Thằng bạn tẫu (truyện ngắn chủ nhật)
Tháng Tám 26, 2012 at 3:07 chiều 57 bình luận
Trước năm 1979, Hà Nội có những phố cổ như Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Buồm, Ngõ Gạch…rất đông người Hoa ở. Dĩ nhiên những người này có gốc gác Trung Quốc xịn nhưng đa phần đã hợp thung thổ, sinh sống nhiều năm gần như hòa hợp với người Việt mình. Thậm chí có nhà lấy vợ lấy chồng Hà Nội bị Việt hóa đến sáu bảy chục phần trăm. Số người Hoa này nói chung hiền lành và đa phần là dân lao động, buôn bán nhỏ. Sở dĩ dám mạnh miệng quả quyết thế vì họ hàng nhà tôi có mấy người lấy chồng người Hoa. Tôi hay vào ra đến chơi cũng thân tình nên biết khá rõ về họ. Có lẽ chỉ phân biệt được sự khác biệt về cách bài trí nhà cửa, ăn uống chứ còn sinh hoạt cũng na ná như nhau cả. Trong đám bạn tôi chơi có không ít cư dân thuộc cộng đồng này. Đặc biệt tôi có một thời gian còn dan díu với chị của một người bạn. Tên ông bạn tẫu ( Tàu) này là Lý A Sềnh. Từ giờ tôi gọi là tẫu không viết hoa cho dễ viết.
Sềnh bằng tuổi tôi. To khỏe, đẹp giai để tóc dài chờm gáy nom rất nghệ sĩ. Ngày đó nếu không có phong trào thanh niên cờ đỏ đuổi bắt rạch quần loe, cắt tóc dài của đám thanh niên bị coi là cao bồi là ăn chơi càn quấy, tôi chắc rằng Sềnh sẽ để một mái tóc bồng bềnh chứ chả chơi. Năm đó 1976, tôi mới ở bộ đội về, da xanh mét vì sốt rét rừng và cái đầu thì vẫn trụi lủi như dạo còn làm lính. Thói quen cắt trọc tôi duy trì đến tận bây giờ. Nhà Sềnh ở một con hẻm nhỏ gần rạp Kim Phụng trên phố Lương Ngọc Quyến. Bố mẹ Sềnh đều là người Hoa ở Quảng Tây, lưu lạc sang Việt Nam đã được mấy chục năm. Bố Sềnh bán tào phớ đã mất. Mẹ ở nhà dán hộp gia công. Loại hộp giấy dùng để đựng mứt, bánh. Sềnh có một người chị tên gọi ở nhà là A Lìn hơn anh ta hai tuổi. A Lìn làm ở một hợp tác xã thủ công ngành giấy. Chỗ hộp gia công là do Lìn hợp đồng mang về giúp mẹ cải thiện thu nhập. Thực ra tôi với Sềnh cũng chỉ mới quen biết nhau thông qua một anh tẫu khác. Anh Sinh. Sinh là con của bác Phúc. Bác Phúc lại là chị ruột chồng trước của mẹ tôi. Ông này chết trẻ. Chính thế mà mẹ tôi đi bước nữa khi gặp bố tôi. Đó là một cơ hội để cái thằng tôi có mặt trên đời. Khekhe….Lại nói về bác Phúc. Bác lấy ông chồng người Hoa. Chồng chết bác Phúc ở vậy nuôi hai con. Sự kiện người Hoa ùn ùn bỏ Hà Nội về nước xảy ra gần cuối năm 78. Bác Phúc tôi nhất định không di cư về quê chồng, ở lại cùng con trai, chỉ cho chị con gái hồi hương. Vợ chồng anh Sinh có nghề làm dép nhựa hái ra tiền vào thời đó. Thấy tôi chưa công ăn việc làm anh rủ tôi vào làm ở cơ sở của anh. Lúc đó vì gia cảnh nên dù được tiêu chuẩn xuất khẩu lao động nhưng tôi bỏ không đi. Đang lưỡng lự giữa đi học và đi làm Nhà nước thì nhận được lời mời quá hấp dẫn của anh Sinh, tôi quyết luôn. Dạo đó đói quay đói quắt toàn dân. Thực ra nếu chỉ quy ra miếng ăn thì tôi chẳng lo. Cái chính là nhu cầu cá nhân của tôi quá lớn. Oắt con 20 tuổi mà bia rượu thành thần, thuốc lá ngày không dưới một bao chưa kể đến những khoản phải chi phải tiêu khác. Nghề làm dép nhựa dạo đó đang thịnh hành. Ai có nghề đó coi như là thành phần lớp trên bởi lãi khủng khiếp. Thợ làm thuê thôi nếu là thợ chính thì chỉ một tuần làm, thu nhập cũng phải bằng một tháng lương của công chức có cỡ. Bởi vậy tôi hào hứng gia nhập đội quân làm dép nhựa gia công không một chút vân vi dù còn đang dang dở bao dự án lập thân. Xin thưa để được nhận vào những cơ sở này không phải dễ. Nếu không quen thân phải cỡ thương binh có giấy giới thiệu của Quận đội mới được cơ sở chấp nhận.
