Quả muộn (Truyện ngắn)
Tháng Bảy 16, 2011 at 7:14 chiều 30 bình luận
(Truyện ngắn Quả muộn nằm trong tập truyện “Họ đã trở thành đàn ông” vừa tái bản. Nhà xuất bản Văn học 2011.)
Cụ phó Nhiễu lặng lẽ rời con cháu ra đi vào năm bảy mươi nhăm tuổi. Ở làng Kình, sống đến tuổi ấy được coi là trên mức thượng thọ. Người sống đến thượng thọ lúc nằm xuống được dân làng đưa tiễn trọng thể theo nghi thức đại tang. Nghĩa là sau khi nhắm mắt được nghỉ lại trong nhà đủ ba ngày, được cả làng đến viếng rồi mới phải vĩnh viễn xuống nằm ở cánh đồng Mả – nghĩa địa của làng. Còn nhiều thứ khác nữa. Chẳng hạn vì đủ niên hạn để quy tiên nên được cưỡi xe rồng. Loại xe tang này sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng rắn tinh vi, mái uốn cong rất đẹp, chỉ dành cho những người già đạt mức thượng thọ. Vì là đại tang nên có kèn trống réo rắt đủ ba ngày. Các đám khác chỉ được lúc nhập quan và hạ huyệt. Lại nữa, trong đám đại tang, con cháu được đốt pháo ăn mừng và hội nhạc hiếu được quyền cử những khúc nhạc vui. Đấy là lệ làng.
Cụ phó Nhiễu ra đi vào một ngày cuối tháng Tám ta. Tiết thu nhưng trời hừng hực nóng. Tịnh không có một chút gió nào phe phẩy. Những tán bưởi, lá lùm lùm rũ xuống. Thoảng nhật vài quả bưởi muộn mằn còn sót lại sau đợt Tết Trung thu, vỏ đã bắt đầu sạm và quắt lại. Làng Kình không trồng tre mà chỉ trồng toàn những bưởi. Bưởi trong vườn, ngoài ngõ, bao bọc kín xóm dưới, chòm trên. Giống bưởi làng Kình quả chỉ nhỏ bằng cái bát điếu nhưng nổi tiếng khắp vùng. Vào vụ đại trà bắt đầu từ tháng Năm ta kéo đến rằm tháng Tám, bưởi làng Kình kìn kìn theo xe thồ và quang gánh tràn vào chợ huyện và các chợ trên tỉnh. Bưởi làng Kình quý không phải chỉ vì ngon mà còn vì thời vụ thu hoạch của nó sớm. Từ tháng Năm ta khi bưởi thiên hạ mới chỉ tàn hoa, kết quả thì bưởi làng Kình quả đã tròn căng, vỏ xanh rờn, ruột trắng phốp, cùi mỏng tang, múi xếp chật tép, mòng mọng nước. Mùa bưởi của làng Kình chỉ kéo đến rằm tháng Tám là vãn. Lúc ấy thiên hạ mới bắt đầu rầm rộ vụ bưởi. Quả sớm đã là quý, nhưng những quả bưởi làng Kình sống sau vụ rằm gọi là đợt quả muộn, chịu nắng táp và gió bão, dai dẳng đeo trên cành qua mùa đông rét mướt để đến tiết xuân bỗng chín ửng, vỏ lại tròn căng, da vàng láng nõn nà và ngọt như cam đường mới là những quả bưởi đặc biệt quý. Cái gì quý bao giờ cũng hiếm. Cả vùng này ngày Tết Âm lịch người ta tranh giành nhau mua bằng được quả bưởi làng Kình, coi như đấy là cái lộc lớn để bày trên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Cũng lạ, giống bưởi làng Kình khác thiên hạ, muốn trồng không thể chiết cành mà phải bứng cây con sinh sôi từ chính những quả bưởi muộn mằn ấy. Mà cũng không được bứt quả xuống. Những quả giống là những quả tự chín nẫu trên cây, cuống mục ruỗng rơi rớt xuống vỡ toác. Hạt bưởi từ quả chín rơi vung vãi tự nảy mầm thành cây. Người ta bứng lấy những cây con cứng cáp. Giống bưởi quý cứ thế nhân ra và cũng chỉ sinh sôi được trên đất làng Kình. Giống ấy mang sang đất khác trồng, sống tuy có tươi tốt đấy nhưng như người tịt đẻ, bói mờ mắt cũng chẳng đào đâu ra quả. Người gây giống bưởi quý này cho làng Kình chính là cụ phó Nhiễu. Cây bưởi tổ của làng Kình vẫn còn sống xum xuê trong vườn nhà ông Cửu, con trai cả của cụ. Cây bưởi ấy cụ trồng từ thời trai trẻ.
*
* *
Đám ma cụ phó Nhiễu linh đình như một ngày hội ở làng Kình. Có dễ phải đến dăm chục năm nay ở làng Kình không có đám ma nào to như vậy. Ấy là nghe lời cụ cả Doạch ở đầu làng bảo thì biết thế, chứ dân làng kể cả các loại tuổi tác sàn sàn dăm sáu chục cũng chịu. Ngần ấy thời gian, dài lắm. Mà con người ta thường chỉ đắm đuối vào đường sinh, ít ai ngẫm ngợi nhiều đến sự tử. Phải quá, sống mới khó, mới cần, chứ còn chết đến nắm đất, hòn bia là xong. Nhưng mà đám ma cụ phó Nhiễu to thì phải bảo là to. Cả làng đi đưa đám chẳng thiếu một ai. Lý do không phải ở đấy. Ông cụ sống tốt nết với xóm làng nên nghĩa tử là nghĩa tận, dân làng đưa cụ đi, âu cũng là lẽ thường tình. Cái làm nên đám ma khác thường và to dăm chục năm nay mới có của đám cụ phó Nhiễu chính ở sự nườm nượp những chiếc xe to, nhỏ đủ loại vào, ra như mắc cửi. Suốt đêm hôm qua, cả làng đèn đuốc sáng choang, dân quân đi lại rậm rịch vác đá, chuyển đất, sang sửa lại đường xá. Có thế hôm nay xe lớn, nhỏ mới dễ dàng vào được phúng viếng để vong linh cụ phó Nhiễu được mát mẻ nơi chín suối. Vẫn theo lời cụ cả Đoạch thì xe cộ chỉ là một nhẽ. Ngày xưa, ở làng có đám ma quan tuần phủ Hoàng Hữu Sinh, xe cộ cũng nối nhau dài đến tận khúc đê quai, cách làng hai cây số. Nhưng xe cộ ngày ấy thấm tháp gì. Rặt loại xe kéo, xe tay, thoảng nhật mới có một chiếc xe hơi chạy phành phạch, phả khói mù mịt, so làm sao được với bây giờ. Cái quan trọng hơn cả quyết định phẩm cấp đám ma cụ phó Nhiễu là hoa. Hoa chăng suốt trong nhà, ngoài ngõ. Hoa nhiều đến nỗi chưa đến lễ hạ huyệt, người nhà cụ phó đã mang vô số vòng xuống rải ở bãi Mả. Thành thử nhờ lộc cụ phó Nhiễu, những công dân thiên cổ trú ngụ ở bãi Mả được thơm lây. Nhiều người bảo: Chết danh, chết giá như thế có mà chết đời vẫn sướng. Sướng thật. Cụ phó Nhiễu ở làng xưa nay có là vương tướng quái gì đâu. Chẳng qua cũng chỉ là một ông lão mù lòa, gàn dở. Kể cả cái thời mắt còn tinh tường, cụ cũng chỉ là một lão nông thuần túy. Quanh năm suốt tháng lưng phơi trần với trời, với ruộng. Chữ “phó” gắn cùng tên là dân làng gọi kèm lâu thành quen chứ bản thân cụ có làm phó phiếc gì đâu.
