Họ đã trở thành đàn ông ( Truyện ngắn)

Tháng Bảy 31, 2011 at 7:09 chiều 134 bình luận

Trời mưa tầm tã hoàn lưu bão đang ngồi soát lại tập truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông vừa tái bản. Thấy vân vi vì có một số lỗi chính tả mà chịu không còn cách sửa. Chợt con gái lớn vào bảo bố chuẩn bị cuối năm con cưới.

Thì cưới chứ sao con gái hai bốn tuổi rồi, ra trường rồi làm cô giáo rồi. Chợt khững lại khi trên tay là dòng mở đầu cái truyện ngắn này. Cô sinh viên Phạm Vân Ngọc trong truyện là tên con gái lúc đó mới 4 tuổi. Ra thế dạo đó mơ ước con mình sau này vào học khoa văn trường Tổng hợp nhưng lớn lên nó lại không chọn ngành văn và học trường Sư phạm. Truyện viết năm 1991. Bây giờ là 2011. Đã 20 năm. Chiến tranh lùi còn xa hơn thế. Và mình cũng bắt đầu già. Thấy xốn xang tâm trạng. Bất chợt nghĩ phải viết được cái gì đó về những ngày đã lùi xa kia. Phải viết. Post lại cái truyện ngắn mà mình thích nhất này dù nó đã có trong blog để khẳng định quyết tâm phải viết. Đây là lần cuối cùng cho đăng lại những cái gì đã cũ. Lần cuối cùng !

Họ đã trở thành đàn ông

I

Tiếng người dẫn chương trình rành rọt vang trên loa phóng thanh:

– Sinh viên năm thứ tư khoa Văn trường đại học X, Phạm Vân Ngọc với tham luận: “Sự hy sinh – Những giá trị đích thực của nó thông qua số phận người phụ nữ trong chiến tranh giữ nước.”.

Đã gần hết giờ buổi sáng của hội thảo khoa học sinh viên khoa Văn các trường đại học. Hội trường ồ lên – Lại chiến tranh, đây có phải văn đàn đâu, lật xới làm gì mảng hiện thực cũ mèm ấy – Rách việc thế, chiến tranh thì  can hệ gì đến hội thảo khoa học này – Mà biết quái gì về chiến tranh – Nữ sinh Vân Ngọc thoáng chút ngập ngừng. Rồi cô mạnh dạn từng bước một, đĩnh đạc tiến lên bục diễn đàn. Dáng vẻ dứt khoát ấy, cộng vào tà áo dài trắng tha thướt và một khuôn mặt đẹp dịu dàng, bất ngờ làm hội trường ồn ã ắng đi. Bằng giọng run run, cô trình bày quan điểm của mình dựa trên các luận cứ khoa học đã được thử thách và một loạt dẫn chứng minh họa. Tham luật rất ngắn. Thoạt đầu chẳng có gì đáng nói. Hội trường im lặng. Thứ im lặng miễn cưỡng và có phần thờ ơ. Vấn đề không mới. Sự hy sinh ấy thời gian đã nghiền ngẫm nó đầy đủ. Chỉ đến phần cuối cùng của tham luận, nữ sinh đặt vấn đề trên nền một dẫn chứng cá biệt, lạ lẫm thì hội trường hoàn toàn sôi động. Có mặt ở cuộc hội thảo, ngoại trừ số ít các nhà văn, nhà lý luận nghiên cứu và giảng dạy văn học, còn đa phần là sinh viên. Cô ta nói gì thế nhỉ? Hơn một nửa số người có mặt rầm lên phản đối. Tham luận kết thúc trong tiếng bàn tán, bất bình. Cô gái sững sờ. Mặt cô từ đỏ bừng chuyển sang trắng bệnh. Phản ứng mạnh mẽ và đột ngột của người nghe khiến cô chôn chân, chết lặng. Phải đến mấy giây cô mới bừng tỉnh được. Giọng nói ai đó căng như loạt liên thanh quất mạnh vào khuôn mặt đang ngơ ngác của cô: “Đảo lộn mọi giá trị. Không cần sự hy sinh nhơ nhuốc ấy. Điên!”. Cô gái rùng rùng người đổ sập xuống. Một tích tắc. Cô bật dậy cũng rất nhanh, ào chạy khỏi hội trường. Vấp. Ngã. Lại vấp. Hội trường ắng đi, ngột ngạt. Không đành được, tôi băng theo. Có một cái gì đó ào ụp trên khuôn mặt ngây thơ của cô gái. Cô lau thật nhanh những giọt nước mắt đang ứa ra. Khoảnh khắc. Giọng cô gấp gáp:

– Chú! Chú từng là người lính, từng cầm bút. Chú trả lời cháu đi. Chiến tranh đã lâu đâu sao mọi người quên nó nhanh đến vậy? Tại sao không chấp nhận sự hy sinh nhiều thua thiệt ấy? Đạo lý ư, chiến tranh mà, tại sao lại coi điều đó làm hoen ố chiến thắng? Trả lời cháu đi, kìa chú!

Im lặng.

– Cha cháu là một trong những người đã trở thành đàn ông khi đi qua cuộc đời cô ấy. Chú đã biết đến điều đó. Sao chú vẫn im lặng. Chú cần phải biết thêm điều này. Mỗi khi gặp khó khăn tưởng chừng phải gục ngã, bao giờ cha cháu cũng gượng dậy bằng được. Vì cái gì? Chính vì người đàn bà năm trước. Cho dù thời gian có qua đi, nhân cách của cô ấy không hề bị hoen ố.

Im lặng.

– Tại sao thế? Không! Không! Chú trả lời cháu đi. Đừng im lặng, chú. Cháu van chú. Sao? Chú nhẫn tâm thế. Độc ác!

Im lặng.

Tôi siết chặt tay cô gái. Bằng một sức mạnh của sự đổ vỡ, cô vằng khỏi tay tôi và vùng chạy thật nhanh. Tôi đứng lặng. Loa phóng thanh lại vang rành rọt:

– Sinh viên năm thứ tư trường đại học Z Nguyễn Trung Hiếu với tham luận: “Thi pháp ảo trong thơ điên của Hàn Mạc Tử”.

II

Năm ấy chị hai mươi tuổi và tròn một tuổi quân. Đó là quãng thời gian ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ. Binh trạm của chị nằm kề sát mặt trận. Những đoàn quân sau chặng dài hành quân mệt mỏi, nằm tập kết tại binh trạm để rồi tỏa đi khắp các hướng chiến trường. Chị là chiến sĩ quân lương. Kho của chị nằm giữa một cánh rừng đại ngàn. Tiếng là đại ngàn song bom đạn đã phát đi quang quẻ những tầng cây rậm rạp. Vào đến đây số chiến sĩ nữ như chị thật hiếm. Cả binh trạm vài trăm con người chỉ có dăm người là nữ. Duy nhất chị là người thành phố. Chị không đẹp – Đấy là chị tự đánh giá mình. Điều ấy đúng, nếu như chị vẫn còn ở thành phố quê hương. Nhưng ở đây, giữa hoang vắng của rừng rú, giữa nghiệt ngã của chiến tranh với vóc dáng thon thả, tóc đen mượt, nước da trắng của người thành phố lại chưa trải qua sốt rừng, chị là người đẹp nhất. Sát kho chị có một con suối. Nước lặng phắc, trong vắt. Suối không sâu nhìn thấy cả ánh vàng dưới đáy. Chị có thói quen tắm buổi sáng. Vì thói quen này chị bị phê bình là tiểu tư sản. Cái đó là tất nhiên đối với một chiến sĩ nữ là người thành phố. Chị có học. Văn khoa hẳn hoi. Dở đại học thì tình nguyện vào chiến trường.

Sáng ấy!

Hình như đã sang thu, trời lành lạnh. Mặt trời chưa lên. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt chị cũng bàng bạc. Tất cả bàng bạc một màu tinh khiết. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng ban mai trong trẻo. Không có chiến tranh, không có phiền não, không có ưu tư… Mọi thứ vào giờ khắc ấy, dường như bị đẩy lùi, tan biến. Chị khỏa nước thật nhẹ. Bỗng chị ngồi thụp xuống. Có tiếng soạt khẽ. Vút từ ngọn búi lồ ven suối một chú gà soạch thẳng vào rừng. Đã sáng. Chị từ từ xoay lưng lại. Linh cảm phụ nữ mách bảo có người đã trộm nhìn thân thể chị. Giọng nói trẻ xoáy vào hõm đá.

– Đẹp quá! Hệt như thần vệ nữ.

– Vệ nữ thì tao không biết nhưng hơn đứt bọn con gái quê tao.

– Mày nhìn trộm chúng nó à?

– Không, quê tao trai gái đều tắm chung cầu ao. Dưng mà không được trắng thế kia – Có tiếng thở dài.

– Lần đầu tiên tao được nhìn con gái rõ đến thế.

– Tao cũng vậy thôi.

– Tao chưa có người yêu đã đành. Còn mày, lẽ ra đã cưới trước khi đi B, tưởng mày phải biết?

– Mày ngu thế, dễ cứ yêu là lột trần con người ta ra được à? Đừng hòng! – Giọng nói trầm hẳn xuống – Nếu muốn, tao có thể đã biết được cô ấy. Tội nghiệp, cứ giục cưới, mày bảo mình đi biết bao giờ về. Con gái có thì, tao không muốn cô ấy cột vào mình, để phải đằng đẵng chờ đợi. Bom đạn thế này biết cái gì sẽ xảy ra. Tao nhất quyết không chịu cưới. Trước hôm đi, hai đứa dắt nhau ra đồng bãi ngồi đến sáng. Cô ấy tức tưởi khóc. Thương quá. Cô ấy bảo không cưới cũng được, cứ để lại cho cô ấy một đứa con. Chiến  tranh kéo dài bao lâu mặc kệ. Tiếng tăm, dư luận mặc kệ. Khổ thế nào cô ấy cũng chịu được. Cô sẽ nuôi con chờ đợi. Bao nhiêu năm cũng vẫn đợi. Thú thật, có giây phút tao đã xiêu lòng định tặc lưỡi. May kìm được. Chắc cô ấy sẽ hiểu. Sau này dù thế nào tao cũng nhất định tìm về cô ấy. Chỉ tiếc, có mệnh hệ gì…

– Suỵt, khẽ chữ. Ai nghe thấy được thì chết. Tao cũng đang định nói. Đất nước loạn lạc, mình thân trai xông pha mũi tên, hòn đạn là phải.

– Nhưng bom đạn biết đằng mù nào mà tránh. Tao ở thành phố, nhà không đến nỗi, lại được chiều chuộng, cái gì cũng biết cả. Hiềm một nỗi bây giờ có nằm xuống, mình tiếng là thằng trai lừng lững mà chưa được thành đàn ông, kể cũng tiếc.

– Thôi ra đi mày, lấy nước rồi còn về. Từ từ thôi kẻo lộ, ngượng chết.

Chị không bỏ sót lời nào. Mắt chị hút theo bóng hai người lính trẻ. Chị đã quên bẵng họ vừa trộm nhìn chị. Đối thoại vô tình của hai người lính tác động ghê gớm đến chị. Người chị ớn lạnh. Chị rùng mình. Sao nước suối bỗng dưng lại lạnh buốt thế này? Toàn thân run rẩy, chị bấu chặt vào gờ đá sắc cạnh. Chị nghiến răng, cố đẩy lùi cảm giác buốt tê tái đang dần chiếm cơ thể chị. Có thể thế được chăng? Tại sao chị lại không hiểu ra điều ấy. Anh ơi, linh hồn anh có phiêu bạt, lang thang ôm niềm tiếc nuối kia không? Chị thấy mình chới với. Không! Ngã xuống là chết. Chị vận hết sức gượng dậy. Lạnh quá. Người chị rùng rùng đón nhận trăm, nghìn mũi kim buốt giá đâm vào da thịt. Không biết bằng cách nào chị lên được đến bờ, mặc quần áo và lết về đơn vị. Chị ngã vật ra sạp hầm bất tỉnh.

*

*    *

Chị thấy tròng trành. Người chị nảy lên rồi giần xuống. Bom gì lạ thế. Thôi chết, sao người chị lại trôi đi thế này. Sập hầm rồi. Không phải. Chị đã bị sập hầm một lần. Chị vẫn còn nhớ. Ngạt lắm. Toàn thân bị chèn cứng. Tay chị bươn bả, quào, móc. Tất cả tối đen. Chị gắng sức gào thật to. Không được. Chị cố nghĩ đến một điều gì để dẹp nỗi sợ hãi. Mẹ chẳng hạn. Không, tội nghiệp lắm. Chắc chắn mẹ không thể chịu đựng được khi thấy cảnh này của chị. Bố vậy. Bố hy sinh ở Điện Biên. Chị chưa một lần biết mặt bố. Bộ đội hay nhỉ. Có dịp đáo qua nhà, gửi lại đứa con, rồi đi biền biệt không về. Không ổn. Bố lắc đầu: “Nhà có mỗi mình con, đừng chết!”. Tốt nhất là nghĩ đến điều khác. Anh. Đúng rồi, anh cũng chết trong một trận bom tọa độ. Bom đánh trúng hầm. Đồng đội vất vả mới đưa được xác anh lên mặt đất. Tay anh vẫn khư khư chiếc bút máy Trường Sơn chị tặng. Có lẽ lúc ấy anh đang miệt mài với trang bản thảo. Nghĩ đến đấy, chị bỗng thấy trời sáng lòe. Chị nhắm chặt mắt. Có tiếng người lao xao. Đồng đội ơi. Người chị nhẹ bẫng. Sống rồi. Chị òa khóc.

Ơ, sao người chị cứ trôi mãi thế này. à, chị đang đu quay ở công viên. Bị chóng mặt, sợ quá, chị thét lên gọi mẹ. Không phải mẹ. Mẹ không bao giờ vận áo trắng, mũ trắng. Tiếng ai đấy nhỉ? Lạ lắm: “Bốn mốt độ bốn. Mê sảng”. Bóng trắng nhòa đi. Chị trôi nhanh hơn. Hóa ra chị bị sốt. Đâu thế kia? Cầu Long Biên. Phải rồi. Vẫn còn khói bom khét lẹt. Cầu vừa mới bị bom bứng đi mất một nhịp giữa. Tiếng ai đó: “Trung đội khoa Văn đâu rồi? Nhanh lên. Văn với viếc các bố là chúa lề mề đấy”. Cháy. Rốc két bắn vào khu lao động Phúc Tân. Cháy ghê quá. Chị chạy ra mép sông. Xác một con đò vật vờ trên sóng, một cầu dềnh vào bãi cát. Chị chõ loa xuống mặt nước: “Có ai bị thương không?” Sông rền rền hú lại: “… Thương… Không…”. Chị bật cười. May, ai nhìn thấy thì chết. Đồng bào đang lâm nạn, mình lại cười, vô duyên thế. Anh vẫn mắng đùa chị vô duyên. Ghét mặt. Đi mà tìm duyên khác mặn mòi. Mẹ bảo: “Con gái vô tâm hay cười, sau này lấy chồng sẽ khổ.”. Mẹ ơi, thế thì con sẽ ở với mẹ suốt đời, lấy chồng làm gì cho khổ. Nhưng kệ, khổ mà được cười là tốt rồi mẹ ạ.

Chị vẫn trôi nhanh. Bây giờ có cảm giác chị bay thì đúng hơn, chị đã lên đến sân thượng. Anh đâu rồi, chậm thế. Ban nãy chị hỏi: “Có dám lên sân thượng chết cho tình yêu không?”. Trả lời: “Mai tớ đi B rồi. Sợ đếch”. Chị từ nơi trường sơ tán cố về kịp để tiễn anh. May quá còn trọn cả một đêm. Ngồi cạnh nhau, chị muốn tựa vào anh mà vẫn cố tình nhích xa thêm. Điệu thế mới là con gái. Anh hỏi: “Học khổ không?”. Vờ vẫn, ai chả biết vừa tốt nghiệp đã được bổ nhiệm làm phóng viên mặt trận. Đây mới là năm thứ ba. Thời gian nhanh lắm. “ờ nhanh, nào hôn đi”. Phải mọi khi xem, chị sẽ làm bộ giận. Còn hôm nay chị ngả hẳn vào người anh. Người đâu tham thế, ngạt quá. Còi hú. Mặc kệ. Còi lại hú. Báo động cấp ba rồi. Mặc kệ. Xoẹt trên đầu, sao nó bay thấp thế. Đạn cao xạ lừ lừ bay, nở đầy trời. Bom nổ, hắt lên những quầng sáng vàng vọt. Ngôi nhà tầng chao đảo. Anh áp thân thể che kín người chị: “Xuống nhé?”. Không, chị lại cồn cào tìm môi anh. Một loạt bom nữa, rất gần. Anh xô chị ngã xuống. Mảnh văng rào rào. Anh gằn giọng: “Thôi đi xuống. Nguy hiểm lắm”. “Anh sợ à?”. “Không. Anh lo cho em”. Chị lắc đầu. Giọng chị xa xôi. “Em muốn ở bên anh mãi mãi”. Lòng chị rộn ràng, chị siết chặt anh như muốn truyền cho anh tất cả những gì chị có. Tình yêu. Cả thành phố lửa cháy rừng rực. Sân gác thượng hồng lên. Bỗng chị thảng thốt:

– Không! Không được đâu anh.

– Anh yêu em!

– Đừng, đừng. Đó là điều thiêng liêng. Em không muốn nó xảy ra vào lúc thảm khốc này.

– Em yêu. Mai anh đi rồi. Vào lúc nào nữa?

– Bao giờ chiến thắng, anh về và cưới em.

– Nhưng bao giờ chiến thắng. Mười năm hay một trăm năm?

– Em không biết.

– Chả nhẽ chúng mình cứ phải đợi mãi?

– Đừng, đừng nói thế. Hãy tin em. Tình yêu của em.

Sau đó chị khóc rất lâu. Anh thầm thì xin lỗi. Không, anh không có lỗi gì cả. Chúng mình yêu nhau cơ mà. Em chỉ muốn…

Hừng đông đã rạng. Chị thấy thương anh vô cùng. Thành phố lúc ban mai trở nên yên tĩnh lạ thường. Dường như tất thảy những gì xảy ra trong đêm đều không phải là sự thật. Chị thấy tĩnh tâm trở lại. Anh cũng thế. Cái đêm đau đơn ấy của chiến tranh như đã lùi thật xa. Anh nồng nàn hôn chị. Chị hiểu rằng nỗi đau đớn chia ly bây giờ mới thực sự bắt đầu.

*

*     *

Trận sốt ác tính quật chị nằm hơn hai tháng trời tại bệnh viện của mặt trận. Bệnh tật tàn phá ghê gớm cơ thể chị. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm. Câu chuyện xảy ra bên bờ suối sáng ấy hằn vết vào tâm hồn chị. Chị nhớ lại ngày nhận được tin anh hy sinh. Chị đã nấc lên. Nấc nghẹn ngào mà không hề có nước mắt. Thì ra thế, nước mắt không thể dành cho những nỗi đau đến tận cùng. Anh ơi, đau đớn quá. Thời gian nào có xa, mới chỉ cách đêm chia tay không đầy ba tháng. Người chị rộc đi. Chị sụm xuống. Có lẽ những ngày ấy nếu không có mẹ, chắc hẳn chị đã hoàn toàn gục  đổ vì tuyệt vọng. Tấm lòng của người mẹ từng nếm trải đau đớn của mất mát, với nỗi cảm thông vô bờ, đã tỏa truyền hơi ấm, sưởi nóng trái tim, tưởng chừng đã lạnh băng của chị. Chị xin phép mẹ đặt ảnh anh lên bàn thờ bố. Rồi chị tình nguyện vào chiến trường. Mãi mãi chị biết ơn mẹ. Chiến tranh khốc liệt đã nhanh chóng cuốn chị vào guồng quay khổng lồ của nó. Chị hy vọng bằng trách nhiệm người lính, bằng thời gian chị sẽ phần nào nguôi ngoai nỗi đau đớn mất anh. Nhưng buổi sáng khắc nghiệt ấy đã tàn nhẫn quất mạnh vào vết thương của chị. Vết thương chưa kịp lành miệng lại bật ra tứa máu. Anh có thế không? Nếu linh hồn anh lang thang với niềm tiếc nuối kia thì chị quả là có tội. Sao đêm ấy, chị không dâng hiến tất cả sự trinh bạch của đời con gái cho anh? Sao lại không? Chị ân hận quá chừng.

Ý nghĩ ấy ám ảnh giày vò chị. Buổi rời viện về đơn vị, một mình trên con đường mòn xuyên rừng, nỗi ám ảnh ấy càng gia tăng khủng khiếp. Cứ mỗi bước đi, chị lại thấy anh ở đâu đó. Lần thì chị thấy anh thấp thoáng sau một gốc săng lẻ già. Tiếng anh thoảng trong gió: “Anh yêu em!”. Có lúc chị lại thấy anh bị treo lơ lửng giữa những tầng cây. Người anh đầy máu. Tiếng anh đứt quãng: “Bao giờ thì hòa bình hả em?”. Chị cố bước thật nhanh không dám trả lời. Trong hoang vắng của rừng, cái hoang vắng mà từ lâu chị đã quen thuộc không hề sợ hãi, nỗi ám ảnh ấy cứ lớn mãi, lớn mãi, giày vò chị không ngừng. Có lúc không đành được chị phải dừng lại. Vẫn anh, cánh tay băng bó và khuôn mặt đầm đìa máu, tay kia anh thả từng trang bản thảo. Gió tạt những tờ giấy về phía chị. Tiếng anh: “Đọc đi em. Nhật ký chiến trường đấy. Có em nửa phần trong ấy!”. Chị ôm lấy đầu. Chị không thấy sợ hãi. Càng tuyệt nhiên không thấy trống vắng, cô đơn. ý niệm cô đơn kể từ ngày anh mất đã không còn tồn tại trong chị. Chị dừng lại giản đơn vì thấy tủi thân quá. Chị òa khóc. Lẫn trong nước mắt, trong tiếng nấc nghẹn ngào, là âm thanh tức tưởi: “Nhưng tôi có tội tình gì?”. Không có ai trả lời chị. Chị khóc càng lớn. Nỗi tủi quạnh dâng đầy. Khóc chán chị lại đi. Bây giờ chẳng có ai dám dỗ dành chị cả. Mẹ ở xa quá. Chị đi đến bờ một con suối rất rộng. Trong veo. Chị ngắm mình dưới nước. Chị bàng hoàng không nhận ra nổi mình. Sau cơn sốt chị như già đi hàng chục tuổi. Chị thấy cả bóng anh bên cạnh, anh tư lự. Chị thảng thốt: “Anh chán em rồi sao?”. Thoắt cái bóng anh biến mất. Chị sợ hãi ngẩng tìm. Anh đã ở bên kia con suối. Tiếng anh xa rền: “Yêu em mãi đến ngàn năm”. Anh vừa dứt lời, nước suối bỗng réo ùng ục. Tiếng nổ rền rĩ phía thượng nguồn. Đất dưới chân chị rùng chuyển. Nước biến thành màu máu đỏ, ào lên. Thôi chết, lũ, lũ lớn. Chị quáng quàng quay trở lại. Nước bén gót. Chị bám vội vào một thân cây leo thật nhanh. Bỗng chị giật mình. Có tiếng người ở trên cao: “Đừng sợ, lính T10 đây. Chị ở kho binh trạm phải không? Lũ cường đấy, leo nhanh lên.”. Nước tiếp tục dâng  cao. Chị và người lính trẻ tìm được một chạc cây có thể nghỉ tàm tạm. Mưa tạt xối xả. Lẫn trong tiếng mưa, thoảng ầm ì tiếng động cơ máy bay C130. Tiếng ì ầm lặng dần. Phút chốc cánh rừng ngập nước bỗng rung bần bật. Uột… ù… ộ… uột… Đạn bốn mươi ly vãi tung tóe từng tràng. Chị nép người dưới chạc cây. Một loạt đạn nổ sát sạt. Mảnh cây cứng ráp bị đạn băm trúng, văng khắp người chị. Lại một loạt đạn nữa gần hơn. Người lính đẩy chị xuống, lấy thân mình đè lên che cho chị. Chạc cây chao động. Một quàng lửa lòe sáng. Mái tăng hai người vừa căng để che mưa bị bốc gọn. Thiếu chút nữa cả chị và người lính trẻ đã bị hất tung xuống nước. Hơi thở người con trai xa lạ phả nóng rực một bên tóc chị. Chị có cảm giác mình đang ở trên sân thượng đêm nào và nỗi ám ảnh anh ấy lại ùa đến. Chị đột ngột quyết định. Chị vít mạnh đầu chàng trai áp vào ngực mình. Thực ra ý định dâng hiến sự trinh bạch của chị đã mãnh liệt ngay từ loạt bắn đầu tiên của kẻ thù. Có lẽ không phải thế, ý định ấy đã đến với chị từ trước. Nó hình thành ngay từ buổi sớm hôm nào bên bờ suối. Chị không hề đắn đo. Còn đắn đo gì nữa, biết đâu chỉ trong khoảnh khắc cả chị và người lính sẽ không còn. Chàng trai trẻ thế. Không, em ơi hãy nhận một chút ít tâm hồn chị để trở thành người đàn ông chân chính, để đừng phải mang niềm nuối tiếc giản đơn kia, nếu chẳng may em vĩnh viễn ra đi từ cuộc chiến khốc liệt này.

Người lính thoáng chút ngỡ ngàng. Rồi anh chợt hiểu. Anh run rẩy áp thân thể thanh xuân của mình vào chị. Tràn ngập trong chị cảm giác hạnh phúc đến mãn nguyện. Chị nín thở cố giữ thật lâu niềm hạnh phúc ấy. Hạnh phúc ơi! Đấy là nỗi ám ảnh đã giày vò chị. Đấy là mất mát chia ly làm đau đớn chị. Đấy là niềm nuối tiếc trẻ trai, chị cần san sẻ. Đấy là sự dâng hiến của chị. Hạnh phúc. Dòng máu ấm, âm ỉ lan tỏa khắp thân thể chị. Nước bỗng rút. Mưa bỗng tạnh. Đạn ngừng nổ. Tiếng máy bay câm bặt. Thời gian ngừng trôi.

Chị hoàn toàn mãn nguyện. Sau này, khi có những chàng trai trẻ đi qua cuộc đời chị, trở thành đàn ông, chị vẫn vẹn nguyên được cảm giác mãn nguyện của lần đầu tiên dâng hiến. Người lính trẻ xúc động tràn nước mắt: “Chị, đời con gái của chị…”. Lúc ấy chị khe khẽ lắc đầu. Hình như chị đã mỉm cười. Chị âu yếm vuốt tóc người lính. “Đừng khóc em. Kìa nín đi. Đàn ông sao lại khóc.”. Chị thoáng thấy bóng anh. Mặt anh rạng rỡ. Nỗi ám ảnh nhẹ dần. Đúng là chị đã mỉm cười. “Suốt đời, không bao giờ em quên được chị!”. Chẳng cần phải thế đâu em. Chị hạnh phúc lắm rồi.

Cảm giác mãn nguyện của hạnh phúc làm chị vững tin. Vững tin đến lạ thường. Ngay cả lúc chị đứng trước cơn giận dữ của đồng đội đang kết tội chị, chị vẫn thấy lòng mình thanh thản. Chị im lặng đón nhận sự giận dữ tất yếu ấy.

Chị không một lời thanh minh. Thanh minh điều gì nữa. Mọi thứ đã rõ ràng. Chị thấy thương đồng đội của mình. Họ tốt quá. Họ vất vả vì chị. Chị biết ơn họ. Đồng đội ơi, tôi xin gánh chịu tất cả. Chỉ đến khi người ta lôi ra từ bồng của chị vài thứ kỷ vật nho nhỏ những người lính để lại khi chia tay, thì lòng chị thực sự cồn lên. Mặt chị tái đi. Bất giác chị đưa tay áp vào vùng bụng. ở đấy phát ra những nhịp thở mong manh, yếu ớt. Chiếc bút máy, tấm ảnh ghi dòng địa chỉ, một cánh bằng lăng ép khô, chiếc huy hiệu, cái lược từ xác máy bay, có cả một chiếc nhẫn bằng bạc để chị đeo kỵ gió… Từng khuôn mặt hiện lên. Họ đã trở thành đàn ông. Những người nào trong số ấy đã nằm xuống. Chị lảo đảo ôm chặt lấy bụng. Niềm hạnh phúc của chị đang quẫy đạp. Anh ơi, con của chúng mình…

*

*     *

À ơi, con ngủ cho ngoan.

Chị sẽ được làm mẹ. Vào những lúc một mình, chị khe khẽ hát bài ru con. Chị mong nó sẽ là con trai để được mang hình hài anh. “À ơi, con ngủ cho ngoan.”, câu hát ấy lần đầu tiên bật ra trong giây phút chị dâng hiến cho một người lính trẻ. Chẳng hiểu sao người lính ấy cứ mãi rúc khuôn mặt non tơ của mình vừa ngực chị. Chị thấy âm ấm vùng ngực. Có một dòng máu rần rật chuyển. Ngực chị cương lên. Chị thấy lòng ấm áp quá. Cảm giác lạ lùng lần đầu tiên òa đến khiến chị xao xuyến. Chị thấy thân thể mình lớn vút và hồn mình rộng ra, rộng mãi. Cõi lòng chị mênh mông, bao dung. Có một cái gì đấy nhè nhẹ, nhè nhẹ… động cựa nơi bụng chị. Cảm giác ấy rõ dần. Chị thấy váng vất. ý nghĩ về hạnh phúc được làm mẹ vụt đến lớn quá. Chị sẽ được làm mẹ! Và câu hát ru của ngàn đời, chẳng biết ký thác vào tâm hồn chị từ bao giờ, khoảnh khắc ấy bật ra, ngân nga: “À ơi, con ngủ cho ngoan.”. Cả chị, cả người đàn ông đang thiêm thiếp trên ngực chị đều sửng sốt, lặng đi trước lời ru dịu dàng của mẹ. Hạnh phúc. Chị sắp được làm mẹ.

Đêm nay, chị cố thức để khâu cho con bộ quần áo lọt lòng. Giá không có chập bom lúc nửa đêm hẳn chị đã hoàn tất công việc. Vừa khâu chị vừa khe khẽ hát. Chợt một bóng người lao vào hầm. Đèn pin lấp lóe rọi thẳng vào mặt chị. Chị giơ tay. Bộ quần áo bé xíu thành tấm chắn luồng sáng độc ác. Chị không lạ gì hắn. Người đó cùng đơn vị. Từ lâu hắn đã khát khao chị. Rất nhiều lần chị đã thẳng thừng cự tuyệt nỗi ô nhục ấy. Giọng hắn rít lên khác thường.

– Sao? Cô không biết gì à? Trận bom vừa rồi tám đồng chí của chúng ta đã trở thành liệt sĩ. Vậy mà cô vẫn thản nhiên chuẩn bị cái công việc nhơ nhuốc kia. Thật xấu hổ.

Chị đứng phắt dậy. Chị có thể bị nhục mạ, có thể mất mát tất cả và chịu đựng đến cùng. Song, chị không thể để đứa con của chị, đứa con của những người lính bị xúc phạm. Ánh đèn pin quét xuống ngực chị. Linh cảm chẳng lành, chị lùi lại, lấy tay che ngực. Khoảnh khắc của dục vọng. Người đàn ông sấn đến, hổn hển: “Tôi  đã giữ cô ở lại. Tôi đã bỏ qua cho cô tất cả. Hôm nay chúng ta sòng phẳng. Cô hãy cho tôi điều mà những người lính khác được làm.”. Một cảm giác kinh tởm ập đến. Làm sao chị có thể chấp nhận điều nhục nhã ấy. Chị đâu phải sống cho đam mê của bản thân mình. Giọng nói chị đau đớn, van vỉ: “Xin anh đừng làm thế. Đừng làm nhục đứa bé. Đừng làm nhục những người lính từng là cha của nó. Có thể trong số họ  đã có người nằm xuống. Xin hãy để linh hồn họ được thanh thản yên nghỉ…”. Chỉ kịp nói đến đây, chị bỗng thấy mình tối tăm mặt mũi. Chị bị quật xuống nền đất. Chị giãy giụa thật mạnh. Chị chồm dậy được cố nhoài tay với khẩu AK treo trên vách. Không kịp. Một lần nữa chị bị quật ngã. Lần này mạnh hơn. Chưa bao giờ chị phải gánh chịu đau đớn đến thế. Con ơi! Thế là hết. Mẹ không giữ được con rồi. Tha lỗi cho mẹ.

Chị bươn bả chạy khắp rừng. Trong đêm tối, không định hướng chị vẫn lần tìm được đến khúc suối dạo nọ. Ban mai. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt chị cũng bàng bạc. Tất cả một màu bàng bạc. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng hạnh phúc và khổ đau vừa nếm trải. Chị khỏa nước nhè nhẹ. Chị áp tay vào bụng và chị hát thật khẽ: “à ơi, con ngủ cho ngoan”. Chị thấy lòng mình ấm áp. Vào chính giây phút ấy. Chị hiểu rằng, linh hồn anh không hề lang thang với niềm tiếc nuối. Anh đã bình yên an nghỉ. Và họ, những người đàn ông đi qua cuộc đời chị, có ai trong số đó đã hy sinh vì tổ quốc, chắc chắn trước lúc vĩnh viễn ngã xuống họ đã nghĩ đến chị.

 

III

Khi tôi vào chiến trường, câu chuyện về người đàn bà ấy đã lan truyền khắp các hướng mặt trận như một huyền thoại.

Ở mặt trận phía Đông, người ta kể rằng, xác người đàn bà trôi dạt đến cuối nguồn. Không có một cỗ áo quan nào vừa thân thể chị. Phải hạ một cây dẻ to để lấy gỗ đóng hòm. Một trung đội công binh mất đến ngày trời mới hoàn thành nhiệm vụ. Đó là chiếc quan tài to nhất, xưa nay chưa từng có ở chiến trường.

Ở mặt trận phía Tây, người ta kể rằng, không biết bằng cách nào người đàn bà leo lên được và treo cổ chết trên ngọn cây chò lớn vài chục người ôm, cao đến trăm mét và sống đến ngàn năm có lẻ. Phải vất vả mới hạ được xác chị an toàn. Sau đó một hôm, không bom đạn, không gió, mưa, sấm, sét, bỗng dưng cây chò sập đổ. Trước đấy kể cả B52 cũng không đánh gục được nó.

Ở mặt trận phía Nam, người ta kể rằng, sớm ấy, bất thần bom tọa độ chụp xuống khúc suối. Xác chị văng thành ngàn, vạn mảnh. Sau đó khu rừng trở lên  tươi tốt kỳ lạ. Hoa lá, cỏ cây, chim choc chen chúc ríu rít. Bom đạn, chất độc tàn phá thế nào cũng không hủy diệt nổi.

Còn ở binh trạm, người ta xếp chị vào quân số mất tích. Không ai biết gì hơn về số phận của chị.

*

*    *

Tôi không có cách nào để trả lời cô gái. Có điều, tôi nghĩ rằng người đàn bà năm xưa hẳn phải có khuôn mặt dịu dàng, thánh thiện như cô sinh viên năm thứ tư này. Tôi đành câm lặng chịu lời kết tội là kẻ độc ác của cô gái. Duy nhất, tôi chỉ có thể làm được mỗi một việc là viết lại câu chuyện này để ít nhiều tôn trọng một sự thật. Quyền phán xét nó thuộc về bạn đọc./.

Hà Nội 1991

Entry filed under: Truyện ngắn.

Háo danh 2: Chào Bọ Lập Hà Nội Háo danh 3: Nguyễn Trọng Tạo và cái uy rượu

134 bình luận Add your own

  • 1. Thanh Chung  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:28 sáng

    Cám ơn anh Tiến đã làm tròn bổn phận của một người cầm bút đi qua cuộc chiến tranh.

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 8:30 sáng

      Cho đến giờ phút này dù vật đổi sao rời, quá nhiều thứ đã đổi thay, quá nhiều nối buồn thế cuộc thì tôi vẫn tin rằng mình còn là một người lính, xứng đáng là một người lính.

      Trả lời
  • 3. Văn Dũng  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 7:49 sáng

    Bố hy sinh,người yêu hy sinh,cô gái và cả đứa con của cô gái ấy với một người lính cũng chết.
    Chiến tranh?Nhưng không phải mọi cái chết đều có nguyên nhân từ chiến tranh.
    Đọc xong,thấy buồn chi lạ!

    Trả lời
    • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 8:35 sáng

      “Chiến tranh?Nhưng không phải mọi cái chết đều có nguyên nhân từ chiến tranh.
      Đọc xong,thấy buồn chi lạ!”
      Thế mới là chiến tranh bạn VD ạ.

      Trả lời
      • 5. Văn Dũng  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 9:25 sáng

        Tôi đã đọc một số truyện của Vũ Ngọc Tiến,đọc của Nguyễn Minh Châu,của Bảo Ninh…và bây giờ,thêm chuyện này của anh (Anh đừng “giận” vì lời nói thật của tôi ,rằng bây giờ mới đọc chuyện này,nha.Hì hì!).Không phải tôi nhớ gì chiến tranhđâu anh Tiến ạ.Tôi cũng khá thích đọc truyện về chiến tranh vì tôi cũng là lính,cũng có đi qua chiến tranh,ngắn ngủi thôi,nhưng cũng từng là lính chiến.(Tôi làm lính từ 9/ 1971 và ở Nam cho đến ngày giải phóng mới được về học lại).
        Nỗi buồn chiến tranh,tất nhiên rồi!Nhưng có nhiều nỗi buồn lại đến với người ta từ sau chiến tranh anh ạ.
        “Có lúc tôi ước rằng
        Mình như bao đồng đội
        Nằm lại ở chiến trường
        Thì Niềm tin còn mãi”
        (Tôi đã nghĩ nghĩ như thế sau khi đọc bài thơ”Chuyện nay ” của Nguyễn Huy Hoàng-LB Nga.)

        Trả lời
        • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 9:58 sáng

          Sao lại giận anh Văn Dũng ơi. Đọc, không đọc hay lần đầu có sao đâu, cảm ơn anh vì đã đọc. Anh từng là lính, đi trước tôi, cái anh nhấn nhá tôi hiểu. Và nói rõ rằng tôi viết từ tâm thế ấy. Truyện ngắn này mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngay khi in lần đầu trên báo Văn nghệ năm 1991, tôi đã bị phê phán nhiều. Có người in tập tiểu luận viết hẳn một bài dài chửi tôi là bắn súng lục vào quá khứ…Nhưng sau này có khá nhiều sinh viên, cử nhân sử dụng truyện ngắn làm bài luận. Nhiều hãng phim đặt vấn đề làm nhưng không thành vì lý do này khác. Anh đã chia sẻ đúng với những gì tôi gửi gắm trong truyện ngắn này.
          “Chiến tranh?Nhưng không phải mọi cái chết đều có nguyên nhân từ chiến tranh.” Đơn giản nó là một nỗi buồn riêng trong những nỗi buồn chiến tranh vậy thôi. Cảm ơn anh.

          Trả lời
          • 7. ha linh  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 4:23 chiều

            Thôi đừng buồn anh Tiến, anh Văn Dũng à, đành rằng hậu chiến có nhiều nỗi buồn, nhưng em nghĩ cũng là những vấn đề của cuộc sống cả thôi..
            dù sao trong đời sống cũng có nhiều thứ để tin yêu và tiến tới..
            cuộc đời đẹp lắm, như khi em đọc 2 còm của 2 anh trao đổi với nhau em cũng thấy đẹp: nỗi buồn của 2 anh không còn mang màu đen tối như người ta thường vận cho nỗi buồn mà em thấy long lanh tình cảm của những người đã từng là lính, là sự đồng cảm của người viết và bạn đọc, la tâm tư của những người sống trong đời..
            Những giây phút thế này cũng làm cho HL yêu thêm cuộc đời này và nghĩ sẽ sống sao cho thật đáng sống…

          • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 5:09 chiều

            Hà Linh xa quê nhưng lại đau đáu về nhân tình thế thái hơn cả người trong cuộc ( ko có ý Việt kiều trong ngoài cuộc gì đâu nhé). Và thật trong trẻo.
            “Những giây phút thế này cũng làm cho HL yêu thêm cuộc đời này và nghĩ sẽ sống sao cho thật đáng sống”.
            Viết ra được ý nghĩ như thế chắc chắn HL có một cuộc sống viên mãn, tràn ngập hạnh phúc.

          • 9. ha linh  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 6:52 sáng

            hì hì anh Tiến ơi, cũng có những lúc buồn tưởng không ngóc đầu lên được ấy chứ..nhưng cố mà vươn lên thôi!

          • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 7:03 sáng

            Buồn tưởng không ngóc đầu lên được nhưng vẫn ngóc nổi thế mới đạt được điều mình muốn chứ. Đúng không!

  • 11. zoe  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 8:55 sáng

    Khốc liệt. Đấy là chiến tranh. Ai đã đi qua chiến tranh mới hiêu bất cứ sự hy sinh nào trong chiến tranh đều cao quý và vô giá. Cảm ơn anh Tiến cho sống lại thời hào hùng ấy cho dù rất buồn, rất đau thương. Không ai được phép quên Đúng thế.

    Trả lời
    • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 9:23 sáng

      Không ai được phép quên. Đúng thế. Nhưng cũng vẫn phải cầu nguyện chiến tranh đừng đến. Giật mình sực nhớ đời mình sống phải trải qua vài cuộc chiến và bây giờ còn đang chẳng biết trước thế nào. Nhưng không hề nơm nớp zoe nhỉ.

      Trả lời
      • 13. ha linh  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:42 chiều

        anh Tiến& Zoe: em tin sẽ không có nữa đâu, ít nhất là trên đất nước mình!
        nhưng em ước người ta sẽ sống với nhau nhân văn hơn!

        Trả lời
        • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 3:07 chiều

          Ai cũng mong thế HL à. Cái đất nước mình khốn khổ vì chiến tranh. Nhưng nếu nó đến thì chắc chắn lại như dạo chống Mỹ thôi. Thôi chả nên nói những chuyện này làm gì. Mệt mỏi thêm.

          Trả lời
          • 15. ha linh  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 4:20 chiều

            khe khe nhất trí, nhất trí!
            Nói chung là tin ở tương lai mọi điều tốt đẹp!
            mà cứ nhìn những tình bạn đẹp đẽ của anh Tiến, tấm lòng của anh Tiến với bạn đọc là thấy ” còn sống, còn yêu” rùi anh Tiến nhẻ!

          • 16. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 4:27 chiều

            Cá nhân mình thì chẳng có vấn đề gì. Nhất trí là như thế. Cứ tin cứ tưởng cứ tương cứ lai cứ tốt cứ đẹp, còn nó như thế nào thì chấp nhận, phải chấp nhận. Khekhe….

  • 17. PTN  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:04 chiều

    Em luôn luôn khâm phục những người lính đã đi qua và bước ra từ cuộc chiến tranh.
    Rất thích đọc truyện ngắn của anh.
    Em đã copy về máy tính những truyện ngắn của anh, mi trang lại trên file word (cho đẹp theo ý mình), thậm chí in ra giấy A4 để nằm nhâm nhi đọc lại, xin anh thứ lỗi. Điều này lại có cái hay là em sửa được lỗi chính tả trong văn bản, em chúa ghét đọc bị sãn lỗi chính tả.

    Trả lời
    • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:17 chiều

      Tui chỉ bước có vài bước ngăn ngắn chiến tranh thôi vì sinh sau đẻ muộn. Khekhe….Cảm ơn vì đã thích truyện của tui. Ừ, đọc sạn thì tức lắm. Tiếc rằng sách của mình hay bị lỗi. Cái giống lỗi morat này mắt tác giả dù có soi kỹ thế nào vẫn mắc. Lạ thế.

      Trả lời
  • 19. PTN  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:06 chiều

    À, em lại còn treo blog của anh mà chưa xin phép nữa. Thật có lỗi với anh quá, nhưng chỉ là do thích đọc anh thôi, anh thông cảm nhé.

    Trả lời
    • 20. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:20 chiều

      Treo blog được mà, không sao đâu. PTN cứ thoải mái. Khekhe….

      Trả lời
  • 21. ha linh  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 2:41 chiều

    HIhihi chuyện ni đọc rồi, còm rồi anh Tiến hè!
    Nhớ mọi hôm bạn em có những suy nghĩ về những người lính trẻ bước vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, em copy cho bạn ấy xem những comment của em về truyện này…

    Trả lời
    • 22. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 3:10 chiều

      Ừ, HL còm nhiều về truyện này rồi. Tui post lại để kết thúc những cái cũ ấy mà. Cố gắng để viết cái mới. Già mất rồi.

      Trả lời
  • 23. ha linh  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 4:25 chiều

    Hình như đã sang thu, trời lành lạnh. Mặt trời chưa lên. Sương bàng bạc. Nước bàng bạc. Da thịt chị cũng bàng bạc. Tất cả bàng bạc một màu tinh khiết. Chị bất động giữa dòng suối như một pho tượng tạc vào thiên nhiên, im lặng tận hưởng đến cùng ban mai trong trẻo. Không có chiến tranh, không có phiền não, không có ưu tư… Mọi thứ vào giờ khắc ấy, dường như bị đẩy lùi, tan biến.
    ————–
    Cảm ơn anh Tiến nhiều nhiều về một đoạn văn thật đẹp về một con người thật cao cả!

    Trả lời
    • 24. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 5:11 chiều

      Đoạn văn đẹp à, tui tả cảnh kém lắm. Được khen sướng rêm (mượn ông Bọ từ rêm đắt giá). Khekhe….

      Trả lời
  • 25. phanthao_han  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 4:34 chiều

    Em vừa đọc xong “Đội gạo lên chùa”. Hôm nay đọc cả truyện này nữa. Đều chiến tranh. Đều thân phận trong chiến tranh. Em ko biết chiến tranh thì có phân biệt sai – đúng không, nhưng nó làm rõ ai là con người. Cơ mà, làm người như chị ấy – ng con gái trong truyện của anh, sao khốc liệt thế.
    À và, em thích cái chương III, câu chuyện ở các mặt trận. Nó thực.

    Lâu em ko vào đây, vào đc cũng do bác đưa link lên fb

    Trả lời
    • 26. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 5:02 chiều

      Chào PTH, khỏe không? Cái chuyện người hay không người rồi sai hay đúng quả là thế như PTH nói. Nó rõ ai là thế nào. Nhưng để được là người nhất là thời bây giờ, đắng chát làm sao.
      Chúc PTH mọi sự tốt đẹp nhé.

      Trả lời
  • 27. Thang VanTat  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 5:25 chiều

    Em đọc truyện ngắn này lâu rồi, Đọc lại vẫn xúc động mạnh. Em chờ tác phẩm mới của anh.

    Trả lời
    • 28. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 1, 2011 lúc 5:32 chiều

      Nó quá cũ kỹ rồi mà. Nhất trí là mới. Nhất trí là đợi.

      Trả lời
  • 29. Small  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 8:27 sáng

    Đọc chuyện về chiến tranh xong lúc nào cũng có cảm giác buồn và xót xa vô cùng.

    Trả lời
    • 30. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 9:03 sáng

      Hừm…thở dài.

      Trả lời
  • 31. Đồ Trọc  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 4:45 chiều

    Xin chào ông Ngoại 100% !
    Hỏi nhỏ tý, được không?
    Thiếu khoản Cồn thì ông Ngoại cho anh em tôi đọc cái gì mơi mới nhưng thật chua chát vào nha! 😆

    Trả lời
    • 32. phạm ngọc tiến  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 4:56 chiều

      Có thể hiểu lệch câu hỏi của ông Đồ nhưng vẫn nhất trí cái roẹt.

      Trả lời
  • 33. zoe  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 5:23 chiều

    Đúng là bác Đồ. Nói chỉ có đúng trở lên. Anh Tiến phải viết cái gì chua chua, cay cay, đắng đắng, băm trợn khốc liệt mới là anh Tiến. Đọc anh Tiến mà thấy dịu dàng, nhẹ nhàng, tức anh ách. Cảm giác như bị cưỡng bức chuyển giới lại còn thấy hơi đểu đểu. Hehe

    Trả lời
    • 34. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 10:05 sáng

      Zoe còm công nhận tinh nghịch!

      Trả lời
      • 35. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 10:16 sáng

        Nghịch và xỏ lá. Cứ thấy xuất hiện Zoe là tui thấy giần giật sống mũi. Khekhe….

        Trả lời
        • 36. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:37 sáng

          hay là anh nhờ Zoe tìm hộ hãng bảo hiểm mũi luôn! hihihi

          Trả lời
          • 37. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:49 sáng

            Mũi tui nhiều thịt, nhiểu sụn to đùng như củ tỏi tây khỏi cần bảo hiểm. Khekhe….

          • 38. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 1:09 chiều

            đây là đoạn văn miêu tả dở nhất trong năm khe khe khe!

          • 39. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 2:52 chiều

            Đối tượng miêu tả dở nhất trong đời chứ không phải trong năm. Khekhe….

  • 40. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 2, 2011 lúc 7:47 chiều

    Bật cười vì cái còm đểu vu cho người viết đểu. Zoe này toàn gợi cho tui trỗi lên cái bặm trợn cái khốc liệt thời trai trẻ. Hay thật.

    Trả lời
    • 41. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 10:06 sáng

      Đã thế hôm nào anh Tiến viết cho cái truyện thật chua, thật cay, thật đắng và đầy chông gai cho Zoe biết tay anh Tiến à!

      Trả lời
      • 42. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 10:14 sáng

        Món chua cay đắng chông gai là món tui ưa thích mà. Nhất trí cái roẹt.

        Trả lời
        • 43. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:36 sáng

          Khi nào xong bài đó, anh phải lưu ý Zoe mang găng tay mà gõ phím nhé!

          Trả lời
          • 44. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:50 sáng

            Nhất trí. Khekhekhe……….

  • 45. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:39 sáng

    Con gái có thì, tao không muốn cô ấy cột vào mình, để phải đằng đẵng chờ đợi. Bom đạn thế này biết cái gì sẽ xảy ra. Tao nhất quyết không chịu cưới. Trước hôm đi, hai đứa dắt nhau ra đồng bãi ngồi đến sáng. Cô ấy tức tưởi khóc. Thương quá. Cô ấy bảo không cưới cũng được, cứ để lại cho cô ấy một đứa con. Chiến tranh kéo dài bao lâu mặc kệ. Tiếng tăm, dư luận mặc kệ. Khổ thế nào cô ấy cũng chịu được. Cô sẽ nuôi con chờ đợi. Bao nhiêu năm cũng vẫn đợi.
    ———–
    đọc lại đoạn này thấy nổi da gà anh Tiến à…
    khốc liệt của chiến tranh không phải chỉ là bom rơi, đạn nổ mà chính là đây…

    Trả lời
    • 46. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 11:48 sáng

      Chính thế, là những điều tưởng rất nhỏ nhưng lại là bi kịch lớn có khi chỉ là một khoảnh khắc này thôi.

      Trả lời
  • 47. zoe  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 12:55 chiều

    Nhập gia tùy tục thôi HL ạ. Vào nhà ông Tiến mà dịu dang nhẹ nhàng khác gì hổ nói tiếng mèo. Còn vào nhà HL thì gầm làm sao được. HL thấy đúng ko?

    Trả lời
    • 48. ha linh  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 1:08 chiều

      HL trêu Zoe thôi Zoe ôi, đừng để ý nhé! HL rất thích những khía cạnh khác nhau thú vị vậy của Zoe.

      Trả lời
    • 49. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 2:54 chiều

      Nhập gia tùy tục thế này có khác gì hùm dùng nanh cáo.

      Trả lời
  • 50. zoe  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 4:48 chiều

    Không phải hùm cáo gì đâu, nái xề thôi. Mà là nái xề bị chuyển giới cách đây hơn 10 năm. Cũng ở Phụ sản HN. Cái này có thấy quen quen ko? He he. Buồn lắm ý

    Trả lời
    • 51. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 4:55 chiều

      Biết rồi, đoán được ngay rồi, không phải quảng cáo. Hỏi lão chồng về cái vụ ăn rau bà đẻ đen đủi ấy. Ngoài cái đám ấy ai biết được tên zoe.

