Cái kính của những kẻ thích đùa (Truyện ngắn)
Tháng Tám 24, 2015 at 6:46 chiều 5 bình luận
(Đã 3 năm trang phamngoctien.com bị sập vì lý do lãng xẹt. Nay chủ trang đã hồi phục được ngôi nhà văn chương của mình. Thời buổi văn chương hạ giá, chủ trang lại tài hèn đức mỏng nên chẳng dám múa mỏ khoa trương thôi thì ai còn nhớ đến Tiến trọc này thì mời vào chiếu. Rượu nhạt nhưng tình thâm. Ta làm vài ly cho đời đỡ tẻ. Xin mời!)
Tôi không nhớ mình đã đọc truyện ngắn Cái kính của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin từ bao giờ nhưng vẫn chưa quên cảm giác sảng khoái lúc kết thúc truyện. Bố sư khỉ đeo cái gọng không lại sáng rõ đúng mắt thật, suýt toi đời với kính thưa đủ các loại bác sĩ mắt. Hóm thật. Tưởng là câu chuyện đọng mãi trong trí não ngu đần tăm tối của mình thì sẽ tích cóp được một kinh nghiệm nhớ đời cho bản thân nhưng không, đến lượt tôi vẫn mắc như thường.
(Minh họa bằng cái ảnh nuy của bạn Dzung Art Nguyen. Có một mắt kính là đủ).
Chừng hai tháng trước tự nhiên được một anh bạn tặng chiếc kính râm rất ưng ý. Tôi vốn thích kính, bút, đồng hồ, giày. Càng thích khi những thứ này mình có được bằng con đường người khác tặng. Biết là hủi nhưng vẫn thích. Thích chứ đang dưng chẳng mất xu nào chẳng phải đắn đo tìm hiểu bộp một cái có được món đồ mình thích hiển nhiên cái sướng này tăng gấp nhiều lần. Nhưng nói đi nói lại khi say rượu tôi cũng hay tặng đồ. Tại sao lại chỉ khi say vì lúc đó không còn tỉnh táo mình trở về với bản năng con người thật của mình là đếch cần gì cả, hào sảng, phóng túng đúng tâm thế của một kẻ vô sản từ trẻ đến già. Lúc tỉnh thì đợi đấy nhé, còn lâu. Thế nên đám bạn thân nhắm món gì của tôi bao giờ họ cũng chủ ý chuốc rượu cho say bét bè be thế là có gì tháo hết. Khekhe…Những đận như vậy có lần tỉnh rượu tôi tiếc của đến ốm liệt cả tuần. Nói lại chuyện cái kính. Nó là chiếc Rayban đời cũ nhưng còn mới long lanh hợp với tuổi tôi. Khoái lắm, tối ngồi làm việc nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đeo vào mắt soi gương ngắm nghía. Họa đến chính từ chi tiết này. Một lần đang đứng trước gương nghe tiếng chân con gái lên gác tôi vội phi tang bằng cách tháo kính dúi vào góc bàn. Để con nó biết mình đeo kính râm tỉa tót trước gương buổi tối thì còn ra cái thá gì ông bố nữa. Lát sau quên béng mất cái kính dấp ở góc bàn nên vô ý đụng chạm làm rơi vỡ mất một bên mắt. Thôi rồi lượm ơi. Tối ấy tôi ngơ ngẩn tiếc của và luôn tự xỉ vả mình hậu đậu. Sáng sau tôi mang ra hàng kính quen thay mắt. Anh thợ kính bảo không thể kiếm được cái mắt này đâu nhà văn ơi. Nó hiếm lắm. Vậy làm sao bây giờ. Có tiền cũng chả mua nổi, em lắp cho bác đôi mắt Tàu. Tôi giãy nảy tàu khựa ghét bỏ mẹ không chơi. Nhưng chỉ có loại ấy bác đi hàng khác mất bộn tiền cũng toàn hàng khựa cả, họ nói vống là mắt Đức mắt Pháp nhưng em đảm bảo không có. Nếu hàng thật phải cỡ dăm triệu nhưng có nghề như em cũng chịu chết không thể phân biệt. Đành phải lắp vậy để có cái mà đeo chống nắng chống bụi. Đeo nhưng ấm ức không vui. Được đâu một tuần thì phải, tự nhiên mắt tôi nhòe nhòe, chập chờn hư ảo. Cảm giác hôm lắp cái mắt kính râm tàu khựa nó ám chăng. Tôi bỏ kính râm đeo kính đổi màu. Vẫn nhòe nhoẹt nằng nặng. Rồi đến lượt các loại kính lão tôi vẫn dùng nhiều năm nay cũng cùng chung số phận. Tôi chỉ phải đeo kính khi đọc sách khi làm việc máy tính, khi xem điện thoại thôi. Kính nào tôi đeo vào cũng thấy nhòe thấy mờ và hình động chung chiêng. Bỏ mẹ rồi, thế này thì chết. Tôi bổ đến một bác sĩ quen hỏi. Ông này sau khi kiên nhẫn nghe xong tôi mô tả hỏi độp luôn huyết áp của anh thế nào. Hơi bị cao ạ nhưng cũng còn chưa phải uống thuốc. Ông này bảo tốt nhất là anh đến bệnh viện kiểm tra. Tuổi anh nghề anh cách anh sinh hoạt bừa bãi huyết áp cao là cái chắc. Nhưng huyết áp thì ảnh hưởng gì đến mắt. Ông này nói một thôi một hồi khiến tôi ù hết tai. Sau thì thu hoạch được là huyết áp cao dẫn đến đau đầu và tăng áp mắt. Ngay khi ông nói xong tôi thấy đầu đau ngay lập tức. Thánh thật. Không thể đùa. Tối ấy tôi tự đo huyết áp 5 lần. Chỉ số nó cho lung tung nhưng đều cao vọt cả. Có lẽ tay này nói đúng. Phải đi khám.