*
* *
Cụ phó Nhiễu có ba người con. Ở thời điểm về với đất, cụ đang ở với người con trai thứ. Ông này theo nghiệp bố làm nghề nông. Cũng là loại người tần tảo một nắng, hai sương. Tuy nghèo nhưng tính ông hiền lành như đất cục. Cụ phó Nhiễu phải ở với con thứ là điều bất đắc dĩ. Xưa nay, làng Kình vốn nghiêm minh về lề luật. Có thế nào bố mẹ già cũng đều phải cậy nhờ nơi con trưởng. Chuyện ấy nói sau. Con gái út của cụ phó Nhiễu, cả tỉnh này phải biết tiếng. Năm nay, cô đã ở tuổi bốn mươi. Hồi trẻ cô có sắc đẹp quyến rũ đến mê hồn. Cô đi đến đâu thơm tựa hương bưởi ngan ngát đêm trăng. Trai làng say cô như điếu đổ. Hồi ấy cứ nói đến cô Bưởi là khối chàng trai đờ đẫn. Tóc Bưởi dài, buông ra phải chấm gót. Con nhà nông dầu dãi nhưng da cô trắng còn hơn cả gái thị thành. Da đã trắng lại mịn như bột nếp lọc. Sắc đẹp đưa cô vượt qua được biên giới làng Kình. Điều mà xưa nay gái làng Kình chịu không vượt qua nổi, đành cứ phải quẩn quanh lấy chồng nhà. Bưởi đẹp đến nỗi không tính được số trai làng từng tan nát con tim một thời, giờ đã con bồng con dắt, song mỗi lần thấy Bưởi về làng vẫn cay đắng, dù đang làm gì cũng phải nhào đến quán bà Tư Thời làm một cút giải phiền, tiện thể mượn hơi men để than thân, trách phận. Có một chuyện thật mà như hoang đường. Anh chàng Kích, con nhà Hai Thính lái trâu, giàu có nhất làng, say mê Bưởi đến phát cuồng, phát dại. Công tử Kích con nhà giàu thật đấy nhưng khổ nỗi người lùn tè, lại còn thêm tật lắp bắp nói ngọng vì ngắn lưỡi. Năm ấy, Bưởi hình như mười chín, hai mươi thì phải. Kích diện quần “si”, áo “lon” xẻ tà trắng bốp, chân đánh dép nhựa Tiền Phong quai hậu, tay loang loáng đồng hồ Poljot mạ vàng, suốt ngày tí tởn lượn quanh nhà Bưởi. Diện như Kích thời ấy là đáng kính nể. Tuy giàu nhưng Kích nhát, mất bao nhiều tiền chè, thuốc cho thằng Mai con nhà Sâm “săn chuột” để mối manh vẫn xôi hỏng bỏng không. Hỏng là phải, ngữ Kích có dát vàng đầy người, Bưởi cũng chẳng thèm. Thế là anh chàng Kích si tình đâm ra liều lĩnh. Gọi liều lĩnh cho oai chứ thời ấy bố bảo dám dọa dẫm, côn đồ như bây giờ. Trong cơn say tỉnh, Kích nhân một đêm trăng sáng trèo tót lên cây bưởi tổ nhà cụ phó Nhiễu. Người Kích trát đầy bùn đất ngụy trang như lính đặc công, nép mình trong tán lá rậm rạp mặc gai góc, kiến, muỗi đâm đốt tê tái. Kích nín thở chờ. Chả là gần gốc bưởi có giếng khơi. Kích mò mẫm biết được Bưởi hay tắm đêm ở đấy. Có nhà tắm quây cót hẳn hoi, nhưng từ trên cao nhìn xuống cái gì chả thấy. Trăng sáng lồ lộ, tấm thân ngọc ngà của Bưởi cũng lồ lộ. Kích khoái trá lắm. Trong cơn thỏa mãn, bỗng cái lưỡi tật nguyền lắp bắp thành tiếng ú ớ. Bưởi nhìn lên, thấy một đống ngòm ngòm, chẳng biết người hay ma liền hoảng hốt bỏ chạy. Loạng quạng thế nào Kích bị tụt tay rơi bịch xuống. Chân nọ bắt chéo vào chân kia gãy đến cốp. Người Kích như quả bưởi già chín dập. Đận ấy, Kích phải nằm bệnh viện tính ngót nửa năm trời, thuốc thang chạy chữa đi tong vừa trọn một cặp trâu sừng. Ra viện, lọc cọc nạng gỗ, nhưng Kích chẳng oán thán, ngược lại mặt còn vênh vang đầy tự hào. Nhìn cũng là một kiểu chiếm đoạt. Kích bảo: “Con bé ấy coi như tớ đã duyệt”. Cuối năm ấy, Bưởi đi lấy chồng.
