Sách cũ- Truyện ngắn
Tháng Một 3, 2010 at 11:53 sáng 83 bình luận
Năm mới, thế nên hay nhắc đến cũ. Tự nhiên tìm lại được cái truyện ngắn cũ này, nhận thấy mình chỉ hợp với những cái cũ. Tiễn cựu nghinh tân. Chúc mọi người có một năm 2010 cũ mới ở mình. Và sức khỏe!
Sách cũ
Thư viện nằm trong khuôn viên “Nhà văn hoá” của một đơn vị thi công Thuỷ điện Yaly là một căn phòng nhỏ, cửa xập xệ với vài bốn giá sách tự tạo, chiếc bàn dài bày những chồng báo, tạp chí ngất ngọn. Ngọc bước vào, vừa ngập ngừng vừa lơ đãng, nếu là mấy ngày trước hẳn anh đã nhủ thầm, tất cả chỉ là mỹ từ phô phang bởi cái gọi “Nhà văn hoá” kia đáng kể nhất chỉ là hội trường hơn trăm ghế xếp, dùng để họp hành giao ban hơn là sinh hoạt văn hoá. Nhưng không, chỉ mấy ngày, cùng đoàn nhà văn vào từ Hà Nội, Ngọc đã kịp chui vào đường hầm lép nhép bùn đất, không khí đặc ngột, tai ù ran vì vô vàn tiếng động phát ra từ máy ủi, máy xúc ầm ĩ, tiếng máy khoan gầm gào, tiếng choàng búa cuốc xẻng… chứng kiến những người thợ trong nhịp điệu lao động gấp gáp, hối hả, tốt lắm rồi, như thế này là tốt lắm rồi. Mắt Ngọc lướt qua những giá sách. Cô thủ thư trẻ, rất trẻ, nụ cười từ lúc Ngọc bước vào chưa hề ngắt nghỉ một giây. Ngọc gật đầu hài lòng. Anh dừng lại trước một ngăn sách nhỏ có kính, trong đó hiện ra những gáy sách cũ mèm, xơ xác.
– Đó là sách cũ anh ạ.
Cô thủ thư theo sát Ngọc, thấy anh dừng lại chăm chú, bèn giải thích một cách ngượng ngập. Ngọc gật đầu, tay quờ quạng vô thức vào cửa kính.
– Anh cần cuốn gì, ở ngoài kia, em tìm giúp.
Ngọc không trả lời cô thủ thư tay anh rút vội một cuốn, lật nhanh bìa sách đã rách tướp được dán lại bằng nilông. Toàn thân anh run rẩy, tay cào cào vớ bừa những cuốn sách khác một cách gấp gáp. Tay lật giở, miệng lẩm nhẩm, Ngọc đã lấy ra mấy chục cuốn sách. Những cuốn sách cũ đen sì, nằm lẫn lộn ngổn ngang trên bàn, người Ngọc thõng hẳn, lòng khòng như cây cong vì bão táp.
Cô thủ thư sửng sốt, đứng nhìn anh như hoá đá.
Những cuốn sách cũ bất ngờ gặp ở thư viện đã hoàn toàn choán hết tâm trí Ngọc, phiêu diêu thả anh về với năm tháng của tuổi trẻ. Ngày đó đã lùi xa, thật xa nằm đông đặc ở một miền ký ức, không thể nói là quên nhưng thực lòng Ngọc không còn nhớ những cuốn sách này nữa, trong đó có cuốn sách của anh với lời đề tặng ngày nhập ngũ của cô bạn gái thân, cũng đã xa lắc lơ trong ký ức mù thẳm. Những cuốn sách riêng của từng người lính nằm sâu trong đáy balô theo sáng kiến của chính trị viên, một ông giáo làng, được gom lại thành tài sản chung của cả đại đội. Người được giao giữ số tài sản quý giá này không ai khác chính là Ngọc. Tòng teng chiếc balô sách cùng ít tư trang, Ngọc đã rong ruổi cùng đại đội đi hầu hết những cánh rừng miền Đông trong những năm tháng chiến tranh. Một vết thương đã cắt ngang đời chiến trận của anh. Ngọc bàn giao lại số sách cho đơn vị, anh đã kịp đọc hết và thông thuộc chủ nhân của từng cuốn sách. Đã có không ít cuốn sách trở thành vô chủ.
Bây giờ, sau giây phút choáng ngợp, Ngọc đã choàng tỉnh. Tay Ngọc lần sờ từng cuốn sách. Cứ mỗi lần anh lật trang, từ trong lồng ngực mình anh lại thấy những âm thanh vừa lạ, vừa quen bủa siết lấy trái tim đang quẫy đập từng nhịp. Hiện trước mắt Ngọc những khuôn mặt vừa ảo mờ, vừa xác thực. Đây là Lượng ở Thủ Lệ, là thợ máy trước khi ngập ngũ, nhiều tuổi nhưng chẳng hiểu sao lại thủ đi cuốn sách thiếu nhi duy nhất “Cuộc phiêu lưu của chú Hành” của nhà vănÕÝ J.Rodari. “Tớ là chú Hành đấy hiểu không?”. Quả vậy, đến đâu Lượng cũng làm mọi người cười chảy nước mắt vì những lời tếu táo nhưng thâm thuý và những trò nghịch khôn lường. Anh là người ngã xuống sau cùng đại đội, tháng ba năm bảy nhăm ở mặt trận Chơn Thành. Ngọc vuốt nhẹ cuốn sách nhỏ có chiếc bìa vẽ chú Hành tinh nghịch. Thoảng sực mùi hành tươi cay nồng, trong tích tắc mắt Ngọc mờ phủ. Còn đây “Thép đã tôi thế đấy” của N.A-stơ-rốp-ski, Thành “con” phố Tạ Hiện vừa là chủ nhân vừa là tín đồ của cuốn sách dày cộp. Thành sống bừng bừng như ngọn lửa của thép trong chiến trận nhưng lại gục ngã không hồi cứu vãn trong hoà bình, trong đủ đầy no ấm hôm nay. Đây nữa, cuốn sách mất bìa, mãi sau này Ngọc mới biết là cuốn “Tư bản luận”. Thắng béo giữ khư khư bên mình, mãi mới chịu nộp, bị sốt rét đến cữ rụng hết tóc, mới tòi ra mấy ngàn đồng phụ cấp dành dụm, nhờ mua giúp thực phẩm bồi dưỡng, để chịu mang tiếng đến tận bây giờ. Ngọc luôn tay lật giở. Những cuốn sách nham nháp, dầu dãi. Hiển “đốm” vì tóc bạc sớm, ngẩn ngơ với “Truyện Kiều”, giờ là nhà báo, tịnh chẳng một lần bàn luận đến thơ nữa. Cuốn sách cũ “Xóm Cầu Mới” (Nhất Linh – Khái Hưng) phải cương quyết lắm, chính trị viên Cương mới giữ lại được cho Bình. Con người mê “Tự lực văn đoàn” ấy nếu còn sống hẳn sẽ theo đuổi nghiệp văn chương và ít nhất anh phải là một tiểu thuyết gia tên tuổi. Mỗi lúc Ngọc càng như mê mụ đi. Nguyên chết vì bạo bệnh năm trước. Long đang đeo hàm đại tá…
– Đến rồi anh ạ.
