Về thôi nguyên quán (truyện ngắn mini)

Tháng Tám 5, 2012 at 9:57 chiều 29 bình luận

Tôi đi trên lối mòn bãi mả. Vệt cỏ ẹp xuống nát chết thành đường. Những con đường nhỏ ngoằn nghèo in bao dấu chân người đan dọc, ngang, chằng chịt khắp bãi mả làng. Không biết bao nhiêu lần rồi, bước chân tôi đã đi ở vệt đường này. Nhắm mắt lại tôi cũng hình dung được chỗ tôi sắp bước đến. Tổ tiên tôi, cụ tôi, ông tôi, bà tôi, bố tôi, mẹ cả tôi, bác tôi, chú tôi, em tôi…nằm ở đó. Những người thân của tôi khi rời cõi tạm này đều về yên nghỉ ở bãi mả quê nhà. Quê, đấy là nguyên quán. Vâng, nguyên quán- cái gốc của mỗi một đời người, mỗi một số phận. Trời nắng quá. Nắng tháng sáu khiến nước bốc hơi kéo thành màng khói chắn xắt ngang tầm mắt. Ảo mờ như đúng với không gian bãi mả. Tôi lần lượt thắp hương cho những người thân. Khói của nắng, khói của hương, khói của mồ hôi rịn nhẹp mắt tôi. Nguyên quán. Ôi cái gốc khốn khổ một đời.

Cổng đền Dầm nơi nguyên quán của tôi

Làng tôi rất đẹp. Cả cái tên cũng đẹp, Xâm Dương. Một làng có đầy đủ mọi đặc trưng của làng châu thổ sông Hồng. Trên bến dưới thuyền, đủ cả đình chùa miếu mạo. Đền Dầm thờ Thủy cung thánh mẫu. Tương truyền đây chính là bà chúa đã chỉ huy đạo nữ quân xinh đẹp múa hay hát giỏi, rượu tốt đã mê hoặc lũ giặc Tàu ngoại xâm trói bỏ từng đứa cho vào bao tải dìm xuống sông Cái thuở nào. Một lần khác tôi sẽ kể về ngôi đền này. Gia đình tôi bỏ gốc đi đã lâu nhưng cội rễ còn nhiều ở làng. Họ hàng vẫn vẹn nguyên chi nào cành ấy. Cuộc sống mưu sinh rồi thời thế đã đẩy gia đình tôi xa dần gốc rễ, không còn nổi một miếng đất cắm dùi. Ngoài những người họ hàng còn chăng chỉ là cái bãi mả làng. Tôi hay mò về quê. Càng lớn, càng biết nghĩ thậm chí mỗi khi buồn càng muốn trở về nơi không sinh ra tôi nhưng cha ông tôi đã từng chào đời từ đó. Mỗi lần về quê dù họ hàng còn nhiều nhưng bao giờ tôi cũng chỉ đến đúng một nơi. Đấy là nhà người bác họ. Bác Gấm. Từ chín năm nay bác đã thành công dân của bãi mả.

Bác Gấm là chị em con chú con bác với cha tôi. Bác lấy chồng và ở luôn tại làng. Bố của bác là anh ruột ông nội tôi, ở làng gọi là ông Lý Hoằng. Dạo cải cách ruộng đất ông Lý Hoằng đã mất ngót chục năm có lẻ nhưng vẫn bị quy thành phần. Tất nhiên với ngôi nhà to đùng có đến mấy chục cái cột lim, kẻ ăn người ở cộng thêm bốn mẫu bảy ruộng không địa chủ thì còn là gì nữa. Ông Lý Hoằng cũng như đa phần đàn ông làng tôi bao giờ cũng có không chỉ một vợ. Bác Gấm là con vợ cả. Quy địa chủ cho cái người đã chết đương nhiên khó khăn hơn người đang sống. Sống thì chỉ cần vài ba đường đấu tố rồi đòm một phát là xong. Của cải tịch biên dễ ợt. Nhưng chết thì khác. Sau nhiều nâng lên hạ xuống, người ta quyết định ông Lý Hoằng là địa chủ không nợ máu. Vậy nên chỉ trưng mua tài sản chứ không tịch biên xung quỹ. Vậy là một hội đồng được thành lập đứng ra xét duyệt. Cái nhà gỗ lim được dỡ ra san phẳng quy thành từng món đồ rồi gộp vào số trâu bò, nông cụ và các tài sản khác, thứ nào ra thứ đấy rành rẽ được đến hơn tám chục món. Nền nhà cùng đất ao vườn được chia cho mấy hộ nghèo gặp thời được làm cốt cán. Dòng họ Phạm của tôi tiệt hẳn nơi thừa tự nhiều đời, đồng nghĩa với việc con cháu không còn nơi cúng tế. Số ruộng bốn mẫu bảy cũng chung số phận. Tất tần tật được quy đổi thành thóc. Đâu như gần chục tấn. Thóc lại được quy ra tiền và được thanh toán trước một phần tại chỗ. Số còn lại Nhà nước nợ có giấy biên nhận trưng mua đóng triện đỏ hẳn hoi. Cuộc đời của bác Gấm tôi từ đấy gắn liền với tấm giấy biên nhận này bởi sau sự kiện long trời lở đất đó gia đình bác phiêu tán khắp nơi. Người con trai  con bà hai của ông Lý Hoằng là một bác sĩ giờ sống ở châu Âu cùng con cái. Một người em gái bác Gấm định cư ở Mỹ. Một người em trai khác cũng con bà hai là liệt sĩ thời chống Pháp. Bác Gấm lĩnh trách nhiệm lớn nhất với cha ông bằng cách gìn giữ tờ biên nhận.

