Tản mạn: Cánh đồng
Tháng Ba 12, 2012 at 3:40 chiều 43 bình luận
Phía sau nhà tôi đang ở có cái hồ nhỏ. Đằng sau nó là một cánh đồng. Không rộng nhưng cũng đủ ngút tầm mắt. Ai đến chơi cũng nức nở, cũng tấm tắc. Đẹp thế. Sướng thế.
Nguyên cái nhà này tôi đã ở hơn hai chục năm. Dạo mới dọn đến xung quanh hoang hút, thi thoảng mới có một ngôi nhà, cỏ mọc ngập, rắn rết cứ mưa gió bò cả vào trong như thể đấy là hang hốc của chúng. Ngày đó ai quen biết tôi đều cười cười không hiểu hắn nghĩ gì mà lại đến ở đấy. Vợ tôi cũng thắc mắc mãi. Riêng tôi thì biết. Cánh đồng phía sau nhà là thứ tôi cần dù tôi là thằng trai thành phố chính hiệu. Bạn có thể tưởng tượng được không, đêm hạ gió từ đồng thổi vào mát rượi. Bàn viết sát cửa sổ. Cả không gian đêm cánh đồng không ánh điện, tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái uôm uôm, sao trời và hôm nào có trăng thì đó chính là một bữa tiệc thiên nhiên tuyệt diệu. Ngày đông vẫn thú. Ảo mờ sương giăng, mưa rắc. Có thể nói cánh đồng chính là người nâng đỡ ngòi bút tôi bao năm nay, hào phóng cho tôi tác phẩm, biến tôi thành người viết nông thôn. Vâng nông thôn của tôi chỉ là ô cửa sổ nhỏ nhìn ra cánh đồng.
Rồi chả biết từ bao giờ nhà cửa san sát, thành hẳn một đường phố chính. Người ta ken nhau sát mặt đường, hối hả bon chen buôn bán kiếm sống. Ngôi nhà tôi vẫn khép nép bên trong và cái hồ nhỏ vẫn mặc nhiên tồn tại. Sau nó vẫn là cánh đồng. Ở đó dân làng ( giờ đã được chuyển thành dân phố dân phường) vẫn cặm cụi trồng lúa, trồng rau. Ngày vụ, rơm rạ chất đống đốt khói cuộn thành cột xoắn xít bàng bạc không gian. Mùi khói đồng ùa sộc vào nhà nao nao hết cả gan ruột. Chị giúp việc nhà tôi thảng buồn, buông tiếng thở dài, ngồi thừ nhìn xa tít tắp. Tôi hiểu chị đang nhớ quê. Cái hồ nhỏ mới thích. Những người thầu hồ chuyên canh cá hết vụ này vụ khác. Dăm ba tháng lại quây lưới. Vài ba năm lại tát cạn. Giở giời cá nổi đặc sệt mặt nước. Tôm ngáp chạt bờ. Chị giúp việc lấy rổ vớt được cả ký. Tôm đồng con nào con nấy chằn chặn, kềnh càng béo ngậy.
Tuổi tác dày lên, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng sắp tuổi về hưu, tôi ngại ra đường. Nhiều khi ngồi lỳ bên cửa sổ.Ngày mới dọn về tiếng chim cu còn gáy rền đồng, cò đậu trắng ruộng, giờ người đông, âm thanh phố phường khiến chim chóc tao tác dạt hết. Tôi nuôi một con cu gáy. Mỗi sáng, nhìn mặt trời trồi lên từ cánh đồng, tai nghe chim gù chim gáy cúc cu chợt thấy mãn nguyện. Cuộc sống chẳng cần gì hơn.
Bạn bảo tôi viết gì thế. Chẳng có gì thật nếu chỉ lảm nhảm những niềm riêng thích thú. Vâng, tôi kết thúc đây. Tuần trước đang ngồi nhâm nhi cùng một người bạn phương xa chợt tôi phắt người. Có nhầm không? Rõ ràng tôi nhìn thấy một chiếc ô tô, chỉ là chấm nhỏ xíu đang ngoằn nghèo đi giữa cánh đồng. Giật mình bỏ lại khách, vội ra khỏi nhà vòng đến cánh đồng. Tim tôi thót lại. Từ bao giờ đã hình thành một con đường tạm. Cạnh đấy là biển lớn biển nhỏ các loại dự án cát cứ. Xong rồi. Cánh đồng của tôi….Lúc quay về buồn rười rượi, người bạn khách cười thấu hiểu, bảo quy luật cuộc sống không thể cưỡng lại được. Cánh đồng phải thành chung cư, siêu thị, phải này phải nọ. Nhất trí.
