Vọng Phu đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thời đại giao phó. Cuối cùng các đại biểu nhất trí biểu quyết, trích một phần ngân sách thành phố phối hợp với tỉnh bạn đưa trả tượng Vọng Phu về mỏm núi ven biển – Nơi hơn hai mươi năm trước từ đấy tượng đã ra đi.

Cái bệ xi măng trong công viên được tận dụng làm cầu trượt cho trẻ con nô đùa. Cứ mỗi chiều bọn trẻ lại tập trung hò hét nghịch ngợm. Chúng không thể biết được rằng nơi ấy từng xảy ra những bi kịch lớn.

HẾT

Entry filed under: Truyện ngắn.

Vọng thê (Truyện ngắn) Giọt đắng (Truyện ngắn)

73 bình luận Add your own

  • 1. Con giời  |  Tháng Ba 16, 2010 lúc 4:25 chiều

    Truyện này chưa in sách thì phải.

    Con ko thích truyện này, đọc thì hút nhưng sẽ ko nhớ lâu, như người ta nhanh chóng quên sự tồn tại của người đàn ông tên Nguyên.

    Lãng đãng khó tả lắm.

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 16, 2010 lúc 5:31 chiều

      Ừ, ko nhớ nhân vật coi như là bại. Truyện này in lâu lắm rồi trong tập Họ đã trở thành đàn ông. Hình như thế.
      Mà con vào tem thì coi như đen đủi. Sập blog như chơi. Khe…khe…

      Trả lời
  • 3. moterangrua  |  Tháng Ba 16, 2010 lúc 7:00 chiều

    Hơi buồn nhưng mà hay. Có gì đó liêu trai nhưng mà hiện thực. Tui thích kết cấu của truyện, cái cách dẫn truyên của tác giả thật tài tình, khiến người đọc cứ hút vào và tự hỏi đoạn sau ra răng hè? và rồi lại háo hức đọc tiếp. Mà thôi, không bàn sâu vào chuyện nữa, vì mỗi người có một cảm nhận riêng. Rứa mới thú vị. Mong được đọc tiếp tác phẩm của bác. Tui chờ đọc đó nha!

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 16, 2010 lúc 9:59 chiều

      Cái truyện này tui viết đã lâu, giờ đọc lại càng thấy cũ kỹ và nặng tính thời cuộc. Mới biết văn chương thật nghiệt ngã. Để nó sống được phải là bậc đại tài. Chót đời rồi mới biết mình vẫn chập chững. Thôi thì cứ viết…

      Trả lời
      • 5. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 6:59 chiều

        Theo em nghĩ thì cách viết có tính thời cuộc, còn nội dung thì sẽ không có tính thời cuộc. Nếu nói về tính lịch sử thì em nghĩ cần có những truyện thế này để hậu thế biết ngày trước tiền bối đã có những lựa chọn thế nào cho tình yêu, cuộc sống. Trong và sau chiến tranh một tí teo người ta phải lựa chọn giữa lý tưởng, con đường đi của mình và tình yêu thuần túy. Thời bình người ta bị chi phối bởi những lợi ích khác: là chỗ làm, nơi sinh sống, địa vị..hay một tình yêu khác hoàn hảo hơn. Về con người mà nói thì em nghĩ cho dù sống ở thời nào con người cũng thường bị đặt vào những tình huống lựa chọn, không chỉ trong tình yêu mà nhiểu thứ. Con người dường như luôn chông chênh trước những thử thách như thế.

        Trả lời
        • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 7:21 chiều

          Đúng thế, thời nào cũng vậy mà luôn phải lựa chọn thế mới thật là cuộc sống. Con người tùy thuộc vào mình dám sống hay không lại là một lẽ khác. Nhưng có lẽ đa phần là cam chịu. Sự thống khổ một phần từ nguyên nhân đấy.

          Trả lời
          • 7. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:40 chiều

            Nhưng có lẽ đa phần là cam chịu. Sự thống khổ một phần từ nguyên nhân đấy.
            ————-
            Chuẩn không cần chỉnh khe khe khe….

          • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 9:42 chiều

            Chỉ là một phần nguyên nhân thôi đấy nhé. Vì còn nhiều thứ khác kinh hoàng hơn. Khe….khe….

          • 9. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 9:52 chiều

            vâng em nói một phần từ nguyên nhân đó mà khe khe khe

          • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 9:58 chiều

            Bàn chuyện này thành ra lạc đề nhưng cứ phải nói. Đôi khi cái hoàn cảnh nó ép con ngưòi ta nghiệt ngã hết biết luôn. Mà cái hoàn cảnh ấy thì thôi rồi, nó cứ buộc người ta phải đánh đổi. Không đổi không được. Tui nhiều khi thấy mình hèn. Là vì thế.

          • 11. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 23, 2010 lúc 10:25 chiều

            theo em trộm nghĩ thì sự lựa chọn nào cũng bao hàm một sự đánh đổi theo một nghĩa hẹp hay tương đối nào đó. Có thể trong lúc chung chiêng giữa những được mất đó người ta có lóe lên được những tia lí trí nhất, tỉnh táo nhất để suy xét..nhưng rồi những “tham sân si” của đời sống buộc họ phải tự ru mình với những nguyên do nghe thì rất là có lý để rồi lại dằn vặt, khổ sở bởi sự trả giá. Những cái sự có lý mà rất vô lý cứ ám ảnh làm khổ cả đời người..mà có mấy ai không thoát được đâu. Nhưng như em đã nói đó, cái chính là sự vượt lên nỗi thống khổ để tiếp tục sống…vì nói chung thì cuộc sống vẫn là tươi đẹp mà khe khe khe…

          • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 23, 2010 lúc 11:16 chiều

            Nếu ở những cuộc đánh đổi bất khả kháng mà vượt lên được mà thoát ra được thì quá là tuyệt vời. Là mong muốn có lẽ của tất cả. Nhưng…
            Dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Muốn hay không vẫn là tiếp tục để kết thành vòng luân hồi dịch chuyển. Đó là sự sống.

          • 13. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 7:00 sáng

            Những cái sự có lý mà rất vô lý cứ ám ảnh làm khổ cả đời người..mà có mấy ai không thoát được đâu…
            ————-
            Lỗi chính tả! thành thật xin lỗi nhà văn Phạm NGọc Tiến. Ý em muons nói là:

            ” Những cái sự có lý mà rất vô lý cứ ám ảnh làm khổ cả đời người, mà có mấy ai thoát được đâu…”

          • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 8:59 sáng

            Vẫn hiểu đúng ý HT mà.

          • 15. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 9:39 sáng

            Vẫn hiểu đúng ý HT mà.
            ———–
            Ua, răng anh giỏi rứa hè?

        • 16. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 2:07 chiều

          Khen nhiều mũi nứt như dưa bở. Khe…khe…

          Trả lời
  • 17. xuân hoà  |  Tháng Ba 17, 2010 lúc 8:27 sáng

    đúng là câu chuyện này đã ko còn tính “thời sự”ở thời điểm hiện tại.nhưng nó là truyện ngắn mà anh ?nó còn nhiều cái để người đọc chiêm nghiệm.
    nhân vật NGUYÊN làm em nhớ đến CHA mình,ông cũng có 1 mối tình như NGUYÊN với LIÊN.nhưng ông vẫn đi đến cuối đời với T/Y của ÔNG-mặc cho vì nó ÔNG đã phải nhiều lận đận trong cuộc đời binh nghiệp.
    Sửa nhà mệt lắm BÁC nhỉ?chúc BÁC sức khoẻ nha !

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 17, 2010 lúc 9:42 sáng

      Chả mấy người được như cha xuan hoa dám sống đâu. Tui dạo 75 cũng định xí xớn nhưng rồi bị dọa chạy te tua luôn. Ngày đó chữ Ngụy nó kinh khủng lắm. Ôi cái thời ấy đã xa lắc rồi.

      Trả lời
  • 19. Cún  |  Tháng Ba 17, 2010 lúc 8:32 chiều

    Nếu như cắt gạt bỏ vài chi tiết mang nặng tính chính trị như: “… em tin vào sự lớn lao mà cách mạng mang đến…”
    thì em thích truyện này.
    Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nguyên và Liên giống nhau ở chỗ họ tìm đến cái chết khi bị mất lòng tin. Đúng là trong cuộc sống khi bị mất lòng tin thì người ta thường rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần (tất nhiên mức độ mỗi người khác nhau).
    Em tìm thấy trong truyện quy luật “nhân quả” của Phật giáo.

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 18, 2010 lúc 8:34 sáng

      Ngày đó những câu như thế được nói và tiếp nhận một cách chân thành. Giờ thì khác nhưng họp hành người ta vẫn nói y chang. Và đó mới chính là cuộc đời. Khe…khe…
      Nhân quả. Thực ra chúng ta đang sống trong chính cái vòng ấy. Mỗi bản thể là một Phật sống và tiếc thay Phật cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn.

      Trả lời
  • 21. Small  |  Tháng Ba 18, 2010 lúc 4:06 chiều

    Chuyện này đọc cuốn hút, đọc một mạch luôn, đọc xong vẫn còn chút gì đó buồn man mác. Tuy nhiên, cái chết “bí ẩn” đấy có thật là chết kiểu ấy ko? chắc vẫn ko ai giải thích được, và chuyện này chỉ là một cách mà nhà văn phỏng đoán thôi phải ko ạ? tóm lại, chuyện này có thật hả chú?

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 18, 2010 lúc 4:10 chiều

      Chết thế bằng mấy lần thật ấy chứ. Small đúng là người thật thà. Khe…khe…

      Trả lời
  • 23. Lưu Giao  |  Tháng Ba 18, 2010 lúc 10:59 chiều

    Ôi giời ơi ! Tôi đọc phần 1 xong, cứ đinh ninh tại cô tượng Vọng phu chạy theo anh chàng Vọng thê nào đấy nên Nguyên xỉu luôn, còn Vọng phu thì bị đem đi nung vôi rồi. Té ra kết cục lại khác nhẩy, Khổ !

    Trả lời
    • 24. Small  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 8:29 sáng

      Đúng là “đời là bể khổ, tình là dây oan”
      Cuộc đời có được bao nhiêu đâu mà cứ sống trong sự khổ đau, day dứt, tiếc nuối, ân hận làm chi cơ chứ. Có thể sự thẳng thắn và thật thà đôi lúc là nhược điểm nhưng nó lại giúp bản thân vẫn giữ được tâm hồn trong trẽo, thoải mái và chính điều đó khiến ta thấy hạnh phúc với cuộc sống này.
      Qua đây, Small muốn nhắn gửi chị Xuân Hoà chút “chị ơi, cuộc đời này ngắn lắm, chị đừng lãng phí thêm tuổi xuân nữa nhé. Vẫn đợi tin vui của chị đó” 🙂

      Trả lời
    • 25. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 9:06 sáng

      Khổ là khổ cho cái xứ ta ngày xưa giặc giã thì vợ chờ chồng bây giờ hết binh đao khỏi lửa thì chồng ngóng vợ. May mà chưa có biểu tượng này.

      Trả lời
      • 26. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:01 chiều

        Vọng Thê cũng nhiều chuyện đắng cay lắm. Anh rể lấy chị họ em cũng thế: hiền lành chăm chỉ, ở nhà nuôi con từ khi còn bé tí cho thê đi làm ăn..Thủ tiết thờ thê, nuôi con, chăm chỉ làm ăn…rút cục, bị thê đẩy bắn ra khỏi căn nhà mồ hôi nước mắt anh ấy xây nên, li dị. Trắng tay, uất nghẹn mà không thể nois gì hơn.

        Trả lời
        • 27. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:12 chiều

          Thế nên mới nói may mà đất nước không có tượng vọng thê. Giá như không có đứa trẻ….

          Trả lời
  • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 9:08 sáng

    Small nói đúng luôn. Cuộc đời ngắn lắm.

    Trả lời
    • 29. zhivagovn  |  Tháng Ba 30, 2010 lúc 9:22 chiều

      Nhưng đôi khi cuộc đời lại dài lắm…….

      Trả lời
  • 31. xuân hoà  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 3:14 chiều

    ối chao chao,small lại nhắn gửi “tình thương mến thương “em ở nhà bác TIẾN thế này,bác thông cảm nha-cũng vì chị em với nhau- hay có sự đồng cảm ý mà.
    to @ small-chị bít rồi cuộc đời ngắn lắm,nên đang..trông chờ cả vào bác TIẾN đ…ơ…i…i.hehehee

    Trả lời
    • 32. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 4:17 chiều

      Tui gánh trách nhiệm này vinh dự tự hào quá nghe. Tiếc rằng năm nay bận không vô trỏng được. Nói chung là làm mai hơi bị mát tay. Khe…khe…

      Trả lời
  • 33. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 5:13 chiều

    Những lựa chọn và những cái giá phải trả. Em cảm giác như các nhân vật của anh Tiến thường oẵn mình cõng những nỗi thống khổ của phận người…

    Trả lời
    • 34. Small  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 8:27 chiều

      Đợi mãi mới thấy HT xuất hiện :). Cảm giác của HT đúng đó. Đọc nhiều chuyện của chú Tiến viết, Small cũng thấy các nhân vật quanh quẩn với những nổi khổ của phận người. Tại sao lại vậy chứ? chả lẽ cuộc đời của mỗi con người chỉ là chuỗi khổ đau vậy sao?
      Về điểm này, Small ko hiểu lắm hay nói đúng hơn Small thấy đó là sự yếu đuối. Bể khổ là những giai đoạn mà ai làm người cũng trải qua vài lần trong cuộc đời nhưng ko vì thế mà bi quan về cuộc sống, kết thúc bi thảm. Đời là mấy chứ, tại sao phải sống trong sự khổ đau?
      Vì thế mà Small cảm giác nội tâm của nhà văn khá phức tạp, sống tình cảm và rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh và cũng dễ bị tổn thương. Ko biết có đúng ko? he he

      Trả lời
      • 35. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:12 sáng

        Small à, H.T bị mặc cảm nói nhiều, nói tranh phần người khác nên không dám nói dài, chỉ cố gắng lựa từ để nói ngắn thôi Small ạ, chứ đọc Vọng Thê H.T cũng muốn nói nhiểu lắm.
        Thực ra H.T không nghĩ là sự trăn trở, vật vã của các nhân vật là sự yếu đuối đâu, mà nhà văn viết thì sẽ xoáy vào cảm xúc, tình cảm của nhân vật trong một trạng thái tĩnh Small à. Trạng thái tĩnh đó có thể hiểu như sự xoáy sâu và mô tả lại một tình trạng cảm xúc của nhân vật tại một thời điểm trong quá trình vận động ( mà ta có thể ngầm hiểu vậy). Và nhà văn của chúng ta qua câu chuyện kể của mình gửi gắm đến độc giả những thông điệp nào đó về đời sống. Nhà văn có sự nhạy cảm của người có tài năng sáng tác, anh nhìn một sự kiện, một cảm xúc qua lăng kính của nhà văn, và anh dùng ngôn ngữ dựng nên những chi tiết, những nhân vật, những tình huống để xây nên một câu chuyện. Là nahf văn chân chính, anh có tình yêu thương con người,trăn trở bỡi những thân phận, bởi những buồn vui của con người trong đời sống, anh đứng một góc của cuộc sống, anh nhìn ra những bi kịch do chính con người gây ra cho mình và gây ra cho nhau, anh không muốn những bi kịch đó lặp lại..câu chuyện của anh nhà văn vì thế là câu chuyện mà không đơn giản là câu chuyện, có lẽ anh muốn bạn đọc của mình ngẫm ra một điều gì đó từ câu chuyện của anh để không lặp lại những gì anh đã thấy.
        Với lẽ đó, Vọng Thê thì H.T muốn nhìn từ góc độ là: con người hình như luôn khao khát tình yêu đích thực, một thứ tình yêu mà cả 2 chìm đăm trong nhau, trong bình an, trong tin cậy và chia sẻ mọi điều trong sự đồng cảm tuyệt đối…tuy nhiên con người lại còn có những chi phối khác, mà buộc lòng anh phải đặt ra sự lựa chọn. Trong những sự lựa chọn đó liên quan đến những phận người khác, và có những hậu quả từ sự lựa chọn của anh, và những hệ lụy mà có khi anh là nạn nhân, có khi anh là thủ phạm. Nạn nhân của anh có khi phải trả giá vì anh, và có ngày nào đó anh lại chính là nạn nhân, anh trả giá cho chính mình. Vì thế để được sống và yêu trong thanh thản, phải chăng ta phải biết hy sinh đúng lúc, ta phải biết gạt bỏ những “tham sân si “chi phối sự lựa chọn của chính ta.Không có gì là toàn vẹn, trong mỗi lựa chọn anh đều có cái được,cái mất, điều cần thiết cho anh là anh phải nhận thấy điều gì là quan trọng hơn với anh. Nếu không cuộc đời ta có khi chỉ là những chuỗi dài yêu thương rồi thất vọng, hầu như ta chẳng có trong tay mình một điều gì thật ý nghĩa, thật là vô nghĩa.
        Thật ra con người không có lỗi khi mong ước những tình yêu đẹp, những ngôi nhà êm ấm với tiện nghi, những công việc tốt ở những nơi mình thích..Nhưng tạo hóa lại hơi đùa giỡn với con người khi cứ đặt ra những thử thách khiến cho con người phải lựa chọn..Và thế con người cứ phải đấu tranh, phải đau khổ, chọn rồi lại đau khổ cho sự lựa chọn, chọn rồi lại phải nuối tiếc…
        Và vì thế mà hòn Vọng Phu có cười được đâu, lúc nào cũng buồn buồn với đôi mắt hy vọng về phía xa xăm, chẳng biết sẽ sống đến mấy ngàn tuổi, chắc sẽ còn mãi đến lúc nào không còn con người, vì còn con người là còn phải vật lộn giữa sự vị kỉ nhỏ hẹp và những ước mơ cao cả mà. Cứ như là đã an bình khi anh có được trong tay, nhưng anh có trong tay rồi thì bác Tạo hóa lại mủm mỉm cười ghé qua nhà anh, thủng thỉnh:” có thật là anh an bình rồi không, tôi có cái này hay lắm….” khe khe khe, và anh lại nhíu mày cân nhắc thiệt hơn….

        Trả lời
        • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:21 sáng

          Hà Tĩnh gửi cái này cho Small đó. Viết về nỗi thống khổ đâu phải là yếu đuối. Sống cũng vậy. Quan điểm của HT trùng với tác giả. Cảm ơn cái còm công phu.

          Trả lời
          • 37. Small  |  Tháng Ba 22, 2010 lúc 8:43 chiều

            Small đây rồi, he he. Đọc bài cái còm này của HT càng khẳng định HT thật sự rất hiểu về văn học và hiểu nhà văn. Đó là vì sao một người như Small rất muốn nghe những bài bình luận của HT vậy đó, vì muốn hiểu hơn về các tác phẩm và các nhà văn. Cảm ơn HT rất nhiều!
            Chú Tiến ơi, Small ko nói nhà văn viết về nổi khổ của con người là yếu đuối đâu nhe mà ý nói là sao thấy các nhân vật trong tác phẩm của chú rất khổ và kết thúc thường bế tắc lắm, buồn lắm, huhu. Có lẽ vì Small thích kết thúc có hậu hơn.

        • 38. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 22, 2010 lúc 9:05 chiều

          Ai mà không thích cái hậu cho cuộc đời nhưng nhìn thấy cái bi thì khi đến với cái hậu càng ý nghĩ hơn.

          Trả lời
    • 39. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 9:08 chiều

      Thì đời người ai mà không mang trên mình nỗi thống khổ. Nào mấy ai suôn sẻ, được cái nọ tất mất cái kia. Đến già vẫn phải toan tính lựa chọn. Cực lắm, phận người.

      Trả lời
      • 40. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 19, 2010 lúc 9:09 chiều

        @Small, chả cứ nội tâm đến cái…mặt tui còn phức tạp. Khe…khe…

        Trả lời
        • 41. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:46 chiều

          Em chỉ hơi thắc mắc là sao ở blog Anh Văn Công HÙng, em nhìn thấy cái ảnh nói là của anh Tiến, mà sao hình như không phải anh Tiến, em thấy anh Tiến mà anh VCH chụp trông rất bé nhỏ trong khi ở các nơi khác thì lại thấy hình ảnh anh Tiến không bé nhỏ như rứa mới phaan vân chớ!

          Trả lời
          • 42. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 9:54 chiều

            Đúng tui hôm ngày thơ Nguyên tiêu đấy. Tui giờ gầy đi nhiều, dăm năm trước hơn 7 chục ký giờ cân còn chưa đến 6 chục. Sút gần hai chục ký lô lận. Vì bệnh nên cố tình luyện tập ép cân. Thích to béo thì dễ ợt. Nhậu một tháng là lên cân vù vù ngay. Khe…khe….

          • 43. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 9:58 chiều

            à hóa ra đích thị là anh Tiến à. Thực ra là không nên béo ở tuổi này, béo tiềm ẩn nhiều bệnh lắm anh Tiến ạ.

          • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:00 chiều

            Chiều nay vừa “móc hàm” đựoc đúgn 57 kg, gầy thật. Cũng thấy chạnh lòng. Là vì tôi phải nhịn thèm nhiều thứ lắm. Bệnh tiểu đường mà.

      • 45. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:13 sáng

        Rứa đó anh Tiến.. khe khe khe
        Chúc nhà văn cuối tuần nghỉ ngơi thảnh thơi. Em nghĩ VT hay chứ, mỗi tội hơi rườm rà phần đầu và cuối tí…

        Trả lời
        • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:13 sáng

          Cái ngày đó viết hay màu mè đầu cuối, cách nay quãng 2 chục năm còn gì. Giờ thì truyện ngắn đi thẳng vào vấn đề cần tải hoặc vào tuột luôn tâm trạng. Nhưng vẫn chỉ là hình thức. quan trọng là truyện thế nào. Khó ở chỗ đó.

          Trả lời
      • 47. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:17 sáng

        he he đời người ai cũng mang nỗi thống khổ, vấn đề là người ta xử lý với nỗi thống khổ ra sao đúng không ạ?

        Trả lời
        • 48. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:16 sáng

          Quá đúng. Nhưng biết là thế vẫn cứ hành xử sai lầm và rồi cứ phải ân hận. Cuộc đời là thế.

          Trả lời
          • 49. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 7:03 chiều

            he he cuộc đời nói chung là thế..nhưng có lẽ chính nhờ thế mà con người luôn cố bứt phá vươn lên chăng?

          • 50. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 7:23 chiều

            Chuẩn không cần chỉnh.

  • 51. vothuong1455  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 1:49 sáng

    Xin dc làm quen…..Chúc tất cả may mắn và tốt đẹp…

    Trả lời
  • 53. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 8:16 sáng

    Nhà văn lại không cho biết thời điểm sáng tác là năm nào khe khe khe

    Trả lời
    • 54. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 10:17 sáng

      Hình như là cuối 80 đầu 90 thì phải.

      Trả lời
      • 55. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 7:05 chiều

        Lần tới, khi post truyện khác lên, cảm phiền nhà văn mở ngoặc một cái bên chữ ký PNT rồi cho năm sáng tác vô được không ạ!

        Trả lời
        • 56. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 20, 2010 lúc 7:24 chiều

          Được mà, tại cứ hay quên thôi còn thì truyện nào cũng có ghi chú bên dưới ở bản thảo.

          Trả lời
  • 57. Small  |  Tháng Ba 22, 2010 lúc 8:51 chiều

    Câu này của HT chuẩn ko cần chỉnh “người ai cũng mang nỗi thống khổ, vấn đề là người ta xử lý với nỗi thống khổ ra sao đúng không ạ?”
    -> Mỗi người có mỗi cách xử lý khác nhau trước nổi khổ nào đó, với Small thì thích sự mạnh mẽ, lac quan trước mọi nỗi khổ, biết vượt qua nó để tiến tới những điều tốt đẹp hơn. Small ko thích sự yếu đuối, bế tắc trong cuộc sống. Nếu chú Tiến đọc hết chuyện cháu gửi thì chú sẽ hiểu về cháu hơn đó.
    Chuyện VT này đọc cứ tưởng chuyện thật, ha ha, chú giỏi thiệt.

    Trả lời
    • 58. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 22, 2010 lúc 9:08 chiều

      Sao không thật. Không thật với Small với chú thì thật với người khác. Chuyện ở quả đất này chứ có phải ở hành tinh khác đâu. Khe…khe…

      Trả lời
    • 59. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 23, 2010 lúc 9:56 chiều

      Khỏe không Small? theo HT nghĩ thì cảm nhận trong văn học cũng có người chủ động và người thụ động. NGười chủ động thì : người ta đọc, vật vã với những đau đớn của nhân vật trong những tình huống khốn cùng của đời người..nhưng rồi người ta sẽ tìm cách để không trượt vào đường ray dẫn đến những bến bờ khổ đau mà nhân vật đã chọn, đã trả giá. Người chủ động đó sẽ học cách sao cho mình được vui thú với những vui thú mà đời người có thể đem lại cho họ, nhưng cũng sẽ biết cảm thông, chia sẻ với những buồn, vui của đồng loại hơn. Người thụ động đọc cũng một nhân vật đó thì cho rằng cuộc đời sao tăm tối quá, hoặc là anh ta sẽ vứt cuốn sách cái veo vài sọt rác, hay để lăn lóc cho bụi bám hay tiếc rẻ đã mua nhầm cuốn sách; hoặc là anh ta sẽ để cho cảm xúc dẫn dắt, anh nhìn cuộc đời với anh mắt u uẩn, bi quan, anh dường như không còn những mục đích lớn lao ở trước mắt vì anh thấy có phấn đấu cũng đâu có được gì, đời làm gì có hạnh phúc…Đại loại HT nghĩ thế. Small quan niệm về cuộc sống thế thì chứng tỏ Small lạc quan, mạnh mẽ và tràn niềm tin yêu cuộc sống, con người.
      Nhuwngx nhân vật của anh Tiến, nhìn qua thì nhân vật nào cũng đầy bão tố trong lòng, có cái gì u uất, có cái gì như muốn phá vỡ một trật tự nào đó..ai cũng có những nỗi niềm…Họ vừa độc đáo lại vừa rất chung: ai ở trong đời sống mà có lúc đã không chất chứa đầy cảm xúc ở trạng thái nào đó trong lòng như trong các câu chuyện đó đã kể, nhưng nhà văn thì đã kì công quan sát, nhặt nhạnh để những câu chuyện có tầm bao quát cao hơn để ta vừa cảm thấy có ta trong những câu chuyện đó, lại vừa không phải là ta. Cuộc sống như “những mảnh ghép” mà, những buồn, đau là cần phải có, và nếu có thì ta mới trân trọng hơn khi ta vui, sung sướng..và vì không muốn buồn bã, đau khổ mà con người luôn nỗ lực đi tìm hạnh phúc cho mình. Cuộc chiến đấu để con người giành hạnh phúc chính là đề tài bất tận cho nhà văn, H.T nghĩ vậy.
      HT nghĩ viết về bế tắc nhưng thực ra là gợi ra con đường, có tiếng lòng của người nghệ sỹ tha thiết gửi đến người đọc, người xem, người nghe rằng: hãy chọn một con đường khác hơn con đường mà nhân vật của tôi đã đi nếu bạn muốn hạnh phúc, hoặc giả bạn nên nếm chút đau khổ để hiểu thêm giá trị của những gì bạn đã, đang hoặc sẽ có…Khi ta đọc một vấn đề bế tắc và ta thấy bế tắc luôn thì thực ra đó không phải là thông điệp của người sáng tác.

      Trả lời
      • 60. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 23, 2010 lúc 11:19 chiều

        Chưa thấy Small nên xía vào một câu thôi. Cảm ơn đã thấu cảm nhân vật của tui.

        Trả lời
        • 61. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 7:04 sáng

          “…Cảm ơn đã thấu cảm nhân vật của tui…”- cám ơn những u uất, nồng nàn của nhà văn!

          Trả lời
          • 62. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 9:03 sáng

            Kể cũng lạ, ngay trong đời sống thường nhật tui cũng luôn….u uất. Thoắt vui thoắt buồn, nghĩ ngợi lung tung cả. Nói chung là thất thường và bất thường. Càng ngày càng thấy thương những người thân của mình phải chịu đựng cái tính khí khỉ gió ấy. Khe…khe…

          • 63. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 9:40 sáng

            khe khe khe, có Nguyên trong Tiến mà!

          • 64. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 2:06 chiều

            Có một chút ít. Dạo 75 tui có một mối tình “giải phóng” kiểu đó.

  • 65. Small  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 4:13 chiều

    Small đây, đọc lời của HT thật sự cuốn hút. Small hiểu những ý HT nói, rất đúng. Phải công nhận HT thực sự hiểu văn học và hiểu nhà văn. Về khía cạnh đọc giả thì đúng là có người cảm nhận theo cách chủ động và có người theo cách bị động. Tuy nhiên dù theo cách nào chăng nữa thì đó cũng là một thành công của tác giả. Như khi xem film vậy, có những bộ film kết thúc rất bi thương, để lại trong lòng người xem sự tiếc nuối, day dứt, buồn bã. Có film thì kết thúc rất vui vẻ, có hậu. Thực tình, nếu xem hoặc đọc tác phẩm có kết thúc đau buồn thì mình chỉ thấy buồn cho nhân vật đó và với cuộc sống thực tế thì mong sẽ ko như thế, mong sẽ khác và cố gắng sẽ khác…Nói chung, xem hay đọc mà có kết thúc đau buồn thì lòng của đọc giả cũng buồn vậy thôi, buồn cho số phận của nhân vật đấy mà. Nên mong sao tất cả chúng ta đừng để nổi thống khổ làm mất đi sự lạc quan và niềm tin yêu vào cuộc sống này, đời là mấy đâu, bởi vậy hãy cố sống sao cho vui vẻ để thấy rằng cuộc đời thật thú vị!

    Trả lời
    • 66. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 24, 2010 lúc 9:50 chiều

      Small và HT khác nhau ở gu đọc nhưng vẫn có vài nét trùng nhau ở những nghĩ suy kết cục. Và thế là tạm đủ để vui sống cuộc đời này.

      Trả lời
      • 67. Hà Tĩnh  |  Tháng Ba 25, 2010 lúc 1:40 chiều

        Chào Small! H.T cũng đã đề cập ở trên còm khác rồi đó, ý H.T là đọc những nỗi thống khổ để mà sống nhân hậu hơn, và để yêu đời hơn đó Small.
        Chúc Small luôn tràn đầy niềm vui sống!

        Trả lời
  • 68. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 25, 2010 lúc 6:30 chiều

    Small mất tiêu đã thấy mặt đâu. Khe…khe…

    Trả lời
    • 69. Small  |  Tháng Ba 28, 2010 lúc 8:53 sáng

      Small đây, he he. Small hiểu ý của HT chứ và suy nghĩ của HT rất đúng. Chỉ có điều nhân vật trong mỗi câu chuyện/mỗi bộ phim đều có hình ảnh của một cuộc đời thật nào đó bên ngoài, như chú Tiến đã nói nó có thể ko thật với tác giả, với Small nhưng nó lại thật với một ai đó. Vì thế mà khi đọc kết thúc bi thương thường khiến đọc giả day dứt, đau buồn, có khi nổi buồn ấy cứ ám ảnh mãi khiến ta thấy bực mình tại sao họ ko sống kiểu khác? sao họ ko mạnh mẽ? sao họ ko suy nghĩ tích cực hơn để thấy đời thật thú vị?
      Vậy đó, buồn là buồn cho nhân vật, buồn cho những ai đó đã, đang sống cũng có những kết thúc buồn như các nhân vật trong truyện. Còn cảm nhận của người đọc khi đọc tác phẩm của nhà văn và hiểu thông điệp của nhà văn là tuỳ thuộc cảm nhận của mỗi người thôi. Có đọc giả đọc và ko quan tâm đến thông điệp của nhà văn mà đọc đơn giản chỉ là đọc và đồng cảm với nhân vật trong truyện.

      Trả lời
      • 70. Hà Tĩnh  |  Tháng Tư 2, 2010 lúc 7:35 chiều

        Cám ơn Small. Đúng thế, nhất trí với tất cả những gì Small bộc bạch.
        Chuc Small luôn vui, luôn khỏe!

        Trả lời
  • 71. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 30, 2010 lúc 11:44 chiều

    Tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nhất trí!

    Trả lời
  • 72. HTV  |  Tháng Sáu 2, 2010 lúc 5:51 sáng

    “Với anh chẳng có hoàn cảnh nào cả. Anh chỉ là một con người…Thật thương anh vô cùng” Chỉ câu đó đủ phác hoạ những người của một thời. Em thích truyện này. Cám ơn anh đã cho lên mạng.

    Trả lời
  • 73. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 2, 2010 lúc 5:18 chiều

    Chỉ câu nói đó đủ phác họa những người của một thời…Có lẽ thế thật.
    Cảm ơn HTV đã phát hiện.

    Trả lời

Gửi phản hồi cho Hà Tĩnh Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Ba 2010
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

CHÀO KHÁCH

free counters