Bác Gấm rất thân với cha tôi. Dạo nhà tôi suy kiệt phải ra Bờ sông ở, bác hay ghé qua nhà. Từ lúc bé tí tôi đã biết bác. Đó là một phụ nữ phốp pháp người đeo đầy vàng, từ cổ đến tay. Sau này lớn tôi mới biết đó là cách sống cố tình của bác. Bác bề ngoài nom giàu có nhưng thực chất lại sống tằn tiện. Đến nhà tôi bao giờ bác cũng mang theo khi thì đùm cơm nắm muối vừng, khi bọc xôi tự nấu, gặp bữa bác cũng chỉ dùng đồ ăn thức uống mang theo. Có lần tôi bảo, bác đi chợ Đồng Xuân đeo vàng thế này không sợ cướp à. Bác quắc mắt  cướp nào, tao thách đấy, thách đứa nào cướp được của tao. Tôi biết bác hận. Cái sự đeo vàng trên người này chẳng qua chỉ là bác muốn chứng minh với thiên hạ rằng tao rất giàu, tao không thiếu tiền, gia đình tao là thế đấy. Có lẽ cái sự hận ấy đã khiến bác trở nên năng nổ khác thường. Bác chịu khó chạy chợ, chịu khó tích cóp, có chút của nả nào đều quy ra đất. Bây giờ bác đã mất nhưng mấy anh chị con bác, ai cũng có cơ ngơi đàng hoàng ở mặt đường phố chợ làng. Khi biết tôi theo nghề viết bác mừng lắm. Lần nào ra nhà chơi bác cũng bảo, thằng Tiến, bố mày hỏng rồi, giờ mọi việc trong nhà đều trông vào mày. Mày phải giúp bác. Mà không. Giúp chính mày đấy. Mày phải có một nếp nhà ở quê, chỗ đất cũ có phần của nhà mày trong đó. Cái việc bác gọi là giúp chính là ở tờ giấy nợ kia. Lý của bác là nợ phải thanh toán sòng phẳng. Chỗ nền đất nhà cũ cũ thôi không tính vì cũng toàn người làng người nước ở cả nhưng phải đòi lại chí ít là một phần chỗ đất ruộng bị trưng mua. Bác đưa ra tờ giấy biên nhận, vật bác coi như của gia bảo luôn cất kỹ trong người bắt tôi đọc từng mục. Cẩn thận hơn bác còn coppi ra đưa tôi những mấy tờ bắt kẹp vào ví. Bác muốn tôi kiện. Kiện ai bác Gấm ơi. Đã rất nhiều lần tôi thốt lên với bác như thế. Những cái đó thuộc về quá khứ rồi, tôi sao có thể giúp được bác, giúp được tôi. Càng có tuổi bác càng sôi sục. Thấy tôi sinh con một bề thậm chí bác còn dử, mày giúp bác đi, mày sẽ lấy suất nhà mày, có đất dựng nhà bác cưới vợ lẽ cho mà đẻ thằng cu. Tôi cũng như những người thân không thể lay chuyển nổi bác. Suốt đời bác Gấm đeo đuổi cái vụ kiện này. Chính quyền nhiều cấp phát mệt với bác. Đời bác ngoài kiếm tiền nuôi con, mua đất bác khôn nguôi việc kiện cáo. Bác vẫn bảo tao sẽ kiện đến cùng, kiện đến chết thì thôi. Nhưng sự đời nếu thế thì đã thuận lẽ, chí ít là với mối hận và lý lẽ của bác. Nhưng không phải, lúc cuối đời tự bác đã gỡ bỏ mọi điều, hình như cả sự thù hận nữa.

