Bạn bè viết: Nói cùng nhau trước thềm năm học mới (1)- Trần Đăng Tuấn

Tháng Bảy 28, 2012 at 11:19 chiều 23 bình luận

(trandangtuan.wordpress.com)
Rất cần thêm bàn tay của chúng ta .Hãy cùng bà mẹ này đưa các con bước vào Năm học Mới ! 

Tháng  9.2011,khi từ Suối Giàng về, kế hoạch của chúng tôi là lập một ‘dự án “ nhỏ, để gần hai trăm học sinh nội trú dân nuôi của Suối Giàng được ăn một hai miếng thịt mỗi bữa ăn. Mấy người chúng tôi định rủ nhau làm việc đó (như nhiều lần đã làm), chứ không định vận động rộng rãi ra ngoài. Nhưng chính những người không quen trên cộng đồng mạng qua những tâm tình và thúc giục đã khiến mọi việc nhanh chóng đi theo hướng khác : Một “Quỹ” ra đời với cái tên Cơm có thịt.

Cho đến hôm nay, tài khoản Cơm có thịt đã nhận được 3.650.000 .000 (Ba tỷ, sáu trăm năm mươi triệu) tiền ủng hộ. Sau Suối Giàng, Cơm có thịt lan dần đến các vùng khác. Đến bây giờ đã có 46 trường học nhận tiền mua thịt cho học sinh. 5100 em nhỏ hiện trong danh sách được hỗ trợ.

Chúng tôi đi những chuyến đi lên Mù Căng Chải, qua Bát xát, rồi Mường Khương, Bắc Hà, Simacai, Hoàng Xu Phì, Xín Mần,Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã hứa một lời với những người gửi tiền, rằng từng đồng trong số tiền đó đều được gửi đến cho các em học sinh. Và về điều này, không thể có bất cứ một sự đơn sai  nào. Tất cả mọi đồng tiền ủng hộ đều được dành trọn vẹn cho các em, không một chi phí nào về quản lý, vận hành. Không qua một nấc trung gian nào, đến thẳng các trường. Nhưng hơn cả cam kết đó: Chúng tôi muốn gửi đến đúng chỗ cần nhất, và sau khi gửi đến rồi, ở mỗi trường những đồng tiền trên phải trọn vẹn thành cá, thịt cho các cháu.Vì muốn vậy, chúng tôi phải đi nhiều, rà soát nhiều. Những chuyến đi ấy ngày càng đông bạn bè tham gia hơn, nhưng ai cũng tự lo cho chuyến đi của mình, không một xu nào từ tiền ủng hộ phải chi cho chuyện đó.Một năm học đã trôi qua, và giờ đây, tôi có thể thay mặt bạn bè nói với tất cả những ai ủng hộ một lời giản dị: Những đồng tiền các bạn gửi đến , chúng tôi đã cố gắng đến hết sức mình để chúng được sử dụng hiệu quả nhất.

Từ những đồng tiền ấy, các em học sinh Suối Giàng (tất nhiên, không chỉ các em Suối Giàng), đã tăng cân đến mức thày cô giáo quá ngạc nhiên.

Chụp chung với cậu bé Trung học cơ sở Suối giàng đã tăng 4kg sau mấy tháng “Cơm có thịt”

Từ những đồng tiền ấy, các em bé Tiểu học Lao Chải không phải tự nấu ăn, rồi chuyền tay nhau (những bàn tay đen nhẻm bụi khói củi than) chiếc thìa chung xúc cơm từ nồi ăn mỗi bữa. Nay chúng có bếp, nhà ăn ấm cúng, chúng quây quần bên bữa cơm chung có thịt, có rau.

Hôm qua…

Từ những đồng tiền ấy, các bé Mẫu Giáo Dền Thàng không phải mang cập lồng đi học nữa. Chúng ăn cơm bằng những bát mới, thìa mới, và các cô giáo trẻ hàng ngày xúc vào bát chúng những miếng thịt, miếng cá – chưa nhiều nhặn như ta muốn, nhưng có hàng ngày (mà trước kia với chúng miếng thịt chỉ là điều hiếm hoi dịp lễ tết).

Hôm nay.

Từ những đồng tiền ấy, nhiều bà mẹ ở Mường Nhà thôi không phải nén tủi hổ thả con hàng sáng cách cổng trường Mẫu Giáo rất xa, để con tự lon ton chạy vào, còn mẹ lẩn nhanh về, sợ cô bảo mẫu nhìn thấy, sẽ hỏi sao chưa đóng tiền ăn cho con . Giờ đây, mẹ có thể bế cháu trao tận tay cô, trong lòng không vương vấn nỗi khổ tâm ngày trước.

