Tản mạn phía sau phim chính luận

Tháng Năm 23, 2012 at 11:12 chiều 28 bình luận

Phạm Ngọc Tiến: Phim Đàn Trời đã phát sóng được ít tập. Mình viết bài này cho Tuổi Trẻ để đỡ phải trả lời phỏng vấn. Cái anh biên kịch viết thì được chứ nói rất dễ bị nhăng nhít bát nháo. Mấy dòng khô cứng ai quan tâm đến phim phọt thì đọc tạm. Mưa gió chả viết được gì thôi thì post  bài này gọi là lấp chỗ trống. Và đỡ mang tiếng không chăm lo nhà cửa. Khekhe…

Nghệ sĩ Hoàng Dũng vai Chủ tịch Ấn ( phải) và Nghệ sĩ Anh Tú vai Tuệ giám đốc đài truyền hình. Đây là hai nhân vật mình rất tâm đắc và kỳ vọng vào diễn xuất của hai nghệ sĩ. Cảm ơn hai anh.

Từ hôm phim Đàn Trời lên sóng mình nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi han này nọ trong đó không ít nhà báo phỏng vấn. Mình phải từ chối dù rất thông cảm cho cánh phóng viên trẻ cần có tin bài. Chẳng phải chảnh gì đâu, ngồi ru rú bên bàn máy cả ngày nhạt mồm nhạt miệng có người đàm thoại sướng thôi rồi cắc cớ gì mà phải chối. Nhưng nói về phim của mình thì đó lại là điều tối kỵ. Chứ không à, phim vừa lên sóng một vài tập đã biết thế nào mà nói năng nhăng nhít rước họa vào thân chẳng bỡn. Khán giả bây giờ tinh tường lắm, họ có quyền quay lưng, có quyền phán xét. Nói điều này là thật lòng, một bộ phim chiếm được cảm tình của khán giả không phải dễ. Nhất là phim chính luận. Loại phim này đụng chạm nhiều thứ, lại hay bị suy luận, quy chụp và rất dễ bị sa vào khô cứng, khó hay nên việc sản xuất rất chi là rắc rối. Thôi thì tán nhảm về phía sau nó một chút vậy để mọi người hiểu thêm về phim chính luận. Cứ coi như cho mình rào đón cũng được. Nói về làm phim chứ không phải nói về phim Đàn Trời hay bất cứ phim chính luận nào đâu nhé.

Thuật ngữ “chính luận” được gắn vào dòng phim phản ánh những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội không biết từ bao giờ. Chỉ biết là dân làm phim rất ngại nó, thậm chí là sợ. Trước hết là áp lực an toàn để được lên sóng. Lấy phim “Chuyện làng Nhô” làm thí dụ. Khi mình viết xong kịch bản, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ ở vai trò biên tập giao cho đạo diễn Trần Quốc Huấn. Lúc đọc kịch bản phân cảnh của đạo diễn mình toát mồ hôi hột. Những gì gay cấn nhất mình cố tình làm chìm đi, ẩn ý thì ông đạo diễn kiêm nhà văn đàn anh mình rất kính trọng này lại bắt được hết và đẩy nó nổi bềnh lên. Trời ạ, thế này thì ai duyệt cho sản xuất được. Sau nhiều tới lui, cực chẳng đã mình và Thu Huệ phải bàn bạc không thể sử dụng bản phân cảnh này vì chấp nhận nghĩa là không bao giờ phim được lên sóng. Sau đó mình ở danh nghĩa biên kịch phải viết một bản đề nghị từ chối kịch bản phân cảnh. Và kết cục như mọi người biết phim được phát sóng với một đạo diễn khác. Về việc này mình thú nhận là vô cùng ân hận vì hèn. Đến tận bây giờ dù đã xin lỗi Trần Quốc Huấn thì mình vẫn coi đó là một hành động thiếu đứng đắn không thể tha thứ.

Sự đụng chạm ở bối cảnh có lẽ là điều quan trọng nhất với một phim chính luận. Tiểu thuyết Đàn Trời của nhà văn Cao Duy Sơn dày hự in quãng năm 2005. Mình đọc và thấy có quá nhiều vấn đề hay được ông nhà văn người dân tộc Tày này tải trong đó. Bối cảnh không gian tiểu thuyết dù đã được lái chệch tên gọi thì vẫn nhận ra đó là mảnh đất Cao Bằng. Đọc xong mình quyết định chuyển tiểu thuyết sang kịch bản. Nhưng cũng phải đến 7 năm sau mới hoàn thành được phim này. Bối cảnh phim chính luận không như bối cảnh của phim giải trí. Phim giải trí có thể làm ở trường quay. Hàng trăm tập phim được thực hiện với bối cảnh cố định. Nhưng phim chính luận thì đừng có mơ được như thế. Thậm chí bối cảnh được hình thành 2 lần từ biên kịch đến đạo diễn. Làm Đàn Trời, mình đã cùng với nhà văn Cao Duy Sơn đi khảo sát ròng rã mấy tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng. Đi để hình dung nhân vật với những bối cảnh cần xây dựng trong kịch bản. Trước hết, từ trên giấy địa danh phim dứt khoát không thể là Cao Bằng. Mình đã mò mẫm vào tận bản xa xôi của người Dao Tiền tìm hiểu đời sống của họ. Nhân vật tuy cũng khó nhưng không nan giải bằng bối cảnh. Cái thác nước biểu tượng Đàn Trời trong kịch bản không thể quay ở những thác nổi tiếng vì điều đó sẽ gây ra những ngộ nhận, những hiểu lầm, những suy đoán ở địa phương có thác. Cầy cục rồi thì kịch bản cũng hoàn thành giao cho đạo diễn Bùi Huy Thuần. Mình chỉ có một đề nghị, ông quay thế nào cũng được nhưng trừ Cao Bằng ra. Vị đạo diễn từng làm nhiều phim chính luận này gật gù, hiểu rồi, hiểu rồi. Và toàn bộ bối cảnh thực quay đã được đạo diễn quy hoạch một cách công phu và vô cùng gian khổ. Tất nhiên nó rất khác với bối cảnh trên giấy của kịch bản. Đào đâu ra một trụ sở ủy ban tỉnh thật nào xuất hiện trong phim được. Phải biến báo, phải tạo ra một trụ sở khác cho cái tỉnh giả định trong phim (Tên tỉnh đã được đổi chệch đi thành Bình Lãng). Phim được quay ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những vùng sâu vùng xa rừng núi không có nơi ăn chốn nghỉ. Các bối cảnh ủy ban, tỉnh ủy, đài truyền hình…nhạy cảm phải được họa sĩ cấu trúc hết sức thận trọng. Nghệ sĩ Hoàng Dũng ( vai chủ tịch tỉnh) kể, thậm chí ông phải thoại thầm trong miệng chỉ để lấy khẩu hình cho diễn viên lồng tiếng sau này chứ không dám thoại to vì sợ chủ nhà biết phim chống tiêu cực sẽ không chấp nhận. Bị đuổi đi giữa chừng vỡ bối cảnh thì coi như…tong. Bối cảnh là như vậy, những gì thể hiện cũng phải rất tỉnh táo. Có lần cơ quan truyền hình tá hỏa vì cái công văn của một vị tướng tư lệnh quân khu phản đối vì trong phim có xe biển đỏ chở gỗ lậu của bọn lâm tặc. Công văn đề rõ quân đội không như thế, cần phải cải chính. Chao ôi là họa. May cái xe biển đó ở tập kế tiếp bị công an bắt. Hóa ra đám lâm tặc làm biển giả để vận chuyển. Hú vía cú xe biển đỏ. Thế nên trong các phim chính luận biển số xe địa phương cũng phải tính. Họa sĩ phải mò tận Cục đường bộ để hỏi xem những con số nào chưa được cấp cho địa phương để đoàn phim sử dụng. Vậy mới có xe biển số 10, 96…xuất hiện trong phim. Điểm này có lẽ chỉ Việt Nam mình có. Và cũng vì những đụng chạm này nên đoàn phim chính luận mọi hoạt động ở địa phương phải hết sức bí mật như hoạt động tình báo. Cũng bởi do điều kiện quay động không có phim trường nên mọi cảnh quay nếu địa phương không tạo điều kiện thì không thể thực hiện nổi. Nếu họ biết là phim chính luận lập tức hiểu ngay sang chống tiêu cực thì thôi rồi đừng quay kiếc gì hết. Mình đã nếm trải điều này ở phim Ma Làng. Bối cảnh câu chuyện ở Tuyên Quang và mọi thứ đều rất thuận lợi thật từ bối cảnh đến nhân vật. Nhưng khi đặt vấn đề nhờ giúp đỡ, đoàn phim không được đón nhận đành phải bỏ Tuyên Quang chạy sang Hà Giang và sau cùng là chuyển về Hòa Bình.

Ngoài áp lực lên sóng, đụng chạm bối cảnh, phim chính luận nếu là kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng phải chịu áp lực từ chính tác phẩm. Bởi dựa vào văn học nhưng điện ảnh và truyền hình lại là những loại thể khác. Thế nên nếu không khéo giải quyết giữa “nhóm lợi ích tác giả” cũng rất phiền toái. Mình đã nếm trải cảm giác này nên bây giờ trước khi chuyển thể, xin lỗi, mình cứ xin mời các vị nếu đồng ý thì chua vài câu vào giấy trắng mực đen, đại loại, tôi nhà văn X, Y, Z…đảm bảo không can thiệp vào nội dung kịch bản…vv. Tất nhiên đã là cam kết thì còn phải sòng phẳng nhiều thứ khác nữa.

Tạm vài điều kể trên đã thấy làm phim chính luận phức tạp thế nào. Chưa kể vấn đề định tải đến đâu phụ thuộc vào bản lĩnh, ý thức và tài năng của người làm nữa. Rồi kinh tế, rồi…trăm thứ “rồi”, chả trách chỉ mấy hãng phim nhà nước mới dám xài chính luận. Các hãng tư nhân cứ giải trí, tình yêu, hôn nhân cho nó lành, cho nó an toàn. Khó lắm thay, ôi phim chính luận.

PNT

Entry filed under: Tản mạn.

Ba hoa….làm như mèo mửa- Nguyễn Quang Lập (Quê Choa) Thông báo kết thúc việc đấu giá khuyên tai, tranh

28 bình luận Add your own

  • 1. hungthoa  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 1:52 sáng

    Tem, em cũng đang theo dõi phim từ youtube, mà hình như phim chính luận cũng kén người coi phải không anh?

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 7:53 sáng

      Anh nghĩ phim kén người coi ở tiêu chí: hay và dở. Phim anh Tiến viết kịch bản không hay không dở. Vậy phụ thuộc vào sự thích hay không của mọi người chứ không phải ở loại phim gì. Làm phim ở nước mình trăm thứ khó, tài năng lại hiếm. Không có phim hay là điều dễ hiểu. Cảm ơn Hùng Thoa đã tem.

      Trả lời
  • 3. hungthoa  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 9:14 sáng

    Tài năng xứ mình em nghĩ không hiếm, nhưng khổ nổi làm nghệ thuật xứ mình thì ràng buột đủ thứ, biết sao được, xứ mình là vậy. Hôm trước em xem phim Ma làng em cứ thách mắc, sao anh Hồng Sơn có nét giống anh Tiến vậy? .Tiếc thật anh ấy đã ra đi.

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 5:06 chiều

      Hồng Sơn có cái mặt phong trần, có cái cằm bạnh, có cái mắt biết nói, nhìn vào thấy đủ hỉ nộ ái ố, nhìn ra thấy phong tình, lãng đãng, cam chịu. Anh Tiến có đủ những nét ấy. Nhưng số phận khác nhau. Hồng Sơn đi đúng dịp ấy là tiên. Chậm lại chắc khổ lắm. Người tài hoa nhưng bạc mệnh và bị người bạc.
      Hùng Thoa nói vậy là hiểu cho dân nghệ thuật nước mình đấy. Khekhe…

      Trả lời
  • 5. triệu đoan trang  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 12:57 chiều

    Dù có ít thời gian với phim ảnh nhưng em lại đặc biết ưu ái phim VN mình lắm, nhất là những phim kg chiếu rạp. Dù “Giờ vàng” rất ít khi xem được, thường em chỉ xem ” nguội ” từ you tube thôi. ” Đàn trời ” của anh Tiến cũng phải xem vậy, em xem lại muộn hơn nhưng kg bỏ qua. Phim mình dù còn “sạn” còn “xơ” nhưng nó gần gũi thân thương lắm vì … người ấy, cảnh ấy của mình.. Này nhé, sáng CN mà xách giỏ một vòng chợ thế nào cũng gặp “chị Lý”- dâu trưởng trong “Mùa lá rụng ” đấy ạ, dù thời bao cấp qua lâu. Công việc hàng ngày cũng không ít lần em gặp được nhưng ông chủ DNTN từng trải, hào hiệp, vẻ đáng tin cậy hệt như anh chàng Hải-” Đường đời” ..hihihi. Còn mới hôm đầu tuần em đi công tác bằng xe cơ quan cho một bạn trẻ đi nhờ vê quê nghe nó tâm sự, nhìn ánh mắt nó, tư nhiên nhớ đến cái cậu Nhân-và những cảnh phim ” Thương nhớ đồng quê” . Đợi khi nào xem xong ” Đàn trời” của anh Tiến chắc em cũng gặp thêm vài người quen quen nữa. Dù hạn chế, dù nhiều khó khăn nhưng nến nhà làm phim mình thật sự chăm chút cho phim thì thế nào phim cũng đọng lại trong lòng người xem. Đọc được nhưng điều anh Tiến viết về làm phim ở nước mình trăm thứ khó, em lại thấy thương phim VN mình nhiều hơn .

    Trả lời
    • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 5:10 chiều

      Thương phim VN mình nhiều hơn. Nhưng để thương được cái thương lớn lao như vậy thương thân mình trước đi đã. Anh Tiến nói đùa. Cảm ơn em đã cảm thông.

      Trả lời
  • 7. thu hong  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 1:06 chiều

    Cháu xem phim Đàn Trời, đọc các bài viết tác phẩm của chú , các còm của chú trên các blog thấy rằng hình như ẩn trong các nhân vật Tuệ , Thức , Vương một phần nào đó cốt cách con người chú , có phải vậy không chú. đây là cảm nhận của riêng cháu thôi .
    Chú ơi Bản Phịa Đen có đàn Trời là cản ở đâu vậy . Đẹp quá chú ạ. Cháu rất thích mối tình lãng mạn đẹp như thơ gữa Thức và Mỷ .

    Trả lời
    • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 5:14 chiều

      Chuyện này có thật. Hôm trước cái cảnh GĐ Tuệ uống say về đập cốc chửi bậy, nhà chú cười ầm cả lên bảo đúng quá, không sai một tẹo nào. Thế có báo hại không. Nhân vật thì đương nhiên phải có nét nào đó của tác giả rồi.
      Các cảnh quay, các địa danh đều phải ẩn hết cả cháu ạ. Đàn Trời thật thì nó hoành tráng lắm ở Cao Bằng.

      Trả lời
  • 9. bachtamxuan  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 9:28 chiều

    òa, hôm nay em mới biết vụ Đàn trời cũng bí hiểm chả kém gì phim mafia. Nghệ sỹ Hoàng Dũng phải nói lí nhí lời thoại (về lồng tiếng sau) để khỏi bị lộ với quan chức, cán bộ địa phương.
    Rồi vụ rà soát biển số ở VN, cũng hay, thế nào bọn nhập siêu xe cũng cố săn cái biển như trong phim cho mà xem, “khe khe..”

    Trả lời
    • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 24, 2012 lúc 10:01 chiều

      Lâu lâu mới lại thấy xuất hiện. Cũng bí hiểm. Khekhe…

      Trả lời
  • 11. Lê Bình Nguyên  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 3:11 sáng

    Tôi thích xem các phim VN chiếu trên VTV4 , vì phần lớn là phim khá , nhất là các phim về nông thôn ( Ma làng, Bí thư tỉnh uỷ…).
    Những phim có dính đến văn hoá Tây thì đôi khi gặp những hạt sạn.
    Khó chịu nhất là xem cảnh thưởng thức đồ uống của các nhân vật trong phim.Gần nhất là phim ” Phía cuối cầu vồng” . Toàn các CEO trẻ tuổi học hành từ Úc về làm sếp nhớn của hãng quốc tế tại VN mà uống rượu thoải mái trong giờ làm việc ,cả khi tiếp cấp dưới tại văn phòng riêng. Họ uống vang bằng cốc uống nước , uống cognac bằng cốc whisky, uống whisky bằng cốc liquor .
    Lại còn thấy hotel Morin Huế trong đêm nhạc Trịnh còn cho quan khách uống Cognac Martell Blue bằng cốc whisky ( xem blog Văn Công Hùng)- thật phí rượu quý.
    Thực ra đây là điều mà dân Châu Âu hay chế diễu phim Mỹ trong thập kỷ 60 thế kỷ trước .
    Đề nghị anh Tiến góp ý cho các đạo diễn chuyện này . Một khoá somerlier trong 2 h có thể cho các diễn viên biết cách cầm cốc và thưởng thức các loại đồ uống khác nhau với các loại cốc khác nhau – ít nhất là về mặt hình thức.
    Hy vọng phim ” phía cuối chân trời” ( Kịch bản Trần Hoài Văn) vừa quay ở Czeh sẽ ko có cảnh diễn viên uống bia Pilsner bằng cốc uống capucino.

    Trả lời
    • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 8:41 sáng

      Một ý kiến rất hay. Tôi uống rượu, nếu không đúng cách giảm mất một nửa sự thích thú. Bởi thế đi miền núi nếu muốn uống whisky đều mang theo hộp ly. Những thứ này tưởng là tiểu tiết nhưng lại rất quan trọng. Trong phim rất hay mắc những lỗi như thế. Đạo cụ trong phim do họa sĩ đảm nhiệm. Không phải họa sĩ nào cũng biết uống rượu và không phải ai cũng có hiểu biết về rượu. Ra hiện trường gấp gáp, nếu đạo diễn không cẩn trọng là mắc lỗi ngay Sẽ nêu ý kiến của LBN ở Hãng. Cảm ơn.

      Trả lời
  • 13. thủy tinh vỡ  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 4:08 chiều

    Phim chính luận đúng là có cái khó về việc “an toàn lên sóng”. Cũng do vấn đề này mà hầu như ít có hãng phim tư nhân nào dám làm chính luận. Phim giải trí khi đem kịch bản đi duyệt với nhà đài đã phải xách theo đủ thứ “lịch bịch” mới mong có sóng, thì thể loại với đủ loại đụng chạm như chính luận còn trăm cái khó khác nhau nữa.

    Cám ơn nhà văn đã chia sẻ!

    Trả lời
    • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 25, 2012 lúc 4:24 chiều

      Việc duyệt kịch bản với nhà đài phải xách theo những thứ “lịch bịch” thì tôi không rành vì không thuộc phạm vi trách nhiệm. Nói chung các hãng tư nhân chọn giải pháp an toàn và lấy tiêu chí lợi nhuận làm đầu. Họ phải đảm bảo được chỉ tiêu kinh doanh nên chả dại húc đầu vào chính luận. Phim mà đổ thì tiền mất tật mang. Âu điều đó cũng thuận lẽ.

      Trả lời
  • 15. xuanquynhnguyenquoc  |  Tháng Năm 26, 2012 lúc 6:16 chiều

    Chia xẻ với anh!

    Trả lời
    • 16. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 26, 2012 lúc 7:59 chiều

      Cảm ơn anh đã quan tâm.

      Trả lời
  • 17. trunghongnhung  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 1:58 chiều

    +Hì Hì. Cháu tìm mua trên các nhà sách mạng tiểu thuyết Đàn Trời của Nhà văn Cao Duy Sơn nhưng đều đã hết chỉ được cuốn Ngôi nhà xưa bên suối thôi , về Hà nội thì lại không có điều kiện .Chú bật mí cho cháu vào đâu để có thể đọc miễn phí được vậy . Chú thông cảm cho cháu nhé, chứ cứ đọc chùa mãi thì xấu hổ lắm.

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 2:13 chiều

      Cuốn này xuất bản đã lâu chắc là hết sách. Mạng chắc cũng không có. Nhưng đang có kế hoạch tái bản. Chắc cũng sắp xong. Chú đang ngần ngại vì định post cái kịch bản Đàn Trời lên đây nhưng nó dài quá. Kịch bản thì lại chỉ có ai liên quan đến lĩnh vực này mới đọc.

      Trả lời
      • 19. Hà Linh  |  Tháng Năm 30, 2012 lúc 5:57 sáng

        anh cứ post lên đi, em đăng ký đọc!

        Trả lời
  • 20. trunghongnhung  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 2:47 chiều

    Tiếc quá chú nhỉ . Thôi thì không đọc được tiểu thuyết thì đọc kịch bản vậy . Chú cố gắng post lên chú nhé.

    Trả lời
    • 21. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 4:03 chiều

      Nhất trí. Vài hôm nữa rảnh việc nối các tập vào đã.

      Trả lời
  • 22. Hà Linh  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 10:11 chiều

    Chúc mừng anh Tiến nhé..một tác phẩm ra đời..như một đứa con chào đời..bao ấp ủ, bao tâm sức dồn vào đó…

    Trả lời
    • 23. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 29, 2012 lúc 10:24 chiều

      Có thời gian thì xem trên mạng HL à. Con anh nhưng phải qua tay bao bố nuôi, mẹ nuôi vầy vữa. Khekhe….

      Trả lời
      • 24. Hà Linh  |  Tháng Năm 30, 2012 lúc 5:57 sáng

        hihihi nhưng mà cuối cùng ra được sản phẩm là quá vui anh Tiến ơi! ở VN mình làm ra bộ phim đã khó, làm ra bộ phim có tính chính luận càng khó trăm bề..vậy mà anh Tiến làm được!

        Trả lời
        • 25. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 30, 2012 lúc 9:25 sáng

          Nó là công việc thôi mà HL.

          Trả lời
          • 26. Hà Linh  |  Tháng Năm 31, 2012 lúc 4:46 chiều

            hihihi đấy lại khiêm tốn rồi! mất 7 năm cho một kịch bản-7 năm dài lắm cho một đời người anh Tiến ơi!

  • 27. Nhị Mai  |  Tháng Năm 30, 2012 lúc 4:46 chiều

    Lâu lắm em có dị ứng xem TV với chương trình của VTV. Hầu hết xem chương trình của VTC với Starmovie, HBO, ESPN. Hôm rồi xem anh viết bài này, làm em tò mò và xem Đàn trời trên Youtuble. Mỗi tối xem liền 4 tập, thấy được đó anh. Biết anh biên kịch Làng nhô nữa, càng phục anh. Lại phục anh hơn khia anh còn tham gia chương trình cơm có thịt cho các cháu. Cám ơn anh Tiến, anh Trần Đăng Tuấn, Mai Thanh Hải và các anh chị em khác về chương trình này.

    Trả lời
    • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Năm 30, 2012 lúc 9:17 chiều

      Cảm ơn Nhị Mai đã dành lời tốt đẹp cho cơm thịt.

      Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Năm 2012
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

CHÀO KHÁCH

free counters