Mỗi lần họ hàng có việc hiếu bao giờ bác Gấm cũng là người săng sái nhất. Từ việc ma chay đến bốc mộ sang cát, bác luôn có mặt rất sớm. Thương xót người thân đã đành nhưng cái sự nhiệt tình của bác gắn liền với một thói quen bác giữ suốt mấy chục năm trường. Đó là bác nhân việc hiếu để gào khóc thật to nỗi niềm bác cho là oan ức của gia đình. Cao hứng lên bác chửi. Cái sự chửi thì tôi đã thuộc làu từ mỗi trận say của cha tôi nhưng nó rất khác với bác. Hôm đưa cha tôi về làng, bác lăn lộn khóc. Có lẽ bác thương xót cho số phận nhọc nhằn của cha tôi thật nên bác khóc rất thảm thiết. Trong cơn kêu gào bác chửi những kẻ đã cướp đất của cha ông bác. Có điều lạ, bác chỉ chửi chung chung là bọn người chứ tịnh không bao giờ bác vạch vòi rõ ràng đích danh một tổ chức một cá nhân nào. Hàng ngày nếu gặp ai nói gì đụng chạm đến Đảng, đến lãnh tụ là bác mắng té tát. Bác bênh vực. Chuyện này có nhiều người chứng kiến và lấy làm lạ lùng trước sự mâu thuẫn nơi bác Gấm. Tôi hay mời bạn bè về quê uống rượu. Một lần nhà văn BN và TTĐ đến nhà bác. Đến bữa bác ngồi ăn cùng và kể chuyện nhà rất sôi nổi. Hai ông anh nhà văn mắt tròn mắt dẹt khi nghe bác đọc đủ loại diễn ca để mô tả chính xác sự việc. Kiểu như khi nói về mấy ông nông dân cốt cán bác hạ xanh rờn: “Tưởng rằng củi mục dễ đun. Ai dè củi mục khói um cả nhà”. Bác Gấm còn đọc cả một bài dài ca ngợi lãnh tụ. Nhưng khi bác nói về biến cố năm xưa thì nỗi ấm ức, căm hận lại trào ra. Bác lôi ra tờ biên nhận trưng mua bắt mọi người xem bằng được. Hai ông anh nhà văn của tôi sau lần ấy rất thích tính cách bác, thi thoảng lại hỏi thăm.

Lại nói hôm đang đám tang cha tôi. Bác làm dữ quá nên nhiều người ngần ngại. Tôi phải bảo cứ để bác khóc, bác chửi. Chẳng ai lại để ý đến một bà già sắp gần đất xa trời bày tỏ tâm trạng oan khiên của mình cả. Hôm bốc mộ cha tôi cũng thế. Mới tinh mơ mờ đất bác đã ra bãi mả hờ em họ bất chấp mưa rét. Vẫn là bài ca bọn người cướp đất cướp nhà. Hôm ấy tôi nhìn bác chợt thấy nao lòng. Điều gì đã khiến bác bền bỉ đến vậy khi sức khỏe bác ngày càng giảm sút. Tôi không dám nói với bác về sự thật tờ trưng mua kia nữa. Bác đã vô vọng cả đời bởi vì vào chính thời điểm đó dù không công bố nhưng những kiểu trưng mua ấy đã bắt đầu được giải quyết. Tờ biên nhận trưng mua bác đang giữ sẽ được tính ra tiền có kèm theo lãi suất mấy chục năm của mấy tấn thóc được quy ra từ tài sản nhiều đời của một dòng họ. Bác được chính quyền mời lên làm thủ tục thanh toán. Cộng dồn lãi suất theo thời gian thực và giá trị số tấn thóc ở thời điểm hiện tại, người ta tính thanh toán cho tờ trưng mua ấy một số tiền gần hai chục triệu đồng. Bác Gấm buộc phải lựa chọn. Bác hỏi ý kiến tôi. Có không ít người bảo bác từ chối sự đánh đổi này. Thậm chí có người còn nói sẽ bỏ đúng số tiền ấy đưa bác để được giữ tờ giấy trưng mua làm kỷ niệm. Tôi nghe bác hỏi chỉ cười cười. Biết nói gì với bác. Lúc đó bác đã ở tuổi tám mươi. Tôi chỉ nói đùa rằng bây giờ thì bác còn cần gì tiền nữa, xin bác đừng bận tâm.

Ít lâu sau, tôi nghe tin bác Gấm ốm bèn về thăm. Bác đã nằm liệt nhưng sinh khí vẫn còn. Bác khư khư chiếc túi bên người. Hỏi thì được biết bác đã chấp nhận thanh toán tờ phiếu trưng mua kia, ai gàn cũng không được. Con trai lớn của bác bảo thôi để bà đi cho được thanh thản. Thanh thản đúng thế, bác Gấm của tôi ra đi sau đó vài tháng. Sự ra đi quy luật này đã đưa bác thoát khỏi mọi sự vướng bận. Bác có thể cởi bỏ được cả sự thù hận oán trách bác đã đeo đẳng suốt đời nhưng tôi tin bác buộc phải làm thế. Không phải vì tiền. Không phải vì đã quên mọi chuyện mà chỉ vì bác muốn dứt bỏ tất cả để đi về với tiên tổ. Liệu cháu có nhầm không bác Gấm?

++++++

Nắng kinh khủng luôn. Cả người tôi sệt sũng mồ hôi. Tôi dừng lại trước ngôi mộ bác Gấm. Chợt bật cười về lời dử cưới vợ lẽ đẻ con trai của bác dành cho tôi dạo nào. Cháu về nhà đây nhưng rồi cháu sẽ còn quay trở lại. Mọi thứ trên cuộc đời này cả thù hận lẫn yêu thương giờ đều nằm trong nấm đất bác ạ. Vậy là công bằng. Tôi lững thững rời bãi mả làng. Đến rìa đê tôi ngoái đầu nhìn lại một lượt. Những ngôi mộ nhấp nhô. Nguyên quán của tôi giờ gần gũi nhất là đây. Những con đường mòn ngoằn nghèo dọc ngang chằng chéo khắp bãi mả. Ông cha tôi đã đi. Và tôi cũng đã mòn chân trên những con đường cỏ này. Bất chợt tôi nghĩ đến những bước chân con cái tôi sẽ lại tiếp tục đi trên con đường tôi đã bước. Không thể chọn. Tôi hình dung ra nơi tôi sẽ trở về một ngày nào đó không xa. Tôi đã 57 tuổi đời. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để dứt bỏ mọi thứ trên cõi tạm này một cách bình thản dù đó có thể là điều ép buộc. Nguyên quán của tôi. Về thôi./.

 Hà Nội 5/8/2012

PNT

 

Entry filed under: Truyện ngắn mini.

Bạn bè viết: Nói với nhau, trước thềm năm học mới (2)- Trần Đăng Tuấn Khác (truyện ngắn mini)

29 bình luận Add your own

  • 1. toithichdoc  |  Tháng Tám 5, 2012 lúc 10:15 chiều

    Đất nước mình quá khổ vì những cái chúng ta cố tình áp đặt lên nhau xuất phát từ những học thuyết ngoại lai. Mong những nhân chứng lịch sử như anh bỏ công sức ghi lại và xuất bản cho các thế hệ sau đọc để họ có thể rút kinh nghiệm và giảm dần được đau khổ cho các thế hệ tiếp sau chúng ta. Cám ơn a Tiến có một hồi ức bi thương nhưng thấm đẫm tính nhân văn. Có điều ở tuổi 57 và vẫn rất phong độ như anh thì trở về nguyên quán vẫn còn hơi sớm. Trước mắt nên tiếp tục về Tây Bắc, nơi đó sắp khai giảng năm học mới rồi.

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 5, 2012 lúc 10:20 chiều

      Nhìn bề ngoài thì thế chứ cơ thể bên trong mục ruỗng hết rồi. Nhưng nói thật là cái sự “về” ấy tôi đã luôn sẵn sàng và thật sự là hoàn toàn bình thản. Chưa thăng thì cứ đi miền núi thôi. Khekhe….

      Trả lời
      • 3. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 7:03 sáng

        Lạ quá, hôm qua khi viết nhận xét trên đã nhìn thấy tên mình trong icon và địa chỉ email kèm theo, thế mà đến khi post lên thì lại thành toithichdoc… Đọc, ngẫm thấy mối căm hờn của bác Gấm trong “nguyên quán” này còn đỡ của “mẹ thằng Cách” trong “nguyên quán” bác viết hơn 20 năm trước. Chắc là do ông Lý Hoằng là địa chủ không nợ máu, chỉ bị trưng mua tài sản chứ không bị đấu tố và cắm cọc trước mộ như bố chồng “mẹ thằng Cách”… Nếu so sánh chuyện hồi đó với cách đã đối xử với những kẻ bại trận sau năm 1975 thì sẽ dễ dàng hiểu được tại sao lại có những đám “việt kiều” căm thù “cộng sản” đến vậy. Bài học cũ không thuộc, sai lầm nối tiếp sai lầm, dẫn tới xã hội “mục ruỗng hết rồi” và mỗi cá nhân không còn đều sẵn sàng “về” một cách “hoàn toàn bình thản” thì tương lai đất nước ra sao, đấu tranh bảo vệ biển đông làm gì, chăm lo cho thế hệ trẻ làm gì… Buồn quá anh ạ. Bài học cũ đã được các anh viết ra nhưng nhìn những người có quyền quyết định hiện nay, liệu có ai học thuộc được bài học cũ ? Và dám lật tung tất cả để xây lại từ đầu ?

        Trả lời
        • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 8:59 sáng

          Truyện ngắn Nguyên quán tôi viết cuối những năm 80 và bản đầu khi đưa in ở báo Văn Nghệ đã lên khuôn nhưng bị đục bỏ vào đêm trước báo ra. Sau đó không báo nào in. Chỉ in được khi đã in sách. Còn truyện này nằm trong vệt tự truyện nên trung thành với sự thật, tất nhiên có lược bỏ những gì quá riêng tư.
          Bài học cũ nhưng chưa hẳn có được kinh nghiệm mới bạn ạ. Và những gì của ngày hôm nay là tất yếu, không thể khác. Cảm ơn Lai Tran Mai đã chia sẻ.