Ông Cửu là con lớn của cụ phó. Thời kháng Pháp làm liên lạc của tỉnh đội. Sau hòa bình là cán bộ của sở Thương nghiệp. Năm nay ông đã ở tuổi năm nhăm và là một trong những cán bộ nắm trọng trách của tỉnh. Ông là giám đốc một sở. Đường quan chức của ông khá thuận buồm xuôi gió. Nhất là sau khi ông gả cô Bưởi cho ông bạn đồng ngũ, lúc ấy đang là phó ban Tổ chức tỉnh ủy. Như trên đã kể, Bưởi đẹp dù rằng học hành dang dở. Học vấn là cái thỏ gì so với sắc đẹp trời cho của người đàn bà. Em rể ông Cửu tuổi có cao một tí (suýt soát tuổi ông) thì cũng chỉ hơn Bưởi có mươi lăm tuổi, thấm tháp gì. Bù lại là cái sự nghiệp vòi vọi như núi Thái Sơn. Bây giờ ông ấy là cán bộ chủ chốt của tỉnh. Cô Bưởi ngày xưa dù đẹp đến đâu, tiếng tăm cũng chỉ quẩn quanh trong làng là cùng. Bất quá, sau vụ Kích nhìn trộm bị gãy chân, tiếng tăm có lan trong vùng thật, cũng lại sao được với địa vị phu nhân bây giờ. Nhờ con cái thành đạt, cụ phó Nhiễu được mát mặt với bà con trong làng, ngoài xóm. Chỉ riêng về ông Cửu, chức vụ ấy đủ được tiêu chuẩn xe con, đón rước hàng ngày. Ngày trước, lúc là cán bộ thường, từ tỉnh lỵ về làng Kình cách dăm cây số, ông Cửu vẫn nhoay nhoáy đạp xe sáng đi, tối về ngon xoét. Cô Bưởi ở với chồng dưới tỉnh. Thi thoảng cũng đánh xe về thăm bố. Cụ phó Nhiễu thế là sướng. Thử hỏi còn gì hơn?
Song đời người ít ai được trọn vẹn. Lẽ ra bây giờ cụ còn an nhàn ngồi hưởng lộc để ngắm nghía con cháu công thành danh toại. Không thể khác được, nếu như vào cái năm gần hòa bình năm tư ấy, cụ không trúng một căn bệnh hiểm nghèo, mù cả hai mắt. Năm ấy cô Bưởi còn nhỏ. Ừ, thì mù không nhìn thấy gì đi, đã sao đâu, nếu bà lão còn. Khốn khổ cho cụ phó, năm ấy Bưởi đến tuổi cập kê thì vợ cụ chả biết đi bắt cua cáy thế nào bị rắn độc cắn chết. Thế là hết! Một mình cụ phó đơn độc. “Giàu hai con mắt” đúng thế, thật tội, mắt lành nguyên, mở trong tróng mà chỉ nhìn thấy rặt màu đen, âu cũng là cái phận bạc bẽo kiếp trước quả báo về, kiếp này phải gánh chịu. Nhưng vẫn còn an ủi là cụ tuy nghèo khó một đời, dù sao cũng nuôi dạy con cái trưởng thành cả. Chúng nó thành đạt tử tế há chẳng có một phần công lao của cụ hay sao. Cụ ở với người con lớn. Lệ làng phải thế. Con nào với cụ cũng vậy thôi. Người mù sống lắt lay, vật vờ như cái bóng, được ngày nào biết ngày ấy. Vốn là người siêng năng, tuy mù nhưng cụ phó Nhiễu còn làm được khối việc mà người lành mắt sáng cũng phải lắc đầu thán phục. Cả làng Kình này, chả có nhà nào không dùng rổ rá do đôi tay cụ sờ sẫm đan nên. Tuy chẳng nhìn thấy gì, song cụ chưng cất rất giỏi từ hoa bưởi được thứ tinh dầu đặc biệt. Cứ thử nấu chè đỗ đen hoặc nấu bột sắn ta xem, mỗi bát chỉ cần chấm đầu tăm một chút tinh dầu của cụ là thơm lựng, ăn vào chẳng thể nào quên. Vợ ông Cửu trước lúc về hưu làm tổ trưởng cấp dưỡng ở nhà ăn tỉnh. Hầu hết các cửa hàng giải khát ở thị xã đều đặt vợ ông Cửu để mua thứ tinh dầu đặc biệt kia. Tiền chắc chắn không nhiều, nhưng như thế có nghĩa là cụ vẫn còn “tay làm hàm nhai” được, sống thế vẫn ích chán. Tuy vậy, trái với dân làng tưởng, cụ phó Nhiễu sống rất khổ. Khổ vì nghèo hèn còn cắn răng chịu được. Cụ phó khổ, oái ăm, lại vì con cái phương trưởng cả. Anh cu Tiêu, con trai thứ chả nói làm gì. Người ấy lành quá, suốt đời chỉ quẩn quanh với hộc lúa, bồ khoai, ăn nói thì nhát một như gióng cày, nhưng ăn ở thì trước sau đều vẹn. Trước đây, anh ở nhà ngang, bây giờ vợ chồng ông Cửu dùng làm bếp. Sau vì chị em dâu không hòa thuận, anh xin hợp tác xã cái ao hoang ở rìa làng. Cứ vượt thổ dần dần rồi mãi cũng thành một cơ ngơi nho nhỏ. Vợ chồng anh con rể tuy cũng chẳng xa xôi gì nhưng là phận con gái, con rể, nên đối với cụ tuy có chu đáo nhưng là kiểu chu đáo đúng tinh thần “dâu con, rể khách”. Thỉnh thoảng cụ được vợ chồng con gái đánh ô tô về tận làng đón rước lên tỉnh chơi. Không nhìn thấy gì, nhưng cụ cũng đoán rằng chúng nó bây giờ sống sung sướng lắm. Cứ suy từ các món của ngon, vật lạ chúng nó đãi đằng thì biết. Nhưng những lần như thế chỉ được một, hai ngày là cụ thấy chán, nằng nặc đòi về. Ai đời ở nhà con cái mà xa lạ quá chừng. Cụ buồn bã chân tay muốn làm một cái gì đấy cho đỡ ngứa ngáy nhưng chúng nó không cho. Nhà chúng nó khách khứa kìn kịt. Ai đến cũng lễ phép một điều “thưa cụ” hai điều “trình cụ” nhưng cụ biết họ gọi thế cho phải phép với ông con rể mà thôi. Ngay cả mấy đứa cháu ngoại cũng chả lần nào cụ được sờ sẫm chúng nó. Cụ biết. Lẽ ấy thì cụ biết. Cụ đã nghèo lại mù, quà cho cháu sang nhất cũng chỉ là quả bưởi hin hin mà chúng nó thì đã quen ăn sung, mặc sướng. Con Bưởi, cụ biết, nó cũng hiếu thảo đáo để. Thấy tình cảnh cụ chắc nó xót xa lắm. Nhưng mà khuôn nào thì phép ấy, chả trách làm gì. Cụ chẳng đến nỗi ngu đần để không hiểu điều đơn giản ấy. Mà thôi, vợ chồng nó làm to thế mà vẫn đối xử bình đẳng thân ái với cụ là tử tế lắm rồi. Có lẽ tại người già hay mặc cảm. Con gái cụ đi lấy chồng thì theo chồng là phải. Ngày xưa, lúc nó còn con gái, nó chẳng nhất nhất nghe lời cụ và các anh nó là gì. Cái đận nó lấy chồng, lúc ấy cụ bà đã khuất, cụ thì dở sống, dở chết, mọi điều hệ trọng đều quyết ở trong tay anh cả Cửu. Lúc nghe anh cả quyết định phải lấy anh chàng bây giờ, thấy anh ta hơn những mười lăm tuổi, mà nó xinh đẹp thế đó đã giãy nảy từ chối lại còn định uống cả thuốc trừ sâu để chống. Vậy mà chỉ vài lời phân tích cương quyết, kèm theo một lần bỏ bữa chỉ sòng sọc hút thuốc lào trừ cơm của anh cả, nó đã phải tuân lời… Nhưng theo lệ làng cụ nhất thiết phải ở với con cả. Bà con dâu trước là dân công hỏa tuyến gặp ông Cửu ở mặt trận, rồi nên vợ nên chồng. Người không có chữ, dù dựa vào thế chồng mạnh đến mấy, chuyển cơ quan nào cũng chỉ làm được đến chân cấp dưỡng. Cụ phó mù trước khi thấy mặt con dâu, chỉ đoán người qua tiếng nói. Suốt cả ngày giọng bà ta lanh lảnh như còi. Chuyện đối xử của vợ chồng ông cả thì dài dòng, chỉ biết họ đối với cụ rất là khinh bạc. Cụ nghiến răng chịu khổ. Dù rằng cái khổ vì con cái khinh bạc là cái khổ khốn, khổ nạn nhất đời. Cụ phó ngày một thêm hiu hắt. Dân làng Kình mãi mãi truyền tụng nhau nghe chuyện này. Dạo ông Cửu đã lên giám đốc sở Thương nghiệp, ngày ngày có xe đón rước. Đến bữa cơm bao giờ cụ phó Nhiễu cũng xơi riêng ở góc nhà. Đồ ăn, thức uống bày cả trên chiếc mâm gỗ có từ ngày xưa. Bữa ấy nhà có thịt gà. Cụ không nhìn thấy, nhưng ơn trời người mù mũi và tai bao giờ cũng thính. Tiếng băm chặt lách cách. Mùi thịt ngầy ngậy. Từ nhỏ đến giờ phàm đã là miếng ăn cụ không bao giờ để ý. Mà để ý làm gì, “miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Cơm nước thế nào, cụ cũng cố cho xong. Chả hiểu bữa cơm ấy sao cụ run tay thế. Cụ đã mù lại già, tay run chẳng lạ. Có điều vì tay run, cụ gắp trượt thức ăn, đũa gõ xuống mâm kêu cộc cộc. Con dâu trưởng của cụ độc địa đốp chát luôn: “Sốt ruột lắm ông ạ. Có cái gì mà ông cứ gõ loạn nhà ra thế. Mở mắt trông thiên hạ kia kìa, sắp chết đói cả lũ. Nhà mình có ăn là phúc rồi, ông đừng có mà đòi hỏi, cạnh khóe.”. Khốn nạn, cụ phó Nhiễu tiếp tục ngồi ăn hết bữa. Lúc dọn mâm bát cho cụ, thấy vẫn còn nguyên đĩa rau rền luộc và bát tương đầy, con giai trưởng – ông Cửu cũng đã ăn xong, mặt đỏ phừng phừng, tăm xỉa toanh toách, chiêu ngụm trà Thái đặc chát – im lặng. Tủi quá, cụ phó Nhiễu không đành được phải chuyển sang ở nhà anh con thứ. Ông Cửu chẳng buồn giữ, chỉ bảo: “Quyền ông. Ông thích ở đâu thì tùy. Mặc xác lệ làng. Cổ hủ mãi rồi, phải cách mạng hết. Có điều ông làm thế là bôi nhọ thanh danh gia đình cán bộ.”. Sang với nhà anh cu Tiêu, tuy có ăn đói một tí nhưng thoải mái. Đến bữa cả nhà quây quần, có gì ăn nấy, vui vẻ ấm cúng. Cụ lại đỡ quạnh quẽ bởi có thằng cháu mau miệng, quý ông, thao thoắng kể chuyện suốt ngày. Cụ đâm hối, biết thế sang đây từ trước, đỡ nhục. Nhưng rồi cụ lại buồn, đã bảo người già cả nghĩ, dỗi hờn như trẻ con mà lỵ, dù sao phải ở với con thứ vẫn là trái lẽ, còn làng xóm, họ hàng. Cụ đã bảy nhăm tuổi rồi, sống được bao nhiêu nữa…
Một hôm cụ phó Nhiễu thèm ăn bưởi. Người già là thế, những cái thèm kỳ cục, bưởi bòng tưởng chỉ con nít ưa thích. Nhà anh cu Tiêu đất mới nên bưởi trồng mới chỉ tầm tầm. Đang lứa bói nên không giữ được đợt quả muộn. Bấy giờ đã là gần cuối tháng Tám ta. Cụ gọi cháu: “Cháu sang bảo bác bứt cho ông một quả.”. Thằng cháu vụt đi ngay. Thật không may, bác Cửu nó đang đi bài quyền thể dục cho sảng khoái tinh thần, hưng phấn cơ thể trước bữa cơm chiều. Giá nó đi sớm mươi phút, hoặc giả ông nó sai chậm nửa giờ có lẽ bác nó đã không buông sẵng: “Hết bưởi rồi, bảo ông thế”. Nó chạy về. Ông nó lặng người, mãi sau mới thẽ thọt: “Cháu đếm hộ ông cây bưởi to còn bao nhiêu quả.”. Thằng cháu chạy đến sát bờ rào nhìn vào. Bác nó trừng mắt: “Chưa về còn đứng đấy làm gì?”. Nó đáp: “Ông bảo đếm xem bao nhiêu quả.”. Bác nó gầm lên: “Già rồi, đốc chứng. Bảo ông đừng có nhiễu.”. Nó về ngay. Nó cần gì phải đếm. Ngày nào nó chả cùng bọn trẻ con rập rình lấy sào chọc trộm. Nó nói phứa: “Còn nhiều lắm ông ạ, đến bảy, tám chục quả.”. Nó cũng không quên nói lại lời của bác nó. Thằng bé vô tình không nhìn thấy mắt ông nó giàn giụa. Cụ phó Nhiễu lần lần rút tờ bạc năm trăm đưa cho cháu: “Cháu chịu khó lên đầu làng bảo cụ cả Đoạch bán cho ông một quả. Ông thèm lắm!”.
Nghe tiếng chân cháu đã đi xa, cụ phó Nhiễu đứng dậy thay bộ quần áo mới con gái vừa biếu. Lòng cụ rưng rưng. Cây bưởi ấy, cây bưởi đầu tiên của làng Kình chính tay cụ trồng. Cụ mang nó về mãi tận mạn ngược, chăm chút mãi. Nó là cây bưởi tổ của làng Kình, từ nó đã sinh ra đàn đàn lớp lớp bưởi con bưởi cháu. Cây bưởi quý ấy có đến tết ta cũng chưa hết quả. Bây giờ mới qua rằm tháng Tám được dăm hôm. Cụ trồng nó có dễ đã dăm chục năm. Kỳ lạ thật, giống bưởi làm sao có thể sống dai đến thế. Phải đến năm chục năm. Không, hơn chứ, cụ trồng cây vào dịp đón cụ bà về cùng ở. Đúng! Ngày ấy có cụ cả Đoạch biết. Chao ôi, thời gian, cụ cả Đoạch là người bạn gái thân thiết, “con chấy cắn đôi” của cụ bà. Thế là lớp người xưa đã rụng rơi gần hết. Cụ phó Nhiễu miên man suy nghĩ đủ mọi sự trên đời. Trí não cụ bây giờ sao mà minh mẫn thế. Bỗng chốc cụ nhìn thấy tất cả, tất cả…
Thằng cháu đi lên đầu làng. Cụ cả Đoạch biếu ông nó hai quả bưởi không lấy tiền. Tiện gặp thằng bạn cùng xóm, nó thịt ngay một quả. Ông nó dặn chỉ mang về có một, thế thôi. Quả bưởi ôm trước ngực, tờ bạc cầm nơi tay, nó tong tả chạy về. Đã chạng vạng tối. Cả nhà nó hôm nay mải mê trên thửa ruộng khoán chưa về. Đến cửa, nó bỗng khựng lại kêu không thành tiếng. Quả bưởi từ ngực thằng bé chuội xuống, từ từ lăn vào giữa nhà rồi dừng hẳn. Phía trên quả bưởi, chỉ cách có gang tấc, đôi chân trần của ông nó buông lõng thõng. Nó òa khóc: “Ông ơi! Ông làm sao thế, xuống đi ông, xuống mà ăn bưởi.”.
Hàng xóm chạy sang. Chị bí thư xã, nhà gần, sang đầu tiên. Kế đó là mấy người đều đảng viên cả. Chị bí thư gấp gáp: “Các đồng chí chứng kiến. Ông cụ thắt cổ chết. Ta biết với nhau là đủ. Gia đình cán bộ, không nên làm ồn ào to chuyện, cần phải giữ…”. Xác cụ phó Nhiễu nhanh chóng được hạ xuống. Thằng cháu nhặt lấy quả bưởi, sấn đến, nhào vào người ông. Mọi người gạt nó ra. Cụ phó Nhiễu được đưa lên nằm ngay ngắn ở chiếc chõng tre. Chả còn gì để mà sang sửa. Cụ đã chuẩn bị tươm tất, quần áo chỉnh tề. Chị bí thư tay vuốt mắt cho cụ, miệng vừa khấn lầm rầm, vừa nấc: “Ông ơi, ông sống linh chết thiêng xin ông nhắm mắt. Lạy ông. Ông đừng nhìn thế, tội lắm.”. Mắt ông cụ dịu lại, nhưng cứ rời tay vuốt lại mở trừng trừng. Dấp đến lít rượu mắt cụ vẫn mở trừng trừng. Lạ thật. Con người ta chết vẫn mở mắt.
Mọi công việc của một đám đại tang thường được tiến hành suôn sẻ. Riêng đám cụ phó Nhiễu có hơi khác một chút, bởi trường hợp cụ là ngoại lệ. Chả gì các con cụ, trừ anh cu Tiêu còn thì toàn là cán bộ hàng huyện, hàng tỉnh cả. Vậy thì phạm vi đám ma không còn thuộc về họ nhà ông Cửu nữa. Cũng không chỉ nội trong làng Kình, nó lớn hơn, lớn hơn rất nhiều. “Rồi thì lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện sẽ về để đưa đám.” – chị bí thư thầm nghĩ. Chả đắn đo một chút nào, chị lệnh ngay cho lực lượng dân quân cấp tốc triển khai sửa sang đường xá, tỉa tót lại bộ mặt của làng. Ban nhạc hiếu của hợp tác xã gồm toàn nhân công lao động loại hai lập tức được điều đến, cử ngay những bài hùng tráng nhất. Phụ trách nhóm lao động được ưu tiên làm cái ông việc nhàn hạ này chính là Kích, lái trâu ngày trước. Bây giờ dân làng gọi là “Nhòm Văn Què”. Sau vụ ngã gãy chân đêm ấy, có đến hai mươi năm rồi, Kích vẫn giữ vẹn nguyên được sự thỏa mãn của kẻ chiếm đoạt được cô Bưởi, dù chỉ là bằng mắt. Chính vì thế trong đám tang cụ phó, Kích hết sức thành tâm và nhiệt tình. Đám tang chỉ hơi có trục trặc một chút đó là sự căng thẳng giữa ông Cửu và em trai. Ý ông Cửu muốn tổ chức đám tang ở nhà mình. Như thế có nghĩa xác cụ phó phải chuyển sang nhà ông Cửu để nhập quan làm lễ phát tang. Căng lắm, hai người phải lôi nhau ra tận rìa đồng để thảo luận. Kín đáo thế là khôn ngoan, bí mật của gia tộc chẳng phải bỡn. Ông Cửu bảo: “Nghĩ nhanh lên để tao còn quyết.”. Anh cu Tiêu xưa nay đầu óc chưa có gì phải nghĩ ngợi, trả lời luôn “Chết đâu, chôn đấy. Anh cứ mặc tôi đưa ông đi.”. Ông Cửu ngọt nhạt: “Mày ngu thế, định muối mặt tao với con Bưởi chắc.”. Không đợi em phản ứng, ông bồi luôn: “Ông ở với tao mãi không sao. Về với mày mới được dăm bữa đã phải thắt cổ chết. Này! – Ông gầm lên – Không phải là tao và con Bưởi thì công an đã về còng tay mày rồi. Đồ ngu!”. Anh cu Tiêu gục xuống. Đau đớn quá, nhưng anh chẳng nói thêm được một lời nào. Còn nói gì nữa, nước mắt trào ra, anh tấm tức khóc. Nước mắt ấy chắc chắn không phải dành cho cái chết của cụ phó Nhiễu.
Mọi chuyện thế là xong xuôi cả. Ngay đến cả cây bưởi già người ta cũng đeo cho nó một vòng khăn tang bằng giấy trắng. Người ta ồn ã. Kèn trống lúc thì réo rắt, lâm ly, lúc thì vui tươi hùng tráng. Ông Cửu, cô Bưởi niềm nở tiếp khách phúng viếng. Anh cu Tiêu xô khăn kín mít, cúi gằm gằm, đầu chẳng ngẩng lên. Chị bí thư xã đọc điếu văn. Sắp đến giờ đưa cụ phó Nhiễu xuống huyệt. Lúc ấy ở giữa làng, một chiếc xe con màu đen bóng lộn đang chạy bị ách lại. Ông cụ Thưởng, ngoại tám mươi, già nhất làng Kình, khăn mặt vắt vai, tay gậy lọc cọc, đi giữa đường. Còi xe pim pim. Vị cán bộ xuống xe. Cụ Thường bảo:
– Ngài về dự tang?
– Vâng!
– Ngài có biết ông phó chết vì lẽ gì không?
Vị cán bộ cười:
– Tuổi các cụ quy tiên là sướng rồi.
Cụ Thưởng dừng tay gậy.
– Chết khổ, chết sở. Chết như thế chúng tôi thèm vào chết!
– Cụ bảo sao?
Ông cụ Thưởng dạt ngay sang vệ đường, chắp tay cung kính:
– Trình ngài. Ông ấy thắt cổ chết.
Chiếc xe dừng lại trước nhà ông Cửu đúng mươi phút. Thời gian đủ để vị cán bộ, thủ trưởng của cả ông Cửu lẫn anh chồng cô Bưởi, thắp một tuần hương tiễn đưa cụ phó Nhiễu.
*
* *
Nhanh lắm, trong chốc lát cụ phó Nhiễu đã nằm sâu dưới đất. Mộ cụ phủ đầy vòng hoa. Bãi Mả ngột ngạt vắng lặng. Mọi người đã về cả, chỉ còn lại hai người. Cụ cả Đoạch cố đắp vào mộ thêm một nắm đất. Lòng cụ bâng khuâng. Ông ấy đi rồi. Tội nghiệp. Mà sao ông ấy lại chào mình trước lúc đi. Người thứ hai chính là thằng cháu. Nó chưa muốn về. Nó cứ quẩn quanh mãi bên mộ ông. Bây giờ nó không khóc nữa. Nó chẳng hiểu gì cả. Nó ngồi rất lâu bên nấm đất. Bỗng nó thấy khát ghê gớm. Mắt nó sáng lên khi nhìn thấy trên mộ ông lẫn trong các vòng hoa là những quả bưởi thờ. Những quả bưởi muộn mằn rám nắng đã quắt lại. Nó vơ ào lấy một quả, hấp tấp chạy ngay đến bên một cái mả xây ở gần đấy. Nó đập mạnh quả bưởi vào thành mả sắc cạnh. Quả bưởi toác làm đôi. Nước bưởi tứa ướt kẽ tay nó. Nó hoặp miệng vào quả bưởi. Nó vẫn thường ăn như thế. Bỗng nó nhăn mặt. Đắng. Bưởi làng nó xưa nay vẫn ngọt mát cơ mà. Không may cho nó, quả bưởi thờ vân vi nhiều tay người đã nẫu. Đắng quá. Nó cáu tiết đập mạnh quả bưởi đã vỡ toác vào ngôi mả xây. Tung tóe những hạt bưởi trắng ơn ởn như răng người, vãi xuống mặt đất…
Hạt sẽ nảy mầm thành cây. Những hạt bưởi này có thành cây ngọt được chăng? Nếu được thì đó là điều trái quy luật ở làng Kình.
Hà Nội 1990
Entry filed under: Truyện ngắn.
1.
zoe | Tháng Bảy 16, 2011 lúc 7:51 chiều
Tem. Gieo gì gặt nấy. Bây giờ em tin thuyết nhân quả. Qủa đấy ngọt lam sao được. 1990 mà đã nghĩ được thế thì it tuổi hơn em cũng gọi là anh. Hi hi
2.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 16, 2011 lúc 8:07 chiều
Làm anh người hơn tuổi sung sướng lắm đây. Khekhe…Cảm ơn zoe.
3.
ha linh | Tháng Bảy 16, 2011 lúc 8:32 chiều
Em về nhì, nhưng đọc sau và còm sau anh Tiến nhé!
4.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 16, 2011 lúc 8:35 chiều
Khekhe….
5.
ha linh | Tháng Bảy 19, 2011 lúc 12:50 chiều
chưa đọc được kỹ nhưng mà riêng đoạn anh Tiến tả cái tinh túy của Bưởi Làng Kình thì đúng là mê! Tả bưởi mà như tả mỹ nhân!
6.
phạm ngọc tiến | Tháng Bảy 19, 2011 lúc 2:19 chiều
Anh Tiến tả mỹ nhân cực kém. Vì trước người đẹp mình như bị ngắn lưỡi ú ớ. Nhưng tả cái khác mà ám chỉ được mỹ nhân thì cũng là được đấy chứ HL nhỉ? Khekhe….