Tôi gặp Sềnh ở lò nhựa của anh Sinh. Sềnh được anh Sinh mời đến làm thợ chính ngoài việc trực tiếp cắt nhựa cho mỗi lần vào khuôn Sềnh còn nhận chỉ bảo đám lính mới chúng tôi từng công đoạn cụ thể. Hãy hình dung công đoạn của một lò nhựa làm dép dạo đấy. Nhựa phế liệu được thu mua về, rửa sạch phân loại. Công đoạn này đàn bà con gái làm. Nhựa sau khi phân loại được cho vào máy nghiền. Sau đó chỗ nhựa đã sơ chế được cho vào máy đùn trong cùng một dây chuyền. Máy này dùng nhiệt làm nóng chảy nhựa, được pha trộn thêm các hóa chất phụ trợ rồi đùn vào máy ép. Thợ chính đứng cắt từng mẻ khuôn. Mỗi lần cắt đủ nhựa cho một khuôn. Mỗi khuôn ra một chiếc dép. Cũng thợ chính khác nhưng đẳng cấp thấp hơn đứng máy dùng sức quay vô lăng để rập khuôn. Cái vô lăng nặng có một tay cầm. Người thợ nắm vào tay cầm rồi quay nhanh dần và kết thúc thật mạnh. Động tác này hết sức nặng nhọc và cũng rất khó. Nếu quay không đủ lực, không dứt khoát sẽ làm hỏng sản phẩm. Tôi tuy mới nhưng đánh cú nào chắc cú ấy, trăm phát như một. Sềnh được anh Sinh giao phó tôi nên tận tình chỉ bảo nhưng anh ta rất ngạc nhiên vì thấy tôi làm quá ư là thiện nghệ. Chỗ này Sềnh không thể hiểu nổi vì tôi là lính cao xạ 57 li. Trong khẩu đội có vị trí số 5 là nạp đạn. Lao băng đạn vào máng rồi cũng dùng tay quay vô lăng hệt như làm dép nên tôi thành thạo là phải. Ngay buổi đầu, Sềnh khoái lắm khen tôi nức nở. Anh ta bảo mày số son đấy, lính mới phải ngồi cắt via rách mấy đít quần mới được vào quay ép. Cắt via công đoạn cuối cùng là lấy những sản phẩm vừa rời khuôn để dùng dao, dùng kéo cắt những via nhựa xung quanh dép. Sềnh bảo tôi son là vì thợ cắt via, lương chỉ bằng một phần năm thợ đứng máy. Tan ca hôm ấy, Sềnh rủ tôi về quán rượu bà Đồng đầu Tạ Hiện làm một chầu rượu nem chạo, tai lợn túy lúy. Chỉ sau một tuần khi biết rõ gia cảnh của nhau, tôi và Sềnh đã trở nên một đôi bạn thân thiết và tri kỷ.
Sềnh và tôi có khá nhiều điểm tương đồng. Ngoài những món như uống rượu, hút thuốc, Sềnh khoái ngồi cà phê và lúc nghỉ hay đạp xe lang thang khắp thành phố. Sềnh cũng yêu văn nghệ, từng có thời là học trò ghi ta của thày Văn Vượng mù. Tôi dốt nhạc không biết trình độ của Sềnh đến đâu nhưng cưa gái bằng ghi ta bập bùng là sở trường của anh tẫu này. Thấy tôi hay đọc sách, Sềnh khoái lắm. Càng khoái khi văn học sử, dã sử Trung Quốc tôi thuộc làu làu. Sềnh bảo, hay thật mày ạ. Tao cũng mê những thứ đó nhưng mê chưởng hơn. Tôi với Sềnh thi thoảng lại đi ra Đinh Liệt thuê cả chồng truyện về đọc. Sau này khi đã trưởng thành, thú thật tôi tiếc cho Sềnh. Nếu không có mấy biến cố sinh tử kia, Sềnh yên ổn sống và học hành đầy đủ chưa chừng Sềnh nếu không thành nhà văn thì cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Cuộc đời ép nhựa của tôi kéo không được lâu. Là do Sềnh. Tôi tay nghề lên rất nhanh. Lĩnh đâu được hai tuần lương thì tôi va chạm với vợ anh Sinh. Chị này tôi không hợp và đấy là lý do dù cùng ở Hà Nội nhưng tôi và anh Sinh thất lạc nhau từ bấy đến nay. Một lần chị càu nhàu gì đấy khiến tôi tự ái. Tính tôi nóng và bất cần. Đến già vẫn ngang ngạnh. Tôi chưa ngã ngũ chuyện bỏ làm thì Sềnh bảo:
-Thôi tít mày ạ. Lịt mề, thiếu cha gì chỗ làm.
Quên chưa kể, Sềnh nói bậy kinh hồn dù đã phiên âm chệch đi. Mà Sềnh toàn dùng tiếng Việt. Tiếng Việt của Sềnh không ra lơ lớ nhưng cũng chẳng tròn vành rõ âm. Đại thể nghe phát âm biết ngay là dân tẫu. Lúc nào cáu lắm Sềnh mới chửi bằng tiếng Trung. Nghe Sềnh chửi tôi thuộc được khối từ chắc chắn không có trong từ điển. Thôi chả nhắc lại ở đây vì nó là từ phiên âm lỗ mỗ đầy tục tĩu. Thấy Sềnh rủ, tôi cũng muốn bỏ nhưng e ngại làm thế thì phụ anh Sinh quá. Chả gì anh cũng là chỗ họ hàng với chị ruột tôi (con ông chồng trước của mẹ tôi). Thêm nữa anh là người lo công việc cho tôi ban đầu. Sềnh đây đẩy:
-Lịt mề, chả tử tế gì đâu. Trả lương cho mày còn kém cả người ngoài làm cùng công việc. Đi với tao đầu quân sang chỗ khác đỡ phải mang tiếng nhờ vả. Lão Sinh này cái gì cũng nghe vợ. Không thọ được đâu. Tít. Lịt mề.
Dùng dằng rồi tôi nghe Sềnh. Một phần vì anh Sinh là người hiền và phụ thuộc vào nhà vợ. Nghề nhựa này cũng là nghề của ông bố vợ anh Sinh gây dựng. Sềnh tha tôi đến làm thuê cho một cơ sở ở phố Hàng Mã. Cơ sở này có một gian rộng bên trong, có ngõ riêng đi mở về khóa nên cũng tiện cho sinh hoạt. Nhiều hôm nốc say tôi với Sềnh ngủ luôn ở đó. Thường mỗi ca chiều phải gần nửa đêm mới kết thúc. Điện đóm dạo đó phập phù nên chủ yếu ca chiều mới đủ việc. Thế nên ngay từ cuối ngày Sềnh đã chuẩn bị đồ mồi, rượu để kết ca có thứ sực được luôn. Tất nhiên tôi với Sềnh đã ngồi với nhau kiểu gì cũng phải ngủ lại vì chẳng thể tha được thân xác về nhà. Giờ nghĩ lại đời độc thân tự do hết mực kể cũng sướng. Kiếm được tiền nhưng vì gắn kết với Sềnh nên bao nhiêu cũng nướng hết vào ăn uống nhậu nhẹt cả. Sềnh có cô người yêu cùng đồng bào rất xinh nhưng vì hay lỡ hẹn và nhậu lướt khướt nên cô kia cho ăn quả tướt. Vố này khiến Sềnh rất đau. Càng đau khi nó lại liên quan đến cái lò nhựa. Nhiều lúc Sềnh như nổi điên vì chuyện này. Và Sềnh chọn một cách trả thù có một không hai. Cần phải nói rõ thêm chỗ này. Sềnh chẳng bao giờ chọn người yêu không cùng gốc gác. Nghĩa là anh ta chỉ chọn con gái cùng giống và không được lai tạp. Xinh đẹp tất nhiên nhưng nếu là tẫu lai Sềnh sài lắc luôn. Mãi sau tôi mới lý giải được điểm cố hữu này của Sềnh. Lại nói cách trả thù. Sau khi bị tướt, Sềnh lầm lì một dạo và trở thành hận tình khi biết cô người yêu là con một chủ tiệm ăn ở cùng phố đã ngả vào con trai ông chủ nhựa cũng làm trực tiếp ở lò nhựa trong vai trò quản lý. Một hôm sau lúc tan ca đã rất muộn, Sềnh đuổi tôi về nhà. Tôi không hiểu. Sềnh lầm lầm mặt bảo tao cho mày một “cụ mượt” (tờ bạc mệnh giá 10 đồng giá trị nhất thời đó) mày giúp tao tít khỏi đây hôm nay, ra ngoài ga Hàng Cỏ mà bốc mả ( là ăn xương xẩu đáy nồi nước dùng của hàng phở, tầm giờ đó chỉ có ở Ga mới có quán ăn đêm). Tôi cười bảo mày có người yêu mới chứ gì. Nhất trí ngay. Tôi tít luôn chẳng phải vì tờ cụ mượt kia mà là khấp khởi mừng cho Sềnh. Có tình yêu, Sềnh sẽ không còn cáu bẳn và cái thằng tôi kề cận là người được hưởng lợi đầu tiên. Tôi đã thất vọng khi biết được sự thật. Chẳng phải yêu đương gì hết mà là Sềnh đưa gái bán hoa về hành sự ngay tại lò nhựa. Điều này rất kiêng kị cho dân làm ăn. Nhưng tôi ngờ rằng không phải mục đích của Sềnh là làm cho lò nhựa đen đủi lụn bại mà chủ yếu là để hạ nhục cô người yêu cũ. Càng về sau mật độ tôi bị đuổi càng dày hơn. Đến một hôm Sềnh bảo, mày ngủ lại đây đi. Tôi thật thà ở lại. Nửa đêm, Sềnh lạch xạch mở khóa ngõ. Một cô gái trẻ đi vào. Sềnh bảo luôn tao thấy mày chẳng yêu đương gì cả, làm trai thế không được, hôm nay tao đãi. Tôi chẳng cao quý gì nhưng hồn vía lên mây, miệng lắp bắp như trúng gió, đầu lắc điên đảo như một thằng ngộ. Sềnh nhìn tôi vẹo cả con ngươi. Tôi không biết giải thích thế nào cho Sềnh hiểu đành kiếm cách lẳng lặng chuồn. Sềnh bực lắm nhưng đành chịu vì biết không thể ép được tôi. Một lúc nào đó tôi sẽ viết lại câu chuyện tôi phải giấu lý do với Sềnh kỹ hơn ở một truyện ngắn riêng biệt. Đó là vì lúc này tôi và A Lìn chị của Sềnh đã vương phải lưới tình. Ngắn gọn thôi nhé, A Lìn rất đẹp. Và là một vẻ đẹp nền nã. Tôi ngổ ngáo nên tiêu chuẩn đầu tiên tôi chọn phụ nữ phải mềm mại và tất nhiên không thể xấu. Trong chuyện này tôi không bao giờ nghĩ mình lại cưa cẩm chị của bạn. Thề có cao xanh tất cả là do A Lìn chủ động. Tôi vẫn gọi A Lìn là chế (chị). Có việc đi đâu A Lìn vẫn nhờ tôi đèo xe đạp vô tư. Rồi lần ấy, một tối nghỉ ca, tôi đến nhà Sình chơi. Sình đi vắng. A Lìn bảo tôi đèo đi có việc. Ngồi phía sau A Lìn áp khuôn ngực đầy đặn của mình vào lưng khiến tôi ran người như phải bỏng. Giời ạ, tôi đang ở tuổi tràn sinh lực lại đầy khao khát và cũng đã biết mùi vị tình yêu, sao lại có thể vô tình được với cử chỉ mời mọc hấp dẫn kia. Nhưng tôi đủ lý trí và sự hiểu biết để kiềm chế. Tôi hỏi thẳng A Lìn sao chế lại làm thế với em. A Lìn cười và khi đó ở đoạn phố vắng, A Lìn đã ôm xiết lấy tôi và buông ra một câu ngắn gọn đến thằng đụt nhất thế gian cũng phải biết nó là cái gì:
-Đồ ngốc!
Tôi không cưỡng được sự hấp dẫn của A Lìn dù ngay lúc đó tôi có thoáng nghĩ đến Sềnh. Cuộc tình của tôi và A Lìn được chính chị giao hẹn phải tuyệt đối bí mật không thể để cho Sềnh biết. Tôi không hiểu nhưng cũng như những thằng trai trẻ khác chẳng bận tâm nhiều đến hậu quả. Cứ tận hưởng món quà tặng tuyệt vời của tạo hóa này đã. Được một thời gian thì Sềnh bắt được tôi và A Lìn hôn nhau trong công viên Thống Nhất. Đó là vì Sềnh đi sục gái nói theo ngôn ngữ thời ấy là đi bắt phò. Sềnh chết lặng và giận dữ sục đến. Cả tôi và A Lìn ngây dại không thốt nổi một tiếng. Sềnh kéo tôi ra khỏi A Lìn. Sao mày lại làm thế với chế tao? Câu hỏi gần đúng như tôi đã hỏi A Lìn. Không thể thoái thác được tôi phải bày tỏ cho Sềnh biết là chúng tôi yêu nhau thật lòng. Sềnh nghe, mắt vằn lên sau đó dúi tôi một cú mạnh ngã bổ chửng. Sềnh bỏ đi nhưng tiếng của anh ta còn găm lại trong tôi đến tận bây giờ:
-Đồ khốn. Lịt mề.
Những hôm sau đó là những ngày vô cùng u ám với tôi. A Lìn không bỏ cuộc dù vẫn phải dấm dúi hẹn hò. Tôi lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sềnh đã dịu đi nhưng lầm lì, bỏ không vui thú cùng tôi nữa. Biết ý, sau mỗi ca làm tôi cũng nhanh chóng tít cho khuất mắt anh ta. Đến một hôm, Sềnh chủ động mời tôi ở lại nhậu. Anh ta mua nhiều đồ ăn và rượu. Vừa uống, Sềnh vừa kể chuyện nhà. Đại để A Lìn đã được gia đình hứa hôn với một thanh niên cùng quê Quảng Tây. Hiện tay này đang ở Hà Nội . A Lìn dù không chấp nhận nhưng chắc chắn vẫn phải cưới tay kia dưới sự sắp đặt của Sềnh. Tỏ ra thông cảm với tôi và tôn trọng chị mình nhưng Sềnh vẫn khuyên tôi nên dừng lại vì kết quả cuối cùng là điều Sềnh và gia đình không thể chấp nhận. Tôi cảm động sự thẳng thắn của Sềnh nên nốc cật lực và hứa sẽ cố gắng nhưng vẫn nèo theo điều kiện là việc này phải do A Lìn quyết định chứ tôi không thể phản bội chế được. Sềnh bắt tay tôi chấp nhận.
Cuộc rượu mê mệt khiến tôi gục tại trận. Lúc mở mắt tôi thấy A Lìn đang ở ngay trước mặt. Tôi hoảng hốt vùng dậy. Trên chiếc chiếu trải ở sàn máy, một người con gái lạ đang thong thả mặc quần áo. Sềnh nhìn tôi đầy đắc ý. Tôi đã hiểu. Sềnh giăng bẫy tôi. Tôi say đến liệt não sao còn có thể làm được cái chuyện đực cái kia. Chưa kịp nói câu gì thanh minh thì A Lìn đã cất bước. Mắt chị rất buồn. Chuyện loang ra khiến cha con chủ lò nhựa lồng lộn tức giận. Sềnh đứng ra nhận hết chuyện bắt phò về là việc của anh ta. Và anh ta đã làm chuyện này từ lâu. Sềnh cũng nói thẳng vì sao làm thế. Là vì anh ta không còn tin trên đời này có tình yêu nữa, mọi sự chỉ là mua bán. Cách nói của Sềnh băm bổ xúc phạm. Tôi biết đây là cú đòn anh ta giáng vào con trai ông chủ với cô người yêu bội phản. Tôi được loại ra nhưng lại đau hơn hoạn là vì Sềnh rút cục đã cao tay một công đôi việc lồng thêm tôi vào để kết thúc chuyện của tôi và A Lìn.
Ngay sau đó tôi và Sềnh bị đuổi việc. Tôi cũng chả thiết tha gì cái nghề ăn xổi ở thì này vĩnh biệt nó luôn. Sềnh lại dạt sang một lò nhựa khác. Tôi không còn mặt mũi nào để đến nhà Sềnh nữa. A Lìn không nói với tôi một lời từ biệt. Cuối năm đó A Lìn lấy chồng. Tôi và Sềnh sau đó thi thoảng có gặp nhau ở quán rượu. Sềnh chủ động nối lại quan hệ với tôi nhưng thật tình dù muốn giữa chúng tôi nó cứ nhàn nhạt sao đó. Biến cố xảy đến năm 1978, tôi nghe tin Sềnh rất hăng hái trong việc hồi cư. Cả gia đình Sềnh về nước ngay từ những đợt đầu. Trước khi đi, A Lìn có gặp tôi chào tạm biệt. Tôi cảm động về hành động này và có cơ hội thanh minh. Tiết lộ của A Lìn khiến tôi hiểu vì sao Sềnh lại căm hận cô người yêu người Hoa đến thế. Ngoài sự thất tình, lý do này mới là chủ yếu. Cha con ông chủ nhựa là người Việt. Đến lúc đó tôi mới biết chính xác vì sao Sềnh lại bày trò chơi gái để hại tôi, vì sao lại ngăn cản tôi với A Lìn. Sềnh không muốn dòng máu Trung Hoa bị phai nhạt. Ra thế. Cũng tốt thôi Lý A Sềnh, thằng bạn tẫu của tôi. Vậy là chúng ta hết ân oán. Mày đã được toại nguyện và tao được phần thanh thản. Tôi ôm xiết A Lìn thay cho lời chào chia tay. A Lìn leng leng (xinh đẹp). Tôi nhắc lại câu phiên âm bồi vẫn hay thầm thì khen A Lìn trước đây. Thật đấy chứ, chế vẫn rất xinh và luôn mềm mại trong tôi dù chỉ còn là ký ức.
+++++
Truyện ngắn đã có cái kết cần có. Nhưng câu chuyện của tôi với Sềnh thì lại chưa kết thúc ở đó. Năm 1997, tôi có chuyến sang Đông Hưng, Quảng Tây cùng đạo diễn Khải Hưng trong vai trò biên kịch của một phim hợp tác. Sau một ngày thương thảo cật lực với đoàn Trung Quốc tôi rủ đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Hà Kiện Liệt phía Trung Quốc đến một tiệm massage để thư giãn cho bớt mệt mỏi. Đến nơi tôi sững người khi thấy Sềnh trong trang phục bảo vệ trắng toát đứng sừng sững giữa sảnh của tiệm. Bao nhiêu năm Sềnh không mấy đổi khác. Lấy cớ giá cả đắt quá những mấy trăm tệ cho một tiếng massage chân tôi tháo lui. Mọi người cũng đồng ý. Được một quãng tôi lộn lại tiệm massage. Mặc tôi vồn vã, Sềnh im lặng như không biết tiếng Việt. Sềnh cố tình không công nhận dù tôi đã hết lời nhắc về chúng tôi dạo trước. Hỏi thăm đến cả A Lìn mặt Sềnh vẫn không chút biểu cảm. Tôi bất lực hiểu rằng Sềnh đã cự tuyệt tôi. Thằng bạn tẫu. Nó và tôi đã không còn tồn tại trong nhau từ gần 20 năm trước. Nhất trí thôi. Một chút kỷ niệm ngọt ngào về A Lìn khiến tôi bất ngờ nổi cơn giận dữ. Không hiểu sao tôi buột ra đúng cái từ của Sềnh hay chửi bậy trước đây khiến nó đang vờ vịt bỗng giật nảy cả mình. Cú giật mình xác nhận tôi đã không nhầm lẫn.
-Lịt mề.
Tôi thong thả bước ra khỏi tiệm massage./.
Hà Nội ngày 26/8/2012
PNT
Entry filed under: Truyện ngắn chủ nhật.
1.
toithichdoc | Tháng Tám 26, 2012 lúc 3:50 chiều
Sống ở đời được trải nghiệm như bác Tiến quả là sướng. Sướng trước khổ sau; bây giờ bác phải lo bếp núc cho vợ quả là đúng. Khe khe…
2.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 26, 2012 lúc 5:07 chiều
Giờ đang sướng nhất. Ngồi nhâm nhi ký ức để chuẩn bị cho thăng còn có gì hơn nữa. Đã ký ức thì có vui buồn có sai đúng. Còn kịp sửa sai là may mắn lắm rồi Thích đọc à.
3.
Sống thật chậm | Tháng Tám 26, 2012 lúc 4:04 chiều
Bác tập trung vào chuyên môn thế này được hàng ngày thì trên cả tuyệt vời!
4.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 26, 2012 lúc 5:08 chiều
Mụ Sống Chậm xỏ xiên nhé. Không đến lấy rượu vang là uống hết. Đừng có rủa lão tham như mõ đấy.
5.
Le Binh Nguyen | Tháng Tám 26, 2012 lúc 8:10 chiều
Hồi tôi học lớp 10 ( 1977) thày tổ trưởng bộ môn văn của trường tôi là thày Hào . Thày là người gốc Hoa , tốt nghiệp ĐH Sư phạm I . Thày rất hiền lành , thương học trò . Vơ thày là 1 chị người làng Triện cạnh trường .
Còn nhớ vài bài thơ của Bác Hồ mà thày giảng bằng bản chữ Hán với cách chơi chữ tượng hình của tác giả (hồi ấy môn ngoại ngữ bọn tôi phải học là Trung văn).
Năm 1981 tôi về thăm trường cũ thì không ai biết gia đình thày đã chuyển đi đâu từ năm 1979.
Kiếp người trôi nổi thật phù du trước những cơn bão lốc gây ra bởi các mưu đồ chính trị .
6.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 12:03 sáng
Đáng buồn là ở chỗ đó. Với cá nhân thì thế giới này là một ngôi nhà. Vượt ra ngôi nhà đó lại là chuyện hoàn toàn khác.
7.
vobaokhanh | Tháng Tám 26, 2012 lúc 9:04 chiều
Đọc truyện bác nhớ lại ngày xưa với nghề ép nhựa, với tiếng lóng : tít, cụ mượt…lan man nhớ lại những chuyến xe bus đi học đeo bám vì không có chỗ đứng, những chuyến nhảy tàu điện điệu nghệ… Cám ơn bác rất nhiều! Cái kết chuyện hình như có ý nghĩa khác, thân nhau là vậy mà bây giờ gặp nhau người ta làm mặt lạ, lại còn đe uýnh nhau nữa. Bác chửi đúng lắm : Lịt mề bọn tẫu, chơi không được.
8.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 12:03 sáng
Đọc và hiểu nhau là điều rất đáng quý. Cảm ơn bạn.
9.
Lai Tran Mai | Tháng Tám 27, 2012 lúc 2:57 chiều
Hôm trước thương bác phải lo bếp núc; bác lại bảo giờ đang là lúc sướng nhất, sướng vì… “chuẩn bị cho thăng”. Bác quên mất lời phật dạy rồi, kiếp người là sướng nhất đấy. Tu mãi mới thành người, rồi lại tu mãi mới thành đàn ông, thăng đi biết có lúc nào trở lại, nhỡ lại đầu thai thành chú tẫu thì…
Kết của bác chắc là thật chứ không phải bác hư cấu để chửi tàu ?
Tôi cũng có một số bạn Tầu, nói chung bọn này chi lo cho nhau thôi, không tử tế với mình đâu. Riêng về Hoàng Sa, Trường Sa, chúng nó cứ bảo VN kỳ lạ, rõ ràng từ bao đời nay là của TQ mà sao giờ tự dưng lại đòi, đúng là loại dân tham lam. TQ thương VN nghèo chứ không thì đánh cho hết đòi. Giong nghe rất tâm sự nên chắc chúng nói nghĩ sao nói vậy, hết sức tự nhiên.
Tiếc cho bác không lấy được cô vợ tẫu xinh ? Nếu lấy thì giờ bác đang ngồi viết truyện ở Bắc Kinh bằng tiếng Tàu rồi. Nhưng may cho đám dân ta đang hâm mộ bác.
10.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:44 chiều
Phụ nữ tẫu sống ở Hà Nội dễ thương lắm. Lại đảm nữa. Nhưng ý thức hệ dân tộc của đám này cực lớn. Cô A Lìn này rất hay.
Kết thật chứ bịa làm gì. Cần chửi thì chửi trực diện luôn đâu cần phải mượn cớ. Khekhe…
11.
Lai Tran Mai | Tháng Tám 28, 2012 lúc 4:17 sáng
Công nhận là bác dũng cảm, dám trực diện chửi Tẫu, nhưng chắc cũng do “buột miệng” thôi, và sau đó thong thả vừa chuồn vừa run.
Nhưng cũng phải công nhận nhờ có đoạn kết của bác mà câu chuyện trở nên tuyệt hay. Đọc chuyện này của bác, cả ngày cứ lẩm bẩm “A Lìn leng leng”. Thích thế. Đây là câu hay nhất tuần của bác đấy. Mong lại chủ nhật tới có cái gì leng leng nữa.
12.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 28, 2012 lúc 9:22 sáng
Còn có những câu chửi hay lắm. Ngay cả chửi dân tẫu cũng lắm trò. Dạo đó cứ khen là nàng A Lìn sướng phổng mũi. Hỏi đi hỏi lại có thật thế không. Khekhe….
13.
HùngThoa | Tháng Tám 27, 2012 lúc 9:16 sáng
Bác mặc váy mà ra bài đúng hẹn ghê. Em rất thích những bài anh viết về những năm tháng đó.
14.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 9:44 sáng
Mặc váy càng phải đúng hẹn chứ. Nhưng hôm nay chuyển sang quần bò rồi. Khekhe….
15.
Lai Tran Mai | Tháng Tám 27, 2012 lúc 3:01 chiều
Đúng là già rồi nên thành lưỡng tính. Nhưng thế lại sướng.
16.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:39 chiều
Ố là là cái váy chỉ là vỏ thôi, sao có thể thay đổi chỉ bằng cái vỏ được. Khekhe….
17.
Lai Tran Mai | Tháng Tám 28, 2012 lúc 4:12 sáng
Bác lại quên mất chủ nghĩa Mác rồi: Vạn vật luôn chuyển đổi, bắt đầu từ hình thức rồi sẽ đến nội dung. Trong thời đại ngày nay, thời gian chuyển đổi nhanh lắm. Cứ khe khe vài lần là thích chuyển hẳn sang mặc váy đấy.
18.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 28, 2012 lúc 9:12 sáng
Nghe mà hãi. Lượng đổi chất đổi. Vỏ rồi đến ruột. LTM nói đúng lắm cứ khekhe thế này thì toi có ngày thật. Lại khekhe….
19.
Hà Linh | Tháng Tám 27, 2012 lúc 10:09 sáng
Chờ mãi mới thấy tác phẩm tuần này, em mới đọc qua thì thấy có chút hơi lặp lại ở chỗ này, anh thử xem lại xem nhé:
“Vố này khiến Sềnh rất đau. Càng đau khi tiểu thư kia lại ngả vào chính con trai ông chủ lò nhựa. Nhiều lúc Sềnh như nổi điên vì chuyện này. Và Sềnh chọn một cách trả thù có một không hai. Cần phải nói rõ thêm chỗ này. Sềnh chẳng bao giờ chọn người yêu không cùng gốc gác. Nghĩa là anh ta chỉ chọn con gái cùng giống và không được lai tạp. Xinh đẹp tất nhiên nhưng nếu là tẫu lai Sềnh sài lắc luôn. Mãi sau tôi mới lý giải được điểm cố hữu này của Sềnh. Lại nói cách trả thù. Sau khi bị tướt, Sềnh lầm lì một dạo và trở thành hận tình khi biết cô người yêu là con một chủ tiệm ăn ở cùng phố đã ngả vào con trai ông chủ nhựa cũng làm trực …”
Theo em nghĩ thì câu” Càng đau khi tiểu thư kia lại ngả vào chính con trai ông chủ lò nhựa” và ” ” Sau khi bị tướt, Sềnh lầm lì một dạo và trở thành hận tình khi biết cô người yêu là con một chủ tiệm ăn ở cùng phố đã ngả vào con trai ông chủ nhựa…” là lặp ý, em nghĩ anh có thể lược bớt đi thì càng hay…
20.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:33 chiều
Viết thế là muốn giải thích thêm cho chắc cái ý muốn nói sau này. Nhưng đúng vì loạt truyện này anh Tiến ngồi tốc ký viết nhanh lắm nên cũng không tránh được sự lặp. Ok. Sẽ sửa lại.
21.
Hà Linh | Tháng Tám 27, 2012 lúc 10:13 sáng
Đọc đoạn kết thấy thương cả hai người…cả bao nhiêu số phận nổi trôi…Ai cũng có nỗi đau của mình, không hiểu sao thái độ của Sềnh không làm em bực mình mà cảm giác cay đắng cho chính nhân vật đó..Người bạn cũ” thong thả bước ra khỏi tiệm massage” nhưng chắc gì người kia đã có một đêm ngủ ngon lành….
22.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:35 chiều
Hiểu thế nào cũng được mà Hà Linh. Cay đắng có lẽ thuận.
23.
Hà Linh | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:59 chiều
Em đọng lại cảm giác cay đắng anh Tiến à. Phận người mỏng manh ở đâu cũng thế đều như chiếc lá rối bời trong vòng xoáy thời cuộc, chính trị. lịch sử…
24.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 10:02 chiều
Thế mới là cuộc đời, Hà Linh à.
25.
Lai Tran Mai | Tháng Tám 28, 2012 lúc 4:33 sáng
Chị HL bảo kiếp người mong manh lắm… Đúng lắm. Nhưng hàng ngày đi dạo, nhìn đàn kiến tha mồi, ong kiếm mật, cá bơi lội, chim bay và hót, hoa nở trong giá rét mùa động…, thấy thân phận chúng còn mong manh gấp triệu mình, cuộc sống sinh tồn của chúng cũng khổ gấp mình cả triệu lần. Có loài sớm ra đời, chiều đã chết, ngay đến như hổ báo sư tử mà giờ cũng đang trên đường tuyệt chủng. Xem phim thế giới động vật, cứ loài này ăn thịt loài kia để tồn tại, sao mà thấy thương chúng nó thế. Rồi cây cỏ bị giầy xéo, làm thức ăn cho trâu bò, động vật…, ngay cả những rừng cây cổ thụ đại ngàn giờ cũng hầu như bị tuyệt diệt. Vậy chúng có mong manh hơn ta không. Thương chúng quá. Đi đường, nhìn thấy động vật là tôi tránh không dẫm lên chúng, nhìn thấy cây cối kiên quyết không vặt lá bẻ cành.
Kết luận: Phận người dù có bị rối bời trong vòng xoáy thời cuộc, chính trị. lịch sử… nhưng vẫn là ít mong manh nhất đấy. Do đó hãy tận hưởng nó, đừng vội về nguyên quán. Đọc văn chị HL, thấy nhiều tâm sự buồn nhưng đọc xong thường lại cảm nhận cuộc sống tốt hơn, đáng sống hơn, thế mới lạ, giống bác Tiến: “Thế mới là cuộc đời, Hà Linh à”.
26.
hungthoa | Tháng Tám 27, 2012 lúc 11:46 sáng
Chúc mừng anh.
27.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:36 chiều
Hôm nay tung tẩy lượn phố rồi. Khekhe….
28.
tranlieu | Tháng Tám 27, 2012 lúc 7:11 chiều
Bác cứ A Lìn leng leng thế này không chừng bác gái lại cho méo a lô mất thôi.
29.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 27, 2012 lúc 8:37 chiều
Bác gái nhà tôi chả bao giờ vào đây đọc. Yên tâm. Bụt chùa nhà không thiêng. Khekhe….
30.
trần lê | Tháng Tám 28, 2012 lúc 9:06 sáng
truyện hay quá! cám ơn tác giả
31.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 28, 2012 lúc 9:14 sáng
Chỉ là chút hồi ức cho nó vui vui buồn buồn gọi là gia vị cho những ngày tháng hiện tại chất chưởng này thôi mà, trần lê. Cảm ơn bạn.
32.
Đoàn nam Sinh | Tháng Tám 28, 2012 lúc 9:54 sáng
Đấy, thế chứ ! Cứ bảo không ai sang nhà. Bài được quá, nhưng thường trong này người ta khen hẩu leng, nghe leng leng hơi lạ.
Bọ đang ở Bắc đấy, có tít không ?
33.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 28, 2012 lúc 10:11 sáng
Vào được nhưng ít bác ĐNS à. Đang lấy cái tên miền để chuyển khỏi wordpress. Chơi nó phải ra chơi chứ xì xoẹt chán lắm. Ông Bọ tối hôm kia đã đại chiến cùng bạn bè tại nhà tui rồi. Say cả đống. Bọ dạo này uống tốt quá. Đâm lo lo cho Bọ.
34.
lan | Tháng Tám 28, 2012 lúc 2:50 chiều
Ông làm tôi nhớ lại thời trai trẻ, tôi ở Hàng Chĩnh, chơi và sinh hoạt ở Ấu trĩ viên với mấy người bạn Tầu, khi ấy bực nhau vẫn nói họ là Tầu phù. Sau họ học ở trung học Trung hoa ( trường Phạm hồng Thái bây giờ ) vẫn thường qua lại nhau chơi luôn. Họ là con các nhà Cắm Xìn, Lý Hảo nay đã định cư ở Canada, cách đây mươi năm về Việt nam chơi, gặp nhau vẫn bịn rịn lắm ! Còn Phát tầu bán rượu và lạc rang ở Tạ Hiện không đi nhưng vì bạo bệnh khuất đến hơn chục năm rồi.
Ngẫm lại những ngày đã qua thấy đau xót và buồn cho những kiếp người bị trôi dạt.
Xin cảm ơn bài viết của ông.
35.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 28, 2012 lúc 3:12 chiều
Mấy cái tên bác vừa nhắc làm tôi nhớ liền. Phát Tàu, Cắm Xìn, Lý Hảo…Thời gian làm phôi phai nhiều thứ quá. Còn ông Lơ tốt béo ị sau này bị nghi là gián điệp. Và tay bán táo dầm quên mất tên rồi ở cồng trường Nguyễn Huệ gần nhà bác nữa. Nhiều lắm…một thời.
36.
hungthoa | Tháng Tám 29, 2012 lúc 7:56 sáng
Chắc cũng vào được bình thường, vẫn nhanh hơn GHX.
37.
hungthoa | Tháng Tám 29, 2012 lúc 7:59 sáng
Sao không comment được hè, cho em thử vài lần nhé.
38.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 29, 2012 lúc 8:57 sáng
Được cả 3 cái đấy Hùng Thoa. Là vì anh Tiến để chế độ duyệt phản hồi. Có tốt hơn trước thật.
39.
hungthoa | Tháng Tám 29, 2012 lúc 11:32 sáng
Cám ơn anh.
40.
Thanh | Tháng Tám 29, 2012 lúc 10:16 chiều
( Góp ý)
Truyện này có chỗ thiếu và thừa, nên tác giả đã hơi … “lãng phí” … tuy không gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.
Thừa, vì có thể cắt đi dăm bẩy dòng, vẫn giữ được câu chuyện mạch lạc như chủ đề đề cập.
Thiếu, vì đã là truyện, tác giả được toàn quyền hư cấu cơ mà! Ai cấm nhỉ? Cái chỗ gặp lại A Sềnh ở ngoài cửa tiệm xoa bóp, chỉ cần thêm lên 2 giòng thôi, những cô gái nào đang phải làm trong đó, thì cái câu “Lịt mệ”… nó sẽ trỏi lên như Nam Cao cười “tiên sư ông … Tào Tháo!”, độc giả sẽ buốt giá đến tận tim phổi!
Đọc xong, độc giả sẽ phải … nát óc nghĩ!
41.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 29, 2012 lúc 11:42 chiều
Về sự thừa. Tôi viết mạch truyện này tùy hứng và viết rất nhanh theo hồi ức không cần nghĩ. Gần 4000 chữ chỉ chừng vài ba tiếng đồng hồ là xong và không soát xét. Không phải là ẩu mà là kiểu viết không cấu tứ này nó vậy. Như một dạng tốc bút. Thế nên cái sự thừa dăm bảy dòng là điều có thể. Thói quen của tôi chỉ khi nào mang in mới đọc lại và chỉnh trang sửa chữa khi đã có độ lùi thời gian. Cái nào đọc thấy không thích là vứt. Số truyện post ở đây sau này tôi chỉ sử dụng một phần. Nhất trí với góp ý.
Cái sự thiếu bạn Thanh góp ý (xin lỗi vì ko biết giới tính, tuổi tác nên khó xưng hô) thì tôi lại thấy không cần thiết. Có thể mỗi người mỗi cách. Có rất nhiều cách kết tùy thuộc vào từng tạng người viết. Tôi thích kết kiểu này. Đơn giản. Chẳng bày binh bố trận làm gì. Việc nó thế thì cho nó thế. Vậy thôi.
Rất cảm ơn sự góp ý này. Thực sự thì tôi rất thích thú với ý kiến của bạn. Trân trọng.
42.
Van Anh | Tháng Tám 30, 2012 lúc 9:51 chiều
Truyện hay quá, cám ơn anh Tiến.
43.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 30, 2012 lúc 10:46 chiều
Lâu lâu lại nhảy vào meo một tiếng, gừ một tiếng. Khekhe….
44.
Van Anh | Tháng Chín 1, 2012 lúc 1:52 chiều
“Meo ” thôi chứ vẫn vào nhà anh đều ạ. May cho anh nhé, chị Mèo nhà anh ko thèm xem anh viết gì ! Phải tay em thì chỉ riêng cái vụ A Lìn leng leng ấy, ít nhất cũng bị véo bầm người, hihi. CHúc cả nhà nghỉ lễ vui vẻ.
45.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 1, 2012 lúc 2:32 chiều
Tủi thân vì cái vụ bụt chùa nhà không thiêng lắm. Khekhe….Nghỉ lễ cũng như ngày thường thôi, vui vẫn vui buồn vẫn buồn. Nhưng đúng. Ông họa sĩ Tào Linh vừa đến nhà tặng một bức sơn dầu kèm theo một chiếc xe máy Honda mini nội địa 50 phân khối hiệu Julio. Khoái quá món quà quốc khánh này.
46.
Van Anh | Tháng Chín 1, 2012 lúc 5:34 chiều
Nghe a Tiến nói đến tranh mà thèm, a Tiến toàn quen với họa sĩ nên nhà toàn tranh đẹp để treo. A Tiến đừng quên nhé!
47.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 1, 2012 lúc 8:29 chiều
Yên tâm. Sẽ có. Khekhe…
48.
arttunnel | Tháng Tám 30, 2012 lúc 11:50 chiều
Anh vẫn còn rượu vang à ? Sống Chậm mà uống vang của em là sẽ thêu bông hoa thành con giun mất. Em vừa lấy trộm cái chuyện này của bác về bloc của em coi như huề thùng rượu nhé !
49.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 30, 2012 lúc 11:54 chiều
Vẫn nguyên chỉ mới dùng mấy chai thôi. Giục giã đám kia đến lấy nhưng trả lời là không. Khekhe…Càng tốt. Bảo hôm đi chia tay cái nhưng lặn mất tiêu. Ban nãy chơi toàn tiếng nước ngoài đánh vần thế đếch nào được nên cho vào thùng rác. Bệnh của người kém ngoại ngữ nó thế đấy. Chúc mừng trở lại trên blog trên mạng. Chúc mừng nhiều nhẽ khác nữa. Giờ thì thành London phố rồi còn gì. Khekhe…
50.
arttunnel | Tháng Tám 31, 2012 lúc 12:05 sáng
Hôm nào về mình bắt tay vậy, anh thức khuya thế, em mới có 6h, đi xa nhớ hà nội phố, phở lắm anh ạ. London thịt gà không ngon, thị lợn hôi, thị bò đắt. Có tất cả nhưng không có nhiều lựa chọn vì thiếu tiền. Chúc anh ngủ ngon mỗi tuần một chuyện.
51.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 31, 2012 lúc 12:51 sáng
Hôm nào chả lọ mọ thế. Quen rồi. Anh Tiến vừa sang blog của Trường. Đã add vào mục liên kết bạn bè ở blog này. Và sẽ giới thiệu với các họa sĩ. Chơi thêm facebook nữa để mà giao lưu quảng bá tranh. Ở fb dễ liên lạc hơn. Nhờ con nó lập cho.
52.
Dai Viet | Tháng Chín 4, 2012 lúc 3:29 sáng
Ui cha cha, lâu rùi đọc chuyện cua anh thấy hay quá , hay vì nói thật – đúng không anh Tiến ? hy vong anh vẫn quan tâm đến nghề chính của mình- để nhớ lại những chuyện hay hay như vậy nhé.
Praha.
53.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 4, 2012 lúc 7:35 sáng
Nghề thì phải nhớ chứ. Không viết thì tôi còn biết làm gì nữa. Khekhe….
54.
Dai Viet | Tháng Chín 8, 2012 lúc 1:51 sáng
Vậ mỗi lần tiết lộ một chút sự thật ra đây anh có còn bị chị tính sổ nữa không ? hay vẫ phải lặp lại điệp khúc …anh chỉ có em …là lần đầu… hehe.
Chúc gđ anh vui – khỏe – hp.
55.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 8, 2012 lúc 9:16 sáng
Tính sổ gì nhỉ. Tôi còn chả sở hữu nổi mình nữa là….Khekhe….
56.
TLMT | Tháng Chín 24, 2012 lúc 3:09 chiều
Hầy dà
Bọn tẫu là thâm hiểm lắm , anh Tiến tin người thế mắc bẫy thằng bạn tẫu là phải thôi. Đệ là đệ không tin chúng nó tý nào.
Thật đấy. Lịt mề
57.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Chín 24, 2012 lúc 5:09 chiều
Hầy dà. Khekhe….