          Trả lời
      • 5. Hà Linh  |  Tháng Tám 7, 2012 lúc 6:51 chiều

        nói về một mặt nào đó thì em nghĩ bất cứ ai cũng có thể” về nguyên quán” bất cứ lúc nào chứ không phải là mốc 57( khe khe khe)..bởi vậy còn chờ gì nữa mà không bắt đầu sống nhẹ nhàng bắt đầu từ giây phút này…anh Tiến nhỉ?
        anh Tiến biết không lần đầu tiên em có cảm giác về sự sống là khi em sinh em bé đầu lòng của em, lúc đau đớn khủng khiếp, cơn đau chưa bao giờ có trong đời một con người và trong bụng là đứa con đang quẫy đạp để đòi ra, có một khoảnh khắc tai em ù đi và em chợt nghĩ:” nếu mình sẽ chết???”, điều đó làm em hoảng hốt và nỗi sợ hãi thật sâu kín đến..lần đầu tiên trong đời em có cảm giác nỗi sợ sâu thẳm đến thế, sự mong manh của đời sống đến thế…

        Trả lời
        • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 7, 2012 lúc 10:24 chiều

          Có em bé ở bên nên không thể như ý nghĩ của ông già 57 được HL à. Cảm giác của em là chính xác.

          Trả lời
          • 7. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 7:26 sáng

            Bác Tiến giỏi quá, chưa đẻ bao giờ mà cũng biết “Cảm giác của em là chính xác”. Chắc bác cũng có lần vượt qua cái chết chứ không phải chỉ là suy luận lô gic của người cầm bút. Tôi thấy bác đã từng trải nghiệm, biết thế nào là ranh giới giữa sống và chết, và cũng từng đẩy lùi cái chết, tiếp tục cuộc sống có ích cho thế hệ sau, thì cũng sẽ biết vượt qua thử thách, không thể để cơ thể bên ngoài phong độ (như ảnh logo trong blog này) còn “bên trong mục ruỗng hết rồi”.
            Sự đời là mong manh lắm, tôi từng chứng kiến những người vừa gặp hôm qua, hôm nay đã ”về nguyên quán”; có người vào bệnh viện cười nói oang oang, một lúc sau, chẳng hiểu các bác sĩ cấp cứu kiểu gì, đã lăn ra chết… Lớp có tuổi thấy cuộc sống vô vị, “phù du” nên coi cái chết như như lông hồng. Nhiều vị quan chức bảo chi mong đến lúc nào đó được thanh thản ra cầu Long Biên nhảy xuống là sướng, đỡ khổ vợ con.
            Chúng ta muốn “sống sao cho thanh thản với lòng mình, sống sao để một ngày nhẹ bước phiêu bồng ra đi và quên đi những gì có thể quên…để sống với những gì đáng sống…”, chị Linh ở Nhật thì có thể làm được chứ ở “nguyên quán” này, có muốn cũng khó lắm. Mà không phải muốn cho ta, đời ta coi như xong rồi, muốn cho con cháu sau này cũng khó lắm. Nhìn thế hệ trẻ ở Tây Bắc nơi anh Tiến vẫn đến và nhìn các thế hệ lãnh đạo kế cận của đất nước… thì có thể thấy chắc đến đời chắt cũng chưa thể bước vào giai đoạn có thể “quên đi những gì có thể quên…để sống với những gì đáng sống…”. May mà có những nhà văn như bác Tiến kể lại chuyện đời với những đốm sáng le lói trong đêm để chúng ta thấy vẫn còn có tương lai để mà sống, để mà lo cho đám trẻ.
            Thỉnh thoảng được đọc những bài trên Blog của chị Linh, thấy thú vị lắm, nhưng lười viết, nhân đây cũng xin gửi lời cám ơn các bài viết của chị.

          • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 9:50 sáng

            Cái comment này dành cho Hà Linh nhưng cũng chen vào tí chút. Riêng chuyện sinh thành ra hai đứa con tôi cũng đủ trải nghiệm để thốt lên như thế bạn LYM à. Lúc nào đó sẽ viết về Tiếng khóc đời 2. Con bé con đầy đủ mọi cung bậc của cảm giác vừa nói.

          • 9. Hà Linh  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 10:05 sáng

            Cảm ơn 2 anh đã chia sẻ tận tình.
            Em thì em nghĩ thế này anh Lai Tran Mai à: đúng là cuộc sống ngày càng xô bồ, nhiều giá trị nhân bản bị bào mòn, thậm chí là đảo ngược, nhưng chúng ta ai cũng có một” nguyên quán” tức là những giá trị nhân bản trong chính mỗi con người của mình,những nguyên tắc sống của riêng mình . Cho dù mỗi cá nhân chúng ta sống trong xã hội thì đều bị tác động bởi các yếu tố khách quan nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ bị tước đoạt những giá trị nhân bản, những nguyên tắc sống đó vì những giá trị đó nằm trong trái tim, trong khối óc, trong tâm khảm của chúng ta. Sự tác động của các yếu tố xã hội có thể ảnh hưởng về cảm xúc: buồn, bực, chán..nhưng nếu chúng ta trung thành hay biết cách cân bằng thì HL tin là chúng ta vẫn có thể sống với ” nguyên quán” của chúng ta , không ai có thể tước đoạt” nguyên quán ” đó của ta, và cũng không ai chối bỏ được bởi đó là những yếu tố tạo nên chính chúng ta.
            HL tuy sống ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quan hệ bền chặt với ở nhà, HL hiểu có những thứ đã đổi thay, nhiều lắm, nhưng có những thứ dù bị ngả nghiêng thì vẫn vững vàng thách thức thời gian, sự thô bạo của con người đó là những con người vẫn sống với trái tim nồng ấm, tình nhân ái thiết tha, vẫn sống bằng mồ hôi nước mắt của mình đổ ra, không khoan nhượng với cái xấu và không bỏ rơi những thân phận nhỏ bé.
            Chúc anh Lai Tran Mai luôn khỏe,vững niềm tin!

  • 10. Hương  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 1:40 sáng

    Bài viết rất thật và rất buồn về một thời đau đớn đã qua (hay vẫn chưa qua?)

    Trả lời
    • 11. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 8:50 sáng

      Một thời đã qua chưa xa và còn đó những hệ lụy dai dẳng.

      Trả lời
  • 12. HùngThoa  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 12:15 chiều

    Không biết khi đến lúc đó thì sao?, nhưng khi nghĩ về sự “về” như anh nói nó bình thường, thì mọi điều sẽ nhẹ nhàng hơn. Ta đến để trả, nhưng không vay thêm, nghĩ vậy có bi quang không bác?

    Trả lời
    • 13. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 6, 2012 lúc 2:14 chiều

      Ta đến để trả chứ không vay thêm…Nghĩ thế là quá lành mạnh Hùng Thoa à. Nói thiệt với em sống đến tuổi này ham hố vẫn còn nhưng đó là những thứ thuộc về bản tính người là mấy thứ thói quen mà thôi chứ còn những điều khác giờ chẳng thiết chẳng màng. Nhẹ nhàng được rồi. Nói bình thản là thế.

      Trả lời
  • 14. Hà Linh  |  Tháng Tám 7, 2012 lúc 7:43 sáng

    Đọc truyện này luôn có một cảm giác mơ hồ, mông lung mà nếu ví von thì như là một tiếng thở dài cố nén, tuy nhiên đó không phải là tiếng thở dài vì đau khổ, thất vọng hay mệt mỏi mà là như của một người đã vượt những dãy núi trập trùng, gặp đủ mọi thử thách vui buồn, cam go, nhân ái, trắc trở..nhìn về phía trước nữa với tâm thế lắng đọng, an tại.
    Tất cả rồi cũng trở về cát bụi, con người đến với cuộc đời trong trạng thái đứa bé trần truồng và tiếng khóc oa oa. Có người nói tiếng khóc đó báo hiệu sự sống, là niềm vui, nhưng cũng có người nói đó là tiếng khóc bắt đầu một kiếp đọa đày. Bác Gấm đã sống như một kiếp đọa đầy theo nghĩa đen. Rồi bác cũng ra đi, khép lại hết mọi hận thù, khúc mắc,giã từ tất cả mọi của cải vật chất cả một đời nhọc nhằn kiếm cho mưu sinh, kiếm để trả nợ đời cho thỏa hả hê, để cho thấy rằng không ai có thể tước đoạt được hết của bác. Con người đến với cuộc đời, khuôn mặt trẻ sơ sinh không một gợn u hoài, truyền niềm vui, sự thư thái cho thế giới người lớn bao nỗi niềm, rồi giây phút ra đi trong im lặng vô cùng, đôi mắt đã khép vẫn không thể giấu những ái ố nộ hỉ đã qua trong cuộc đời. Đến với đời bằng bàn tay không, ra đi cũng chỉ khác hơn bộ quần áo trên người và khuôn mặt đó..ngoài ra ta chẳng mang theo gì được, tất thảy gửi lại cho đời. Phù du!
    Ai cũng có một nguyên quán, nguyên quán hạnh phúc, nguyên quán khốn khổ, nguyên quán để nhớ về, nguyên quán để ra đi. Ai cũng có một lý do để đến với cuộc đời, và ai cũng sẽ ra đi. Điều gì ở lại? ở lại với nguyên quán, với cuộc đời và với chính mình.
    Hãy sống sao cho thanh thản với lòng mình, hãy sống sao để một ngày nhẹ bước phiêu bồng ra đi và hãy quên đi những gì có thể quên…để sống với những gì đáng sống..Phải chăng đó là phút hoài niệm, chiêm nghiệm với chính mình của nhà văn của những cảm xúc nhân văn Phạm Ngọc Tiến.

    Trả lời
    • 15. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 7, 2012 lúc 6:08 chiều

      Mất điện cả ngày giờ mới có. Nhưng cũng không thể viết gì hơn vì Hà Linh đã nói hết hộ anh Tiến rồi.

      Trả lời
  • 16. Lê Thủy  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 4:03 chiều

    Anh Tiến kính mến!
    Anh em mình chưa bao giờ gặp nhau nhưng những bài viết, lời động viên, chia sẽ của anh trên blog đã giúp cho em có thêm niềm tin vào cuộc sống này.
    Em vừa gửi tặng anh cuốn sách. Như một món quà nhỏ cám ơn anh đã chia sẻ cùng em trong suốt thời gian qua.
    Khi nào nhận được sách, anh nhắn tin lại cho em biết với nha.
    Kính chúc anh thật nhiều sức khỏe. Có thật nhiều bài viết hay, đầy sự cảm thông và tình yêu thương con người như bấy lâu nay anh đã từng viết.

    Trả lời
    • 17. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 4:09 chiều

      Vậy à, chúc mừng Lê Thủy và cuốn sách nhé. Viết được một cuốn sách như sinh hạ một đứa con. Lần nào mình cũng nguyên vẹn sự bồi hồi sung sướng khi cầm trên tay cuốn sách mới ra của mình. Hạnh phúc lắm.
      Mình sẽ nhắn lại cho Lê Thủy khi nhận được sách. Nhưng không biết bạn gửi theo địa chỉ nào.

      Trả lời
  • 18. Lê Thủy  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 4:39 chiều

    Anh Tiến !
    Dạ. Em gửi theo địa chỉ:
    Phạm Ngọc Tiến – Trung Tâm sản xuất phim truyền hình- Đài truyền hình Việt Nam
    906 La Thành – Hà Nội.
    Không biết địa chỉ này có đúng không hả anh? Em gửi bảo đảm phát tận nơi anh à.

    Trả lời
    • 19. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 4:48 chiều

      Gửi đảm bảo địa chỉ này chắc chắn không thể thất lạc. Cảm ơn Lê Thủy. Mai mình lên cơ quan chắc là có rồi. Cảm ơn Lê Thủy.

      Trả lời
      • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 12, 2012 lúc 12:43 sáng

        Hôm thứ năm mình có lên cơ quan nhưng vẫn chưa thấy sách đến. Đợi tuần sau vậy.

        Trả lời
  • 21. Nguyễn Hoàng Nam  |  Tháng Tám 8, 2012 lúc 10:53 chiều

    Hai hôm trước cháu vừa viết vừa tâm sự lai rai gì đó với chú Tiến, hai ngày ra đảo không xách theo máy tính, không biết chú có nhắn gì trên đó không? Nếu có mà không hồi âm thì thật là thất lễ. Ở ngoài này, không xa đất liền là mấy mà sao cuộc sống lam lũ quá chừng ! Nhìn những đôi mắt ngơ ngác trên khuôn mặt trẻ thơ đen nhẻm vì nắng và gió nơi vùng đất Miền Trung này lại nhớ đến câu chuyện “Cơm thịt cho trẻ em vùng cao” của chú Tiến và những nỗi niềm trắc ẩn về thân phận con người.

    Trả lời
  • 23. Nguyễn Hoàng Nam  |  Tháng Tám 9, 2012 lúc 11:49 chiều

    Vâng ạ. Cháu đang suy nghĩ về kỹ thuật bố trí, sắp xếp nhân vật. Phải chăng là những kiểu nhân vật trong một truyện phim đều được tính toán, bố cục chặt chẽ tạo sự đối lập và tương hỗ … tạo bầu không khí phim theo một chủ đề nào đó. Ví dụ như trong KB “Đất và Người”, nhân vật chày cối như Chu Văn Quyềnh tuy không phải là nhân vật chính nhưng lại làm cho câu chuyện thêm sinh động, bớt khô cứng, nó taọ sự cân đối mềm mại, gần gũi và chân thực hơn về một xã hội nông thôn đầy màu sắc. Chứ nếu cứ nếu nghoẻo củ tỏi sớm quá như trong nguyên tác thì nội dung phim sẽ trở nên ngột ngạt những cuộc đấu đá thâm thù bởi những tranh chấp từ chuyện hôn nhân và điền thổ.
    Hoặc là nếu có một kiểu nhân vật đồng bóng như Thống Biệu thì đối lập với đó là vợ chồng Tý Hợi (xuất hiện rất ít trong phim) chẳng tin vào những chuyện ma mãnh qủy thần chỉ tin vào sự nỗ lực bản thân sống thật thà ngay thẳng thì thánh thần mới phù hộ, bởi vậy cúng thôi khỏi cần thầy thợ nữa, có sao nói thế “chất” nông dân, hồn cốt thôn quê chính là ở chỗ này (Trường đoạn hai vợ chồng loay hoay sửa soạn mâm cơm cúng lò gạch thì gặp Quyềnh đến)…v.v…Cháu suy nghĩ thế có ổn không ?

    Trả lời
    • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 10, 2012 lúc 8:39 chiều

      Tất nhiên là ổn. Chú Tiến viết bao giờ cũng mò mẫm như người đi trên đường tối. Vừa đi vừa quan sát. Chỉ con đường là chọn sẵn còn đi như thế nào có những tình huống gì phải đi mới biết được chứ không thể lập trình sẵn.

