Đời người mãn nguyện (truyện ngắn chủ nhật)

Tháng Chín 24, 2012 at 5:23 chiều 11 bình luận

PNT: Tôi chuyển đến địa chỉ mới: http://www.phamngoctien.com. Trước mắt vẫn giữ trang này song song. Trân trọng!

Đi miền núi nửa đêm mới về đến nhà. Sáng ra dù bao nhiêu việc đang đợi nhưng vẫn cứ nằm yên trên giường không thể dậy nổi. Nằm, mắt mở trong tróng chỉ nghĩ đến duy nhất một người. Anh Tòng. Sáng sớm nay đưa tang anh ở Thái Nguyên. Chuyến đi miền núi đã ngăn cản tôi không về kịp đưa anh ra đồng.

Anh Tòng bên vợ con và cháu hơn một tháng trước.

Anh Tòng là con bác con cô bên ngoại với vợ tôi. Anh sinh năm 1957. Một nông dân chính hiệu ở vùng bán trung du Thái Nguyên. Bố anh là anh ruột mẹ vợ tôi. Anh Tòng có khổ người nhỏ, khuôn mặt nhỏ, đen đúa dầu dãi. Đó là một người rất đặc biệt trong suy nghĩ của tôi. Anh hóm hỉnh thông minh biết nhiều điều ở sách vở, trong cuộc đời, khi đối thoại anh luôn viện dẫn thơ ca của một số tác giả tên tuổi cùng cách pha trò dân dã. Nhưng đặc biệt nhất ở anh là lần gặp nào tôi đều thấy anh say lắc lư dù vị trí của anh là con trai trưởng của một nhánh họ. Từ nhiều năm nay, không năm nào tôi không về quê vợ dự giỗ. Một cái giỗ chung cho những người thân đã khuất. Và những lần này niềm thích thú nhất của tôi là được ngồi uống rượu và chuyện trò với anh. Anh có lối nói chuyện của một người say nhưng tỉnh đến từng cú nhấn âm chứ đừng nói đến nội dung bởi nó dù hoạt, rất tếu nhưng vô cùng chính xác, đâu ra đấy trong tất cả mọi chuyện. Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên về anh nhưng sau thì biết anh từng học sư phạm 10+3. Không biết vì sao anh lại không theo nghề giáo mà ở làng làm một nông dân. Tôi không tiện hỏi và cũng chưa bao giờ có ý định tìm hiểu chuyện này. Chẳng quan trọng, làm gì thì vẫn là một anh Tòng khướt cò bợ tôi thích đó thôi.

Anh Tòng bên mẹ (ngoài cùng bên trái) và cô, bác.

Bố anh Tòng tôi gọi là bác. Bác Quát. Bác là sĩ quan quân đội về hưu đã mất khá lâu. Mẹ anh cả đời không ra khỏi làng, tính tình hiền lành sống nhu mỳ bình lặng. Trong mắt mọi người có lẽ anh Tòng là một người say dở dở ương ương. Tôi chỉ về quê vào những dịp giỗ và những chuyện đột xuất khác như cưới hỏi, tang gia…Và những dịp này anh Tòng luôn bị mọi người gàn nhắc không cho uống. Tôi thì khác. Luôn mời mọc anh. Tôi thích anh nhất lúc say. Vốn là người chất phác chân thật lúc anh say còn thật hơn cả thật. Bởi lúc đó anh dám nói ra những điều anh nghĩ. Mà cũng lạ, một người chỉ cắm mặt vào ruộng đồng vườn tược như anh, giỏi lắm thì nắm được thông tin qua cái ti vi mà chuyện gì anh cũng rành. Đã đành là kiến thức anh thu lượm được từ dạo đi học nhưng ngần ấy vốn liếng thì thấm tháp gì sau bao nhiêu năm cuộc sống có quá nhiều thay đổi. Qua anh tôi hiểu hơn về sức sống của văn hóa dân gian (folklore) nơi đồng quê thanh bình. Anh có thể vanh vách kể một giai thoại của một nhân vật lịch sử hoặc một câu chuyện bình thường nơi làng quê của anh. Bạn bè tôi có vài người về chơi ở những dịp này rất khoái anh Tòng. Nhưng tôi hiểu cái khoái của người ghé qua chốc lát như tôi và bạn bè không thể khuất lấp được sự phiền muộn của gần như tất cả thành viên gia đình về cái tật vô tư la đà say của anh. Là người biết anh từ hơn hai chục năm trước kể từ lúc tôi cưới vợ, anh Tòng vẫn nguyên trong một bộ dạng say. Nhớ hồi cả ông ngoại vợ tôi, bác Quát còn sống, mỗi lần có việc họ, anh Tòng luôn bị nhắc nhở kèm cặp. Anh không uống được nhiều nhưng ham uống. Món nhắm anh ưa dùng khi uống là nói. Nói chứ không ăn. Bởi thế chẳng lâu la gì chỉ rất ngắn thời gian anh đã ngấm rượu. Không ít lần tôi công khai bênh vực anh. Và điều tôi nhận về rất dễ hiểu, được kết luận là những lý lẽ của một người có cùng ham thích giống anh. Tôi cũng hay la đà như anh thì có gì mà không khoái nhau, không bênh nhau cơ chứ. Khekhe…

Tự nhiên tôi thấy có nhu cầu cần phải liệt kê lại một số dữ kiện cuộc đời anh Tòng trong thời khắc anh chia tay cuộc sống này để ít nhất củng cố cho tôi quan niệm nhìn nhận về sự được mất của đời người thông qua số phận của anh. Anh có ba người con trai. Một nông dân nghèo ở một vùng quê nghèo có tận ba người con trai là một gánh nặng vô cùng khó xoay trở. Gia tài để lại là một ngôi nhà ngói xây mà ông, cha anh đã ở. Khi các cụ lần lượt về với đất, anh là người đứng mũi chịu sào của gia đình. Đã nói, mẹ anh là một phụ nữ hiền lành bình lặng. Ngôi nhà chung kia giờ dành là nơi thờ tự, anh cho một người con trai ở cùng với mẹ anh. Anh khai khẩn xây dựng một khu trại cách xa làng xóm. Tôi đã ra khu trại đó. Có thể nói đó là một công trình khá bề thế so với mặt bằng làng quê của anh. Có vườn tược, ao cá, một nếp nhà xây mấy gian trên một quả đồi thấp. Đời người vậy là đàng hoàng. Anh không ít lần bảo tôi như thế. Anh nói đúng. Chưa hết, anh còn một khu đất ven xóm vài trăm mét vuông đang định bán đi một nửa để đầu tư cho các con. Cả ba con trai, anh đã dựng vợ hết cho chúng. Từ lâu anh đã lên chức ông nội. Trừ chi tiết cậu con cả số vất vả còn trẻ nhưng phải đi qua hai cuộc hôn nhân mới neo đậu được còn thì tất cả các con của anh ai ai cũng hạnh phúc. Chúng lam làm chịu khó và ngoan ngoãn đến mức tôi phải thán phục. Nếu nhìn bên ngoài, một người cha lướt khướt thế kia liệu mấy ai tin con cái lại có thể trưởng thành một cách vững chắc đàng hoàng. Mà con cái anh cũng chỉ là những người lao động thuần túy. Đứa buôn bán nhỏ, đứa làm thợ xây, thợ máy. Mấy cô con dâu cũng vậy, đứa làm ruộng, đứa làm công độ nhật. Đã có một dạo tôi làm nhà phải nhờ đứa con thứ hai của anh về giúp quản lý xây dựng gần một năm trời. Nết lam làm chịu khó và cương trực tự trọng của cháu gây cho tôi nhiều thiện cảm. Nhờ dịp này tôi hiểu được nhiều hơn về nội tình gia đình anh, nhất là về anh. Kể về bố, cậu con trai cứ tủm tỉm suốt. Bố cháu uống suốt, say suốt và về nhà nói suốt. Nói với ai. Thì cứ nói một mình chứ chúng cháu dại gì bập vào. Ăn chửi nhức đầu lắm. Những chuyện đại loại thế. Không một chút oán trách. Tràn ngập trong đó là sự thương xót và chia sẻ. Tường là tên cậu con trai thứ này. Nó tâm sự lần này cháu về sẽ xin ở riêng. Sao phải thế? Cháu đã gần 30 tuổi rồi. Sắp tới cháu sinh đứa con thứ hai, cháu phải tự lập để gây cơ nghiệp chứ. Rồi Tường bàn tính với tôi kế hoạch tự lập. Chẳng nhiều nhặn gì, số tiền tích cóp từ con trâu nuôi, mảnh đất nhỏ đến lương thợ ngày ngày, Tường vẽ ra trong trí tưởng của tôi một cuộc sống hạnh phúc đến khó ngờ của những con người bình thường. Tôi xúc động mạnh về ước mơ của Tường. Một ước mơ chắc chắn hiện thực trong một tương lai không xa. Lúc đó tôi đã thốt lên, mày khiến chú cảm phục. Và tôi nói với cháu về anh Tòng. Bố cháu sống thế nhưng trong mắt chú đó là một tấm gương lao động, một mẫu người dị biệt nhưng nhân cách. Nhân cách, cháu hiểu không. Bố cháu đã truyền sang chúng mày ngọn lửa sống. Ngay thẳng, chân thành, dũng cảm đương đầu với mọi cam go để thanh thản sống. Sống theo cách của mình. Biết chấp nhận sống là hạnh phúc cháu ạ. Hãy nhìn những gì bố cháu làm được trong cuộc đời chứ đừng nhìn vào những sinh hoạt thường nhật. Tường lặng im không nói gì nhưng tôi biết nó hiểu.