Nhà tôi vợ bác sĩ, con rể bác sĩ nhưng nói thật bụt chùa nhà không thiêng. Đám này không xem truyện tôi viết, chẳng xem phim tôi làm, đổi lại có việc gì cần đến chuyên môn y khoa có các tiền tôi cũng không tin tưởng ở họ. Thế là huề. Hôm sau tôi mò vào một phòng khám mắt tư. Một bác sĩ trẻ nghe rồi khám. Và cô ấy bắt đầu hỏi. Nhà anh có ai bị mù không? Tôi ớ ra. Ông nội tôi chết lúc tôi còn nhỏ nhưng tôi nhớ chi tiết sau bữa cơm ông tôi hay lần lần tay quanh mâm nếu lần thấy hạt cơm hay thức ăn vãi là ông vả ngược lên bất kể đó là ai. Ông tôi rất nghiêm với kỷ luật cấm ăn vương vãi. Tôi ăn mấy phát vả nên nhớ. Mắt ông tôi thế chả mù là gì. Tôi điếng người chẳng đâu xa, mẹ tôi đang sống đây này. Chục năm trước bà phải đi đục nhân mắt thay thủy tinh thể nhưng cũng chỉ được một bên còn bên kia bị tăng nhãn áp nổ đến bụp, đi đứt mất con ngươi nên không cứu được. Thế gọi là chột. Nghĩ đến đấy tôi gần như lên một cơn tăng xông nghẹn thở và đầu đau choáng váng. Hỏi chán chê cô bác sĩ bắt tôi kiểm tra thị lực. Có hai phần mười cả hai mắt. Sao lại thế hả giời. Tôi suýt phát khóc vì chán may mà kìm chế được. Sau đó cô đè tôi nằm ngửa trên bàn để đo nhãn áp. Đo đi đo lại mấy phát liền rồi hội ý gì đó với một ông bác sĩ đứng tuổi. Hai người trao đổi xong cô bác sĩ bảo anh có triệu chứng mắt mờ, đau đầu, thị lực giảm, nhãn áp tăng cần phải lưu ý đến bệnh thiên đầu thống. Đầu tôi thiếu nước nổ tung. Thiên đầu thống thì tôi biết. Khối người tôi quen đã dính chưởng này. Đa số là mù vĩnh viễn. Cô bác sĩ kê đơn động viên dặn dò tôi nhiều điều đại loại như không ngồi máy tính, không uống rượu, hút thuốc, điều độ sinh hoạt. Lạ cho cái đám ngành y sao họ căm thù rượu với thuốc lá thế không biết. Bệnh nào cũng phải bỏ mấy món này là sao. Nhưng bỏ cũng chấp nhận còn cái món không ngồi máy tính thì coi như tẹc luôn còn gì. Cần câu cơm ở đấy, nhiệt huyết sống ở đấy, vui buồn ở đấy, lẽ đời ở đấy, tồn vong ở đấy cả, giờ bảo tôi không viết thì còn biết làm gì. Chết quách đi cho xong. Tôi buồn bã về nhà đóng cửa, tắt máy điện thoại, hủy mấy chuyến đi đã lên lịch, gọi điện thương thảo xin thôi một hợp đồng viết kịch bản đã ký đã tạm ứng, treo trên facebook và blog lời từ giã bạn bè để giải nghệ.