Lời cô thủ thư cắt ngang dòng suy tưởng của Ngọc. Sau khi biết gốc gác những cuốn sách cũ, cô xăng xái dẫn Ngọc đến nhà người đã mang những cuốn sách nhập vào thư viện. Đó là một kỹ sư điện sống cùng với gia đình trong khu nhà tập thể.
Cô thủ thư giới thiệu chủ, khách, vị kỹ sư có vẻ ngạc nhiên.
– Anh tìm tôi có việc gì?
-Tôi muốn gặp người chủ của những cuốn sách cũ.
Vị kỹ sư ồ lên khẽ nhún vai.
– Tôi hiểu rồi cha tôi có nói nhiều về anh. Ông cụ vẫn đùa yêu rằng, hoá ra anh là kẻ kiếm chác được ở chiến tranh nhiều nhất, thảo nào anh mang vào chiến trường sách của Rơ-mác, cuốn gì nhỉ? À phải, “Phía tây không có gì lạ.”.
Ngọc nhấp nhổm vì sốt ruột.
-Thế ông cụ đâu, mà tôi cũng chưa biết tên ông cụ.
– Cha tôi bảo hồi anh còn là lính gùi sách, ông là chính trị viên.
– Anh Cương!
Ngọc bật hẳn người khỏi ghế, khi nghe con trai của chính trị viên cũ nói những lời không thay đổi ngữ điệu.
-Tiếc rằng anh đến quá muộn. Nếu được gặp anh hẳn cha tôi sẽ mừng lắm.
Ngọc thập thõm bước dọc bờ dòng Sê San. Đập đã chặn dòng nhưng phía hạ lưu nước Sê San vẫn ục ục cuộn xoáy.
Tối và lạnh, những khóm cúc quỳ vàng nhạt, Ngọc ngước nhìn về phía công trường thuỷ điện đèn sáng như sao, nhay nháy chớp loé của lửa hàn. Những gì anh vừa biết về người chính trị viên cũ đã khiến Ngọc chấn động tâm tưởng, ký ức lô xô đuổi bắt chắp nối những hình ảnh không trọn vẹn. Đã gần ba mươi năm họ xa nhau, Ngọc cố hình dung nhưng không tài nào hình dung nổi. Ông giáo làng Cương hết chiến tranh lại trở về bục giảng với những đứa trẻ chân đất ở làng. Hành trang chiến trận ông mang theo về, tất nhiên có cả những cuốn sách cũ dù đã mấy lần ông gắng sức tìm trả chủ nhân của chúng. Sức khoẻ suy kiệt, ông nghỉ dạy rồi theo con trai vào Yaly lập nghiệp, những ngày cuối đời bị căn bệnh ác tính hành hạ. Ngọc rùng mình, anh tưởng tượng đêm đêm người chính trị viên cũ lại mở ra balô sách, lần giở, sờ sẫm từng cuốn, từng khuôn mặt đồng đội, nhiều người đã ra đi lúc đầu xanh tuổi trẻ, để thầm thì chuyện trò với họ. Ký ức được lưu giữ bằng sự hiện hữu của những cuốn sách như một thứ bùa ngải làm mê mẩn người lính già khiến con trai, cả con dâu ông phát hoảng. Họ làm đủ mọi cách nhưng không thể tách được ông ra khỏi những cuốn sách kỷ vật. Khi ông nhắm mắt đã mấy lần con trai ông định hoá số sách trên bên mộ nhưng như có một sự níu kéo từ linh hồn của người đã chết, buộc lòng anh ta phải mang số sách đó hiến vào thư viện.
-Tôi không hiểu, ừ thì đó chính là những kỷ vật nhưng tại sao lại phải làm thế? Quá khứ tốt đẹp đáng được trân trọng nhưng tôi không chấp nhận cái cách quá khứ gặm nhấm hiện tại.
Vị kỹ sư đã thẳng thừng nói như vậy với Ngọc. Anh ta đúng, đúng một cách tàn nhẫn, dù rằng Ngọc biết anh ta là con người tốt, ngày hôm nay, cần có nhiều người như anh ta. Ngọc ngồi bệt hẳn xuống một vạt cúc quỳ, lắng nghe tiếng nước Sê San xoáy xiết va đập. Chợt lòng cồn quặn.
Trước hôm trở ra Hà Nội, Ngọc xin lại toàn bộ số sách cũ của đơn vị ở thư viện, anh mang những cuốn sách ra thắp hương tại mộ của người lính già, thầm hứa với ông sẽ mang những cuốn sách kỷ vật suốt đoạn đời còn lại.
Đăm đăm nhìn vào những tàn hương đang rạc lửa, anh hiểu rằng, rồi cũng như ông giáo làng kia, anh sẽ lại gắn bó, lại thầm thì tâm tình đêm đêm với những cuốn sách, lại sờ sẫm những khuôn mặt bạn bè để rồi vĩnh viễn không thể rời rứt khỏi những ký ức chiến trận, như thể đó là định mệnh của đời anh…
Pleiku 1996 – Hà Nội 2001
Entry filed under: Truyện ngắn.
1.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 12:20 chiều
Ngọc rùng mình, anh tưởng tượng đêm đêm người chính trị viên cũ lại mở ra balô sách, lần giở, sờ sẫm từng cuốn, từng khuôn mặt đồng đội, nhiều người đã ra đi lúc đầu xanh tuổi trẻ, để thầm thì chuyện trò với họ..
———————-
Những cuốn sách đó không đơn thuần chỉ là những tập giấy kết gắn lại với nhau mang những dòng chữ, cốt truyện..mà còn là dấu ấn kỉ niệm, hồi ức..là nơi lưu giữ lại chút hơi hướng của đồng đội, của những năm tháng chiến tranh hào hùng.Những người đó đã đến trong cuộc đời này chỉ để hiến dâng.. Sách nhưng không phải chỉ là sách mà còn là nơi những người ra đi để lại dấu vết..Là nơi ghi dấu ấn những ngày gian khó.Sách đã mang đến niềm vui, những phút an bình trong những ngày lửa đạn.. Những cuốn sách dường như cũng đã có tâm hồn, mang theo những gương mặt.
Chao ôi nếu mà là em em cũng không thể rời bỏ những cuốn sách đó!
Cô con dâu, anh kỹ sư sinh ra trong thời bình đã không thể hiểu điều đó, cô thủ thư chỉ đơn giản hiểu đó là:” sách cũ”. Không, những cuốn sách đó chẳng bao giờ cũ, những cuốn sách đã nhọc nhẳn đi thời chiến sang thời bình mang theo bao buồn vui của những người lính: người đã ra đi, người còn ở lại. Cấm mỗi cuốn sách ông chính trị viên, anh cựu chiến binh có thể hình dung ra bao khuôn mặt, bao cuộc đời, bao nhiêu kỉ niệm… Và chính ta cũng vậy thôi, nếu có được một lần cầm trong tay một trong những cuốn sách đó, lẽ nào không thể không cảm thấy một điều gì khác biệt? Những cuốn sách từ thời chiến đã phải đánh đổi bao hy sinh mất mát để trở về thầm lặng ngắm nhìn thời bình từ một góc nhỏ nào đó…
Những người lính ra trận còn yêu quý trân trọng bao nhiêu những trang sách đến thế? giữa mưa bom bão đạn, giữa cái sống và cái chết chỉ là tích tắc…vậy mà họ nâng niu truyền tay nhau những trang sách nhỏ..
Vậy trong thời bình, chúng ta liệu có dám so sánh không tình yêu đó?
Chiến tranh dần qua đi, những kí ức chiến tranh dần dần đi vào quên lãng…nhịp sống mới cuốn trôi đi tất cả…May mắn thay, anh lính Ngọc ngày nào đã kịp bắt gặp những cuốn SÁCH CŨ trong một góc vô tình của thời bình….
2.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 2:27 chiều
Những cuốn sách từ thời chiến đã phải đánh đổi bao hy sinh mất mát để trở về thầm lặng ngắm nhìn thời bình từ một góc nhỏ nào đó…
May mắn thay không phải cho anh lính Ngọc nhân vật trong truyện mà là may mắn cho những ngưòi viết còn có những độc giả như Hà Tĩnh.
Một ngày đầu năm thật yên bình.
3.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 2:44 chiều
vẫn còn nhiều lắm những bạn đọc tâm huyết anh ạ, anh hãy cứ vững tin vào bản thân mình!
cho dù hiện thời có thể người ta bị lôi tuột vào vòng xoáy những giá trị ảo, những bon chen của đời thường..nhưng rồi họ lại trở về những giá trị thật thôi..
e thì e rất thích những trang viết của anh, cho dù không phải tất cả đều xuất sắc, nhưng phấn lớn những trang viết e cảm tưởng là anh lựa chọn, mài dũa từng con chữ..thổi vào đó tình cảm,tâm tư của mình, cái cách kể chuyện hóa thân mình vào nhân vật để kể..rất đời, rất tình người. Như khi đọc Những mảnh đời ghép lại, e rất ấn tượng ở cái cảm nghĩ thoáng qua của Y khi nhìn bé Thơm đầu tiên tha thẩn qua nhà gã*” hay là định thuổng cái gì?”, chi tiết nhỏ lắm nhưng e bị ám ảnh: người ta bị đày đọa, bị gian dối quá nhiều cho nên bị đánh mất những cảm giác trong trẻo. Vừa thương bé Thơm vừa cảm thông cho gã.
4.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 3:09 chiều
Những truyện này tôi viết đã lâu. Quãng chục năm trở lại đây tôi thi thoảng mới viết được một cái truyện ngắn. Thời gian chủ yếu dành để viết kịch bản phim. Đó cũng là một công việc yêu thích nhưng còn là sinh nhai nữa. Rất muốn viết truyện nhưng vì nhiều lẽ đành phải câu dầm từ từ. Nhưng có lẽ HT đúng, mọi thứ qua đi rồi cuối cùng lại trở về…Chắc là tôi sẽ quay trở lại với những trang văn như ngày nào. Có lẽ thế.
5.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 12:32 chiều
-Tôi không hiểu, ừ thì đó chính là những kỷ vật nhưng tại sao lại phải làm thế? Quá khứ tốt đẹp đáng được trân trọng nhưng tôi không chấp nhận cái cách quá khứ gặm nhấm hiện tại.
————————
Theo e nghĩ thì cái cách ông chính trị viên cư xử với những cuốn sách không phải là cái sự” quá khứ gặm nhấm hiện tại” mà đó là sự cô đơn khi chứng kiến con người ta cư xử với quá khứ. Quá khứ ở đây được để cập trong mối liên quan giữa ông giáo và các con thể hiện ra chính là những cuốn sách. Chiến tranh lùi xa rồi, thật khó để nói về những gian khổ, hy sinh thời chiến chung chung. Nhưng sự có mặt của những cuốn sách đó chính là sự hiện diện của quá khứ một cách sống động.
Anh nói là anh tôn trọng quá khứ, nhưng anh khó chịu về cái cách bố anh thể hiện sự yêu quý những cuốn sách cũ, vậy thì sự tôn trọng của anh ở đâu? Những cuốn sách k chiếm nhiều vị trí, những cuốn sách cũ khiêm nhường thôi..mà đã khiến anh khó chịu như thế, vậy những điều to tát hơn thì sẽ thế nào? Bố anh trở về từ quá khư, mang theo cả những kỉ vật quá khứ..nhưng thay cho chia sẻ thì anh lại cố tách ra,c àng tách ra thì người bố càng đau đớn. E nghĩ thế. Ừ thì ai mà chẳng là người tốt, chỉ có cách ứng xử với quá khứ, với những nỗi niềm nhân gian là khác thôi…
6.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 2:31 chiều
Cái cách nhìn nhận quá khứ mỗi người mỗi khác thật.
“Theo e nghĩ thì cái cách ông chính trị viên cư xử với những cuốn sách không phải là cái sự” quá khứ gặm nhấm hiện tại” mà đó là sự cô đơn khi chứng kiến con người ta cư xử với quá khứ.” Ý này của HT đã nói thay tất cả. Cảm ơn nhiều.
7.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 5, 2010 lúc 1:16 sáng
Tui cũng phải cám ơn, vì mỗi con người là một cuốn sách, chỉ khác đi là cách khai thác của PNT thôi. ” Sách cũ” là hoài niệm, muốn nhắc nhở con người nên trân trọng quá khứ nên nó luôn mới trong lòng mọi người.
8.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 5, 2010 lúc 2:38 chiều
Sách cũ là hoài niệm, muốn nhắc nhở con người…đúng như thế. Nói chung là cứ cảm ơn lẫn nhau. Khe…khe….
9.
Hà Tĩnh | Tháng Một 5, 2010 lúc 2:40 chiều
Dạ thầy đồ nói đúng quá( ui tất nhiên đã là Thầy thì chắc chắn là nói đúng!), mỗi người cũng có thể là một pho sách thật, như cuốn sách ” Phạm Ngọc Tiến” là một tuyệt phẩm! Mà ấn bản” Thầy đồ Trọc” cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị-vấn đề là thầy ưu tiên ai đọc trước đây!
10.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 5, 2010 lúc 3:42 chiều
Thầy đồ phen này tắc tị nhé! Cứ gọi là trầm mình xuống sông La cho thoát nạn.
11.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 3:33 chiều
Những cuốn sách nhỏ bé thế nhưng thực sự là những biểu tượng sống động của quá khứ, e không nghĩ là cứ phải xây những tượng đài tốn kém, dầu dãi nắng mưa, năm thì mười họa mới có kẻ ngước nhìn..thì mới thể hiện tinh thần hướng về quá khứ.
Những cuốn sách đã được những nguoif lính nâng niu giữ gìn thổi hồn lung linh chứ k phải là những khối sắt thép vô hồn..
Anh Tiến hay viết kịch bản phim thảo nào truyện của anh có nhiều chỗ cực kỳ hình ảnh? e nhớ như in đoạn tả ông già Miến gặp vợ con qua làn khói hương..Đẹp lung linh!
12.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 3:54 chiều
Hơn chục năm trở lại đây tôi chủ yếu viết kịch bản. Năm thì mười họa mới viết cái truyện ngắn. thi thoảng viết bài ký hay cái chân dung. Từ 2001 đến đây mới in thêm được 2 tập truyện ngắn còn thì tinh in trước đó. Kịch bản thì nhiều không đếm nổi, nhớ nổi. Cuộc sống mà. Khe…khe….
13.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 4:45 chiều
Vâng thì đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng e nghĩ anh mà không viết truyện thì cũng hơi bị phí ..khe ..khe..khe…
14.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 7:53 chiều
Chưa viết, viết ít chứ không phải không viết. Khe…khe…
15.
Hà Tĩnh | Tháng Một 3, 2010 lúc 7:59 chiều
chưa viết theo em là không viết, khi nào đang ngồi cặm cụi viết thì là đang viết khe khe khe..
16.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 3, 2010 lúc 10:43 chiều
Nhất trí. Khe…khe…
17.
xuân hoà | Tháng Một 4, 2010 lúc 7:33 sáng
thế tối qua bác có viết đc gì ko?
ngồi với mọi người mà nhớ bác quá đi thôi bác TIẾN ạ…hehehe
18.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 4, 2010 lúc 9:37 sáng
Nhớ tui thì tui nhớ ai? Khe…khe…
19.
Dong | Tháng Một 5, 2010 lúc 9:40 sáng
Chết, XH bữa nay sinh ra nhớ vu nhớ vơ thế này, Ai ơi là ai !!!!
20.
xuân hoà | Tháng Một 5, 2010 lúc 2:16 chiều
thì cứ vu vơ thế nên người ta có đôi có lứa cả rùi-có mỗi mình em vẫn “lang thang”đó thôi-bác tiến nhể??
21.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 5, 2010 lúc 2:42 chiều
Mỗi mình lang thang…khó quá.
22.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 5, 2010 lúc 2:40 chiều
Ai ơi là ai? Đất biết, giời biết, người biết. Mỗi khổ chủ không biết. Khe…khe…
23.
mèo con | Tháng Một 5, 2010 lúc 3:43 chiều
Sách cũ, người cũ, tìm đâu?
Chữ mới, Năm mới, quanh đây!
24.
TẦM VÔNG | Tháng Một 6, 2010 lúc 1:13 chiều
Chào Bác Phạm Ngọc Tiến.
Lần đầu vào Blog của Bác em đọc được nhiều bài thật thú vị. Em viết tiếng Việt còn sai lỗi chính tả nhưng vì khoái văn chương nên cũng đang bập bẹ viết lách. Hy vọng 30 năm sau trên “Văn đàn” Việt Nam sẽ xuất hiện thêm một “nhà văn” nữa. Em gốc nông dân nên rất thích xem các đề tài về nông thôn, đặc biệt là các phim mà anh viết kịch bản.
Em đề nghị anh vào Nam nghĩ dưỡng và xâm nhập thực tế chừng một tháng để làm 1 tác phẩm về nông thôn Nam bộ (đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ đang nóng sốt). Em nghỉ với một thực tiễn sinh động và cái nhìn bén ngót của anh chắc chắc sớm hay muộn gì cũng sẽ có 1 tác phẩm hay nữa ra đời.
Em xin phép anh cho em được copy lại 24 tập của kịch bản Gió Làng Kình để em nghiên cứu văn phong của anh. Chỉ tiếc là còn thiếu Tập 09 (chắc do đụng chạm tới ông quan nào đó nên không thể post được).
Chúc anh tiếp tục thành công.
Cám ơn anh nhiều.
Em Tầm Vông
25.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 6, 2010 lúc 9:58 chiều
30 năm nữa có thêm 1 nhà văn thì tui ngỏm củ tỏi rồi còn đâu mà chứng kiến được cái vị nhà văn gốc nông dân này nữa. Không được, phải nhanh hơn. Văn veo cũng phải nhanh như điện ấy chứ.
Miền Đông bây giờ cũng nóng hệt như dạo chiến tranh. Đụng vào miền đất ấy kể cũng có khối điều hay ho nhưng tui tài hèn sức mọn e khó lòng vào được đến đó. Tuy nhiên người viết được nhiều lắm Tầm vông à. Cứ yên tâm sẽ có vô khối tác phẩm về Miền Đông gian lao mà anh dũng.
Gió làng Kình thiếu tập 9? Tui sẽ kiểm tra lại rồi post bổ sung ngay.
