Tản mạn: Chỉ là lời chúc muộn

Tháng Ba 8, 2012 at 9:25 chiều 30 bình luận

Vừa đi Tây Bắc 5 ngày cùng Gánh hàng xén chưa kịp tắm rửa thay quần áo thì nhận được cú điện thoại của một bạn đọc thắc mắc vì sao các blog chương trình cơm thịt chưa có lời chúc mừng 8/3 đến các cô giáo vùng cao. Cười xòa thanh minh. Nhưng không thể kìm nén khi bạn đọc này nói tiếp, biết anh bận rộn với chuyến đi mấy ngày nay nhưng nếu trong ngày 8/3 blog của anh treo lên kịp được lời chúc mừng muộn thì tôi sẽ lập tức gửi đến anh 15 triệu để giúp các cô trò ở Tả Gia Khâu, Mường Khương. Đích danh luôn. Mình biết anh bạn này vốn là một cựu binh từng đóng quân ở Mường Khương, Lào Cai dạo chiến tranh chống người nước lạ (nói thế cho nó đúng quan điểm).

Cô giáo Lan ở điểm trường Pờ Sì Ngài, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát trong bữa cơm có thịt cùng các con.

Quay cuồng vì cú điện thoại. Chưa bao giờ trong cuộc đời cầm bút mình viết trong tâm thế đặt bài vì tiền. Cũng chưa bao giờ mình thấy tiền hấp dẫn như lúc này. Cơn thèm tiền lạ lẫm dâng lên đầy cám dỗ, bức xúc và thế là mặc kệ bẩn bụi, mặc kệ mệt nhọc, mình bật máy và ngồi gõ bàn phím như điên. Đợi đấy nhé anh bạn cựu binh Mường Khương, tâm nguyện của anh sẽ được đáp ứng.

Cô giáo Thắm hiệu trưởng trường MN Y Tý

Chợt nhớ lúc xe về gần đến Hà Nội thì nhận được điện thoại của cô giáo Nhẫn, hiệu trưởng Mầm Non Tả Gia Khâu, Mường Khương. Cô bảo chú Tiến ơi chúng cháu đang liên hoan ngày 8/3 đây, nhớ chú và mọi người trong Gánh hàng xén lắm. Hình như cô Nhẫn bật loa thì phải. Thấy tiếng mọi người lao xao rồi một hai ba tất cả đồng thanh hô: Cảm ơn Gánh hàng xén. Hẹn gặp Tả Gia Khâu. Cảm ơn Gánh hàng xén. Hẹn gặp Tả Gia Khâu. Mình thấy nghẹn mũi không nghe tiếp được bèn chuyển máy cho anh H một doanh nhân tham gia chuyến thứ 3 đi Lào Cai. Anh H cầm máy, chỉ thấy nói được một câu chúc mừng các cô giáo rồi im lặng. Không biết anh đã nghe được những gì nhưng thấy mắt anh đã ngân ngấn. Và mình hiểu vì sao bạn đọc cựu binh kia hối thúc chúc mừng ngày 8/3 đến các cô giáo quyết liệt đến vậy.

Chị xúc em ăn trong bữa cơm trưa có thịt.

Đơn giản thôi anh, các cô giáo vùng cao trước hết là những cô gái rất trẻ. Trẻ như con cái bọn mình. Trong chuyến đi mình đã leo tướt bơ mới lên được đến đỉnh của một ngọn núi là nơi đặt phân hiệu Sin Cơ của Trường Mầm Non, trường tiểu học Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát.

Rạp người leo lên đỉnh núi nơi đặt điểm trường Sin Cơ

Có ba cô giáo trẻ. Trẻ nhất là cô giáo Thuyết sinh năm 1990 dạy Mầm Non. Một mình cô dạy 17 đứa trẻ lít nhít. Nhà chúng ở rải rác trong núi. Đến bữa trưa mình cô xoay xỏa đun đun nấu nấu lo cho bữa cơm thịt mà chương trình của ông Tuấn triển khai. Nhìn gương mặt của cô mình chạnh nghĩ đến con gái của mình. Nếu đưa nó lên đây, liệu nó có đảm đương được công việc không. Nhà ở đỉnh núi gió cuồn cuộn thổi như lốc giật. Điện không có. Câu kéo xin được một ngọn đèn điện nước của đồng bào cho mỗi phòng học, phòng ở. Điện thủy thô sơ nên phập phù không xạc nổi cả điện thoại. May điểm trường này có nước. Ba cô giáo ở chung một phòng nhỏ nằm giường ghép. Chỉ nghĩ đêm hôm thân gái giữa đỉnh núi mình đã thấy cảm phục và ghi nhận sự hy sinh của các cô. Khi mình tỏ ra ái ngại vì với việc triển khai cơm thịt các cô giáo tự nhiên phải gánh vác thêm bao nhiêu việc. Nhưng mà vui chú ạ. Các con có cơm thịt nên đi học đều. Công sức nấu cơm chỉ bằng một phần vất vả chúng cháu phải đi vận động đưa chúng đến lớp. Ra là vậy, mình cứ dùng dằng mãi khi rời khỏi Sin Cơ và khuôn mặt trẻ măng tươi tắn của cô giáo Thuyết cứ mãi đọng trong trí não mình trên đường về. Một niềm vui tự nhiên dâng lên dâng mãi.

Thành viên đoàn Gánh hàng xén (chương trình cơm thịt) cùng các cô giáo điểm trường Sin Cơ ( cô giáo Thuyết thứ 2 trái sang hàng đứng)

Điểm trường Pờ Sì Ngài, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cũng nằm trên một đỉnh núi. Đây là vùng đa số người Mông sinh sống. Cảnh trí rất đẹp, đá phiến dựng nhấp nhô như ở cao nguyên đá Hà Giang. Mình hiểu cái đẹp có lẽ chỉ có trong ý niệm của những ai không sinh sống ở đây. Bởi như rất nhiều vùng núi khác đây là vùng đặc biệt nghèo khó. Mình cùng đoàn của Thủy Sống Chậm phải đi bộ chừng 2 cây số mới vào được đến trường. Những căn lớp tạm bợ trống hơ trống huếch. May là những ngày này Lào Cai đang nóng nực như mùa hè. Hầu hết các điểm trường của Bát Xát đều là những phân hiệu chung cho cả tiểu học và mầm non. Đây chính là một phần lý do nhân vật Sống Chậm mở gánh hàng xén để lo quần áo vật dụng sinh hoạt, học tập cho cả hai trường. Cô giáo Lan chỉ vào một người đang say xỉn cứ quay vòng lảo đảo tay xách chai rượu lảm nhảm, kể dạo cô mới lên đây nhận công tác lúc vừa ra trường. Chỉ có mỗi một mình. Vừa vào lán, thì thấy ông này cầm chai rượu đặt phịch lên bàn trợn mắt trợn mũi quát tháo gì đó. Cô chưa biết tiếng, hoảng quá bỏ chạy khỏi lán, vừa chạy vừa khóc kêu cứu. Bà con đổ ra hiểu chuyện cứ cười ngất.

Anh Chí Phèo ở làng Sin Cơ và tác giả. Hai anh "Chí" của hai trường phái tửu.

Thì ra cái người đó là một anh Chí Phèo ở bản, không vợ con quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ tỉnh. Nhưng ông đó hiền lắm chú ạ. Cứ quay cuồng quanh quẩn làm trò cho bọn trẻ trêu chọc. Cô giáo Lan đã cắm bản được nhiều năm, lấy chồng và sắp sinh con. Đa số các cô đều phải xa gia đình, có chồng thì xa chồng thậm chí con cái phải gửi về cho ông bà nuôi hộ. Mình cứ nghĩ mãi điều gì khiến những người như cô giáo Lan chấp nhận vất vả sống xa gia đình và hạnh phúc có lẽ phải kiếm tìm khó khăn và rất đỗi nhọc nhằn. Tình yêu trẻ, yêu nghề thì phải rồi, ai cũng có thể nói thế. Sự mưu sinh ư, tất nhiên. Nghĩ mãi cho đến khi ở điểm trường chính Sàng Ma Sáo đêm trước khi rời Bát Xát bọn mình nhờ các cô tổ chức một bữa liên hoan của cả đoàn Gánh hàng xén cùng các cô giáo. Nhìn những khuôn mặt bừng đỏ vì chút men rượu thóc Bát Xát, nhìn những ánh mắt ấm áp quấn quýt giữa chủ và khách, nhìn ngọn núi lấp lóe ngọn lửa đốt nương và đêm trăng sánh rượi như cô đặc lại của đêm cuối đông, nghe những lời chúc chân tình mình chợt hiểu. Sự hội ngộ này của các cô cùng những người thành phố không quen biết như một cơ duyên để mình nhận ra điều rất đỗi đơn sơ nhưng bội phần vĩ đại. Các cô những công dân bình thường trụ vững ở vị trí của mình bởi các cô là những con dân đất Việt thật sự biết yêu thương cây cỏ đất đai con người xứ sở. Cảm ơn các cô giáo rất nhiều.

