Nghệ thuật đi tua (Truyện ngắn mini)

Tháng Sáu 10, 2012 at 5:15 chiều 30 bình luận

Có một dạo đói kém những kẻ ham ăn nhậu như mình đến là khốn khổ. Đã đói nhói bao tử, xiền không có, ông giời lại bắt tội vơ váo vận vào người đủ thứ nghiện ngập. Sáng ra trà chát phải một cữ, cà phê lúc nào mần cũng được, thuốc lá phì phèo từ lúc bước chân ra khỏi giường. Nhưng cái anh cu rượu mới tai hại.

Chân dung kẻ đi tua Phạm Ngọc Tiến qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Đức

Nói về dạo đói kém. Những năm 80 chả có nhà nào dư dật ăn nhậu như bây giờ. Tóm lại toàn dân đói khổ. Chết nỗi, càng khổ, càng đói thì những thứ báo hại như rượu chè thuốc thang càng đòi hỏi nhu cầu. Đáp ứng được lũ đó là cả một vấn đề lớn lao và trọng đại. nhất là thằng rượu bởi đi theo cu cậu còn phải kèm đồ mồi. Dạo đó đồ nhắm vớ vẩn thôi chỉ là lạng nem chạo, cái đuôi lợn, có xiền thì rinh hẳn một đầu chó luộc, mấy bìa đậu phụ…Chà chà, nhắc đến mấy món này bất giác thèm chảy nước miếng. Là kiểu thèm hồi cố thôi chứ bây giờ cao lương mỹ vị cũng chịu chả sực được. Đã nói dạo đó rất khó kiếm xiền. Mình độc thân, mải mê theo đuổi ăn nhậu nên cũng chả nghĩ gì đến chuyện vợ con. Lo sự nghiệp đã tướt bơ, thỏa mãn tối thiểu được mấy ông bạn vàng vừa kể đủ ốm xác nói gì đến yêu đương tìm hiểu. Thấy bạn bè chồng chồng vợ vợ cũng thấy xót ruột nhưng kệ, thân mình chả xong, thôi thì tặc lưỡi. Mình có một ông bạn đồng ngũ rất thân là vì cùng sở thích và cũng mướp như nhau. Hai thằng đánh đu với nhau suốt ngày, thời bây giờ là ăn đồn đồng tính như bỡn. Có gì cũng gọi nhau. Không có thì bàn mưu tính kế để kiếm. Run rủi thế nào mình và hắn nghĩ được một cách hơi bị hay. Đó là đi tua. Về chuyện này mình đã viết hẳn một kịch bản “Đi tua thời hiện đại” dựng thành phim hẳn hoi. Đi tua là sao? Dễ hiểu thôi mà tức là đi đến nhà bạn bè, người quen, họ hàng chơi. Tất nhiên là phải nhằm tầm tầm bữa cơm. Dân ta có thói quen cứ gặp người đến đúng bữa là mời. Mời rơi thôi, đang vét nồi quèn quẹt thấy khách đến vẫn cứ đon đả, mời bác xơi cơm, mời bác. Mình và hắn kia có hẳn một cuốn sổ ghi hết những ngày trọng đại của các đối tượng. Nào là giỗ chạp, rằm, mồng một, nào là ngày cưới, ngày sinh… Đói kém nhưng dân tình vẫn sính lễ nghĩa nên những ngày như thế chả mấy khi không tổ chức ăn tươi. Đã ăn tươi tất phải có rượu. Giời ạ, trúng mánh nhất hạng. Có được cuốn sổ thần, bọn mình đi rất ít khi bị trượt. Tất nhiên hành nghề này cũng phải có mánh mung riêng, gọi sang trọng là phải nghệ thuật. Đi tua mà vòng ngắn quá thế nào cũng bị phát hiện nên phải phân chia địa bàn, giãn cách thời gian. Từ thành thị đánh sang nông thôn. Từ nông thôn quay vòng về chiếm lại thành thị. Cái vòng tua đó thôi rồi, hệt như có phép thần đưa mình qua được cái thời khốn khổ. Nhưng nhiều lúc đen đủi cũng dở mếu dở cười. Mà chả cứ mình đâu, không thiếu người cùng thời đã vận dụng cách kiếm ăn phải nói là rất chi độc đáo này. Nhà văn Đỗ Bảo Châu có cái truyện ngắn khá hay. Một anh đi tua đêm 30 Tết kiên nhẫn ngồi chờ ở nhà một bạn thân. Chỉ có cậu con trai 13 tuổi ở nhà. Thấy Tết nhất mà mãi không thấy bạn về nhà cửa lại hiu quạnh không thấy bày biện Tết bèn gặng chuyện. Hỏi han loanh quanh cuối cùng bảo bố cháu đi đâu. Bố cháu đi công việc. Ai chả biết là công việc nhưng Tết nhất thì có việc gì hơn được? Cháu không biết việc gì chỉ thấy bố cháu bảo là đi tua kiếm Tết. Anh kia chết đứng như Từ Hải lủi thủi bóp miệng ra về. Đi tua gặp anh tua cao thủ hơn mình có khác gì gặp hạn tam tai.

