Cảm nhận từ Nậm Ty

Tháng Năm 16, 2012 at 2:10 chiều 68 bình luận

Nậm Ty là một địa danh biên giới giáp Lào khá lạ lùng ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đường vào Nậm Ty dài gần 20 cây số không một bóng người, cũng không có dân cư sinh sống. Cả chặng đường hơn 2 tiếng đồng hồ vật vã với con đường đất, gồ ghề lổn nhổn đá cục, mùa mưa nước chảy đào thành vệt thành rãnh ngang dọc, chiếc xe cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến được đích. Khác với sự vật vã dọc đường mà kết quả là cả 3 cô giáo làm nhiệm vụ dẫn đường đều say xe “biu ti phun” không sót một ai, Nậm Ty hiện ra trong một khung cảnh khó ngờ. Những quả núi cao, đẹp, thơ mộng, in những ngôi nhà thanh bình, nơi đây có 2 bản người Mông sống biệt lập với xung quanh.

Bản Nậm Ty thanh bình

Không sóng điện thoại, không điện lưới, thậm chí mùa này không cả nước. Muốn có nước phải dẫn từ dưới thung lũng lên, bằng cách gì thì tôi chưa có cả thời gian để tìm hiểu. Còn may là trường lớp nơi đây đã được kiên cố hóa. Phải công nhận để xây được những ngôi trường thế này quả đã là một kỳ tích.

Chuyến đi vẫn nằm trong chương trình cơm thịt mà chúng tôi đang thực hiện. Sẽ không có gì để nói nhiều bởi khó khăn nơi đây cũng giống như nhiều nơi khác. Miền núi của chúng ta còn nghèo và vì thế những chương trình như Cơm có thịt mới đang từng ngày cùng các tập thể, cá nhân mang đến những gì có thể cho trẻ vùng cao. Lẽ ra tôi cũng chẳng viết những dòng này nếu như con đường vào Nậm Ty hôm đó không xảy ra sự cố trượt bánh, suýt nữa đã khắc một kỷ niệm buồn vào hành trình Cơm có thịt. Chiếc xe chở chúng tôi rất gần với tử thần khi bánh xe lọt xuống rãnh sát mép đường và có đoạn phải chênh vênh đi trên miệng vực. Lúc đó mọi người xuống xe đi bộ, chỉ còn lái xe một mình đánh cược tính mạng với tay lái. Mạo hiểm ư? Không, chỉ vì con đường nhỏ, bẻ vuông góc, xe không thể lùi ra bắt buộc phải tiến đến đích rồi mới quay xe ra được. Lúc xi nhan cho Đoàn Minh Khôi, chưa bao giờ ứ ngập trong tôi cảm giác sợ hãi nhường ấy. Cho đến tận hôm nay đã qua hơn nửa tháng, cứ nghĩ đến tôi lại dựng chân tóc. Và cũng là lần đầu tiên kể từ ngày tham gia cơm thịt, lần đi Nậm Ty ấy tôi đã phải khắc khoải suy tính đến cặp phạm trù được mất. Vâng, được và mất. Sẽ là nhẫn tâm nếu nhắc đến phạm trù này khi tham gia chương trình, dĩ nhiên là vậy. Nhưng nếu hôm đó…

Đường chênh vênh sát vực, người xuống đi bộ.

Thót tim, bánh xe trượt lở rãnh sát mép vực.

Cho phép tôi lần ngược lại hành trình Cơm thịt. Kể từ cái đêm ông Trần Đăng Tuấn gửi bài viết “Hôm nay lên Suối Giàng” cách nay hơn 8 tháng. Xúc động và cộng hưởng với ý tưởng cơm thịt của tác giả, tôi đã cùng bạn bè đứng bên ông ngay những ngày đầu tiên lập tài khoản kêu gọi đồng bào đóng góp. Lúc ấy, quả thật chẳng nghĩ ngợi nhiều. Những đứa trẻ đang gặp khó, lếch thếch cặp lồng, cơm chẳng có gì ngoài muối, ngoài rau, thôi thì mình có điều kiện hơn, gắng lên một chút gom góp nhau vào thêm thắt miếng thịt cho các cháu. Thế là làm. Đầu tiên cũng chỉ nghĩ đến Suối Giàng nhưng sự đóng góp của mọi người với tốc độ nhanh ngoài trù liệu đã đưa cơm thịt vượt khỏi địa danh này. Ban đầu là Yên Bái, rồi mạnh dạn vòng sang Lào Cai, đến Điện Biên, Hà Giang. Cũng không dám đại trà từng vùng (vì sức có hạn dù đã được quỹ Thiện Tâm trợ giúp) mà đầu tư chọn lọc, ưu tiên các xã biên giới kế đến là vùng sâu vùng xa khó khăn. Từ Suối Giàng bắt đầu ở nội trú tiểu học, trung học cơ sở, sau thì xác định đối tượng ưu tiên là các trường Mầm Non. Những mầm non đất nước, nhất là khu vực biên giới ngay từ trứng nước phải được thụ hưởng cơm thịt, phải được mặc ấm, chăn ấm…để đủ sự gắn kết trường lớp, đủ hấp dẫn đến trường đi học, đủ kiêu hãnh với lân bang. Chuyện này là thật, khi chưa có bếp lửa, cơm thịt, nhiều trường lớp Mầm non luôn ở tình trạng thiếu vắng học sinh. Vì đường xa, thời tiết khắc nghiệt, vì những thứ chỉ trẻ con mới biết, mới hiểu. Nhưng khi cô giáo nổi lửa, bữa ăn chung vẫn đạm bạc nhưng có miếng thịt, quả trứng thì trẻ háo hức đến lớp ngày một nhiều hơn, đều hơn.