Trẻ em như búp trên cành. Những công dân nước Việt tương lai ở Tả Gia Khâu, Mường Khương.

Chuyến này đi, bọn mình mang theo ít thiệp mừng của nhóm Present là nhóm 3 bạn trẻ đang học trung học ở Hà Nội đã sáng kiến in postcards để bán lấy tiền ủng hộ chương trình cơm thịt. Các bạn đã ủng hộ nhiều triệu đồng từ việc làm ý nghĩa này. Nhóm đã tặng 300 cái thiệp cho Gánh hàng xén. Bọn mình mua lại những thiệp đó để tặng các cô trò.

Các cô giáo phát quần áo cho trẻ nhỏ được các bà mẹ địu đến điểm trường ngày 8/3

Lúc đầu mình đưa tặng thiệp cho một cô giáo trẻ. Cô bảo chú ơi ký cho cháu một chữ làm kỷ niệm. Mình viết lời chúc mừng 8/3 và ký tên họ vào thiếp. Cô hỏi chú làm nghề gì ạ. Mình bảo chú là nhà văn. Cô reo lên vậy chú phải viết cả chữ nhà văn vào đi, cháu thích lắm. Mình viết. Cô giáo bảo quý quá chú ơi, chú viết thêm cho bạn cháu. Hôm nay chị ấy đi họp. Mình lại viết. Viết tặng toàn bộ các cô giáo ở trường. Mình cẩn thận viết chữ nhà văn thật nắn nót. Lần đầu tiên mình viết danh xưng gắn vào họ tên mà không hề thấy ngượng ngùng. Lại phải cảm ơn các cô giáo đã cho mình cảm giác trọng thị nghề nghiệp này.

Viết đến đây mình thấy bộn bề quá. Có bao nhiêu điều đã thấy, đã cảm, đã nghĩ, có bao nhiêu câu chuyện từ chuyến đi muốn viết. Có bao nhiêu khuôn mặt các cô giờ đây đã trở nên thân thương với mình. Có quá nhiều điều nên mình cảm thấy chẳng biết chọn viết gì trước. Định gọi điện cho bạn đọc cựu binh Mường Khương bảo với anh chừng này được chưa thì nhận được cái tin nhắn số lạ. Mình chép nguyên văn ra đây: Chau chao chu c la mot co giao tren ta ga khau hnay chau rat vuj khi nhan duoc thjep mung cua c. Chau cam ơn chu rat nhjeu. Không có tên và mình tất nhiên chẳng biết cô giáo đó là ai. Mình đã được gặp cô chưa hay cô ở điểm trường mình chưa có cơ duyên được đến. Là ai không quan trọng. Chỉ biết đó là một trong những cô giáo đang vững vàng trên trận địa của mình. Các cô là một phần biên cương này, đất đai này, Tổ quốc này, nhân dân này.

Xin được gửi đến các cô giáo vùng cao lời chúc mừng nhân ngày 8/3. Một lời chúc muộn mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người của rất đông những tấm lòng Việt đang chung sức cùng chương trình cơm thịt cho một vùng cao bớt đi chút ít nhọc nhằn.

Và cá nhân mình xin được cảm ơn bạn đọc cựu binh Mường Khương. Ngày mai anh có thể gửi số tiền đã hứa cho chương trình. Cảm ơn anh đã cho mình được sống lại những cảm giác tuyệt diệu của chuyến đi Gánh hàng xén vừa rồi. Cảm ơn. Cảm ơn lắm lắm…

Hà Nội 8/3/2012

PNT

Entry filed under: Tản mạn.

Tản mạn về cái xe Tản mạn: Cánh đồng

30 bình luận Add your own

  • 1. hannguyenthach  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 10:21 chiều

    có 1 cô sinh 92 trẻ hơn cả cô Thuyết cơ anh ạ!
    lâu mới thấy có bài tình cảm :))

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 10:32 chiều

      Anh Tiến chưa gặp cô sinh 92. Cô Thuyết này sinh 90 nhưng đã có 17 đứa con.

      Trả lời
      • 3. hannguyenthach  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 10:41 chiều

        em chỉ mới gặp 13 đứa. mừng anh gặt đập được 15 triệu cho các con

        Trả lời
        • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 11:02 chiều

          Khekhe…quay cuồng vì xiền.

          Trả lời
          • 5. Ma Xó  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 1:15 chiều

            Bác về đấu giá nốt 2 cái xe đạp đi là bớt quay cuồng ngay ấy mà

          • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 8:49 chiều

            Đấu giá xe đạp lại là câu chuyện khác. Yên tâm, quay cuồng thế thôi chứ tỉnh táo phết. Trừ lúc uống….

      • 7. Ma Xó  |  Tháng Ba 12, 2012 lúc 11:01 sáng

        – Xin gửi lời cảm ơn Bác H 1 lần nữa. Gặp bác 2 lần, mỗi lần đều kính nể bác nhiều hơn.

        Trả lời
  • 8. Lana  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 10:55 chiều

    Hai cô giáo Mầm non trên điểm Hán Nắng (Pa Cheo) em đến cũng rất trẻ và rất dễ thương anh ạ. Làm sao gởi hình các cô cho anh theo còm men nhỉ?

    Trả lời
    • 9. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 8, 2012 lúc 11:02 chiều

      Chắc là không gửi được đâu Lana.

      Trả lời
  • 10. Thành  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 12:00 sáng

    Bác viết cảm động quá, đúng chính xác đây là: Nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

    Trả lời
  • 11. Tin thứ Sáu, 09-03-2012 « BA SÀM  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 5:50 sáng

    […] Tản mạn: Chỉ là lời chúc muộn (Phạm Ngọc […]

    Trả lời
  • 12. Huong  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 7:19 sáng

    Cam on anh Tien da quay cuong vi cac con!

    Trả lời
    • 13. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 9:00 sáng

      Khekhe…được quay cuồng liên tục thế này cũng thích.

      Trả lời
  • 14. Nguyễn Việt Hùng  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 9:43 sáng

    Anh H đấy điềm đạm và Nhã quá chú Tiến nhỉ. Mong rằng Quỹ Cơm có thịt lại có thêm được nhiều người như anh H ấy. Chúc mừng một chuyến đi tương đối thành công.

    Trả lời
    • 15. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 9:45 sáng

      Ăn trám bị đau bụng. Có khi tại đói quá cũng nên.

      Trả lời
      • 16. Nguyễn Việt Hùng  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 11:19 chiều

        Thì tý toi 15 củ mà. hô hố

        Trả lời
  • 17. CÚN  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 10:04 chiều

    Đọc mà thấy rưng rưng, cảm phục các cô gái trẻ quá.

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 9, 2012 lúc 10:11 chiều

      Toàn cô trẻ. Nếu là trường cấp 3 chắc là nhầm với học sinh.

      Trả lời
  • 19. Dai Viet  |  Tháng Ba 10, 2012 lúc 12:17 sáng

    nga mu truoc cac Co giao tre…va long nhiet tinh cua anh Tien.

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 10, 2012 lúc 8:57 sáng

      Phải Dai Viet gốc Điện Biên đó không?

      Trả lời
  • 21. benkaihoang  |  Tháng Ba 10, 2012 lúc 10:55 sáng

    Khi đọc bài này em rớt nước mắt:

    http://dantri.com.vn/c25/s25-572097/cap-long-com-theo-em-den-truong.htm

    Tự an ủi là mình vẫn đang làm việc thiện thường xuyên.