      Trả lời
  • 52. zoe  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 5:20 chiều

    Anh Tiến ơi viết thêm một cái” Họ đã trở thành đàn ông” thời bình đi .Đề tài này chưa ai viết. Bảo đảm ăn khách . Xin lỗi ”Họ đã trở thành đàn ông” thời chiến. Hai cái nay chỉ giống nhau cái tên thôi. Không hề có ý phỉ bang nhé. Cũng là nỗi buồn chiến tranh đấy anh Tiến ạ. Chiến tranh giữa các vì sao. Cũng khốc liệt lắm. Giu đươc chủ quyền cũng phải có kinh nghiệm và bản lĩnh. Có kinh nghiệm gì xin phổ biến. Cảm ơn nhều

    Trả lời
    • 53. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 3, 2011 lúc 5:27 chiều

      Zoe này rắc rối lắm. Hồi trẻ trai tơ mít đặc người ta mới “chiến đấu” để trở thành đàn ông chứ. Cánh tui bây giờ già rồi. Bảo lão chồng chuẩn bị rượu đón cái truyện nhan đề thế này “Họ đã trở về thời trai trẻ!”. Lại mít đặc. Khekhe….

      Trả lời
  • 54. zoe  |  Tháng Tám 4, 2011 lúc 7:27 sáng

    Khuyến mại anh Tiên câu đâu và câu kêt ‘của truyên ” họ đaz trở thanh đàn ông” thời bình nhé”. Cach đây hơn 10 năm có 2 chiên sĩ nữ TNXP trở về từ mặt trận bảo tồn nòi giống. Họ đã phải chiến đấu dũng cảm với 2 lão chồng giặc. Nhưng trận chiến ác liệt, họ đaz phải bỏ lại ở BV PS một phần thân thể. Và ” Họ đã trở thành đàn ông” như thế.” Hehe. Hay ko?

    Trả lời
    • 55. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 4, 2011 lúc 8:09 sáng

      Biết rồi khổ lắm nói mãi. Nhưng còn lâu mới đàn ông nhé! Biết zoe tài giỏi rồi. Giữ được chủ quyền cũng phải có kinh nghiệm và bản lĩnh mà. Lão chồng giặc nó là người tử tế thôi. Đừng có huếnh. Khekhe…..

      Trả lời
    • 56. ha linh  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 9:13 sáng

      Zoe ơi, qua xem hình HL đi chơi về chụp lên đi Zoe!

      Trả lời
      • 57. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 9:26 sáng

        Trình độ vi tính của zoe có mà lần, vào bếp ko xong Hà Linh à.

        Trả lời
        • 58. ha linh  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 5:27 chiều

          hihihi nói chung là biết còm và re-còm là ổn rùi!
          em cũng mít đặc về IT!

          Trả lời
  • 59. Bùi Văn An  |  Tháng Tám 5, 2011 lúc 2:15 chiều

    Nè, CHÍCH CHÒE 3 đâu rồi, chắc đem chiên làm mồi nhậu rồi hả?đem chuyện người ta đã đọc từ thế kỷ trước lấp chỗ trống để trốn nợ hả?
    Kỳ tới phãi trả đó,không được xù đâu nhé.’

    Trả lời
    • 60. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 5, 2011 lúc 2:20 chiều

      Sắp có, sắp có là vì phải gấp rút trả nợ đời một món nợ viết lách để rảnh rang cho chuyến hành phương Nam nên tui phải xin khất. Cho đăng liền cái Háo danh 3 về ông Tạo và cái Chích chòe 3: Khát vọng của chim lồng. Lần này là chim. Chim thiệt chứ không phải chim cò tầm bậy đâu nha. Thông cảm cho tui chút. Cả đời mắc nợ chỉ chạy theo trả nợ. Khekhe….

      Trả lời
  • 61. Sim  |  Tháng Tám 7, 2011 lúc 1:24 chiều

    Sắp có “Háo danh” tiếp theo chưa chú ơi 😀

    Trả lời
  • 62. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 7, 2011 lúc 1:59 chiều

    Mấy ngày nữa Sim à.

    Trả lời
  • 63. manh hung  |  Tháng Tám 8, 2011 lúc 7:42 chiều

    doc xong chuyen nay cua tien , minh cu ngoi lang va buon nho lai mot thoi cua lop tuoi bon minh trong nhung thap nien cuoi 1968 dau 1970 tien a…
    nho nhung dem chia tay ban be nhap ngu sang mai len duong , bon minh cu di ca dem .. troi dem hanoi thanh vang va im lang boi moi nguoi so tan het roi , bon minh cu song voi nhau ma cha ai dung cham gi ma cu de gianh cho ngay tro ve … mo mong lam , co nhung nguoi ban minh nam xuong ma chua biet mui con gai … gio nay nam lai o noi dau …. buon lam .
    ngay nay nguoi ta song gap va hien thuc qua minh nhu nguoi xa la … cha le le song mot thoi va ca xuong mau cua bao nguoi nam xuong de hom nay van hoa xuong cap nhu hien nay chang …

    Trả lời
    • 64. ha linh  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 9:15 sáng

      anh Mạnh Hùng kính mến, anh Tiến có truyện Tiếng lá viết về những khoảnh khắc của một chàng trai Hà Nội sắp lên đường ra trận hay lắm, anh tìm đọc chắc sẽ rất thú vị, ấm lòng!

      Trả lời
  • 65. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 8, 2011 lúc 10:35 chiều

    Chia sẻ với bác. Mỗi thời mỗi khác bác Hùng ạ. Tiến kém bác vài tuổi, nhập ngũ sau bác vài bốn năm cũng như cùng thế hệ. Đêm Hà Nội trước những buổi chia tay mùa nào cũng vắng. Một nhóm bạn, một lứa đôi…cảm nhận ấy có lẽ theo ta đến hết đời. Bây giờ….nếu ta có nuối tiếc điều gì thì đó là ngậm ngùi cho những gì đang xảy đến chứ tuyệt nhiên không ân hận về những gì đã qua. Và đó chính là điều an ủi cho cái lớp người của bác, của Tiến. Cũng buồn nhưng so sánh chả để làm gì, suy cho cùng ai cũng sống, phải sống. Chúc bác khỏe.

    Trả lời
  • 66. zoe  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 12:04 chiều

    Ông Tiến loe này coi thường tui hử. Tui mà làm một phóng sự về ông kiểu VTV1 làm về anh Cù, thì ông chết nhé. Tui cứ khai thác vụ ông và các bạn ông ăn ” đặc sản” ở nhà ông Thamh là đã đủ cho các phan của chạy mất dép rồi

    Trả lời
    • 67. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 1:42 chiều

      Khekhe…Mụ Zoe ni bị chọc đúng chỗ ngứa nổi khùng rồi HL nè. Mụ đang dọa dẫm người chồng nhân dân, người cha ưu tú đây này. Khekhe….

      Trả lời
      • 68. ha linh  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 5:26 chiều

        Vụ ni thì nỏ phải bênh Zoe mô anh Tiến ơi, nhưng để chờ phóng sự ZoeTV ra xem sao đã nhé!

        Trả lời
        • 69. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 9, 2011 lúc 6:26 chiều

          Nhất trí cái roẹt. Phóng sự đó thì hãi hùng luôn. Khekhe…

          Trả lời
  • 70. ha linh  |  Tháng Tám 10, 2011 lúc 10:00 chiều

    Đề cập chuyện “Thức- Ngủ” thực ra mình không định lôi Cu Ba vào đây, cũng không có ý chê trách vợ chồng nhà chị Nga không biết cách sắp xếp “lịch sinh hoạt”. Chẳng qua nhìn tấm ảnh chị phát biểu “Cực lực lên án” nhân dịp bọn Tàu “Xâm phạm chủ quyền biển đảo” vừa qua thì thấy hình như chị bị thiếu ngủ. Áo xống xộc xệch, hếch hác. Thoạt nhìn mình nhớ đến chị Ba Sương.

    Thông cảm lắm, phụ nữ VN ta đảm đang nhất thế giới mà, chị Nga chắc cũng nhiều việc phải lo, biết đâu có đứa con đứa cháu nào đó đang chuẩn bị vào lớp 1, phải thức khuya đi nộp hồ sơ chẳng hạn…. Nói chung đã làm dân VN bất luận làm nghề gì thì ngoài chuyện ngày 8, 9 giờ lao động còn bị “hành” nhiều bởi bao nhiêu thứ không tên. Mười nếp nhăn xuất hiện thì tám là bởi những nguyên nhân ấy.

    Thế nhưng, có những nghề phải giữ nhan sắc, giữ phong độ. Nghề “phát ngôn” của chị Nga chắc chắn thuộc loại này. Mình không đánh giá cao nhan sắc chị Nga nhưng có những người như anh Tiến (Phạm ngọc) thì mê lắm, cứ chị Nga có ở kênh TV nào là anh bật lên ngồi nhìn như bị hớp hồn cho đến giây cuối. Chị nói gì anh ấy không quan tâm,lắm khi tắt tiếng TV luôn. Một phần do chị ấy nói gì ai cũng biết cả rồi, một phần sợ vợ ghen, nếu nghe thấy giọng chị Nga vang lên “cực lực” là vợ anh “Tỏ ý lo ngại” ngay.

    Vậy thì, chắc chắn hôm qua anh Tiến sẽ buồn lắm. Chị Nga nhà anh ấy nhìn bợt bạc, rũ rời.

    Số là Trung Quốc bất chấp bàn cờ phía Việt Nam tráo tướng đổi hậu, tân trang nghị trường, lại mang cá ươn từ biển Đông vào đặt trên bàn họp…. Chúng vẫn ngang nhiên mang cuốc xẻng vào đào xới trong vườn nhà của Việt Nam, như chỗ không người. Chị lại phải “lên tiếng”.

    Nhìn nhan sắc tàn tạ thế kia mà phải đứng trước ống kính “Thay mặt chính phủ và nhân dân VN” thì mình ngại ngùng quá đi. Cấp trên của chị, tuy hùng dũng sang trọng trước dân đen mà khép nép rụt rè e lệ trước bọn Tàu, nhưng chị còn đại diện nhân dân mà, thế thì phải mang được hào khí của những Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện…và cả vẻ kiêu sa hiêng ngang của Trịnh Kim Tiến nữa chứ.

    ———————
    hihihihi

    Trả lời
    • 71. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 10, 2011 lúc 10:14 chiều

      HL nhanh thế, anh Tiến mới vừa đọc xong bên Bọ Lập. Chết dở cái cu Dong này bức xúc chi lại lôi mình vào. Thấy bên fb bình loạn râm ran cả. Khekhe…

      Trả lời
      • 72. ha linh  |  Tháng Tám 11, 2011 lúc 12:30 chiều

        hihihi từ nay anh Tiến lại có huyền thoại tương tư chị Nga

        Trả lời
        • 73. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 11, 2011 lúc 1:25 chiều

          Khekhe…tương tư chả lo bị ai đánh thuế thì tội gì mà không.

          Trả lời
  • 74. zoe  |  Tháng Tám 11, 2011 lúc 1:06 chiều

    Đẹp như em Nga cũng chã để làm giề. Đẹp cỡ em Huyền hay em Kiều Anh thì cũng chỉ để ngắm. Hihi. Mời bà con đọc lại ”Vuốt râu hùm”.

    Trả lời
    • 75. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 11, 2011 lúc 1:27 chiều

      Mụ zoe này lắm chuyện quá. Không ngắm thì làm giề được. Đọc Vuốt râu hùm để làm giề?

      Trả lời
  • 76. manh hung  |  Tháng Tám 12, 2011 lúc 3:41 chiều

    tien oi hom nao hanh phuong nam thi tel cho minh dai ban bua ruou nhe , cam on da mail cho minh truyen ngan nay . chuc tien khoe nhu hum nhe

    Trả lời
  • 77. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 12, 2011 lúc 3:50 chiều

    Báo cáo bác em bệnh tật đầy mình khỏe như hùm làm sao được ạ. Vâng, vô đó có gì em sẽ kêu bác. Cảm ơn bác.

    Trả lời
    • 78. halinhnb  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 8:19 sáng

      khe khe khe anh nhà văn mô bị tiểu đường ấy nhẻ?

      Trả lời
      • 79. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 10:18 sáng

        Tui chữa khỏi tiệt bệnh rồi HL nha.

        Trả lời
        • 80. halinhnb  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 10:43 sáng

          Ua anh Tiến khỏi bệnh rồi à? Tin vui nhất trong ngày! Chúc mừng, chúc mừng..nhưng vẫn nên kiêng đồ ngọt đó nhà anh Tiến!

          Trả lời
          • 81. phạm ngọc tiến  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 2:04 chiều

            Xét nghiêm mọi thông số cực tốt luôn. Tât nhiên vẫn phải ăn uống đúng mực. Thế mới uống rươu lại được chớ. Lâu lâu lại phải đi xét nghiệm. Nói chung là đường ổn định. Y họ thì khẳng định tiểu đường là bệnh mãn ko chữa khỏi nhưng theo Thân học thì tui hết bệnh. Khekhe……

  • 82. halinhnb  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 8:19 sáng

    @ Zoe thân mến ơi: sang nhà HL xem cái hay lắm hihihi

    Trả lời
  • 83. Small  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 4:14 chiều

    Chú ơi, từ khi chú bận việc, ko chăm sóc blog nữa thì từ đó cháu ko còn thấy chị xuanhoa xuất hiện nữa chú à! có cách nào chú gọi chị ấy xuất hiện trở lại được ko chú?

    Trả lời
    • 84. phạm ngọc tiến  |  Tháng Tám 15, 2011 lúc 4:23 chiều

      Ừ, để chú kiểm tra xem, gay go nhỉ. Mất tích thì nguy hiểm quá.

      Trả lời
  • 85. Small  |  Tháng Tám 16, 2011 lúc 8:30 sáng

    Lần trước chú đã viết bài về đám cưới của con gái diễn viên Hồng Sơn, giờ chú ấy qua đời rồi, đau lòng quá! khi nào chú viết 1 entry về diễn viên này cho mọi người đọc và hiểu thêm về chú ấy với chú nhé!

    Trả lời
    • 86. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 16, 2011 lúc 5:37 chiều

      Rồi, để thư thư đã vì bây giờ các báo đang tập trung khai thác. Cuộc đời ông này nhiều thứ để viết lắm.

      Trả lời
      • 87. Small  |  Tháng Tám 18, 2011 lúc 8:53 sáng

        Cảm ơn chú! đợi bài viết của chú.

        Trả lời
        • 88. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 18, 2011 lúc 9:24 sáng

          Đám tang Hồng Sơn đông bạn bè đồng nghiệp đến đưa tiễn. Thôi, thế cũng là một cái kết chóng vánh. Tội cho người chết nhưng với hoàn cảnh ấy ốm lay lắt còn tội hơn nhiều.

          Trả lời
          • 89. halinhnb  |  Tháng Tám 18, 2011 lúc 10:26 chiều

            một kiếp người anh Tiến nhỉ?
            cuộc đời k biết thế nào…
            một dòng sông thôi chảy…

          • 90. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 18, 2011 lúc 11:11 chiều

            Một kiếp người chẳng biết thế nào mà lần. Vậy thì cứ sống cái của mình. Được vậy là quá ổn.

          • 91. halinhnb  |  Tháng Tám 20, 2011 lúc 8:16 sáng

            đúng vậy anh Tiến, một cuộc đời HL nghĩ sẽ như dòng sông trôi qua mọi thác ghềnh… giữ được cái của mình là của mình cũng không giản đơn..nhưng cố gắng anh Tiến hầy!

          • 92. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 25, 2011 lúc 12:01 chiều

            Dang di Ca Mau thuc te it ngay day HL a.

          • 93. halinhnb  |  Tháng Tám 26, 2011 lúc 1:40 chiều

            Anh Tiến, em thích Nam Bộ lắm!
            Chờ đón những tác phẩm của anh Tiến về mảnh đất và con người nơi đó!

          • 94. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 29, 2011 lúc 5:38 chiều

            Di thuc te de viet ma HL. Ong Bo chi dao.

  • 95. halinhnb  |  Tháng Tám 20, 2011 lúc 8:14 sáng

    A lô, a lố Zoe ơi, sang xem ảnh cho cuối tuần trong trẻo nhé!
    Xin lỗi anh Tiến suốt ngày hẹn hò với Zoe ở đây!
    Cuối tuần vui nhá anh Tiến!

    Trả lời
  • 96. Hà Công Trường  |  Tháng Tám 29, 2011 lúc 4:24 chiều

    Cháu là Hà Công Trường – sinh viên của thầy Hồ Thế Hà đây chú ạ. Cháu đã làm về tiểu thuyết Tàn đen đốm đỏ của chú đây.
    Cháu chúc chú luôn sức khỏe vui vẻ và hạnh phúc.

    Trả lời
    • 97. Pham Ngoc Tien  |  Tháng Tám 29, 2011 lúc 5:36 chiều

      Chuc chau vui khoe nhe!

      Trả lời
  • 98. Quý  |  Tháng Tám 31, 2011 lúc 8:43 sáng

    Chú ơi, cháu ở bên công ty sách Thái hà. Cháu vẫn thường xuyên vào đọc blog của chú, Cháu rất thích truyện dài Đợi mặt trời mọc của chú.

    Hiện nay bên cháu sắp xuất bản muột cuốn tạp văn của chú Nguyễn Quang Lập.

    Chú cho cháu xin email của chú, cháu muốn trao đổi với chú một số việc ạ.

    Cháu vô cùng cảm ơn chú.

    Email của cháu là: edit1@thaihabooks.com

    Cháu rất mong nhận được hồi âm sớm của chú.

    Trả lời
  • 100. binhboong  |  Tháng Chín 6, 2011 lúc 9:56 sáng

    Tình cờ và thật vui khi đọc lại truyện này. Lần trước đọc mấy lần nhưng trên báo Văn nghệ. Hồi đó đọc xong cứ thấy bồi hồi vì tính nhân văn cao cả của câu chuyện. Hôm nay mới biết tác giả là anh, xin cám ơn nhưng dòng văn đã mang đến những cảm xúc đẹp của cuộc đời chiến tranh khi nghĩ về nó. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn.

    Trả lời
    • 101. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 8, 2011 lúc 4:15 chiều

      Cảm ơn những lời đầy khích lệ. Có được những lời thế này không viết được gì thì thật đáng xấu hổ.

      Trả lời
  • 102. halinhnb  |  Tháng Chín 8, 2011 lúc 5:57 sáng

    anh Tiến đi thực tế lâu nhỉ?

    Trả lời
    • 103. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 8, 2011 lúc 4:17 chiều

      Hà Linh à, Anh Tiến đi đúng hai chục ngày về căn cứ ở Cà Mau của bến đón đoàn tàu không số năm xưa. Đi về thấy buồn vì một căn bệnh của ngày hôm nay: Sự lãng quên.

      Trả lời
      • 104. halinhnb  |  Tháng Chín 10, 2011 lúc 12:57 chiều

        nhớ câu chuyện về những cuốn sách của anh Tiến ….
        em nghĩ nhiều khi buồn buồn vì những giá trị đích thực của cuộc sống bị lãng quên, hay hạ thấp…những giá trị ảo lên ngôi..
        hôm qua xem cuốn tạp chí của Nhật…nghĩ về VN mình, người nghèo còn nhiều, đa số dân chúng còn lo ba bữa cơm chưa xong…mà một thiểu số người giàu tiêu xài sang nhất châu Á, những bộ cánh mây trăm triệu, những đôi giày có thể nuôi sống cả một gia đình nông dân mấy chục năm…giở báo chí ra có ai nghĩ dân mình còn nghèo đâu vì thấy ca ngợi những thứ phù phiếm mà chỉ có một số rất ít người có thể…

        Trả lời
        • 105. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 10, 2011 lúc 7:58 chiều

          Nghịch lý này giờ đã thống trị đất nước mình mất rồi. Chẳng cần sự công bằng của giá trị cào bằng nhưng cái hố sâu giàu nghèo lại không do nỗ lực lao động thế mới buồn.

          Trả lời
          • 106. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 2:54 chiều

            vâng buồn ở chỗ người ta không nâng cao giá trị của lao động thật sự-cội nguồn cho sự vững bền và những giá trị chân chính anh Tiến nhỉ?

      • 107. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 2:55 chiều

        đến những nơi đó chắc là buồn lắm phải không anh Tiến?

        Trả lời
        • 108. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 2:59 chiều

          em nhớ hồi năm ngoái về SG, đi ngang cửa hàng đồ hiệu Louis Vuitions, có mấy bác bán chè gánh ngồi chờ khách…em nghĩ với một số người thì cứ vươn tới đua ganh nhau đứt hơi với đồ hiệu đánh giá con người bằng những thứ sang trọng, phù phiếm…nhưng với đa số người lao động thì những thứ đó chẳng có ý nghĩa gì cả…
          và một người được chào đón bởi cái túi hàng hiệu, nếu vứt bỏ cái túi hàng hiệu đó đi…còn lại gì? một khung xương thịt!

          Trả lời
        • 109. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 3:03 chiều

          Người lao động thật sự giàu có ít lắm. Cái này ai cũng hiểu. Một bộ phận giàu có hiện nay ở Việt Nam là những người có chức quyền.
          Về vùng căn cứ cũ cảm giác chung là bâng khuâng và khâm phục thế hệ cha anh. Họ hy sinh quá nhiều: tuổi trẻ, gia đình, những nhu cầu cá nhân và cao hơn tất cả là mạng sống. Thấy buồn là vì nghĩ tới những điều đang xảy ra ở hiện tại.