Văn Chấn, Mù Cang Chải, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Hoàng Su Phì, Mường Nhé, Điện Biên đến nay đã có mấy chục xã ở các huyện trên nằm trong chương trình, đã có hàng ngàn học sinh được thụ hưởng bữa cơm ấm áp tình người. Tình người, còn có cách gọi nào khác. Ngay khi chương trình mới mở ra đã có biết bao nghĩa cử cảm động đến rơi nước mắt. Một cụ già trước khi gần đất xa trời di nguyện lại cho con cháu góp tiền thiện nguyện. Tôi đã khóc lặng trước bức thư của gia đình Cụ gửi đến chương trình để thực hiện di nguyện của người đã khuất. Đến nay, gia đình đã gửi lần tiền thứ 3 theo quý, mỗi quý 3 triệu đồng. Tính theo cách tính ban đầu của ông Tuấn thì 9 triệu đồng này đủ cho một tháng cơm có thịt cho gần trăm đứa trẻ. Không thể tính hết được những sự đóng góp âm thầm của rất, rất nhiều người. Một bác về hưu nhưng dành đủ những đồng tiền hưu trí cho các cháu. Một cặp vợ chồng sống ở nước ngoài đến tiếng Việt viết còn sai nhưng tấm lòng thì tròn trịa như trăng rằm. Lúc tài khoản cạn, ông Tuấn kêu gọi vì sợ các cháu đứt bữa, vợ chồng bạn đã gửi một lúc chục ngàn đô la Mỹ, chưa kể nhiều khoản khác tính đến trăm triệu. Một nữ nhà báo hảo tâm hưởng ứng mua đấu giá chiếc xe đạp cũ với giá cao đến bất ngờ. Bản thân chị còn ủng hộ chương trình mấy chục đôi khuyên vàng trị giá xấp xỉ nửa tỷ đồng. Còn rất nhiều nữa, em bé đập lợn tiết kiệm, vợ chồng con cái trích tiền sinh hoạt hạn hẹp để mỗi tháng gửi chỉ là trăm ngàn đồng bạc. Danh sách gửi tiền thường xuyên đã dài kín trang. Những đồng tiền đó không thể tính được giá trị. Nó lớn hơn nhiều lần những con số.

Ảnh hưởng và uy tín của chương trình Cơm thịt đã kéo vào nhiều doanh nghiệp, nhiều tập thể tham gia. Có thể là một tổ chức công đoàn cơ quan kêu gọi đóng góp đột xuất. Có thể là một doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Một công ty góp vào chiếc xe tải ủng hộ. Một nhà máy tham gia bằng chính sản phẩm của mình là những chiếc áo rét. Nhiều lắm. Những đồng tiền lẻ của cá nhân hay những khoản chung chi của tập thể tất cả đều là những tấm lòng. Cái được của cơm thịt không chỉ là đối tượng thụ hưởng là những đứa trẻ mà ý nghĩa xiết bao ở chính sự lay động nhân tình, là sự gom góp tấm lòng để tích tụ lại thành niềm tin vào chính sự tốt đẹp của lòng người, tình người, thứ đang bị xói mòn, đang bị hao hụt, đang bị nghi ngờ. Lòng tốt vẫn còn, mãi còn. Đó là điều vô cùng quan trọng.

Tôi biết chẳng nên liệt kê những điều vừa kể. Đã có người bảo làm việc thiện thì đừng nên nhắc. Chắc chắn thế, không kể nhưng phải nói. Nói trong phạm vi hẹp blog cá nhân để kiểm soát để minh bạch để chương trình còn có cơ nhân rộng, tồn tại. Những người làm chương trình nhất quán từ đầu không dùng chữ từ thiện. Không truyền thông, không quảng bá, không này khác trên các phương tiện không phải của mình. Đó là sự thật.

Cần những nụ cười cho những em bé này

Lại nhớ những ngày gian nan đầu tiên. Sự nghi ngờ, dè bỉu thậm chí là công kích cá nhân quyết liệt. Tôi chưa quên được những ngày tháng đó. Nghi ngờ là điều không thể tránh khỏi nhưng lăng mạ những tâm hồn biết chia sẻ thực là điều đau xót. Những người tham gia chương trình nhất là người đứng mũi chịu sào Trần Đăng Tuấn đã cắn răng chịu đựng. Buồn. Có chứ, là con người sao có thể đứng ngoài sự vui buồn cuộc đời. Nhưng cũng không thể tính đó là những cái mất trong cặp phạm trù được mất nêu trên. Chỉ khi đứng trong lằn ranh sự sống chết ở Nậm Ty tôi mới bừng ra ý nghĩ này. Rủi nếu hôm đó xe lật thì sao. Ai mà biết trước được kết cục. Cá nhân tôi từ ngày tham gia chương trình đi miền núi hơn chục chuyến, chưa bao giờ tính đến thời gian, chi phí mình đã bỏ ra, chưa bao giờ bởi những niềm vui, nụ cười tôi nhận được từ môi trẻ, từ những chuyến đi đấy là những cái được vô giá. Nhưng nếu chẳng may tai nạn? Không thể nói trước được điều gì về những hậu quả. Thậm chí ngay trong gia đình, cũng không phải mọi người đều nhất trí ủng hộ. Cơ quan cũng vậy. Đi nhiều, công việc bê trễ, thu nhập sút đi, không tránh khỏi chuyện nói ra nói vào. Chuyến đi Điện Biên vừa rồi, tôi đã kết hợp đưa cả vợ chồng con cái vào một điểm trường đã được chương trình phủ cơm thịt. Tận mắt chứng kiến việc chương trình đã làm được và thấy được sự cần thiết giúp đỡ cho nơi nghèo khó thế nào, những thành viên ngay chính trong gia đình tôi chí ít đã thấu hiểu, thông cảm.

Nụ cười!

Được và mất. Có không ít người bảo rằng chúng tôi vì danh lợi. Chỉ đơn cử một trường hợp là Đoàn Minh Khôi, một thành viên tích cực của chương trình. Anh Khôi là doanh nhân. Ngoài đóng góp một khoản tiền cố định không nhỏ, anh tham gia liên tục các chuyến đi bằng xe riêng (những người tham gia các chuyến đi đều tự bỏ tiền riêng chi phí toàn bộ), trực tiếp điều phối khâu khảo sát và đầu tư. Khôi nắm chắc sổ sách giấy tờ và thực hiện kiểm tra, kiểm soát đảm bảo minh bạch từng đồng đến với các cháu. Có điều này, anh chưa một lần xuất hiện trên comment hay bất cứ sự lộ diện nào, đến cả việc làm thành viên sáng lập cũng từ chối. Thú thật, từ đầu ngay chính tôi cũng chưa hẳn tin tưởng anh cứ nghĩ anh đến với chương trình vì mục đích gì đó. Nếu vì danh lợi hẳn anh đã có cách làm khác, chí ít là đánh bóng tên tuổi để thuận lợi kinh doanh. Lại có người bạn tham gia từ đầu nhưng đã không đủ kiên nhẫn trụ lại. Cũng có những người đến với chương trình nhưng rẽ ngang tìm một cách làm khác. Có thể khẳng định danh lợi là điều không thể có với những thành viên cơm thịt. Trong vai trò trung chuyển những người trong chương trình đã đảm bảo từng cắc bạc của mọi người đóng góp minh bạch đến tận bát cơm trẻ thụ hưởng.

Được và mất. Mới hôm kia hai bạn trẻ từ Hải Phòng đến nhà tôi chơi thông báo từ tháng sau doanh nghiệp tư nhân của các anh sẽ trích mỗi nhân viên một ngày lương/tháng, để góp vào cơm thịt. Không nhiều, 200 nhân viên vị chi mỗi tháng là 20 triệu đồng. Cũng chính hai anh rút ví đưa cho một thành viên cơm thịt số tiền chỉ 1 triệu đồng là tiền tiết kiệm từ việc đi xe khách thay cho chi phí một chuyến xe con. Tôi không ngạc nhiên khi biết thành viên kia đã cầm của hai bạn trẻ này số tiền 12 triệu đồng bằng những khoản như vừa kể chỉ để nhờ chương trình mua ti vi cho bọn trẻ có cái xem những lúc nghỉ ngơi. Không ngạc nhiên vì người nhận đã hiểu hết giá trị đồng tiền bạn đưa. Cũng thành viên này chưa lâu đã cùng tôi từ chối một khoản tiền lớn của một doanh nghiệp khi sự trợ giúp này có điều gì đó tựa như có điều kiện đi kèm. Chỉ là cảm giác mơ hồ nhưng chúng tôi chấp nhận giành phần thua thiệt (có thể mắc lỗi với các em bé vùng cao) khi xác định không thể phụ tấm lòng của mọi người đang chung tay góp sức. Sự phát triển của Cơm thịt dựa vào tấm lòng tương thân tương ái đồng bào chứ không thể vì lý do gì khác. Đó chính là sự bền vững. Trong kho nhà tôi bây giờ chất đến mấy chục chai rượu tặng để đem bán đấu giá thêm vào cơm thịt. Nói những điều tưởng chẳng ăn nhập gì đến sự được mất tôi đang vân vi này chỉ để tôi muốn khẳng định một điều, Cơm có thịt đang phát triển và những sự được mất kia chẳng nên suy tính.  

Có thể tai nạn, có thể này khác, có thể những rủi ro sẽ không tránh được với những thành viên cơm thịt. Cơm có thịt sẽ phát triển thế nào, tương lai của nó ra sao phụ thuộc vào những tấm lòng thơm thảo của mọi người, phụ thuộc vào chính những người đang trực tiếp tham gia. Sắp tới chương trình sẽ hoàn tất thủ tục thành lập quỹ. Khi quỹ ra mắt, nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tham gia tốt hơn. Và tất nhiên đối tượng thụ hưởng là những em bé vùng cao sẽ được nhận nhiều hơn hiện tại.

Được và mất, chút vân vi tan biến khi tôi cảm nhận được những gì Cơm có thịt đã làm, đang làm, sẽ làm. Vâng, đúng là như thế. Chẳng là gì nếu như cái mất kể cả những tai nạn có thể xảy đến thì điều nhận lại là niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống này vẫn còn. Mãi còn. Đó mới là điều hơn tất cả mọi điều. Là thứ lớn nhất chúng ta nhận được.

Mong mọi người hãy thể tất cho những suy nghĩ hơn thiệt của tôi trong lúc yếu mềm. Sẽ quay lại Nậm Ty một ngày sớm nhất.

 

Hà Nội 16/5/2012

PNT

 

Entry filed under: Chuyện dọc đường cơm thịt.

Đi Sơn Tống (Chuyện dọc đường cơm thịt) Ba hoa….làm như mèo mửa- Nguyễn Quang Lập (Quê Choa)

68 bình luận Add your own

  • 1. Nguyễn Hoàng  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 2:55 chiều

    Vâng, cảm ơn những tấm lòng cao cả, đọc mà rưng rưng, quay mặt đi sợ người khác nhìn thấy

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 3:08 chiều

      Chỉ là chút cảm nhận thôi mà bạn.

      Trả lời
      • 3. Hongngoan  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 4:36 chiều

        Em đọc những dòng chữ này mà rơi nước mắt, cảm ơn nhà văn Phạm Ngọc Tiến và những tấm lòng đã san sẻ và cảm nhận được khó khăn vất vả của vùng cao như chúng em.

        Trả lời
        • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 4:59 chiều

          Hongngoan này ở Mường Phăng thì phải, đúng không. Không chỉ cảm nhận mà còn cảm phục các bạn, nói như kiểu nghị quyết là cảm phục các chiến sĩ đã bám trụ kiên cường trên mặt trận vì sự nghiệp giáo dục mầm non của Tổ Quốc. Hẹn gặp vào đầu năm học mới. Khekhe….

          Trả lời
  • 5. Thuy Nguyen  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 4:39 chiều

    Cảm ơn các Anh đã làm những điều để cảm thấy rằng vẫn còn thật nhiều điều để làm… Chân đi có thể mỏi, khó khăn có thể gặp, có cả những niềm vui và những nỗi buồn, nhưng trên tất cả, nụ cười hồn nhiên và niềm vui của các em nhỏ lại làm chúng ta thấy quặn lòng… Mong sẽ có ngày được chung bước cùng với các Anh trên con đường ấy!

    Trả lời
    • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 5:03 chiều

      Bạn đang chung bước đấy thôi. Rất đúng, còn rất nhiều điều để chúng ta làm. Cảm ơn những chia sẻ của bạn.

      Trả lời
  • 7. thuylinhnv  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 4:46 chiều

    Cố giữ lấy giá trị vô hình nhưng vô cùng to lớn của “cơm thịt” vì giá trị đó được “mua” và kí thác bảo đảm từ những đồng tiền nhỏ bé nhất của người dân nghèo kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, công sức lao động chân chính đã tham gia đóng góp vào chương trình. Một ý tưởng tốt muốn thành công cần nhiều sự đóng góp của những tấm lòng tử tế…Hy vọng là thế…

    Trả lời
  • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 5:07 chiều

    Cái giá trị vô hình ấy là cái cớ, là điểm tựa để những người tử tế còn neo lại được trong cuộc đời khốn khó này. Anh em mình sẽ cùng cố gắng dù biết lực thì tàn sức thì kiệt. Cố chừng nào hay chừng ấy. Đồng ý là hy vọng!

    Trả lời
  • 9. Cháu Thắm  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 5:17 chiều

    Đoc bai viết cuả chú chung cháu cam thay rât cảm động,khônrg biết mọi người cảm nhân về chương trình “Cơm có Thị “như thế nào ? nhung riêng đối vói cá nhâm cháu và tập thể giáo viên trong trường mầm non Y TÝ thì thấy, các cô chú anh chị trong đoàn rất nhiệt tình đã mang đem niềm vui cho các cháu học sinh ở trương bũa com có thịt,có những chiếc áo ấm để mặc để chống trọi vói các rét xuống tới 3-4 độ….nhiều và rất nhiều niềm vui nữa mà các cô chú đẫ mang đến cho các chau học sinh vùng cao ở khắp các nơi .Năm học sắp kết thúc chúng cháu chúc cho chương trình luôn mang đến niềm vui nhiều hơn nữa cho các chau học sinh vung cao .chúc cho các cô chú anh chi trong chương trình luôn manh khỏe hạnh phúc

    Trả lời
    • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 5:33 chiều

      Hôm rồi chú Tiến đưa cả nhà vào Mường Nhà, Điện Biên. Đám con chú thích lắm lại gạ gẫm sang năm. Chú đã đồng ý. Sang năm sẽ vào Y Tý. Chuẩn bị uống rượu nhé. Khekhe…

      Trả lời
  • 11. Lana  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 6:30 chiều

    Em rất rất thích bài viết này anh Tiến ạ. Dù nó hơi dài (hì) nhưng thật là không bớt đi được đoạn nào.
    Cảm động vì những tâm huyết cho cơm thịt của anh.

    Trả lời
  • 13. Quỳnh- MN SMS  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 6:40 chiều

    Đọc những cảm xúc của chú càng thêm thấy hiệu quả của chương trình cơm thịt với các cháu mầm non. Trẻ con Sàng Ma Sáo của chúng cháu rất vui và trân trọng thật nhiều tấm lòng của mọi người. Với nhà văn PNT và các cô chú, anh chị đã đến chia sẻ cùng nhà trường chúng cháu thấy thật gần gũi và thân thương. Năm học mới rất mong sự có mặt của chú trong ngày khai trường của các cô và các cháu, chú nhé!. Chúc chú luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

    Trả lời
    • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:15 chiều

      Sàng Ma Sáo là nơi có nhiều kỷ niệm của chương trình cơm thịt. Hy vọng là dịp khai trường lại được có mặt nơi đây. Chúc cô trò SMS có một kết thúc năm học thật ý nghĩa nhé.

      Trả lời
  • 15. HMH  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 6:41 chiều

    Lâu lâu rồi mới thấy bác bốt bài ” rút ruột” như thế này. Hoan hô bác Tiến, mong được đọc thêm nhiều bài của bác. Em mới đi công tác về có chai khói mừng bác cộng thêm món quà bí mật. Mong sớm gặp để trao quà.

    Trả lời
    • 16. Thu Quế Điện Biên  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:14 chiều

      Đọc những dòng chữ Chú Tiến viết về Nậm Ty của huyện Điện Biên chúng cháu mà cháu không sao cầm lòng được, rất cảm ơn chương trình bữa cơm có thịt đã đến giúp đỡ các cháu vùng khó khăn, có lẽ những ai đọc được những dòng chữ này cũng sẽ cảm thông và chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các cô giáo và các cháu học sinh vùng cao.

      Trả lời
    • 17. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:16 chiều

      Hồi hộp quá cả chai khói lẫn món quà bí mật. Cảm ơn Hùng. Khekhe….

      Trả lời
      • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:19 chiều

        @Quế: Hôm đó cả 3 cô say xe tình tính tang luôn. Thấy khiếp. Chưa có con đường nào, kể cả Sơn Tống lại ghê như cái đoạn vào trường Nậm Ty. Lần sau các cô bảo xe ô tô đỗ hết ở ngoài chỗ biên phòng ấy, đừng đi vào, nguy hiểm lắm.

        Trả lời
  • 19. Cô trò trường MN Bản Máy - HSP-HG  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 7:16 chiều

    Chú ơi ! Cô và trò trường mầm non Bản Máy – Hoàng Su phì – HG vo cung biet on cac co, chu cua mam com co thit da dem den niem vui niem hanh phuc voi vung cao vung bien gioi xa xoi. Co tro trường MN BM rat mong duoc don co chu mọt ngay gan nhat. Năm học sắp kết thúc chúng cháu chúc cho cac co, chú trong chương trình mâm cơm có thịt luôn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc nhiều hơn nữa cho các chau học sinh vung cao, vùng biên giới. Chúc cho các cô chú anh chi trong chương trình luôn manh khỏe hạnh phúc.Mong được gặp lại cô chú trong ngày khai giảng năm học mới chú nhé.
    Cô và trò trường MN Bản Máy yêu và nhớ chú Tiến nhiều lắm!

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:21 chiều

      Đọc dòng sau cùng đỏ cả mặt. Vẫn còn nợ biên phòng Bản Máy cái biogas. Chắc là phải đợi thêm ít ngày nữa mới chuyển được tiền.

      Trả lời
  • 21. Nguyen Song Nam  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 8:48 chiều

    Chút cảm nhận thôi anh Tiến ơi. Anh viết cảm động như chính con người anh. Đọc xong mà không dám đọc lại vì buồn quá. Dù sao chứng kiến một công việc và viết lại được những cảm xúc của mình để chia sẻ với những người mình quý không phải là ai cũng làm được.
    Chúc mọi việc tốt lành!

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 9:24 chiều

      Cảm ơn Nam đã chia sẻ. Thực thì sau mỗi chuyến đi bao giờ cũng có nhiều chuyện để viết nhưng lần này có cảm xúc khác thật. Vì chưa từng xảy ra.

      Trả lời
  • 23. Lê Thị Tuyết Hường  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 10:45 chiều

    Quả thật bây giờ nghĩ đến chuyến đi Nậm Ty ấy em vẫn thấy hú hồn, lúc ngồi trên xe mặc dù rất say nhưng em vẫn cố nghển cổ lên để nhìn đường vì lo nếu chẳng may xe trượt bánh thì…các anh chỉ vì bữa cơm có thịt cho những học sinh nghèo mà dám mạo hiểm cả mạng sống của mình. Rất may là mọi người đều bình an trở về nếu không Nậm TY sẽ không bao giờ trả hết nợ cho các Anh.

    Trả lời
    • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 10:55 chiều

      Dào, các cô say xe lử đử đâu có biết lúc trở ra ở chỗ ngoặt. Mùa này đường cứng vì chưa mưa chứ lúc mưa thì chắc vứt xe đấy cho trẻ con nghịch. Khekhe….cũng là một kỷ niệm.

      Trả lời
  • 25. Dã Quỳ  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 10:47 chiều

    Vừa đọc vừa rưng rưng …….

    Trả lời
  • 26. Dã Quỳ  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 10:49 chiều

    trong tiếng Thái hay Tày, Nùng gì đó thì chữ Nậm (hay Nặm) có nghĩa là Nước. Vậy mà Nậm Ty lại đang thiếu nước. Hic ..hic ….xót lòng quá!

    Trả lời
    • 27. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 11:00 chiều

      Phân hiệu ở hai bản đều được trang bị tốt có bồn chứa Sơn Hà nhưng nước thì cực hiếm. Để có nước chắc phải dùng máy bơm chạy xăng và dẫn ống từ dưới lên quãng vài trăm mét.
      Hôm vào đó bọn tôi hỏi nghĩa Nậm Ty là gì. Nậm là nước rồi còn Ty. Các cô cười cười không biết.

      Trả lời
      • 28. Dã Quỳ  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 11:09 chiều

        Vậy ở đây đã có máy bơm nước và ống dẫn nước chưa ạ ???