Không ốm nhưng tôi ủ rũ mất một tuần lễ. Mọi triệu chứng mờ ảo, đau đầu vẫn nguyên si nhưng lại thêm mắt đỏ kè ngứa ngáy. Không chịu đựng nổi tôi buộc phải mò đến bệnh viện nhà nước để khám cho chắc cú. Lại một cô bác sĩ khám kết luận bị viêm kết mạc. Cho thuốc nhỏ được vài ngày thì đỡ nhưng tất tật những thứ khác vẫn lại y nguyên. Chán đời quá. Một hôm không thể chịu đựng thêm tôi mò đến bệnh viện vợ làm muối mặt nhờ khám. Tại phòng khám mắt một tay trung niên chẳng biết bác sĩ hay y tá bảo tôi ngồi trước máy soi soi qua loa rồi lôi tôi ra bên ngoài bắt tôi đeo vào chiếc gông to tổ bố có lắp sẵn mắt kính loại gì đấy. Ô hay, sao như thần thoại thế này. Tôi đọc được cả hàng chữ cuối cùng bé xíu. Mười phần mười cả hai mắt. Tay này lại lôi xệch tôi vào phòng trong bảo anh chẳng sao cả. Mắt anh giờ đi đường phải đeo loại mắt viễn một chấm. Tóm lại là đeo liên tục trong sinh hoạt hàng ngày lúc đọc sách hay làm việc thì đeo kính lão như trước nhưng phải đúng số. Tôi lao như bay ra hiệu kính thửa liền một loạt mấy chiếc liền một chấm không. Thêm dăm chiếc kính lão làm việc tăng thêm số bày khắp nơi trong nhà, cả trong toilet. Sáng như chưa bao giờ sáng như thế. Xem ti vi đọc được hết những dòng chữ chính phụ bất kể nó nhỏ như con kiến, điều lâu nay chưa từng. Tôi cũng quên luôn bệnh đau đầu. Khekhe…Aziz Nesin có sống lại chắc cũng phải làm như tôi mà thôi.
Sau hôm đó tôi thành trí thức vì lúc nào cũng bốn mắt trên mặt. Nhất cử lưỡng tiện lại thêm danh giá con người mình ra. Hay thế không biết. Một hôm có anh bạn đến nhà uống rượu bắt tôi tháo cái kính đang đeo ra xem. Anh này bảo bác dùng cái gọng này nó hèn mặt đi. Rồi anh ta lấy từ túi ra hộp kính bảo tặng bác. Cái kính này hiệu Hugo Boss em mua ở bên Ý, đảm bảo thật, bác tháo mắt cũ lắp mắt của bác vào. Sướng âm ỉ. Tôi cảm ơn và ra hiệu kính ngay tắp lự.
Truyện đã có thể kết thúc nhưng xin hiến bạn đọc cái vĩ thanh này. Hôm nọ nhà văn hiệu Quê Choa Nguyễn Quang Lập từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác. Bạn bè rủ nhau uống rượu. Đang uống Lập bảo Tiến đeo kính này đẹp mà trẻ ra. Nó là kính gì thế. Tôi bảo nó là kính viễn không đeo nó chả nhìn thấy gì. Lập bập ngay vào thế à, mắt tao dạo này cũng mờ tịt. Có nhức đầu không. Có. Huyết áp thế nào…Tôi lặp lại màn tra khảo như mấy vị bác sĩ đã hành hạ tôi. Lập công nhận hết. Sau cùng tôi tháo cái kính tôi đang đeo đưa cho Lập thử. Lập kêu lên sung sướng, ua chầu chầu sáng quá. Tôi cao giọng giảng cho Lập biết tại sao lại mờ, lại nhức đầu, lại tăng nhãn áp và kết luận phải đeo kính số này. Phạm Xuân Nguyên ngồi đấy phán Tiến tặng Lập cái kính này luôn đi. Chưa say vả lại nể anh bạn tặng kính vừa được mấy ngày nên tôi không tặng mà chỉ sang một anh bạn khác gạ gẫm phân công anh này khi vào Sài Gòn sẽ dẫn Lập đến hiệu kính thửa một chiếc hàng hiệu. Anh bạn nhận lời một cách hào sảng và sung sướng. Mới hôm qua Lập gọi điện bảo tao có kính rồi. Thích lắm. Sáng lắm. Trí thức lắm. Ngu quá biết thế này đeo kính viễn số một từ lâu. Hehe…
Hà Nội 21/10/2012
PNT
Entry filed under: Truyện ngắn chủ nhật.
1.
Hoàng Thiên Nga | Tháng Tám 24, 2015 lúc 7:56 chiều
Hi hi, phải đọc nguyên trang lòng thòng, vòng vo mới biết anh Tiến đeo kính viễn chứ không phải kính lão nhé 😉
2.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 24, 2015 lúc 7:59 chiều
Lão mới viễn nhé. Khekhe….
3.
Lana | Tháng Tám 24, 2015 lúc 8:24 chiều
Đọc đến dòng gần cuối em vẫn tưởng anh sẽ hào sảng sang tên cho Bọ Lập cặp kiếng 1.0 🙂
4.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Tám 24, 2015 lúc 9:57 chiều
Cái kính Hugo Boss đó sau uống rượu đánh mất tiếc mãi. Cho kính thành mù dở cho sao được.
5.
Bùi Duy Quốc | Tháng Mười Hai 6, 2016 lúc 6:25 sáng
Chuyện vui nhỉ. Mình ko dùng kính hạnh sang nên mất hay hỏng thì mua cái khác,ko tiếc.