Các cô giáo Mường Nhà gửi ảnh về : Bữa ” Cơm có thịt” đầu tiên.

Từ những đồng tiền ấy, cậu học sinh nội trú ở Cát Thịnh ( Văn Chấn-Yên Bái), không bỏ giờ học ngồi canh mấy con cua bắt được ngoài suối, để dành cho bữa cơm mình tự nấu. Giờ đây cùng bạn bè, em có thể yên tâm học hành, và biết rằng khi trống tan lớp vang lên, đã có bữa “Cơm có thịt” đợi các em .

Từ những đồng tiền ấy, các bé Mẫu Giáo Y Tý những ngày nắng đẹp ngồi ngay sân hè lớp ăn cơm chung, nhìn ra  thung lũng mà ngay bên kia là biên giới. Các em ấm lòng một, thì lòng người lớn vùng biên ải ấm mười.

Tôi không thể kể hết những gì đồng tiền các bác, các anh, các chị đã đem lại cho các nơi xa xôi ấy. Đấy không chỉ là một ít dinh dưỡng (rất cần) cho trẻ con. Đó là những giọt nước mắt vui của thày cô vùng sơn cước, là nụ cười rạng rỡ trên mặt bố mẹ, là sự nhẹ nhõm trong lòng những người lăn lộn với công việc dạy học vùng cao ( Những người tâm huyết như vậy còn rất nhiều, và không ai vui hơn họ khi nhìn thấy bữa cơm của các em có thịt, khi nhìn thấy sĩ số học sinh tăng lên khi Cơm có thịt đến với trường học). Và trên hết, điều mang lại lớn lao là cảm xúc : Chúng ta đều là con Lạc cháu Hồng, chúng ta phải đùm bọc nhau, bởi là con dân nước Việt. Nước Việt còn đến hôm nay và mãi trường tồn, chẳng vì một sự thiên thời địa lợi nào cả,mà chỉ vì điều đó chưa bị quên lãng trong tâm khảm hầu hết người Việt bình thường.

Điểm trường Mẫu Giáo Pu Lau (Huyện Điện Biên), bữa “Cơm có thịt” đầu tiên

Những đồng tiền ấy, ba tỷ sáu trăm năm mươi triệu ấy (cho đến nay), phần lớn là từ những đóng góp nhỏ, từ những người không giàu có.

Có người chỉ có thể gửi mỗi tháng 50.000 đ, nhưng rất đều đặn, không tháng nào sai hẹn.

Có người chỉ có nguồn duy nhất : Lương hưu, và đã san sẻ từ khoản lương hưu đó.

Có người gửi tiền ủng hộ, và nhắn rằng : “ Hiện em đang giai đoạn chưa có việc làm, nếu sắp tới có chỗ đi làm, em sẽ gửi nhiều hơn”.

Có bác gái trước khi lìa trần, dặn lại cháu con hãy mang tiền ủng hộ cho Cơm có thịt. Và con cháu bác đã nghẹn ngào thực hiện.

Những em nhỏ đã gửi tiền với lời nhắn “ Các bác chuyển hộ tới các bạn của cháu ở miền núi “.

Những người Việt sinh sống xa quê, mà lo lắng chuyện cơm có thịt cho những vùng họ chưa bao giờ nhìn thấy, nhưng luôn cảm nhận đó là nơi phên dậu của Tổ quốc này. Một số người khi về thăm quê đã tìm đến gặp Cơm Có Thịt.  Chúng tôi ứa nước mắt khi chưa kịp nói lời cám ơn thì có người trong số họ đã nói : Tôi ở xa, cám ơn các anh chị đã làm thay tôi !

Những khoản đóng góp của các doanh nghiệp đến với Cơm Có Thịt không phải vào thời làm ăn phát đạt, kinh tế đi lên. Và các doanh nghiệp, doanh nhân đó không cần một sự ghi danh nào. Cơm Có Thịt chỉ có những thông báo, thống kê khiêm tốn trên một blog không nhiều người biết đến.

Thời kinh tế khó khăn, nhiều người gián tiếp qua thư, nhắn tin, những người khác là đồng nghiệp gần gũi thì trực tiếp, đã thanh minh với tôi như thể mình có lỗi : “ Anh ơi, em không quên đóng góp đâu,nhưng tháng này lương muộn !”.