Chúc bạn có niềm đam mê viết và sớm lao động để thành công. Một năm mới tốt đẹp.
26.
TẦM VÔNG | Tháng Một 6, 2010 lúc 10:46 chiều
Thưa Bác Phạm Ngọc Tiến,
Nếu 30 năm nữa em không trở thành một “văn nhân thành đạt” thì tệ lắm cũng được người đời gọi là “Một cây bút già dặn”. Thôi em sẽ cố gắng phấn đấu 25 năm thôi để lúc đó bác cũng vừa “Bát thập cổ lai hy” rồi.
Bác khiêm tốn hay cố tình từ chối “lời đề nghị khiếm nhã” của em vậy. Các đại gia làm phim truyền hình phía Nam như: Cá Lặn Tiên Sa , Bê Hết Đi, Lát Da… chỉ thích phim chân dài, kiều nữ, vũ trường… chứ chuyện vác chân máy đặt xuống … bùn thì đừng có mà mơ.
Trong nầy giờ đang có phong trào nhà nhà “Việt hóa” phim ngoại để làm cho chắc ăn. Người dân trong này ngán mấy món đó tới cổ rồi bác ơi. Bác mà không làm là có tội với “đồng bào” Miền Nam đó. hu hu hu.
Cám ơn bác đã hồi … dương sớm 🙂
Nhà văn tương lai Tầm Vông.
P/S: Cám ơn bạn Van đã nói giúp.
27.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 6, 2010 lúc 10:57 chiều
Tui quen làm phim Bắc. Vào đó không làm nổi thât. Khó là một chuyện, quan trọng hơn là ko có điều kiện.
28.
van | Tháng Một 6, 2010 lúc 1:47 chiều
@Tầm Vông: Nhà văn PNT rất vui vì có thêm bạn từ “miền Đông gian lao mà anh dũng”, nơi anh đã phó mặc những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của mình cho súng đạn (e hèm, nói vậy đúng phải không?)
—–
Recòm giúp bác PNT, hihihi!
29.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 6, 2010 lúc 10:02 chiều
Mấy hôm nay tui vướng hội nghị quảng bá văn học quốc tế của Hội nhà văn và Liên hoan truyền hình toàn quốc, họp hành, hội thảo, tiệc tùng liên miên, mệt quá. Đi từ sáng sớm, đêm hôm mới lọ mọ về được. Mai mốt mới xong kiếp nạn.
Van re còm thì ngon lành rồi. Khe khe
30.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 6, 2010 lúc 11:40 chiều
Ừ thì bác nghỉ ngơi tý cho lại sức đi, tui cũng rất vui khi có nhiều bạn đọc tâm huyết với Văn và Kịch của bác. Chúc mừng bác! Cũng định trầm mình xuống sông Vitxoa mấy lần mà không được vì lạnh quá, những âm 5 độ lận, thôi để tui cố về sông La cho chắc ăn theo lời khuyên của bác cho thoát nạn. Heheee…
31.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 7, 2010 lúc 2:17 chiều
Ta về ta tắm…song ta là hợp lý. Khe…khe…
32.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 7, 2010 lúc 2:17 chiều
Sông ta.
33.
van | Tháng Một 7, 2010 lúc 8:02 sáng
Em theo dõi hội nghị này trên báo chí mà không thấy bác, thấy mấy em nhà văn trẻ…
34.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 7, 2010 lúc 2:18 chiều
Đi suốt mấy ngày nay mừ.
35.
HOA TỬ HUYỀN | Tháng Một 7, 2010 lúc 6:14 chiều
Chúc mừng bác đoạt giải “Kịch bản hay nhất” nha!
Hôm vừa rồi anh Hồ Anh Thái và cô Minh Thái đi Yên Tử có vào nhà tui chơi mà hổng thấy bác?
Nhân nói chuyện sách, nhớ chuyện ngày tui lấy chồng, nhà nội đánh ôtô vào chở mấy bì sách là của hồi môn của tui đi mà ai cũng khiếp hi hi
36.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 7, 2010 lúc 11:33 chiều
Cái món hồi môn ấy hơi bị quý hiếm đấy. Con gái nay mai đi lấy chồng thích gì cũng cho nhưng sách thì…ở lại.
Cái gải còm ấy nhắc ngượng chết. Khe…khe…
37.
xuân hoà | Tháng Một 7, 2010 lúc 6:54 chiều
ô-anh tiến đạt giả”kịch bản hay nhất”cho phim nào hả anh-em có biết về liên hoan phim truyền hình mừ chưa biết anh đoạt giải.
CHÚC MỪNG NHÀ VĂN -NHÀ BIÊN KỊCH PHẠM NGỌC TIẾN
khao….đ…ê….hehehe
38.
VAN | Tháng Một 7, 2010 lúc 8:18 chiều
CHUC MUNG ANH TIEN, KHAO THOI ANH TIEN OI!
39.
Cún | Tháng Một 7, 2010 lúc 9:47 chiều
Chị V ơi cho em chạy theo chị với!! Bác Tiến được giải kịch bản gi đó ạ?
40.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 7, 2010 lúc 11:37 chiều
Tiến sĩ Hoa Tử Huyền báo hại tui rồi. @ Cún, Van, Xuan Hoa ko phải Liên hoan phim đâu, chỉ là cái bình chọn khán giả ấy mà, gọi giải thưởng đâm thành to chuyện.
41.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 7, 2010 lúc 11:57 chiều
”Một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp” là vui rồi. Xin chúc mừng và đợi….bác đãi vài ly. Heheee….
42.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 12:01 sáng
Vài li thì bõ bèn gì. Thoải mái.
43.
TẦM VÔNG | Tháng Một 8, 2010 lúc 7:56 chiều
Bác Phạm Ngọc Tiến ơi,
Các báo thi nhau trích dẫn lời vàng ngọc của bác thấy mà mê. Lại còn chụp hình rất đẹp nữa chứ. Chắc chắn cái giải khán giả bình chọn đó có 1 phiếu nhỏ nhỏ, nhàu nhàu là của em đó. Mà nghỉ cũng kỳ, nếu chỉ bầu có 1 phiếu mà cũng “dựa đóm ăn tàn” thì hơi tham phải không bác. Nhưng biết đâu được, nếu may mắn gặp người hào phóng thì cũng có chút hy vọng… mỏng manh.
Bác Tiến ơi, bác vào Nam là để ngâm cứu viết kịch bản về nông thôn chứ có làm phim ngay đâu mà bác ngại. Sau này có kịch bản hay rồi thì thiếu gì đơn vị chạy theo o bế, đưa đón, bác lo xa chi cho mệt. Bác đừng để “đồng bào Miền Nam” thất vọng nhe bác.
Tầm Vông
44.
Dong | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:10 chiều
@Tầm Vông : Mạo muội mà gửi tới TV một yêu cầu nhân danh những người hiểu ( dễ rồi) và yêu văn ( Văn thôi, ông ấy xấu đau, họa điên mà yêu ! ) NV PNT, tôi Đồng, mời Tầm Vông uống một lần ( thức uống do TV chọn). Nhé ?
Đồng. 0947430808.
45.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:15 chiều
Dong công nhận là hung hăng thật. Đã phải trốn uống còn cứ tinh vi. Khe…khe….
46.
TẦM VÔNG | Tháng Một 10, 2010 lúc 12:44 chiều
Bác Đồng ơi, ông bà mình nói “Tiếng chào cao hơn mâm cổ”. Em chỉ mong uống với bác Tiến 1 ly trà đá thôi vậy mà bác Đồng chiếu cố cho em cả 1 chầu lại còn được tự chọn nữa chứ. Sướng tê người luôn.
Tầm Vông ghi nhận tấm thịnh tình của anh. Hôm nào có dịp lên Sài Thành sẽ alo anh Đồng 1 tiếng để anh em gặp nhau (cà phê vỉa hè thôi cũng được anh hé). Cám ơn trước.
Tầm Vông
47.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:13 chiều
Khổ thân tui rồi. Tui chỉ được cái nết uống thôi chứ ăn nói xưa nay lấc cấc có đâu ra đâu. Ảnh ọt nữa nom như cướp TV khen đẹp đâm phát ngượng. Tui lúc say mới hào phóng, vậy nếu có duyên gặp lúc say thì…khe…khe….vô tư.
Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, tui vào đó suốt mà. Bình Dương, Bình Phước nằm dầm dề chỗ nào cũng từng. Mấy năm trước tui đi Phước Long viết nhiều thứ, trong đó có 1 kịch bản 5, 6 tập gì đó về chiến tranh nhưng ko hay (Bên đường lá đỏ). Cao su thì thấy bê bối quá nên bỏ. Vào cả trại Hổ Bình Dương để kiếm hổ con cho phim “Chạy án” bị nó ngoạm suýt đi tong “gia tài còn lại một vòi nước trong”. Tóm lại miền đất đó tui ko lạ lẫm gì. Cảm ơn đã mời gọi.
48.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:17 chiều
@Tầm Vông: tui đang tìm lại cái tập 9 làng Kình để post. Tui sẽ nối vào sau tập 8.
49.
TẦM VÔNG | Tháng Một 10, 2010 lúc 12:45 chiều
Tầm Vông sẽ chờ để hoàn tất bộ sưu tập tác phẩm của anh. Cám ơn anh.
Tầm Vông
50.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 10, 2010 lúc 11:38 chiều
Tui kiểm tra lại rồi. Có tập 9. TV cứ mở mục kịch bản.
51.
TẦM VÔNG | Tháng Một 10, 2010 lúc 1:04 chiều
Em là thổ địa ở trong đó cho nên anh Tiến để em tìm ý tưởng, tập hợp tư liệu, lên khung sườn, đường dây rồi trình anh xem xét. Nếu anh thấy khả thi thì anh góp ý, biên tập lại thành tác phẩm hoàn chỉnh.
Vụ này, coi như là em học nghề của anh vậy (học phí anh em mình sẽ bàn kỹ ở một vùng quê hẻo lánh nào đó. Tất nhiên phải có thêm vài người như Chị Vân, anh Đồng… chứng kiến nữa thì mới đầy đủ thủ tục). Với em, quyền lợi thì không thành vấn đề, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, không cơm không cháo thì chút rau cũng được, quan trọng là em đã tìm được thầy giỏi. Hy vọng em sẽ không làm anh mất mặt. He he he.
Chỉ cần anh gõ thêm 3 từ “cốc, cốc, cốc” trong comment trả lời em là coi như anh đồng ý, đơn giản vậy thôi nhé anh.
Tầm Vông
52.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 10, 2010 lúc 11:43 chiều
Em là thổ địa ở trong đó cho nên anh Tiến để em tìm ý tưởng, tập hợp tư liệu, lên khung sườn, đường dây rồi trình anh xem xét. Nếu anh thấy khả thi thì anh góp ý, biên tập lại thành tác phẩm hoàn chỉnh.
Nói thế này thì Tầm Vông là dân có nghề rồi. Đồng ý thôi. Nếu đã có kịch bản thì cứ gửi cho tui. Xưa nay những việc thế này tui làm quen rồi. Tốt là dùng đựoc ngay ấy mà.
Quan trọng là tác phẩm. Mọi thứ khác cũng cần nhưng chỉ là thứ yếu.
53.
TẦM VÔNG | Tháng Một 11, 2010 lúc 9:47 sáng
Chào anh Phạm Ngọc Tiến,
Anh phán:” Nói thế này thì Tầm Vông là dân có nghề rồi” là anh đã phủ nhận cái tư cách học trò của em rồi. Thật lòng với anh, đối với văn chương em thật sự là dân ngoại đạo. Em bắt đầu viết lách cách đây khoảng 4 tháng (giết thời gian) bằng mấy cái comment vô thưởng vô phạt và một câu chuyện “nháy” kiếm hiệp kỳ tình mà đa số các nhân vật đều là các Nick thật đang tham gia trong BogOsin (thực chất cũng chỉ là các comment thôi). Anh có thể xem tại đây: http://tamvong.wordpress.com
Em chưa có và chưa từng viết kịch bản bao giờ mà chỉ ở dạng ý tưởng thôi. Em sẽ cố gắng ghi lại thành 1 câu chuyện lộn xôn rồi gửi cho anh xem trước. Cám ơn anh đã cho em 1 tia hy vọng.
Tầm Vông
54.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 11, 2010 lúc 11:02 sáng
Ok, vậy cứ làm theo ý thích của mình.
55.
tamvong | Tháng Một 15, 2010 lúc 7:27 chiều
Chào anh Tiến,
Thầy thì nhiệt tình, giảng giải thật lòng, còn trò thì quyết tâm. Em nghỉ mới vài cmts mà em đã lĩnh hội ở anh rất nhiều cái mà trong sách vở thường không đề cập.
Em nghỉ trước mắt như thế là quá tốt với em rồi. Sau này những vấn đề cụ thể hoặc khi viết được gì em sẽ trao đổi thêm với anh qua email. Em đang sống ở vĩ tuyến 11. Khi nào có dịp vào tới đó thì báo để em được mời anh một bữa cơm đạm bạc thay cho lễ nhập môn anh há. Cám ơn anh nhiều.
Tầm Vông
—
Email: tamvongvietnam@gmail.com
Blog: tamvong.wordpress.com
P/S: Bạn Vân Anh không được cười nhạo thầy trò Tầm Vông chứ. Mai mốt đừng có mà đến xin chữ ký nhá 🙂
56.
TẦM VÔNG | Tháng Một 15, 2010 lúc 10:39 sáng
Cám ơn anh đã post bổ sung Tập 9. Em đã chép đủ rồi. Rất quý đó anh. Ít có nhà văn nào lại hào phòng như anh. Em nghỉ, văn chương càng cho đi nhiều thì càng giàu thôi anh ạ.
Anh bảo em cứ làm tùy thích thì em không biết bắt đầu từ đâu cả. Anh cho em vài gợi ý về cách tổ chức công việc để bắt tay vào làm. Vài cái gạch đầu dòng là được thôi anh. Xin lỗi nếu làm mất thời gian của anh.
Cám ơn anh.
Tầm Vông.
57.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 15, 2010 lúc 11:28 sáng
Tập 9 có sẵn nhưng tui sơ xuất không đánh dấu chuyên mục nên nó không hiện ra thôi. Hào phóng chi đâu. Kịch bản là loại thể có rất ít người đọc. Chỉ vài ba chục người đoàn phim đọc để thực hiện thành phim nên có nhiều người đọc càng tốt chứ sao.
Viết kịch bản có nhiều cách học. Hãy mua các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật viết kịch bản (có đủ từ ngước ngoài đến trong nước) để tự học hoặc học ở trường.
Nếu học tui thì thế này: Hãy đọc kỹ 1 tập kịch bản. Đọc đến đâu ghi chép đến đấy. Đánh số thứ tự từng phân đoạn và tóm tắt nội dung từng phân đoạn. Đọc xong thì có 1 bản tóm tắt nội dung của cả tập chừng vài trang, trong đó có vài chục phân đoạn. Đó chính là cái lis của tập kịch bản đó, gọi là đề cương chi tiết.
Khi viết mới thì làm công việc ngược lại. Hãy lập đề cương chi tiết trước. Rồi bắt tay vào viết theo đề cương.
Tất nhiên trước khi nghĩ đề cương chi tiết thì phải có tóm tắt toàn bộ câu chuyện. Tóm tắt nội dung và hoạch định rõ từng nhân vật trong câu chuyện đó.
Việc viết lách nói thì đơn giản thế thôi nhưng lại cực kỳ phức tạp. Trước hết nó phụ thuộc vào năng khiếu, vốn sống và quan trọng là cảm hứng sáng tạo tức là sự đam mê. Gọi là tình yêu và cả yếu tố này nữa: Nghiêp! Cái nghiệp của mình. Giời không cho không bắt được gánh, phải gánh thì chịu. Khe…khe…
Chúc có tình yêu.
58.
TẦM VÔNG | Tháng Một 15, 2010 lúc 2:50 chiều
Chào anh Tiến,
Em đã đọc thử 1 cuốn sách hướng dẫn viết kịch bản phim của 1 tác giả trong nước. Đọc xong em hốt hoảng giống như đứng trước 1 đám tơ vò, không biết bắt đầu từ đâu. Kết quả em như vừa bị “tẩu hỏa nhập ma” vậy.
Bây giờ nghe anh hướng dẫn chút xíu, em lại sáng ra nhiều điều và cảm thấy tự tin hơn 1 chút. Em sẽ thử 1 lần (cái này không phải heroin đâu mà sợ), còn có nghiệp hay không đó là ý trời.
Em sẽ thử 1 truyện ngắn trước. Theo anh Tiến thì các yếu tố nào mình cần lưu ý trong quá trình xây dựng truyện để sau này khi chuyển sang kịch bản phim thì không quá thừa hoặc không quá thiếu.
Cám ơn anh.
Em Tầm Vông.
59.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 15, 2010 lúc 4:00 chiều
Cái gì cũng cần câu chuyện. Có điều ở điện ảnh chú ý hơn về chi tiết. Hãy sắp xếp một câu chuyện càng lạ càng tốt. Câu chuyện có tình tiết có mâu thuẫn có cài đặt…nói thế này thì vô cùng, rất khó. Nhớ một điều là gieo gì gặt nấy.
60.
TẦM VÔNG | Tháng Một 15, 2010 lúc 4:10 chiều
Chào Anh Tiến,
Viết chuyện mà cũng bị chi phối bởi …Luật Nhân Quả nữa hả anh. Em nghĩ chuyện càng lạ thì càng phảii hư cấu. Trong thực tế đâu có nhiều tình tiết gay cấn và hay như phim được. Vậy theo anh thì em hư cấu ở mức độ như thế nào thì chấp nhận được?
Cám ơn anh
61.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 15, 2010 lúc 4:24 chiều
Ko phải nhân quả. Tức là ở kịch bản cứ bày ra cái gì thì phải giải quyết cái ấy. Đưa ra nhân vật nào thì phải kết thúc nhân vật ấy. Bày ra con chó thì phải tính con chó ấy làm gì trong câu chuyện. Con dao…vv.
Sáng tác truyện, phim ( trừ ký, phóng sự, tài liệu..)một nguyên tắc là hư cấu. Ko hư cấu thì để trí tưởng của nhà văn nhà biên kịch ở đâu. Hư cấu ko có độ dừng miễn là độc giả, khán giả tin được đừng hư cấu phi lý là được.
Người viết cái tối thiểu là tự tin. Nhưng là cái tự tin lành mạnh có cơ sở.
Trước hết hãy kể một câu chuyện có đầu có cuối. Nói thế này rất khó. Nếu TV thích thì nên tìm một nhà văn trong đó để hỏi trực tiếp chứ nói qua còm rất khó diễn giải. Có khi lợi bất cập hại.
62.
vananh | Tháng Một 15, 2010 lúc 5:19 chiều
PNT:” Đưa ra nhân vật nào thì phải kết thúc nhân vật ấy. Bày ra con chó thì phải tính con chó ấy làm gì trong câu chuyện. Con dao…vv.”
—–
Ôi, đơn giản lắm anh Tiến ơi! Con dao dùng để hạ cờ Tây, cờ Tây phục vụ món Mộc Tồn. Hihihi!
Nghe bạn TV bảo: “Anh cho em vài gợi ý về cách tổ chức công việc để bắt tay vào làm. Vài cái gạch đầu dòng là được ….” , mình thấy mình phải thay đổi quan niệm: có ai dạy được nghiệp viết văn!
Mai mình sắm sách vở, quyết học Đại học viết văn từ xa, giảng viên: nhà văn PNT.
Chúc anh Tiến và mọi người cuối tuần vui nhé!
63.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 15, 2010 lúc 5:22 chiều
Vananh nói chuẩn đấy. Món cờ Tây cuối năm. Khe…khe…
64.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 16, 2010 lúc 12:01 sáng
Cứ viết, cứ làm cái mình thích. Đó mới là cái quan trọng.
65.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 16, 2010 lúc 3:13 chiều
Cần hỏi gì thì cứ hỏi đừng ngaij. Mình rất thích những người ham học hỏi. Bản thân nghề viết là một nghề đến bạc tóc răng long vẫn phải tìm hiểu học hỏi. Học ở bạn nghề, học ở con người, học ở cuộc đời.
66.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:43 chiều
”Gia tài còn lại một vòi nước trong”. Hay hè ! nhưng tui không hiểu?
Cái Vòi nước trong của bác là rượu hay là nước….chi rứa ? Heheee…
67.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 10:51 chiều
Là họ giễu tui bị tiểu đường hỏng cái món kia:
Thương thay pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại một vòi nước trong
Mong sao nó chảy thành dòng…khe…khe…nói hổ ngoạm là ngoạm mất cái vòi nước ấy.
68.
Cún | Tháng Một 8, 2010 lúc 11:45 chiều
Chả dám bình tiếp nữa! 🙂 🙂 :-))))
69.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 11:48 chiều
Không bình là hơi bị phí và…thiệt. Khe…khe…
70.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 8, 2010 lúc 11:49 chiều
Heheeee….Trông Cún bây giờ lại càng xinh hơn.
71.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 8, 2010 lúc 11:58 chiều
Tập trung đối tượng nào là chính đi bác Trọc ơi, cái ni tui kinh nghiệm hơn. Khe…khe….
72.
xuân hoà | Tháng Một 9, 2010 lúc 7:22 sáng
đấy nhé-có bác tiến biết rồi nhé !
kẻo adong tưởng ông anh adong “đoan trang” lém nha…hehehe
73.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 9, 2010 lúc 10:34 sáng
Bác thầy đồ chỉ lém chữ thôi. Còn thì trong chốn trận trường này ngang một thanh niên đầu 2. Khe…khe…Dễ thương và báo hại cũng là ở chỗ ấy. Khe…khe…
74.
Dong | Tháng Một 9, 2010 lúc 9:28 sáng
Khổ ông anh mình thật, nhắc ông ấy đừng lụy, ông ấy lại sửa sai, cố tỏ ra không lụy bằng cách ” à ơi” con dơi thế này, người ngây thơ thì tưởng là đang “tỉnh”, cấp chuyên gia người ta nhìn ngay cái yếu huyệt.
Anh Trọc ơi, ngày xưa đi qua đồng vắng đêm tối, em phải hát to lên cho đỡ sợ.
Anh hát vừa vừa kẻo người ta biết tim anh sắp nhảy khỏi lồng ngực vì người ta, người ta lại…kiêu như con diều !
75.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 9, 2010 lúc 10:37 sáng
Dong có biết chơi cá cảnh không? Thầy đồ nhà mình hệt như con Khổng tước công chỗ nào cũng lượn, cũng vè vè rút cục…khe…khe…Phải oai vệ như cá Kiếm oai hùng hoặc hiếu chiến như cá Chọi. Thế mới theo Tôn Tử được. Bách trận bách thắng!
76.
Lưu Giao | Tháng Một 9, 2010 lúc 3:27 chiều
Khiếp bác với @Dong quá đi thôi ! Dưng mà kiếm vợ qua mạng tui chưa có kinh nghiệm. Có hy vọng chi không bác?Kiểu ni là là phải cắp nách chai rượu về nhờ thầy Tiến chỉ cho vài chiêu cho mau thành cá Kiếm. Heheeee…..
77.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 9, 2010 lúc 3:57 chiều
Có chút dỗi dằn của thầy đồ nhà ta. Khe…khe…Vui thật. Ai mà có kinh nghiệm kiếm vợ qua mạng cơ chứ. Nhưng kinh nghiệm khác(!) thì có.
Hy vọng luôn ở trong ta, nó ngự trong tư duy của ta. Kiếm sắc cũng của ta bác Trọc ui. Dùng nó thế nào là cách của mỗi người. Thầy đồ quá rành rồi.
Nhưng có chai rượu để cùng nhau uống thì còn gì bằng. Khe….khe….
78.
xuân hoà | Tháng Một 9, 2010 lúc 10:04 chiều
thầy đồ ơi-em thì chữ nghĩa ít,nên chả hiểu thầy có tí”dỗi dằn”gì bác TIẾN ko-nhưng em thấy những lời bác bác tiến bảo là quá xúc động đấy.CHÍ TÌNH
79.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 9, 2010 lúc 10:58 chiều
Khe…khe…anh em nhà Trọc gặp hạn rồi.
80.
Thầy đồ trọc | Tháng Một 12, 2010 lúc 12:25 sáng
Đại hạn ! Đại han ! Để tui kiếm thầy giải hạn. Heheee….
81.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 12, 2010 lúc 12:29 sáng
Không cần giải. Đại hạn chưa chắc đã đại…nguy. Tui có quý nhân phù trợ, lo gì.
82.
Small | Tháng Một 13, 2010 lúc 9:54 sáng
Bất cứ điều gì liên quan đến chiến tranh cũng khơi lại ký ức buồn và đau thương. “Sách cũ” cũng là một truyện ngắn phản ánh điều đó. Đọc truyện nào xong cũng suy tư một lúc…
“Sách nhưng không phải chỉ là sách mà còn là nơi những người ra đi để lại dấu vết..Là nơi ghi dấu ấn những ngày gian khó.Sách đã mang đến niềm vui, những phút an bình trong những ngày lửa đạn.. Những cuốn sách dường như cũng đã có tâm hồn, mang theo những gương mặt.
Chao ôi nếu mà là em em cũng không thể rời bỏ những cuốn sách đó!”
83.
Phạm Ngọc Tiến | Tháng Một 13, 2010 lúc 12:53 chiều
Đồng ý. Cuốn sách đó chính là gương mặt đồng đội.