Còn đây là một chuyện để minh họa sự nghiệp tua của mình. Bữa ấy, xem sổ không có địa chỉ nào khả dĩ ở nội thành có thể kiếm ăn được, mình bèn rủ bạn tua đi xa nhân ngày chủ nhật. Tận Cổ Loa. Chỉ hơn hai chục cây số nhưng phương tiện là xe đạp nên cũng phải đi mất vài tiếng. Bàn nhau nhà nông họ cơm nước không muộn như người thành phố nên đi từ rất sớm. Đâu như quãng 10 giờ là đến nơi. Anh bạn cùng đơn vị thấy khách đến mừng quá đứng chôn chân rồi buột ra câu chửi. Là chửi yêu. Nông dân họ thật thà nên quý người. Trà lá chưa xong một tuần thì anh bạn chạy huỳnh huỵch ra vườn xua gà bắt để thịt. Hai thằng đi tua nhìn nhau đầy đắc ý. Quả này trúng mánh lớn. Một lát thấy mùi thịt gà luộc bốc ra thơm lựng từ cái nồi gang bắc trên bếp rạ. Miệng mình ngập tứa nước miếng. Con trai bạn xách về hai chai 65 nút lá chuối nhìn càng thêm máu. Rượu quê, thịt gà phen này cứ gọi là phải biết nhé. Bỗng vợ bạn kính cẩn bưng lên một đĩa khoai lang vẫn đang ngún khói, lễ phép. Dạ, để mời hai bác lót dạ trong lúc đợi cơm. Khoai lang xóm Gà chúng em nổi tiếng từ thời An Dương Vương đấy ạ. Đặc sản này không phải ai cũng may mắn gặp. Chỉ cữ này, cữ này….Đại loại vợ bạn quý người lắm nên mới mời mẻ khoai lộc vừa dỡ. Mặt ông bạn tua thẫn ra, miệng lắp bắp cảm ơn, cảm ơn. Ních chỗ khoai này vào thì còn gì là rượu là thịt nữa, ăn vào đâu. Mình vớ được câu khoai lộc dù chẳng thông minh gì nhưng óc bỗng phọt ra một kế. Bèn bảo đã là cái lộc từ thời các cụ để lại thì không thể lơ tơ mơ được, cảm phiền cô đặt hộ đĩa khoai lên bàn thờ. Cô vợ bạn ớ ra rồi cũng hiểu, bèn đặt ngay tắp lự lên ban. Mình thành kính châm hương, véo vào lườn ông bạn tua. Cả hai cùng chắp tay lầm rầm khấn. Mình he hé mắt nhìn rồi khấn. Lời khấn đanh thép rõ ràng. Lạy bố thần khoai lang. Bố biến đi cho chúng con nhờ. Ăn độn bố ngày này tháng khác chưa đủ hay sao mà hôm nay có thịt gà có rượu, bố vẫn còn đến ám. Bố biến đi. Biến khẩn trương. Có lẽ mình khấn cô vợ bạn nghe thấy nên hỏi lại. Anh bảo gì ạ. Mình cười, à không, tôi bảo đợi tàn hương sẽ xin được thụ lộc các cụ. Chưa bao giờ mình mong hương cháy chậm như lần ấy. Tàn hương, mâm thịt rượu vẫn chưa xong. Cô vợ bạn hạ đĩa khoai mời. Chả còn cách gì khác đành phải nhấm nháp mỗi anh tua một củ câu giờ. Mình vừa ăn vừa rủa thần khoai thề rằng sẽ cạch mặt nhau vĩnh viễn. Dù gì thì nó cũng là một tai nạn. Tất nhiên tai nạn này dễ chịu hơn nhiều cái anh tua đêm 30 tết bị hịt.