Trên đường đi làm Cơm Có Thịt, chúng tôi không thể không xót xa khi nhìn thấy những thiếu thốn của các em không chỉ là chuyện ăn, mà còn là chuyện mặc, và nhiều cái khác nữa.

Mùa đông vừa qua là mùa đông không quên với chúng tôi, khi nhìn thấy làn da tím tái của những mầm non đất nước, vào những lúc nhiệt độ gần như xuống đến độ  0.

Từ những đồng tiền đóng góp, gần vạn chiếc áo ấm đã đến với những đứa bé đang ở nơi rét nhất. Có nhiều bạn bè bỏ quên cả việc của doanh nghiệp của mình, dồn tâm lực cho việc tìm mua, tự may, nghĩ ra những sáng kiến lạ lùng nhất để có ít tiền mà nhiều bé vùng cao lại được ấm.

Tôi nhận từ phía Nam những bao quần áo đề tên người nhận, nhưng không một chữ nào để biết ai đã gửi những chiếc quần áo mới tinh và đẹp như những bộ quần áo trong các shop ở thành phố được gửi cho các học sinh phía Bắc xa xôi.

Bạn Khánh từ Vũng Tàu ra cùng đi Mường Khương mặc áo ấm cho các bé.

Tháng 9 năm ngoái, khi từ Suối Giàng về Hà Nội, tôi nhớ chúng tôi dừng giữa đường ăn cơm. Và đó có thể là bữa cơm lặng lẽ nhất, khi ai cũng thấy đắng trong miệng. Nhưng từ khi chúng tôi đi đến các trường, mang áo ấm, mang ủng hộ của mọi người đến cho học sinh, thì bữa cơm nào của chúng tôi cũng tràn đầy niềm vui và tiếng cười, cho dẫu là khi ăn cùng các thày cô giáo trong sương mù và cái rét ghê gớm của Y Tý, hay bát mỳ gói hiếm hoi đêm xe hỏng ngủ lại ở Sàng Ma Sáo. Điều chúng tôi nhận được khi thay mặt mọi người đem thịt và áo ấm đến cho các em, đơn giản là : Hạnh phúc.

Đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn, một chút lửa ấm giữa đông…

 

Y Tý, bên đường biên.
Sân trường Mường Lói : Chọn quần áo ủng hộ cho học sinh
Thay mặt các bạn đến đây, chúng tôi là những người hạnh phúc.

 

Hạnh phúc ! Bạch Tầm Xuân (Nikname trên FB) tại sân trường Tiểu học Tả Ngải Chồ (Mường Khương), mùa hoa đào nở.

Chẳng ai muốn xa hạnh phúc mình đang có. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau bước vào năm học mới cùng những cô cậu vùng cao đã trở thành thân thiết lắm với chúng ta. Và ta sẽ nói với nhau về những gì ta sẽ làm trong những tháng tới đây ….

(còn tiếp)

T.Đ.T

Entry filed under: Bạn bè viết.

Đàn trời (kịch bản phần cuối: tập 31-36) Tiếng khóc đời (truyện ngắn mini)

23 bình luận Add your own

  • 1. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 28, 2012 lúc 11:27 chiều

    Chuẩn bị bắt đầu cho một năm học mới. Cơm thịt bước sang tuổi thứ 2. Thấy rạo rực quá. Cầu cho mọi sự suôn sẻ để thêm nhiều trẻ được ăn thịt được mặc ấm.

    Trả lời
  • 2. Nguyễn Việt Hùng  |  Tháng Bảy 28, 2012 lúc 11:53 chiều

    Kèn lệnh đã vang, quân trang đầy đủ, Biên cương thẳng tiến

    Trả lời
  • 3. trandangtuan  |  Tháng Bảy 29, 2012 lúc 12:51 sáng

    ktra lại cách post ảnh,lẹm nhiều lắm

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 29, 2012 lúc 12:55 sáng

      Coppi cả bài cả ảnh luôn rồi paste vào trong ruột. Chỉ biết mỗi cách ấy. Loay hoay mãi chưa chỉnh được phần ảnh lẹm.

