Cuộc đỏ đen số phận (Truyện ngắn)

Tháng Bảy 21, 2011 at 10:49 sáng 58 bình luận

( Cái truyện ni nằm trong tập truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông. Xuất bản năm 1992. Tái bản 2011. Háo danh 3 về bác Nguyễn Trọng Tạo còn phải đợi đôi chút về thủ tục chưa post được ngay, bà con xem tạm.)

Lượn đúng một vòng quanh nhà, mắt dớn dác đảo mọi xó xỉnh, gã trai mới thủng thẳng dừng lại trước mặt ông Thành:

– Chào ông Khếch!

Ông Thành giật thót người. Gã trai này ông không quen. Sự xuất hiện đường đột từ lúc gã hùng hổ đạp chân chống chiếc xe máy to đùng ở giữa sân, đến cái điệu bộ tự nhiên, cái nhìn như nuốt chửng mọi thứ trong nhà của gã làm ông Thành ớn ớn xương sống. Gã trai tay vân vê mấy cái lông dài lượt thượt trên cái nốt ruồi đen sạm, to bằng đồng xu dưới cằm, nhìn ông chằm chằm:

–  Thế nào, ông Khếch không nhận ra thằng này ư?

Ông Thành cố hết sức mở thật to đôi mắt đang đỏ ngầu vì cơn sốt quái quỷ hành hạ ông từ sáng đến giờ. Ông lắp bắp:

– Tôi không quen anh. Mà tôi cũng không phải tên là Khếch.

Ha… ha… ha – Gã trai phá lên cười – ông Khếch. Trời ơi là trời, là ông khốt, là ông bô. – Gã xấn đến, ôm chặt lấy ông, hôn túi bụi vào mặt, vào cổ.

Ông Thành muốn hét thật to. Song lưỡi ông như co ngắn lại ú ớ.

– Anh là ai? Tôi xin anh. Tôi đang sốt.

Gã trai buông ông:

– Sốt là còn nhẹ, nhiều thằng còn sướng phát rồ, phát dại. Sáu mươi triệu bạc. Đúng là một cuộc đổi đời. Ông Khếch vờ vịt hỏi thằng này là ai. Vội quên nhau thế?

Gã trai lại nhào đến, ôm lấy ông Thành, giọng rên rỉ: “Bố ơi, bộ xổ số bố luộc của con trước giờ quay hôm qua vào rồi. – Hai con bát táp ba con tứ. Sáu mươi triệu”. – Gã buông ông Thành lẩm bẩm một mình “Toàn số phò, tưởng trút được của nợ, gỡ lấy vốn; nào ngờ… Mà nhiều nhặn gì cho cam, có bốn vé hai nghìn đồng bọ. Rõ đồ ăn mày, con người ta đúng là có số thật”.

Ông Thành lồm cồm từ trên giường bước xuống:

– Anh nói cái gì?

– Còn cái gì, ông trúng sáu mươi triệu, lủi một mạch, làm thằng này tìm hụt hơi, muốn chết luôn. – Gã bỗng nổi xung – cái lộc thiên hạ được hưởng, tưởng ông cũng phải san sẻ cho thằng này vài “chỉ” mới phải đạo. Đằng này ông định “tí hút con mẹ hàng lươn”.

Ông Thành nặng nhọc rơi mình xuống chiếc ghế dựa:

– Khốn nạn. Tôi ốm từ đêm đến giờ, có biết chuyện gì đâu.

Mắt gã trai xoe xoe:

– Báo đây, so đi. – Gã quẳng ra bàn tệp bạc còn nguyên nếp – Trăm tờ năm thiên đấy. Bố chắc cũng mướp, con tạm ứng trước để bố ăn mừng. Rồi thì lúc lĩnh thưởng, bố con mình thanh toán sòng phẳng.

*

*     *

Ông Thành trúng giải đặc biệt sáu mươi triệu đồng! Cái ngõ nhỏ của ông xôn xao. Tin đồn nhanh hơn bất cứ thứ điện tín khẩn cấp nào. Nhanh đến nỗi chỉ hai ngày sau con gái lớn của ông lấy chồng quê, xa đến bảy mươi cây số đã tay xách, nách mang, con bồng con dắt tìm về chia vui với bố. Dân ngõ chợ này chỉ không bàn chuyện chính trị, còn thì họ đàm tiếu đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển. Hàng tháng trời người ta xì xầm to nhỏ về chuyện con gái cưng ông tổ trưởng dân phố, xinh đẹp là thế đã từng vào vòng chung kết thi hoa hậu, bỗng mắc một căn bệnh nan y, bụng bị chướng phình, dù chưa có chồng. Sau phải tìm vào tận thành phố phía Nam để thuốc thang chạy chữa. Người ta nhắc nhở nhau ròng rã hàng năm trời tấm gương tày liếp con trai ông Phát buôn thuốc nhuộm, háo sắc trúng mỹ nhân kế, mất cả xe máy lẫn đồng hồ, tiền bạc. Nửa đêm mò về nhà trần trụi trên thân chỉ còn đóng mỗi manh xà lỏn. Vân vân và vân vân. Còn lần này, cái giải sáu mươi triệu, bỗng dưng về tay ông Thành, thực sự là một chấn động dữ dội, tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của tất cả mọi công dân trong ngõ. Và dân trong ngõ đâm ra hào phóng. Những nhà ky bo nhất cũng sa sả súc ấm thay bã, không hề đắn đo giá một lạng trà ngon bây giờ không dưới một ngàn bạc. Người ta còn mời cả nhau uống rượu. Trong cơn hào hứng như say còn có chút ít lòng ghen tị. Lão Phát buôn thuốc nhuộm sau khi lừ lừ quật hết bốn chén tống rượu thuốc, phát biểu cụt lủn: “Sâu bọ lên làm người.”. Lão ít nói. Dân buôn bự vốn sẻn nhặt từ lời nói, chỉ có những thằng túi rỗng mới hay múa mỏ đa ngôn. Câu nói của lão không được hưởng ứng. Ông cả Đoạt, nhà buôn vải, mới bị công an kinh tế chặn bắt mất một xe hàng lậu, đang nghi con lão Phát chỉ điểm, đốp chát: “Ai là sâu bọ? Cả cái ngõ này đã ai làm to bằng ông ấy. Một thời lên xe xuống ngựa, tiền của như nước. Chẳng qua sa cơ, anh hùng đâm ra nhỡ bước.”. Lão Phát trợn mắt: “Nịnh hả… Định cá kiếm chắc.”. Cơn bốc máu của hai vị hảo hán giàu nhất phố may mà có người can kịp.

Đêm hôm ấy nhờ trời trôi qua rất bình yên. Mọi người đã yên ngủ. Chỉ còn mỗi mình ông Thành thao thức. Nghe rõ cả tiếng mọt nghiến rỉ rả. Bất giác ông lấy bộ xổ số ra ngắm nghía. Những tờ giấy mỏng manh. Cô gái trong tấm vé có khuôn mặt thật đẹp. Bà ấy ngày xưa cũng đẹp. Hình như cô gái xổ số đang cười. Nụ cười sáu mươi triệu đáng giá lắm. Còn bà? Tội nghiệp quá. Ông sẽ sàng tiến lại phía bàn thờ. Phút chốc, khói nhang tỏa nghi ngút.

*

*     *

Ông bà lấy nhau từ ngày còn kháng chiến chín năm. Con người ta âu cũng là do cái duyên trời se, đất định nên mới xui khiến cái đêm trăng vành vạnh năm ấy, bỗng dưng chuyển trời dông gió ầm ầm, mây đen mù mịt. Ông Thành trong đội biệt động tiềm nhập vào thành trinh sát, bất ngờ bị trúng đạn của lũ lính lê dương bốt gác Đầu Cầu bắn cầm canh. Mọi việc diễn ra sau đó thật đơn giản. Ông bị thương nằm rên rỉ ở mép nước được bố con người thuyền chài tốt bụng cứu đưa lên thuyền băng bó, chữa chạy. Một đêm nằm bằng trăm năm nghĩa, cảm cái đức của gia đình thuyền chài ân nhân, ông Thành gắn luôn cuộc đời mình vào với số phận của con thuyền mong manh, cùng cô chủ trẻ trung thùy mị. Hòa bình, họ đưa nhau vào thành phố. Cuộc sống thật hạnh phúc. Thời gian thấm thoắt trôi. Anh chiến sĩ Vệ quốc trở thành quản đốc rồi một giám đốc tài ba. Giới công thương thành phố không mấy ai không biết đến tiếng tăm của giám đốc Thành. Ông là người đột phá, xông xáo tìm ra những cách làm ăn mới. Một quá khứ vinh quang cộng với một thực tại oanh liệt, đã đẩy ông lên đến đỉnh vinh quang của thành đạt, sau ba mươi năm làm quản lý, từ thấp lên cao.

Vậy mà, đến một lần… chắc rồi ông sẽ chẳng bao giờ quên cái ngày thê thảm ấy. Mới chỉ cách đây có hai năm chứ mấy. Phải rồi, đấy là chuyện ông đi công cán Sài Gòn với tay Doanh quản trị. Mãi sau này ông mới vỡ nhẽ: Mọi tai ương hiểm họa đều do bàn tay thằng ấy sắp đặt cả. Cái ngày ông chủ trương giải thể toàn bộ phòng ban để áp dụng chế độ làm việc trợ lý, có người ngay thẳng đã can ông đừng dùng Doanh vào chức ấy. Tướng nó là tướng Bàng Quyên, mặt dơi, tai chuột… Vậy mà ông không nghe! Chung quy cũng tại vì miệng lưỡi nó ngọt quá. Chết nỗi, ngọt đúng vào lúc ông đang háo. Lần thì nó bảo ông cần phải có bộ sa lông cẩm lai đệm mút để tiếp khách cho sang: “Anh có mát mặt thì cả cái xí nghiệp này cũng được thơm lây.”. Thơm lây thật. Bộ sa lông của nhà nó còn đẹp bằng mấy bộ của ông. Lần thì nó thủ thỉ: “Kỷ nguyên này là kỷ nguyên của tivi màu và casset cục. Tội gì mà anh dùng đồ cổ mãi. Mang tiếng lậu hủ. Mình có xin xỏ ai đâu”. Nói thế rồi thì hôm sau nó khuân về cho ông đầy đủ. Tất nhiên nó cũng phải có. Rồi kiện cáo ầm ầm lên sở, lên thành. Vụ ấy uy tín của ông đủ dập tắt mọi tai tiếng. Còn nhiều lần khác nữa. Vợ ông là người nhân đức, nhìn cái gì cũng thành ra nhân đức, mà cũng không ít lần phải bảo:

– Tôi thấy chú Doanh cứ gian gian thế nào ấy. Con ngươi đã nhỏ lại hay đảo. Ông phải cẩn thận. Đồ đạc nhà mình dạo này sắm sanh nhiều. Tôi lo lắm.

Ông cười:

– Bà lẩm cẩm, “lo bò trắng răng”. Thằng ấy là tâm phúc của tôi đấy. Có kiềng là kiềng mấy thằng trợ lý ở ngạch kế hoạch, tài vụ, tổ chức. Bọn ấy mới hay nhiễu nhương khuynh đảo, sểnh là chết. Phải để mắt đến. Chứ còn thằng Doanh. Cứ cho là nó gian gian đi. Bất quá cũng chỉ là thằng đầu sai, phục dịch. Nay đặt tiệc tùng, tiếp khách, mai sắm sanh mua bán vớ vấn, quản mấy thứ đồ công, vương tướng gì mà phải sợ!

Ông đã lầm. Và ông đã bị Doanh đánh gục ở chuyến đi công cán Sài Gòn ấy. Hai thầy trò trọ tại một khách sạn tư doanh có cái tên ỡm ờ “Chiêu Anh Quán”. Nghe cái tên ông đã thấy gờn gợn. Đầu hai thứ tóc rồi, chiêu anh, chiêu em gì, kỳ cục quá. Nhưng Doanh gạt ngay: “Anh cứ cổ hủ. Đổi mới rồi! Đây là một thành phần kinh tế bung ra đấy. Mình không ủng hộ coi như là gián tiếp bóp chết đổi mới.”. Ông ầm ào cho qua. Của đáng tội, nhân viên ở đây toàn trẻ đẹp, chú chú, con con đến là ngọt. Thì đã bảo, ông chết vì ngọt. Cả ngày công cán mệt mỏi, chiều về được xả láng tắm hơi, rồi lại được phục vụ xoa bóp kể cũng thú vị. Đã thế cô nhân viên matxa miệng cứ ngọt thơi lởi: “Được phục vụ mấy chú là tụi con mãn nguyện lắm. Mấy chú cả đời cách mạng, dãi gió, dầm sương, cực nhọc. Bây giờ đất được thái bình mới được tí chút xả hơi, hưởng thụ. Tụi con hết mình phục vụ các chú.”. Nghe ngon lành quá. Người ông cứ ran lên như phải bỏng. Ông nhắm nghiền mắt. Có các vàng ông cũng chẳng dám mở mắt nhìn. Rồi thì vài ngày sau, trong một lần yến tiệc quá đà, chính cái cô phốp pháp chỉ đáng tuổi con ông ấy, đã quần ông ngay trên giường ngủ của ông. Ông chuếnh choáng đến mấy ngày. Rồi cơn chuếnh choáng cũng hết. Ông đủ nghị lực để dằn vặt, ân hận, xỉ vả mình. Ông bỏ chuyến công cán, vội vã bay ra Bắc như là để chạy trốn. Và bất hạnh ập xuống không ngờ. Chỉ mươi ngày sau vụ “Chiêu Anh Quán” đổ bể, chấn động cả nước. Loạng quạng thế nào người ta vớ được cả ảnh ông ở đấy. Trong danh sách báo chí nêu ra những phần tử “quan lại cách mạng” biến chất, ăn chơi đàng điếm có cả tên ông. Oan thì không oan, nhưng mà ức. Đã hết đâu, thằng Doanh chuyến ấy dùng séc khống rút ra mấy trăm triệu đánh quả, bị bắt, nó đổ hết tội cho ông. Suýt nữa tay ông cũng bị còng. Thằng Doanh bị tù, ông cũng bị cách tuột hết mọi thứ. Công lao cả đời coi như xong gọn. Rồi cũng qua những ngày lận đận ấy. Đúng lúc ông tưởng mình đã nguôi ngoai, thì bà lâm bệnh. Nhanh lắm, chỉ chưa đến tuần lễ. Một buổi sáng bà gọi ông đến bên nói dịu dàng: “Mình ạ! Tôi rất thương và hiểu mình. Mình mất hết là phải. Tôi cũng có lỗi trong đấy. Thời buổi nhiễu nhương này, thiện ác lẫn lộn, thật giả nhập nhằng, người không kiên tâm là gục ngã. Tôi không trách mình đâu. Cũng muốn cùng mình gánh chịu những cực nhọc còn lại. Nhưng sức tôi đã kiệt. Mình ráng sống…”. Ông òa khóc. Bà đã lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng với khuôn mặt đầy ưu tư, phiền muộn. Ông ôm mặt khóc rất lâu.

*

*     *

Cái tin trúng số độc đắc quả có cánh bay kỳ diệu.

Đến sáng hôm thứ ba, nhà ông Thành đã tề tựu đông đủ. Ông có ba đứa con. Cô lớn năm nay xấp xỉ bốn mươi tên là Bích, học hành dang dở. Mới chớm lớn đã dính vào yêu đương. Rồi thì tiếng gọi tình yêu mạnh đến nỗi, cô dứt bỏ tất cả theo chồng không chút luyến tiếc về tận Hà Nam Ninh. Anh chồng quê tốt đấy, lành đấy, có sức khỏe đấy, nhưng cũng chỉ là anh giáo cấp ba trường huyện, nửa quê, nửa tỉnh. Bích tông tênh cho qua ngày với cái chân văn thư huyện, lương chỉ đủ ăn quà sáng cho một mình cô. Lương nhà giáo chả được bao lăm. Tóm lại là cực vì nghèo. Song trời sinh voi ắt trời sinh cỏ. Mấy chục năm nay cứ tháng tháng, vợ chồng cô đều đặn về nhà. Tất nhiên là phải có viện trợ. Cái đận ông Thành làm ăn khấm khá, cô Bích cũng mượn gió bẻ măng kiếm được ít đồ dùng tàm tạm đủ mát mặt với dân phố huyện. Đùng một cái xảy ra biến cố trên. Sau khi chịu tang mẹ, Bích biết là không thể vơ bèo, vạt tép được nữa. Cả năm trời, trừ ngày giỗ mẹ, còn thì cô cam chịu cảnh lặng tiếng im hơi. Có ai đó ngầm mai mỉa thái độ dửng dưng nước lã qua sông, cô thản nhiên bảo: “Thời buổi chạy cho đủ ăn đã… Tiền đâu mà tàu xe đi lại. Thôi đành… thương để trong lòng”. Ông Thành biết cả. Mặc cảm tội lỗi khiến ông chấp nhận thái độ lạnh lùng của con mà không dám một lời oán thán. Bây giờ thấy con về, ông mừng mừng, tủi tủi.

Sau Bích là Hưng. Con trai, lại kẹp giữa bà chị và cô em nên Hưng được nuông chiều và sung sướng từ nhỏ. Trước kia, khi còn quyền chức, những lúc tiệc tùng vui vẻ, ông thường cười khà khà bảo với thuộc cấp: “Đẻ thế là cả một nghệ thuật…”. Hưng lấy vợ muộn. Bộ đội về, học xong đại học mới cưới. Cô vợ làm ngành du lịch xem chừng cũng rủng roẻng. Khi bà đi xa, ông lực cùng thế kiệt, của nả chả còn, lúc ấy là lúc cô con dâu phát huy thế mạnh. Cả gia đình đang quen sống phong lưu giờ trông cả vào sự xoay sở của mỗi mình cô. Thế là sinh chuyện, cô đâm ra bẳn gắt. Lạ lùng là Hưng bỗng xoay 180 độ, ngả theo vợ. Những lúc nghe vợ Hưng bóng gió, ám chỉ này nọ, ông Thành thường lặng lẽ lui vào buồng trong chịu bề nhẫn nhục. Lúc ấy trong niềm đắng cay ân hận, lòng ông không khỏi pha chút đau đớn thế sự nhân tình. Một hôm vợ chồng thằng Hưng đùng đùng rút về bên ngoại, chả thèm hỏi ông lấy nửa lời. Nghe nói bên ấy chúng nó được chia một ngôi nhà rộng rãi. Kể ra, nếu không có sự gì thì cũng là mừng cho con. Đằng này ông hiểu: Ông là nỗi nhục, là gánh nặng… Ông vác cái bơm ra đường. Bơm vá xe đạp để kiếm thêm đồng, cũng là việc ông muốn tự hành mình bởi nghĩ tới bao sai sót nặng nề ông đã gây nên. Cũng còn may cho ông là cô con gái út, tuy ít tuổi nhưng nó cảm thông được nỗi đau của bố. Năm nay nó ra trường đây. Nó học đại học Tổng hợp, ngành Văn. Học văn là học cách làm người. Học làm người bao giờ cũng khó. Nó bảo ông: “Bố làm thế, thật tội nghiệp. Nhưng thôi tùy bố. Mỗi người có một cách giải thoát.”. Ông sững sờ. Hóa ra bọn trẻ bây giờ không phải đứa nào cũng hỏng. Hiểu được nỗi đau của người khác, đó là nhân cách. Chính cái hôm ông mua bộ xổ số, là hôm Ngọc ở trường về, khoe ông tờ báo in truyện ngắn đầu tay của nó. Cầm tờ báo ông còn run hơn cả nó…

