Gió làng Kình- 8

Tháng Chín 12, 2009 at 10:28 sáng 18 bình luận

Tập 8

1-Quán Lương. Khoái đi vào mặt tươi hơn hớn. Cương cường đang ngồi vội đứng bật dậy. Cường:

Thế nào?

Đang tươi, Khoái quắt mặt lại làm bộ:

Thánh họ, chúng mày hóa sướng chỉ mình tao là khốn nạn.

Cương dò hỏi:

Họ làm gì mà lâu thế?

-Còn làm gì nữa, họ quay tao như quay vịt. Thiếu nước chết.

Cương và Cường đều lo lắng ra mặt. Cường:

Bỏ bu rồi. Mày có khai ra chúng tao không?

Khoái làm bộ quan trọng:

Thân tao còn không nhận, khai thế đếch nào được chúng mày.

Hai thằng kia ngẩn ngơ rồi chợt hiểu. Cường khoái trá:

Giỏi, mày đáng mặt lắm. Gớm, tao lo xoăn cả ruột.

Khoái chợt nổi cáu thực sự:

Chỉ tao mới là chết. Thánh họ! Không phải tao thì chúng mày đứt rồi.

Cương nịnh bợ:

Đương nhiên là thế. Thôi coi như xong. Bây giờ uống mừng tai qua nạn khỏi.

Nghe thấy thế, Khoái đổi giận làm vui cười toét:

Đúng thế, làm một chầu cho nó khoái.

Cường băn khoăn:

Nhưng thằng nào chi?

Khoái vỗ bộp vào bụng dưới:

Tao chi! Thiếu đếch gì, tiền kệnh cả bìu đây này.

Vừa nói Khoái vừa lôi ra chiếc túi vải. Cương và Cường lồi mắt nhìn thán phục.

2-Nhà Bát buổi tối. Bát đang nói chuyện với ông Đình. Đình:

Xóm làng râm ran cả anh Bát ạ. Chỗ nào cũng bàn luận chuyện ngày mai.

Bát trầm tĩnh:

Anh thấy đám ông Khuếnh động tĩnh gì không.

Đình lắc đầu:

Tôi không thấy gì.

-Ông ta biểu hiện bề ngoài thế thôi. Con người này hẳn đang tìm cách đối phó.

Đình hỏi sang chuyện Dinh:

Sáng nay giải quyết vụ con Dinh thế nào rồi?

-Thằng Khoái quay ngoắt 180 độ không nhận.

Ông Đình phẫn nộ:

Cứ gô cổ lại là nhận hết.

Bát buồn bã:

Bên công an cũng muốn làm rõ nhưng tôi thấy không cần thiết. Dù gì cũng con cháu của mình thôi.

-Anh nương tay chúng nó càng lấn tới.

Giận là giận người táng tận lương tâm đứng sau nó.

Đình bực bội:

Vậy sao anh còn động lòng trắc ẩn?

Bát lắc đầu mặt buồn vô chừng:

Không phải vậy! Chuyện đánh thằng Bường chỉ là chuyện nhỏ, làm tới cũng vậy thôi. Tôi muốn tập trung vào những việc khác cần hơn.

Đình thở dài ra chiều thông cảm. Có tiếng xe máy rồi Dinh đi vào. Dinh chào ông Đình:

Cháu chào bác ạ!

Ông Đình chưa kịp trả lời Dinh đã tuôn ra một tràng bức xúc:

Anh Bường không đi thành phố nữa thầy ạ. Con khuyên thế nào cũng không được.

Bát không nói gì nhìn lên bầu trời đêm.

3-Buổi sáng, phiên chợ Đông tấp nập. Chỗ ba ri e, đám Khoái làm việc tất bật. Những người đi chợ tuần tự nộp tiền lệ phí chợ. Khoái đeo băng đỏ mới tinh nhắc Cử với Cương:

Hôm nay đoàn thanh tra về, cấm đứa nào được lỉnh. Không nghe là bỏ mẹ với ông Khuếnh đấy.

Cử làu nhàu:

Biết rồi, nhưng tao bảo thật chặn thế đếch nào được xe của họ.

-Không phải chặn mà là chỉ kiểm tra thị uy thôi. Mày điếc không nghe rõ à?

Mấy người dân đi chợ nhìn đám Khoái khó chịu. Chợt Khoái dừng lại. Cổn đang lững thững từ trong chợ ra. Khoái vẫy tay cộc lốc:

Ông Cổn!

Cổn nhìn nét mặt hằm hằm của Khoái cảnh giác:

Cậu Khoái có việc gì dạy bảo tôi đây.

Khoái ngó trước ngó sau dằn từng tiếng:

Ông giờ hồn đấy! Liệu mà kiếm việc khác đi.

-Nhưng tôi làm gì cậu?

Khoái chửi vuốt mặt:

Thánh họ ông! Hà cớ gì ông lại đi bẩm báo với xã nội tình của chợ Đông?

Cổn thanh minh:

Không phải thế, cậu hiểu lầm rồi. Không phải tôi báo cáo.

Khoái bỏ đi:

Hôm nay thằng này cho nợ hiểu không! Thánh họ!

Dưới gốc đa gần chợ, chỗ hàng nước ông Khiên còn sớm nhưng đã có mấy người tụ tập. Có cả người giong trâu ra đồng nhưng để trâu đứng đó vào hóng chuyện. Ông Khiên vừa rót nước, mồi thuốc vừa luôn miệng bình phẩm chuyện thanh tra:

Tôi nghe nói cánh xã làm quyết liệt lắm. Sẽ thu hồi lại đất, dân phải hoàn trả lại tiền. May mà nhà tôi chưa dám động đến một cắc nào.

Mấy người dân đều sốt ruột ra mặt. Một người:

Làm thế thì chết à? Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, đào đâu ra nữa mà hoàn với bồi.

Ông Khiên quan trọng:

Không có cũng phải xoáy cho ra mà trả. Đời nào họ chịu mất không cho mình.

Một người khác nổi cạu:

Tiền của họ đếch đâu mà mất không với chả mất khổng.

Một người khác:

Gì thì cũng là đất của mình, ừ thì cho là sai đi nhưng dụng lý thì cũng phải đì tình chứ. Bất quá như hồi đọng sản mấy năm trước là cùng chứ gì.

Ông Khiên như cố tình khích bác:

Ông nói ương chết đi được. Trên người ta nếu vị tình thì họ đã không làm ầm ĩ lên như thế này.

-Thế thì sao?

– Tôi hỏi các vị, mấy ông huyện xa tít mù tắp, lại bao nhiêu công to việc nhớn, ai người ta hoài hơi vác việc của mình. Chẳng qua…

Câu nói của ông Khiên tác dụng ngay. Vẫn người vừa rồi:

Đúng! Chẳng qua gà nhà bới móc nhau thôi. Nghĩ cũng cú thật. Đừng hòng tôi chịu việc này nhé.

Chợt mọi người dừng phắt, ngẩng lên nhìn. Chiếc loa truyền thanh vang lên. Tiếng của Bài:

A lô, a lô! Đây là đài truyền thanh làng Kình. Mời đồng bào nghe bản tin đặc biệt. Theo thông báo của uỷ ban xã, sáng hôm nay, đoàn thanh tra của huyện sẽ về làng Kình điều tra một số vấn đề, trong đó chủ yếu là xem xét việc chính quyền và nhân dân làng Kình đã cho thuê mảnh đất gần hai hec ta ở đồng Vực tiếp giáp với đường lộ liên tỉnh. Việc điều tra này do lãnh đạo xã trực tiếp đề nghị huyện tiến hành. Hiện có một số tin đồn thất thiệt xung quanh việc thanh, kiểm tra của huyện. Chúng tôi đề nghị nhân dân hết sức bình tĩnh, đoàn kết chống lại kẻ xấu, kiên quyết không để kẻ xấu lợi dụng làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của người dân làng Kình. Kết quả thanh tra chúng tôi sẽ thông tin sớm nhất để mọi người dân được biết và thực hiện. Thay mặt lãnh đạo thôn. Trưởng thôn Phạm văn Khuếnh.

Mặt mấy người dân căng thẳng hẳn. Ông Khiên chép miệng:

Thấy chưa? Tôi nói cấm có sai. Tình hình phải căng thế nào ông Khuếnh mới phải thông báo thế.

Một người nhíu mày:

Ông ấy nói đoàn kết chống lại kẻ xấu nghĩa là thế nào nhỉ. Mù mờ quá tôi không hiểu.

Ông Khiên nói chắc nịch:

Có gì mà không hiểu. Không muốn bị đòi tiền thì phải đoàn kết lại mà giữ chứ còn sao nữa. Nếu không thế thì cứ việc mở bẽm.

Những khuôn mặt tư lự phảng phất lo âu.

4-Tại trụ sở, Bài buông mi cơ rô:

Phát hai lần là đủ rồi bác ạ.

Khuếnh vẫn có vẻ không hài lòng:

Nói thực, câu chữ chú dùng có vẻ vẫn chưa rõ lắm. Đã góp ý nhưng chú cấm chịu nghe tôi.

-Bác này rõ thật, người khôn ăn nói ngập ngừng. Bây giờ cũng chưa rõ đầu cua, tai nheo ra sao ta cứ phải lấp lửng thế mới là khôn ngoan.

Khuếnh lắc đầu:

Tôi vẫn cứ là muốn mọi sự tách bạch rõ ràng.

Bài thuyết phục:

– Cốt nhất là ta đã khéo léo kêu gọi dân đoàn kết chống lại kẻ xấu. Thế là quá ổn, đám xã cũng khó mà bắt bẻ chúng ta.

Khuếnh thở dài:

Thôi được. Nói thật, tôi vẫn thấy lăn tăn nhưng thôi, dù gì chuyện cũng đã rồi.

-Mấy giờ thì đoàn huyện xuống hở bác?

-Họ báo làm việc buổi sáng. Từ huyện lại qua xã chắc cũng phải giữa buổi.

Bài thận trọng:

Tài liệu sổ sách, em và cô Đương đã chuẩn bị đầy đủ, bác cứ tùy cơ ứng biến thôi.

Khuếnh bồn chồn đi đi, lại lại, suy nghĩ căng thẳng. Chợt Khuếnh quay lại bên Bài, vỗ lên vai:

Có lẽ chỉ nên một mình tôi làm việc với họ thì tốt hơn.

Bài thăm dò:

Ý bác là…?

Khuếnh nói dứt khoát:

Chú với cô Đương tránh đi. Mình tôi là đủ.

-Nhỡ họ kiểm tra quỹ két thì sao ạ?

-Mặc họ. Tôi có cách của tôi. Đám trên huyện, tôi không lạ, cưỡi ngựa xem hoa thôi. Họ không có nhiều thời gian đâu.

-Vâng! Bác đã chủ kiến như vậy em xin tuân thủ.

Quay sang Đương đang ở góc làm việc của mình, Bài dắng dẻ:

Cô Đương chuẩn bị đi. Tôi với cô, nhân thể phải tránh mặt, ta lên thị xã làm việc luôn với công ty Sơn Phần khoản thanh toán tồn đọng.

Bài vừa nói vừa nháy mắt ra hiệu cho Đương. Khuếnh tinh mắt nhận thấy. Khuếnh cười nhạt:

Đúng đấy! Chú cứ báo cho ông Phần biết chuyện thanh tra để họ liệu đường khu xử.

Bài ngạc nhiên:

Sao lại thế ạ? Họ vốn đã nghi ngại chúng ta, để họ biết cụ thể tình hình, bác không sợ họ tháo lui hay sao?

-Tôi bao giờ cũng cầm đằng chuôi, chú khỏi lo.

-Em vẫn thấy ngại.

-Thằng Phần đâu phải loại ngô ngọng. Nó lại chả nắm chắc khừ mấy ông quan hàng tỉnh nên mới dám chơi trò tuốt dao như thế này.

Bài im lặng không nói thêm. Khuếnh giục:

Hai người đi đi. Tiện thể chú giúp tôi kiểm tra lại xem số đơn của ta hôm trước đã rải đủ chưa?

-Bác yên tâm.

Bài và Đương đi ra.

5-Nhà Tu. Tu nhìn ra chỗ xưởng mộc. Mấy người thợ đang miệt mài làm. Vợ Tu mang ấm nước lên cho Tu:

Thầy nó uống nước này.

Tu rót nước uống yên lặng không nói gì. Vợ Tu gặng:

Tôi thấy độ rày thầy nó không mấy quan tâm đến thợ.

Tu đặt chén nước ngước nhìn:

Cô nói gì?

Vợ Tu khẽ khàng:

Thầy nó cứ đi suốt buổi…

Tu gắt:

Sáng ngày ra đừng ám. Ông đang nhọc đây. Cấm, hiểu không.

Vợ Tu lảng sang chuyện khác:

Hôm nay có cuộc kiểm tra ông Khuếnh. Chuyện kia thầy nó định thế nào?

-Chuyện gì?

-Thì cái chuyện tiền đất ấy.

Tu bất đồ nổi xung:

Làm sao thế, ngộ gió à. Tiền, lúc nào cũng chỉ tiền.

-Thì thầy nó vẫn bảo để trả họ lấy lại đất là gì.

Tu đứng lên:

Cô thôi ngay đi. Cũng đừng nhắc đến lão Khuếnh mạt hạng ấy. Tiên sư nó, sáng ngày ra.

Tu đủng đỉnh ra khỏi nhà. Vợ Tu bất lực nhìn theo.

6-Sân ủy ban xã. Chiếc xe U oát đang nổ máy chuẩn bị lên đường. Ông Thập đi ra từ phòng Chuông cùng hai cán bộ khác. Chuông đi ra theo. Chuông nói với Thăng trưởng công an xã:

Cậu đi cùng xe với đoàn. Tôi sẽ xuống ngay.

Chiếc xe lăn bánh rời ủy ban. Chuông cùng với Bát dắt xe đạp. Chuông:

Ta đi anh Bát.

7-Ba ri e. Khoái nhìn chiếc xe từ phía xa đang tiến đến, phẩy tay với Cử và Cường:

Họ kia rồi, chuẩn bị chúng mày.

Cử và Cường đi ra. Cả bọn căng thẳng đứng dàn hàng ngang sau thanh tre chắn. Chiếc xe dừng lại, bấm còi. Khoái nhắc khẽ:

Kệ nó!

Trên xe, Thập sốt ruột:

Họ làm gì thế này.

Lái xe thò đầu ra nói:

-Đây là đoàn của huyện, yêu cầu mở chắn ba ri e.

Thoáng lúng túng nhưng đám Khoái vẫn ì ra. Khoái lại thì thầm:

Chúng mày cứ yên đấy, để tao.

Khoái tiến đến sát chiếc xe:

Chúng tôi được lệnh kiểm tra xe cộ vào làng. Đề nghị các anh cho kiểm tra giấy tờ.

Thập và mấy cán bộ huyện đi cùng chau mày khó chịu. Thăng mở cửa xe nhẩy xuống. Thăng gay gắt:

Ai có quyền ra lệnh đó?

Khoái thấy Thăng nhảy xuống đã hơi chùn, nay thấy Thăng căn vặn, bí quá lúng túng:

Thì…là…lệnh làng…lệnh làng…

-Lệnh ông Khuếnh phải không?

Khoái quay nhìn đồng bọn cầu cứu. Cương, Cử vẫn ì ra ở ba ri e. Thăng nói như quát:

Nhấc ba ri e lên.

Khoái đã mất phương hướng lắp bắp:

Không được…ông Khuếnh đã dặn…

Thăng nghiêm khắc:

Anh có dám không mở ba ri e chứ?

Khoái càng lúng túng:

Tôi…làm theo lệnh.

Thăng dằn giọng:

Anh đang làm việc vi phạm pháp luật đấy. Tôi nhắc lại. Anh có mở thanh chắn không?

Khoái đứng như hóa đá. Thăng quát:

Mở ra!

Khoái như bừng tỉnh hất hàm cho Cử và Cương. Cương vội nhấc thân tre lên. Thăng lên xe sập mạnh cửa. Chiếc xe đi qua ba ri e. Khoái chửi khi chiếc xe đã khuất dạng:

Thánh họ! Ra vẻ ta đây, thể nào cũng có ngày ông chần ra bã.

Cử bĩu môi:

Tinh tướng! Rặt hù dọa sau lưng. Trước mặt thì ngậm hột thị, ấp a ấp úng.

Khoái cáu gắt nhặng xị:

Mày giỏi sao lúc ấy không mở miệng?

-Thì cứ nói mẹ nó là lệnh ông Khuếnh cho xong. Đã phận con sâu, cái kiến lại cứ thích làm oai.

Khoái đuối lý, cố vớt vát:

Cũng tại cái thằng Cò. Thánh họ, nói chẳng rõ đầu rõ đuôi gì cả.

8-Chiếc xe U oát dừng trước trụ sở thôn, Chuông và Bát cũng vừa đến. Một số người dân đã kéo đến xem, trong đó có ông Khiên. Chuông dựng xe nói với mọi người:

Bà con về đi để đoàn thanh tra của huyện làm việc.

Ông Khiên đứng lẫn trong đám đông nói vống lên:

Biết là đoàn huyện nên dân chúng tôi mới phải đến xem.

Bát nói ôn tồn:

Có thế nào bà con hãy cứ giải tán đi đã. Không nên tập trung thế này, cấp trên họ nghĩ khác về chúng ta.

Một người nói to:

Họ nghĩ thế nào không quan trọng. Quan trọng là quyền lợi của dân làng Kình.

Đoàn cán bộ đã xuống xe, thấy tình hình thế chần chừ chưa đi vào trụ sở thôn. Bấy giờ, Khuếnh mới đi từ trong ra, niềm nở:

Để mời các anh vào trụ sở.

Khuếnh nhìn đám đông dân làng, thoáng hài lòng. Ông ta vỗ vỗ tay:

Tôi đề nghị bà con không nên tập trung đông người trước trụ sở. Đây là đoàn thanh tra của huyện.

Khuếnh ngừng lời nhìn lướt một lượt:

Bà con yên tâm, cấp nào thì cũng vì cuộc sống của người dân cả. Tôi xin đảm bảo với mọi người như vậy. Có gì tôi sẽ thông báo ngay.

Khuếnh thoáng hất hàm như ra hiệu cho đám ông Khiên. Đám đông từ từ lảng ra xa. Quay lại đoàn cán bộ, Khuếnh chìa tay rất kiểu cách:

Xin mời!

9-Một nhà nghỉ tại thị xã. Bài và Đương trong một phòng nghỉ. Hai người nằm bên nhau. Bài khoái trá vợt tay sang người Đương:

Giờ này, lão Khuếnh chắc đang bị quay tơi tả đây. Các cụ nhà mình nói cấm sai câu nào. Thằng còng làm thằng ngay ăn…

Đương hất tay Bài ra:

Rõ dơ! Ai còng, ai ngay, đừng vội tiểu nhân đắc chí.

Bài cười hì hì:

Chí ít cũng là hôm nay. Hồi sáng thấy lão bắt tôi với mình đi, sướng rơn như bắt được của. Đang thèm tứa nước miếng…

Đương bĩu môi:

Đồ dê già, chỉ thế là không ai bằng. Này, liệu mà đi đến công ty lão Phần kẻo không xong việc là ốm đòn đấy.

-Còn chó việc gì nữa. Tiền hoa hồng quan trọng nhất thì đã nằm trong túi mình.

-Nhưng lão khọm ấy đã dặn.

-Mấy khoản thanh toán kia lấy lúc nào chả được. Cứ để đấy câu dầm cho đọng việc. Thi thoảng lấy cớ đi chơi cho đã.

Đương véo tai Bài:

Đúng là loại giặc già có lõi. Trần đời chắc chỉ có ông là một. Tôi hỏi ông, bao giờ thì khoản kia mới được dùng? Ôm cả đống trong nhà có khác gì ôm bom nổ chậm.

Nghe vậy, Bài cau mặt:

Đúng là bom nổ chậm thật. Tôi đang tính nát óc không ra.

-Tính gì nữa, đằng nào thì cũng cầm tiền rồi. Mình quyết nhanh nhanh để tôi còn lo mấy việc.

-Việc gì cũng từ từ, ăn trước rồi bước không qua đâu.

-Nhưng anh ngại gì?

-Tất tần tật. Lão Khuếnh tôi cũng khiếp nhưng khiếp hơn là sợ đổ bể. Mà cơ sự này thì chẳng biết thế nào mà lần, hết xã lại đến huyện.

Đương thở sườn sượt:

Lại thế nữa, tôi neo vào anh tưởng là mất cái nọ thì được cái kia. Anh nói vậy, không khéo con này mất cả chì lẫn chài cũng nên.

Bài nổi quạu:

Chồng cô nó không chịu nổi cô cũng là phải. Đàn bà gì mà tai ác. Đang nỏ hết cả người, cô còn bơm xăng, mồi lửa.

-Chứ không à? Tay Thính vật tư huyện, năm lần bẩy lượt gạ cưới nhưng con này sài lắc.

-Thôi đi.

-Cũng chỉ vì những lời đường mật của anh. Mặc kệ đấy, mai tôi cứ trích một ít thay cái ti vi cho con bé xem.

Bài hạ giọng:

Vứt mẹ cái thằng Thính điếc ấy đi. Nó mà thơm tho cô đã vồ lấy nó từ lâu, chả phải mò về làng.

Đương lải nhải:

Không biết! Tôi cứ tiêu tiền đấy. Còn phải sửa nhà, sửa cửa nữa.

– Thôi đi cho tôi nhờ. Cá đã trong hom, lên chảo lúc nào chả xong. Sốt ruột!

Đương nguýt:

Vừa ngơi miệng kêu là đổ bể. Đàn ông đàn ang gì mà lắm lưỡi.

Bài vật người Đương:

Có chuyện gì, tôi với cô ôm tiền đờ la bùng, biến luôn khỏi làng, được chưa?

Đương cười khanh khách:

Vạch vôi vào mồm đấy nhé! Con này không ngán đâu.

Bài chồm lên người Đương.

10-Trụ sở thôn. Vẫn rải rác một số người đứng, ngồi gần trụ sở. Bên trong, không khí căng thẳng. Thập đang hỏi Khuếnh:

Mọi việc đã rõ ràng, ông Khuếnh cũng đã thừa nhận. Như vậy chúng ta cũng có thể kết thúc công việc.

Khuếnh không còn được vẻ bình tĩnh chủ động như ban đầu nữa:

Nhưng tôi muốn biết hướng xử lý của huyện?

Thập điềm tĩnh:

Việc này chúng tôi chưa thể công bố được ở đây.

Khuếnh càng nôn nóng:

Tại sao lại như vậy?

-Cái đó thuộc thẩm quyền của lãnh đạo huyện. Chúng tôi chỉ thanh tra kết luận sự việc và đề nghị hướng xử lý.

Khuếnh vã mồ hôi, im lặng ngẫm nghĩ giây lát rồi hạ giọng:

Cá nhân tôi không có chuyện gì. Nhưng như các anh thấy đấy, bà con đang nôn nóng muốn biết trên sẽ giải quyết sự việc thế nào.

Thập nói rành rọt:

Ông cứ việc giải thích cho bà con hiểu kết quả thanh tra hôm nay. Việc sử dụng đất canh tác nông nghiệp ngoài mục đích vì bất cứ lý do gì đều là sai phạm cần xử lý.

Khuếnh đột ngột thay đổi thái độ:

Nếu vậy, tôi không còn gì để nói với các anh nữa.

Vẫn là Thập:

Còn đấy! Việc ông không cho những người giúp việc đến làm việc với đoàn buộc chúng tôi phải hoãn lại một số hạng mục thanh tra.

Khuếnh ương ngạnh:

Tôi nghĩ việc anh Bài, cô Đương đến đây hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến ai cả.

-Có đấy! Chẳng hạn như việc kiểm tra quỹ, việc thanh quyết toán tài chính từ nguồn thu bất hợp pháp kia.

Khuếnh cố gân lên:

Những việc đó lúc nào tôi cũng sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu của các anh!

Thập quay sang mọi người:

Ta dừng ở đây thôi. Có những việc xã sẽ phải tiếp tục làm cho hoàn tất thủ tục.

Khuếnh im lặng không nói gì, mặt như hóa đá.

11-Quán Lương. Khoái đã lỉnh về quán. Lương hỏi:

Sao không đi giúp ông chú? Phen này thì nướng chả cả nút nhé!

Khoái vẫn hậm hực:

Thánh họ nó, trưởng công an là cái thá gì, phách lối, thể nào cũng có ngày.

Lương:

Ngày gì?

Khoái gãi đầu:

Tôi nói thằng cha Thăng, tôi sợ đếch gì nó.

Lương trề môi:

Thôi đi, chỉ được cái lỗ mồm là không ai bằng.. Chú cháu nhà ông chỉ giỏi bắt nạt người yếu, cứ phải để chính quyền họ trị cho mới trắng mắt.

Khoái vặn vẹo:

Nói gì thế?

-Không oan đâu. Cả một lũ đánh trộm người ta thì hay hớm gì.

Khoái bị bắt mạch nhưng cố cãi:

Nói linh tinh, tôi thèm vào làm những chuyện đó.

Lương cười giễu:

Đừng già mồm nữa. Bịp ai chứ bịp sao được con này.

Khoái cười kiểu thú nhận:

Chuyện, thế thằng này mới chết mê chết mệt.

Lương trừng mắt:

Thôi đi, tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Theo lão Khuếnh in ít thôi kẻo hối không kịp đâu.

Lương bỏ vào nhà trong. Khoái ngồi ngay đơ. Chợt cửa phòng hát mở ra. Tu vẫy tay:

Khoái, lấy cho tao cốc bia.

Cửa sập lại ngay. Khoái chửi:

Lấy cái thánh họ nhà mày.

Nói vậy nhưng Khoái vẫn đứng dậy.

12-Vẫn là trụ sở thôn, trời đã tối. Khuếnh cùng tổ bảo nông. Khuếnh:

Tình hình là thế đấy, giờ là lúc chúng ta phải tích cực hành động. Họ ép giải tán tổ bảo nông của chúng mày nhưng đừng hòng.

Đám Khoái ngồi im. Khuếnh chỉ thẳng vào Khoái:

Còn thằng Khoái. May mà mày kịp hiểu ra vấn đề nên thoát tội. Biết thế này, tao cũng chẳng cần phải nhúng tay vào làm gì.

Không một ai lên tiếng. Khuếnh vẫn đi lại lung tung:

Tức không thể chịu được. Dẫn đến tình hình ngày hôm nay, tất cả đều từ tay Bát mà ra hết. Được, đã thế lành làm gáo vỡ làm muôi.

Đám đàn em đã cảm nhận được trạng thái của Khuếnh bèn tranh nhau nói lấy lòng:

Đúng vậy, lành làm gáo vỡ làm muôi, cần cái gì chú cứ nói.

-Cái ông Bát thật không biết điều, bán đứng cả họ hàng.

-Biết thế này, hôm trước cho luôn thằng Bường tắm ao làng Kình.

Khuếnh vỗ vỗ tay ra hiệu cho đám kia im lặng:

Đủ rồi. Từ giờ tao cũng không nương tay thật.

Môi Khuếnh mím lại vô cùng nanh ác:

Không chỉ thằng Bường, tất cả đám thanh niên làng khác đến đây tìm hiểu gái làng, đứa nào không tử tế, chúng mày cứ  cảnh cáo cho tao.

Khoái phởn lên nói choang choác:

Chần cho chúng nó ra bã thì thôi.

Khuếnh mắng Khoái nhưng mặt rõ là hài lòng:

Cứ hấp ta hấp tấp, chả được cái việc gì ra hồn. Ai cũng như anh thì người ra bã là tôi chứ không phải chúng nó đâu.

Tất cả cười ầm lên. Khuếnh nghiêm mặt:

Chưa phải lúc phởn. Tóm lại tôi nói vậy các anh hiểu chưa?

Cả lũ nhao nhao:

Hiểu rồi ạ!

-Bác yên tâm đi, chúng cháu không làm bác thất vọng đâu.

-Chú cứ giao việc. Việc gì cháu cũng xong béng, thánh họ.

Khuếnh lim dim mắt nhìn đám đàn em. Cơn giận dữ hình như đã tan biến. Khuếnh nói giọng vỗ về thân tình:

Làm gì, tôi sẽ trao đổi cụ thể, nhiều việc đấy không ít đâu, chúng ta phải khuấy động cái làng Kình này lên, rồi thì muốn thanh gì, muốn tra gì cũng chấp.

Câu nói này khiến đám Khoái ngẩn ngơ không hiểu. Lại là Khoái:

Chú bảo gì ạ.

Khuếnh nhìn lướt một lượt:

Các anh sẽ hiểu thôi. Tôi muốn kẻ nào đi ngược lại lợi ích của chúng ta, kẻ ấy phải chịu hậu họa.

Đám tay chân Khuếnh trong cơn phấn khích reo ầm lên. Khuếnh hài lòng:

-Tôi biết các anh bấy nay vất vả, cũng phải có cái gì đó bù đắp xứng đáng. Anh Khoái đâu?

Khoái bật dậy:

Có cháu.

-Bây giờ, anh cầm trịch giúp tôi, đưa anh em ra quán cô Lương uống bia.

Cả bọn vỗ tay ầm ầm. Khuếnh phẩy tay:

Thôi đi đi, uống thoải mái nhé!

Cả bọn tản đi, Khoái nhẩy cầng cẫng:

Nhớ đấy, tao là người cầm trịch. Uống khố đái ra quần thì thôi hiểu chưa? Thánh họ!

13-Phòng chủ tịch xã. Ngày. chuông trao đổi với Thăng. Chuông:

Chắc phải vài ngày mới có thông tin từ huyện.

Thăng băn khoăn:

Còn việc của chúng ta? Tôi thấy sốt ruột anh ạ.

Chuông gật đầu:

Cứ làm thôi. Theo ý kiến của thanh tra huyện, ông cứ cho gọi Bài và Đương làm rõ việc tài chính.

Thăng vẫn băn khoăn:

Những thứ đó chỉ là những việc sổi. Tôi vẫn canh cánh nghĩ đến chuyện gốc của vấn đề.

Chuông có vẻ bực mình:

Ông thấy đấy, chúng ta chả làm hết sức rồi còn gì. Bây giờ buộc phải chờ chỉ đạo của huyện. đừng làm rối chuyện thêm nữa.

Thăng nhận thấy thái độ của Chuông, không bàn thêm nữa:

Vâng, tôi sẽ tiến hành ngay.

Chuông dặn dò Thăng:

Trong hai người đó, anh lưu ý giúp tôi tay Bài. Đó là một kẻ biến báo rất tài. Một người có thể đổi trắng thay đen trong tích tắc.

Thăng gật đầu:

Tôi không lạ gì anh ta cả. Anh cứ yên tâm.

Thăng đứng dậy. Chuông như hối vì bực mình vừa rồi:

Tôi căng thẳng quá, cậu đừng để bụng nhé!

Thăng không trả lời đi ra khỏi phòng.

14-Phòng chủ tịch huyện. Ông Thập thanh tra đang báo cáo:

Tôi nghĩ là tình hình dưới đó rất căng anh ạ. Tay Khuếnh không phải loại vừa. Thái độ của ông ta có vẻ bất cần.

-Nhưng ông ta đã thừa nhận khuyết điểm đấy thôi.

-Vâng, cũng bởi ông ta không có cách nào khác. Không thừa nhận không được.

Chủ tịch huyện cầm biên bản thanh tra đọc lại, nhíu mày:

Cái tay này thật không ra làm sao cả. Việc động trời như vậy mà làm cứ như không, xem thường phép nước đến thế là cùng.

Thập đắn đo:

Việc sai đúng không còn gì phải bàn anh ạ. Cái khó là cách xử lý. Mấy hôm nay tôi cứ phân vân mãi.

Chủ tịch huyện đặt biên bản xuống:

Sai thì phải sửa, có gì mà vân vi.

-Không đơn giản thế đâu. Nếu chỉ là việc bán đất, thuê đất thì đành một nhẽ. Đằng này ông ta khôn ngoan hơn nhiều.

-Anh nói rõ xem sao?

-Tôi muốn nói đến việc sử dụng số tiền trái phép đó. Ông Khuếnh đã chia cho tất cả các hộ dân co đất. Một số tiền lớn đã nằm trong dân.

-Thì sao? Việc này xã đã báo cáo.

-Khó có thể thu hồi được. Nếu là tập thể, hay số hộ ít thì khả dĩ, đằng này gần như cả làng đã nhận tiền. Chính mắt tôi đã chứng kiến dân đến tận trụ sở định chất vấn đoàn thanh tra.

Chủ tịch huyện lắc đầu:

Hỏng quá, hỏng quá, mấy tay chủ chốt dưới Kình Hợp làm ăn ấm ớ thế này thì chết thật.

-Cũng không trách được họ anh ạ.

– Hôm trước tôi đã quán triệt kỹ. Ông nói đúng đấy, thu hồi rất khó.

Thập vẫn băn khoăn:

Tôi đã cử cán bộ xác minh. Người mua đất là công ty Sơn Phần.

Chủ tịch huyện quan tâm:

Sơn Phần à?

-Vâng! Đó là một công ty con cưng của tỉnh. Chính xác là mua chứ không phải thuê như hợp đồng tay Khuếnh trưng ra cho tôi xem đâu ạ.

Chủ tịch huyện băn khoăn:

Khó thật chứ chả bỡn. Cậu Phần được lòng các cụ trên tỉnh lắm. Như thế là có dấu hiệu nhập nhằng trong việc mua bán.

-Đúng như thế ạ.

– Vậy hướng xử lý của ông thế nào?

Ngập ngừng đôi chút, Thập nói một cách cương quyết:

Tôi nghĩ ta không thể làm khác vì ngoại lệ này được. Phải thu hồi lại đất mua bán trái phép và xử lý nghiêm cá nhân nào vi phạm. Tùy mức độ, thậm chí phải xử lý bằng pháp luật.

Chủ tịch huyện gật gù:

Ông làm thế là hết trách nhiệm. Đúng, việc tưởng nhỏ nhưng bây giờ thì không phải là nhỏ nữa. Tôi sẽ trao đổi trong thường vụ. Phải xử lý thôi.

Chợt có chuông điện thoại. Chủ tịch huyện nghe máy:

Vâng! Vâng! Tôi đây ạ! Thế ạ. Kình Hợp? Vâng! Vâng, tôi hiểu rồi.

Chủ tịch huyện đặt máy ngồi thừ ra. Thập ái ngại:

Có chuyện gì vậy anh?

Chủ tịch huyện chán nản:

Vẫn chuyện làng Kình.

Thập không hỏi thêm. Chủ tịch huyện nói nhưng lại nghĩ tận đâu đâu:

Đích thân chủ tịch tỉnh gọi cho tôi. Trên đó nhận được một loạt đơn kiện của dân làng Kình.

Đến lượt Thập ngẩn ra:

Hôm trước thì kiện lên huyện. Giờ đến cấp tỉnh. Không còn ra làm sao nữa.

-Chưa chừng họ còn kiện lên cao nữa. Vẫn là cái tay Khuếnh đó thôi. Hôm trước ông nhận định rất đúng.

Thập dò hỏi:

Bây giờ anh định thế nào?

Chủ tịch huyện ngao ngán lắc đầu:

Thôi được rồi, cứ biết thế đã. Có gì tôi sẽ trao đổi thêm với anh.

15-Khuếnh mò đến nhà Bài. Bài ngạc nhiên:

Em lên xã đây. Chắc là bác còn muốn dặn dò em thêm điều gì.

Khuếnh gật đầu:

Tôi chưa thật sự an tâm lắm. Hôm qua họ đã quay cô Đương như quay chong chóng.

Khiếp, bác nói làm em rùng mình, rủn cả lông măng.

Khuếnh cười xệch cả miệng:

Chú vui tính đáo để. Già cóc đế thế kia thì còn đào đếch đâu ra lông măng.

Bài đùa:

Em đang hồi xuân mà bác.

-Kể cũng hay đấy, vào lúc cam go chú còn đùa tếu được, thật  đáng bậc mày râu, chả trách chú đào hoa là phải.

Bài lắc đầu:

Bác mới đáng mặt, cà cuống thế này bác vẫn không quên móc máy. Em thật lòng vái bác cả nón.

Khuếnh đanh mặt lại:

Thôi không đùa nữa. Tôi thông báo tình hình cô Đương để chú nắm được, liệu bề khu xử. Mà tôi nói có thừa không nhỉ?

-Bác lại thế rồi.

-Tôi xin lỗi, già cả lẩm cẩm chú thông cảm. Hôm qua đám xã đã kiểm tra két, sổ sách thu chi. Nói chung là không có vấn đề gì lớn.

Bài thoáng giật mình:

Có chuyện gì hả bác?

-Không, không có chuyện gì. Họ chỉ lưu ý về khoản kinh phí làm đường và vặn vẹo về khoản dự trù cho cái miếu.

-Em vẫn chưa hiểu.

-Tôi nói vậy thôi, cụ thể thế nào hẳn hôm nay chú sẽ phải giải trình.

-Bác vừa nói cái miếu?

-Họ chỉ vặn vẹo thế thôi chứ chưa nắm được ý đồ đòi lại đất trạm xá của anh em mình. Chú nhớ đấy, đừng phòi ra điều đó.

Bài giãn mặt thở phào:

Bác lấp lửng làm em thót cả ruột, tưởng cô Đương có chuyện gì khuất tất.

Khuếnh đứng dậy ra về:

Chú vẫn chả hay bảo người khôn ăn nói nửa chừng đấy thôi. Mà tính tôi chú biết, chả dại gì tôi làm người ngu.

Khuếnh đi nhanh ra ngõ. Bài nhìn theo rủa:

Đồ đểu!

16-Bài ngồi trong phòng của Thăng. Có cả Toản công an huyện. Thăng đang hỏi:

Những cái đó chúng tôi biết rồi. Anh Bài ạ, chúng ta không lạ gì nhau cả. Anh nên vào thẳng việc đi cho đỡ mất thời gian.

Bài sa sầm mặt:

Vậy thì các anh cứ hỏi. Biết được chuyện gì tôi sẽ trả lời. Mà này anh Thăng, tôi không phải đối tượng hình sự để anh hỏi cung đâu đấy.

Thăng cứng cỏi:

Chúng tôi mời anh với tư cách là người liên quan đến một số việc về trật tự an ninh cũng như sai phạm kinh tế ở làng Kình.

Bài nhún vai:

Tôi đã đến đây, các anh muốn hỏi, muốn làm gì mặc sức. Nhưng tôi e liệu các anh có đúng người đúng việc không đấy.

Thăng bình tĩnh giải thích:

Ban công an xã giải quyết việc này là đúng trách nhiệm và thẩm quyền.

Bài không nói gì. Thăng:

Anh được ông Khuếnh trưởng thôn giao phụ trách thông tin tuyên truyền.

-Đúng thế! Tôi cũng vì làng Kình mà nhận việc thôi chứ béo bở gì.

-Trong thời gian qua, anh đã cho phát một số ý kiến một chiều và có hơi hướng kích động quần chúng nhân dân trên hệ thống loa của chính quyền.

Bài cười nụ:

Tôi làm việc đó theo lệnh của trưởng thôn. Mỗi bài viết phát thanh nào ông Khuếnh cũng trực tiếp duyệt. Ông ta chịu trách nhiệm chứ không phải tôi.

Thăng gật gù:

Tôi đã đoán anh trả lời đúng như vậy. Không sao, nhưng tôi phải nói cho anh rõ. Hệ thống loa truyền thanh là tài sản của nhân dân là công cụ tuyên truyền của chính quyền, không một cá nhân nào có thể lợi dụng nó để phục vụ cho ý đồ riêng của bản thân.

Bài nhún vai:

Các anh hãy nói điều đó với ông Khuếnh. Tôi chỉ giúp việc cho trưởng thôn làng Kình. Tôi không phải là nhân viên văn hóa của xã để nghe các anh dạy dỗ.

-Vậy còn vai trò của anh trong việc bán đất?

-Tôi không có vai trò gì hết. Mà nếu có tôi cũng chỉ là người làm theo lệnh của ông ta.

-Anh nghĩ làm theo lệnh thì không phải chịu trách nhiệm gì hết hay sao?

Bài không còn hoạt khẩu được nữa, phải dừng lại để suy nghĩ. Thăng giục giã:

Anh trả lời đi chứ.

Bài đáp phứa:

Thì các anh cứ quy trách nhiệm cho ông Khuếnh đi. Phần tôi đến đâu, tôi sẽ không từ chối.

Thăng cười:

Anh biết được như thế là tốt. Còn việc làm đường?

-Tôi không hiểu, các anh cứ nói rõ ra.

-Anh nên tự nói ra thì hơn.

Bài nổi khùng:

Này anh Thăng, anh bỏ cái kiểu nói ấy đi. Tôi nhắc lại tôi không phải là tội phạm. Việc đất cát, việc làm đường, cả việc xây miếu nay mai nữa, các anh cứ  hỏi thẳng ông Khuếnh.

Thăng nhẹ nhàng:

Anh Bài, anh bình tĩnh giúp cho. Chúng tôi đang mời anh…

Bài vẫn to tiếng:

Tôi xin kiếu kiểu mời này. Việc làm đường các anh nghe đây, tôi không liếm được một xu nhỏ nào đâu. Nếu có, chắc chắn các anh không đời nào để tôi yên. Còn gì nữa các anh hỏi nốt đi.

Thăng vẫn điềm tĩnh:

Được, tôi nghĩ một lúc nào đó chúng ta sẽ trở lại đề tài vừa rồi. Còn chuyện này, vì sao anh dai dẳng việc kiện tụng đến thế? Lần này chắc anh không đổ tại cho ông Khuếnh nữa.

Bài thoáng rùng mình nhưng trả lời rất nhanh:

Anh đã nói thế, tôi công nhận. Nhưng các anh nhớ cho rằng, lần kiện này, tôi không kiện cho cá nhân tôi.

-Vậy anh kiện cho ai?

-Cho làng Kình.

-Anh cho rằng mình đủ tư cách đại diện cho nhân dân làng Kình?

Bài lại lúng túng:

Tôi không đại diện cho ai hết.

-Anh chả vừa nói anh kiện cho làng Kình?

-Tôi không nói thế, đấy là tôi diễn đạt sai, ý tôi muốn nói là dân làng Kình kiện và tôi chỉ là người chấp bút. Tất nhiên là theo chỉ đạo của trưởng thôn làng Kình.

Thăng cười cười có một thoáng giễu cợt:

Anh lật vấn đề nhanh lắm. Không quan trọng anh Bài ạ. Tôi chỉ muốn nói với anh điều này. Gieo gió ắt sẽ gặp bão. Luật đời là vậy.

Bài nhếch mép:

Cứ việc. Nhưng các anh không phủ nhận được một số nội dung trong đơn là có thật.

Thăng nhìn như xoáy vào mắt Bài:

Cái đó cũ mèm rồi anh Bài ạ. Những chuyện anh nêu ra đều đã được giải quyết. Như việc anh Chuông dạo còn làm chủ nhiệm hợp tác.

Bài trở lại ngạo mạn:

Anh đọc lại đơn đi. Chúng tôi kiện chính cách giải quyết ấy. Không lý gì một cán bộ hợp tác bị thanh tra, bị xử lý kỷ luật lại được thuyên chuyển sang vị trí cao hơn.

Thăng dằn giọng:

Anh đang vu khống đấy!

-Còn nữa. Mấy vị lãnh đạo xã khóa đó, tại sao lại được hạ cánh an toàn. Người về nghỉ đã đành nhưng đáng nói là tay Bút, tay Cao đều được cất nhắc lên huyện, thậm chí lên tỉnh công tác. Nhưng cái chính là những vấn đề mờ ám trong việc sử dụng quỹ đất 2 của xã.

Thăng hình như cũng không cần kìm nén nữa, giọng của anh không giấu được sự khinh bỉ:

Bụng dạ anh thật hẹp hòi. Tôi vẫn nghĩ anh chỉ là người thất cơ nên mang lòng oán trách mọi người nhưng không phải.

Thăng dừng lại như để lấy sức:

Tâm địa anh vô cùng xấu xa. Những gì người dân vẫn nói về con người anh hoàn toàn chính xác.

Bài bất ngờ về thái độ của Thăng:

Anh xúc phạm tôi.

Thăng đứng dậy giọng vẫn căng như liên thanh:

Anh về đi. Hy vọng đây không phải lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Nhân thể tôi cũng nói để anh biết. Quan hệ của anh với cô Đương…

Bài tức tối đứng phắt dậy, cắt ngang:

Đó là quan hệ cá nhân thuộc về sinh hoạt các anh không được quyền can thiệp.

Thăng cười:

Quan hệ cá nhân nhưng dính vào tập thể thì thế nào hở anh Bài?

Bài ngẩn ra không nói được.

17-Nhà Bát. Bát chuẩn bị xe đạp để đi. Vợ Bát mặt rầu rầu:

Ông lại lên xã đấy à?

Bát ngạc nhiên:

Bà này sao vậy?Đang dưng lại dở chứng, xã huyện cái gì tôi đi thị trấn có việc.

Vợ Bát dằn dỗi:

Vâng, tôi dở chứng. Ông có bao giờ thèm để ý vợ ông, con ông bệnh gì, chứng gì đâu.

Bát dựng xe lộn lại vào trong nhà:

Có gì thì bà nói đi.

Vợ Bát ngồi đối diện với chồng:

Ông không nghe trong làng, ngoài xóm người ta nói gì thật à?

-Tôi không quan tâm.

Vợ Bát rền rĩ:

Lại còn thế nữa. Sống trong làng, sang ngoài nước, vậy mà ông lại bảo không cần biết. Sao lại có người đời như thế.

Bát sốt ruột:

Tôi đang vội, có gì bà nói nhanh đi.

-Người ta đang chửi ầm lên điếc cả tai kia kìa.

-Bà xót ruột vì không được tiền đất như người khác thì cứ nói thẳng đừng quanh co nữa.

-Không phải chuyện ấy. Người làng chửi ông vì họ sợ phải thu hồi tiền đất. Sau cái đận huyện về thanh tra, ai cũng bảo ông là người đầu têu rước họa về làng.

Bát ngồi lặng đi, mãi sau mới lẩm bẩm:

Lại tay Khuếnh đây mà, hiểm độc thật.

Vợ Bát tiếp tục chì chiết:

Người ta có thế nào thì cũng được dân làng ca ngợi. Còn ông thì làm được gì nào, chỉ khổ vợ, khổ con.

Bát gầm lên:

Bà im đi.

-Vâng, tôi im. Chẳng cần nói thì ông cũng biết. Thằng Bường đấy, nếu không phải vì ông rước về thù hằn thì đời nào thằng con rể tương lai của ông lại bị đánh dã man như vậy.

Bát ôm lấy đầu, giọng khổ não:

Thôi đi, đừng nói nữa…

Vợ Bát ngập ngừng, ánh thương xót hiện trong mắt bà:

Tôi xin ông đấy, đừng làm gì nữa. Người dân làng Kình đã khổ nhiều rồi, các ông đừng làm họ khổ thêm.

Người Bát rũ như một tàu lá.

18-Chuông, Phừng đang ở trong phòng làm việc. Chuông:

Tôi linh cảm có chuyện gì đó quan trọng nên huyện mới triệu tập thường vụ đột xuất như vậy.

Phừng ngẫm nghĩ:

Chắc vẫn cái chuyện kia thôi.

-Biết vậy nhưng không hiểu sao tôi cứ thấp tha thấp thỏm.

Cả hai chợt nhổm người. Ngoài sân chiếc xe con chở chủ tịch huyện đang vòng vào. Chuông và Phừng đi ra. Chủ tịch huyện cùng thanh tra Thập bước xuống. Chuông, Phừng chạy ra đón. Trông thấy hai người, chủ tịch huyện nói ngay:

Ta họp luôn, tôi chỉ tranh thủ có rất ít thời gian.

Mọi người bắt tay nhau. Phừng:

Mời các anh vào phòng họp ạ!

Chủ tịch huyện xăm xắm đi nhanh vào phòng. Chuông nán lại phía sau dò hỏi Thập:

Có chuyện phải không anh?

Thập gật đầu mặt rất buồn.

19-Dinh đang lững thững đi từ chợ Đông ra thì gặp Hoa ngồi sau xe máy về làng. Hoa gọi rối rít:

Dinh, Dinh…

Chiếc xe máy dừng lại. Hoa nhảy xuống, lỉnh kỉnh túi xách. Dinh đỡ hộ bạn đồ đạc:

Sao lại nghỉ ngang hông thế này?.

-Tranh thủ ấy mà. Được nghỉ mấy hôm.

Hoa quay sang người lái xe ôm trả tiền:

Cảm ơn anh!

Người xe ôm phóng đi ngay. Hoa lấy bớt lại cái túi:

Đi bộ một đoạn cho khỏe.

Dinh thắc mắc:

Sao bảo mới có người yêu, lại vẫn phải đi xe ôm?

Cho rớt rồi, mấy nghìn xe ôm đỡ bận người.

Thấy mặt Dinh ngẩn ra, Hoa cười khinh khích:

Đùa đấy, chàng đi công tác.

-Con nỡm, làm tao tưởng thật. Nhà chị tinh vi vừa thôi, dễ gì kiếm được người yêu hàng tỉnh.

Hoa bĩu môi:

Hàng tỉnh thì cũng là người, cũng hai tay, hai chân, hai mắt. Cốt tử tế là được.

-Hôm nào cho chàng về ra mắt đây?

-Để xem đã. Với lại cũng phải biết có chắc chắn không.

-Nhà chị đúng là được voi đòi tiên.

Hai ngừơi đi ngang qua quán của Lương. Khoái đang ngồi với Cò và Cử, nhác thấy Hoa và Dinh, Khoái vội quay mặt. Cò nói khích:

Ân hận lâu thế, hay là sợ bà chị họ?

-Còn khuya nhé, chẳng qua tao không muốn dây thôi.

-Mày quên bác Khuếnh đã lệnh như thế nào à?

Khoái không thèm trả lời, ưỡn ngực, vênh mặt, gào to:

Ê, vào làm choác bia bà chị, cả em Hoa xinh đẹp nữa.

Hoa và Dinh nhìn vào. Đám kia cười hô hố. Dinh khinh bỉ:

Đồ giẻ rách!

Tiếng của Cử:

Giẻ rách cũng tươm bằng mấy bọn làng Kịch nhé!

Dinh dừng phắt quắc mắt định quay lại. Hoa  vội kéo Dinh đi:

Chấp họ làm gì.

Đám Khoái vẫn cười hô hố. Hai người đi qua. Dinh bực bội:

Mày không biết đấy thôi, làng bây giờ loạn lắm, nảy nòi ra một lũ mất dạy. Hôm trước bọn thằng Khoái chặn đường đánh anh Bường nhà tao.

-Sao lại thế?

-Vẫn tích cũ diễn lại, mày còn lạ gì. Tất cả từ ông chú họ của tao ra hết.

Mặt Hoa đanh lại.

20-Phòng họp ủy ban xã. Đủ mặt năm vị thường vụ. Chủ tịch huyện đang nói:

Sự việc của làng Kình lẽ ra không trở nên cách rách như hiện nay, nếu như các đồng chí chủ động ngăn chặn từ đầu. Đó là môt điều đáng tiếc.

Phừng phát biểu:

Báo cáo đồng chí chủ tịch huyện chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm…

Chủ tịch huyện cắt ngang;

Giờ chưa phải lúc nói chuyện đó, quan trọng là khắc phục hậu quả.

-Vâng! Chúng tôi cũng đang rất sốt ruột.

Chủ tịch huyện:

Mặc dù đã có kết quả thanh tra, song chúng ta vẫn thực sự lúng túng trong cách giải quyết. Cần phải thấu lý đạt tình trong chuyện này.

Chuông:

Chúng tôi đang đợi chỉ đạo của huyện. Tôi nghĩ cũng không có cách nào khác như đề xuất của thanh tra huyện.

Chủ tịch huyện:

Lý là vậy, nhưng liệu các đồng chí có đảm bảo thu hồi đủ số tiền đã phát cho dân?

Chuông lúng túng :

Việc này … Việc này …

-Đấy, khó ở chỗ đấy, nếu không thu hồi đủ tiền, thì làm sao có thể lấy lại được đất từ công ty Sơn Phần.

Phừng chen vào:

Báo cáo chủ tịch nhưng việc mua bán đó…

Lại chủ tịch huyện cắt ngang:

Vẫn biết việc mua bán đó là trái pháp luật nhưng chúng ta cũng không dễ xử lý.

Chuông thắc mắc:

Sao lại thế ạ?

Chủ tịch tỉnh nhẩn nha giải thích:

Sơn Phần là một doanh nghiệp mạnh của tỉnh. Tất nhiên dù họ là ai cũng phải tuân thủ luật pháp nhưng thử hỏi liệu chúng ta có làm thẳng băng như thế được không.

Mấy cán bộ xã nhìn nhau. Chủ tịch huyện trầm giọng xuống:

Tôi không giấu, đã có tác động của một vài cán bộ chủ chốt của tỉnh về vấn đề này, chưa kể từ cái nảy sảy cái ung, đã kéo sự việc đi quá xa.

Chủ tịch huyện ngừng lời nhìn lướt một lựơt rôì tiếp tục:

Các đồng chí đã biết rồi, không dừng ở việc mua bán đất, nhiều đơn kiện nội bộ ở Kình Hợp đã được gửi đến huyện và tỉnh. Vì sao có chuyện đó?

Chuông trả lời:

Báo cáo đồng chí, việc đơn từ này chúng tôi đã báo cáo rõ. Đó chính là những ngón đòn của trưởng thôn làng Kình hòng lấp liếm việc bán đất.

Chủ tịch huyện phẩy tay như quyết định:

Lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo. Thực sự tôi thấy khó khăn trong cách giải quyết. Trước mắt có lẽ việc cần làm ngay là ổn định những vấn đề nội bộ.

Bên ngoài phòng họp, Văn thư ký ủy ban đang lảng vảng gần cửa sổ. Mặt anh ta căng thẳng tột độ. Văn không hay biết Thăng trưởng công an xã đi đến từ phía sau. Thăng e hèm khiến Văn giật nảy mình. Văn vội chống chế:

Em đang định gọi anh Chuông, có điện thoại.

Ai gọi?

Văn hơi lúng túng:

-Dạ, dưới làng Kình ạ. Hình như là ông Khuếnh.

Họ có nói gặp về việc gì không?

-Không!

-Vậy đừng gọi nữa, bảo ông ấy lúc khác.

-Vâng!

Văn lật bật đi ngay. Thăng nhìn theo nghi ngờ. Anh đi theo Văn về phòng. Văn vào trong phòng, thở dốc vớ lấy bình nước lọc rót uống òng ọc. Thăng đứng ngoài liếc vào. Chiếc máy điện thoại không hề được nhấc tổ hợp. Một thoáng lưỡng lự, Thăng bỏ đi.

Trong phòng họp, chủ tịch huyện kết luận:

Các đồng chí còn ý kiến gì không?

Chuông bức xúc:

Tôi vẫn không hiểu tại sao chúng ta lại phải tế nhị trong cách giải quyết. Nội dung những đơn kiện hoàn toàn là vu khống, bịa đặt.

Chủ tịch huyện cười:

Nhưng có phải ai cũng hiểu thế đâu. Càng không thể bỏ qua đơn từ khiếu nại được. Đó là nguyên tắc của dân chủ.

Chuông không chịu:

Vấn đề nêu trong đơn đã được xã và huyện giải quyết dứt điểm từ lâu.

Chủ tịch huyện vẫn cười cười đấu dịu bức xúc của Chuông:

Cái đó thì tôi biết rồi.

Chuông dấn tiếp:

Tôi e rằng nếu chúng ta chậm trễ xử lý, những kẻ làm sai sẽ được đà làm tới và tình hình làng Kình sẽ còn diễn biến phức tạp hơn.

Chủ tịch huyện gật đầu:

Tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm với những bức xúc của các đồng chí. Chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm. Nhưng giải quyết cách nào cũng nên tính toán cho thận trọng.

Mọi con mắt cán bộ xã dồn vào chủ tịch huyện:

Hiện tại huyện còn vướng bận nhiều việc quan trọng, thí dụ như giải quyết những sai phạm ở khu công nghiệp Văn Sa, ở Hợp Lực. Việc ở làng Kình, các đồng chí nên bám vào dân, làm tốt công tác vận động quần chúng.

Chuông vẫn chưa chịu:

Vậy thì biết bao giờ chúng tôi mới ổn định được tình hình?

-Cái đó xã phải tự giải quyết. Tôi nhắc lại, các đồng chí làm gì thì làm, cần tránh những ầm ĩ không đáng có. Đấy cũng là chỉ đạo của tỉnh, của huyện.

Phòng họp lặng phắc không một tiếng động. Chủ tịch huyện đứng dậy:

Chúng ta kết thúc ở đây. Tôi lại phải đi Văn Sa bây giờ đây. Tình hình dưới đó mới thực là căng thẳng.

Chủ tịch huyện bắt tay mọi người đi ra xe. Chuông ra sau cùng. Bất ngờ Chuông đấm mạnh tay vào tường. Khuôn mặt Chuông đầy bất lực.

21-Khuếnh đang cùng Bài ở nhà. Khuếnh:

Không thể tự nhiên chủ tịch huyện lại xuống đột xuất như thế đâu. Chú có thông tin gì mới không?

Bài lắc đầu:

Không bác ạ!

Khuếnh chép miệng:

Cái thằng Văn ăn hại đến thế là cùng. Lúc cần việc thì bặt vô âm tín.

-Cũng không trách được nó. Chân thư ký quèn sao có thể chuyện gì cũng biết được.

Khuếnh đăm chiêu suy nghĩ. Bài dắng dẻ:

Cứ theo cung cách thằng Thăng rắn với em hôm trước, có lẽ đận này họ sẽ làm mạnh bác ạ.

-Tôi cũng nghĩ thế.

Cả hai cùng im lặng. Vẫn là Bài lên tiếng trước:

Em bắt đầu thấy hôn hốt.

Khuếnh nói không nhìn Bài:

Bụng chú thế nào tôi biết. Hốt thì hốt nhưng chú cứ vin vào cái lý nép bóng cây tùng, đội nón quai thao thì lo gì mưa nắng đúng không?

-Bác đừng hiểu lầm em như vậy. Trạng chết chúa cũng băng hà. Anh em mình bây giờ tuy hai mà một.

-Cảm ơn chú. Tôi biết chú là người trước sau nhất mực thủy chung.

Bài gạt đi:

Giờ là lúc nào mà bác cứ viển vông chuyện tình nghĩa. Em thực sự thấy lo lắng trước tình cảnh hiện nay.

-Chú nói đi.

-Bác nghĩ mà xem ví thử họ quyết liệt truy thu tiền, đòi lại đất, chúng ta  khó thoát được tội.

Câu nói của Bài như chạm đúng nỗi niềm của Khuếnh. Ông ta nhìn Bài cám cảnh:

Chú nói vậy là thật lòng. Tôi cũng không giấu, chú lo một thì tôi lo mười. Họ đã cố tình như vậy thì ta cũng không còn gì để mất.

-Bác định làm gì nữa? Kiện cáo đủ kiểu rồi, thêm cả dọa nạt  răn đe, lý không thuộc về mình thì cũng vậy thôi.

Khuếnh cười nhạt:

Vậy tôi với chú khăn áo qủa mướp, tự trói tay xin hàng là được chứ gì?

Bài lặng thinh. Khuếnh vỗ vai Bài:

Tôi hiểu tâm tư chú. Cứ than thân trách phận đi cho nó nhẹ lòng. Tôi nghĩ ta chưa phải đã cùng đường đâu. Còn nước còn tát chú Bài ạ.

-Nước còn thì nói làm gì, em sợ chả đào đâu ra nước để mà tát.

Khuếnh vụt trở lại vẻ mặt thâm hiểm thường nhật, môi mím lại cực kỳ nanh ác:

Chú nhầm. Tôi chưa đầu hàng đâu. Làng Kình này chẳng thể yên được. Phải bắt đầu từ thằng Bát…

Khuếnh bỏ dở câu nói, mắt ngầu lên khiến Bài rùng mình.

Hết tập 8

Entry filed under: Kịch bản phim truyện.

Người rong ruổi sau tay lái Gió làng Kình- 9

18 bình luận Add your own

  • 1. mua thu ha noi  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 5:20 chiều

    The nay co phai Tem khong a ?

    Trả lời
  • 2. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 8:22 chiều

    Nhà tôi chật hẹp ít người không có ai tên là Tem. Khe…khe…

    Trả lời
  • 3. meogia  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 8:37 chiều

    Co nguoi ten la PI – EN- TI thoi phai khong a?

    Trả lời
  • 5. mèo con  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 10:14 chiều

    Meo meo, bác Tiến có nhiều tên quá

    Trả lời
  • 7. mèo con  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 10:14 chiều

    Lại chờ đọc Gió làng Kình từng ngày một, ngao ngao

    Trả lời
    • 8. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 11:20 chiều

      Thấy có vẻ không hào hứng đang định post nốt cả mẻ mấy chục tập đây.

      Trả lời
  • 9. mèo con  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 10:15 chiều

    Giá mà đọc kèm tý cá rán thì tuyệt cú mèo

    Trả lời
  • 10. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 13, 2009 lúc 11:21 chiều

    Tui tiểu đường kiêng mỡ nên ko bao giờ có cá rán. Huhu

    Trả lời
  • 11. xuanhoa30869  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 7:42 sáng

    bác kiêng nhiều thứ quá,mà ở đây thì mèo lại nhiều!chán!
    tại sao MTHN lại bảo bác giận tụi em?tụi em lúc nào cũng ngập tràn yêu thương và kính trọng bác mừ?

    Trả lời
    • 12. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 8:07 sáng

      Tui sao lại giận được. Mà có biết ai với ai đâu mà giận với chả dỗi. Chắc là MTHN chọc vui đó.
      Không kiêng thì tui chết liền à!

      Trả lời
  • 13. meogia  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 7:59 sáng

    @meocon: Ủa mà có meocon nào nữa đây, 8x hay 9x mà ngao ngao đòi ăn cá rán thế?
    @PNT: Bác yên tâm đi! cứ post lên là có người đọc mà!

    Trả lời
  • 14. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 8:09 sáng

    Mèo cả đàn thế này nhưng tinh mèo…ảo. Nghĩ cũng khiếp.

    Trả lời
  • 15. meogia  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 8:30 sáng

    Em mèo thật bác PNT ơi! Không tin bác cứ thử hỏi ….con em, nó cũng gọi em là mèo… hehehe!

    Trả lời
  • 16. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 9:10 sáng

    Thế gặp con em ở đâu mà hỏi. Lạy giời mưa xuống lấy nước tôi uống…Đầu tuần thế này là vui rồi. Khe…khe…

    Trả lời
  • 17. MuaThuHaNoi  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 10:34 chiều

    “Mèo cả đàn thế này nhưng tinh mèo…ảo”. Meo ao nhung ma “ham mo” la that do bac T

    Trả lời
  • 18. Phạm Ngọc Tiến  |  Tháng Chín 14, 2009 lúc 11:05 chiều

    Nhất trí cao! Ảo thật. Thật ảo. Khe…khe…

    Trả lời

Gửi phản hồi cho Phạm Ngọc Tiến Hủy trả lời

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Tháng Chín 2009
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
282930  

CHÀO KHÁCH

free counters