Chỉ tôi hiểu cánh đồng của riêng tôi đã bị ám sát. Còn tôi vẫn đang sống, vẫn phải viết. Viết với nỗi đau của một cánh đồng chết.
Hà Nội ngày 4/3/2012
PNT
Entry filed under: Tản mạn.
1.
Thành | Tháng Ba 12, 2012 lúc 4:58 chiều
TEM
Ông Ngoại í a, ruộng bán hết rồi…
2.
Thành | Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:00 chiều
Ngực cau nhu nhú giờ chẳng thấy đâu!
3.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:11 chiều
Phải chấp nhận chứ biết làm sao.
4.
Nam | Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:19 chiều
Sao bác viết hay thế!
5.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:28 chiều
Có chút nỗi niềm riêng thôi mà Nam.
6.
Zoe | Tháng Ba 12, 2012 lúc 6:23 chiều
Cứ tản mạn thế này, biết là có tuổi. Buồn!
7.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 6:42 chiều
Thì có tuổi mới tản mạn chứ sao. Gì mà buồn.
8.
Dong | Tháng Ba 12, 2012 lúc 8:42 chiều
Ruộng đồng sắp thành “bất động sản” hết rồi, thôi hy vọng vẫn còn tiếng cu gáy.
9.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 9:04 chiều
Cu lồng cũng là một thứ tội nợ đấy Dong à. Vui mà nhiều khi thấy xót.
10.
meomeo | Tháng Ba 12, 2012 lúc 9:42 chiều
“Thương nhớ đồng quê” hay là “sông xưa giờ đã lên đồng”…anh Tiến nhỉ!
11.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 9:52 chiều
Là gì thì cũng gay go rồi. Giờ tìm được chỗ nào có cánh đồng vĩnh cửu là không tưởng.
12.
Trường Giang | Tháng Ba 12, 2012 lúc 11:32 chiều
Bài viết nhoi nhói lòng. Cảm ơn nhà văn đã nói hộ rất nhiều tấm lòng thương nhớ đồng quê… Tản mạn mạn không hề nhỏ bé
13.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 12, 2012 lúc 11:46 chiều
Thương nhớ đồng quê. Giờ càng thấy cái tên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay và sâu sắc.
14.
mai | Tháng Ba 13, 2012 lúc 10:27 sáng
Bác chuẩn bị nâng cốt nền nhà lên 2 mét nữa là vừa. Sắm thêm chiếc xuồng cao su và tập hát bài :Em ơi, Hà lội phố.
15.
phạm ngọc tiến | Tháng Ba 13, 2012 lúc 11:07 sáng
Không bi quan đến thế. Di chuyển ra sát cánh đống mới. Chấp nhận mạo hiểm. Để hưởng thú vui của mình. Cũng còn được bao lâu nữa đâu mà rụt rè. Khekhe…
16.
Hà Linh | Tháng Ba 13, 2012 lúc 3:54 chiều
Chỉ tôi hiểu cánh đồng của riêng tôi đã bị ám sát. Còn tôi vẫn đang sống, vẫn phải viết. Viết với nỗi đau của một cánh đồng chết.
———-
Đau! đó là nỗi đau mà không có thuốc nào, không có phương cách nào dịu được….có gì buồn hơn khi phải đối diện và ngắm nghĩa nỗi đau ngày một khắc khoải hơn…Sự phát triển vừa là nhu cầu, nhưng cũng là căn nguyên cho sự mất mát một số thứ mà dù người ta biết là không nên để mất, là phải gìn giữ…Con người gắn với thiên nhiên như sự sống gắn với hơi thở…con người cũng mất đi nhiều thứ khi thiên nhiên mất đi..con người trở nên cằn cỗi hơn, cô đơn hơn..khô khát cảm xúc hơn…như những dòng sông bị ngăn dòng, những vùng đất trù phú trở thành hoang mạc…những cánh rừng khô trụi màu xanh….Con người vùng vẫy trong chính cạm bẫy của chính mình tạo nên…
dù sao thì sau lưng nhà anh vẫn còn chút cánh đồng-hãy tận hưởng nó trước khi nó rồi cũng mất đi như bao cánh đồng khác trong thời đô thị hóa vội vã…
17.