          Trả lời
          • 110. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 8:06 chiều

            Chính bản thân anh Tiến cũng là một người lính tham gia chiến trận, tận mắt nhìn thấy những hy sinh đó..chắc hẳn đau xót lắm khi nhìn thấy những gì xảy ra..em nghĩ những người hưởng thụ sự giàu sang mà không do mồ hôi nước mắt đổ ra, hay nhân danh vì cộng đồng nhưng hưởng lợi riêng…thật là tội ác…họ gián tiếp phá vỡ niềm tin, sự công bằng, niềm hy vọng…
            em về VN nhìn thấy những bà hàng rau bán mớ rau kiếm vài chục vài trăm đồng lãi..rồi nghĩ đến những người lợi dụng vị trí của mình làm giàu trên mồ hôi nước mắt họ mà thấy buồn kinh khủng! chỉ tặng họ vài ngàn đồng tiền lẻ thôi mà đã đọc thấy cả một sự bất công to lớn…

          • 111. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 8:54 chiều

            Nói chuyện này chỉ còn biết thở dài.

  • 112. zoe  |  Tháng Chín 8, 2011 lúc 9:32 chiều

    Anh Tiến buồn thế thì có mà buồn tàn thu. Cứ nghĩ già lẫn như 2 xếp nhà mình cho khỏe. Bây giờ ai chả nhìn xa trông rộng. Người ta phải trông sang Tây, hoặc Tầu chứ ai vọng cổ hoài lang như anh em mình. Giu sức khỏe để viết , tụi tui còn có cái mà dòm ngó chứ. Lâu không viết lãng quên thật đấy

    Trả lời
    • 113. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 9, 2011 lúc 7:56 sáng

      Khekhe…vừa về hôm qua xong. Mệt rã rời. Zoe yên tâm giờ chỉ còn mỗi việc viết thôi mà.

      Trả lời
      • 114. halinhnb  |  Tháng Chín 10, 2011 lúc 12:59 chiều

        Gắng lên anh Tiến nhé…HL thấy anh Tiến là một người viết có tấm lòng thật sự với đời sống đó..chính vậy nên HL mới đọc nhiều..chứ nói thật em ít khi đọc của ta lắm…

        Trả lời
        • 115. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 10, 2011 lúc 7:56 chiều

          Khekhe…cảm ơn HL đã động viên. Sắp tới sẽ viết nhiều.

          Trả lời
          • 116. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 2:54 chiều

            dạ, anh viết đi rồi ….HL đọc!

          • 117. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 3:06 chiều

            Nhất trí cái roẹt.

          • 118. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 3:13 chiều

            Hà Linh à, đi chuyến rồi về anh Tiến sẽ viết cái kịch bản phim về Tàu không số. Thứ đó cần hơn là một cuốn tiểu thuyết. Sẽ là một kịch bản chiến tranh rất khó nhưng anh quyết tâm viết. Bởi anh đã gặp được những cộng sự giàu lòng yêu đất nước này. Họ cho anh nhiều cảm xúc về một thời đã qua. Anh thực sự trân trọng và cảm mến họ. Đang ngồi tập hợp tài liệu đây.
            Mai sẽ có cái Háo danh 3 về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

          • 119. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 8:08 chiều

            Vâng, anh Tiến cố gắng lên nhé! viết bằng trái tim của một người lính và tình yêu đất nước của một công dân trung trực và khả năng của một người viết kịch bản giàu kinh nghiệm nhé! em nghĩ đó là cách tưởng nhớ những người ra đi thực tế nhất..qua bộ phim hay vở kịch hy vọng thế hệ trẻ biết nhiểu hơn về hy sinh của cha ông, những người đã từng tham gia chiến tranh sẽ sống cho xứng với hy sinh của đồng đội…

      • 120. halinhnb  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 8:10 chiều

        Zoe ơi, hãy đợi đấy! anh Tiến viết thật hay cho Zoe biết tay anh Tiến nhỉ?
        mà nói vậy chớ có những fan thiệt tình như Zoe cũng ấm lòng anh Tiến nhẻ!

        Trả lời
        • 121. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 12, 2011 lúc 8:55 chiều

          Post cái Háo danh 3 về anh Tạo bây giờ đây.

          Trả lời
  • 122. Hoa Sưã  |  Tháng Chín 17, 2011 lúc 4:06 sáng

    Đọc xong, phải ngồi một lát cho qua cơn xúc đ̣ông mới nói với chủ nhà được.Cảm ơn anh Tiến rất nhiều.

    Trả lời
    • 123. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 17, 2011 lúc 8:12 sáng

      Khách sáo cũng được nhưng phải cảm ơn lời động viên này của Hoa Sữa.

      Trả lời
  • 124. cua đồng  |  Tháng Chín 24, 2011 lúc 10:42 chiều

    Kính chào bác Phạm Ngọc Tiến .
    Qua nhà bác đọc lén nhiều lần, hôm nay mới dám mở lời chào bác.
    Đọc truyện này của bác xong mà buồn, và có rất nhiều ý nghĩ trái ngược rất khó nói thành lời. Hy vọng sẽ còn được đọc ké của bác nhiều. Cám ơn bác.

    Trả lời
    • 125. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 24, 2011 lúc 11:06 chiều

      Cửa mở toang không mời được khách ly rượu thấy nhạt, hà cớ gì mà phải lén. Tui trân trọng mọi người vô nhà tôi bạn cua đồng à.

      Trả lời
  • 126. Bùi Văn An  |  Tháng Mười 4, 2011 lúc 5:08 chiều

    Bi hài kịch ở đây là do chiến tranh , nhưng một phần cũng tại “hủ tục” của một thời . những khe khắt về đạo đức, những quan niệm khuôn mẫu về quan hệ nam nữ, nhưng quy định nghiêm ngặt … để giữ gìn sự trong sáng như :Đặt vóng tránh thai phải có sự chấp thân của công đoàn(nếu là người nhà nước) , hoặc sự cho phép của ủy ban (nếu là dân ). Có nơi còn tặng nhẫn “chung thủy” cho vợ liệt sỹ……..Người ta đặt ra quy định trái với sự phát triển bình thường của đời sống con người. Vi phạm nó không toi mạng thì cũng bị dìm xuống bùn đen (ăn cơm trước kẻng ,lấy người mà tổ chức không đồng ý, Chưa nói đến quan hệ ngoaì luồng ,hoặc lấy thêm bà nữa……..
    Nhưng bấy giờ cũng đã có những người dũng cảm phá “luật” thể hiện qua câu ca ” mai ngày thống nhất nước nhà / áo nâu làm chị ,áo bà làm em”.Nhiều người chỉ theo tiếng gọi của trái tim ,bất chấp sự can thiệp nào từ bên ngoài hai trái tim ,chấp nhận rủi ro …..Họ phải chịu nhiều thiệt thòi đẻ đến với nhau.
    Anh Tiến viết truyện này vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước ,nghĩa là sau cởi trói một thời gian mà còn bị lôi thôi . Nếu viết sớm không “toi mạng” cũng bị treo bút suốt đời.
    Mong anh dũng cảm hơn trong những tác phẩm mới nhé.

    Trả lời
    • 127. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 4, 2011 lúc 11:04 chiều

      Bác An à, ngày xưa ở đường 559 rồi B2 những chuyện phá rào chỉ là cá biêt nhưng lác đác vẫn có. Ngay ở đơn vị mình cũng có. Nhưng ngày ấy những cá biệt không được nêu ra. Giờ được nói thì những chuyện ấy chỉ là bình thường. Ngày nay viết về những điều tai nghe mắt thấy cũng chả còn gì là dũng cảm như bác nói.
      Thôi thì viết về những gì mình thích vậy.

      Trả lời
  • 128. Bùi Văn An  |  Tháng Mười 23, 2011 lúc 8:31 chiều

    Ông nhà văn Tiến ơi,tôi nói dũng cảm là dũng cảm viết những cái “sẽ đúng” trong tương lai ,còn ở thì hiện tại nó đang bị cấm :có thể bằng văn bản ,có khi chỉ là một chỉ thị miệng,thậm chí một số đầu óc thủ cựu không chấp nhận . Còn chuyện đã xưa như trái đất tròn mà bác còn nhắc lại thì ai coi bác dũng cảm như Ga Li Ê được.
    Ngày nay có cái người ta coi là sai ,là đáng lên án là nhạy cảm không được viết ,không cho ai biết, không phổ biến ,nhưng sau này (không xa đâu )nó lại là chân lý đó,cần phổ biến rộng rãi ,cần nhân rộng như chuyện Bí Thư Tỉnh Ủy v. v.
    Chứ bác viết ba cái chuyện tình lãng mạn của thuở xưa ,bây chừ có ai dám cấm mà gọi là dũng cảm nữa.
    Chúc bác dũng cảm

    Trả lời
    • 129. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười 24, 2011 lúc 2:14 sáng

      Nhất trí cái roẹt. Cảm ơn bác.

      Trả lời
  • 130. tho ho  |  Tháng Mười Một 5, 2011 lúc 11:44 sáng

    Thua anh,
    Hom nay vao trang cua ThuyLinh roi moi link qua trang cua anh toi moi biet anh la nha van va la nguoi cong tac voi anh Tuan ( bua com co thit cho tre em vung cao).Doc xong bai nay toi thay man mac buon,chien tranh da qua lau roi nhung noi buon van con( nhat la sau chien tranh) , va co le khong bao gio cham dut.Toi nghi vay!
    Co mot su khong cong bang khi doc van cua anh ma khong phai mat tien de mua sach, mong mot ngay dep troi nao do co dip ve hanoi moi anh chen ruou de noi rang : Anh viet hay that.. Than ai

    Trả lời
    • 131. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 5, 2011 lúc 9:29 chiều

      Cảm ơn anh tho ho đã vào đọc. Vâng, hy vọng có một ngày đẹp trời nào đó ta gặp nhau.

      Trả lời
  • 132. Hà Thu Yến  |  Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 8:48 sáng

    Truyện của anh Khuôn đọc xong tháy gì đó lãng mạn, hoang dã rồi buồn rơi rụng…

    Trả lời
    • 133. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Mười Một 8, 2011 lúc 9:14 sáng

      Khuôn! Hay nhỉ. Cảm ơn Hà Thu Yến.

      Trả lời
  • 134. Kim Liên  |  Tháng Sáu 4, 2016 lúc 12:39 sáng

    Em đọc tác phẩm này của anh có lẽ là muộn lắm so với mọi người, chính xác là do thầy em giới thiệu… thế là lên mạng search rồi đọc luôn trên lớp, em là cái thành phần cuồng kiểu “review” anh ạ. em đang làm quen niệm nghệ thuật của em ý, hy vọng nếu có đi thi thì em cũng làm được kiểu “lên đồng” như khi đọc tác phẩm…

    Trả lời

Gửi phản hồi cho Phạm Ngọc Tiến Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Bảy 2011
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

CHÀO KHÁCH

free counters