        Để DQ về hỏi Ngoại xem Nậm Ty nghĩa là gì nha. 🙂 🙂

        Trả lời
        • 29. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 11:10 chiều

          Điểm này mới đi khảo sát chưa triển khai cơm thịt. Mọi thứ mới đều chỉ là dự kiến. Vì cũng hết năm học rồi DQ ạ.

          Trả lời
          • 30. Dã Quỳ  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 11:15 chiều

            Nếu mai mốt sau khi khảo sát nơi này mà vẫn chưa có máy bơm & ống dẫn nước thì xin cho DQ biết tin với nha. Để xin giúp 1 tay thôi ạ!

            Cám ơn bác!

          • 31. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 16, 2012 lúc 11:23 chiều

            Cảm ơn Dã Quỳ. Theo như quy trình vẫn làm thì khi phủ cơm thịt nơi nào, sẽ đầu tư những vật dụng cần thiết như xoong nồi, bát đũa…tóm lại là vật dụng để phục vụ bếp ăn và sinh hoạt. Những vật dụng này sẽ được các điểm trường kê khai sau đó chương trình trang bị. Hoan nghênh sự nhiệt tình của Dã Quỳ. Việc này chắc triển khai vào lúc chuẩn bị cho năm học mới.

  • 32. Tin thứ Năm, 17-05-2012 « BA SÀM  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 2:03 sáng

    […] Cảm nhận từ Nậm Ty (Phạm Ngọc […]

    Trả lời
  • 33. Zoe  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 7:14 sáng

    Chúc lão vững niềm tin rằng cuộc sống luôn còn những điều tốt đẹp như chính những việc làm của lão và của chương trình Cơm có thịt!

    Trả lời
  • 35. Thang  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 9:03 sáng

    Bác ơi! Lần trước tham gia, trước khi đi Mường khương- Sàng ma sao, em cũng lặng lẽ ghi số mã TK, thẻ ATM và một số việc quan trọng rồi để ngăn kéo. Chỉ dám nhắc vợ: Có một số giấy tờ để trong ngăn kéo nhé! Nghĩ mình cẩn thận, nhưng nói ra sợ người nhà lo. Lại không cho tham gia đi cùng Cơm thịt & GHX nữa thì phiền. Ấy vậy mà trong đoàn lần đấy, bên GHX có thành viên còn phải viết giấy ủy quyền đâu ra đấy rồi mới được gia đình cho tham gia. Chùng ta cố gắng để tránh rủi ro. Nhưng em nghĩ mỗi tình nguyện viên khi đăng ký tham gia đều đã có suy nghĩ sẵn sàng chấp nhận nhừng biến cố bất thường có thể gặp phải. Nhưng không vì thế mà chúng ta lùi bước phải không bác.

    Trả lời
    • 36. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 9:17 sáng

      Giờ mới nghe được thông tin này. Đâu đến mức phải phòng xa như vậy. Nghe thì thấy mình là thằng chúa ẩu, chả phòng bị gì hết. Lùi là lùi thế nào, càng phải lấy đà nhảy vọt lên ấy chứ.

      Trả lời
  • 37. Duc Thinh  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 9:23 sáng

    Đọc bài này tôi thấy rất lo lắng cho các anh chị tham gia chương trình Cơm Thịt , có lẽ các anh chị nên theo lời khuyên của các thầy cô , là không nên vào tận nơi ở những điểm trường có địa hình quá hiểm trở , mà nên dừng ở điểm trung chuyển ngoài , sau đó huy động phương tiện vận chuyển khác như xe máy , xe thồ … Tất nhiên các anh chị đã dấn thân thì cũng không ngại những mất mát , hy sinh song tại thời điểm hiện tại ( và mãi sau này ) thì sự an toàn của những người chủ chốt của Chương Trình sẽ có tính quyết định đến sự duy trì và phát triển của Chương Trình hết sức nhân văn này…những tâm hồn trẻ thơ ở những điểm trường mà các anh đã tới chắc rằng luôn trong đợi luôn trong đợi nagy2 các anh chị tro83 lại
    Trân trọng.

    Trả lời
    • 38. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 9:40 sáng

      Cảm ơn anh đã lo lắng. Sẽ rút kinh nghiệm đi bằng phương tiện khác như xe máy. Cũng nói thật bọn tôi chỉ là những người trung chuyển, với những đồng tiền đóng góp của đồng bào mình không đi thực tế kỹ lưỡng, không nắm hết được ngóc ngách các địa phương sự đầu tư sẽ không hiệu quả hoặc lãng phí. Chính vì vậy các thành viên cơm thịt phải chia nhau đi nhiều là vì vậy. Cũng chỉ cho cái đích cuối cùng là đồng tiền đến đúng nơi đúng chỗ đúng người đúng việc.

      Trả lời
      • 39. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 12:48 chiều

        Anh Đức Thịnh: Cái chuyến đi Sơn Tống chiếc xe tải bên anh tài trợ cũng gặp một cung đường ác liệt khiến lái xe sợ xanh mặt nhưng chưa bằng đường vào Nậm Ty. May chứ nếu hôm ấy xe tải vào đường đó thì không biết sẽ xoay trở ra sao. Chắc chắn không tiến không lùi được. Vì đường hẹp, đoạn cua vuông góc và sát vực, xe con còn lọt bánh. Cảm ơn anh và công ty nhiều.