      Trả lời
  • 25. Nguyễn Hoàng Nam  |  Tháng Tám 11, 2012 lúc 5:44 chiều

    Vâng, cháu cảm ơn chú ! Viết về nông thôn khó thật ! Nhất là việc nắm bắt cho được cái cốt cách, hồn vía làng quê. Chẳng khác nào ông họa sỹ vẽ ảnh chân dung, không thể hiện được cái thần của người trong ảnh thì coi như thất bại…!

    Trả lời
    • 26. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 11, 2012 lúc 6:09 chiều

      Viết mà dễ thì nghề này lực lượng hùng hậu lắm. Phải cố gắng thôi.

      Trả lời
  • 27. Nguyễn Hoàng Nam  |  Tháng Tám 12, 2012 lúc 1:17 sáng

    Có rất nhiều câu hỏi tại sao ? Nhưng không phải lúc nào cũng có thể hỏi. Vì sợ mất thời gian của chú. Về kỹ thuật viết lời thoại chẳng hạn. Có vẻ như người ta hay chọn cách viết thiên về “gợi” hơn là “tả” hay nói cách khác, người ta tả gián tiếp (vẽ mây để tả trăng, mượn cảnh để nói tình). Ví dụ trong trường hợp này: Một anh ngồi uống rượu với bạn, mở đầu câu chuyện, bạn của anh ta khen rượu ngon, còn anh ta lại phàn nàn: “- Đối với tôi, rượu nào làm cho người ta say, mới là rượu ngon”. Anh ta đâu có nói là mình đang buồn. Nhưng ta vẫn cảm nhận được, rõ ràng anh này đang trong tâm trạng rất bế tắc. Đó là cháu đang suy luận từ những thủ pháp nghệ thuật trong thơ ca, chẳng biết có phải thế không ?

    Còn về vấn đề sắp xếp bố cục: Hình như những phân cảnh cao trào của kịch tính đặt xen kẽ những phân cảnh tình cảm lãng mạn thì có hiệu quả hơn là cứ để căng thẳng dồn nén liên tục hoặc tình cảm sướt mướt dài lê thê…?

    Trả lời
    • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 12, 2012 lúc 8:24 sáng

      Chú chỉ có thể nói với cháu thêm một điều này thôi (không phải vấn đề mất thời gian) nếu cháu mới viết mà cứ sa vào lý luận và tìm tòi hình thức biểu đạt thì cảm hứng sẽ dần bị giết chết. Khi không còn cảm hứng thì dù kỹ thuật có tốt bao nhiêu lúc đó cũng chỉ là một người thợ viết.
      Chú cho cháu một kinh nghiệm này. Khi lần đầu tiên chú viết cái kịch bản đầu tay là kịch bản Chuyện làng Nhô chú không tìm hiểu thế nào là một kịch bản. Cũng không đọc lý luận và cách viết kịch bản. Chú lấy một băng vidio phim truyện xem. Vừa xem vừa dừng để ghi chép. Hết cuốn băng chú được mươi trang. Lật xem từng cảnh quay, cảnh phim chú hiểu thế nào là một kịch bản bằng thực tế những gì mình đã xem trong phim đã ghi chép. Và cứ thế chú quại xong được cái kịch bản đầu tay.
      Bây giờ cháu lấy bất kỳ một tập kịch bản nào đó xem từ đầu và ghi chép từng phân đoạn nội dung thế nào. Hết tập kịch bản cháu đã có một ghi chép đầy đủ về kịch bản đó với bao nhiêu phân đoạn (hiểu mỗi phân đoạn là một cảnh phim. Cảnh phim là một bối cảnh bao gồm nhiều cảnh quay khác nhau. Cảnh quay là một cú bấm máy.). Khi viết cháu lật lại công đoạn tức là nghĩ ra nội dung tập phim đó và căng lên một đề cương chi tiết gồm bao nhiêu phân đoạn và nội dung của từng phân đoạn (hệt như cái cháu đã xem và ghi chép). Sau đó cứ thế viết. Làm dài tập thì làm đề cương nhiều tập. Không có lý luận gì cao siêu ở đấy cả cũng chẳng có thủ pháp nào xuất hiện lúc ấy mà chỉ có cảm hứng dạt dào từ câu chuyện mình muốn kể thúc đẩy ngòi bút. Vậy thôi.
      Cháu nên dừng việc tìm hiểu trao đổi ở đây với chú. Và chú cũng khuyên cháu nên dừng việc trăn trở Nó là cái gì, Nó ở đâu, Nó như thế nào… Hãy tập trung vào những gì cháu nghĩ, cháu có về câu chuyện làng quê của cháu rồi bắt đầu. Thât giản dị. Hãy thật giản đị đừng nghiêm trọng quá. Cứ viết bằng tất cả tình cảm của mình, bằng hình dung nhân vật và câu chuyện. Đơn giản thế thôi.
      Chào cháu.

      Trả lời
  • 29. Nguyễn Hoàng Nam  |  Tháng Tám 12, 2012 lúc 9:06 sáng

    Vâng, cháu sẽ suy nghĩ nghiêm túc ý kiến của chú !

    Trả lời

Gửi phản hồi cho Hà Linh Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Tám 2012
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

CHÀO KHÁCH

free counters