Lần gặp anh Tòng gần nhất mới chỉ hơn tháng. Vào dịp giỗ thường niên. Hôm đó tôi mời một anh bạn luật sư đi cùng. Vẫn như mọi khi, anh Tòng tất bật trong bộ dạng cũ liêu xiêu nhưng trịnh trọng trong vai trò của một gia chủ. Vào bữa anh đi các mâm rót mời. Đến mâm tôi anh đã say say. Lại một chặp tâm sự và những chén rượu đầy uống cạn, không ăn. Nhìn kỹ, tôi thấy anh có vẻ khang khác mọi khi, môi không còn chủ động được hơi rung rảy khi nói. Cặp mắt cũng kém đi thần sắc. Ai đó gàn bảo đừng để anh uống nữa. Không hiểu sao tôi lại buột ra hôm nay cứ để anh uống, những dịp thế này là hiếm hoi sao phải giữ, say cũng hay chứ sao. Anh Tòng không say mới lạ. Rồi tôi nói chuyện với anh về đất cát nhà cửa, việc lập nghiệp của các con anh. Anh Tòng rành rẽ nói mọi điều đâu ra đấy cả những dự định của vợ chồng anh với các con. Sau đó tàn giỗ tôi làm một việc chưa từng là lần lượt ghi lại hình ảnh anh với mẹ với vợ với con cháu và những người thân của anh. Ai mà ngờ lần đó như một dự cảm trong tôi về ngày anh chia tay cuộc sống này.

Tôi ngồi viết mấy dòng như là một tâm sự với anh Tòng. Sáng nay tôi không thể lên được với anh dù rất muốn. Gia đình tôi hôm qua đã đi lên chia tay anh. Tôi điện cho anh bạn luật sư. Anh này sửng sốt vì tin báo nói tôi đang ở xa. Đợi tôi về chúng ta lên đó thắp hương cho anh ấy. Đó là một người rất hay đấy ông Tiến ạ, tiếc quá. Nói thêm anh bạn luật sư này đã nhiều lần cùng tôi đến nhà anh Tòng và rất quý anh. Anh Tòng rời khỏi cuộc sống này rất nhanh. Tôi hỏi vợ về cái chết của anh nhưng được trả lời là không ai biết rõ. Chỉ biết anh ngã xuống mương lúc đầu chiều. Sau đó được đưa đi viện cấp cứu và mất lúc gần giữa đêm. Không hỏi thêm nhưng  tôi biết tầm ấy anh về trại là lúc đã uống. Anh đang say. Thôi, một đời người vậy cũng đã là mãn nguyện. Nói như cách của anh vậy là đàng hoàng. Đúng là như vậy anh Tòng ơi./.

Hà Nội ngày 24/9/2012

PNT

 

 

Advertisement

Entry filed under: Truyện ngắn chủ nhật.

Đốt pháo ở Cổ Ngư (Truyện ngắn chủ nhật) Nghĩ về sự đọc đang chết (Một góc nhìn)

11 bình luận Add your own

  • 1. Sống thật chậm  |  Tháng Chín 24, 2012 lúc 5:40 chiều

    Mẹ cháu thích cái kiểu viết này của bác, chả biết bảo là kiểu gì, chỉ biết là qua cách kể về những nhân vật giản dị này, thấy lại cái phần mẹ cháu vốn hâm mộ ở bác mà bác cứ để khuất lấp đi trong đời thường.
    Có cái này góp ý tẹo, “dân dã” chứ không không phải “dân giã” bác ạ. Chữ “dã” trong “điền dã” chứ không phải chữ “giã” trong “giã biệt”. Múa rìu qua mắt thợ, bác đừng có khỏ đầu mẹ cháu, tội nghiệp 😦

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 24, 2012 lúc 5:43 chiều

      Mụ này như ma xó châm chích hơi bị sâu và cay. Khekhe…Dân dã. Đồng ý. Viết vội một lèo chưa kịp cả soát lại. Cảm ơn. Khekhe….