phạm ngọc tiến | Tháng Ba 13, 2012 lúc 4:24 chiều
Đang tận hưởng nốt chút âm hưởng bài ca cánh đồng trước khi nó ra pháp trường. Dù sao thì cũng là quy luật. Nhất trí nhưng không thanh thản.
18.
Trang Que | Tháng Ba 18, 2012 lúc 8:40 sáng
Bài viết hay quá bác ơi.
Tự nhiên đọc xong thấy buồn. Bởi vì nếu bây giờ cháu quay trở lại cái xóm nhỏ ở miền Trung nơi cháu lớn lên, có lẽ cháu cũng sẽ có cảm giác như bác vậy đó…
Thời thế thay đổi nhiều quá.
19.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 19, 2012 lúc 9:43 chiều
Buồn nhưng quy luật cuộc sống là vậy. Luôn thay đổi. Nỗi buồn đó đáng được trân trọng.
20.
Nguyen | Tháng Ba 20, 2012 lúc 12:57 chiều
Hichic cánh đồng lại sắp bị chia lô bán hả chú ngày xưa bọn cháu còn đi vòng được ra phía đằng sau nhà chú rất nhiều lau sậy, đi bắt bướm ngủ ở chòi canh ao nữa cơ…thế mà bây giờ họ cú rào dậu lại san phẳng để chiếm đất hết rồi…Sau này bọn trẻ con nhu Susu nhà cháu chả có chỗ để nghịch ngợm như bố mẹ nữa.
21.
Lai Tran Mai | Tháng Ba 20, 2012 lúc 2:25 chiều
Đọc bài của bác Tiến lại lan man nhớ da diết về vườn, ao thời tuổi thơ. Nhà tôi ở đầu Trương Định, gần chợ Mơ, nội thành HN chứ nông thôn gì. Thế mà ngay sau nhà có ao rộng cả hécta, Tiếp đó là vườn, ao hồ san sát. Đất nhà tôi trước hơn 10 nghìn mét vuông, ông già đi kháng chiến bỏ hoang, dân tứ xứ vào ở nhờ và chiếm luôn, lúc tôi ra đời (1959) chỉ còn hơn 1000 m2, nhưng cũng sướng, suốt ngày chơi ngoài vườn cặm cụi trồng rau, nuôi thỏ (dĩ nhiên là cả gà, lợn)…. Bà tôi vẫn bảo: “hết vào nhà, lại ra vườn; cứ vài lần, là hết ngày”. Giờ tất cả thành nhà, ngõ hết. Mà nhà nào có ra nhà, ngõ nào có ra ngõ. Chán.
Tôi chỉ có mơ ước về nghỉ hưu rồi mỗi năm vài lần ra vùng quê ven biển, có núi như Vân Đồn, Sầm Sơn, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng… thuê nhà dân sống vài tháng để hưởng khí trời như nông dân là sướng. Hoặc lên Tây Bắc, vào Tây Nguyên cũng vậy. Nhưng tôi không mê vùng đồng bằng sông Cửu Long lắm.
Cám ơn bác Tiến có một bài tản mạn nhân văn, thấm đẫm tình người.
22.
Lai Tran Mai | Tháng Ba 20, 2012 lúc 2:33 chiều
Bác Tiến có thể cho biết nhà bác ở đâu để chúng tôi đến thăm và ngắm cánh đồng trước khi nó thành…. (không biết có thành cái gì ra hồn không ?) nhỉ ?
23.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 20, 2012 lúc 4:12 chiều
Nhà tôi gần nhà bác ở Hoàng Mai. Nhưng ở bên này đường Tam Trinh bác Mai ạ. Thành cái gì cũng vậy thôi bác.
@Nguyên: Cái chỗ Nguyên nói chính là cái ao và cánh đồng sau nhà chú đó. Sắp chia lô. Khekhe…
24.
bachtamxuan | Tháng Ba 20, 2012 lúc 10:40 chiều
Cái ao đấy mà được chia lô, đất cát lên giá, anh bán tạm vài mét đất để mua cơm thịt cho các cháu, thế là vui rồi, keke.
25.
Lai Tran Mai | Tháng Ba 20, 2012 lúc 10:59 chiều
Họ nội nhà tôi cả chục đời ở làng Hoàng Mai; giờ vẫn có nhà thờ tổ, nhà thờ của từng chi nhánh… Tôi vẫn hay đi siêu thị Metro Hoàng Mai trên đường Tam Trinh, có nhìn thấy mấy mảnh vườn và ao hồ, song không thấy cái nào mênh mông như ảnh bác chụp. Hè này về nước chắc sẽ gặp MTH và liên lạc thăm bác. Mong bác cánh đồng và ao vẫn còn. Và bác chưa chuyển nhà đi nơi khác (!)
26.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 20, 2012 lúc 11:40 chiều
Nếu đi Metro từ Mai Động thì nhà tôi ở bên trái. Cái hồ và cánh đồng nằm ở bên trong các dãy nhà bên ngoài mặt đường. Dự án chắc cũng không thể nhanh được. Hy vọng là nó chầm chậm. Hè này mời bác thăm cánh đồng.
27.
Lai Tran Mai | Tháng Ba 21, 2012 lúc 5:45 sáng
Cám ơn bác Tiến nhiều.
28.
Lai Tran Mai | Tháng Ba 21, 2012 lúc 5:58 sáng
Hồi đó nuôi thỏ nên lúc nào tôi cũng lẩm bẩm bài thơ:
Em nuôi một đôi thỏ
Bộ lông trắng như bông
Mắt tựa viên kẹo hồng
Đôi tài dài thẳng đứng
Nói sao hết sung sướng
Sáng học chiều tưới rau
Chuồng thỏ sạch như lau
Thỏ lớn mau trông thấy
Thu qua rồi xuân tới
Tính mới trọn 1 năm
Thỏ đẻ bốn năm lần
Em bán năm bảy bận
Tiền thỏ mua bút mực
Tiền thỏ may áo quần
Tiền thỏ xây nhà thỏ
Bố mẹ rất vui mừng
Em đến bên đôi thỏ
Tay nhẹ vuốt bộ lông
Mà sao thấy trong lòng
Thương yêu vô bờ bến.
Sao ngày xưa thơ văn nó hay thế. Không nhớ tác giả là ai ? Phạm Hổ ? Nghe nói có lúc tác giả bài thơ này bị phê bình vì khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển (?).
Lâu rồi không quan tâm tới thịt thỏ. Không biết trong chợ của mình có còn bán thịt thỏ khổng nữa.
29.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 21, 2012 lúc 10:13 sáng
Chợ Mơ xây chuyển tạm về đường Kim Ngưu. Có cái rất quý là vẫn duy trì chợ phiên. Ngày chợ phiên mọi người mang mèo, chó, thỏ, chim, cá, gà…rôi các loại cây cối, hoa ra bán tràn xuống cả lòng đường nom rất sinh động. Tôi thuộc loại người hoài cổ nên hay tha thẩn những dịp này. Thú lắm.
30.
vanthanhnhan | Tháng Ba 21, 2012 lúc 9:22 sáng
Cánh đồng sau nhà sớm muộn cũng bị bức tử, Rồi con đường ầm ì xe chạy sẽ vào sát cái cửa sổ sau nhà.
Chúc mừng bác sắp sửa ra mặt đường. He he.
31.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 21, 2012 lúc 10:18 sáng
Thế thì nó xơi luôn cả nhà ý chứ. Điều gì cũng có thể xảy ra ở cuộc sống này. Thế nên cứ bình thản mà chấp nhận.
32.
Zoe | Tháng Ba 21, 2012 lúc 3:06 chiều
Lão ơi, tôi nhớ Chích chòe của lão quá!
33.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 21, 2012 lúc 4:20 chiều
Ưu tiên cơm thịt cho trẻ đã nhé. Mai mốt sẽ có Chích chòe cho mụ.
34.
Hà Bắc | Tháng Ba 21, 2012 lúc 4:26 chiều
Dăm ba tháng lại quây lưới. Vài ba năm lại tát cạn. Giở giời cá nổi đặc sệt mặt nước. Tôm ngáp chạt bờ. Chị giúp việc lấy rổ vớt được cả ký. Tôm đồng con nào con nấy chằn chặn, kềnh càng béo ngậy.
———–
Giờ mà còn những thứ đó thì quý hoá quá anh ạ!
35.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 21, 2012 lúc 4:40 chiều
Quý vô cùng. Mới sáng nay chuyển nồm sang hanh chuẩn bị gió mùa, tôm ngáp đen chạt. Chị giúp việc hì hụi vớt được hơn ký. Hỏi bao tiền, chị bảo 20 ngàn 1 lạng anh Tiến ạ nhưng tôm không ngon bằng tôm nhà mình. Thấy từ nhà mình mà nao lòng. Nghĩ trong đầu tháng này sẽ thêm tiền tôm vào lương cho chị.
36.
dangvietthu | Tháng Ba 23, 2012 lúc 11:53 chiều
Dem hom khuya khoat em ghe tham nha bac, long dang buon gio cang buon hon! Lang Vong het ruong, Nhat Tan het bai, nong dan mat ruong cay…Ha Noi them dong, moi truong them o nhiem, duong them tac… Vi nhung gi day bac?
37.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 24, 2012 lúc 8:29 sáng
Những điều này ai cũng biết câu trả lời rồi mà.
38.
dangvietthu | Tháng Ba 24, 2012 lúc 10:40 sáng
Em chao bac Tien. Gio em thay long nhe nhang hon roi. Bao gio em du lon de biet chap nhan nhu bac! Minh co lam gi duoc dau bac nhi. Em chuc bac cuoi tuan vui ve.
39.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 24, 2012 lúc 2:01 chiều
Cảm ơn bác sĩ Thu nhé.
40.
Vĩ Cầm | Tháng Ba 25, 2012 lúc 1:45 sáng
Tôi cũng có những cái thú như anh vậy. Đầu những năm 1990, tôi về ở khu Tập thể Nam Đồng. Cái cửa sổ sau nhà trông sang một cái ao to và có cả mấy cây dừa của Học viện Ngân hàng. Sau mỗi trận mưa rào, ếch nhái kêu ôm oang và côn trùng kêu rả rích. Tôi khoái lắm. Bảo với hai đứa con tôi rằng: Thời sơ tán, bố ở quê hệt như thế này nhưng e rằng chả còn lâu nữa mọi hình ảnh và âm thanh này sẽ không bao giờ còn nữa. Rồi cái ao bị lấp đi, mấy cây dừa bị đốn trụi để xây nhà. Đúng như mình dự đoán. Buồn hẳn. Giờ về ở khu Thành Công. Có một cái Hồ đẹp để dân đi bộ họ cũng thu hẹp dần thay vì mở mang lấy không gian xanh. Có chỗ đất nào quang quẻ là lại có những Nhóm lợi ích “chạy” lên Thành phố thậm thụt để thành khu biệt thự này nọ. Buồn là hầu như các dự án ấy đều được duyệt rất nhanh. Lâu ngày dân chán quá chả còn biết kêu cầu ai nữa. Đành phải tự an ủi băng một câu cũ mèm: Cái nước mình nó thế.
41.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 25, 2012 lúc 9:19 sáng
Cái nước mình nó thế. Khekhe…
42.
BD | Tháng Ba 25, 2012 lúc 11:52 chiều
Ở thành phố đất rộng thì bị thu hẹp lại, lòng người cũng có vẻ như bó hẹp theo. Em ra nhà giàn với lính ở DK1, nhà thì hẹp chỉ có 36m, nhưng tấm lòng lính rộng mênh mông như biển cả. Ký ức đọng lại trong mỗi người thật đẹp nó chính là điểm tựa giúp cho con người sống có ý nghĩa hơn đúng không pác Tiến nhỉ? BD
43.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Ba 26, 2012 lúc 12:03 sáng
Ở với lính lại là lính biển thì nhất rồi. Tôi cũng khoái được như hồi ở lính. Chả phải nghĩ ngợi gì, ngày nào biết ngày đó. Nhẹ tênh.