7.
ha linh | Tháng Bảy 21, 2011 lúc 5:28 chiều
Khổ thân cụ Phó Nhiễu, nâng niiu gìn giữ bưởi- hồn cốt tinh túy của quê cụ mà chết cũng vì quả bưởi…không phải quả bưởi giết cụ mà chính là cái cách thế hệ sau cư xử..
anh Tiến đúng là có cái nhìn xa, hồn cốt văn hóa làng, văn hóa cổ truyền, những giá trị truyền thống đã và đang bị chà đạp một cách không thương tiếc..Tâm hồn con người sẽ còn gì khi tách rời những giá trị ngàn đời hun đúc nên…
HÌnh ảnh quả bưởi vỡ văng tung tóe như răng người…nhe nhởn thấy rõ cái sự vô cảm, lạnh lẽo …
8.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 21, 2011 lúc 6:00 chiều
Cũng là làm nghề thôi mà Hà Linh, nghề văn phải vân vi xoay trở nhìn thấy những cái bình thường để “bình thường” nó hòa vào đời sống. Những giá trị về con người đang mai một. Mai một kinh khủng. Câu chuyện này có thật chỉ là được khoác áo văn chương thôi. Dạo viết truyện ni, đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam, gia đình nguyên mẫu dọa khiến anh Tiến sợ mãi sau mới dám bén mảng về làng. Bức tranh quê đẹp lắm anh vẫn cứ ao ước viết được cái gì đó hoặc làm một kịch bản phim thật đẹp về làng quê Việt Nam. Tất nhiên vẫn phải mổ xẻ thực tế. Nhiều người bảo anh có cái nhìn đen tối, hắc ám nhưng nó thế thì mình nhìn sáng tươi bằng cách nào.
9.
ha linh | Tháng Bảy 21, 2011 lúc 6:31 chiều
thực ra em nghĩ anh Tiến viết có vẻ ” hắc ám” nhưng lại là hiện thực và điều đó khiến độc giả được sẻ chia. em không thích những nhà văn chiều lòng bạn đọc, luôn chọn happy ending hay là những tình tiết gượng gạo trốn chạy hiện thực..nếu viết không thật thì khi đọc bạn đọc được ru ngủ, chỉ cảm giác chạy trốn thực tế được chốc lát mà thôi..rồi khi ra ngoài đời sống lại có cảm giác cô đơn..
em lại kết với văn anh Tiến mới gay go!em đọc văn anh Tiến lại thấy thoải mái chứ không có cảm giác bi quan, bất lực như đọc một số nhà văn khác..
em quý sự quyết liệt và sòng phẳng với sự thật của anh Tiến khi viết.
10.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 22, 2011 lúc 9:16 sáng
Có thế nào viết thế, tất nhiên không phải là bê nguyên đời sống vào trang viết được. Mỗi nhà văn có cách xử lý riêng của mình. Anh thì sống và viết đều đơn giản. Có thế nào sống thế, viết thế.
11.
Bùi Văn An | Tháng Bảy 17, 2011 lúc 4:58 chiều
Nè ,già trước tuổi Tiến ơi . trung niên mà viết về người già hay quá . Dân nội đô mà viết về nông thôn tuyệt diệu.
Bố của ông giám đốc chết thì họ tới đông đủ.Đám tang lớn.
Khi giám đốc chết chả ai thèm tới đâu. Hết nhờ rồi. đám tang vắng hoe.
12.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 17, 2011 lúc 5:44 chiều
“Khi giám đốc chết chả ai thèm tới đâu. Hết nhờ rồi. đám tang vắng hoe.”
Nó là như thế, thời này càng thế. Tệ! Khekhe…
13.
Đồ Trọc | Tháng Bảy 17, 2011 lúc 7:39 chiều
Tệ! Hết nói.
Nhưng vẫn còn quả ngọt, tôi hy vọng thế bác ạ!
14.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 17, 2011 lúc 11:36 chiều
Còn chứ, sờ lên trên đầu là thấy. Khekhe….
15.
tata | Tháng Bảy 18, 2011 lúc 9:55 sáng
Đúng vậy bác Tiến ạ, cây bưởi tổ còn thì quả ngọt còn, nhưng thương thay người trồng cây bưởi tổ lại không được hưởng quả ngọt lúc cuối đời, quả ngọt ấy rồi cũng như số phận của cô Buởi được dâng cho ông phó ban tổ chức tỉnh ủy mà thôi, mai đây con ông Cửu, nó cũng như hạt quả bưởi nẫu chuyền qua nhiều tay để rồi nảy mầm ra giống bưởi khác: giống bưởi đắng ngắt.
Luật nhân quả mà, phải không bác Tiến.
16.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 18, 2011 lúc 10:19 sáng
Luật nhân quả. Dạo viết cái ni người ta bảo tui ác. Người gieo quả ngọt ko được hưởng ngọt. Vậy là sao? Giờ thì kinh khủng hơn nhiều. Chỉ mong giời đất còn giữ được luật này. Gieo gì gặt nấy.
17.
Phùng Hoàng Anh | Tháng Bảy 20, 2011 lúc 9:50 chiều
Tặng em cuốn anh Tiến nhé? Cảm ơn anh nhiều.
Phùng Hoàng Anh.
18.
phạm Ngọc Tiến | Tháng Bảy 20, 2011 lúc 10:44 chiều
Nhất trí cái roẹt. Xưa nay in sách tui bao giờ cũng lấy nhuận bút bằng sách. Thế nên tặng thoải mái. Mà mình thì còn có thứ gì ngoài sách để tặng đâu.
19.
bapngo | Tháng Chín 21, 2011 lúc 11:43 sáng
Bác Tiến viết rất thực, rất đời, hay. Tuy nhiên bức tranh ấy còn ẩn 1 chiều hình ảnh khác. Đó là cái cách mua quan bán tước, chiêu bè kết cánh với nhau của giới quan chức, những lớp quả bưởi đắng mà xã hội chúng ta đang nhận, đang phải để lên đầu. Tất tần tật mọi thứ đều lừa dối, kiểu lấy mo nang che…..! Trích đoạn: “Chị bí thư xã, nhà gần, sang đầu tiên. Kế đó là mấy người đều đảng viên cả. Chị bí thư gấp gáp: “Các đồng chí chứng kiến. Ông cụ thắt cổ chết. Ta biết với nhau là đủ. Gia đình cán bộ, không nên làm ồn ào to chuyện, cần phải giữ…”…”
Xã hội mà lấy dối trá làm đầu, che mắt bàn dân thiên hạ về cái sự suy đồi của phe cánh mình thì chả trách văn hóa ngày càng suy đồi. Văn hóa lùn mà lại có quyền, có tiền thì ôi thôi….tội nghiệp cho chúng ta !