        Trả lời
    • 40. Lana  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 6:55 chiều

      Anh Thịnh ơi hình như Lana đã gặp anh bữa ở nhà bác Tuấn (về xe tải Mitsubishi). Về chuyện đi điểm trường lẻ đúng thật là mất thời gian và vất vả hơn rất rất nhiều. Nhưng đi rồi thì thấy ngay tại các trường chung một xã, các điểm trường chính ngoài việc có đường xe ô tô đến tận nơi, giao thông thuận tiện, cơ sở trường lớp được đầu tư hơn, có điện có nước… thì kể cả quà tài trợ cũng thường được nhận hoặc ưu tiên hơn các điểm cắm bản vốn vô cùng thiếu thốn và nghèo. Đôi khi không phải ‘phân biệt’ mà đơn giản trường chính là bộ mặt, địa phương và lãnh đạo trường thường dồn ưu tiên cho các điểm này vì các đoàn đến thăm, kiểm tra, tài trợ… cũng chỉ tới các điểm này thôi.

      Nên, đến nơi rồi mà không đi vào điểm bản heo hút kia, thấy như mình đi chưa ‘tới’ anh ạ.

      Trả lời
  • 41. hungthoa  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 10:54 sáng

    Bài viết thật trọn vẹn giữa “Được và Mất”. Các anh chị không những đem đến cho các con quả trứng, miếng thịt, mà còn gieo vào lòng các con nhiều điều hơn thế..

    Càng về sau, càng thấy chương trình có nhiều bạn trẻ tham gia, đó là một điều ngoài mong đợi phải không anh?

    Cám ơn các anh chị đã cho chúng em một tấm gương để sống.

    Trả lời
    • 42. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 11:40 sáng

      Chương trình đang cuốn hút nhiều bạn trẻ, đúng thế. Và rất nhiều người, nhiều giới quan tâm chia sẻ đồng hành.
      Anh Tiến và chương trình phải cảm ơn vợ chồng Hùng Thoa mới đúng. Rất cảm ơn các em đã đóng góp và khích lệ động viên chương trình.

      Trả lời
  • 43. Nguyễn Thu Vân  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 11:20 sáng

    Đọc bài này của Anh mà lại càng thêm cảm phục tấm lòng của các Anh với các cháu. Các Anh không những đã dành rất nhiều tiền của cá nhân, thời gian để trực tiếp chuyển tấm lòng của các tổ chức, cá nhân tới tận tay các cháu, mà còn gặp những khó khăn, nguy hiểm khôn lường trong những chuyến đi như thế này.
    Mong cho chương trình càng ngày càng có nhiều người ủng hộ.

    Trả lời
    • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 11:44 sáng

      Chắc chắn Cơm có thịt sẽ phát triển vì sự ủng hộ rộng khắp của mọi người Thu Vân ạ. Mong được đồng hành cùng các bạn.

      Trả lời
  • 45. wine116  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 12:35 chiều

    Cảm động, cảm phục và chỉ biết cầu trời khấn phật cho mọi người được bình an!

    Trả lời
  • 47. trungkien  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 12:49 chiều

    Cảm ơn tác gả,cảm ơn chưong trình cơm thịt đã đem lại cho tôi và mọi người có niềm tin vào cuộc sống ,xã hội này.cảm ơn …..và… cảm ơn

    Trả lời
    • 48. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 1:03 chiều

      Vâng, khi không còn niềm tin thì chẳng gì có ý nghĩa nữa.

      Trả lời
  • 49. trungkien  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 1:11 chiều

    Chương trình nhất định sẽ lớn mạnh.
    Chúc các thành viên chương trình sức khỏe ,chân dẻo đá mềm.

    Trả lời
  • 51. Bắp Cải  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 5:21 chiều

    Cháu rất ngưỡng mộ chương trình này 🙂

    Trả lời
  • 53. Mai Hợp Y Tý  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 8:12 chiều

    Cháu chào chú Tiến ạ, đọc bài của Chú mắt chị em cháu hoe hoe đỏ. Hiện tại 5 chị em chúng cháu nằm trên giường ngắm trăng qua mái tôn. Chị em chúng cháu vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn này xứng đáng với sự tin tưởng của các chú. Nhà công vụ của chúng cháu mong rằng sẽ được xây mới như mong ước của Chú Tuấn và Chú Tiến.
    Mong năm học mới 2 Chú lên khai giảng cùng chúng cháu và các bé mẫu giáo.

    Trả lời
    • 54. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 17, 2012 lúc 8:50 chiều

      Nhà công vụ phải đợi chú Tuấn làm việc với bên tài trợ. Chắc cũng sắp triển khai.

      Trả lời
  • 55. triệu đoan trang  |  Tháng Năm 21, 2012 lúc 10:56 sáng

    Em trông ngóng nằn nì anh Tiến viết, đọc ngay sau khi anh post bài lên …cảm động quá …ngen luôn không thốt lên được lời nào, Đến hôm nay mới ấp úng …Em cảm ơn các Anh Chị thật nhiều, cầu chúc Anh Chị luôn manh khỏe và may mắn..

    Trả lời
  • 56. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 21, 2012 lúc 10:59 sáng

    Cảm ơn cái ấp úng của Triệu Đoan Trang. Hình như người đoan trang thì hay ấp úng cao nữa là…nghẹn thì phải. Khekhe….