Hưng là người về sau cùng. Tuy nhà chỉ cách vài dãy phố, nhưng biết tin muộn nên mất gần trưa hai vợ chồng Hưng mới vội vã, hoảng hốt chạy về. Vứt chiếc xe đạp lăn kềnh ngoài ngõ, mặt tái nhợt, Hưng lắp bắp câu gì không rõ. Chưa ai kịp trả lời, nhưng thấy cảnh nhà đông đúc, Hưng đã đoán biết tin bố trúng số là hoàn toàn có thật. Cô con dâu, tay gạt gạt mồ hôi bết bệt ở lọn tóc mai, phân trần:

– Nhà con đi công tác vắng, mãi sáng nay về nên biết tin muộn. Bây giờ mới sang được. Bố…

Ông Thành gật đầu xua tay.

– Không sao. Bố mua một bộ số trúng độc đắc. Vé vẫn còn đây. Dẫu sao cũng phải đợi các con. Đông đủ cả rồi – Ông cố nén nhưng hơi thở dài vẫn phào ra – Hoàn cảnh nhà ta các con đều biết. Phận bố coi như đã xong. Bộ xổ số, thôi thì tùy các con định liệu với nhau.

Ông run rẩy, mặc dù cơn sốt đã dứt. Cổ ông có một cái gì như nghẹn tắc. Hưng không để ý đến thái độ của bố, láu táu:

– Thôi, bố nhắc lại chuyện cũ làm gì. Đời còn dài, ai cũng phải sống cả. Cái gì qua đi là chôn luôn. Nhà ta trời cho lộc. Đã có lộc, cứ hưởng cái đã. Theo con, bố không nên đi bơm xe nữa. Cái Ngọc sắp ra trường rồi. Tiếng tăm cần phải giữ, còn kiếm cho nó tấm chồng xứng đáng. Con một ông bơm xe, có tiền triệu, nghe nó vẫn thế nào ấy.

Ngọc đang lúi húi ở góc nhà làm gì đấy, dường như không chịu nổi, lạnh lùng nói: “Cảm ơn anh. Anh cứ lo đàng hoàng cái phận của anh đi.”. Như không nhe thấy, Hưng nuốt nước bọt đánh ực, rút tờ báo, mắt sáng lấp lánh. “Một xe DD, một Mô-kích – Hưng lẩm bẩm một thôi dài – Mẹ kiếp! Toàn hàng cắt cổ. So với giá “luộc” ở sốp mất đứt hai triệu bạc. Đám xổ số gớm thật, chặn đầu chặn đuôi đủ cả – Hưng vứt tờ báo – Phải đi đăng ký ngay bố ạ. Sớm sủa còn có thời gian chọn lựa. Tống ít tiền kẻo “nó” cho mình toàn hàng “đểu” thì toi. Mà cũng không cần quay tivi, ti viếc làm gì.”. Đoạn Hưng quay sang nhìn xéo về phía Bích:

– Thế còn ông giáo làng đâu, sao không về cho đủ bộ. Mà nghe tin nhanh thế, chắc chưa kịp tập tành “máy miếc”. Tập nhanh đi, để còn rước về làng cái “kích ớt” cho oách.

Dường như chỉ đợi có thế, Bích đốp chát luôn:

– Này nói cho mà biết. Mẹ mất thì còn bố. Nhà phải có tôn ti trật tự. Đừng hỗn láo, hàm hồ. Nhà tôi về đây là về với bố. Chứ còn cái mặt anh chị, có các vàng đây cũng chẳng thèm.

Vợ Hưng mát mẻ. Cô là hướng dẫn viên du lịch nên bao giờ cũng mát mẻ:

– Vâng! Vàng thì có đấy. Sáu mươi triệu là ba mươi cây. Thoải mái đào…

Đến đây thì Bích òa lên:

– Khổ thân tôi chưa. Mẹ ơi, sao mẹ vội vã đi, để nhà không còn nóc.

Ông Thành vuốt ngực, cố nén một cơn đau dữ dội đang trào lên lồng ngực. Nhưng ông im lặng. Ngọc bước ra giữa mọi người, cô nói như mếu:

– Thôi nhục thế đủ rồi… Các người đi đi. Mang hết tất cả đi…

*

*     *

Phái đoàn của cư dân trong ngõ do chính lão Phát “nhuộm” dẫn đầu sang chúc mừng ông Thành. Vụ cãi vã hôm qua giữa lão và Cả Đoạt kết thúc bằng một trận rượu say túy lúy do lão hào phóng đãi. Thôi thì, chín bỏ làm mười, hàng xóm láng giềng cả. Phải xử hòa với Cả Đoạt là lão thua thiệt đấy, ấm ức đấy, nhưng mà thôi, vui vẻ. Ông Thành bối rối trước thịnh tình của hàng xóm. Bích lăng xăng, mời chào khách khứa. Hưng phóng luồng mắt nghi ngại ra xung quanh. Thêm nữa, một đoàn khách ở quê ông cũng vừa ra kịp. Mà lại toàn là các bậc vị cao trong tộc họ cả, thế mới lạ kỳ chứ! Chuyện họ hàng phải nghiêm chỉnh, vớ vẩn là phiền. Họ Phạm của ông Thành ở làng Mộc to lắm. Các chi, cành của nó như rễ cây đại thụ lan tỏa khắp trong làng, ngoài xóm. Cụ tổ của họ làm quan đến thượng thư, tiếng tăm suốt cả mấy miền. Trải mấy mươi đời, giờ đến lượt ông Thành là cành trưởng, quản cả tộc họ. Ngày còn đương chức, thi thoảng ông đánh xe con về làng. Chức giám đốc chưa phải đã là ghê gớm, còn cách xa một trời, một vực so với tổ tiên, ví như hòn cuội với tảng đá. Dẫu sao cũng còn tàm tạm gọi là lên xe, xuống ngựa, bởi vậy chức trưởng tộc của ông cũng chưa đến nỗi phải bẽ bàng với làng xóm. Khốn nạn. Lúc ông mất tất cả, trở thành ông lão bơm xe dở điên, dở dại, thì sự thế trở nên nan nguy quá. Người nối dõi thượng thư lại chỉ là một kẻ bơm xe tầm thường. Suy vi quá. Mạt vận quá. Sau một chầu họp cả họ, có kèm rượu ngang nhắm với đậu phụ luộc chấm mắm tôm, các chi, các cành quyết định truất ngôi tộc trưởng của ông… Vòm trần xoay chuyển. Bỗng dưng ông có món tiền lớn. Cái án truất ngôi kia, họ hàng hẳn chưa quên. Nhưng khốn một nỗi cái miếu tổ của họ dạo này xơ xác quá, cần phải tu sửa. Mà tu sửa ắt phải có tiền. Thế là đoàn khách quê ấy, áo mũ chỉnh tề, khăn gói lặn lội đến nhà ông Thành để bàn chuyện đại sự. Hưng mắt vằn vằn đỏ, không biết vì men rượu hay tức tối vì món tiền lớn có cơ bị chia xẻ, nói không úp mở:

– Xin lỗi các cụ! Các cụ ra chơi thế này là quý hóa vô cùng. Rượu ngon đấy các cụ cứ xơi. Nhưng mà tôi, tôi bảo thật. Cái miếu thờ cụ thượng thư ấy, nó đã tàn thì trả quách về thiên cổ. Sang sửa làm gì cho mệt. Lo là lo cho người sống đây này. Tôi đây! Tôi cũng là cành trưởng. Rồi còn thằng đích tôn này nữa – Hưng chỉ vào đứa con trai bốn tuổi – chả đợi các cụ truất, bố con tôi cũng xin kiếu. Tộc trưởng với chả họ trưởng, toàn những danh vị hão huyền, đã không được lợi còn tốn kém, rách việc. Tôi xin kiếu.

Ầm ĩ như chợ vỡ, người mắng, kẻ can hỗn loạn. Mãi sau trật tự mới được lập lại. Hưng đã tỉnh táo.

– Thôi mọi chuyện rồi sau phân xử. Bây giờ thế này – Hưng quay sang ông Thành – Bộ vé con đã để trên bàn thờ. Trước khi mang đi đăng ký, bố thắp thêm một tuần hương cho vong linh mẹ con đỡ tủi. Xin mẹ hãy về chứng giám…

Ông Thành tay run run, mắt rân rấn. Ông nghẹn ngào. Khấn gì bây giờ? Mãi sau ông mới lắp bắp được mỗi một câu: “Tội nghiệp…”. Hương cháy. Những đốm lửa nhỏ xíu như đom đóm lập lòe. Mùi hương trầm ngạt, u tịch.

Hưng kính cẩn nghiêng mình trước ban thờ. Mọi người lặng lẽ như thể cần phải trang nghiêm để chứng kiến một thời khắc trọng đại. Hương đã tắt. Bỗng Hưng hét lên man dại rồi lao sầm cả cái thân hình lực lưỡng vào đứa con trai bốn tuổi. Thằng bé đổ sập xuống. Trên tay nó là bộ xổ số bị xé làm đôi. Chẳng hiểu vì sao bộ xổ số lại bay rớt từ ban thờ xuống, rơi đúng vào chỗ thằng bé đang tha thẩn chơi. Nãy giờ, nó bị tất cả mọi người lãng quên. Mặt nó tái mét vì đau đớn và sợ hãi. Nó còn bé quá, không hiểu được những tờ giấy nó vừa nghịch ngợm xé, trị giá những sáu mươi triệu. Từ tay thằng bé, những mảnh vé số lả tả rớt xuống nền nhà. Hưng vút ra ngoài đường vừa chạy, vừa hét. Vợ Hưng lạch bạch đuổi theo, cố níu giữ chồng. Bích vừa khóc vừa lăn lộn. Ngọc nhào đến ôm chặt lấy thằng cháu. Ngần ấy con người thoáng chốc sững sờ, chết lặng. Chỉ có mỗi ông Thành lững thững bước ra sân. Bỗng ông khựng lại, lạnh buốt người. Trước mặt ông đường đột xuất hiện chiếc xe máy to đùng. Gã trai hùng hổ đạp chân chống xe. Mắt gã dớn dác đảo mắt một vòng rồi toét miệng cười:

– Chào ông Khếch!…

Hà Nội 1989

Entry filed under: Truyện ngắn.

Quả muộn (Truyện ngắn) Háo danh 2: Chào Bọ Lập Hà Nội

58 bình luận Add your own

  • 1. Small  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 4:26 chiều

    Chú ơi, chú trở lại blog lúc nào vậy? lâu quá rồi, cháu vui quá! vào xem tình hình chú thế nào thì bóc được cái Tem vàng này 🙂

    Trả lời
    • 2. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 4:38 chiều

      Chào Small. Chú vẫn giữ blog thường thường mà. Thi thoảng vào cho vui nhé. Tình hình cháu thế nào rồi? Vẫn tốt chứ.

      Trả lời
      • 3. Small  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 4:43 chiều

        Thông báo với chú là gia đình nhỏ của cháu có thêm 1 thành viên mới nữa rồi chú à! một thay đổi rất lớn, sau hơn 2 tháng cháu cũng trở lại với blog.

        Trả lời
        • 4. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 5:10 chiều

          Chúc mừng. Chú hỏi là muốn hỏi cái đó nhưng sợ thô vì hỏi trực diện nhỡ chưa có thì lố quá sợ làm cháu buồn. Chúc mừng, chúc mừng….

          Trả lời
  • 7. ha linh  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 5:29 chiều

    trình diện chứ chưa đọc được anh Tiến ơi!

    Trả lời
  • 8. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 6:02 chiều

    Cái này đọc lại thấy viết kém quá. Sao ngày ấy lại để lọt nó vào trong tập không biết.

    Trả lời
    • 9. ha linh  |  Tháng Bảy 21, 2011 lúc 6:34 chiều

      em chưa đọc kỹ nhưng có vẻ mạch truyện hơi chăp vá đúng không anh Tiến?

      Trả lời
      • 10. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 9:19 sáng

        Chắp vá thì không nhưng viết lành quá. Mạch tâm lý mỏng. Cái này ko hiểu sao lại lọt. Anh Tiến lúc in tập lựa kỹ lắm. Vợ còn lấy đại được. Khekhe….

        Trả lời
        • 11. ha linh  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 4:04 chiều

          công nhận truyện này anh Tiến viết hơi trễ nải, không có nhiều cảm xúc. em đọc truyện anh Tiến thương cảm giác anh Tiến gửi gắm cảm xúc vào từng chi tiết, con chữ…nên truyện này chi tiết k đắt, ngôn ngữ sao không được biểu cảm lắm..
          hihihi đó là cảm nhận của em nhé..
          chi tiết không đắt, mang tính liệt kê chứ k diễn tả cảm xúc, tính cách nhân vật…

          Trả lời
          • 12. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 4:46 chiều

            Đọc lại thấy chuồi chuội thật. Không nghĩ là truyện này lại kém thế mà lọt vào tập. Đây là tập truyện mang lại mấy giải thưởng cho tui dạo đó lắm đấy. Hóa ra có một ông tên là sạn thoát lọt. Khekhe….

          • 13. ha linh  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 7:52 chiều

            em nghĩ có lẽ người ta lấy tư tưởng của truyện là chính.

          • 14. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 9:43 chiều

            Tư tưởng quan trọng nhưng nếu cứ nhăm nhăm vào nó thì truyện sẽ khô cứng thậm chí hỏng. Tóm lại khi viết là viết thôi. Viết cái gì thôi thúc mình lúc đó có nghĩa là đã bắt trúng mạch và đảm bảo thành công một nửa. Phần còn lại là kỹ thuật và bản thân câu chuyện.

  • 15. sapa QC  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 9:04 sáng

    Truyện của Tiến Sapa đọc không nhiều, phim Làng Nhô đã xem. Những truyện đã xem hầu hết cảm giác là khốc liệt, cũng có những khoảng cổ tích dịu dàng nhưng ít.
    Sapa không biết lắm về cấu trúc, tiết tấu, cao trào… Nhưng xem truyện của anh Tiến cứ có cảm giác anh viết đúng về Việt Nam những ngày Sapa từ khi sinh ra đã nhớ được đến nay. Tự nhận mình có chút máu liều, vậy mà đọc chuyện anh, đến cả tả trái bưởi làng Kình cũng ngon kiểu như vật dành cho hiến tế! Mình iếm thế quá chăng? No.
    Cho nên, hì hì Sapa nghĩ rằng văn của anh nó ám hồn vào gương mặt anh kiểu phỏng sinh học để dọa kẻ thù.
    Đố anh viết được một chuyện dịu dàng, cuốn hút từ A tới Z đấy.

    Đố vui có thưởng!!!
    (chả biết có ham thưởng không)

    Trả lời
    • 16. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 9:23 sáng

      Là vì Sapa trông mặt bắt hình dong. Tui vốn là người dịu dàng rất dịu dàng trái với cái vỏ khốc liệt. Khekhe…văn cũng vậy hiền lành hết mực là vì Sappa có máu liều nên đọc hung hăng nên nó ra văn không dịu dàng thôi mà. Có thời gian thì cứ vô đọc trong này nhiều cái dịu dàng lắm mừ.

      Trả lời
  • 17. Linh Thuy  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 1:14 chiều

    Khekhe, nịnh gứ bằng văn. Dùng văn tán gứ. Dùng gứ làm “mồi” văn…Luẩn quẩn wá ông Trọc ui…

    Trả lời
    • 18. sapa QC  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 2:15 chiều

      Em Linh tính tỉnh tình ơi, mệ chớ nỏ phải gứ mô. Như người ta đã có cháu ngoại cỡ Cún đó tề. Khổ, đọc giọng văn dịu dàng vầy mà nỏ đoán được chi, rõ là em còn nhỏ quá, ngây thơ quá chẹp, chẹp…

      Trả lời
      • 19. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 2:52 chiều

        Mệ có cháu ngoại vẫn là…gứ mờ. Cháu Cún nó trêu đó mờ. Chẹp chẹp làm chi. Khekhe….

        Trả lời
    • 20. ha linh  |  Tháng Bảy 23, 2011 lúc 8:44 chiều

      chít rùi anh Tiến ơi, chị Linh nói thế ni thì em chẳng dám còm ở blog anh Tiến nữa mô!

      Trả lời
      • 21. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 23, 2011 lúc 9:18 chiều

        Anh em vẫn hay trêu chọc nhau ấy mà. Có chi mà chết. Đùa cho vui cửa vui nhà.

        Trả lời
        • 22. ha linh  |  Tháng Bảy 23, 2011 lúc 9:33 chiều

          em trêu chị bạn thân mến nhất của anh tí thôi!

          Trả lời
          • 23. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 23, 2011 lúc 10:05 chiều

            Biết mà. Mụ đó chê tôi ăn quẩn cái cũ không chịu viết cái mới đấy mừ.

          • 24. ha linh  |  Tháng Bảy 24, 2011 lúc 6:15 chiều

            Ôn cổ tri tân, đọc cái cũ để viết cái mới hay gấp bao nhiêu lần!

          • 25. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 24, 2011 lúc 6:56 chiều

            Nhất trí là viết cái mới! Hơn kém ko quan trọng. Quan trọng là mới!

          • 26. ha linh  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 12:49 chiều

            nhất trí khe khe khe

            Nhiều truyện anh Tiến viết rất phiêu đọc không thể quên!

          • 27. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:24 chiều

            Viết phiêu là giống như viết điên điên à. Có phải thế không? Nếu đúng thì quá tốt. Truyện nó phải phiêu phiêu một tẹo, người phải điên điên một tẹo là có cơ được nhớ. Khekhe….

          • 28. ha linh  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:52 chiều

            khái niệm phiêu của em khác với anh tí chút, là những giây phút mà người viết như xuất thần, cảm giác con chữ dẫn dắt anh ta vào thế giới huyền diệu của nó, chứ không phải anh cố buộc tìm kiếm và dẫn chúng đi để phục vụ cho anh tức là nhằm kể câu chuyện của mình. khi đọc người đọc không cảm giác đang đọc mà là đang chu du vào thế giới tâm hồn của nhân vật hay cũng là của chính mình..

        • 29. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:54 chiều

          Xuất thần chả điên điên là gì? Là trạng thái thăng hoa không phải cái bình thường. Điên điên tức là điên tí tẹo như người say.

          Trả lời
          • 30. ha linh  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 4:00 chiều

            à hóa ra vậy, em tưởng điên điên là ra đứng đầu đường hò hét ỏm tỏi cả lên!
            Nhất trí khe khe khe

          • 31. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 4:04 chiều

            Vậy là trùng quan điểm nhé.

  • 32. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 22, 2011 lúc 1:20 chiều

    Mụ Linh biến ngay. Biến về bên tê lo biểu tình, lo việc nước mất còn, lo phát biểu của Cún, lo biển Đông biển Tây, can thiệp chi bên ni. Luẩn quẩn mặc xác tui. Khekhe……..

    Trả lời
  • 33. ha linh  |  Tháng Bảy 24, 2011 lúc 6:14 chiều

    Bạn Zoe dạo ni đi mô anh Tiến nhỉ? nhớ bạn ấy ghê!

    Trả lời
    • 34. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 24, 2011 lúc 6:57 chiều

      Zoe chắc đi biểu tình chống Tàu rồi. Khekhe…

      Trả lời
  • 35. pham bich hong  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 2:46 sáng

    doc cung duoc day chu,cung thay cuon hut tu dau den cuoi ko den noi chan fai bo do dang,don gian de hieu hop voi nhung loai nguoi ko gioi van nhu bon em,doc xong cu thay buon buon, tinh cam con nguoi:gia dinh ,hang xom…cha co gi het,tat ca chi vi tien thoi,chan nhi

    Trả lời
  • 36. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 25, 2011 lúc 8:09 sáng

    Ừ đúng, pham bich hong tìm ra được cái dở của truyện này giúp tui. Nó đơn giản quá. Một câu chuyện được kể đơn giản thiếu chiều sâu tâm lý nhân vật, thảo nào tui đọc lại thấy không nuốt nổi. Tui có thói quen kỳ cục là rất hay đọc lại truyện của mình lâu lâu. Thấy cảm giác còn đường được có nghĩa là truyện đó sống ( với mình thôi). Truyện này thì khác. Cảm ơn bạn.

    Trả lời
  • 37. Văn Dũng  |  Tháng Bảy 26, 2011 lúc 11:28 sáng

    Tui nghĩ là anh Tiến khiêm tốn và “kĩ tính” rứa thôi,chứ tui đọc truyên này vẫn thấy hay.Cuộc đời như vậy rõ là đỏ đen,đen đỏ,xoay vần họa-phúc như là “tái ông thất mã” rồi chứ gì nữa?
    Hay là anh Tiến muốn nó “phải sống”mãi mãi,phải “nổi ” đựoc như “Trúng số độc đắc” của cụ Vũ Trọng Phụng?
    Tui cũng đã đọc khá nhiều truyện nói về đỏ đen số phận ,về bi kịch gia đình,về trúng độc đắc,chơi số đề….nhưng đọc truyện ni của anh vẫn cứ hấp dẫn.

    Trả lời
    • 38. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 26, 2011 lúc 1:06 chiều

      Tui không khiêm tốn giả vờ đâu, thực là đọc thấy không vào cứ áy náy khi cho tái bản cuốn sách mà ko loại nó ra. Càng không dám mơ nó sống mãi đâu anh Văn Dũng à. Được anh chấp nhận cũng là vui rồi. Cảm ơn.

      Trả lời
  • 39. Đồ Trọc  |  Tháng Bảy 27, 2011 lúc 10:16 sáng

    Tôi đồng thuận ngay với bác là cứ phải có Mới, cái gì Mới mà chả thích kia chứ. Nhưng lâu lâu quay lại với cái Cũ cũng hay hay bác ạ! 😆

    Trả lời
    • 40. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 27, 2011 lúc 12:29 chiều

      Túm lại theo ý bác là cứ ôm cái cũ và…mơ cái mới, có thì càng tốt hay là đi theo cái mới và thi thoảng quay lại với cái cũ. Gọi là khôn đấy ạ. Khekhe…

      Trả lời
  • 41. zoe  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 1:46 chiều

    Zoe vừa có 1 chuyến du lịch tâm linh về nguồn. Đi với lão chuôt tặc nên nhường lão cái Top cho lành, lớ xớ rờ vào máy lão ấy bảo đú. Cảm ơn HL còn nhớ Zoe. Mình chả dám lạm bàn về văn chương nhưng mình nghĩ 60 triêu để biết bộ mặt thật của môt số người thì cũng chả tiếc. Nhưng biết rồi thì lại thấy buồn nhỉ. Chuyên của anh Tiên vẫn mang tính thời sự đấy chứ

    Trả lời
    • 42. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:28 chiều

      Tâm linh lại là tâm linh nguồn thì vợ chồng chuột tặc này cũng gớm ghê đấy. Sáu chục triệu ngày đấy cỡ vài tỷ bây giờ, to nhưng mà cũng chỉ bé bằng móng chân chuột thôi đúng không zoe. Truyện cũ rích mà vẫn thời sự có nghĩa là xã hội chẳng tiến lên chút nào thậm chí là thụt lùi. Đáng buồn.

      Trả lời
    • 43. ha linh  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:55 chiều

      Chào Zoe trở về từ thế giới tâm linh sâu lắng!
      HL và mọi người nhớ Zoe chứ, anh Tiến chắc chắn nhớ lắm mà không nói ra đấy!
      Truyện này của anh Tiến đúng là vẫn còn tính thời sự và HL nghĩ giờ còn đậm đà thời sự hơn nữa!
      Đời sống một bộ phận dân chúng khốn khó hơn và một bộ phận lại càng tuyệt đỉnh giàu sang hơn, hố sâu ngăn cách giàu nghèo sâu hơn, có những nỗi đau sẽ còn thẳm sâu hơn …HL nghĩ vậy..
      Mong Zoe luôn bình an!

      Trả lời
      • 44. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:59 chiều

        Zoe đang tâm linh. Khekhe…

        Trả lời
  • 45. ha linh  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 3:59 chiều

    Thằng bé đổ sập xuống. Trên tay nó là bộ xổ số bị xé làm đôi. Chẳng hiểu vì sao bộ xổ số lại bay rớt từ ban thờ xuống, rơi đúng vào chỗ thằng bé đang tha thẩn chơi. Nãy giờ, nó bị tất cả mọi người lãng quên. Mặt nó tái mét vì đau đớn và sợ hãi. Nó còn bé quá, không hiểu được những tờ giấy nó vừa nghịch ngợm xé, trị giá những sáu mươi triệu. Từ tay thằng bé, những mảnh vé số lả tả rớt xuống nền nhà
    —–
    Đúng là canh bạc anh Tiến nhỉ? cái gì không do mồ hôi công sức đổ ra thì cũng mong manh lắm..
    Truyện đề là đỏ đen còn rõ những mảng màu, nhưng em thấy mong manh lắm, mong manh tờ vé số được mất , mong manh tình người trước một thứ cũng có vẻ mong manh như tờ vé số, tờ tiền…

    Trả lời
    • 46. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 4:02 chiều

      Đứa trẻ xé tất tật những thứ mà thế hệ cha anh nó đang cắn xé đang moi móc đang xỉ vả đang sát phát nhau. Mong lắm những đứa trẻ ấy. Đó là khát vọng của người viết.

      Trả lời
      • 47. halinhnb  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 8:35 chiều

        à hóa ra vậy, khi người ta không thể làm chủ được vận mệnh của mình..
        em tưởng là đứa bé xé vì vô thức chính vì vậy những chi tiết trong truyện càng gợi lên sự mong manh, chênh vênh của các số phận trong đó..thoắt hiện may mắn và hy vọng, thoắt tan tành..cũng có lẽ chỉ vì ngọn gió nào cuốn nhẹ mấy tờ vé số…

        Trả lời
        • 48. phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2011 lúc 10:15 chiều

          Hà Linh hiểu như thế quá đúng. Nhưng văn chương nó đa nghĩa. Hành động của đứa trẻ đúng là vô thức nhưng hiển nhiên nó chấm dứt mọi toan tính, mọi xung đột, nó làm bố nó phát điên lên vì mất tiền thay vì điên vì được tiền và đánh mất đi tình ruột thịt… Vô thức của thực tại nhưng sẽ là ý thức của mai sau. Đó là cái mong muốn của người viết khi ký thác nhân vật bé con chẳng một vai trò trong câu chuyện. Nó là cái mạch ngầm nhiều khi chính tác giả cũng chưa chắc làm nổi và chưa chắc nhận ra. Văn học nó hay và cũng dở ở chính chỗ ấy.
          Trong Quả muộn cũng vậy có nhân vật đứa cháu nó đập vỡ toác quả bưởi thờ. Nó sẽ là một cái cây ngọt thay cho lớp trên của nó đã tạo ra nghiệp chướng là những quả đắng. Thêm vào cái gọi là nhân quả gieo gì gặt nấy. Phức tạp lắm HL à. Khekhe…
          Vấn đề là người viết viết đến đâu và người đọc đọc thế nào.

          Trả lời
          • 49. ha linh  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 10:56 sáng

            hihihi văn chương đa nghĩa, mỗi người đọc cảm nhận dưới khía cạnh khác nhau rứa mới tạo nên sự hấp dẫn của văn chương chứ anh !
            tất nhiên HL nói về sự vô thức , nhưng chính sự vô thức đó gợi lên cho bạn đọc ý thức…Anh Tiến thấy cái sự thú vị chưa?

  • 50. Văn Dũng  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 8:12 sáng

    Nghe anh Tiến và chị Linh qua lại như rứa,thú vị thật.Tui thấy cần phải đọc truyện ni thêm lần nữa .
    Nì,hai vị cứ “cãi nhau” nữa đi,bọn tui vẫnđang “dòm” đây.Hehe..

    Trả lời
    • 51. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 2:31 chiều

      Cho vui vui ấy mà VD.

      Trả lời
  • 52. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 2:29 chiều

    Bản thân văn chương là thứ được phóng đại được chắt lọc từ đời sống nên nó đa nghĩa. Sự đa nghĩa này phụ thuộc vào tài năng của người viết. Càng đa nghĩa càng lấp lánh và nhiều suy tưởng. Văn chương hấp dẫn cũng ở đó như HL nói.
    Vô thức là gieo và Ý thức là gặt. Cái Quả trong câu chuyện này hàm chứa sự đạp đổ, kết thúc.
    Nhưng kết thúc rồi thì lại mở ra….khekhe….

    Trả lời
    • 53. ha linh  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 5:34 chiều

      Nhất trí, nhất trí, khe khe khe!

      Phải công nhận anh em miềng nói chuyện văn chương hay quá hầy!

      Vui cuối tuần nhé anh Tiến!

      Trả lời
      • 54. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 29, 2011 lúc 5:41 chiều

        Khekhe…cuối tuần vui vẻ.

        Trả lời
  • 55. pham bich hong  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 2:36 sáng

    An ui anh ti de anh do buon thoi ,nhung anh co biet khong neu nhu truyen cua minh viet ra duoc 1 nguoi chap nhan cung da la tot roi dang nay lai duoc nhieu nguoi chap nhan the cung la zui roi

    Trả lời
    • 56. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 7:00 sáng

      Nhất trí là zui. Cảm ơn đã an ủi. Khekhe….

      Trả lời
  • 57. Hà Thu Yến  |  Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 10:12 chiều

    Giờ mới xong việc và đọc Cuộc đỏ đen số phận.Nghe nhạc và đọc truyện phê thật nhà văn ạ…Nhưng trong 3 truyện thì Khuôn thích Quả muộn và Họ đã trở thành đàn ông hơn vừ buồn rơi rụng nhưng rồi lại cười xả láng….Cuộc đỏ đen số phận thấy thê thảm quá đi thôi…!

    Trả lời
    • 58. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 10:18 chiều

      Nghe nhạc đọc truyện phê lòi mắt. Thê thảm là đúng rồi đồng chí Khuôn ơi.

      Trả lời

Gửi phản hồi cho phạm Ngọc Tiến Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Bảy 2011
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

CHÀO KHÁCH

free counters