      Trả lời
      • 5. T.H.L  |  Tháng Bảy 29, 2012 lúc 8:54 sáng

        Bác xem có phần chỉnh cho ảnh nhỏ lại đấy (resize) thì ổn ngay

        Trả lời
        • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 29, 2012 lúc 3:58 chiều

          Ảnh tự tôi post lên thì thu to nhỏ được nhưng ảnh này theo bài coppi bên trang ông Tuấn về thì thu nhỏ bằng cách nào? Cái resize kia ở mục nào. Cảm ơn nhưng mà chịu chết. Khekhe….

          Trả lời
  • 7. Bắp Cải  |  Tháng Bảy 31, 2012 lúc 3:15 chiều

    Hình to như vậy xem cũng thích mắt chú Tiến ơi 🙂

    Trả lời
    • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Bảy 31, 2012 lúc 5:09 chiều

      Nhưng nó bị lệch mất hình bên phải không biết cách làm nhỏ hình lại. Chán thế.

      Trả lời
  • 9. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 12:01 sáng

    Chào a Tiến, tôi về nước tối qua, vừa gặp MTH chiều nay, có nói chuyện anh lo nhiều người không vào trang a Tuấn được. Tối nay về mở thử, thấy nhiều trang vẫn vào tốt.
    Lại nhớ đến cánh đồng cạnh nhà anh, định lúc nào ghé thăm anh đây, nhà tôi ở Trương Định gần đó mà, thỉnh thoảng vẫn đi METRO qua mạn nhà anh. Anh thấy được thì viết đia chỉ cho tôi nhé: laitranmai@gmail.com
    Ông cụ nhà tôi cũng bị tai biến như bố anh đấy, 1 năm rưỡi rồi.

    Trả lời
    • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 10:00 sáng

      Mời anh đến nhà chơi. Tôi viết địa chỉ qua e mail.

      Trả lời
      • 11. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 7:09 chiều

        Xin lỗi anh hay chị không biết. Khekhe….

        Trả lời
        • 12. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 8:54 chiều

          Nếu có bạn nhiệt tình muốn làm quen với anh và anh là người hiếu khách thì cần gì phải biết trước đấy là nam hay nữ, nhất là đã trên 50 tuổi thì ai chẳng thành đàn ông. Nghe MTH nói anh thường xuyên ở nhà viết kịch bản nên ăn trưa với MTH xong mới gọi điện cho anh để chiều nay ghé thăm trên đường đi METRO. 18h đi ngang mấy cái hồ gần METRO tôi nghĩ không biết cái nào gần nhà anh… Đến giờ này (21h 1.8.2012) hộp thư email của tôi cũng không có địa chỉ anh nên chắc chẳng bao giờ tôi có hân hạnh được chiêm ngưỡng hồ và cánh đồng tuyệt đẹp của anh. Qua chuyện này càng thấy các cụ nói đúng, đừng có say theo những lời thêu hoa dệt gấm của nhà văn mà vỡ mộng. Cám ơn anh đã rộng lượng mời tôi tới chơi mặc dù sau đó lại đãng trí không cho biết địa chỉ.
          Tôi dung viettel và thấy lúc nào cần vẫn vào được trang của a Tuấn.

          Trả lời
          • 13. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2012 lúc 1:02 sáng

            Tôi đã viết thư ghi địa chỉ nhà và số điện thoại theo đúng hộp thư. Vừa kiểm tra xong. Mục đã gửi vẫn còn lưu thư. Vì không thể để số điện thoại ở đây được. Nhà tôi cửa luôn mở rộng. Hôm nay tôi đến cơ quan chiều tối mới về. Ngày mai tôi ở nhà cả ngày. Trân trọng kính mời. Tôi sẽ gửi lại thư thêm một lần nữa bây giờ. laitranmai@gmail.com. (Tôi đã gửi. Trong đó có địa chỉ nhà và số điện thoại của tôi.)

          • 14. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 2, 2012 lúc 5:54 sáng

            Chào a Tiến,

            Tôi vừa kiểm tra lại hộp thư, kể cả spam…, vẫn không thấy thư nào của anh mà theo anh viết thì đã gửi tới hai lần. Lạ thật. Tôi đành tim địa chỉ email này trong Blog của anh để gửi theo đường này xem sao. Hy vọng nhận được trả lời của anh. Qua chuyện này tôi mới thấy có thể một số sinh viên, nghiên cứu sinh đã viết thư cám ơn tôi (khi tôi giúp họ trong nghiên cứu) mà tôi không nhận được, hoặc những thư tôi gửi họ cũng không tới người nhận ?

            Xin lỗi anh nhé vì đã không tin tưởng vào anh. Vì qua điện thoại anh nói là đã gửi thư nhưng kiểm tra hộp thư mấy lần mà không thấy, trong khi tôi có tính luôn luôn kết hợp 1 công đôi ba việc, tiện đi METRO thì dù anh chưa về và không được vào nhà anh, nhưng biết địa chỉ thì vẫn rẽ vào tìm trước để biết và nhân tiện chiêm ngưỡng cánh đồng luôn, như chú Quỳnh vẫn nói: không nên hoãn cái sự sung sướng mà. Vả lại, bản thân tôi trước cũng chẳng biết mình là nam hay nữ để trả lời anh, mà anh chỉ cho có 2 để chọn 1, dấu ba chấm lại nằm sau chữ khe khe chứ không nằm trước chúng. Giờ già rồi nên chắc có thể báo cáo anh tôi là Anh.

            Tôi vẫn luôn tin vào thành ngữ: “các cụ nói chỉ có đúng”, nhưng anh hay chị TL thì chắc là những trường hợp đặc biệt; nhất là qua việc làm của anh, chị với các lít nhít…

          • 15. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2012 lúc 9:03 sáng

            Tôi đã reply lại cho anh theo cái thư anh gửi cho tôi. Chuyện thư từ thất lạc bây giờ là chuyện bình thường với tình trạng mạng mọt hiện nay. Tôi đã gửi địa chỉ nhà và số điện thoại. Vậy kính mời anh. Từ nhà anh sang tôi gần lắm. Đến buổi trưa là tiện nhất vì khách đến nhà tôi chưa có ai không uống rượu. Khekhe….

          • 16. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 3, 2012 lúc 12:41 sáng

            Rất cám ơn a Tiến đã dành cho tôi một buổi tiếp thân tình và tuyệt diệu, lại được tận mắt ngắm cánh đồng và cái hồ rộng mênh mông của anh mới thấy đúng là tuyệt vời và thật là của hiếm trong các quận nội thành thời nay. Đêm nay chắc tôi sẽ “nghiên cứu” quà tặng của anh để cũng sớm “trở thành đàn ông như họ”.

          • 17. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2012 lúc 8:46 sáng

            Nhà tôi luôn mở rộng cửa đón bạn bè mà. Mỗi tội hơi xa.
            Cuốn đó cũ lắm rồi, ngót hai chục năm, tôi cho tái bản để kỷ niệm thôi. Anh đọc cho vui.

  • 18. JAS  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 10:43 sáng

    Muốn vào nhà anh Tuấn mà chẳng thể nào anh Tiến ạ. Làm sao đây?

    Trả lời
    • 19. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2012 lúc 7:08 chiều

      Dở thế đấy. Tình trạng này kéo dài sẽ đứt bữa cơm thịt của bọn trẻ mất. Mấy anh em tôi đang lo sốt vó. Năm học mới đến nơi rồi. Độc giả không vào được thì lấy đâu ra thông tin để họ ủng hộ các cháu.
      Phải vượt tường lửa mà vào thôi.

      Trả lời
  • 20. tranlieu  |  Tháng Tám 4, 2012 lúc 5:46 chiều

    Dùng VNPT không được, dùng D-com của Viettel vào nhà anh Tuấn dễ như vào báo Thanh niên!

    Trả lời
    • 21. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 4, 2012 lúc 6:45 chiều

      Đúng rồi. Dùng 3G rất tốt, mạng fpt cũng vào được tuy có chập chờn nếu mạng yếu. Còn VNPT thì hãi ông lớn này rồi. Chả vào được cái gì sất.

      Trả lời
  • 22. Phạm Việt Tuân  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 11:10 chiều

    con nghiên cứu được cách vào wordpress của bố rồi 🙂
    https://pntien.wordpress.com/author/pntien/
    cứ theo link này là được. thay vì gõ http:// thì gõ bằng https://….
    nghĩa là phải thêm chữ s sau http
    chưa bao giờ dám comment lên wordpress của bố nhưng đọc thì nhiều rồi, đợt vừa rồi bị vnpt chặn giờ mới tìm được cách để vào…

    Trả lời
    • 23. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 11:48 chiều

      Đúng rồi, đọc thôi. chứ còm từ trong ruột ra là tối kỵ. Khekhe….

      Trả lời

Gửi phản hồi cho Phạm Ngọc Tiến Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Bảy 2012
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

CHÀO KHÁCH

free counters