    Trả lời
  • 57. ban trang tay bac  |  Tháng Năm 21, 2012 lúc 4:21 chiều

    Anh Tiến ơi. bao giờ a trở lại mảnh đất : ” lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu đó a”? chúng e đang mong a lắm đó. Cảm ơn những tấm lòng của ” mâm cơm có thịt”, các a thật cao cả, e đọc những bài viết, xem những bức ảnh,… của a về con đường, phố phường miền núi… những thành phố trong sương…mà các a đã đi qua thật iêng hùng và hồn nhiên, những bức ảnh có một không hai trở lại thời tiền sử…tắm tiên…những cô tấm giữa đời thường…hì hì..he he…khi trở lại Điện Biên nhớ vào chúng e nhứ, Mường Nhà, Mường Lói, Nậm Ty, Pa Thơm, Na Ư, Núa Ngam …từ già lẫn trẻ đang mong các a lắm đó. ” Mong a như mong mẹ về chợ, mong như nguồn nước ở Nậm Ty…hi hi, e chào a, cho e gửi tới a và các a các chị trong đoàn ” mâm cơm có thịt, gánh hàng xén…” nhiều cái hòm hì hì… e nhớ a nhiều lắm.

    Trả lời
    • 58. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 21, 2012 lúc 4:37 chiều

      Cái nick gì lạ thế. Nhớ đến mức gửi nhiều cái hòm, e là…Khekhe…

      Trả lời
      • 59. ban trang tay bac  |  Tháng Năm 22, 2012 lúc 12:30 chiều

        a àh. nick của e thể hiện của con người của xứ hoa ban trắng mà chỉ có ở Điện Biên mới có đó a Tiến àh. dạo này a có khỏe không? Khi nào a lên Điện Biên đấy? hôm a vào trường e mà e vẫn chưa có dịp được hỏi tham sức khỏe của đại gia đình a, e vô tâm quá a nhỉ, ở Hà Nội dạo này có nóng lắm không a?

        Trả lời
        • 60. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 22, 2012 lúc 3:20 chiều

          Hoa ban trắng. Nhất trí. Cảm ơn nhiều nhé.

          Trả lời
          • 61. ban trang tay bac  |  Tháng Năm 22, 2012 lúc 4:10 chiều

            Sao mà a khách sáo vậy, a đang làm gì đấy ? hay a cũng đang giống e post trên trang gánh hàng xén đấy ? a chụp những bức ảnh mà e thót cả tim, nguy hiểm song rất cảm động.

  • 62. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 22, 2012 lúc 10:48 chiều

    Gửi bạn “ban trang tay bac”. Tôi không biết bạn là ai, nhưng 3 comment của bạn ở đây tôi thấy có gì đó không bình thường. Đi miền núi việc của tôi cũng ít tiếp xúc nên không quen nhiều các cô giáo. Các cô giáo chắc chắn không có kiểu comment thế này. Họ mộc mạc thật thà và tốt bụng. Đề nghị bạn không nên thế này nữa. Blog của tôi xưa nay mọi người vào đều là bạn bè. Cảm ơn bạn đã vào trang. Mong bạn dừng lại ở đây.

    Trả lời
  • 63. Lê phương Dung  |  Tháng Năm 23, 2012 lúc 12:35 chiều

    Sáng nay QH họp trình”dự thảo luật lao động sửa đổi”tôi có tranh thủ”ghé”qua Trang CƠM THỊT,và đúng là tôi cũng thấy có điều gì đó”không bình thường”trong commetn của@bantrangtaybac,nếu đây thực sự là một cô giáo thì tôi e rằng sẽ có nhiều thế hệ học sinh phải bị học sai về nhiều lỗi chính tả,cũng như từ ngữ câu cú rối rắm lủng củng,tôi biết là có thể Bạn”còm”vui…nhưng không đúng kiểu,ai lại đi gửi hòm?xiểng như thế!các NV,NB họ cũng rất vui hài hước nhưng tinh tế,và tôi không dám dậy khôn ai,cũng chỉ là một lời góp ý nho nhỏ mà thôi.trân trọng

    Trả lời
  • 65. ban trang tay bac  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 2:13 chiều

    ” bantrang” xin lỗi a nhiều nhé, thật sự “bantrang” không có ý nghĩ gì cả đâu, a Tiến nói vậy e ngại quá, xin lỗi và xin lỗi các a nhé, nếu thật sự a giận thì e không biết nói gì hơn, e gửi hòm ( hộp) với ý nghĩa là mong các a gửi nhiều quà cho chúng e ở trong những chiếc hộp đó thôi a ah, chứ e không có ý ngĩ nào khác cả. Vậy thôi chào a.

    Trả lời
  • 66. hoamaivang  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 2:18 chiều

    chào các a. e rất ngưỡng mộ chương trình này. rất ý nghĩa và mang tính nhân văn. Thật cảm động.

    Trả lời
  • 67. Dong  |  Tháng Sáu 2, 2012 lúc 11:39 sáng

    Không góp gì nên cũng ngại góp lời, chỉ thấy có những điều cao cả lại trở nên bình thường đối với những người cao cả.

    Trả lời
    • 68. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 2, 2012 lúc 12:57 chiều

      Lời chia sẻ còn gì quý hơn. Lâu quá, chợt nhớ cái lần đi thăm ông anh Cà Mau. Bao giờ thì lại được nâng ly nhỉ.

      Trả lời

Gửi phản hồi cho Nguyen Song Nam Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Năm 2012
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

CHÀO KHÁCH

free counters