20.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 21, 2011 lúc 12:15 chiều
Những chuyện như thế xảy từ rất lâu. Thời điểm tôi viết truyện này cũng đã không còn hiếm. Đưa chiều kích đó cũng là góp một tiếng nói nhưng….Nói văn học bất lực thì hơi quá đáng nhưng nhiều khi cảm giác ấy khiến nhiều ngòi bút chững lại. Tiếc lắm thay.
21.
muopxinh | Tháng Chín 22, 2011 lúc 6:04 chiều
Sao em mỗi khi đọc một câu chuyện về sự bất hiếu, về anh em một nhà hại nhau, em đều thấy sợ. Bố mẹ có thể ta không báo hiếu được trọn vẹn, anh em có thể không giúp được hết khả năng, nhưng sao lại có thể bất nhân đến thế.
22.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 22, 2011 lúc 6:08 chiều
Ai không sợ. Những chuyện thế này buồn là không còn hiếm. Giờ anh em nhiều nhà huynh đệ tương tàn có khi chỉ vì mấy chuyện cơm áo lặt vặt. Tình phụ tử, mẫu tử, rồi chồng vợ….nhiều khi thê thảm. Bất nhân. Đúng.
23.
bapngo | Tháng Chín 22, 2011 lúc 11:40 chiều
Văn học chân chính không bao giờ bất lực đâu bác Tiến ơi, nó nhóm lên ngọn lửa âm ỉ, không bao giờ tắt trong người đọc, cho nhiều thế hệ. Ít nhất là nhắc , giúp cho con người ta suy nghĩ và sống “người” hơn. Xa hơn giống như góp 1 viên đá lấp đi ao tù dơ bẩn, hoặc đến 1 lúc nào đó những ngọn lửa tích tụ đủ lớn sẽ bùng cháy lên thành đám cháy quét sạch cỏ dại, mầm bệnh !
24.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 22, 2011 lúc 11:55 chiều
Cảm ơn bapngo. Xưa nay tôi chỉ viết và muốn viết nhiều nữa về những phận người bất hạnh. Những câu chuyện buồn. Nhưng càng ngày càng thấy rõ sự bất lực của ngòi bút. Đọc những gì trực diện bây giờ càng thấy buồn. Viết gì thật khó. Cứ xoay trở mãi.
25.
Phan Ha | Tháng Mười Một 7, 2011 lúc 8:46 chiều
Hay qua bac a, nhat la may cau cuoi, bac dat den chuan Nam Cao roi day
26.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 12:31 sáng
Cảm ơn Phan Ha. Nam Cao có sống lại cũng bất lực thôi. Hạt nảy mầm thành cây. Nhân quả!
27.
Hà Thu Yến | Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 10:46 sáng
Buồn cười chết đi được, em cười âm ỉ suốt đây này. Đã lần nào anh giống cậu Kích si mê rồi hôn mê sâu chưa…?đáng yêu quá hê…hê..
28.
phạm ngọc tiến | Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 11:06 sáng
Kích nhất trí nhưng chưa bị gãy chân. Khe…khe…
29.
BD | Tháng Mười Một 9, 2011 lúc 11:28 chiều
Bác Tiến ơi: Viết đề tài nông thôn day dứt quá. Ngày xưa ông nội em còn sống bỏ hơn một chục năm nghiên cứu và viết quyển sách “Tên làng xã Thái Bình qua các triều đại” mất hơn chục năm. Ông em nói đất nước chiến tranh nhiều gia đình ly tán , tên địa danh lại thay đổi liên tục nếu mình không làm thì về sau họ có tìm về quê cũ có cái để tra cứu và đỡ mất thời gian tìm . Sau quyển sách đó xuất bản các tỉnh trong cả nước đều xuất bản những quyển sách như thế ở mỗi địa phương . Song có một điều mà tình cờ em nghe được khi ông nội em nói với một người bạn cùng nghiên cứu là mình tìm tên làng – xã qua các thời đại thì nghiên cứu luôn cả văn hóa làng xã qua các thời đại, có thể mất công hơn nhưng đằng nào cũng một công tra cứu, vì làng – xã gắn liền với truyền thống lễ giáo , hương ước của làng xã nó là tôn ti trật tự của xã hội. Thời nào cũng thế những tác động của xã hội ảnh hưởng đến tôn ti trật tự xã hội thu nhỏ trong làng – xã, lễ giáo – hương ước của làng bao giờ cũng có điều chỉnh. Những gì lạc hậu thì bỏ , những gì phù hợp với hiện tại mà không có trong hương ước thì bổ xung để cho tôn ti trật tự được gìn giữ.
Đến bây giờ những tôn ti trật tự ở thời kinh tế thị trường ở làng xã không được ai quan tâm bổ xung nên nó làm cho xã hội nông thôn méo mó, không đúng với bản chất thật thà chất phác của người nông dân nữa rồi.
bác đi nhiều, viết nhiều về đề tài nông thôn thật là trăn trở với những cái đã diễn mà chưa có lời giải. Trong khi đó các nhà nghiên cứu văn hóa về nông thôn vẫn chưa tìm ra chiến lược của văn hóa làng xã Việt Nam tương lai sẽ như thế nào? Cho nên thật là buồn với những gì đọc được ở “Quả muộn” của bác Tiến cái tôn ti trật tự từ gia đình đến làng xã bây giờ mọi người ít quan tâm để ý ngoài những nhà văn?
Em chỉ viết theo cảm nhận của cá nhân em, có gì không đúng mong bác thông cảm nhé. BD
30.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Mười Một 10, 2011 lúc 12:01 sáng
Phải cảm ơn cái comment công phu này. Cũng như cảm ơn ông nội của BD. Đó là những nhà văn hóa giữ lại được những nét đẹp của nông thôn Việt. Quả muộn buồn nhưng không hề bi quan đâu bạn. Bởi những thứ gì trái quy luật trước sau gì cũng sẽ bị đào thải.