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 10, 2012 lúc 9:15 chiều

      Anh Tiến đã đọc bài ở Dân Trí. Cả nước mình trẻ em mầm non đang ở tình trạng đó. Chương trình cơm thịt của ông Trần Đăng Tuấn mang đến bữa cơm trưa có thịt cho một số trường mầm non. Đáng mừng là chính sách của Nhà nước đã chi tiền cho bữa ăn trưa này. Mỗi cháu là 120 ngàn. Trong thời gian ngắn nữa chính sách này sẽ phủ sóng hoàn toàn cho trẻ miền núi.

      Trả lời
  • 23. dangvietthu  |  Tháng Ba 10, 2012 lúc 10:55 chiều

    Em chao anh Tien. Em biet anh lau roi nhung gio moi duoc doc van cua anh. May nam em khong thay anh qua Hai Duong kham lai va cung khong thay anh gui benh nhan xuong cho em. Em nho anh qua! Nhung em mat dien thoai nen mat luon ca so cua anh roi, tiec that! Em xin loi vi dung cach nay de chao hoi anh! Anh viet deu vay chac anh van khoe, em chuc mung anh. Luc nao anh qua Hai Duong anh ghe vao em choi nhe, chai ruou anh cho em van giu. Em Thu – Vien YHCT Hai Duong – DT 0983032050

    Trả lời
    • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 11, 2012 lúc 8:01 sáng

      Chào bác sĩ Thu. Anh Tiến cũng mất số của em rồi. Mấy năm nay anh không thuốc thang gì nữa. Về cơ bản đã đẩy lùi được bệnh tiểu đường. Cu cậu mon men là anh dập cho cái roẹt, chạy mất dép. Nói chung là anh khỏe. Và lại tái nghiện rượu rồi. Dạo gặp Thu anh vẫn đang cai. Hồi đó ốm yếu bạc nhược quá. Cảm ơn Thu nhé. Khi nào qua Hải Dương anh sẽ ghé thăm vợ chồng em.

      Trả lời
  • 25. Lê Bình Nguyên  |  Tháng Ba 11, 2012 lúc 1:11 sáng

    Năm 1978 có 1 thời gian ngắn tôi là lính biên phòng ở Lạng Sơn.Chú lính nào có học 1 tí cũng thường xuống các bản dạy chữ, vận động dân bản cùng các thày cô giáo. Lính biên phòng mà gặp các cô giáo thì cứ như rồng gặp mây.Trong mấy thằng bạn lính của tôi có đến hơn nửa lấy vợ là cô giáo vùng cao…
    Xin gửi tới các cô giáo vùng cao lời chúc mừng nhân ngày 8/3 , hơi chậm ( nhưng ko muộn đâu nhé)

    Trả lời
    • 26. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 11, 2012 lúc 8:02 sáng

      Chậm nhưng không muộn. Nhất trí.

      Trả lời
  • 27. Lana: Ai lên Tây Bắc | Gánh hàng xén cho trẻ vùng cao  |  Tháng Ba 11, 2012 lúc 6:58 chiều

    […] chuyến đi: – Tìm lại một phần niềm tin đã mất (Ma Xó) – Cái bánh mì (Ma Xó) – Chỉ là lời chúc muộn (bác Khoai) Share this:TwitterFacebookLike this:LikeOne blogger likes this post. This entry was posted in […]

    Trả lời
  • 28. Đỗ Hùng  |  Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:01 chiều

    Bài viết rất cảm động . Cám ơn ông nhiều. Rất mong ông và mọi người tiếp tục có nhừng chuyến đi ý nghĩa như vậy.

    Trả lời
    • 29. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Ba 12, 2012 lúc 5:13 chiều

      Phải đi thôi chứ bác. Nói thật với bác chẳng nói gì to tát, được đi như thế này là hạnh phúc đấy bác ạ.

      Trả lời
  • 30. Đặng Hồng Quân - Phòng Kỹ thuật - Công ty TTĐ1  |  Tháng Ba 17, 2012 lúc 9:34 chiều

    Bác Tiến ơi về Truyền tải điện 1 huy động đi, hiện nay đã có hai trạm 220kV tại Lào Cai và Hà Giang rồi đấy bác.

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Ba 2012
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

CHÀO KHÁCH

free counters