Mấy chục năm qua, nghề tua không còn tồn tại với mình nhưng thật sự mình biết ơn nó. Qua được một thời gian khổ và được bạn bè quý đến tận bây giờ. Ai cũng nói chỉ thằng Tiến sống với bạn là chu đáo nhất. Cái thời gian khổ đến thế nhưng năm nào nó cũng đáo qua thăm thú dăm bận. Khekhe….

 

Hà Nội 10/6/2012

PNT

Entry filed under: Truyện ngắn mini.

Đàn trời ( Kịch bản phần 2: tập 7-12 ) Thèm ăn kít (truyện ngắn mini)

30 bình luận Add your own

  • 1. hungthoa  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 9:19 chiều

    Mùa world cup hay Euro cup thì đi tua cũng thú lắm bác nhể? đang Euro cup đấy bác, em xin đăng ký đi tua vọng cùng bác để bác tìm lại cảm giác ngày xưa. he he..

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 11:03 chiều

      Nhất trí Hung Thoa ơi. Tìm được cảm giác mới là điều quan trọng.

      Trả lời
  • 3. Lê Bình Nguyên  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 9:20 chiều

    Ui trời là nhớ những tháng năm đói khổ.
    Cuối năm 1979 , bọn học viên khoá 2 ,SQBP I chúng tôi được điều đi tập duyệt binh mừng 35 ngày thành lập quân đội.Xuất ăn lính từ 9 hào/ngày được tăng thành 1,2 đồng – nghĩa là bữa trưa có thêm vài miếng thịt mỡ kho mắm tôm.Vậy mà cả bọn thằng nào cũng thừa nhận có tí mỡ vào thấy tỉnh hẳn cả người,đứng nghiêm cả mấy tiếng ngoài nắng ko thấy bị chóng mặt …
    Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no .

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 11:05 chiều

      Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cũng nhất trí.

      Trả lời
  • 5. nguyenmucar  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 10:14 chiều

    Sao bác giống bọn em vậy?
    Nhưng bọn em còn thủ trong túi mấy quả ớt kim, miếng gừng hay miếng giềng nữa cơ…
    Ôn nghèo nhớ khổ? Bệnh nặng đấy bác Tiến ạ..Bấy giờ toàn bài ca hi vọng mà lai hát bằng vọng cổ..Thế mới hài. Hề…hề

    Trả lời
  • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 10, 2012 lúc 11:06 chiều

    Bao giờ cho đến ngày xưa. Hài hay không cũng vậy thôi bạn ơi.

    Trả lời
  • 7. Hà Linh  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 7:19 sáng

    Đọc mà muốn rơi nước mắt anh Tiến à!
    Một thời gian khó của cả dân tộc mình…

    Trả lời
  • 8. Hà Linh  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 7:22 sáng

    Ai cũng nói chỉ thằng Tiến sống với bạn là chu đáo nhất. Cái thời gian khổ đến thế nhưng năm nào nó cũng đáo qua thăm thú dăm bận.
    ———
    Hihihi quan trọng là anh Tiến k bao giờ bỏ rơi bạn và luôn nhớ những người bạn “nhường cơm, sẻ ..rượu” cho mình khe khe khe..
    Em chưa gặp anh Tiến , nhưng ” văn là người” em cảm nhận sự chân tình, ấm áp qua văn chương, qua cách xử sự của anh…

    Trả lời
    • 9. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 9:52 sáng

      Cái thời ấy đúng là miếng ăn quan trọng thật. Chả bù cho bây giờ. Sau này nhiều người biết tỏng cái vố đi tua của anh Tiến. Nhưng mà vui. Khekhe….

      Trả lời
  • 10. wine116  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 10:41 sáng

    Em cũng cười chảy cả nước mắt. Em rất thích những chuyện viết về ngày xưa của anh, nó làm em nhớ lại một thời khó khăn nhưng bình an.Cám ơn anh rất nhiều!

    Trả lời
    • 11. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 1:44 chiều

      Vậy sẽ tiếp tục vệt này. Mỗi tuần làm một cái. Viết để nhớ thôi mà.

      Trả lời
  • 12. trunghongnhung  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 2:53 chiều

    Đọc truyện của chú làm cho cháu nhớ lại thủa sinh viên , cái thời cơm một chậu, canh đại dương , hoạ hoằn lắm được bữa có thịt mà nhìn miếng thịt tưởng gió thổi bay .Hồi đó bọn cháu cũng đi tua như chú , nhưng mà đi tua xuống nhà thầy cô , dù hoàn cảnh các thầy cô lúc đó cũng rất khó khăn . Thỉnh thoảng cứ xâm xẩm tối là kéo xuống nhà thầy , liếc thấy nồi cơm mà còn là kéo ra ngồi vét sạch như chìu , nếu hôm nào thầy còn lại một chút muối lạc hoặc nước mắm thì thôi rồi , cái cảm giác ngon miệng lúc đó không thể tả được chú ạ , dù bây gời nhiều khi ăn sơn hào hải vị cũng không có được cảm giác đó . cảm ơn chú về bài viết .

    Trả lời
    • 13. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 3:59 chiều

      sinh viên thời của trunghongnhung khá khẩm hơn trước nhiều rồi nhưng vẫn đói thật. Quý là quý ở mặt cảm giác về tình về nghĩa một miếng khi đói mà.

      Trả lời
  • 14. Nguyễn Việt Hùng  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 9:07 chiều

    Hôm nay Bố đi tua được chai balentine nào không vậy

    Trả lời
  • 15. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 9:23 chiều

    Được 2 cây Camel Nga, 1 cây Camel Đức. Đủ hút Euro. Khekhe….

    Trả lời
    • 16. Nguyễn Việt Hùng  |  Tháng Sáu 11, 2012 lúc 11:57 chiều

      Thỉnh thoảng cho con ké Tý nhé, cũng cùng cảnh đi tua mà.

      Trả lời
  • 17. thanhuong  |  Tháng Sáu 12, 2012 lúc 1:28 sáng

    Đọc đoạn khấn vái của Bác buồn cười quá đi mất đúng là một thời gian khổ nghĩ ra đủ thứ trò, nhớ có lần tụi em ăn tự chọn ở khu du lịch BQ, gần đến giờ ăn họ bưng ra món khoai mì ( sắn luộc) rất ngon, lạ miệng nên mọi người xúm xít khen ngon chỉ có một Anh rất tỉnh, mời, Anh ấy cười cười bảo” lừa thế nào được bọ”, bọn em ngơ ngác, anh ấy hất hàm bảo” ăn cái này lát nữa làm sao ăn”, thế là cả bọn buông hết toé ra cười, không biết anh ấy có đi tua không hihi. Vui, sếp em đấy.

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 12, 2012 lúc 1:38 sáng

      Tay kia chắc cùng cánh với anh Tiến đấy. Khekhe…

      Trả lời
    • 19. Lê Bình Nguyên  |  Tháng Sáu 12, 2012 lúc 1:49 sáng

      Những năm 80 ,thời anh Tiến đi tua ở Hà Nội , thì ở xứ Đoài Sơn tây sắn luộc chấm đường cát chiêu với nước chè tươi là biểu tượng của sự sang trọng với lính tráng mấy trường Phòng không , Pháo binh , Hoá học , Lục quân , Biên phòng… Bạn nhắc món này lại làm tôi tứa nước bọt vì nhớ món ngon một thời …

      Trả lời
      • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 12, 2012 lúc 1:58 sáng

        Một dạo ăn củ mỳ (sắn) xanh hết cả mặt. Còn say nữa chứ. Giờ vẫn còn sợ. LBN đồng cảm với thanhuong ở món sắn. Chúc mừng nhị vị.

        Trả lời
  • 21. Tin thứ Ba, 12-06-2012 « BA SÀM  |  Tháng Sáu 12, 2012 lúc 2:11 sáng

    […] Nghệ thuật đi tua (Truyện ngắn mini) (Phạm Ngọc […]

    Trả lời
  • 22. Bắp Cải  |  Tháng Sáu 13, 2012 lúc 6:35 chiều

    Đọc bài này cháu mới biết đi tua là như thế nào hehe.
    Hồi nhỏ thèm đủ thứ, qua nhà hàng xóm chơi không muốn về. Tưởng chỉ trẻ con mới như thế, ai dè… hihi

    Trả lời
    • 23. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 13, 2012 lúc 6:53 chiều

      Không tua chắc suy dinh dưỡng thăng sớm làm gì còn chú Tiến bây giờ nữa Bắp Cải.

      Trả lời
  • 24. thanhuong  |  Tháng Sáu 13, 2012 lúc 7:40 chiều

    Ở Sg sắn bóc hết vỏ luộc với nước dừa ăn chấm muối vừng ngon lắm ko như ngoài mình đâu, khỏi sợ say, khi nào có dịp mời các bác ăn thử, mua của Như Lan ngon cực

    Trả lời
  • 25. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 13, 2012 lúc 7:46 chiều

    Đúng rồi sắn say là ở cái vỏ. Ngoài Bắc có thứ sắn trong hay để vỏ luộc. Người nào không hợp là say. Còn sắn thông thường cũng thế, ẩu là dính luôn. Dạo chiến tranh mình bị say một lần ở Lộc Ninh suýt tong.

    Trả lời
  • 26. trieudoantrang  |  Tháng Sáu 14, 2012 lúc 2:48 chiều

    Thời đói khổ em còn nhỏ, đi học về lang thang chơi hết nhà minh lại sang hàng xóm. Bố mẹ biết thiếu ăn con hay thèm nên dặn kỹ:” sang nhà ai chơi, thấy người ta chuẩn bị dọn ăn phải về ngay”. Có hôm bầy đồ hàng chơi dở, thấy người lớn bưng rổ bí đỏ ra giữa nhà ngồi cắt, lại tưởng họ cắt đu đu ăn tươi, nuốt ực, xin phép:” thưa bác cháu về”! hihihihi

    Trả lời
  • 27. trieudoantrang  |  Tháng Sáu 14, 2012 lúc 3:03 chiều

    là nuốt ực nước bọt ấy

    Trả lời
    • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Sáu 14, 2012 lúc 3:22 chiều

      Tưởng bí đó thành đu đủ thì cũng ngộ đấy. Nuốt nước bọt rồi xin phép về thì rõ là cháu ngoan Bác Hồ rồi. Hoan hô.

      Trả lời
  • 29. tranlieu  |  Tháng Sáu 24, 2012 lúc 12:20 chiều

    Đọc bài viết của bác rồi em mới nhớ ra là mình cũng đã từng đi tua nhưng toàn ngô rang thôi. Hic… hic…

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Sáu 2012
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

CHÀO KHÁCH

free counters