Hoãn (truyện ngắn mini)

Tháng Tám 19, 2012 at 4:02 chiều 14 bình luận

Bão. Đủ mọi cơn bão đổ bộ vào dân tình. Bão xăng. Bão điện. Bão giá. Tóm lại là bão khủng hoảng kinh tế. Bão tội ác. Bão thiếu hụt lòng tin. Và bây giờ là bão Giời giáng xuống. Mưa. Ngập. Cây đổ. Tai nạn. Trăm thứ bà rằn. Tôi ngồi như thiền trước màn hình máy tính. Không vô cảm. Vô cảm thì mình còn ra cái giống gì nữa. Nhưng mà đọc cứ đọc. Và nghĩ.

Mèo. Tranh sơn dầu của Họa sĩ Đặng Trọng Tuân

Chợt vợ gọi giật. Luồng suy nghĩ bị tắt phụt. Có chuyện rồi. Nghiêm trọng lắm đây. Thường thì tôi sống như ma trong nhà. Lọ mọ, lụi hụi, hý hoáy, bất động một chỗ, đi lại huỳnh huỵch, ngược quy luật với cả nhà, chẳng giống ai. Và tất nhiên chẳng ai động đến mình. Cứ một mình một cõi lâu nay.

-Lương một tháng của ông là bao nhiêu?

Giật mình đánh thót. Có chuyện gì thế nhỉ. Chẳng bao giờ vợ hỏi lương của mình. Kể từ ngày cưới cách mấy chục năm. Lúng túng.

-Tôi không biết.

Là không biết thật. Có bao giờ lại nắm được lương ở bậc gì. Bao nhiêu một tháng. Đến kỳ người ta đổ lương vào thẻ. Tiền nhuận bút các nơi cũng đổ vào tất tật cái rọ đấy. Có tin nhắn báo nhưng đời còn bao nhiêu thứ việc phải làm hơi đâu mà để ý đến những thứ đã vào hom. Đã là của mình.

-Không biết cũng đúng thôi. Ông có phải lo lắng đời sống hàng ngày đâu mà biết.

Thế là thế nào. Đã đành nhiều năm nay mình chẳng bao giờ phải nghĩ đến miếng ăn cái mặc. Mọi thứ vợ lo. Chuyện ăn uống hàng ngày, tiền điện tiền nước, tiền học của con, tiền người giúp việc, tiền hiếu tiền hỷ, giỗ chạp, tết nhất…vợ đảm nhiệm. Nhưng bảo mình không lo lắng là chưa hẳn đúng. Những việc như sửa nhà, sắm sanh vật dụng chả mình lo thì còn ai vào đấy nữa. Nhưng thôi chẳng dây.

-Thế này nhé, bây giờ khó khăn, mình tôi không lo được cho cả nhà. Từ tháng này ông phải cùng tôi đảm nhiệm.

Thở phào. Tưởng gì. Cái món đóng góp hàng tháng đây chơi mãi rồi. Có thoát chỉ dăm bảy năm nay chứ mấy.

-Nhất trí cái roẹt.

-Không đơn giản thế đâu. Ông có biết nhà mình chi một tháng bao nhiêu không?

-Bao nhiêu thì bao nhiêu.

-Biết ngay mà. Thôi thế này. Từ bây giờ ông đứng ra làm thử trong vòng một tháng. Tự chịu trách nhiệm một mình điều hành. Cho nó biết. Rồi sau tính.

Tôi cười thoải mái. Xong béng. Yên tâm về ngồi lại trước màn hình. Khai mạc giải ngoại hạng Anh. Được lắm. Tối nay 21h Arsenal đá với Sunderland. Cái gì thế này. Thiên đường gái gọi…Nhảm nhí. Mấy tay chơi gái rồi về viết nhăng nhít kiếm bài nộp khoán và nhuận bút. Ngữ nhà báo này có muôn đời không thành tác giả. Thôi dẹp, viết cái truyện ngắn mi ni chủ nhật cho xong. Đang nghĩ viết gì thì chuông réo. Vẫn bình thản ngồi. Lại réo. Sốt ruột mò xuống. Cả nhà đi đâu hết thế này. Thì mở. Một chị áo mưa sùm sụp. Anh cho nộp tiền điện tháng 7. Bao nhiêu. Tròn mắt vì con số trên hóa đơn. Những gần 2 triệu. Nộp xong thong thả đi lên. Vừa sờ vào bàn phím lại chuông. Thói quen vẫn cứ ngồi lỳ. Nhưng không xong rồi. Đi xuống. Đã hơi bực bực.

-A nhà văn. Sắp Quốc khánh phường và cụm có cuộc…

Xua tay. Được rồi. Móc ví đưa luôn tờ 100 ngàn. Đi lên. Viết gì nhỉ. Tiếng khóc đời 2. Phải rồi. Con bé con nhiều chuyện hay lắm. Riêng cái đoạn vợ nằm dưỡng thai ở bệnh viện, vừa nhận phòng xong thì lọt vào con chim lợn đảo mấy chục vòng đủ khiến khối người lạnh xương sống. Thì viết. Chuông. Lại chuông. Quái cái nhà chị giúp việc đi đâu thế này. Cửa mở. Một ông to vật vã mặc đồ tu hành. Tay ông ta đưa ra tờ giấy ép plastic có triện đỏ. Mình đón lấy đọc. Một cái giấy giới thiệu quyên góp. Được thôi, đã đến tận cửa nhà, thật giả không cần biết, gọi là có chút lòng thành. Sờ túi, cái ví để quên mất trên bàn rồi. Lộn vào lấy tiền lúc đi ra thấy vị kia đã bỏ đi được một quãng đầu vẫn ngoái nhìn. Sao thế nhỉ. Mình có nói câu gì phạm thượng đâu. Đang phân vân thì chị giúp việc đi chợ về. Chị vừa dựng xe đạp vừa bảo, anh tiếp thế này có mà cả ngày mở cửa không hết việc. Nói ra thắc mắc thì chị tủm tỉm bảo, anh vào soi gương khắc biết. Mình lộn vào nhà. Trời đất, thì ra mình cũng diện bộ nâu sồng, một bạn vừa đi Hồng Kông về tặng. Bật cười. Chắc là ông vật vã kia thấy mình cũng trọc lốc, cũng tươm tất áo quần nên sợ vía bỏ đi chăng. Trăm phần trăm là sư giả. Thôi dẹp. Đang định đi lên để viết tiếp thì chị giúp việc bảo, anh xem tính cho em tiền chợ. Chợ nào. Thì chị bảo từ giờ anh thanh toán mà, đây anh xem đi, chị đưa cho em tuần trước ngần này tiền, để xem lại… Một quyển vở học sinh lật trang nào cũng đặc chữ, đặc số. Mất thì giờ quá, giọng đã hơi nằng nặng. Cô tính ra hết bao nhiêu, tôi không xem. Không, anh phải xem từng mục, đây này từ chỗ gạch ngang hết trang nhé. Từng ngày một em ghi kỹ. Cả thảy là tưng này. Mình ngó xem hoa hết cả mắt. Hệt như một bản chỉ dẫn địa đồ thời trung cổ. Phẩy tay. Không cần xem, dứt điểm thanh toán một lần chỗ cũ, từ hôm nay thanh toán theo ngày. Chị ta xệch mắt, lẩm nhẩm rồi nói như reo. Đúng rồi mắt anh kém đọc vở khó luận, đã theo ngày thì em viết lên trên bảng đọc cho rõ. Đang hứng viết nên gật ngay. Nhất trí cái roẹt. Ngồi lại vào bàn. Phím gõ rào rào: “Con gái thứ hai của tôi được sinh ra vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. Năm 1999. Nó ra đời bằng một cách rất khác thường, không hề giống với con chị…”. Giật bắn mình vì tiếng gọi. Quái có thấy chuông đâu nhỉ. Vẫn phải lật đật chạy hai bậc cầu thang một để tranh thủ xuống cho nhanh. Đập vào mắt tôi là chiếc bảng fooc mi ca treo ở tường dành để con gái lớn dạy con gái bé môn lý. Cái bảng đã kín đặc. Nét chữ loằng ngoằng xiêu vẹo nhưng rõ ràng vì nó to một cách rất hồn nhiên và sai chính tả khủng khiếp. Tôi lạnh hết lòng mề vì những gì ghi trên bảng:

+Tài chính ngày 18 tháng 8:

-thịt nợn mông xấn 5 nạng, dá ( giá tiền)…

-rau muống hai mớ dá…

-cà chua 7 nạng, dá…

-Lước mắm chin xu 1 chai dá…

-Lước rửa bát 1 can 3 nít dá…

-Sà phòng bột dặt máy, dá….

Tai tôi ù đi, mắt nảy đom đóm. Ký ức dạo nào bật về. Một lần đến ăn cơm mời ở một nhà chị bạn lớn tuổi cùng cơ quan. Đến bữa tôi chợt nhìn thấy cái bảng đen ghi phấn trắng từng khoản, từng mục chi tiêu hàng ngày. Có cả lời nhận xét chi thu thừa thiếu. Dạo đó kinh tế ẻo, phải phân chia từng bữa chấp nhận được nhưng bữa cỗ mời ấy tôi không tài nào nuốt nổi. Có cái gì đấy như sự nhẫn tâm khi ăn những món ngon phải chắt chiu từ những bữa ăn tùng tiệm của gia chủ. Bây giờ đến lân nhà mình. Chẳng túng bấn gì, tạm thời không được xông xênh nhưng còn tinh tươm chán vạn. Điều làm tôi bị xốc là vì chợt nghĩ đến cái trạm đón tiếp khách là nhà tôi. Khách của tôi nhiều lắm, bạn văn, bạn phim, bạn lính, bạn blog, bạn facebook, củ tỉ âm ti các loại bạn. Giống như tôi dạo nào, liệu họ có nuốt nổi khi nhìn vào tấm bảng tài chính kia mỗi khi đến đây tụ tập. Tất nhiên tôi thu xếp ổn thỏa cách thức làm chủ tài chính gia đình với chị giúp việc. Tôi phi tang những dòng chữ số nhân chứng trên bảng ngay tắp lự nhưng thấy có cái gì như sự mất mát. Đất nước đang rơi vào vòng xoáy kiệt quệ kinh tế chưa từng của ngót nghét cả thập niên nay. Nhà chẳng khá giả gì nhưng tôi biết mình còn có cơ để thoát khỏi. Nhưng còn biết bao nhiêu gia đình khác nghèo túng hơn nhiều, liệu họ làm thế nào vượt qua được giai đoạn cam go này. Mà vì sao cơ chứ. Bỗng thấy buồn bã oán giận vu vơ. Không thể viết thêm nổi một chữ ở cái truyện ngắn đang viết dở. Lại chuông. Lần này là một bạn văn tốt rượu. Thì uống.

++++

Sáng nay dậy sớm, tỉnh táo cố gắng viết để khỏi mang tiếng lỡ hẹn cái truyện định kỳ chủ nhật. Chịu. Đầu đặc như bí. Đành hoãn vậy. Vâng, xin hoãn lại một chủ nhật. Và tôi cho đăng cái lý do chính đáng này mong mọi người thông cảm. Nếu ai đó ưu ái vẫn coi đây là một cái truyện mini thì nhớ giùm tôi tên của nó là Hoãn. Chính xác. Hoãn! Khekhekhe…..

Hà Nội ngày 19/8/2012

PNT

 

 

 

Advertisement

Entry filed under: Truyện ngắn mini.

Khác (truyện ngắn mini) Thằng bạn tẫu (truyện ngắn chủ nhật)

14 bình luận Add your own

  • 1. toithichdoc  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 5:19 chiều

    Con gai di lay chong la do mot mieng an cho bac roi. Chuc bac luon luon can doi duoc thu chi. toi o Sinh, may khong co dau, chan qua.

    Trả lời
    • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 5:22 chiều

      Là bị cột vào trách nhiệm thôi chứ có vấn đề gì đâu. Chỉ không ngờ là khủng hoảng giáng ngay vào sọ thằng đàn ông giờ phải lo công việc bếp núc. Cũng hay. Khekhe….

      Trả lời
      • 3. Lai Tran Mai  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 9:32 chiều

        Khung hoang danh ca vao dan ong lan dan ba, chi tiec la nhung ke gay ra khung hoang khong nghi khung hoang lai danh ca vao nhung nguoi nhu bac. Tuong tuong mot nha van suot ngay loay hoay chuyen bep nuc nhu bac mo ta thi qua la mot su lang phi xot xa cho toan xa hoi vi biet bao nguoi dang mong cho nhung kich ban moi, nhung bo phim hay cua bac… Chac vo bac cung chi thu thach bac mot thang thoi de bac biet the nao la khung hoang duoi thoi cu Tong bi thu moi, va de bac co them tu lieu, cam xuc viet mot kich ban ve “Tong Bi thu thoi khung hoang”.

        Bac van sung suc lam, ngoi but van hay lam, nhung sao hay nghi den chuyen ve nguyen quan the. Khung hoang o ta la chuyen thuong ngay o huyen, ke chung no thoi. Cu yeu doi, mo theo trang va vo van cung may, de ngoi but vuon mai tren troi may… thi vo bac se lai gianh het chuyen bep nuc ve minh cho ma xem.

        Trả lời
        • 4. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 11:15 chiều

          Xem đá bóng dùng Ipad khó viết quá. cái vụ nguyên quán có mong chắc gì đã được toại nguyện. Còn đầy đọa nhiều. còn bị uống nhiều trận nữa Bạn LTM ơi.

          Trả lời
  • 5. vobaokhanh  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 10:29 chiều

    Đọc truyện của bác buồn cười quá, vừa buồn lại vừa cười! Hay là quay lại thời trăng thanh gió mát, cơm dưa cà pháo muối vừng để khỏi tốn tiền thịt cá; Quay lại với thú vui câu cá, xem sách để khỏi tốn tiền sắm TV, đầu máy; rồi còn biết bao tiện nghi khác : phương tiện đi lại, đồ gia dụng, phương tiện giải trí…ngốn biết bao thời gian và tiền bạc. Nhiều lúc chỉ muốn đi tu quách, rối trí quá bác ạ!!!

    Trả lời
    • 6. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 19, 2012 lúc 11:12 chiều

      chẳng nên bi quan thế bạn ơi. có nhiều cách tu. Tôi làm quản gia cũng là cách tu thân đấy. Để có trách nhiệm. Ít nhất là nghĩa vụ đóng góp. Khekhe….

      Trả lời
  • 7. JAS  |  Tháng Tám 20, 2012 lúc 10:29 sáng

    Sống giữa cơn bão giá, khi những người đàn ông cầm trịch chi tiêu mới thấy được nỗi dức đầu của các bà nội trợ.
    Anh Tiến check mail, xem cái cơm thịt Jas đề xuất có ổn không, cho Jas biết với nhé.

    Trả lời
  • 9. JAS  |  Tháng Tám 21, 2012 lúc 8:06 sáng

    Jas đã kiểm tra, có rồi, cảm ơn anh, thư bị ẩn đi làm Jas cứ nhấp nhỏm mãi. Jas sẽ trao đổi cụ thể thêm với anh Tuấn.

    Trả lời
  • 10. Hà Linh  |  Tháng Tám 22, 2012 lúc 7:46 sáng

    đọc truyện này thương mẹ em ngày xưa một suất lương hành chính còm cõi nuôi 3 mẹ con, thỉnh thoảng bố về, rồi bao nhiêu chuyện đối nội, đối ngoại trong đó. bởi vậy nên mẹ hình thành nếp chi tiêu tằn tiện thành thói quen không bỏ được mãi cả cuộc đời, dù bây giờ không còn phải khổ như xưa. Đến độ, có dịp mẹ em mua thuốc bổ, có thông tin chính thức thuốc đó độc hại ai mua phải bỏ đi, nhưng mẹ em không bỏ vì tiếc tiền mua rồi!!!
    Cầu vồng rực rỡ xa xôi lắm chỉ có những cơn bão trong đó có bão giá là thật, hiển hiện trong đời sống hàng ngày, rất thật! và biết đâu cái bão giá đó là nguồn cơn cho nhiều cơn bão khác.Có một câu thôi:” Bỗng thấy buồn bã oán giận vu vơ” nhưng có lẽ là điều muốn nói nhiều nhất trong truyện này.
    Vừa hay hôm qua em mang cuốn truyện ngắn đi tau, đọc đúng truyện” Cái mặt buồn của tôi” của Heinrich Boll( Đức).Một người đàn ông bị anh cảnh sát bắt anh hỏi tại sao bị bắt , cảnh sát trả lời:” Có dư thừa lý do, cái mặt ông buồn.”” Có một đạo luật bắt buộc ông phải tỏ ra hạnh phúc,” . Anh ngạc nhiên kêu lên:” Tôi hạnh phúc lắm chứ!”, hắn lắc đầu:” Nhưng cái mặt buồn.., “. Người đàn ông vi phạm luật hạnh phúc bắt buộc bởi anh mang bộ mặt buồn…
    Anh Tiến biết không? em nghĩ dân tộc mình luôn kiên cường, rất kiên cường bởi họ vẫn vươn lên sống bất khuất trong những gian khổ của cuộc sống, vượt lên những bất cập, bất công, những điều kiện không ưu đãi mà sống, mà vui….

    Trả lời
    • 11. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Tám 22, 2012 lúc 9:10 sáng

      “Cầu vồng rực rỡ xa xôi lắm chỉ có những cơn bão trong đó có bão giá là thật, hiển hiện trong đời sống hàng ngày, rất thật! và biết đâu cái bão giá đó là nguồn cơn cho nhiều cơn bão khác.Có một câu thôi:” Bỗng thấy buồn bã oán giận vu vơ” nhưng có lẽ là điều muốn nói nhiều nhất trong truyện này.”
      Không cần bình luận gì thêm. Cảm ơn Hà Linh rất hiểu anh Tiến.

      Trả lời
  • 12. lan  |  Tháng Tám 25, 2012 lúc 8:29 chiều

    Ha…h..a..”Cơm áo không đùa với túi thơ !”

    Trả lời
  • 13. hungthoa  |  Tháng Tám 26, 2012 lúc 11:30 sáng

    Bác Tiến ơi! đang chờ truyện cuối tuần.

    Trả lời

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Tám 2012
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

CHÀO KHÁCH

free counters

%d người thích bài này: