Chích chòe 1: Vuốt râu hùm

Tháng Sáu 30, 2011 at 8:33 sáng 46 bình luận

Từ hôm nay bên cạnh mục Háo danh hàng tuần tui duy trì mục Chích chòe. Là mục ngẫu văn viết tùy hứng nhằm duy trì một blog cá nhân chuyên về…cá nhân… mang hơi hướng đời sống văn chương nghệ thuật, có thể thêm những bình luận về các vấn đề xã hội ( cuối năm sẽ in một tập sách nhan đề: CHÍCH CHÒE HÁO DANH). Vì là cá nhân nên ai đó không thích xin miễn làm phiền. Cảm ơn những ai đồng hành cùng CHÍCH CHÒE HÁO DANH và bạn sẽ có trong tay một cuốn sách tặng như một kỷ niệm. Khekhe…

Ông cọp choai này chơi màn chào hỏi.

Vuốt râu hùm. Hùm tức là hổ là cọp là chúa sơn lâm. Xưa nay mấy ai đã dám vuốt râu hùm. Là vì ông hùm này vô cùng dũng mãnh, vô cùng ác hiểm. Là chúa nên ông chả sợ ai từ mãnh thú đến con người. Nhưng tôi may mắn đã vuốt được râu ông. May mắn chứ chả phải oai hùng gì. Dù ông ở đây chỉ là mấy con hổ nhốt.

Đó là dạo làm phim Chạy án. Trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Như Phong có nhân vật hổ thật. Một chú hổ choai làm bạn với một nhân vật chính chán chơi với con người nên nuôi một hổ con bầu bạn. Bí quá khi đọc kịch bản. Lấy đâu ra hổ mà quay với chả kiếc. Ban đầu tính sử dụng hổ giả. Nhưng thế thì dởm quá không được. Thà vứt đi nhân vật này còn hơn. Cũng chính Nguyễn Như Phong gỡ bí. Anh dẫn tôi và đạo diễn Vũ Hồng Sơn thâm nhập vào vương quốc của vua hổ Ngô Duy Tân ở Bình Dương. Tôi choáng váng vì khu chuồng trại dành nuôi hổ. Mấy chục con hổ lớn nhỏ vằn vện nhức mắt ở trong một khu có lưới sắt bảo vệ. Vài ông mãnh to vật phải cỡ hơn hai tạ nằm lười nhác ven lưới sắt, ghếch mõm vào ô thoáng, mắt lim dim. Kìa là râu hùm. Những chiếc ria to đen cứng tua tủa đâm ra từ cái mõm bóng nhờ. Lập tức trong tôi lóe ra câu thành ngữ vuốt râu hùm. Sao lại không? Tôi lại gần. Mùi chúa sơn lâm nồng nồng khăm khẳm đúng là tử khí. Tôi run hết người khi thò tay đầu tiên là gại nhẹ mũi của ông. Làm đấy nhưng chỉ nhăm nhăm rụt tay. Rồi vuốt ria. Không thấy ông động đậy gì, tôi táo gan leo thang định nhổ lấy một chiếc làm kỷ niệm bèn lấy hết sức bình sinh. Có mà nhổ. Chắc khừ như đinh đóng tường. Ông cọp chỉ hơi nhăn mũi không thèm chấp.

Nhân viên trại hổ được lệnh thả một hổ con ra khỏi khu chuồng để đoàn phim tiếp cận thử. Ông choai này chừng trên dưới ba chục ký. Vừa được thả nó đã lồng lên phi một vòng quanh sân rộng rồi như tên bắn lao lại chỗ chúng tôi. Đã được đả thông nhưng tôi quá kinh hãi. Cú đầu tiên nó chồm lên vị đạo diễn. Anh này loạng choạng rồi ngã bật ngửa, mặt xanh còn hơn đít nhái. Rồi nó đứng nhìn tôi. Kinh hồn táng đởm. Hổ choai nhưng vẫn là hổ là hùm. Mắt xanh lè như mắt giả. Đôi chân trước mập mạp với bộ móng vuốt cong cong chìa ra vờn vờn. Anh quản hổ đứng gần đó nói yên tâm, yên tâm, nó mới chỉ dăm tháng tuổi còn nghich ngợm như trẻ con không dữ đâu. Nói vậy biết vậy, tôi đã định chuồn nhưng không dám vì nó án ngữ ngay trước mặt. Hình như nó nhìn để đoán tôi là người thế nào thì phải. Quả nhiên nó chồm lên người tôi ngay tắp lự. Tôi đờ ra bất động. Phát đầu tiên nó ngoạm mõm vào cổ tay phải tôi, chân trước của nó vít hẳn đùi trái tôi xuống bằng một cú vả sau đó móng của nó giữ chặt chân cẳng tôi. Thiếu nước ngã đè lên nó. Cha mẹ ơi, không có cái dại nào lại đi đánh đu với tinh thế này. Đầu óc đang bấn loạn thì cái gì thế kia. Tôi suýt són đái nhưng không són được giọt nào. Cái mõm của ông choai vừa đủ ngoạm đúng bộ nhà máy nước của tôi. Chết tắc. Chưa bao giờ kể cả dạo chiến tranh bị xơi pháo kích là thứ nguy hiểm nhất hạng, tôi rơi vào cảm giác kinh khiếp thế này. Quản hổ nói nhẹ anh bình tĩnh, bình tĩnh đừng phản ứng, đừng phản ứng…Bình tĩnh chết tiệt. Có mà phản ứng. Lúc đó tự nhiên đầu óc mụ mị đông sệt lại. Rần rật một ý nghĩ chạy trong cơ thể. Toi rồi. Nó mà khậc hàm một cái là đi đứt. Chết thì không nhưng tàn phế suốt đời. Tàn phế cái đó coi như không bị vào cung thiến mà vẫn thành dân hoạn. Hoạn dân mới đau. Làm chó gì có chức đó. Sống mà không có dái thì thà chết còn hơn. Nghĩ thế tôi phản xạ tự nhiên vỗ vào đầu nó. Mẹ mày. Nhẹ thôi nhưng đủ làm cu cậu giật mình buông mõm. Tiếp đấy nó làm những gì tôi chẳng còn đủ minh mẫn để nhớ. Chỉ biết chiều đó về Sài Gòn quần áo tôi rách vài chỗ, da thịt hằn răng hằn vuốt vài nơi rớm máu. Đến lượt Nguyễn Như Phong thì lạ quá nó còn lành hơn chó ta, nằm phủ phục vào lòng mặc cho ông này vệnh mặt ve vuốt luôn tay. Mắt ra cái điều bảo xem này, đến hổ nó còn quý tôi nữa là người. Khekhe…Sau thì biết rằng hổ con đối xử với người nó tiếp xúc theo đúng tính tình người đó. Thôi chả nói nữa kẻo vạ miệng.

Trong trại hổ tôi còn được mục kích một thứ có mơ cũng không tưởng tượng ra nổi. Đó là cảnh hổ ân ái. Con cái đang tha thẩn thì con đực từ đâu lao ầm ầm đến chồm lên kiểu như loài chó. Thúc thúc mấy phát nhanh như điện thì con cái quay lại vả, mồm ngoác nhe răng cắn xé. Con đực bỏ chạy. Cứ thế trong vòng tiếng đồng hồ con đực “cắn” trộm được chục nhát, mỗi nhát chỉ vài giây nhưng ăn đủ đòn tình của con cái. Kiểu yêu nhau quái dị này nếu là con người thì gọi là khổ dâm đây. Quản hổ bảo ngày nó làm trăm nhát anh ạ. Ngang búa máy. Suốt trong một tuần đến khi con cái dính bầu mới thôi. Có tận mắt nhìn mới thấy các quán rượu xưa nay toàn lừa thực khách món pín hổ ngâm. Nhìn mấy ông trong lọ thủy tinh to vật vã cứ nghĩ hổ mạnh mẽ nên uống lấy uống để. Còn thực thì con đực vài tạ ông mãnh kia cũng chỉ bằng…ngón tay cái. Kiểu làm tình chớp nhoáng thế này ở người cũng là một tai họa gọi là bệnh xuất binh sớm chưa đến chợ đã hết tiền. Chí nguy. Cần phải chữa chạy. Giống hổ tuy chung chuồng nhưng bạn tình, con cái chỉ chọn một. Chung thủy đến tận lứa sau. Con đực kém số không được chọn cứ thế nằm vêu nhìn mà chết thèm. Mới biết giống nào cũng có kẻ đào hoa ăn tranh cả phần đồng loại.

Sau này ông Ngô Duy Tân đồng ý cho đoàn phim sử dụng hổ con của mình làm đạo cụ. Một kế hoạch được phác ra. Lúc đó có một hổ mẹ sắp lâm bồn. Lứa hổ mấy con đó được dành riêng ra một con không cho bú sữa mẹ mà được tách hẳn nuôi trong nhà từ nhỏ như nuôi chó. Nhà có máy lạnh hẳn hoi, ăn uống chăm sóc vẫn theo như loài hổ bằng thịt sống. Và trong Chạy án có nhân vật hổ tung tăng đến tận cuối phim. Ông mãnh con sau gây vô khối phiền toái và cũng một lần ngoạm đúng chỗ giống tôi với diễn viên Nguyễn Hải dù anh này mặc đến 2 quần bò độn thêm cả mớ vải vào chỗ nhạy cảm cũng vẫn suýt bị mất giống. Nghe nói anh này cũng có tính trăng hoa. Khekhe…

Đừng đùa với hổ, dù là hổ nhốt. Tôi sợ vãi linh hồn từ đó. Sợ đến nỗi tôi khoái món rượu cao hổ nhưng cứ uống vào là chỗ kia bị…són nước ri rỉ. Sợ đến mức không bao giờ tôi dám dây với những người trong xã hội được xếp vào hàng chúa sơn lâm. Loại đó bây giờ nhiều lắm. Kể ra chẳng bút mực nào tả xiết. Tạm gọi là loại ngoạm…

Thề có ông ba mươi thằng tôi không hề chích chòe.

 Hà Nội 30/6/2011

Entry filed under: Chích chòe.

Háo danh 1 Chích chòe 2: Sứ mạng của lợn đực

46 bình luận Add your own

  • 1. danchoa  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 4:27 chiều

    Nói là Chích chòe nhưng có chích chòe chút nào đâu. Toàn là việc thật, người thật đấy chứ sao.

    Nói nhỏ với bác Tiến nha. Chuyện con hổ ( không biết là đực hay cái) nhưng xử lý quá đơn giản.
    Bác Như Phong biết cách đấy nhưng bác ấy không nói ra. Trước lúc tiếp xúc với lũ này bác ấy tắm rửa sạch sẽ, không nước hương nước hoa gì cả.
    Loài hổ nhạy mùi lắm!
    Hehe!

    Trả lời
    • 2. phạm ngọc tiến  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 5:06 chiều

      Lão béo Phong run cầm cập may hổ nó thương nên được dịp nói phách thôi. Chích chòe là cái tên mọi người hay gọi tui. Thấy hay hay nên đặt cho chuyên mục này. Dạng ngẫu văn là viết thật hết chứ. Trước hết là cảm xúc thật. Rồi mắt thấy tai nghe. Nó giống như là tản văn, tạp văn…

      Trả lời
  • 3. ha linh  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 7:26 chiều

    Cái mõm của ông choai vừa đủ ngoạm đúng bộ nhà máy nước của tôi.
    ———
    trời đất, anh Tiến ơi, bác nào mà túm được câu ni của anh thì anh có mà…..

    Trả lời
    • 4. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 1, 2011 lúc 7:19 sáng

      Túm được rồi còn gì. Câu đó thì có sao đâu HL à. Khekhe…

      Trả lời
      • 5. ha linh  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 10:28 sáng

        khekhekhe ai lại ví …như là bộ máy nhà nước bao giờ!

        Trả lời
        • 6. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 10:40 sáng

          Đấy là cố tình luận ra chứ, còn thì cái đó chả là nhà máy sản xuất ra các loại….nước là gì. Nghĩa đen quá chuẩn. Vui thật, tiếng Việt mình đa nghĩa ví von kiểu gì cũng được

          Trả lời
          • 7. ha linh  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 5:21 chiều

            hihihi thì lên blog thì đùa tí cho vui anh Tiến ơi, có phải đi họp hội nhà văn mô mà phải cố chăm chú!
            giống như mùa hè nóng nực nên ai cũng phải yêu nước hẳn lên đó!

          • 8. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 5:27 chiều

            Khekhe…biết là đùa mà. Nói đến họp nóng nực thế này sợ nhất món đó.

  • 9. Thanh Chung  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 9:20 chiều

    Hôm nay em mới tìm được “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên worpress.com” của bác Tiến. Chúc mừng bác đã không bị cu Cọp phá hoại nhà máy nước.

    Trả lời
    • 10. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 1, 2011 lúc 7:19 sáng

      Chỉ làm tổn thương đã vãi linh hồn rồi.

      Trả lời
  • 11. Sao Hồng  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 9:40 chiều

    Trông ảnh, ngó bộ bác PNT rất thủ thế ! Chắc “thằng nhỏ” của bác í sợ thút vô trong rồi ! He he…

    Trả lời
    • 12. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 1, 2011 lúc 7:20 sáng

      Lúc đó thủ thế gì, sợ dúm….

      Trả lời
  • 13.  |  Tháng Sáu 30, 2011 lúc 10:54 chiều

    Hi hi sợ hổ đến són đái thế mà bác, hay em hay bất kỳ gã trai nào cũng cặp kè trong “chuồng” nhà mình một ả sư tử còn dữ hơn cả hổ 😀

    Trả lời
    • 14. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 1, 2011 lúc 7:22 sáng

      Đó là điều không thể tránh. Nó là quy luật. Mà đã là quy luật thì không thể cưỡng.

      Trả lời
  • 15. Ha Anh  |  Tháng Bảy 3, 2011 lúc 4:14 chiều

    EM chỉ sợ con hổ mang óc hổ. Còn hổ mang óc tàu hũ em cóc sợ. CHẳng thèm vuốt râu chắc gì đã có râu mà vuốt

    Trả lời
  • 16. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 3, 2011 lúc 4:29 chiều

    EM chỉ sợ con hổ mang óc hổ. Còn hổ mang óc tàu hũ em cóc sợ. CHẳng thèm vuốt râu chắc gì đã có râu mà vuốt.
    Cái còm nay “hung hãn” như hổ. Khekhe…

    Trả lời
  • 17. Ha Anh  |  Tháng Bảy 4, 2011 lúc 10:01 sáng

    Hừm

    Trả lời
  • 18. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 4, 2011 lúc 10:33 sáng

    Chả cần hừm hừm đã tởn rồi. Khekhe…

    Trả lời
  • 19. Quê Choa  |  Tháng Bảy 4, 2011 lúc 5:38 chiều

    “Tôi suýt són đái nhưng không són được giọt nào. Cái mõm của ông choai vừa đủ ngoạm đúng bộ nhà máy nước của tôi. Chết tắc…”
    Tui cũng mơ được một lần sợ són đái như thế này
    hay thật. Entry này hay lắm

    Trả lời
  • 20. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 4, 2011 lúc 5:48 chiều

    Đang tính đầu ra. Cũng là ăn theo bắt chước bọ thôi. Khekhe…

    Trả lời
  • 21. Bạn đọc  |  Tháng Bảy 6, 2011 lúc 1:49 chiều

    Chúc mừng anh Tiến được thưởng thức cảm giác mạnh, đời nhà văn phải có cảm xúc như vậy thì bạn đọc mới được nhờ chứ. Sau sợ là sướng là phê, nhất là chỗ đấy … hehe …

    Trả lời
    • 22. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 6, 2011 lúc 2:49 chiều

      “Sau sợ là sướng là phê, nhất là chỗ đấy…”
      Xin được vái cái cảm giác mạnh này. Sợ đến mức sau này khi đoàn phim quay có ông choai khác làm diễn viên, tui tịnh ko một lần dám bén mảng. Tởn đến già. Diễn viên Nguyễn Hải sau đó cũng bị y chang như tui. Khe…khe…

      Trả lời
  • 23. lefa  |  Tháng Bảy 6, 2011 lúc 4:31 chiều

    Bác viết hay thật, em đọc mà cười rung cả….. Dz …ái. Trị giống “hổ” hay “sư tử” thì cách tốt nhất là mình “chủ động” “đè nhà máy nước” lên “nó”bác ợ. Hihi

    Trả lời
    • 24. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 6, 2011 lúc 4:51 chiều

      Bác viết hay thật, em đọc mà cười rung cả….. Dz …ái. Trị giống “hổ” hay “sư tử” thì cách tốt nhất là mình “chủ động” “đè nhà máy nước” lên “nó”bác ợ. Hihi
      Khekhe………………………………………………………………………..

      Trả lời
  • 25. Lý Thị Phi  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 5:14 chiều

    “một gã đẹp trai mạnh mẽ cua gái như chớp” ( Chào bọ Lập Hà Nội )
    “cũng một lần ngoạm đúng chỗ giống tôi với diễn viên Nguyễn Hải”…” Nghe nói anh này cũng có tính trăng hoa”
    – Thế là thêm ba người đàn ông nữa, như người miền Nam nói, “đáng bị cọp vật”. Hi hi!
    ( em gái mN )

    Trả lời
    • 26. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 7, 2011 lúc 5:17 chiều

      Nhất trí là thêm 3 gã đàn ông đáng bị cọp vật. Tui có đồng bọn rồi hổng sợ.

      Trả lời
  • 27. tata  |  Tháng Bảy 11, 2011 lúc 11:18 sáng

    Sợ vãi tè ra quần, mỗi khi lôi súng ra để hành sự nghĩ lại cảnh “ông hùm” ngoạm nên nó sun lại, chắc nguồn cơ của bệnh đái tháo đường từ đây mà ra chăng? he he

    Trả lời
    • 28. phạm ngọc tiến  |  Tháng Bảy 11, 2011 lúc 11:22 sáng

      Cười vãi, Cảm ơn đã vui cùng.

      Trả lời
  • 29. GAI HAM  |  Tháng Bảy 12, 2011 lúc 9:27 chiều

    Chac hom ay ong chua duoc an gi.Nen gap nha may nuoc cua anhTien no tuong xuat an trong ngay.Cung may nha may nuoc cua nha van nen no tha.

    Trả lời
    • 30. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 12, 2011 lúc 9:38 chiều

      Chắc nó chê nhà máy nước của nhà văn không đáng ăn đấy GAI HAM nhề. Khekhe…

      Trả lời
  • 31. zoe  |  Tháng Bảy 13, 2011 lúc 7:35 chiều

    Chẳng phải con hổ chê. Nó ngoặm rồi mà nỏ thấy Bô phân hành chính nhà máy nước giải thể tụt bố nó vào trong. He he

    Trả lời
    • 32. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 13, 2011 lúc 9:26 chiều

      Zoe giỏi vặn vẹo. ý là có đâu mà chê. Cũng đúng.

      Trả lời
  • 33. viettravel4u  |  Tháng Tám 19, 2011 lúc 1:15 sáng

    Tôi thì tôi có ý này hay hơn. Mở đầu cũng bằng từ “Hắn đấy” như trong cái “Vi hành” của cụ Nguyễn. Hắn đứng đấy, trơ tráo trước vành móng ngựa. Hắn bâng khuâng mơ hồ khi được làm hai chức danh trong một. Mọi người nói hắn có cái phong thái hiên ngang. Hắn mặc chiếc áo sơ mi trắng cổ cồn nghiêm chỉnh đến lạ thường. Sao lại thế nhỉ? Thường thì tôi phạm bao giờ cũng phải mặc áo tù chứ. Mọi người đều biết cơ duyên của hắn đến với pháp đường này như là tiền duyên. Cả đời hắn từ trước tới nay chuyên tâm vào học hành, Ba đời nhà hắn có truyền thống cao cả, bố hắn cũng là nhà thơ, mà lại là nhà thơ nổi tiếng là đằng khác. Tiểu sử nhà hắn sạch tưng. Vậy thì sao mà nên cớ sự như thế này??? Dễ hiều thôi, “hắn đã lỡ vuốt râu hùm”. Đấy, cớ sự như thế.

    Trả lời
  • 34. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 19, 2011 lúc 2:37 sáng

    Đọc hết mới lờ mờ hiểu cái ý của vietravel4u cho là hay hơn. Khốn khổ cứ luận mãi. Ra thế “vuốt râu hùm”….

    Trả lời
  • 35. viettravel4u  |  Tháng Tám 19, 2011 lúc 2:44 chiều

    Cãm ơn anh Tiến đã hiểu ý. Cuộc đời đôi lúc nó thế. Ngày xưa chiến tranh các cụ nhà ta nhảy vảo lửa thì là anh hùng. Bây giờ nhân tình thế thai bàng quang mà có ai đó lỡ nhảy vào lửa thì coi như “Sống chết mặc bay” của NGuyễn Công Hoan (đúng tác giả không nhỉ?) tái diễn. Đành rằng các bác, cac anh chị ở đây hoạt động trong lĩnh vực văn chương nhưng xem ra các bác thưởng thức nghệ thuật còn sơ sài và đơn điệu lắm. Các bác chỉ xoay quanh vấn đề thứ 3 trong tứ khoái mà quên đi 3 vị trí kia đang ghen tị các bác…hehehhe…

    Trả lời
    • 36. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 25, 2011 lúc 11:41 sáng

      Cam on da com. Nhat tri voi com cua ban.

      Trả lời
  • 37. nguyễn trường tam  |  Tháng Tám 22, 2011 lúc 7:49 chiều

    Lời kết thực hay nhưng thiếu ý chí

    Trả lời
    • 38. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 25, 2011 lúc 11:45 sáng

      Y chi manh qua no ngoam mat tieu. cha dai.

      Trả lời
  • 39. zoe  |  Tháng Tám 23, 2011 lúc 9:58 sáng

    Anh Tiến ui, vào nhà anh bây giờ toàn đồ cổ. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng xem xét mãi cứ thấy chay chay thế nào. Cho cái giề mới mới để bà con thưởng thức chứ. Hay giữ để bắn pháo hoa mùng 2- 9. Hết tuổi xem pháo hoa rồi, anh cứ đòm phát một cho nó lành. Xem pháo hoa cấp tập huyết áp lên toi đời.

    Trả lời
    • 40. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 25, 2011 lúc 11:59 sáng

      Dang o Ca Mau, di chung nua thang ve thoai mai bai. Yen tam.

      Trả lời
  • 41. muopxinh  |  Tháng Chín 22, 2011 lúc 6:45 chiều

    Anh nói thật xem hổ nhà và hổ chuồng hổ nào anh sợ hơn. kaka.

    Trả lời
    • 42. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 22, 2011 lúc 10:27 chiều

      Tui nói không ai tin, sợ đấy nhưng hổ nào cũng đáng yêu. Khekhe….

      Trả lời
  • 43. Nguyễn Tấn Hưng  |  Tháng Chín 28, 2011 lúc 11:42 sáng

    ..”Khekhe…Sau thì biết rằng hổ con đối xử với người nó tiếp xúc theo đúng tính tình người đó.”
    Hết trích
    Hay thật, rất tinh bái phục bác

    Trả lời
    • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 28, 2011 lúc 12:19 chiều

      Đúng thế mà, sao nó không ngoạm mấy ông kia lại ngoạm Nguyễn Hải và….tui. Khekhe….Cho vui.

      Trả lời
  • 45. Quê Mùa  |  Tháng Chín 29, 2011 lúc 3:32 chiều

    đọc chuyện này ,vừa buồn cười vừa toát mồ hôi cùng người viết .sao anh liều thế ,dám vuốt râu hùm . lại bị ông choai ngoam nhà máy nước .may mà đủ bình tĩnh vỗ đầu ông choai để ông nhả ra ,,. với em ,anh vẫn anh hùng .Em chỉ dám đứng xa xa chiêm ngưỡng . khoảng cách an toàn có rào chắn và hồ nước ngăn cách . thấy chúng đẹp uyển chuyển , oai hùng .

    Trả lời
    • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 30, 2011 lúc 9:24 sáng

      Con hổ này nhỏ được nuôi như chó giữ nhà. Nó đi lang thang trong sân nhưng kiểu gì nó vẫn là hổ thật. Chúa tể mãi là chúa tể.

      Trả lời

Gửi phản hồi cho Quê Mùa Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Sáu 2011
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930  

CHÀO KHÁCH

free counters