      Trả lời
  • 3. Thanh Van  |  Tháng Chín 25, 2012 lúc 1:09 sáng

    Bạn Tiến, rất tiếc không đọc nổi. block của bạn đã bị chặn. Buồn!

    ________________________________

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 25, 2012 lúc 11:19 chiều

      Xin mời sang địa chỉ này: phamngoctien.com. Tôi đã chuyển blog sang bên đó chắc là đọc được.

      Trả lời
  • 5. Hà Nội Phố  |  Tháng Chín 25, 2012 lúc 5:03 chiều

    Muốn đọc cái truyện của anh nhưng lại thương cái mắt của anh và tiếc thay cho cái rượu vang của em. Món rượu thì phải bỏ thôi cho dù có dần dần phải làm vậy, nếu không sẽ chẳng nhìn thấy gì nữa vào năm 80 tuổi, chỉ sờ và hít thôi. Xưa bố em cũng bị thiên đầu thống, phải bỏ hết (trừ….!!!).
    Chia buồn với anh vì xa một người thân, thực ra là anh Tòng đi trước, vì tất cả chúng ta sẽ đến đó dù có cố tình “Sống thật chậm” giống bạn Thủy. Em chợt nghĩ nếu mình sống thật nhanh lên, gấp cố lên, thì liệu có đến chỗ đó nhanh hơn không ? Em giờ đi bộ nhanh lắm anh ạ ! mặc dù ở Hà Nội có lần đi bộ xuyên cầu Long Biên sang Gia Lâm chơi nhưng đến London phải xin lỗi liên tục vì đi chậm cản đường người khác. Anh có câu : “Nhất trí thanh thản ! “, câu này rất hợp với cuộc sống người Anh vì tất cả đều phải có kế hoạch, thanh thản phải có kế hoạch từ trước để còn chuẩn bị. Chết phải có kế hoạch, mỉm cười chết lúc nào thì chết hơn hay có kế hoạch thì hơn ? Hạnh phúc cho những ai thấy cuộc đời thật đẹp trước khi chết !

    Trả lời
  • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 25, 2012 lúc 11:18 chiều

    Nhất trí thanh thản. Khekhe…Thêm một chút, mắt giờ đeo kính 24/24 ngon rồi, uống tốt.

    Trả lời
  • 7. Tin thứ Tư, 26-09-2012 « BA SÀM  |  Tháng Chín 26, 2012 lúc 2:03 sáng

    […] Đời người mãn nguyện (truyện ngắn chủ nhật) (Phạm Ngọc […]

    Trả lời
  • 8. Tin thứ Tư, 26-09-2012 | Dahanhkhach's Blog  |  Tháng Chín 26, 2012 lúc 5:16 chiều

    […] Đời người mãn nguyện (truyện ngắn chủ nhật) (Phạm Ngọc […]

    Trả lời
  • 9. Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 26-09-2012 | bahaidao2  |  Tháng Chín 27, 2012 lúc 3:17 sáng

    […] biết i tờ (IT) thì không hiểu từ này. Hic hic… – Tình cát 19 – (Quê Choa). – Đời người mãn nguyện (truyện ngắn chủ nhật) (Phạm Ngọc Tiến). – Sài Gòn: chuyện kể xe ôm (Đàm Hà Phú). – Thái Bá […]

    Trả lời
  • 10. Hà Linh  |  Tháng Chín 27, 2012 lúc 6:28 chiều

    Em mà còn sống ở nhà, có khi cũng thành người nghiện rượu cũng nên. Say mà sống bình thường!

    Trả lời
    • 11. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 27, 2012 lúc 7:50 chiều

      Nghiện cũng khó đấy chẳng dễ đâu. Như anh ham rượu nhưng ko có bạn chịu ko uống được. Vậy sao gọi là nghiện được.

      Trả lời

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Chín 2012
H B T N S B C
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930

CHÀO KHÁCH

free counters

%d người thích bài này: